[Review] “Thú tội” (Confessions – Kanae Minato): Đáng thương hay đáng trách? (So sánh truyện và phim)

Trong chặng đường đời của mỗi con người, lứa tuổi dậy thì chính là lứa tuổi phức tạp và quan trọng nhất. Lứa tuổi dậy thì chính là cột mốc chuyển giao từ một đứa trẻ sang người lớn, và nó có vai trò quan trọng định hình nhân cách và lối sống của mỗi con người sau này. Tôi đã từng trải qua khoảng thời gian phức tạp ở độ tuổi đó, tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi yêu, tuổi đua đòi, tuổi dễ mặc cảm, dễ tổn thương, tuổi đánh nhau và bạo lực học đường. Tôi cũng từng biết nhiều người xung quanh mình trở thành con người hoàn toàn khác biệt sau độ tuổi ấy, đáng buồn thay, liệu giáo dục và xã hội đã thực sự quan tâm tới độ tuổi này?

Vào năm 2014, khi bắt đầu đến với những bộ phim điện ảnh Châu Á, tôi xem được bộ phim Thú Tội (tiếng Nhật phiên âm: Kokuhaku, tiếng Anh: Confessions) do đạo diễn Tetsuya Nakashima thực hiện, chuyển thể từ tiểu thuyết của Kanae Minato. Tôi rất thích bộ phim này, và tới giờ đây vẫn là một trong những phim Châu Á hay nhất của tôi, cùng với Oldeuboi của Hàn Quốc. Khi ấy tôi ao ước một ngày nào đó, Kokuhaku sẽ được xuất bản tại Việt Nam nhưng luôn cho rằng đó là điều bất khả thi bởi nội dung nhạy cảm. Thật bất ngờ khi ba năm sau đó, năm 2017, tôi đã được cầm trên tay cuốn sách này, với tên dịch Thú Tội do Nhã Nam xuất bản.

Image may contain: 2 people, laptop

 

Tổng quan

Thú Tội là một câu chuyện tâm lý, tội phạm mang tính bi kịch, mở đầu bằng việc cô giáo trung học Moriguchi thuyết giảng học sinh lớp B trước khi Moriguchi nghỉ học. Trong buổi học cuối cùng ngày hôm ấy, Moriguchi thuyết giảng rất nhiều điều về cuộc sống, đặc biệt là câu chuyện về con gái mình. Tuy nhiên, câu chuyện của Moriguchi dần chuyển đề tài sang người con gái, và cô cho biết con gái mình đã chết ở hồ bơi, ban đầu được cho là tai nạn nhưng không phải, có hai học sinh trong lớp đã giết chết con gái của Moriguchi.

Hai kẻ đó được Moriguchi gọi là A và B. Moriguchi đã không tố giác với công an bởi Luật vị thành niên sẽ bảo vệ hai học sinh ấy, nhưng cô ta lại chọn một cách trả thù của riêng mình: Cho A và B uống sữa có nhiễm máu của bệnh nhân HIV/AIDS.

Mọi thứ cứ vậy tiếp diễn, quá khứ và nội tâm của từng người dần hé lộ, dĩ nhiên không thể thiếu một tương lai đen tối với tất cả những người trong cuộc. Tất cả là những lời “thú tội”.

Kết quả hình ảnh cho Kokuhaku

Nhân vật

Khác với phiên bản phim được kể theo lối tuyến tính, phiên bản truyện do Kanae Minato sáng tác chia thành 6 chương, với 6 lời thú tội của 6 nhân vật trong truyện.

