Mới chỉ cách đây vài giờ đồng hồ, Chester Bennington – giọng ca chính của nhóm nhạc Rock Linkin Park đã chính thức qua đời ở nhà riêng. Theo xác nhận của cảnh sát, Chester đã tự sát bằng cách treo cổ, vào đúng sinh nhật thứ 53 của nhạc sĩ Chris Cornell – bậc tiền bối và người bạn của Chester, cũng vừa treo cổ tự vẫn vào tháng 5 vừa rồi. Dù không phải một Soldier (tên gọi những người hâm mộ Linkin Park) và trong playlist cũng chỉ có 27 bài của Linkin Park, tôi vẫn cảm thấy hết sức đau buồn. Vì sao?
Vào khoảng thời gian những năm 2010-2012, tôi còn là một thiếu niên trẻ cấp 3, mới bắt đầu vấp phải những sóng gió trong tình trường và cuộc đời. Cuộc sống của tôi khi đó hoàn toàn u tối, bởi bờ vai của một đứa trẻ chưa đủ cứng cáp, trái tim của một đứa trẻ chưa đủ chai sạn và suy nghĩ của nó chưa đủ chín chắn để suy nghĩ thấu đáo về những gì đã xảy ra. Nó suy sụp và chán nản, buông bỏ mọi thứ, chìm đắm trong những nỗi đau và sự cô độc. Người thân không hay biết, bạn bè càng không ai quan tâm. Vậy nhưng đó lại là khoảng thời gian nó được hai cái tên hoàn toàn xa lạ, không bạn bè, không thân thích, thậm chí chưa gặp mặt bao giờ cứu rỗi. Thứ nhất, đó chính là Linkin Park, với những bài nhạc Rock, đặc biệt là với chất giọng và cảm xúc của Chester, với những In The End, No More Sorrow, Powerless, Not Alone, Burn It Down… nhưng với tôi, đặc biệt phải là Eminem (dù bài viết này là về Chester nhưng sự thực vẫn là sự thực, về sự liên quan, tôi sẽ nói tiếp ở đoạn bên dưới). Đó là thời điểm Album Recovery của Eminem ra mắt, nhưng không phải Love The Way You Lie hay Not Afraid, mà những bài như No Love, Won’t Back Down, Talkin’ 2 Myself và đặc biệt nhất là Going Through Change mới là những bài Rap giúp tôi “Recovery” nhất. Trở thành một Stan (tên gọi người hâm mộ Eminem) khá muộn, tôi tìm được những bài Rap khác giúp mình “Recovery” ở các album cũ hơn: Lose Yourself, Beautiful, When I’m Gone, Like Toy Soldier, Marshall Mathers và đặc biệt là Stan.
Điều quan trọng là chính Eminem đã “reaching out for me” khi mà “I’ve been too long on my own” và “I’m just so fuckin’ depressed, I just can’t seem to get out this slump
If I could just get over this hump But I need something to pull me out this dump” và chính Eminem là người đã nói với tôi rằng: “don’t let ’em say you ain’t beautiful
They can all get fucked Just stay true to you”. Và tôi tin chắc, tầm quan trọng của Chester đối với các Soldier cũng tương tự như thế. Bởi vậy, cái chết của Chester khiến tôi hoàn toàn sững sờ. Eminem cũng gặp những vấn đề tương tự, trầm cảm, nghiện thuốc và nghĩ đến tự sát. Cũng từng vượt qua tất cả và viết về chúng một cách khích lệ, giúp người nghe có động lực để vượt qua tất cả. Vậy nhưng người nghệ sĩ vốn dĩ nhạy cảm, cảm xúc và đời sống của người nghệ sĩ là vô cùng phức tạp. Có những lúc, họ có thể vượt qua, trỗi dậy từ đáy sâu vực thẳm, nhưng liệu một phút gục ngã hoàn toàn, khi nhìn thấy cuộc sống chỉ toàn vô nghĩa, phi lý một cách hiện sinh, họ sẽ chối bỏ cái thế giới ấy. Đó là con đường mà Chester đã lựa chọn. Nếu bạn đau buồn, hãy cứ đau buồn đi, nhưng đừng bao giờ phán xét người khác, khi bạn đang trong hoàn cảnh của họ. Tôi thấu cảm với các Soldier và đau xót vô cùng cho Chester, cũng một phần bởi khi nghĩ đến nếu đó là Eminem, mình sẽ đau xót đến chừng nào? Phải chăng đó là sự thấu cảm, đồng điệu tâm hồn giữa nghệ sĩ – sứ giả của nghệ thuật đến với người nhận được giá trị nghệ thuật ấy, biến những con người vốn khác biệt văn hóa, địa lý, hoàn toàn xa lạ, xa xôi, trở thành những mối giao cảm chia sẻ suy nghĩ, buồn vui và dĩ nhiên cả nỗi đau nữa. Phải chăng Chester cũng có cảm xúc tương tự đối với cái chết của Chris Cornell? Không, có lẽ còn hơn thế gấp hàng vạn lần.
