Vào ngày 09/04/1951, nhà văn trẻ người Iran mang tên Sadegh Hedayat tự sát tại Paris. Trong giới văn học và nghệ sĩ, tự sát không phải là điều hiếm hoi xảy ra, ví như chúng ta có Ernest Hemingway, Romain Gary, Akutagawa, Kawabata đều là những nhà văn nổi tiếng tự sát. Nhưng không có ai như Sadegh Hedayat, ngay cả khi đã qua đời hơn 50 năm, tác phẩm của ông vẫn bị cấm và truất quyền xuất bản tại quê nhà. Và điều đặc biệt hơn nữa, tác phẩm “Con Cú Mù” (tiếng Iran: Buf-e Kur) lại được xem như là “trái cấm hiện sinh” khiến cho rất nhiều người đọc tự sát.
Trước khi bạn đọc tiếp những phần bên dưới, có tiết lộ nội dung truyện, tôi cần phải lưu ý rằng bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng việc đọc tiếp, cũng như cân nhắc kỹ lưỡng việc đọc “Con Cú Mù” hay không. Không phải ngẫu nhiên mà “Con Cú Mù” bị cấm ở Iran, dù được coi là kiệt tác xuất sắc nhất của văn học Iran thế kỷ XX. Nếu bạn từng biết đến những bộ phim “hardcore” như A Serbian Film, Die Blechtrommel (The Tin Drum), Salò, Anatomy of Hell… thì “Con Cú Mù” có thể coi như là một tác phẩm văn học “hardcore” và vô luân như thế. Những khía cạnh đạo đức bị đạp đổ có thể khiến bạn phải nhăn mặt, nôn mửa và nổi da gà. Nếu bạn là một người có đạo đức, bạn sẽ rùng mình khi nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra nếu những thứ như này xảy ra ngoài đời thực. Nếu bạn là một người vô đạo đức, ôi Chúa ơi, thì đáng sợ hơn, bạn có thể sẽ bị ám ảnh và thực hiện những hành vi như thế. Bởi vậy, để đọc cuốn sách này, cũng như xem những bộ phim bên trên, bạn cần phải là một người đứng giữa lằn ranh giới của đạo đức, không phán xét nhưng cũng tuyệt đối không để tâm trí bị ảnh hưởng theo.
Đến với tác phẩm “Con Cú Mù”, trong nền văn hóa đậm nét huyền bí của các nước Ả Rập – Ba Tư – Iran, con cú là một loài vật sinh ra từ hoang tàn, sống đơn độc trong bóng tối, đem đến cái chết dành cho con người. Hình tượng “Con Cú Mù” gợi cho chúng ta liên tưởng tới hình tượng thần công lý bị đui mù đôi mắt. Cũng như thần công lý, “Con Cú Mù” mang quyền uy huyền bí, chỉ làm nhiệm vụ của mình mà hoàn toàn đui mù trước nhân tình thế gian.
“Con Cú Mù” được kể lại với bút pháp mơ, nhưng không phải một giấc mơ lãng mạn màu hồng, mà là một giấc mơ ma mị, ngột ngạt, bức bí, đau khổ nửa thực nửa mê như trong cơn bóng đè không thể thức giấc. Xuyên suốt câu chuyện, nhân vật “tôi” – một họa sĩ vẽ trang trí hộp đựng bút, kể chuyện đời mình với cái bóng in trên tường giống hình con cú mèo, trong một căn phòng “tựa như nấm mồ”. Ở đó, ta có thể thấy nhân vật “tôi” có những mối quan hệ lỏng lẻo trong một xã hội khép kín và cấm đoán, nơi nhân vật “tôi” bị kìm hãm, ức chế tâm lý sinh đơn độc, quẫn trí, điên loạn, thèm khát và cuối cùng đã sinh ra hành động giết người. Trong những mối quan hệ của nhân vật “tôi”, có ba nhân vật đáng chú ý nhất:
- Nhân vật “nàng”: nhân vật phảng phất như một bóng ma, đẹp thuần khiết nhưng hoàn toàn lạnh ngắt. Đây là nhân vật được nhân vật chính tập trung vào từ đầu truyện cho tới nửa đầu, khi “nàng” chết trong tay “tôi” và “tôi” chôn cất “nàng”. Mối quan hệ giữa “tôi” với “nàng” như một thứ tình yêu thuần khiết không vụ lợi nhưng lại mãi mãi chỉ có thể chôn giấu trong lòng, để đến cuối cùng khi “nàng” chết thì hai người mới được ở bên nhau.
