Mỗi con người khi sinh ra đều không có quyền lựa chọn cha mẹ, đó là sự thật, nhưng trên đường đời của mình, mỗi người lại có vô vàn sự lựa chọn để định hình con người mình mai sau. El-Sayyid Nosair – cha của diễn giả, tác giả Zak Ebrahim của cuốn sách Con Trai Kẻ Khủng Bố (The Terrorist’s Son) đã lựa chọn tư tưởng Hồi giáo cực đoan, lựa chọn chủ nghĩa khủng bố thay vì gia đình. Ông ta “coi trọng cái chết của những người xa lạ hơn là mạng sống của gia đình mình”. Và Zak Ebrahim không được lựa chọn gia đình để sinh ra. Suổt thời niên thiếu, Z đã phải sống một cuộc sống địa ngục của sự thù hằn, kỳ thị, của sự tội lỗi, tủi nhục và cô đơn. Vậy nhưng Z đã có thể vượt lên được ngoại cảnh để lựa chọn con đường cho riêng mình, để lựa chọn yêu thương những người Israel thay vì thù ghét, để trở thành một thành viên của TED và xuất bản cuốn sách hồi ký của riêng mình.
Là dòng chảy ký ức của một con người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, với số phận éo le khi sinh ra trong một gia đình Hồi giáo và đặc biệt là người cha bị kết án chung thân không khoan hồng cho các tội danh: Ám sát giáo sĩ Do Thái Kahane (1990), lên kế hoạch tấn công Trung tâm Tài chính Thế giới (1993) và đồng đảng âm mưu trong vụ khủng bố kinh hoàng 11/9 (2001), cuốn sách Con Trai Kẻ Khủng Bố thuộc thể loại non-fiction, là một trong những câu chuyện sâu sắc nhất mình từng đọc. Có cảm tưởng như nếu được chuyển thể thành phim và vào tay đạo diễn cứng tay, đây sẽ là một bộ phim hay, xúc cảm và hoàn toàn đủ khả năng thắng Oscar hạng mục Best Motion Picture of the Year.
Các chương của cuốn sách được chia ra theo các năm, bắt đầu từ năm 1990 – Khi cha của Z bắt đầu bị bắt vì vụ ám sát giáo sĩ Do Thái, sau đó trở về những năm 1981, 1986 để kể lại quá trình cha mẹ Z gặp nhau, theo đạo Hồi, tuổi thơ của Z cùng với cha, sau đó mạch truyện tuyến tính lần lượt theo sự trưởng thành của Z cùng các mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời anh: 1991, 1993, 1996, 1998, 1999 và kết lại bằng bức tâm thư của chính tác giả dành cho những người Hồi giáo, người Do Thái và tất cả mọi người trên toàn thế giới: Hãy từ bỏ hận thù để sống vì tình yêu thương.
Phần 1: 1981-1986
Mẹ của Z là một người Mỹ sinh ra trong một gia đình Cơ Đốc giáo, theo học trường dòng nhưng sau lần ly hôn đầu tiên, niềm tin về Chúa của bà đã hoàn toàn sụp đổ. Nhờ một cuốn sách về Hồi giáo, cũng như tiếp xúc với cộng đồng Hồi giáo thân thiện, mẹ của Z đã cải đạo và tại đây, mẹ của Z đã gặp cha của Z, khi đó vẫn còn là một người đàn ông Hồi giáo hiền lành, chất phác. Và trong ký ức của Z, dù cuộc sống có khó khăn nhưng đời sống gia đình êm ấm là điều mà mãi cho đến sau này, anh vẫn luôn khát khao có thể trở lại, dù chỉ một lần.
