Tôi là J, một nhà văn tập sự. Tôi đã được xuất bản một cuốn và đang manh nha viết cuốn tiểu thuyết thứ hai. Tôi cũng là một độc giả cuồng nhiệt của nhà văn Frz. Những cuốn sách của Frz đã cứu rỗi cuộc đời tôi, tựa như ngôi sao mai rực sáng giữa màn đêm u tối. Tôi đắm chìm vào chúng, say đắm chúng. Tôi nhai chúng như nhai một miếng thịt thơm ngon, tôi uống chúng như uống một ly vang đỏ thơm mùi máu. Truy nhiên càng đắm chìm vào thế giới của Frz, tôi càng thấy có gì bí ẩn trong đó. Trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng mang màu sắc phi lý như thế giới của những người plastic vặn dây cót, nhân vật chính K đang đứng trước cái chết thì nhà văn qua đời. Cuốn sách như một bức tranh dang dở khiến cho tôi không khỏi suy nghĩ về nó. Rút cục thì Frz sẽ viết cái kết ra sao? Và rồi tôi tự hỏi Frz thực sự là ai? Ông là người như thế nào? Ông đã nghĩ gì khi viết lên câu chuyện về thế giới của những người plastic vặn dây cót đó?
Tất cả những tài liệu tôi đọc về Frz đều quá qua loa. Một vài bức ảnh đen trắng trông như chụp từ thời thế chiến – cái kiểu ảnh để trong dây chuyền mà những người lính nắm trong tay trước khi bị bom nổ mất xác. Frz là một nhà văn Do Thái vô danh sinh ra ở cuối thế kỷ 19, từng đi lính trong đệ nhất thế chiến và may mắn thay, chết trước khi đệ nhị thế chiến bắt đầu. Toàn bộ người thân, bạn bè của ông đã bị bọn Đức quốc xã giam hãm trong các trại tập trung, và quá nửa chết trong chốn địa ngục ấy. Để tìm hiểu về ngôi sao mai của mình, tôi đã bắt một chuyến xe lửa tới vùng quê nơi ông sinh sống. Đó là một ngày mùa đông tuyết phủ trắng xóa năm 1949. Tôi không quên mang theo một vali chất đầy sách của Frz.
Khi tôi tới nơi thì trời đã tối rồi. Tôi nghỉ lại một nhà nghỉ nho nhỏ bên vệ đường. Cơn mưa tuyết đã nhanh chóng trở thành một cơn bão. Gió rít qua khe cửa từng hồi. Trong ánh lửa lò sưởi ở một vùng quê Đông Âu, tôi gặp đôi chút rào cản về ngôn ngữ. Thứ tiếng Anh bồi của họ nghe rất khác biệt với giọng Anh của một người Châu Á như tôi. Vì ngôi làng này là nơi mà hồi xưa Frz sinh sống, tôi liền hỏi người chủ quán về Frz. Nhưng câu trả lời tôi nhận được lại là không ai biết Frz là ai.
Tình trạng đó tiếp diễn suốt 5 ngày trời, khi tôi đi khắp nơi trong ngôi làng nhưng không ai biết Frz là ai cả. Họ là những con người cần mẫn, chỉ chuyên tâm làm việc của mình. Họ thậm chí còn không hỏi lại tôi, hay nói với tôi thêm một lời nào quá những gì mà tôi hỏi họ. Lần tìm theo những tài liệu về Frz, tôi tìm đến một ngôi nhà gỗ ở cuối làng – nơi mà tôi tin rằng Frz đã qua đời ở đó.
Tôi gõ cửa, một người phụ nữ mù mở cửa. Chúng tôi vào trong nhà, tôi giới thiệu mình là người hâm mộ của Frz. Người phụ nữ mù không nói gì cả, đi vào trong bếp. Tiếng máy xay cà phê kêu rừ rừ. Tôi ngồi đó mà không biết nói gì, không gian bỗng trở nên yên tĩnh một cách kỳ cục. Tôi liền đứng dậy, đi loanh quanh trong nhà, ngắm nghía vài thứ. Và tôi thấy bức di ảnh của Frz. Điều ấy làm tôi càng thêm chắc chắn đây chính là ngôi nhà của Frz, nhưng người phụ nữ mù kia là ai?