Yukio Moriguchi – “Kẻ giảng đạo”

Như chúng ta đã biết, Moriguchi chính là cô giáo chủ nhiệm của lớp B, là nạn nhân trong vụ việc này khi con gái của cô bị hai học sinh là A và B giết chết. Phiên bản phim đã khắc họa đậm nét nhân vật này, và có thể nói như từ trong truyện bước ra. Moriguchi là một người mẹ, người giáo viên mẫu mực, biết yêu thương và dạy dỗ con, tuy nhiên có một điểm ở Moriguchi khiến những người quan tâm tới giáo dục không khỏi lo lắng, đó là bởi Moriguchi là một giáo viên cầu toàn, cứng nhắc và quá đỗi lạnh lùng. Trong số những người chung cuộc, có lẽ Moriguchi là nạn nhân và chịu ít tội lỗi trong toàn bộ chuyện này nhất, cô cũng là người đáng thương nhất, nhưng không phải không có chút lỗi lầm gì trong vụ việc này.

  • Moriguchi dựa vào lời mách của học sinh về việc A tra tấn thú nuôi (mà thực ra không phải) để rồi từ đó sinh ra định kiến với A. Khi A đem phát minh của mình đến thì Moriguchi đã có những suy nghĩ tiêu cực. Nếu một đứa trẻ như A cũng được Moriguchi thông cảm và dìu dắt ngay từ đầu, chắc chắn chuỗi sự việc thương tâm trong Thú Tội sẽ không xảy ra.
  • Moriguchi vì sợ rơi vào cái bẫy của lứa tuổi học sinh (đã từng xảy ra trước đó) nên đã nhờ thầy giáo của lớp khác đến khi B gặp rắc rối. Điều này khiến B bất mãn và luôn nghĩ trong đầu mối hằn học với Moriguchi. Cũng tương tự như trường hợp của A, với vai trò là giáo viên, nếu Moriguchi tìm hiểu và trở thành người dẫn đường cho hai đứa trẻ non nớt này thì chắc chắn mọi chuyện sẽ đi theo chiều hướng tươi sáng hơn rất nhiều.

Sau khi tìm ra thủ phạm, Moriguchi hiện nguyên hình với sự trả thù lạnh lùng và đáng sợ. Đó không phải là sự trả thù máu me, bạo lực mà lại là sự trả thù về tâm lý, thậm chí không ngừng ngại liên đới đến cả những người khác có liên quan, ví dụ như mẹ của B, mẹ của A và một giáo viên trẻ “thích thể hiện” là Werther. Xuyên suốt Thú Tội, Moriguchi là một mẫu người đáng thương nhưng cũng lạnh lùng, tàn độc đến đáng sợ vì mối thù này. Cô là một con người thông minh, chính là khắc tinh của một kẻ sát nhân máu lạnh, thiên tài, đáng thương khác, là A. Moriguchi đã trừng phạt B một cách dễ dàng mà không cần ra mặt, còn với A, Moriguchi lại sử dụng chính những kế hoạch man rợ của A để trừng phạt A. Khi một thiên tài máu lạnh gặp một thiên tài máu lạnh, sự trừng phạt sẽ đáng sợ hơn bao giờ hết.

Kết quả hình ảnh cho Kokuhaku

Mizuki Kitahara – “Kẻ tuẫn đạo”

Mizuki không phải một trong ba kẻ trong cuộc mà là một người ngoài cuộc, vô tình bị cuốn vào vòng xoáy trả thù đẫm máu này.

Là một cô bé lớp trưởng tốt bụng, sau buổi học cuối cùng của Moriguchi, Mizuki đã kể lại những sự thay đổi trong lớp. B nghỉ học, A bị bạn bè căm ghét và bắt nạt. Những đứa trẻ ở tuổi dậy thì vừa có sự hồn nhiên nhưng cũng vừa có lối suy nghĩ nông nổi, phong trào không đoái hoài đến hậu quả. Chúng nghĩ ra trò tích điểm trừng phạt với A thông qua các trò bắt nạt, cũng như viết những lời thóa mạ “Kẻ giết người, chết đi” khi đưa vở bài tập và lời khích lệ đi học đến B, thông qua sự “nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại” của Werther.

Góc nhìn của Mizuki chính là góc nhìn khách quan nhất trong toàn bộ câu chuyện. Nhưng vì quá khách quan và tốt bụng, Mizuki đã không tích được điểm trừng phạt nào, và bị bạn cùng lớp coi là kẻ đồng lõa với A, và từ đó, Mizuki cũng phải cùng A hứng chịu những trò trừng phạt.

