Émile Ajar – Quấn-Quít: Nỗi cô độc giữa lòng đại đô thị

“Anh ơi đọc hộ em quyển này với” – Đó là cách mà tôi đến với Quấn-Quít, từ một cô bạn của bạn của tôi. Quấn-Quít (Gros-Câlin) là một tác phẩm đặc biệt được nhà ngoại giao Pháp Romain Gary viết dưới bút danh Émile Ajar. Người ta chỉ biết đến điều đó trong bức chúc thư sau khi ông đã tự vẫn. Không hiểu sao, tôi luôn có ấn tượng đặc biệt với những người nghệ sĩ tự vẫn. Romain Gary, Ernest Hemingway, Vincent Van Gogh, Dazai Osamu… Dưới vỏ bọc Émile Ajar, Romain Gary như được thoát mình khỏi những trách nhiệm mà cái tên Romain Gary phải gánh vác, thoải mái thể hiện mọi suy tư, trầm ngâm, góc nhìn và nỗi âu lo của tác giả về đời sống, xã hội.

Hình ảnh có liên quan

Nguồn ảnh: Danongmagazine

Quấn-Quít không phải một tác phẩm dễ đọc, chắc chắn là thế. Và bản thân tôi cũng không dám khẳng định hiểu được cuốn sách này, hay bao nhiêu % của tác phẩm ấy, nhưng những cảm nhận dưới đây là tự tôi rút ra sau khi đọc xong Quấn-Quít.

Câu chuyện xoay quanh một người đàn ông Pháp da trắng, tên là Cousin, sống trong một căn hộ với một con trăn tên là Quấn-Quít. Cousin làm việc trong một văn phòng thống kê với chiếc máy tính IBM, yêu thầm cô đồng nghiệp da đen tên là Dreyfus và đã từng không ít lần nghĩ đến chuyện kết hôn với cô.

Vậy nhưng Cousin lại là một anh chàng kỳ lạ mà khi đọc đến, tôi liên tưởng đến “Người trong bao” của Anto Chekhov. Tuy nhiên cái bao của Cousin không giống với cái bao của Belikov – cái bao bảo thủ của lối sống mẫu mực Bolshevik và xã hội Soviet lúc bấy giờ, cái bao của Cousin lại là một cái bao cô độc ngăn cách anh với thế giới loài người.

Cousin có một khả năng lý luận cao, đủ để hợp lý hóa mọi thứ, ít ra là thuyết phục lý trí của mình. Dưới góc nhìn của Cousin, xã hội đại Paris là một đám đông ồn ào và lắm chuyện, thường xuyên kỳ thị, tọc mạch, gây khó dễ cho anh bởi anh nuôi một con trăn. Cousin tựa như một con người nguyên thủy, ưa sống trong tự nhiên nhưng lại lạc giữa một đại Paris hiện đại với toàn người là người. Này nhé, anh ta ghét phải ra ngoài mà chỉ thấy hạnh phúc khi ở trong nhà của mình, anh ta ghét tiếp xúc với đồng nghiệp mà chỉ thấy ấm áp khi được con trăn của mình ôm ấp, và đỉnh cao của sự đối lập ấy, đó là hai hình tượng máy IBM và con trăn. IBM tượng trưng cho máy móc, lối sống hiện đại, một lối sống mà với Cousin là tẻ nhạt, cứng nhắc, nhàm chán, lệ thuộc còn khi trở về với chú trăn Quấn-Quít, Cousin cảm nhận được sự yêu thương.

Kết quả hình ảnh cho office boring

Cũng bởi vậy, không lấy gì làm lạ khi Cousin là một anh chàng cô độc và bản thân anh ta cũng nhận ra điều này. Anh ta ngưỡng mộ một ông giáo sư ở tầng dưới nhưng chỉ đứng trước cửa nhà ông và ngắm nhìn khiến ngài giáo sư khó chịu. Anh ta thường lui tới một cha xứ – người đã tặng anh Quấn-Quít nhưng khi trái ngược về quan điểm, anh đã nổi quạu. Anh yêu thầm cô Dreyfus mà chẳng dám nói ra. Và bởi vậy, Cousin càng thân thiết với chú trăn của mình hơn. Anh tin rằng những khi chú trăn cuộn mình ôm ấp, đó là bởi tình yêu của con trăn dành cho chủ, là sự cọ sát xác thịt khiến cơ thể bớt đơn độc, trống trải hơn. Cũng bởi vậy anh gọi chú ta là Quấn-Quít nhưng lại bị người xung quanh lấy cái tên ấy gọi anh, khiến anh vô cùng khó chịu.