Dù là một kẻ cuồng tín thì đó là những ngày mà cha của Z vẫn còn hiền lành. Tuy nhiên nghịch lý lại xảy đến khi người lành thì thường gặp ác, vô vàn những điều bất công trong xã hội, đời sống đã ập đến với cha của Z: bị vu cáo tội hiếp dâm, không tìm được việc làm, khi có việc làm thì gặp tai nạn dẫn đến thương tật, mất khả năng lao động vĩnh viễn… Tất cả những sóng gió ấy khiến ông ta ngày càng dựa dẫm vào Allah nhiều hơn, ông chỉ biết cầu nguyện cùng với sự thù hận, và trên hết, ông đã đặt chân đến Thánh đường Masjid Al-Shams – nơi mà sau này bị FBI gọi là “Sào huyệt chiến tranh Hồi giáo vùng Jersey” và một kẻ mệnh danh Azzam “Thủ lĩnh Mù” – cố vấn của Osama Bin Laden, đã lôi kéo ông ta trở thành một kẻ khủng bố, một trong những kẻ khủng bố đầu tiên khiến nước Mỹ phải nhắc đến tên. Để rồi quãng thời gian đó, ông ta không chỉ một mình theo chủ nghĩa khủng bố mà còn đem cả cậu con trai mới chỉ sáu, bảy tuổi tới trường bắn để huấn luyện từ nhỏ:
“Cha và chú Ammu bắn trước, sau đó đến những đứa trẻ chúng tôi. Chúng tôi thay phiên nhau bắn một lúc. Đối với tôi, khẩu súng trường này quá nặng, và tôi không hề có hứng thú tập bắn như những người em họ của mình, chúng luôn trêu chọc tôi mỗi lần tôi bắn vào bờ đất thay vì trúng mục tiêu.
Trong lúc tôi chuẩn bị kết thúc lượt bắn cuối cùng thì một điều kỳ lạ bỗng xảy ra. Tôi vô tình bắn vỡ bóng đèn trên đầu một hình nhân khiến nó vỡ và nổ tung, hình nhân đó bốc cháy.
Tôi vội vã chạy về phía cha, cả người đông cứng lại trong nỗi sợ hãi rằng mình đã làm sai điều gì đó.
Lạ lùng thay, cha tôi bỗng mỉm cười và gật đầu một cách hào hứng. Bên cạnh đó, chú Ammu bật cười. Chú Ammu chắc hẳn biết về kế hoạch ám sát Kahane của cha tôi. “Ibnu abu” – chú nói với một nụ cười tươi rói.
Tôi mất nhiều năm rằn vặt với hàm ý của hai từ chú Ammu thốt ra lúc đó.
“Ibnu abu”
“Cha nào con nấy”
Phần 2: 1991-1993
Sau khi cha bị bắt vì tội khủng bố, cuộc sống của hai mẹ con Z đã vô cùng khốn đốn. Bốn mẹ con một thân một mình phải theo đuổi vụ kiện tụng của người chồng đầy tốn kém, phải nghỉ việc và không có thời gian để tìm việc mới, phải chuyển nhà, chuyển trường liên tục để trốn tránh giới truyền thông. Lúc này đây, làn sóng bài xích người Hồi giáo ở Mỹ bắt đầu lên cao, khiến những người Hồi giáo bị xúc phạm bằng ngôn từ, đe dọa bằng bạo lực, chưa kể đến việc mẹ con Z là người nhà của một kẻ khủng bố.
Z không thể theo học ở trường học của người da trắng mà phải học ở trường học của người da đen. Tại đây, Z là kẻ da trắng duy nhất, cũng như thân phận con trai kẻ khủng bố không giấu mãi được. Z bị bạn học bạo hành, bắt nạt ngày qua ngày, thậm chí bị chính những người hàng xóm đe dọa. Đó là một quãng thời gian vô cùng khó khăn với một đứa trẻ mười tuổi. Ở ngoài đường thì bị bắt nạt, về nhà bị dằn vặt với tội ác của người cha, cuộc sống của Z không khác gì địa ngục và ở thời điểm này, Z đã mắc chứng trầm cảm, buổi tối tự đập đầu vào tường (căn bệnh hành hạ bản thân, giống như việc tự cắt, rạch chân tay).
