Trong những năm gần đây, những quan điểm về đọc sách và những chuyện lặt vặt liên quan đã trở thành chủ đề tranh luận không chỉ trong cộng đồng những người đọc sách, mà còn trên nhiều diễn đàn, truyền thông, báo chí. Có những bài báo nói rằng người Việt Nam đọc sách ít, văn hóa đọc còn kém và so sánh với văn hóa đọc của người Israel. Có những quan điểm trái chiều về thể loại sách, nhất là sách ngôn tình và Self-help. Có những cuộc tranh luận lớn giữa việc nên đọc sách giấy hay sách điện tử (e-book)… Tất cả những vấn đề tranh cãi đó, về cơ bản đều không hoàn toàn có đúng, có sai. Tất cả đều gần như chỉ là vấn đề góc nhìn, người bảo số 9, kẻ bảo số 6, bởi bất đồng quan điểm mà trở thành những cuộc tranh luận. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, Nietzsche đã nói rằng phải có tranh luận mới có phát triển, bởi vậy, những cuộc tranh luận dù không đi tới một cái kết chung, vẫn đem lại cho những con người cầu tiến quan điểm mới, góc nhìn mới và qua đó, người ta trưởng thành hơn, lập trường vững chắc hơn.
Sau đây là một số quan điểm của cá nhân tôi về việc đọc sách và những chuyện liên quan.
Đọc sách là tốt hay xấu? Đọc sách có phải là “thượng đẳng”? Đọc sách có phải là “mọt sách”, “lý thuyết suông?”
Trước hết, là một người đọc sách, tôi tin rằng đọc sách là một việc tốt. Sách rất đa thể loại, từ sách triết học, văn hóa, lịch sử cho đến tiểu thuyết văn học, rồi thì sách kiến thức địa lý, y học, sinh học, thiên văn học, kinh tế… Mỗi loại sách lại hàm chứa trong đó những kiến thức khác nhau, giúp cho người đọc mở mang tri thức. Nếu bạn muốn tìm hiểu về thiên văn học vũ trụ hãy đến với Stephen Hawking. Nếu bạn muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam, còn chần chờ gì nữa mà không đọc Việt Nam Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư? Nếu bạn tò mò về Triết, hãy đọc Nietzsche, Jean-Paul Sartre, Hegel, Socrates, Platon… Nếu bạn thích đọc văn học Phương Tây, hãy đến với Tolstoy, Victor Hugo, William Shakespeare, Franz Kafka; nếu bạn thích đọc văn học Phương Đông, Haruki Murakami, La Quán Trung, Thị Nại Am, Lỗ Tấn, Vũ Trọng Phụng, Trần Dần, Bảo Ninh chào mừng bạn…
Tuy nhiên, đọc sách không phải “thượng đẳng”. Việc học hỏi, thu nạp các kiến thức được con người tiếp nhận và tích lũy thông qua nhiều hoạt động, cách thức khác nhau trong suốt quá trình sống. Trên thực tế, một người chưa bao giờ đọc sách nhưng trải qua cuộc chiến tranh có thể hiểu về chiến tranh hơn bất cứ người nào đọc “Nỗi buồn chiến tranh”, “Giã từ vũ khí”, “Chuông nguyện hồn ai” và ngược lại. Thật khó để so sánh người đọc sách và người trải nghiệm, ai hiểu hơn ai về một vấn đề gì đó. Suy cho cùng, sách cũng chỉ là một công cụ để tiếp nhận tri thức, và người đọc sách không nên coi mình là “thượng đẳng”, là vượt trội so với những người khác.
