Năm 1982, một bộ phim tiểu sử đã ra đời, chiến thắng 8 giải Oscar trong đó có hạng mục Best Picture of the Year, và điều lạ lùng là bộ phim này do nước Anh sản xuất để tôn vinh người đã giải phóng một nước thuộc địa của Anh. Không ai khác, đó chính là Gandhi – người anh hùng dân tộc của Ấn Độ, từng 2 lần được đề cử Nobel hòa bình và là một trong những nhân vật mà Einstein phải khen ngợi.
Bộ phim Gandhi bắt đầu với vụ ám sát mang đậm chủ nghĩa dân tộc và cánh hữu cực đoan, dẫn đến cái chết của Gandhi. Một đám tang toàn dân được tổ chức, dân chúng coi Gandhi như Đức Phật tại thế và hết sức đau buồn trước cái chết của ông. Ở bên kia chiến tuyến, hai “cựu kẻ thù” của Gandhi là Nữ hoàng Anh và Tổng thống Pakistan cũng phải ngả mũ kính phục, phát biểu những lời thương tiếc đến một người anh hùng không súng. Trước đó nhiều năm, khi thậm chí còn chưa quan tâm đến chính trị, Gandhi chỉ là 1 chàng luật sư mới nhận bằng đang trên đường đến Nam Phi làm việc cho một ông chủ da trắng và bị đuổi xuống khỏi con tàu.
Nam Phi là nơi đầu tiên Gandhi nhận thấy sự bất công, phân biệt chủng tộc và đàn áp của người da trắng với người da màu. Người da màu không được đi bên cạnh 1 người da trắng, người da màu không được ngồi trên khoang hạng nhất, người da màu không được đi trên vỉa hè, người da màu không được làm luật sư mà chỉ được làm “culi”… Tất cả những sự bất công đó đã khơi dậy tinh thần dân tộc của Gandhi, từ một người chỉ muốn làm luật sư giờ đây nhen nhóm tư tưởng chính trị.
Một tư tưởng xuyên suốt rất đáng ngưỡng mộ của Gandhi, đó chính là đấu tranh bất bạo động. Gandhi thường trích lại lời của Đạo Cơ-đốc: “Nếu ai đó vả má bên phải của anh, hãy đưa má bên kia cho họ” (Kinh Tân Ước, Matthew). Mình biết, rất nhiều người cho rằng đây là 1 câu nói đạo đức giả của 1 kẻ ngu ngốc, nhưng Gandhi không nghĩ như vậy. Theo lý giải của vị luật sư London này, câu nói trên ám chỉ sự dũng cảm và không trả thù. Khi bị vả vào má bên phải mà đánh lại kẻ kia, đó là sự trả thù. Và khi “đổi một con mắt bằng một con mắt, thì cả thế giới sẽ mù lòa”. Ngược lại, khi bị vả vào má bên phải má tránh né, thì đó là sự nhút nhát. Chỉ có sự dũng cảm: “giơ má còn lại cho kẻ thù” mới khiến kẻ thù phải run sợ, mới khiến kẻ thù phải xem xét lại chính những tội ác mà mình gây ra.
Từ tư tưởng đến hành động, khi Gandhi trở về Ấn Độ, ông đã dẫn đầu một cuộc đấu tranh bất bạo động của toàn dân Ấn Độ trước thực dân Anh Quốc. Lúc bấy giờ, người dân Ấn bị ru ngủ với những nghề làm việc lam lũ, đủ sống, dân trí thấp, an vị với căn nhà đất, vài con gia súc với người vợ lầm lũi ở nhà trông con. Còn lại toàn bộ an ninh, luật pháp, thương nghiệp, thậm chí cả sản xuất muối, đều do người Anh nắm giữ. Nhận ra hiện trạng ấy, Gandhi tin rằng để Ấn Độ có thể độc lập thì trước tiên phải khai dân trí. Bài phát biểu tại một hội đồng Ấn Độ đã gây ấn tượng sâu sắc, dù trước đó chẳng ai thèm quan tâm Gandhi là kẻ vô danh tiểu tốt nào:
“Những người anh em của tôi, người Ấn Độ ở 700.000 ngôi làng chứ không chỉ có một trăm luật sư ở New Delhi và Bombay. Khi mà chúng ta còn đứng giữa cánh đồng, với hàng triệu công việc cực nhọc dưới ánh nắng thiêu đốt của ánh mặt trời, thì chúng ta không thể cất tiếng nói cho người Ấn Độ. Và chúng ta cũng chưa thể thách thức người Anh như là một quốc gia.”
