Có lẽ đây mới là lần thứ 2 mình viết review (cảm nhận thì đúng hơn) về một cuốn sách (Trước đó là Quấn-Quít). Với phim ảnh thì mình hay viết review/cảm nhận/phân tích (3 loại này theo mình là khác nhau) bởi mình cho rằng điện ảnh là nghệ thuật đại chúng, còn sách thì kén chọn hơn, và sự cảm nhận cũng mang tính cá nhân hơn, thấm sâu thấm lâu hơn nên tốt nhất nên để mọi người tự đọc tự cảm nhận. Thêm nữa, để đọc một cuốn sách, dù ngắn hay dài, đều tốn thời gian và tâm trí, và để có thể cảm nhận hay phân tích một cuốn sách một cách đủ sâu như tác giả truyền tải thì thật không dễ tí nào.
Tuy nhiên, cá nhân mình lại luôn hứng thú và bị lôi cuốn bởi những chuyện hoang đường, siêu thực, kỳ quái nên đặc biệt ấn tượng với 2 tác phẩm này và thấy cả 2 có gì đó giống nhau dù bối cảnh, phong cách, tư tưởng khác biệt hoàn toàn. Với việc vừa đọc xong một tiểu thuyết trung nhưng dung lượng chỉ trên dưới 100 trang (trong khi nhiều tiểu thuyết ngắn lên đến 200 trang) là Hóa Thân, cũng như đang trong giai đoạn tìm hiểu dòng Văn học Phi lý và Kafkaesque, mình thực sự bị ấn tượng bởi tác phẩm này của Kafka (Nhân vật trong “Kafka bên bờ biển” của Haruki Murakami cũng lấy theo tên nhà văn này) nên quyết định viết bài cảm nhận này.
Hóa Thân là một tác phẩm đặc biệt và kỳ quặc, với bối cảnh gói gọn trong 4 bức tường của một căn phòng nhưng kéo dài đến tận trăm trang mà không những không khiến người đọc thấy dài dòng, lê thê mà khi đọc xong còn muốn đọc nữa, thêm nữa, thấy hụt hẫng, dở dang (hụt hẫng bởi dụng ý tác phẩm, không phải vì kết dở nha)
Câu chuyện bắt đầu với việc anh chàng Gregor Samsa thức dậy và bỗng nhận ra mình đã bị biến thành một con côn trùng quái dị (tựa như con gián). Gregor là người trưởng nam trong gia đình, đang đi làm sale cho một công ty và là người duy nhất kiếm tiền trong gia đình, không những giúp chi trả khoản nợ kếch xù của ông bố mà còn giúp nuôi sống gia đình những ngày qua. Tuy vậy, Gregor lại vô cùng chán ghét công việc của mình, anh ghét phải “chạy rông hết ngày này sang ngày khác”, “làm quen với những kẻ tình cờ gặp gỡ để rồi không bao giờ thấy mặt lần thứ hai”, hay ghét và sợ lão chủ bóc lột, khó tính, khó ưa và lão quản lý cứng nhắc, vô cảm. Dù thế, anh vẫn phải mài lưng để làm việc, với mục đích duy nhất là để gia đình có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vậy nhưng, khi Gregor bị biến thành một con côn trùng, gia đình đã đối xử với anh thế nào? Bà mẹ sợ hãi, với cơn hen của mình, mỗi lần thấy Gregor là phải vươn mình ra cửa sổ để hít không khí nếu không sẽ ngất lịm đi. Cô em gái Grete ban đầu còn coi đó là anh trai mình nhưng càng về sau càng coi anh chỉ là một con côn trùng bẩn thỉu và liên tục chỉ trích, đòi đuổi anh đi. Còn ông bố thì khỏi nói, hễ nhìn thấy anh là như thể Tôn Ngộ Không nhìn thấy yêu quái, nào lấy gật đuổi, nào ném hoa quả vào người anh. Có lẽ đây là thứ bi kịch to lớn của một đời người, cô độc trong căn phòng bị cô lập, bị chính gia đình mình xa lánh, ruồng rẫy, ghê tởm khi một điều gì đó trong ta thay đổi không theo lẽ thường tình. Bất chấp những đóng góp, nỗ lực không nghĩ đến bản thân của ta trước đây, hay những tình cảm, thiện ý mà ta dành cho họ ngay cả khi đã biến đổi.
Có lẽ cả ba nhân vật bà mẹ, ông bố, cô em gái cũng “hóa thân” theo Gregor. Ông bố, từ một người suốt ngày nằm trên ghế do ỉ lại Gregor kiếm tiền, đã tự thân vận động và ham mê với công việc mới. Bà mẹ hen suyễn yếu ớt đã tham gia làm toàn bộ việc nội trợ còn cô em gái trước kia bé bỏng, được chăm sóc kỹ lưỡng bỗng trưởng thành và cán đán mọi chuyện gia đình. Trong cả tác phẩm, chỉ có hai nhân vật có tên riêng là Gregor và Grete. Grete là cô em gái mà Gregor hết mực thương yêu nhưng đáng buồn thay, càng trưởng thành thì cô càng ruồng bỏ người anh tật nguyền trong hình thù con côn trùng ấy.