Đối với cá nhân tôi, tôi đọc sách trước tiên là bởi sự yêu thích. Tôi yêu thích tìm kiếm câu trả lời cho những gì mình tò mò: Napoleon là ai, ông ta đã tung hoành khắp Châu Âu như thế nào? Triết học hiện sinh là gì, tại sao lại có triết học hiện sinh? Bản chất của tôn giáo, mối liên hệ của tôn giáo và chính trị?… Tôi cũng đọc sách để học hỏi trong đó cách viết, cách hành văn, cách kể chuyện, cách xây dựng nhân vật, và trên hết là cách để hiểu cuộc sống và suy nghĩ của mỗi con người (thông qua các nhà văn). Với tôi, đọc sách là những chuyến du hành, du hành khỏi thế giới thực tế đôi khi quá đỗi bức bí, mệt mỏi hoặc nhàm chán, để quay trở về những năm 20 của thế kỷ trước, để vượt ra khỏi phạm vi của dải ngân hà, để xỏ vào chân những đôi giày của những người khác nhau, dạo chơi trong những thế giới thông qua góc nhìn của những con người ấy.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng có nhiều người nói rằng đọc sách là “mọt sách” (theo nghĩa là ngoan ngoãn, hiền lành, thư sinh, đạo đức, không biết gì khác ngoài học hành, sách vở) hay “lý thuyết suông” cũng là hoàn toàn sai trái. Từ trước tới nay, sách dẫn dắt nhiều cuộc cách mạng, đàm luận tầm cỡ quốc gia và thế giới. Socrates là nguồn gốc của tư duy phản biện dẫn đến sự phát triển thịnh vượng của Phương Tây so với Phương Đông (không bàn đến sự cải cách khoa học công nghệ, mà chính tư duy phản biện mới là thứ thúc đẩy Phương Tây luôn không ngừng tìm tòi, phát triển); Victor Hugo với “Những người khốn khổ” từng là ngọn cờ sáng cho Cách mạng tư sản Pháp (mà kết quả của nó là cả một nền kinh tế tư bản hiện đại bây giờ); Mark Twain cùng Harper Lee đóng góp không nhỏ vào việc chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ. Sức mạnh của sách lớn tới nỗi bất cứ một nền chính trị độc tài, toàn trị nào cũng đều sợ hãi, tìm cách ngăn cấm hoặc tiêu hủy những cuốn sách chống lại quan điểm của mình. Trước đây, để đồng hóa Đại Việt, Nhà Minh (Trung Hoa) đã đốt hết sách vở lịch sử nước ta. Hitler – kẻ từng nắm quyền lực lớn nhất Thế giới, đã từng sử dụng tự truyện “Cuộc tranh đấu của tôi” phục vụ cho mục đích chính trị; sau đó cũng phải lo sợ mà tiêu hủy tất cả sách của người Do Thái, xã hội chủ nghĩa và tự do dân chủ. Nếu sách chỉ là “lý thuyết suông”, vậy tại sao những đế chế quyền lực nhất thế giới lại phải sợ hãi trước sách?
Nhìn chung thì, tôi cho rằng về việc đọc sách thì cả quan điểm cực tả lẫn cực hữu (*) đều không thích hợp. Những người đọc sách không nên tự coi mình là “thượng đẳng”, ngược lại, những người không đọc sách cũng không nên coi thường những người đọc sách.
(*) Cực tả và cực hữu tôi dùng dưới ý nghĩa về hai cực đối lập, chỉ ủng hộ cho 1 quan điểm nhất định, không dùng dưới ý nghĩa chính trị về xu hướng ủng hộ bình quyền xã hội
Người Việt Nam đọc ít sách, tại sao?
Theo một số phương tiện báo chí, truyền thông, trung bình, một người Việt Nam chỉ đọc 1,2 cuốn sách/năm. Nếu so với con số trung bình 20 cuốn sách/năm của các nước Israel, Phần Lan, Pháp, Nhật; hay con số 14 cuốn sách/năm của các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan (https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/van-hoa-doc-sach-cua-nguoi-viet-nam-thua-xa-cac-nuoc-trong-khu-vuc-502150.vov) thì con số này có vẻ còn rất khiêm tốn.
Không phủ nhận rằng đôi khi giới truyền thông làm quá lên về việc người Việt đọc ít sách, bỏ qua thực tế rằng ngay cả người Mỹ (cường quốc kinh tế số 1 thế giới) cũng đọc ít sách (khoảng 5 quyển/năm); nhưng việc người Việt đọc ít sách là có thật. Và để nói về việc người Việt đọc ít sách, chúng ta phải đi tìm nguyên nhân (tại sao) và cách khắc phục (làm thế nào) chứ không phải đứng một chỗ và chỉ trích.