Giờ thì tôi sẽ đảo qua cái chết của người nghệ sĩ, những cái chết không huy hoàng như giới quý tộc, không oanh liệt như bậc dũng sĩ và dĩ nhiên chẳng lãng nhách như những kẻ chết một cách vô nghĩa ngoài kia. Mỗi cái chết của người nghệ sĩ, đều khiến tôi phải suy ngẫm. Và có một sự thực đó là cái chết của người nghệ sĩ khá phổ biến vì tự tử. Vậy bạn đã hiểu một cách đúng mực về tự tử hay chưa?
Người ta thường nói tự tử là đầu hàng số phận, người tự tử là kẻ thua cuộc trong cuộc sống hỗn loạn như chiến trận ngoài kia. Rất nhiều tôn giáo coi tự tử là một tội lỗi, và người tự tử sẽ phải xuống địa ngục. Cũng là một điều tốt thôi vì những giáo lý ấy có thể làm giảm tỉ lệ tự tử xuống, có thể cứu được nhiều người có ý định tự tử, vì một trong những lý do ấy mà họ không tìm tới cái chết. Nhưng như vậy liệu có công bằng không đối với những người đã khuất? Khi không một chút thấu cảm mà coi họ như những kẻ thua cuộc, những kẻ tội đồ, hay một số thậm chí còn cười đùa trên nỗi đau của họ? Mỗi con người đều có một cuộc sống khác biệt, với nhiều vấn đề khác nhau và dĩ nhiên, bản chất con người khác nhau. Những người nghệ sĩ là những người phóng khoáng, có cảm xúc mạnh mẽ, không chịu bó buộc trong các khuôn khổ, bởi vậy, họ trở nên dễ kích động hơn với các vấn đề trong cuộc sống. Không phải những người nghệ sĩ không mạnh mẽ, mà đôi khi, cái chết mới là câu trả lời đích thực mà họ cần, mà họ tìm, giống như nghệ thuật vậy.
Nếu bạn chịu khó google vài dòng chữ, kiểu như “suicide artist”, “suicide painter”, “suicide musician”, “suicide singer”, “suicide author”, “suicide writer”, “suicide director”, “suicide actor”…, bạn sẽ có một danh sách hàng trăm nghệ sĩ lựa chọn cái chết là tự tử. Tuy nhiên, ở đây tôi sẽ chỉ nhắc đến một vài nghệ sĩ mà tôi thực sự yêu mến, hay khâm phục, đã lựa chọn tự sát làm chiếc chìa khóa cho cuộc đời của mình.
