Vào năm Thiên Chương Bảo Tự thứ năm, khắp cả nước Đại Việt diễn ra nhiều chuyện tai ương ma quái.
Ở trên, thiên tử Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, cứ đêm đến, người mọc lông thú, gầm gừ đáng sợ. Biết được tình trạng của mình, trước khi đêm đến, vua tự nhốt mình lại trong cung cấm, sai lính canh giữ chặt chẽ, đến sáng mới được mở cửa. Toàn bộ chuyện này được hậu cung giữ kín, tuyệt nhiên không để lộ ra bên ngoài.
Ở dưới, dân chúng cũng gặp vô vàn tai ách. Năm đó mất mùa, từ Thăng Long đổ về các vùng nông thôn, dù mưa nắng vẫn đủ cả, lúa vẫn xanh mơn mởn nhưng tuyệt đối không trổ bông, thế mới kỳ quái. Nhưng quái đản nhất phải là những chuyện vào ban đêm. Khi đêm đến, không gian tuyệt nhiên thanh tĩnh, chỉ nghe thấy tiếng quạ kêu. Người ta đồn nhau rằng trong bóng tối của màn đêm, các loài yêu ma quỷ quái được thoải mái mà hoạt động. Thực vậy, từ trong vách nứa, người ta nghe thấy các tiếng xì xào ở bên ngoài. Nửa đêm canh ba, làm gì có ai ra ngoài mà nói chuyện vào cái giờ đấy? Vậy thì ắt hẳn phải là các loài yêu ma quỷ quái chứ còn gì nữa. Người ta nghe thấy thế thì cũng sợ, chỉ biết thổi nến, ôm nhau một góc trong nhà mà khấn cầu thần phật. Đêm trôi qua, sáng hôm sau khi người ta bước ra khỏi nhà, sẽ chứng kiến cảnh gia cầm, gia súc bị chết. Chúng chết mà xác cắt không còn một giọt máu.
Bởi những điều quái gở trên, khắp nơi đều đồn đại chuyện yêu ma quỷ quái và bảo nhau rằng Đại Việt sắp đến ngày tàn.
“Vậy phải chăng Đại Việt sắp đến ngày tàn phải không?” – Một người khách phương xa quê kệch, đội nón lá, hỏi mấy ông nông dân trong quán nước dưới gốc cây đa.
“Cậu mới ở xa lên chắc không biết, trong kinh thành, giờ ai cũng đều sợ hãi. Mà đâu chỉ có mất mùa, đêm hôm yêu ma quỷ quái, người ta còn bị các loại bệnh lạ, thầy thuốc bắt mạch không ra, uống thuốc không khỏi, được dăm ba hôm thì ốm chết.”
“Trầm trọng vậy sao?” – người khách phương xa hỏi với một khẩu ngữ kỳ lạ. Anh ta ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
“Không giấu gì bác, tôi ở phương xa vốn là một thầy thuốc. Tôi cũng đi đây đi đó, ngao du để học hỏi nghề thuốc. Ở quê tôi có mấy bài thuốc hay lắm, hay là bác dẫn tôi đến chỗ người bị bệnh, biết đâu tôi lại cứu được thì sao?”
Ông nông dân thở dài:
“Ôi dào, bao nhiêu thần y chốn kinh thành còn chẳng ăn ai, cậu ở quê lên thì làm được gì kia chứ?”
Người khách phương xa quả quyết muốn thử, âu cũng là cứu người, thấy thế, ông nông dân đồng ý dẫn anh ta đến chỗ người bệnh. Hai người đứng dậy, trả bà quán nước vài đồng xu, rồi đi bộ về phía Cửa Bắc. Đi theo khách phương xa có một con chó.