Theo tôi, có một số nguyên nhân sau đây dẫn đến tình trạng người Việt ít đọc sách:
Nguyên nhân cố hữu mang đặc thù văn hóa, xã hội:
- Việt Nam là một nước đi lên từ nông nghiệp và chưa thoát khỏi nông nghiệp nên từ xưa đến nay không có thói quen đọc sách (trừ giới tri thức)
- Việt Nam trải qua thời kỳ chiến tranh và đói nghèo kéo dài, người ta phải lo cho đời sống quá nhiều nên không có thói quen đọc sách
- Học sinh Việt Nam học hành, thi cử quá nặng nề; hàng ngày phải học sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo…, không có thời gian cho việc đọc sách (không tính sách giáo khoa), một số bị sinh ra bệnh “sợ sách”
- Sự kiểm duyệt, thiếu trung thực và cố ý định hướng tư tưởng phục vụ mục đích chính trị trong một số SGK khiến cho nhiều bạn trẻ không còn tin tưởng vào sách
- Nền văn học Việt Nam dường như đang “chững lại” sau giai đoạn văn học kháng chiến (ngay cả văn học kháng chiến phát triển mạnh mẽ 1 phần cũng phục vụ mục đích chính trị chứ không hẳn phục vụ văn hóa đọc). Điều này khiến nền văn học Việt Nam hiện nay của nước nhà không tạo được sức hút với giới trẻ.
Nguyên nhân mang đặc thù hành vi, thói quen:
- Phụ huynh Việt Nam không dạy con cách đọc sách từ nhỏ, hầu hết phụ huynh chỉ bắt con học hành, ôn thi, đọc SGK, sách tham khảo… (ngay cả các bậc phụ huynh cũng nhiều nhà không có thói quen đọc sách)
- Giáo dục Việt Nam chưa đầu tư cho việc dạy học sinh đọc sách. Ở Phần Lan, đọc sách là một môn học được dạy từ tiểu học, kết hợp với nhiều thời gian hoạt động ngoại khóa dành cho việc đọc sách. Ở Harvard, sinh viên phải thường xuyên lên thư viện mượn sách, đọc và tham khảo để học tập (nhưng không phải “lý thuyết suông” như SGK của ta)
- Thời đại hiện nay, có nhiều phương tiện giải trí và truyền thông tin tối ưu hơn sách, bởi vậy người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn nhiều loại hình giải trí khác thay vì lựa chọn sách
Nhìn chung, để người Việt Nam đọc sách nhiều hơn thì cần khắc phục được những nguyên nhân bên trên. Nhưng có lẽ quan trọng nhất, đó chính là sự thay đổi nhận thức của mỗi người.
Tôi có nên đọc sách không?
Câu trả lời của tôi là có, bạn nên đọc sách. Dĩ nhiên, đọc hay không là quyền của bạn, và tôi cũng nghĩ rằng dù có đọc sách hay không, bằng cách này hay cách khác, bạn vẫn sẽ tích lũy được kiến thức sống cho mình. Bạn làm việc hết mình, học hỏi những người giỏi hơn, thường xuyên đi du lịch, giao lưu với người này người khác, trải nghiệm mỗi thứ một tí, đó đều là những cách thức gia tăng kinh nghiệm sống, đôi khi còn bổ ích hơn cả việc đọc sách. Tuy nhiên, đọc sách cũng là một phương thức khác, bạn có thể thử mà không phải đánh đổi, nghĩa là bạn vẫn thoải mái làm việc, học hỏi, đi du lịch, giao lưu, trải nghiệm và vẫn có thể đọc sách. Việc đọc sách có thể đem đến cho bạn những kiến thức và góc nhìn mà bạn không ngờ tới, sẽ không có hại mà chỉ có lợi cho việc tích lũy kinh nghiệm sống của bạn.
Nên đọc thể loại sách gì? Ngôn tình và Self-help có tốt hay không?
Thực ra thì theo tôi, mỗi loại sách cũng lại có chức năng riêng và một vai trò nhất định trong cuộc sống. Trước đây, tôi từng chỉ trích ngôn tình và ngay cả Self-help, nhưng dù sao đi nữa, tôi vẫn phải công nhận ngôn tình và Self-help vẫn có những chức năng và lợi ích nhất định. Quan trọng là bạn đọc vào thời điểm nào và mục đích là gì. Nếu bạn còn đang ở tuổi mộng mơ về tình yêu, bạn có thể đọc ngôn tình. Nếu bạn vừa mới vào đại học, đang đứng trước ngưỡng cửa thị trường lao động rộng lớn, bạn có thể đọc Self-help. Tuy nhiên, tôi giữ nguyên quan điểm rằng ngôn tình và Self-help không phải văn học (theo nghĩa hẹp), không hàm chứa tính nghệ thuật và thực tế là hàm lượng kiến thức không quá nhiều.