Anh khó chịu với một bà già nuôi vẹt tỏ ra cao sang trên toa tàu, anh khó chịu với đám hàng xóm gọi anh là Quấn-Quít, anh khó chịu với đám cảnh sát xăm xoi giấy tờ nuôi trăn của anh, và anh khó chịu với đám đồng nghiệp tọc mạch, khinh thường mình. Có thể nói với con người, Cousin khó chịu với cả xã hội trừ Dreyfus?

Tại sao vậy? Thì bởi, Cousin là một con người nguyên thủy, yêu mến thiên nhiên. Anh ghét máy IBM, nhưng cũng ghét tâm lý đám đông của con người. Họ là những kẻ chăm chút một giống loài nhại lại ngu ngốc như vẹt, nhưng lại kinh sợ một động vật ăn thịt vì tự nhiên khắc nghiệt như trăn, một loài động vật biết ôm ấp, vỗ về chủ của mình khi người cần nó. Họ là những kẻ bàn tán xì xào nói xấu sau lưng nhưng khi chỉ có hai người ngồi trên một cái toa tàu, họ chẳng nói với nhau câu nào cả. Và cũng bởi vì cái sự nguyên thủy của mình, là một anh chàng da trắng, Cousin vẫn yêu cô Dreyfus da đen, không dám thổ lộ vì sợ cô sẽ cảm thấy tự ti, tổn thương trước tình cảm của mình. Với Dreyfus, mọi loài động vật đều bình đẳng, và giống tộc giữa con người cũng vậy. Thậm chí với anh chàng, những cô đĩ thơm cũng có cái giá của mình vậy.

Kết quả hình ảnh cho black woman

Lại nói về tình yêu của Cousin với Dreyfus, ở đó ta bắt gặp một tình yêu ngây thơ, trong sáng, nguyên thủy, có phần hơi kỳ dị của mối tình đầu. Cousin thường chỉ tiếp xúc với Dreyfus tại thang máy công sở mỗi sáng, anh cố gắng đến sớm để đợi thang máy cùng cô và chỉ ao ước có một lần thang máy hỏng để chỉ mình anh với cô ở trong đó. Một tình yêu khờ dại và ngốc nghếch. Sau chuỗi ngày đằng đẵng tưởng như không bao giờ kết thúc ấy, bất ngờ Dreyfus ngỏ lời tới thăm chú trăn Quấn-Quít vào một buổi tối cuối tuần. Cousin đã vui mừng hết sức, chuẩn bị chu đáo cho bữa tối ngọt ngào với đôi khăn giấy gấp hình trái tim và hoa huệ chuông tỏa hương cho 2 người. Thế nhưng lần này, cô Dreyfus lại làm Cousin thất vọng. Cô không đi một mình mà đến cùng vài người đồng nghiệp, điều này khiến cho Cousin vô cùng khó chịu. Mấy tay đồng nghiệp xồng xộc vào bếp, và dù là đến với lý do thăm chú trăn Quấn-Quít, chúng chẳng thèm liếc nhìn chú trăn đang quấn mình một góc ở phòng khách. Dường như chúng tới đây chỉ là muốn xem xem tay lập dị Quấn-Quít sống như thế nào, và khi thấy đôi khăn giấy gấp hình trái tim thì đó chính là một kho vàng để chúng khai thác. Khi ra về, Cousin còn nghe rõ tiếng chúng nhiếc móc anh khi đứng đợi thang máy, nhưng có sau, anh quen rồi.

Sang ngày hôm sau, Cousin tới cơ quan với một bó hoa violet tặng cô Dreyfus như một lời tỏ tình và cầu hôn. Nhưng anh không gặp cô ở thang máy, cũng không gặp ở văn phòng. Anh cứ ôm bó hoa đi mãi, đi mãi cho tới khi vào đến phòng của giám đốc và được thông báo cô Dreyfus đã nghỉ việc để về Guyane. Thực sự đây là một đoạn mà anh chàng Cousin đáng thương vô cùng. Anh như một gã ngốc bị mắc kẹt giữa thang máy và được thông báo rằng thang máy đã hỏng vô thời hạn. Anh như kẻ mất hồn, chẳng suy nghĩ được gì nữa, đến mở cửa cũng không. Tay anh cứ loay hoay cái nắm đấm cửa, tâm trí nghĩ về sự tiếc nuối mà lại đẩy toàn bộ sang cái tay đấm cửa: “Nó cứ trơn tuột khỏi tay, cái của nợ này, ta không có chỗ tì”

Rồi thì, anh ôm nguyên bó hoa mà bắt chuyến tàu đến căn hộ nhà cô Dreyfus, nhưng vô nghĩa. Tuyệt vọng, anh chàng Cousin lại đi tìm mấy cô đĩ thơm để giải tỏa, nhưng cô đĩ thơm lại càng làm anh xót hơn. Đó là cái xót của xà phòng vào phần hậu như anh ta nói? Không, tôi nghĩ rằng đó là cái xót xa, và bởi vậy anh đã bỏ đi mà chưa kịp làm gì, cũng chẳng thèm nghĩ tới chuyện đó.