Vào thời điểm này, Z mong chờ nhất là những lời khích lệ động viên từ cha khi hai người nói chuyện qua điện thoại gọi từ nhà tù ra, vậy nhưng tất cả những gì mà người cha quan tâm chỉ là tôn giáo. Ông chỉ hỏi: “Con có cầu nguyện đầy đủ mỗi ngày không” và trong đầu vẫn tiếp tục ám ảnh với chủ nghĩa khủng bố. “Trong lúc tôi đang mơ về niềm hạnh phúc của gia đình thực sự thì cha tôi lại mơ về kế hoạch đánh sập Toà Tháp Đôi”
Phần 3: 1996-1999
Cuối cùng, khi không thể chịu nổi việc chồng mình chỉ nghĩ đến việc khủng bố, giết người, thù hận, chỉ bắt ép mình liên hệ với các tổ chức, nhân vật Hồi giáo để cứu ông ta ra khỏi tù, mẹ của Z đã quyết định ly hôn. Sau đó, mẹ của Z lấy một người đàn ông Hồi giáo khác, ngỡ tưởng sẽ hạnh phúc, êm đềm, ai ngờ lại là thảm họa với gia đình Z.
Cha dượng của Z là một tay đấm bốc nghiệp dư, ưa bạo lực và luôn bảo vệ những đứa con riêng của mình. Bởi vì lũ nhóc còn trẻ con, lại xa lạ nhau mà phải sống chung nhà nên hay xảy ra cự cãi, lão ta đã không ngần ngại bảo vệ con riêng của mình mà đánh đập con riêng của vợ bằng nắm đấm, bằng thắt lưng và móc áo. Thêm nữa, lão ta luôn rình rập, theo dõi để bắt lỗi “những đứa trẻ nhà Nosair” – một cách gọi xúc phạm của lão bởi cha của Z là kẻ khủng bố.
Đây là quãng thời gian tủi nhục còn gấp nhiều lần so với trước kia của Z. Z phải chịu đựng lão và những đứa con của lão, phải bảo vệ mẹ, chị gái và em trai khỏi bàn tay bạo lực của kẻ vũ phu.
Việc sống trong gia đình bạo lực đã có tác động tiêu cực tới một đứa trẻ đang lớn, vào tuổi thiếu nhi. Z cũng bắt đầu bắt nạt bạn bè, như một cách để trả thù những lúc bị cha dượng bắt nạt ở nhà. Vậy nhưng cho tới một lần Z ném cặp sách của một đứa trẻ vào thùng rác, chứng kiến vẻ mặt tủi nhục bất lực đáng thương của nó, Z đã mủi lòng. Và từ đó trở đi, Z đồng cảm và đứng về phía của Z.
Phần Kết: Lựa chọn để thay đổi
Khi đã 18 tuổi, Z cùng em trai đã kiếm được việc làm hướng dẫn viên trong một công viên. Việc làm này khiến cho lão cha dượng không thể bắt nạt anh được nữa. Tại đây, Z tiếp xúc với nhiều người khác nhau, hiểu hơn về nhiều con người và học được cách yêu thương con người, bất chấp màu da, chủng tộc, địa vị, tôn giáo. Z cũng bắt đầu kể việc cha của anh là kẻ khủng bố cho những người bạn thân của mình với một nỗi sợ nguyên sơ, nhưng những người bạn chân thành đã giúp Z có niềm tin vào tình yêu giữa người với người, với cuộc sống. Z dần công khai quá khứ và theo đuổi tư tưởng tự do, cấp tiến, hoạt động xã hội nhiều hơn để rồi sau này trở thành một thành viên của TED, diễn thuyết lại chuyện đời mình và cha mình cùng sự thay đổi, cũng như xuất bản cuốn sách này.
“Nhưng, thậm chí những kẻ được nuôi dạy trong hận thù từ khi sinh ra, những người mà tâm trí họ bị trói buộc và vây bủa, họ đều có quyền lựa chọn mình trở thành người thế nào.”
“Tôi cảm thấy tự hào về con đường mà tôi đã chọn. Và suy nghĩ của tôi cũng đại diện cho chị gái và em trai mình để khẳng định việc từ bỏ chủ nghĩa cực đoan của cha đã cứu sống và khiến cuộc sống của chúng tôi đáng giá hơn. Đáp lại, một đứa trẻ nhà El-Sayyid Nosair sẽ nói:
“Chúng tôi không còn là con trai của ông ta nữa!”
Xem video Zak Ebrahim diễn thuyết tại TED
Người viết: ĐA-ĐA