Ngôn tình và Self-help được xuất bản rất nhiều và thực tế là bán rất chạy, điều này khiến cho nhiều tác giả chạy theo số đông, chạy theo doanh số dẫn đến chất lượng đi xuống.
Đối với ngôn tình, đa phần đều là những câu chuyện tình yêu, thì tình yêu là một chủ đề phức tạp trong đời sống. Schopenhauer cũng từng viết một cuốn sách triết học về chủ đề tình yêu, William Shakespeare từng viết về tình yêu, Victor Hugo cũng từng viết về tình yêu, và có thể thấy tình yêu cũng là yếu tố gần như không thể thiếu trong những tác phẩm văn học và phim ảnh hiện đại. Tuy nhiên, để viết về tình yêu thì không dễ, huống hồ tình yêu lại vô cùng phức tạp. Người ta lợi dụng tình yêu, người ta ngăn cấm tình yêu, hoặc người ta cũng có thể hy sinh vì tình yêu. Đôi khi, tình yêu có gắn với các yếu tố chính trị, xã hội, trở thành một lưỡi gươm hoa hồng sắc bén. Liệu rằng các tác giả ngôn tình đã thực sự trải nghiệm sâu sắc về tình yêu hay chưa? Và liệu rằng những câu chuyện tình yêu (mà hiện nay được viết ra quá quá nhiều) có thực tế, sâu sắc và đem đến cho người đọc bài học gì trong cuộc sống?
Về sách Self-help, Self-help thực tế rất có ích với những người mới trưởng thành, Self-help giúp con người ta chín chắn hơn, trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm với bản thân hơn. Tuy nhiên, Self-help là “lý thuyết”, người đọc Self-help nếu không thực hành, trải nghiệm và học tập các kỹ năng để phục vụ công việc sau này thì sẽ trở thành “lý thuyết suông” và trở nên ảo tưởng với bản thân. Thêm nữa, Self-help quá hướng đến việc làm giàu mà thiếu đi những giá trị giáo dục về đạo đức, xã hội, cũng như cách cân bằng các giá trị hạnh phúc, tự do, gia đình trong cuộc sống. Ưu điểm là sẽ tạo động lực, ý chí cho người đọc trong công việc để đạt đến thành công. Nhưng cũng có nhược điểm là khiến người ta quá chú trọng vào công việc, kinh doanh mà có thể bất chấp các khía cạnh khác như đạo đức, môi trường, xã hội, cuộc sống bản thân…
Nói chung, quan điểm của mình là hiện nay ngôn tình và Self-help đang được xuất bản quá nhiều và tràn lan, vàng cát lẫn lộn. Bạn nên đọc ngôn tình và Self-help ít nhất 1 lần, nếu như bạn chưa thử. Bạn cũng có thể tiếp tục đọc Self-help và ngôn tình nếu bạn đang đọc và cảm thấy thích. Còn nếu như muốn phục vụ mục đích gia tăng kiến thức và kinh nghiệm sống, bạn có thể đọc 1 vài cuốn có chọn lọc, nhưng không nên đọc quá nhiều, và không nên chỉ đọc mà thiếu trải nghiệm ngoài cuộc sống.
Cuộc chiến giữa sách giấy và e-book sẽ đi về đâu? Sách giấy hơn hay e-book hơn?
Và cuối cùng, đi sâu hơn vào vấn đề của cộng đồng những người đọc sách, đó là cuộc chiến giữa sách giấy và e-book, hay nói đúng hơn là cuộc chiến của những độc-giả-cuồng-nhiệt sách giấy và độc-giả-cuồng-nhiệt e-book (lại một lần nữa, cực hữu và cực tả (*))
(*) Cực tả và cực hữu tôi vẫn dùng với ý nghĩa như trên, nhưng thêm ý nghĩa về việc ủng hộ cái cũ (hữu) và ủng hộ cái mới (tả)
Về cơ bản, tôi là một người đọc cả sách giấy lẫn e-book. Và tôi hết sức mạnh mẽ tin rằng sách giấy và e-book có thể và nên được bình đẳng với nhau, sống chung với nhau, thay vì đưa hai hình thức xuất bản này về hai thái cực như một cuộc chiến tranh lạnh. Sách giấy hay e-book cũng chỉ là hình thức truyền tải tri thức. Hãy nhớ rằng “Binh pháp tôn tử” được viết trên ống tre, “Iliad” và “Odyssey” được Homer hát rong, Kinh thánh Do Thái được viết trên một phiến đá, truyện cổ tích người du mục Châu Âu được viết trên những tấm da dê.