Đó là Ernest Hemingway – nhà văn Mĩ nổi tiếng, cha đẻ của “tảng băng trôi”. Hemingway là nghệ sĩ tiêu biểu của “Lost Generation” (Thế hệ bỏ đi) – thế hệ của những thanh niên trẻ, tuổi xuân xanh phải nhập ngũ, tham gia Thế Chiến 1 và trở về với một linh hồn và thân thể héo úa đầy những vết sẹo. Không thể phủ nhận chính bi kịch của Hemingway đã làm nên những tác phẩm tuyệt vời của ông, nhưng Hemingway cuối cùng đã sử dụng khẩu súng săn hiệu Boss & Co. để tự sát. Buổi sáng ngày 2 tháng 7 năm 1961, Ernest Hemingway đã dựng khẩu súng săn 2 nòng lên mặt đất, tựa trán mình lên họng súng rồi kéo cò. Trước đó ít lâu, vào mùa xuân cùng năm, Hemingway đã định tự sát nhưng rồi ông đã từ bỏ, và người ta đã trị liệu tâm lý cho ông bằng biện pháp sốc điện. Dĩ nhiên, bạn không thể nói Ernest Hemingway là kẻ yếu đuối, bởi nhà văn vĩ đại ấy đã từng tham gia cả hai cuộc chiến tranh thế giới, tham gia nội chiến Tây Ban Nha, sang Pháp viết văn và cùng những người thợ săn chu du khắp Châu Phi. Cái chết của Hemingway này đã kéo theo 3 Hemingway khác. Người ta tin rằng Hemingway bị nhiễm một căn bệnh mà lượng sắt trong máu dư thừa, gây ra suy nhược và bất ổn định trong não bộ. Nhưng nếu không có căn bệnh ấy, nếu suy đoán đó là thực, liệu rằng bộ não của Hemingway có đủ khả năng suy ngẫm, cũng như cảm xúc để sáng tác những tác phẩm kinh điển “Ông già và biển cả”, “Chuông nguyện hồn ai”, “Giã từ vũ khí” hay không? Đôi khi, cái giá phải trả vì nghệ thuật là rất đắt.
Hay như Romain Gary – nhà văn, đạo diễn, nhà ngoại giao, phi công người Pháp, cũng từng phải xuất bản dưới một cái tên khác: Émile Ajar. Ông là một nhà văn chán chường với thời cuộc xã hội, bận rộn với công việc và lạc lõng với cuộc sống của đại Paris. Người ta thậm chí còn không biết Romain Gary và Émile Ajar là một người cho tới khi tìm ra bức chúc thư Romain Gary đã để lại sau khi tự sát bằng súng.
Nhắc đến nghệ sĩ tự sát, chắc chắn tôi sẽ không bỏ qua Nhật Bản. Xứ sở hoa anh đào, xứ sở samurai, xứ sở thơ haikư, xứ sở của tự sát. Người Nhật từ khi sinh ra luôn tìm cho mình một ý nghĩa để sống, và khi ý nghĩa đó không còn, họ sẽ lựa chọn giải pháp cuối cùng, đó là tự sát. Cũng như người Nhật, những người nghệ sĩ cũng vậy. Akutagawa uống thuốc ngủ tự sát năm 35 tuổi, Dazai Osamu nhảy sông tự vẫn với người tình, Mishima Yukio mổ bụng tự sát năm 45 tuổi và điều đặc biệt là Kawabata – người không hề ủng hộ việc kết thúc cuộc đời bằng tự sát, cuối cùng cũng đã tự sát bằng hơi ga năm 1972, chỉ 4 năm sau khi ông giành giải Nobel văn chương danh giá.
Và đặc biệt, Vincent Van Gogh – người họa sĩ mà mình kính phục nhất, cũng tự sát ở tuổi 37, khi danh tiếng và khả năng sáng tác đang ở đỉnh cao. Sinh thời, Vincent Van Gogh là một nghệ sĩ cô độc, chẳng ai hiểu con người ông, và bởi ông sống một cuộc sống nghèo khó và chìm đắm vào đam mê điên cuồng, người ta coi thường ông. Để rồi khi chết đi, người ta mới bắt đầu tung hô và đấu giá triệu đô những bức tranh trường phái biểu hiện và hậu ấn tượng ấy. Có lẽ Jean-Peaul Sartre đã nói đúng, không người nghệ sĩ nào được vĩ đại trước khi họ qua đời.
Và bên cạnh đó còn là hàng loạt những nghệ sĩ khác đã lựa chọn tự sát như một cách giải thoát khỏi cuộc đời này. Đó là Socrates, John Minton, Robin Williams, Johnny “J”, Jean Seberg, John O’Brien và đặc biệt là Elliot Smith – nhạc sĩ, ca sĩ mà tôi cực kỳ thích “Miss Misery” và “Between the bar” của ông.