Dĩ nhiên, việc đấu tranh bất bạo động là không hề dễ dàng. Người Ấn Độ đang bất bình với thực dân và họ tiến hành những cuộc tấn công tàu hỏa, tấn công đồn cảnh sát… Gandhi cảm thấy đau buồn và tuyệt vọng vì điều đó. Khi những con người mà mình đấu tranh cho, mà mình dẫn dắt lại trở nên hung hãn và làm điều ác. Khi “đổi một con mắt bằng một con mắt, cả thế giới sẽ mù lòa”. Gandhi quyết định ngừng kêu gọi khởi nghĩa, Gandhi quyết định không lãnh đạo cuộc đấu tranh đang mạnh lên như vũ bão và đóng cửa tuyệt thực ở nhà. Hành động này của Gandhi hóa ra lại có tác dụng, những người dân Ấn Độ vốn đang yêu mến Gandhi cảm thấy tội lỗi, họ nhận thức được hành động sai trái của mình. Dần dần, họ thay đổi và hành động theo tư tưởng của Gandhi. Phương pháp “bất bạo động, bất hợp tác” của Gandhi trở thành thứ vũ khí không sát thương khiến cả đế chế Anh Quốc hùng mạnh phải run sợ. Gandhi bị bắt vào tù thường xuyên nhưng chúng cũng sớm phải thả ông ra, bởi Gandhi không có tội gì cả. Gandhi khiến cho cả những kẻ thù phải khâm phục.
Cuộc đấu tranh của Gandhi cuối cùng cũng giành thắng lợi, khi Anh phải trao trả quyền độc lập cho Ấn Độ. Tuy nhiên lúc này một vấn đề khác lại phát sinh, vùng đất Pakistan vốn dĩ thuộc Ấn Độ, giờ đây tràn ngập những người di cư Hồi giáo, xung khắc với Hindu giáo truyền thống của người Ấn Độ. Anh Quốc trao trả độc lập cho Ấn Độ với điều kiện Pakistan cũng phải trở thành một quốc gia tự trị. Gandhi đồng ý với việc đó, nhưng một lần nữa, những người dân Ấn Độ lại không. Một cuộc chiến tranh biên giới tàn khốc xảy ra giữa người Hồi giáo và Hindu giáo. Những thủ lĩnh phong trào Hồi giáo cực đoan và Ấn Độ cực đoan xuất hiện. Gandhi như một vị thánh bất lực trước sự tàn bạo của con người. Một lần nữa, Gandhi tuyệt thực.
Lần tuyệt thực này không có kết quả tốt đẹp như trước, bởi lẽ giờ đây người Ấn Độ đã giành độc lập và đang tự mãn. Nhiều kẻ vô ơn còn hô vang khẩu ngữ “Death to Gandhi” khi Gandhi phản đối người Hindu giáo gây hấn với người Hồi giáo. Gandhi thì ngày một già yếu hơn, cho tới lúc ông phải nằm liệt giường, da bọc xương, một thông điệp “Gandhi đang chết vì sự tàn bạo của người Ấn Độ” mới được nhà nước truyền đi. Một thông điệp kêu gọi hòa bình hướng đến cả 2 bên được phát đi mạnh mẽ, chỉ thực sự hiệu quả khi Gandhi – vị cha già dân tộc đang cận kề cái chết.
Trong bối cảnh ấy, có những kẻ “tội đồ” đã buông đao kiếm, kính cẩn đến tạ lỗi trước Gandhi. Gandhi không nhận, bởi ông không phải người mà họ phải xin lỗi, mà đó phải là những gia đình họ đã giết. Có một kẻ bặm trợn đến trước Gandhi, ném cho ông 1 cái bánh mì và quát tháo: “Đây, ăn đi. Ăn đi. Tôi xuống địa ngục là chắc rồi nhưng tôi không thể chịu được sự dày vò khi ông lại chết bởi tội lỗi của tôi”. Gã “tội đồ” này kể lại mình đã giết chết 1 đứa trẻ Hồi giáo, nhưng trước đó, con trai của hắn đã bị những người Hồi giáo giết. Hắn kể lại với nỗi đau đớn không nguôi, có vẻ như sự trả thù cũng không hồi sinh được đứa con của hắn, cũng không làm hắn bớt đau đớn đi phần nào. Một lần nữa người ta lại phải suy ngẫm về câu nói của Gandhi: “đổi một con mắt bằng một con mắt, thì cả thế giới sẽ mù lòa”. Lần này, Gandhi đưa ra một lời khuyên cho kẻ “tội đồ”: “Ta biết một lối thoát ra khỏi địa ngục, đó là anh hãy đi tìm một đứa trẻ đã mất cả gia đình. Nó cao chừng này (giơ tay ám hiệu cao bằng với đứa con mà kẻ “tội đồ” kia đã mất), anh hãy nuôi nó trưởng thành. Nhưng nó phải là một người Hồi giáo, và anh phải nuôi nó theo cách của người Hồi giáo.”
