Ngày thứ 2 tại HANIFF 2018, mình được trải nghiệm một Film Festival thực sự. Lần đầu tiên trong đời, mình xem 4 phim điện ảnh ngoài rạp chiếu phim trong 1 ngày, lại còn ở 2 cụm rạp khác nhau, mà lại là những bộ phim điện ảnh nghệ thuật vốn được khán giả đại chúng gắn cho cái mác “khó xem”. Cũng bởi vậy, có lẽ cảm xúc phim trong ngày của mình hôm nay khá hỗn độn, không đơn nhất như khi xem xong 1 bộ phim. Nhưng dù sao chăng nữa, mình cũng sẽ cố gắng review lại cả 4 phim ở bài viết này sao cho chân thực và cảm xúc nhất.
Chùm phim ngắn Việt Nam
Là 1 trong 3 buổi chiếu phim chùm phim ngắn Việt Nam, buổi ngày hôm nay mình xem bao gồm 1 phim tài liệu + 4 phim hoạt hình. Đó là:
- Tâm tình của gốm (TL)
- Truyền thuyết chiếc khăn Piêu (HH)
- Niềm vui làm mật (HH)
- Anh hùng áo vải (HH)
- Hải Âu bé bỏng (HH)
Tâm tình của gốm
Mình không hiểu nhiều về dòng phim tài liệu nên sẽ không bàn sâu về các vấn đề kỹ thuật mà chỉ viết những cảm nhận của mình. Bộ phim mở màn buổi sáng Day 2 Film Festival của mình bằng 1 câu chuyện có thật về sự khát khao và quyết tâm theo đuổi đam mê, khiến cho mình vừa hiểu hơn về đằng sau những nghệ nhân gốm, vừa có thêm động lực, quyết tâm để theo đuổi đam mê của mình. Cũng thông qua bộ phim, mình hiểu hơn về dòng gốm nứt, một dòng gốm nhìn khá hay nhưng cũng rất khó làm.
Truyền thuyết chiếc khăn Piêu
Phim ngắn này có ý tưởng khá hay, kể về hai mường sống ở hai bên bờ vực, có thâm thù với nhau và chịu lời nguyền không chung sống, tương tác với nhau. Về cơ bản, đây có thể là coi là ý tưởng thường được Hollywood sử dụng, lại có yếu tố dân tộc nên có thể thu hút người nước ngoài. Hình ảnh của phim rất đẹp, dù nhân vật còn hơi cứng nhưng bối cảnh, khung hình được họa sĩ thực hiện đầy cảm hứng, với màu sắc, nét vẽ mang tính nghệ thuật cao. Yếu tố âm thanh cũng khá khi sử dụng dạng epic music kết hợp với nhạc dân tộc, tuy nhiên diễn viên lồng tiếng vẫn còn thô và không mang tính diễn xuất cao. Có lẽ đây là điểm trừ lớn nhất của phim. Về cốt truyện, phim khai thác ý tưởng tương đối tốt, mình thích nhất là khi bắt đầu cao trào: hai mường phát hiện ra 2 nhân vật chính ở bên nhau, đúng lúc đó nhật thực diễn ra, trong mường xảy ra tai họa và họ cho rằng lời nguyền báo ứng. Tuy nhiên, cách xử lý cao trào bằng 1 chi tiết mưa – hoặc huyễn hoặc (do nam chính gọi) hoặc trùng hợp khiến cho mình cảm thấy thiếu hợp lý. Khá đáng tiếc vì từ ý tưởng đến hình vẽ, âm thanh đều rất hiện đại nhưng cốt truyện lại thiếu đi cách tháo nút ở bước cuối cùng.
Niềm vui làm mật
Không có hình họa đẹp mắt như Truyền thuyết chiếc khăn Piêu, Niềm Vui Làm Mật có đồ họa hoạt hình kiểu như các phim hoạt hình của Trung Quốc ngày xưa (kiểu Chú Tiểu Hồ Lô gì đó). Ý tưởng và cốt truyện của Niềm Vui Làm Mật mang hơi hướng Disney/Pixar, có nghĩa khá là chuẩn: có một nhân vật hành động, nhân vật bị đẩy vào nghịch cảnh, nhân vật thoát ra khỏi nghịch cảnh, nhân vật đối đầu với thử thách, nhân vật chiến thắng và trở thành anh hùng. Về cơ bản, cốt truyện này mà vào tay Disney/Pixar thì có thể cho ra đời 1 phim tựa như The Bug Life cũng nên. Tuy nhiên, do thời lượng phim ngắn nên các arc của phim chưa tốt. Các Arc tiềm năng như đoạn cả tổ ong bị bệnh hay đoạn chú ong nhân vật chính đối đầu với thử thách để tìm hoa (third act) đều không đủ thời gian để thể hiện nên chưa tạo đủ cảm xúc cho khán giả. Cũng như hoạt hình trên, cao trào được xử lý quá dễ dàng khiến cho người xem có thể hụt hẫng. Mình tin rằng nếu có đủ kinh phí và sự hỗ trợ của nhà phát hành phim để đạo diễn, biên kịch chuyển thể lại thành phim dài thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Anh hùng áo vải