Ở Cửa Bắc có một ngôi nhà trọ nho nhỏ, ông nông dân dẫn người khách phương xa vào bên trong, sâu trong các con ngõ ngoằn ngoèo, gặp một người bệnh thập tử nhất sinh. Ông ta tuổi ngoài năm mươi, tóc rụng gần hết, chân tay gầy guộc, người tím ngắt, móng tay móng chân đen xì, đôi mắt lờ đờ thất thần như người vô hồn. Ông nông dân bảo:
“Đây là người họ hàng xa của tôi, vốn quê ở Tràng An, lên Thăng Long lập nghiệp, ai dè mắc bệnh lạ này. Ở đây nhiều người mắc rồi, cứ bị như thế này, sau độ năm ngày là đi luôn. Giờ mắc đến ngày tư rồi, cũng chữa vài nơi đây đó, nhưng chẳng ai cứu được. Thôi thì đành phó thác cho cậu vậy.”
Người khách phương xa gật đầu, ngồi xuống kế bên giường bệnh. Khác với những thầy thuốc đương thời, anh ta không bắt mạch. Trước tiên, anh vạch mắt người bệnh, xem kỹ đồng tử. Kế đến, anh bảo người bệnh há miệng ra, soi thật kỹ bên trong. Rồi anh áp tai vào ngực người bệnh mà nghe ngóng. Phương thức chữa bệnh kỳ quái của khách phương xa khiến cho ông nông dân vô cùng lo lắng, nhưng ông nghĩ nếu không cứu thì mai người họ hàng của mình cũng chết. Thôi thì cứ kệ, phó mặc cho số phận vậy.
Người khách phương xa xem kỹ rồi lấy trong túi đồ một nắm lá lạ mà ông nông dân chưa thấy bao giờ. Anh ta tán nhỏ lá ra, vắt lấy nước rồi cho người bệnh uống. Người bệnh uống xong, mắt lim dim rồi nhắm vào ngủ. Ông nông dân lo lắng thì khách phương xa bảo:
“Không sao, ông ta chỉ ngủ thôi. Chúng ta ra ngoài uống trà, một canh giờ nữa trở vào sẽ khỏi”
Hai người ra ngoài sân uống trà, sang canh sau trở vào, quả nhiên người bệnh đã khỏi. Sắc da anh ta trở lại hồng hào, đôi mắt trở lại minh mẫn. Người bệnh ngồi dậy, khi khỏe mạnh rồi mới thấy dáng ông đức độ và bản lĩnh vô cùng. Khách phương xa hỏi han người bệnh, người bệnh kể lại mình vốn là một ngư dân ở Tràng An, cũng chu du đây đó tìm hiểu thiên hạ, rồi mới đến Thăng Long này. Hai người nói chuyện với nhau hợp quá, bèn hỏi danh tính, người bệnh trả lời rằng mình tên húy Chí Thành, hỏi lại người khách phương xa thì người khách trả lời rằng mình không có tên. Từ nhỏ cha mẹ mất sớm, người trong làng toàn gọi là “thằng cuội”, giải thích rằng ở quê mình, từ “cuội” có nghĩa là “kia”, “thằng cuội” nghĩa là “thằng kia”, họ chỉ gọi chung chung thế thôi.
Hai người kết nghĩa với nhau, người khách phương xa thấy người bệnh bằng tuổi cha mình, lại ăn nói đức độ, có hiểu biết, có chí khí bèn nhận làm cha nuôi. Chí Thành cũng không từ chối, từ đó, hai người trở thành cha con với nhau, người khách phương xa ở cùng cha nuôi trong ngôi nhà này.
Ở cùng nhau ít hôm, Chí Thành nhận thấy người khách phương xa có nhiều dấu hiệu lạ. Thứ nhất, phương thuốc thần kỳ của anh ta là gì mà có thể cứu được mình, rồi cứu được biết bao người mắc bệnh vô phương cứu chữa trong kinh thành? Thứ hai, có một lần người khách phương xa lúc bổ củi bổ vào tay, chảy bao máu, nhưng ngay mấy hôm sau, Chí Thành nhìn lại thì không thấy vết sẹo đâu. Và thứ ba, cứ hàng đêm, người khách phương xa lại lẻn ra ngoài, dắt con chó đi cùng, rạng sáng lại trở về, giả bộ như không có gì xảy ra.