Dĩ nhiên, sách giấy và e-book đều có những ưu, nhược điểm khác nhau, và đó là cái cớ cho những người ủng hộ một chiều vin vào để chống lại thể loại đối lập. Dưới đây là một số ưu/nhược điểm của hai thể loại này:
Sách giấy:
Ưu điểm:
- Đa thể loại hơn bởi những tác phẩm kinh điển đều được xuất bản bằng sách giấy, cũng như xuất bản giấy vẫn là hình thức phổ biến nhất hiện nay
- Có giá trị sưu tầm, lưu niệm. Có thể có chữ ký tác giả/dịch giả hoặc lời đề tặng gửi bạn bè, người thân…
- Không phụ thuộc vào năng lượng điện
- Dễ dàng note vào đó
- Chất liệu giấy khác nhau cũng tạo cảm giác khác nhau cho người đọc
- Giá trị thẩm mỹ từ bìa sách, gáy sách, hình dáng sách, cách thể hiện bên trong
- Dễ dàng mở ra tra cứu khi cần thiết
Nhược điểm:
- Dễ dàng bị hư hại nếu không được bảo quản kỹ lưỡng, ví dụ như dính mưa, ẩm giấy, bụi, mối, mọt…
- Xuất bản sách giấy tiêu tốn tài nguyên gỗ, bọc sách nilon ảnh hưởng đến môi trường
- Có thể bị mất, thất lạc
- Việc lưu trữ đòi hỏi không gian và công cụ (giá sách, tủ sách)
- Không tiện dành cho những người thường xuyên di chuyển (dù cho có kiểu sách bỏ túi chuyên dành cho những người này)
- Khó khăn trong việc tiếp cận các cuốn sách hiếm (ngừng xuất bản) hoặc bị cấm xuất bản
E-book:
Ưu điểm:
- Tránh được cái hư hại do thời gian gây ra (bụi, mối, mọt)
- Dễ dàng lưu trữ được hàng ngàn, hàng triệu đầu sách (một máy kindle cơ bản có dung lượng 4Gb, mỗi file e-book chỉ nặng vài chục đến vài trăm Kb)
- Dễ dàng mang theo khi di chuyển như công tác, du lịch
- Có khả năng tiếp cận mọi đầu sách miễn là những đầu sách đó đã được chuyển thành e-book
- Xuất bản dễ dàng (dành cho tác giả). Nhiều tác giả mới ở Mỹ và Phương Tây hiện nay lựa chọn cách xuất bản e-book thông qua những trung gian như Amazon
Nhược điểm:
- Giá trị sưu tầm không cao
- Đọc có thể mỏi mắt (đối với ai đọc e-book trên điện thoại, máy tính bảng; còn đọc bằng kindle sẽ không mỏi mắt)
- Đa phần e-book ở Việt Nam là e-book lậu. Thực tế là e-book ở Amazon store tương đối đắt so với thu nhập người Việt nên gặp khó khăn trong việc tiếp nhận e-book bản quyền (Bản thân tôi, dù lấy làm xấu hổ, vẫn phải tự nhận rằng đa số e-book của tôi đều là không trả phí)
- Không tiêu tốn tài nguyên và không ảnh hưởng môi trường (với e-book)
- Nếu như sách giấy tiêu tốn tài nguyên gỗ và bọc sách nilon ảnh hưởng đến môi trường thì kindle chất liệu nhựa cũng ảnh hưởng đến môi trường (với thiết bị đọc sách kindle)
- Khó note vào và khó tra cứu lại khi cần thiết
- Phụ thuộc vào năng lượng điện, tuy nhiên kindle hiện nay có pin khá tốt (đọc liên tục cũng được >7 ngày)
Như vậy, ta có thể thấy cả sách giấy lẫn kindle đều có ưu/nhược điểm, và thường thì ưu điểm của thể loại này sẽ khắc phục nhược điểm của thể loại kia. Tôi tin rằng việc kết hợp đọc cả sách giấy lẫn e-book sẽ là tối ưu dành cho người đọc sách. Một lưu ý nho nhỏ là nếu bạn đọc e-book thì nên sử dụng kindle thay vì đọc trên điện thoại, máy tính bảng bởi kindle sẽ không hại mắt. Và thêm nữa, nếu có điều kiện, tôi khuyến khích bạn sử dụng e-book bản quyền. Nếu không có điều kiện thì bạn phải hiểu mình đang sử dụng e-book lậu, không đóng góp được gì cho tác giả và những người làm sách, đó lại càng là lý do nên kết hợp e-book với sách giấy, bởi khi bạn mua sách giấy (sách thật) là mua sách bản quyền và ủng hộ tác giả cùng những người làm sách.