Henri Benac từng nói: “cái chết là một trong những chủ đề quan trọng nhất mọi thời đại”. Và thay vì phán xét con người tội lỗi ra sao khi tìm đến cái chết, có lẽ chúng ta nên nhìn nhận, tìm hiểu và đồng cảm với những nguyên nhân khiến họ quyết định như vậy. Ở trường hợp này, với Chester Bennington, đó là chứng trầm cảm. Trầm cảm là có thực, và những người trầm cảm vừa phải chịu áp lực, vừa phải chịu nỗi cô đơn, vừa bị xã hội cười chê và bỏ mặc. Trầm cảm là có thực, đừng đem nó ra làm trò đùa. Một người tự sát, nếu không phải do lô đề, trốn nợ… thì đều có nguyên nhân sâu xa ẩn chứa đằng sau hành động đó. Hãy cảm thông và trân trọng những người xung quanh mình, những mảnh ghép trong cuộc đời mình khi họ còn sống, đừng để đến khi họ đã qua đời rồi mới bắt đầu tiếc thương. Và hơn hết, thông qua mỗi biến cố trong cuộc đời, chúng ta lại trưởng thành hơn. Cho dù tự sát là một phương thức giải thoát và rất nhiều nghệ sĩ kể trên đã lựa chọn con đường đó, tôi vẫn muốn nói với bạn – người đang đọc bài viết này, rằng: “Dù có chuyện gì xảy ra, đừng bao giờ tự sát“. Tôi sẽ không phán xét người tự sát, tôi sẽ không nói với bạn rằng tự sát là yếu đuối, là nhu nhược. Nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng tôi đã chứng kiến đủ người tôi khâm phục tự sát rồi, mỗi một lần như vậy, tôi lại như bị cứa một nhát vào da thịt. Và bạn – người đang đọc bài viết này, người giúp cho cuộc sống chìm trong câu chữ của tôi trở nên ý nghĩa, bạn là một phần trong cuộc sống của tôi. Có đôi khi chúng ta phải nghĩ rằng cuộc sống này chúng ta còn sống vì người khác. Đã có những lúc tôi chìm trong bế tắc cực độ, nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục sống vì những người cần mình, yêu mình, thương mình trong cuộc đời này. Người chết thì cứ thế ra đi, nhưng người ở lại thì nỗi tiếc thương còn đó. Đó là ký ức, là thói quen, là tình cảm, là nỗi nhớ vô bờ vô bến. Chết là biến mất, và khi một mảnh ghép biến mất, bức tranh sẽ có một lỗ hổng không gì bù đắp được.
Cuối cùng thì, chính nhờ cái chết mà con người mới tìm ra cho mình một ý nghĩa sống.
Gửi tới Chester Bennington, Vincent Van Gogh, Elliot Smith, Ernest Hemingway, Romain Gary, Yasunari Kawabata và những linh hồn đã khuất khác. Những ngôi sao sáng của bầu trời đêm.
Ngày 21/07/2017 – 1 ngày sau khi Chester Bennington qua đời.
Người viết: ĐA-ĐA
Em thấy nhiều người cũng nói rằng hãy sống vì cả những người thương yêu ta. Nhưng em không dám khuyên một ai đó rằng đừng bao giờ tự tử. Biết đâu họ đã chết rất lâu rồi, và giờ họ không muốn tiếp tục lê bước chân mục nát của mình tiếp trên chặng đường đời? Biết đâu sự đau đớn của họ còn khủng khiếp hơn tất cả nỗi thương cảm và đau đớn của người xung quanh cộng lại?
Có lẽ chết mới là sự giải thoát thật sự với họ.
Em không nhận sự giúp đỡ của LP trong những lúc tăm tối của cuộc đời nhưng họ đã cùng em đi qua những tháng năm tuổi trẻ. Bất cứ một lúc nào thiếu đi động lực làm việc hay thiếu cảm hứng sáng tác, em đều có thể tìm thấy nó ở những bài hát của LP. Rồi mỗi lúc LP ra album mới, em đều mong chờ trên các chương trình TV. Thế mà giờ không còn được lắng nghe những ca khúc mới nữa, không còn được xem LP biểu diễn live với Chester đầy đam mê làm bừng lên cả sân khấu nữa :((
Đây là một sự mất mát quá lớn lao. Em buồn suốt từ hôm đó đến nay rồi.
ThíchĐã thích bởi 1 người