Chí Thành trong lòng nghi hoặc nhưng cũng không muốn nghĩ xấu về con nuôi, một mặt tiếp tục coi như không có gì xảy ra, một mặt vẫn tự tìm hiểu, dò hỏi con nuôi mình.
Bản thân Chí Thành ít lâu sau đó bỗng thấy có duyên với cửa chùa, bèn xuất gia, từ đó đến hẳn chùa sinh sống. Ông đổi tên thành Minh Không, vì xuất gia rồi nên lòng thanh thản, không còn quan tâm đến sự kỳ lạ của con nuôi nhưng vẫn muốn biết liệu con nuôi mình có làm chuyện xấu hay không. Một lần nọ, sư Minh Không về thăm nhà, ăn bữa cơm chay với con nuôi. Tiện đây, sư hỏi:
“Này con, giờ ta đã là người nơi cửa chùa, mấy chuyện trần thế ta không muốn nghĩ nữa, duy chỉ có một chuyện này ta đau đáu trong lòng, nay được dịp về nhà, ăn với con bữa cơm, ta muốn con cho ta biết?”
Người khách phương xa lễ phép đáp lại:
“Có chuyện gì cha cứ nói, con không dám giấu cha chuyện gì”
Sư hỏi:
“Bấy lâu nay ta để ý, cứ hàng đêm con lại ra ngoài, đến rạng sáng mới trở về. Năm nay nhiều điềm gở, người ta đồ nhau rằng ban đêm các loài yêu ma dạo quanh ngoài đường làng ngõ xóm. Ta thì không tin con là loài yêu ma quỷ quái, vậy con hãy cho ta biết, đêm hôm con đi đâu và làm gì?”
Người khách phương xa đăm chiêu suy nghĩ hồi lâu rồi mới nói:
“Việc này lẽ ra con không thể nói cho cha, cũng bởi sự an toàn của cha mà thôi. Nhưng nay cha đã hỏi, con đã bảo không giấu cha chuyện gì, con cũng xin nói.”
Người khách phương xa bỏ miếng trầu vào miệng, vừa nhai vừa nói:
“Con và chú chó của con vốn không chỉ làm thầy thuốc. Thực ra, chúng con là những bậc thầy trừ yêu. Năm nay là năm đại họa, các loài yêu ma quỷ quái sanh sôi, nhưng chưa hết. Con lần theo chúng đã lâu, và thấy hàng đêm, chúng túm tụm với nhau xì xào chuyện gì đó. Bình thường, khi gặp con, chúng sẽ tấn công nhưng dạo gần đây, cứ thấy có mùi con xuất hiện, chúng lại lẩn trốn. Các loài yêu ma quỷ quái vốn hành động đơn lẻ, nay túm tụm với nhau xì xào đã là điềm không lành. Việc chúng liên tục lẩn trốn ngay sau khi xì xào, con đồ rằng chúng đang âm mưu một điều gì đó. Bởi vậy, hàng đêm con phải đi tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.”
Sư nhấp một ngụm trà, khuôn mặt đôi phần lo lắng, hỏi:
“Vậy, con đã tìm ra chuyện gì chưa?”
Người khách phương xa đáp:
“Theo những gì tìm hiểu được, con đồ rằng chúng đang chuẩn bị cho một kế hoạch vô cùng đáng sợ, sẽ diễn ra vào ngày rằm sắp tới.”
(Còn tiếp)
Đây là truyện ngắn được mình thực hiện vào dịp Trung Thu 2018. Câu chuyện hoàn toàn là hư cấu, được mình sáng tạo dựa trên những yếu tố văn hóa Việt Nam vào dịp Trung Thu.
Người viết: ĐA-ĐA