Kết quả hình ảnh cho kokuhaku

Mẹ của B – Kẻ nhân từ

Chương này bắt đầu với việc người anh trai của B trở về nhà sau khi B giết chết mẹ mình. Để tìm hiểu sự việc, anh trai của B đã tìm nhật ký của mẹ và từ đó góc nhìn của mẹ của B về vụ việc đều được lộ ra.

Mẹ của B chắc chắn là một người mẹ tồi.

Cứ nghĩ là mình luôn hiểu con cái, luôn chăm sóc tốt con cái nhưng lối chăm sóc, giáo dục kiểu bao bọc và nuông chiều kiểu đó đã khiến B trở thành một đứa trẻ đáng thương, tội nghiệp: Bị áp lực học hành, thi cử; luôn nghĩ mình là kẻ vô dụng và phải làm gì đó thể hiện khả năng của bản thân.

Mẹ của B nghĩ rằng mình hiểu con mình? Không đâu, trong toàn bộ sự việc, bà ta đều hiểu sai hết cả. Ngay từ đầu, khi B cùng A giết con gái Moriguchi, bà ta vẫn cho rằng con trai mình vô tội và bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo, lừa lọc. Khi B nghỉ học vì sợ bạn bè trả thù thì mẹ của B lại nghĩ B hối hận và mắc hội chứng “hikikomori”. B rửa bát đĩa, giặt quần áo kỹ lưỡng, ăn uống với đồ riêng vì sợ nhiễm HIV cho cả nhà thì mẹ của B lại nghĩ B mặc cảm tội lỗi và mắc chứng sạch sẽ quá mức cần thiết. Và toàn bộ sự quan tâm mang vẻ “nhân từ” nhưng nếu nhìn từ nhiều chiều sẽ thấy “vô trách nhiệm” ấy đã thể hiện rõ ở một điều rằng mẹ của B quan tâm tới việc hàng xóm nghĩ gì về con trai mình hơn là căn nguyên vấn đề mà B gặp phải, cũng như việc đến cuối cùng sau nhiều tháng trời, khi B đã không thể cứu vãn, mẹ của B mới biết con mình bị cho uống sữa nhiễm HIV. Quá tuyệt vọng, mẹ của B đã quyết định giết con trai mình nhưng điều đó lại gây ra hậu quả ngược lại.

Một người mẹ nhân từ ngu ngốc. Đây là điểm sáng của phiên bản truyện, khi phiên bản phim không thể khai thác được góc nhìn này.

Naoki Shimomura – Kẻ cầu đạo

Naoki Shimomura chính là tên thật của B – một trong hai kẻ giết đã giết chết con gái của cô giáo chủ nhiệm.

Nao là một đứa bé đáng thương hơn đáng trách. Được nuôi nấng và đùm bọc kỹ lưỡng bởi người mẹ, Nao phải cố học cố học và cố học. Nhưng vì lực học có hạn, Nao dần trở nên tự ti, chán chường và mất phương hướng trong cuộc sống. Nao bỏ học, chơi điện tử, đánh nhau và bị bắt tới đồn cảnh sát. Chính lúc đó, Nao đang lạc hướng và cần một người thầy dẫn lối nhưng Moriguchi lại nhờ thầy giáo lớp bên đến thay, và từ đây, sự bất mãn của Nao bắt đầu.

Nao đã bị A lợi dụng. Một đứa trẻ như Nao khi có bạn thân là một thiên tài như A thì rất đỗi vui mừng. Ta có thể thấy Nao vẫn là một đứa trẻ hồn nhiên, tốt tính thông qua việc Nao mời A đến nhà chơi, mang bánh mẹ làm cho A mà chẳng biết A hoàn toàn chỉ lợi dụng mình.