Cả đời của Gandhi đấu tranh cho bình đẳng và bất bạo động. Ông luôn tự nhận mình là một người Hindo, cũng là một người Hồi giáo, cũng là một người Cơ-đốc, cũng là một người Sikh, cũng là một người Do Thái. Gandhi giành cả đời để đấu tranh cho hòa bình và người Ấn Độ, nhưng rồi ông lại ngã xuống trước họng súng của một kẻ Ấn Độ thích chiến tranh.
Đó là cách mà bộ phim Gandhi đã tái lại cuộc đời của vị anh hùng dân tộc vĩ đại này.
Bên lề bộ phim
Về Gandhi, ông được dân chúng tôn xưng danh hiệu “Mahatma”, tức “linh hồn lớn” hoặc “vĩ nhân” (tương đương với sự kính trọng của nhân dân Việt Nam dành cho chủ tịch Hồ Chí Minh với danh xưng “cha già dân tộc”) nhưng Gandhi luôn từ chối danh xưng ấy. Mặc dù được xem như là một biểu tượng của Ấn Độ nhưng Gandhi không theo chủ nghĩa thần tượng cá nhân.
Lối tu hành của Gandhi tương đối giống với lối tu hành của sa môn cổ xưa Ấn Độ (tiền thân của Phật giáo – Phật Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama, hay còn gọi là Buddha hoặc Shakyamuni) từng tu hành khổ hạnh theo sa môn trước khi nhận ra cách tu hành này không phù hợp và khai sinh ra Phật giáo). Gandhi sống khổ hạnh, ăn chay, tuyệt dục, không làm hại kẻ khác. Đó là lý do dân chúng Ấn Độ và nhiều người coi Gandhi như một vị thánh nhưng cũng không ít người cho rằng Gandhi là “đạo đức giả”. Thực tế là Gandhi không hề tạo lập tôn giáo, hay khuyên mọi người làm như mình. Trong tự truyện của mình, Gandhi nói rằng những việc ông làm là những việc mà mọi người không nên học theo, Gandhi làm như vậy để chống lại sự thôi thúc của dục tính và cái ác, giữ cho đầu óc thông suốt trong bối cảnh thế giới hỗn loạn – là một cách để giúp cho Gandhi giữ được bản thân mình trong giới chính trị.
Cuộc đấu tranh bất bạo động của Gandhi là mở đầu cho cả một phương pháp đấu tranh bất bạo động thế giới, ảnh hưởng tới nhiều phong trào trên thế giới, trong đó có Martin Luther King Jr.
Cuộc chiến tranh biên giới Ấn Độ – Pakistan ngày trước có nhiều điểm tương đồng với cuộc chiến tranh vùng Gaza giữa Israel và Palestine ngày nay (ngoại trừ vấn đề tranh chấp vùng đất thiêng liêng Jerusalem). Chủ nghĩa bất bạo động của Gandhi đã dẫn đến hòa bình cho Ấn Độ – Pakistan. Còn Israel và Palestine thì sao? Liệu rằng thế giới cần một Gandhi mới?
Nhiều người so sánh Gandhi với Nguyễn Ái Quốc (danh xưng hoạt động quốc tế của chủ tích Hồ Chí Minh trước khi về nước) nhưng bản chất là tương đối khác biệt. Gandhi chủ trương đấu tranh bất bạo động, không dùng súng còn Nguyễn Ái Quốc chủ trương bạo động cách mạng. Gandhi theo chủ nghĩa hòa bình đa tôn giáo, học tập phong cách sống sa môn Ấn Độ còn Nguyễn Ái Quốc theo chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, học tập phong cách sống giản dị, liêm khiết. Gandhi chủ trương hòa hoãn, chấp nhận chia cắt với Pakistan còn Nguyễn Ái Quốc (lúc bấy giờ là chủ tịch Hồ Chí Minh) chủ trương thống nhất đất nước.
Gandhi 2 lần được đề cử Nobel hòa bình nhưng không được trao giải vì lý do chính trị. Sau này chính Hội đồng giải Nobel đã công bố là ân hận vì đã không trao giải Nobel cho Gandhi và nói rằng nguyên nhân là bởi vấn đề chính trị khi đó. Khi Đạt-lai-đạt-ma thứ 14 nhận giải Nobel hòa bình năm 1989, chủ tịch Hội đồng Nobel cũng tuyên bố: “Đây là 1 phần để tưởng niệm Gandhi”.
Gandhi chết năm 1948 ở New Delhi, bị ám sát bởi Nathuram Godse – một môn đồ Hindu giáo cực đoan, có quan hệ với tổ chức Ấn Độ cánh cực hữu Hindu Mahasabha. Năm 1949, phiên tòa xét xử đã xử tử hình Godse và một kẻ cùng âm mưu là Narayan Apte. Vinayak Damodar Savarkar, chủ tịch của Hindu Mahasabha bị khởi tố nhưng sau được thả vì không đủ bằng chứng kết tội.
Tương truyền khi Gandhi ngã xuống, trước khi chết, ông đã nhìn thấy vị thần Rama và nói “Xin chào Rama!”.