Người phụ nữ mù đi ra, mang theo một tách cà phê nguội lạnh. Tôi nhận lấy, dĩ nhiên không thể nào uống nổi, bèn để lên mặt bàn. Tôi hỏi người phụ nữ rằng cô ta có quan hệ như nào với Frz nhưng người phụ nữ không nói gì cả. Phải chăng cô ta cũng bị câm? Cô ta lôi ra cuốn sách cuối cùng của Frz, cuốn sách về những người plastic vặn dây cót, và chỉ vào ảnh vẽ nhân vật K ở ngoài bìa. Ý cô ta là gì? Tôi không hiểu.
Đêm hôm ấy, người phụ nữ mù đem cho tôi một đống giấy tờ mà khi xem tôi mới biết đó là thư từ, nhật ký của Frz. Tôi mừng rỡ, thắp nến lên xem. Một đêm lạnh giá, ngoài kia mưa phùn gió bấc còn trong này, tôi đang trùm chăn kín mít, lật giở từng nét chữ của Frz. Đó là nhà văn mà tôi luôn ngưỡng mộ. Cuộc đời của ông. Của ánh sao mai. Của một bộ não kỳ dị và vĩ đại. Tôi đọc từ đầu đến cuối, đọc không màng thời gian, đọc không màng giấc ngủ. Cho tới khi tôi đọc tới những dòng cuối cùng của cuốn nhật ký…
“Ngày 3 tháng 6 năm 1924, có lẽ đây là cái kết cho cả bộ truyện. K sẽ chết. Nhất định phải như thế. Đêm nay, mình phải viết xong cuốn sách này. Này K, người bạn nhân vật của tôi. Đừng giận tôi nhé, đây là cái kết bắt buộc dành cho cậu. Chỉ có cậu mới làm được điều đó, cậu chết đi mà đem đến ý nghĩa cho những người đọc. Họ sẽ tiếc thương cậu, nhưng thấm nhuần ý nghĩa của cả bộ truyện hơn. Tạm biệt K!”
Nhật ký kết thúc ở đó. Vậy là Frz đã quyết định sẽ để cho K ra đi. K sẽ chết vào hồi cuối của câu truyện. Vậy nhưng K chưa chết thì Frz đã chết. Thật tội nghiệp, Frz của tôi.
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy. Cơn bão tuyết đã ngừng, nhưng lại khiến tuyết phủ dày trên đường, không sao ra ngoài được. Tôi cảm thấy đói, bèn đi tìm người phụ nữ mù để hỏi xem có gì ăn không. Nhưng tôi không thấy người phụ nữ mù đâu cả. Tôi đã tìm khắp nơi, người phụ nữ biến mất như chưa từng tồn tại. Ngoài tuyết cũng không có dấu chân nào cả. Nếu ra đi, có lẽ cô ta đã đi vào đêm qua, khi trận bão tuyết kinh hoàng đang đổ bộ. Không ai điên rồ mà ra đi trong thời tiết đó, cũng chẳng có ai đi trong đó mà toàn mạng trở về. Đang mông lung suy nghĩ thì tôi thấy quyển sách có hình K ngoài bìa để trên bàn, bên cạnh cốc cà phê nguội lạnh. Tôi chợt nhận ra hình vẽ ngoài bìa, K là một người đàn ông nhưng xuyên suốt tác phẩm, Frz không miêu tả một chút gì về giới tính của K cả. Bên cạnh hình ảnh của K, trên bìa sách còn có một dòng chữ màu đỏ: “Tôi đã giết Frz!”
Kể từ đó trở đi, tôi không bao giờ viết được cuốn tiểu thuyết nào nữa.
Tác giả: ĐA-ĐA