Trong vụ việc Nao cùng A giết chết con gái của cô giáo chủ nhiệm, Nao không hề biết rằng cái ví điện – hung khí gây án, có thể làm chết người. Cậu bé đáng thương chỉ nghĩ đơn giản là cái ví sẽ khiến con bé giật mình và òa khóc, như một sự trừng phạt với Moriguchi. Cậu bé chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi. Nhưng khi cô bé ngã xuống bất tỉnh, A lại nói một câu đầy vẻ khinh thường Nao: “Cứ nói với mọi người đi. Đừng lo chuyện tòng phạm nhé. Ngay từ đầu tao đã không coi mày là chiến hữu. Tao ghét nhất loại không có tài mà tự ái lại cao. Đối với một nhà phát minh như tao thì mày đúng là thất bại của con người”

Bi kịch là ở chỗ con gái Moriguchi chưa chết. Điện thế trong cái ví của A chỉ đủ làm con bé bất tỉnh, dĩ nhiên, A không biết điều đó. Trong lúc sợ hãi và ngụy tạo là vụ chết đuối, Nao bế cô bé lên và cô bé đã mở mắt tỉnh dậy.

“Mày đúng là thất bại của con người”

Nao không ngừng lại, tiếp tục ném cô bé xuống hồ. Chính Nao mới là người giết chết cô bé. Mày biết gì không, A? Mày mới là kẻ thất bại, bởi chính tao mới là người giết chết con gái Moriguchi. Hiểu chưa, thằng ngu ngốc.

Dù hả hê trước chiến thắng của mình trước A theo cái cách hiếu thắng trẻ con, Nao vẫn là một đứa trẻ yếu đuối. Khi bị Moriguchi trừng phạt, Nao đã biệt giam ở phòng mình, không dám đi học, sợ bị Moriguchi trả thù, sợ bị bạn bè trả thù, sợ bị cả thế giới trả thù. Những gì yếu ớt nhất trong con người Nao dần lộ diện. Cậu bé không ăn chung bát đũa với mẹ, tự tay giặt giũ quần áo, rửa bát đũa… là bởi lo sợ lây nhiễm bệnh HIV cho mẹ. Và nếu mẹ chết trước, Nao sẽ đơn độc trên đời này, không có ai chăm lo, bảo vệ.

Dần suy sụp trong căn phòng, Nao mong rằng mình được trừng phạt bằng cách bị cảnh sát bắt. Thế nhưng mọi chuyện không được như mong muốn, mẹ của Nao đã định giết cậu và trong cơn hoảng loạn, cậu đã giật được con dao và vung dao tứ tung. Vô tình, Nao lại giết chết mẹ mình.

Cuộc đời của Nao xem như chấm dứt ở đây. Một kẻ đáng thương hơn đáng trách.

Kết quả hình ảnh cho Kokuhaku mizuki

Shuya Watanabe – Kẻ sùng đạo

Và nhân vật A không ai khác ngoài Shuya Watanabe. Phần thú tội của Shuya Watanabe bắt đầu bằng một kế hoạch đặt bom, và quá khứ đầy tội nghiệp của Shuya.

Mẹ Shuya là một nhà khoa học nổi tiếng, vì gia đình mà không thể theo đuổi sự nghiệp. Mẹ Shuya rất kỳ vọng vào con trai mình và bắt cậu bé học mọi thứ liên quan đến khoa học. Shuya tội nghiệp lớn lên mà chưa từng được mẹ kể chuyện cổ tích cho nghe, và áp lực mà cậu nhận được là phải trở thành thiên tài. Cũng như mẹ của Nao, mẹ của Shuya đã có cách dạy con hoàn toàn sai trái, nhưng nếu như mẹ của Nao chủ ý thì mẹ của Shuya lại hoàn toàn không ý thức được rằng mình đang dạy con như vậy.

Có lẽ gốc gác của mọi bi kịch trong Thú Tội bắt nguồn từ đây.

Do biết được vợ đánh con thậm tệ mỗi lúc không hài lòng, bố Shuya đã ly dị. Mẹ Shuya bỏ cậu bé, để lại trong lòng cậu bé một nỗi trống vắng, tâm hồn và suy nghĩ lệch lạc, với ước mong cháy bỏng là thể hiện bản thân là một thiên tài để được mẹ công nhận và đón nhận.