- Nhân vật “Vợ tôi – con đĩ”: Nghe thật khó chịu đúng không nào. Ai lại đi gọi vợ mình là con đĩ??? Phải, khó chịu là vậy nhưng đó lại là mặt trái của sự thật, vợ của nhân vật “tôi” quả thực là một “con đĩ”. Ả ngủ với tất cả mọi người trừ chồng mình và trái ngược với nhân vật “nàng”, nhân vật “vợ tôi – con đĩ” lại đại diện cho nhục dục, mang theo mâu thuẫn giữa thèm khát và căm thù của nhân vật “tôi”. Nhân vật “vợ tôi – con đĩ” cũng có thể đại diện cho cả sự cấm đoán của nền văn hóa Iran, điều khiến cho nhân vật “tôi” bị ức chế tâm lý và dẫn đến hành động băng hoại cuối cùng.
- Nhân vật “Ông lão” có tiếng cười the thé, ghê rợn. Đây là một nhân vật bí ẩn, nếu như “nàng” và “vợ tôi – con đĩ” chỉ xuất hiện ở hai nửa của câu chuyện thì “ông lão”, dù là nhân vật phụ được nhắc đến, nhưng lại xuất hiện từ đầu đến cuối truyện và ám ảnh nhất. “Ông lão” chính là kẻ đã đưa “tôi” đi chôn cất “nàng”, “Ông lão” cũng là kẻ ngủ với “vợ tôi – con đĩ”, “ông lão” cũng là kẻ luôn quan sát cuộc sống của “tôi”, biết hết mọi thứ nhưng chỉ cười the thé, ghê rợn như một kẻ dâm ô, tà ác, đầy mưu kế hiểm độc trong đầu. Nhưng rồi đến phần cuối của truyện, khi “tôi” thực hiện hành vi giết người, chúng ta mới vỡ ra rằng “ông lão” chính là “tôi”, khi mà “tôi” vượt qua lằn ranh giới của sự suy đồi đạo đức ấy. “Tôi” đã trở thành “ông lão”, và hóa ra rằng “ông lão” bấy lâu nay lại chính là “tôi”.
Như đã nói ở trên, “Con Cú Mù” là thứ trái cấm ma mị, đầy ám ảnh, đáng sợ. Trong “Con Cú Mù” có sự phản bội, không trung thủy, nhục dục, giết người, hãm hiếp, thèm khát tình dục, ấu dâm… Đây là một tác phẩm cần kiểm duyệt kỹ lưỡng, và nếu nói về khía cạnh đạo đức, nó thực sự phác thảo một bức tranh băng hoại, nhưng trong bất cứ bức tranh băng hoại nào mà ẩn chứa giá trị văn học, nhân văn, thì tác giả cũng phải có ý đồ đạo đức. Đó là sử dụng một thứ phản đạo đức để lên án sự phản đạo đức, để khơi gợi tính đạo đức trong mỗi con người, nhưng đó cũng là một con dao hai lưỡi. Bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng có nên đọc tác phẩm này hay không.
Đối với bản thân tôi, “Con Cú Mù” mang giá trị văn học rất cao. Từ văn phong, hình thức thể hiện, không khí và các thủ pháp nghệ thuật đều rất đặc sắc. Bất chấp sự “khó chịu” khi đọc tác phẩm do sự băng hoại đạo đức và “lời thì thầm ma mị” đầy tiêu cực của nhân vật “tôi” như một phù thủy già nua giả dạng làm người bạn thân nhất của ta để thôi miên ta làm điều ám muội, tôi vẫn bị cuốn hút khi đọc tác phẩm này. Trong “Con Cú Mù” có vẻ như còn có sự lên án nền văn hóa và tôn giáo Iran đã kìm kẹp con người khiến cho những nhục dục của con người bị kìm nén, ức chế quá độ. Và cái gì nén quá thì sẽ đến lúc bung ra, tạo thành một vụ nổ lớn. Phải chăng đó là nghịch lý khi những quốc gia đạo Hồi sử dụng biện pháp ngăn chặn ham muốn tình dục bằng khăn che mặt lại là những quốc gia xảy ra rất nhiều nạn hiếp dâm và đàn áp người phụ nữ? Tôi không dám chắc “Con Cú Mù” có thực sự lên án điều đó, bởi chưa đủ hiểu biết về nền văn hóa Iran.
Đến cuối cùng, khi gấp cuốn sách lại, những nhân vật “tôi”, “ông lão” đã biến mất nhưng thứ khói mù đen đặc huyền bí của Tây Á vẫn còn phảng phất nơi đây. Có đôi chút rùng mình, tôi phải quơ tay để xua tan đi thứ khói mù đen ám muội ấy. “Con Cú Mù” xứng đáng là một thứ trái cấm ma mị của Iran.