Anh bỏ sang một nhà thổ khác và trong ba cô gái bước ra, điều bất ngờ và kỳ dị nhất đã xảy ra: cô Dreyfus. Nếu là chúng ta, chắc hẳn chúng ta sẽ giận sôi máu khi nhìn thấy người phụ nữ mình yêu thương vô cùng đứng trong nhà thổ, nhưng với Dreyfus, anh lại hạnh phúc vô cùng vì cuối cùng cũng đã tìm thấy cô. Thậm chí anh còn cố tỏ ra không ngạc nhiên để Dreyfus không tổn thương vì nghĩ rằng anh đã thay đổi tình cảm khi biết cô làm đĩ. Và vậy là anh với cô quan hệ như người khách và người đĩ. Dù vậy, đó lại là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời anh. Anh được cô “rửa khu” cho và mút ti, và quan hệ, và ôm ấp. Trong giây phút nghẹn ngào ấy, anh mở lời cầu hôn ý nhị và nhận được một lời từ chối “vì sự tự do”.

Sau ngày hôm ấy, Cousin trở về nhà và có một sự biến đổi lớn nơi anh. Anh quyết định đưa chú trăn Quấn-Quít vào vườn thú vì cảm thấy không cần nữa. Và Cousin lúc này bị ám ảnh bởi niềm hạnh phúc với Dreyfus, dù không còn đến gặp cô tại nhà thổ nữa, anh lại suốt ngày đi “rửa khu”. Và trên hết, khi không còn Dreyfus, không còn Quấn-Quít, Cousin đã tự biến mình thành một con trăn trong căn hộ. Anh cuộn mình, anh bò trườn, thắt nút, co gập và anh nuốt chửng những con chuột trong ngăn kéo. Khi bà Nhát – người đàn bà ngoại quốc anh thuê đến căn hộ cho con trăn Quấn-Quít ăn, anh đã bước tới, cầm hai con chuột lên và cho thẳng vào mồm. Có lẽ đó cũng là lúc Cousin không còn tồn tại nữa, anh đã thực sự trở thành Quấn-Quít rồi. Và bà Nhát kinh hãi bỏ chạy không bao giờ quay về, Quấn-Quít cuộn tròn trong căn hộ của mình, trong sự cô đơn cho tới khi một giọng con gái đến gõ cửa nhầm nhà cũng đủ để Quấn-Quít đứng im mỉm cười trong hạnh phúc bởi nỗi thiếu hơi người.

Hình ảnh có liên quan

Vậy là, cuối cùng thì Cousin đã tự biến thành một con trăn, hòa mình vào cái đời sống nguyên thủy mà anh theo đuổi. Đây là một đoạn kết mang đầy tính huyền ảo và khiến người ta phải suy nghĩ. Cá nhân tôi lại có một giả thuyết khác, một giả thuyết rằng sự thực, Cousin chính là một con trăn sống trong căn hộ của mình. Toàn bộ góc nhìn của nhân vật Cousin, chính là góc nhìn của một con trăn, của một sinh vật nguyên sơ đối với xã hội đại đô thị loài người. Nhưng dù Cousin đã biến thành trăn hay kỳ thực Cousin là một con trăn đi chăng nữa, anh ta vẫn vô cùng cô đơn. Cousin tượng trưng cho nỗi cô đơn giữa đời sống hiện đại, giữa thủ đô Paris hoa lệ, giữa những văn phòng và máy tính IBM. Có thể nói Cousin là 1 phần trong tâm hồn tác giả Romain Gary, nhưng liệu Cousin với những lý luận của mình có đúng không? Có lẽ chẳng có gì là tuyệt đối đúng cả. Cousin là kẻ nhút nhát, bảo thủ, co cụm, cô độc nhưng cũng là hiện thân cho hệ quả của sự phát triển trong xã hội con người.

Kết quả hình ảnh cho smartphone subway

Đã bao giờ bạn ngồi trên một chiếc xe bus đông đúc, cảm thấy buồn chán và chẳng nói chuyện với ai, quyết định cắm tai nghe nhạc và mở điện thoại lướt web chưa? Trong bối cảnh người người nhà nhà cầm smart phone lướt lướt xem xem trong những buổi hẹn hò, dã ngoại, thì dù viết từ năm 1974, Quấn-Quít vẫn còn nguyên giá trị châm biếm cay đắng đến nao lòng.

Người viết: ĐA-ĐA

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s