Vậy nhưng ai là người thấu hiểu Shuya? Bố Shuya lấy vợ mới, sinh em bé và họ để cho Shuya chuyển ra ngoài sống khi còn là một đứa trẻ. Shuya không chơi với bạn bè vì cho rằng mình là thiên tài, Shuya coi thường chúng bạn đồng trang lứa. Đây chính là lối suy nghĩ lệch lạc do ảnh hưởng từ cách nuôi dạy không đúng của người mẹ, khi bà đã nhồi vào đầu con trai bé bỏng quá nhiều kiến thức, quá nhiều khát vọng, quá nhiều điều lớn lao.

Shuya lập một trang web đăng những món đồ cậu chế tạo hòng thu hút được sự chú ý từ mẹ nhưng thay vào đó chỉ thu hút được sự chú ý của những đứa trẻ hiếu kỳ. Khi Shuya lấy xác một con thú nuôi bị chết từ lòng sông và đăng tải lên trang web của mình để xua đuổi chúng, đám bạn đồng trang lứa lại loan tin đồn là cậu tra tấn thú nuôi. Để rồi sau đó khi Shuya đem cho cô giáo Moriguchi xem chiếc ví với mong muốn được công nhận và dạy dỗ thì lại bị Moriguchi phán ngay rằng đây là món đồ nguy hiểm. Khi Shuya cần một sự an ủi và dẫn đường chỉ lối thì giáo viên đã ở đâu?

Để được sự công nhận, Shuya đã quyết tâm thắng giải trong cuộc thi khoa học. Nhưng rủi thay, truyền thông lại chĩa mũi giáo vào vụ việc Lunacy giết chết bố mẹ. Truyền thông diều hâu đã hắt cho Shuya một gáo nước lạnh, nhưng hơn cả là đã đánh thức con quỷ trong người cậu bé. Shuya cho rằng muốn làm mọi người quan tâm thì phải dùng phát minh của mình để giết người.

Tấn bi kịch đến sau đó.

Sau khi bị Moriguchi trả thù, ngược lại với Nao, Shuya vô cùng sung sướng. Shuya muốn được chết vì bệnh HIV nhưng như chúng ta đều biết, việc uống sữa nhiễm máu HIV chỉ có xác suất gần như 0% lây nhiễm, và Shuya đã có kết quả âm tính với HIV. Trong quá trình này, Shuya đã hẹn hò với Mizuki nhưng vì Mizuki nhắc đến là mình từng thích Nao và so sánh Shuya với Nao, Shuya đã lạnh lùng ra tay giết chết Mizuki không hề thương tiếc.

Giết chết một đứa con gái chưa đủ khiến truyền thông quan tâm, Shuya lên một kế hoạch đáng sợ hơn thế: Đánh bom toàn trường trong lễ bế giảng.

Trong lễ bế giảng hôm ấy, Shuya đã chế tạo và cài một quả bom hóa học tự chế, kích hoạt nổ thông qua điện thoại. Và rồi Shuya bấm nút.

Nhưng quả bom không nổ. Và đó là khi…

Hình ảnh có liên quan

Yukio Moriguchi – Kẻ truyền đạo

Sau khi đánh bom không thành, Shuya nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ.

“Shuya đấy à, mẹ đây con… Em có tưởng tượng ra như thế không? Thật đáng tiếc, tôi không phải mẹ em.”

Đó là Moriguchi. Lại là Moriguchi. Nhân vật bắt đầu cũng là nhân vật kết thúc câu chuyện.

Ở chương cuối cùng của mình, Moriguchi đã bộc lộ hết sự trừng phạt của mình đến với kẻ tội đồ Shuya. Cô âm thầm theo dõi Shuya và sử dụng chính yếu điểm của Shuya để trả thù. Dù biết hết mọi thứ về Shuya, Moriguchi vẫn không hề thương hại. Nếu tôi thương hại em, thì ai sẽ thương hại tôi? Moriguchi giờ chỉ có một ý muốn duy nhất là trả thù, và quả bom của Shuya đã được Moriguchi chuyển đi một nơi khác.