Kết luận
Bên trên là những quan điểm cá nhân của tôi cho một số câu hỏi phổ biến xung quanh việc đọc sách, đó là:
- Đọc sách là tốt hay xấu? Đọc sách có phải là “thượng đẳng”? Đọc sách có phải là “mọt sách”, “lý thuyết suông?”
- Người Việt Nam đọc ít sách, tại sao?
- Tôi có nên đọc sách không?
- Nên đọc thể loại sách gì? Ngôn tình và Self-help có tốt hay không?
- Cuộc chiến giữa sách giấy và e-book sẽ đi về đâu? Sách giấy hơn hay e-book hơn?
Tôi tin rằng người đọc sách không phải “thượng đẳng”, cũng không phải “lý thuyết suông”. Việc đọc sách đem đến cho người đọc những góc nhìn mới, tri thức mới, bởi vậy đọc sách là một việc bổ ích mà bạn nên thực hiện. Hãy bắt đầu bằng việc đọc những cuốn sách nhẹ nhàng, thuộc thể loại mình yêu thích mỗi khi rảnh rỗi, có thể đọc chậm thôi, mỗi ngày một trang thôi cũng được. Rồi sau đó, bạn hãy đọc nhiều hơn, đọc lâu hơn, đọc rộng hơn, đọc sâu hơn. Dần dần, bạn sẽ hình thành một thói quen đọc sách, và biết đâu bạn sẽ yêu thích sách thì sao?
Việc đọc sách giấy hay e-book không quá quan trọng, cái quan trọng là bạn tiếp nhận được tri thức ra sao và bạn đóng góp lại gì cho tác giả. Bởi vậy, quan điểm của tôi là hãy kết hợp nhuần nhuyễn giữa sách giấy và e-book.
Hiện nay, Amazon đang có 2 loại máy đọc sách phổ biến dành cho việc đọc e-book, đó là Kindle Touch và Kindle Paper White, với bản 2018, mức giá cũng không quá cao. Kindle Touch có mức giá khoảng 1,7-2,5 triệu còn Kindle Paper White có mức giá khoảng 2,5-3,5 triệu. Bạn có thể đặt mua tại…
À mà tôi đùa chút thôi, bài viết này hoàn toàn không có ý định PR cho bất cứ một sản phẩm, thương hiệu nào và không có mục đích thương mại. Nếu có bất cứ bên thứ 3 nào có nhã ý muốn sử dụng bài viết, vui lòng ghi nguồn anhdinhwriter.wordpress.com. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả (tức là tôi đó, hehe), còn nhiều thiếu xót, mong nhận được những sự phản hồi đóng góp từ bạn đọc.
Người viết: ĐA-ĐA
[…] https://anhdinhwriter.wordpress.com/2018/08/04/doc-sach-dung-hay-sai-hay-hay-do/ […]
ThíchThích
Tác giả có thể giới thiệu vài cuốn self- help không? Em nghĩ self-help cũng chỉ là kinh nghiệm của tác giả cuốn sách và không phải đều có tác dụng như nhau với tất cả mọi người. Vì với kiến thức ta thu thập được và với mỗi hoàn cảnh sống khác nhau sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Có điều gần đây em được giới thiệu 1 cuốn sách có tên là ” Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ” và phân vân không biết liệu có nên đọc thử?
ThíchThích
Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm. Do định hướng văn học nên mình đã nghỉ đọc sách Self-help khá lâu. Ngày xưa mình có đọc Đắc nhân tâm, 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt, Yes or No, Ai lấy miếng pho mát của tôi. Về cuốn sách “Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ” mình chưa đọc và chưa tìm hiểu nên không thể cho bạn lời khuyên được, bạn thông cảm nhé.
ThíchThích
Cám ơn bạn, bài viết quá tuyệt.
ThíchĐã thích bởi 1 người