Với việc biến thành một con côn trùng vẫn có thể nghe thấy tiếng người nhưng không nói được tiếng người, nhân vật Gregor khi này có thời gian suy nghĩ về cuộc đời và quan sát những người xung quanh một cách khách quan nhất. Có lẽ bản thân Gregor và những người trong gia đình đã sống luồn cúi, bạc nhược để làm hài lòng những người khác ngoài xã hội quá nhiều mà họ không hay.
Bản thân Gregor khi biến thành côn trùng cũng có một sự biến đối. Đó là sự biến đổi về thói quen sinh học. Ban đầu, anh cố gắng đứng dậy, hay cố giữ mình sạch sẽ như một con người nhưng càng về sau, anh càng thỏa hiệp với thói quen của côn trùng: thích bò lên tường và trần nhà, không quan tâm đến thức ăn thừa bám bẩn đầy người mình.
Nhưng cái hay nhất ở trong Hóa Thân đó chính là sự phi lý ở đầu câu chuyện, thường được biết đến như là Kafkaesque. Ở đây, ta cần phân biệt rõ giữa phi lý và siêu thực. Siêu thực, đó chính là một thứ hoàn toàn là tưởng tượng, không bao giờ xảy ra ở đời thực (Gregor biến thành côn trùng) còn phi lý là tách rời lý trí với thực tại, tạo ra một sự phi logic. Ở Hóa Thân, ta có thể thấy đó chính là trường đoạn Gregor trong hình hài con côn trùng, vẫn cố gắng để ngồi dậy, mặc quần áo và đi làm cho kịp giờ xe lửa. Với người bình thường, chắc chắn đó là sự phi logic, bởi lẽ khi đã nhận ra cơ thể mình biến đổi quái dị như vậy rồi, ai còn quan tâm đến việc mặc quần áo, đi làm nữa? Nếu không hiểu về văn học phi lý, rất có thể người đọc sẽ xem đó là một lỗi logic trong cốt truyện (plot hole). Nhưng chính điều đó làm nên cái hay của văn học phi lý. Sự phi lý là con đẻ của tính bất khả tri của lý tính. Hay dễ hiểu hơn, sự phi lý có nhiệm vụ mô tả nhận thức, hiện thực trái với nhận thức của một người. Lời giải cho sự phi lý trong Hóa Thân có lẽ liên quan tới bối cảnh lúc bấy giờ (cũng là một điều mà Kafka muốn nói), đó là lối sống công nghiệp ở các nước phương Tây. Những con người trong xã hội công nghiệp hóa ấy bị huấn luyện để nỗi sợ mất việc, nỗi sợ nợ nần lấn át các nhu cầu, ước mơ của bản thân. Họ chỉ biết làm và làm và làm, kiếm tiền kiếm tiền kiếm tiền như những cỗ máy. Điều này được nói quá lên bằng sự phi lý, đó là ngay cả khi thấy cơ thể mình đã biến thành côn trùng, Gregor vẫn suy nghĩ máy móc rằng mình phải đi làm kịp giờ, mình phải tìm lý do với ông quản lý nếu không mình sẽ bị đuổi việc.
Nhìn chung thì Hóa Thân của Kafka là tiền đề, là sự khởi đầu của văn học phi lý hay sự phi lý trong chủ nghĩa hiện sinh. Thực sự với mình đây là một tác phẩm siêu thực, phi lý nhưng đầy phũ phàng của thực tế và lý tính bị giấu kín sau lớp da siêu thực, phi lý ấy.
Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim với tiêu đề tiếng Anh là Metamorphosis vào năm 2012.
(Bài viết này được mình up lại từ Facebook cá nhân, bài viết này được mình viết từ năm 2016 – khi mới bắt đầu tìm hiểu về Kafka. Cho tới thời điểm mình đăng lại bài này, mình đã đọc những tác phẩm: Hóa thân, Lâu đài, Vụ Án, Nước Mỹ và Thư gửi bố của Franz Kafka. Có thể nói đã hiểu hơn về Kafka và Kafkaesque rất nhiều. Hy vọng những cảm nhận kể từ giai đoạn mới biết đến Kafka vẫn phù hợp với bạn đọc muốn tìm hiểu về nhà văn vĩ đại này)
Người viết: ĐA-ĐA
[…] Đọc thêm:Franz Kafka – “Hóa Thân”: Phi lý đến đáng thương […]
ThíchThích
Anh ơi co em hỏi, sự phi lý trong tác phẩm này có được gọi là sự tha hóa k ạ?. Sự tha hóa giữa mối quan hệ mind and body: sau khi tỉnh dậy , anh đã nhận thức mình có sự biến đổi nhưng vẫn k suy nghĩ hay lo láng về nó mà vẫn nghĩ về công việc của mình.
ThíchThích