Nơi mẹ Shuya đang ở.

Và tấn bi kịch cuối cùng đã kết thúc ở đây, với một màn bi kịch lớn nhất kết thúc tất cả.

“Watanabe này, em có nghĩ đây mới là trả thù thực sự, là bước đầu tiên để em tái sinh không?”

Không. Shuya Watanabe xem như đã chết. Và Thú Tội khép lại như vậy đấy.

Ai là kẻ đáng thương? Ai là kẻ đáng trách

Không có ai hoàn toàn chỉ đáng thương, cũng chẳng có ai hoàn toàn chỉ đáng trách. Tấn bi kịch này là một mớ bòng bong hỗn độn, là một hậu quả tất yếu đầy đau thương của những sự lệch lạc, thiếu trách nhiệm trong giáo dục của gia đình và xã hội.

Nhưng có những kẻ đáng thương hơn đáng trách. Đó chính là Nao, là Mizuki, là Moriguchi và có thể là cả Shuya nữa.

Kết quả hình ảnh cho kokuhaku

Dĩ nhiên, không thể thiếu những kẻ đáng trách hơn đáng thương. Và không ai khác, đó chính là hai người mẹ của Naoko và Shuya. Hai người chính là căn nguyên, gốc gác của mọi bi kịch cho con trai mình và cả những người khác, tất cả do sự thiếu quan tâm và phương pháp dạy dỗ sai trái.

Ở đây, liệu rằng Thú Tội có đang đổ quá nhiều trách nhiệm cho người phụ nữ hay không? Khi cả ba bậc phụ huynh liên đới tới câu chuyện đều là hình tượng người mẹ? Tại sao không phải là cha? Tại sao mọi lỗi lầm đều ở người mẹ?

Hoặc có lẽ bởi ở Nhật Bản, người phụ nữ vấn nắm vai trò quyết định trong chăm sóc gia đình, đó là hiện trạng chung mà Kanae Minato chỉ đơn giản bị ảnh hưởng bởi hiện trạng đó. Hoặc có lẽ Kanae Minato muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của người phụ nữ trong việc giáo dục con cái ở xã hội Nhật Bản.

Dù sao đi nữa, đây cũng là một bài học đắt giá, cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và giáo viên, cũng như xã hội hãy có sự quan tâm và phương pháp giáo dục đúng đắn đối với trẻ vị thành niên đang ở lứa tuổi dậy thì.

So sánh truyện và phim

Có lẽ ta phải cảm ơn đạo diễn Tetshuya Nakashima đã chuyển thể thành công Thú Tội lên màn ảnh rộng. Chính những cảnh quay slow motion đậm chất đã khiến cho lời văn “Cả người con bé co giật rồi từ từ ngã ngửa như một thước phim quay chậm” trở nên sống động hơn bao giờ hết. Những cảnh quay slow motion hoặc góc máy từ trên cao, cũng như ánh sáng, màu sắc phim và những bản nhạc đầy cảm xúc như Last Flower đã khiến cho Thú Tội trở nên vô cùng cảm xúc.

Với tôi, phiên bản phim đã truyền tải được tới 90% từ bản truyện, và đã thổi hồn cảm xúc vào đó một cách hài hòa và hợp lý. Ngược lại, phiên bản truyện, với lợi thế của văn học mà điện ảnh khó làm được, đã làm rõ chiều sâu, suy nghĩ và từng chi tiết nhỏ trong câu chuyện.

Hình ảnh có liên quan

Một số điểm khác biệt giữa phiên bản truyện và phim khiến tôi chú ý:

  1. Phiên bản phim làm theo lối kể tuyến tính trong khi phiên bản truyện hoàn toàn tách biệt thông qua lời kể các nhân vật. Việc này giúp bộ phim rành mạch hơn, tránh lặp cảnh. Và phải nói Thú Tội là một câu chuyện chẳng dễ gì chuyển thể thành phim. Tetshuya Nakashima đã làm được một điều phi thường.
  2. Phiên bản phim có thêm tình tiết Moriguchi viết chữ “Sống” rất to trên bảng. Bìa truyện Thú Tội do Nhã Nam xuất bản có hình ảnh này.
  3. Phiên bản phim có thêm tình tiết Shuya khi biết mình đã uống sữa nhiễm HIV thì ôm miệng, chạy vào nhà vệ sinh và…cười lớn. Đây là một chi tiết đắt giá mà biên kịch đã thêm vào.
  4. Phiên bản truyện có thêm nhật ký của mẹ của Nao, giúp khắc họa rõ nét nhân vật này cũng như góc nhìn của nhân vật này tới câu chuyện. Điều này phiên bản phim khá hạn chế làm được.
  5. Phiên bản phim cắt bớt nhân vật không cần thiết như anh, chị của Nao, cũng không nhắc đến bố mẹ của Mizuki.
  6. Phiên bản truyện nhắc đến bố mẹ Mizuki vẫn còn sống, như vậy Mizuki không phải Lunacy dù sau đó Mizuki có bảo Lunacy là một con người khác của mình. Phiên bản phim lập lờ giữa việc Mizuki có phải Lunacy hay không khi không hề nhắc đến bố mẹ Mizuki.
  7. Phiên bản truyện làm rõ Werther cố thể hiện mình hơn là nhiệt tình, điều này khiến cho Werther bị trừng phạt sau đó xứng đáng hơn, vì dù sao chính sự ngu dốt của Werther đã dẫn đến bi kịch của Nao.
  8. Phiên bản phim Shuya lên tiếng chê bai và coi thường Lunacy còn phiên bản truyện thì ban đầu Shuya cũng có phần ngưỡng mộ Lunacy. Điều này kết hợp với điều 3 bên trên khiến cho Shuya trở nên máu lạnh và cao ngạo hơn.
  9. Phiên bản phim thì chính Moriguchi là người giả danh mẹ, gửi thư cho Shuya để gọi Shuya đến chỗ mẹ. Shuya khi tới đây phát hiện mẹ đã tái hôn nên mới tan nát cõi lòng. Cũng trong phiên bản phim, Shuya đã nói dối trên V-log của mình tình tiết này, rằng cậu đến nơi nhưng quyết định quay về luôn. Phiên bản truyện thì chính Shuya chủ động đến gặp mẹ và phát hiện mẹ đã tái hôn và đã nói luôn trên V-log. Vậy là phiên bản phim khiến Moriguchi thủ đoạn hơn còn Shuya vừa yếu đuối hơn, vừa trọng thể diện hơn nên mới che giấu điều này.
  10. Phiên bản phim thêm vào đoạn Mizuki nói chuyện với Moriguchi. Đây là trường đoạn nhạc Last Flower rất hay, và điệu cười cũng như giọt nước mắt của Moriguchi khiến người xem vừa sợ vừa thương nhân vật này.
  11. Phiên bản phim, trước khi bóp cổ giết Mizuki, Shuya đã dùng vật thể cứng đập vào đầu Mizuki tóe máu. Phiên bản truyện không có tình tiết này. Chi tiết bong bóng xà phòng vỡ bên tai của Shuya khi mẹ ra đi khiến cho cậu ta luôn nhắc đến “âm thanh của một thứ gì quan trọng biến mất” cũng chỉ có ở phiên bản phim.
  12. Phiên bản truyện làm rõ được sự đáng thương của Nao thông qua lời kể của mẹ Nao và của Nao. Phiên bản phim chưa làm rõ được sự đáng thương này như phiên bản truyện.
  13. Phiên bản truyện kết thúc bằng cuộc gọi của Moriguchi và thông báo đã đem quả bom tới chỗ mẹ Shuya. Người đọc không biết đầu dây bên kia Shuya đang như nào. Phiên bản phim đã thêm vào một đoạn cái kết, sau khi biết được quả bom để ở chỗ mẹ mình, Shuya đã vô cùng đau khổ. Cảnh tượng Shuya giữa đám đông học sinh cũng vô cùng ấn tượng. Và đặc biệt hơn cả chính là tình tiết “Nói đùa thôi” chỉ có ở phiên bản phim, bắt nguồn từ đoạn Shuya giả vờ hối hận định tự sát và được chính Moriguchi dùng để kết lại, khiến Moriguchi đáng sợ hơn bội phần.

Kết

Nhìn chung, phiên bản phim và phiên bản truyện của Thú Tội mỗi phiên bản có một thế mạnh riêng. Phiên bản phim trực quan hơn, cảm xúc hơn còn phiên bản truyện rõ ràng hơn, chi tiết hơn, truyền tải ý nghĩa sâu hơn.

Và hơn cả, sau khi xem và đọc Thú Tội tôi vẫn không khỏi rùng mình và lo lắng cho biết bao nhiêu đứa trẻ ở độ tuổi vị thành niên bên ngoài kia. Nếu không được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm, yêu thương, chăm sóc, dẫn đường chỉ lối thì những điều đáng sợ như Thú Tội hoàn toàn có thể xảy ra lắm chứ.

Hãy quan tâm tới con em của mình!

Người viết: ĐA-ĐA

 

8 comments

  1. Xin chào bạn, tôi đã nhận được tin nhắn của bạn qua biểu mẫu. Xin lỗi vì hồi đáp có phần chậm trễ vì tôi chỉ mới thấy tin nhắn đó cách đây vài phút. Tôi xin mạn phép được trả lời tại phần bình luận của bài viết này vì không biết cách thức liên hệ với bạn (bạn có thể cho tôi địa chỉ gmail của bạn được không?). Về việc repost bài review Thú tội, vào thời điểm đó tôi mới hoàn tất việc đọc tác phẩm và thiết nghĩ bản thân nên viết một bài review ngắn. Tôi lên mạng và tìm đọc những bài review của các độc giả khác thì tình cờ đọc được bài của Đa-Đa bạn. Thật sự ấn tượng. Trong bài viết bao hàm không chỉ những suy nghĩ của tôi về cuốn sách mà còn có cả những quan điểm mới đối với tôi thể hiện qua cách nhận các khía cạnh trong tác phẩm. Mặc khác, đây là một bài viết rất kĩ lưỡng nên tôi đã chia sẻ về trang của mình. Trả lời câu hỏi của bạn, tôi cũng giống như bạn, thích viết để sống vì tôi quan niệm văn chương không chỉ là thoát ly mà còn là cầu nối liên kết người với người. Và như đã nói, tôi chỉ tình cờ biết qua trang của bạn nên chắc chắn là tôi không quen bạn trước đó rồi ^^ cũng chính vì thế, mong rằng chúng ta có thể trao đổi thư điện tử (hay bằng cách thức nào đó) với nhau nhằm tìm kiếm sự đồng điệu trong các lĩnh vực chung mà chúng ta yêu thích.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Review hay quá anh ơi :’D
    Em thấy đây là một trong những phim hay ngang truyện ý. Thường thì đọc truyện rồi xem phim độ yêu thích sẽ giảm đi một chút, nhưng ở đây nếu truyện 9 chắc phim 9,5 luôn =)))
    Em ấn tượng truyện có một đoạn mẹ của Nao cắt tóc cậu trong lúc ngủ, lúc tỉnh dậy thấy tóc rơi đầy ra gối, cậu tưởng mình bị rụng tóc do HIV. Trên phim, đoạn này được chuyển thành Nao soi gương, thấy mình sạch sẽ, đối lập với hình ảnh tóc tai rối bù, người bẩn, móng tay để quá lâu chưa cắt trước đó nên cho rằng mình sắp chết. Đoạn này em cũng hơi rối não chút vì không biết giải thích như thế nào, Em nghĩ giữ nguyên như trong truyện sẽ hợp lý hơn.

    Thích

Bình luận về bài viết này