Nghe tên phim là mọi người đoán được phim làm về Quang Trung đúng không nào. Đây có lẽ là bộ phim được đầu tư cho nội dung và kinh phí lớn nhất trong số các phim hoạt hình chiếu hôm nay. Bộ phim cũng có thời lượng khá dài, đủ để kể trọn vẹn câu chuyện về Quang Trung đại phá quân Thanh. Đồ họa được đầu tư khá tốt, quân đội đông đảo, cảnh chiến đấu khá epic, thậm chí nhìn quân đội còn đã mắt hơn cả quân đội Atlantis của phim animated Throne of Atlantis chuyển thể từ DC Comics do WB Animation thực hiện trước đây. Tuy nhiên, phim vẫn còn vài điểm trừ, ví dụ như nhân vật Quang Trung mang hơi hướng Lưu Bị nhiều quá. Theo những gì mình biết, Quang Trung là người có chí lớn hơn, quyết tâm hơn, chủ động hơn, và dĩ nhiên không cần phải giả vờ không lên làm vua. Cách xây dựng nhân vật kiểu này mang tính Nho gia khá cao, với khuôn mẫu Lưu Bị, tuy nhiên theo mình thì điện ảnh hiện đại, đặc biệt là phương Tây đã không còn đề cao mẫu nhân vật kiểu này. Một vài thiếu xót nữa có thể kể đến như lời thoại đôi khi hơi gượng, cảm giác như cho có, nhất là các lời thoại kết thúc cuộc nói chuyện của các nhân vật. Một số nhân vật phụ như nữ tướng Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Ngô Đình Nhậm, tráng sĩ cầm rìu và kẻ phản diện chính Tôn Sĩ Nghị đều không có đất diễn. Trong khi đó, Nguyễn Thiếp được xây dựng như Gia Cát Lượng, cảnh Quang Trung đi cầu hiền Nguyễn Thiếp cũng như Lưu Bị đi cầu Gia Cát Lượng nhưng sau đó, Nguyễn Thiếp chỉ xuất hiện 1 lần khi hiến 1 kế, còn lại gần như không xuất hiện nữa. Có lẽ lại 1 lần nữa, vấn đề thời lượng phim ngắn không đủ cho số lượng nhân vật nhiều và tinh hoa đến vậy. Bên cạnh đó, phim còn 1 thiếu xót nho nhỏ, đó là người lồng tiếng Quang Trung nói giọng Bắc (trong khi Quang Trung là người Đàng Trong), tuy nhiên điều này không ảnh hưởng gì lớn, bởi trong điện ảnh có thể du di chuyện ngôn ngữ, ví dụ trong Troy, toàn bộ người Hy Lạp nói tiếng Anh, hoặc trong Man of Steel, Henry Cavill đóng Superman lại là người Anh và nói British English.
Hải Âu bé bỏng
Ý tưởng của phim làm về chủ đề muôn thuở mà đến giờ vẫn chưa cải thiện được của cách giáo dục gia đình Việt Nam, đó là cha mẹ bao bọc con cái quá nhiều, đặc biệt là cách bao bọc của những người phụ nữ trong gia đình như bà và mẹ thường hơi quá, thật ra cũng do cách yêu thương con cái của người Á Đông. Điều này khiến cho con cái thiếu tự lập và khó có thể trưởng thành và thành công trong cuộc sống. Tổng thể phim khá ổn, cũng mang motif Disney/Pixar. Cao trào của phim làm cũng khá tốt, với màn xoay xở ngoài đại dương với cá mập, tuy nhiên, ngay khi vừa giải quyết cao trào xong thì phim kết quá nhanh, khiến cho khán giả chưa kịp đọng lại cảm xúc. Thực ra, cốt truyện phim này khá chuẩn Disney/Pixar mà thiếu rút gọn khiến cho phim ngắn chưa thể hiện được hết. Cùng 1 nội dung ý tưởng nhưng Piper của Disney biết cô đọng hơn và qua đó, short film Piper hoàn thiện hơn hẳn so với phim ngắn này.
Về cơ bản, trừ phim tài liệu do mình không am hiểu, mình thấy các phim ngắn Việt Nam đều có triển vọng. Cốt truyện có ý đồ, một số phim đầu tư kỹ lưỡng, một số phim có hình ảnh đậm chất nghệ thuật. Thế nhưng mình thấy vẫn thiếu thiếu để có thể mang tầm cỡ quốc tế, và quan trọng là mình thấy phim nào cũng thiếu thời gian do dạng phim ngắn. Thông thường, phim ngắn chỉ nên có bối cảnh hẹp, tuyến nhân vật ít và thể hiện 1 ý tưởng xuyên suốt, tránh tham tình tiết. Có lẽ những bộ phim hoạt hình Việt Nam này phù hợp hơn với thể loại phim điện ảnh hoàn chỉnh thay vì phim ngắn. Dù sao chăng nữa, mình thấy hoạt hình Việt Nam vẫn rất nhiều tiềm năng.
Where I Belong (Nơi ấy là nhà)
Lại một bộ phim nữa đến từ điện ảnh Nhật Bản. Ngày hôm nay, mình xem Where I Belong có vinh dự khi producer Masaki Hamamoto đến tham dự, phát biểu và cảm ơn khán giả đầu phim, đến khi phim kết thúc thì cúi chào khán giả ra về. Thật sự đó là 1 phong cách đậm chất Nhật Bản khiến bất cứ ai cũng phải hài lòng.
Thế nhưng mình sẽ không để vấn đề đó tác động đến việc đánh giá phim, bởi Where I Belong thực sự là bộ phim rất rất… hay. Thật khó để so sánh với Shoplifters bởi 2 phim thuộc trường phái khác nhau, đề tài khác nhau, nội dung ý nghĩa khác nhau, nhưng mình thích Where I Belong hơn.
Where I Belong kể về 1 tên cướp, sau vụ cướp dã man, đâm bị thương người khác đã trốn chạy tới nơi xa xôi, vô tình đến sinh sống cùng một bà cụ già. Tại đây, chính sự chân thành, chất phát của cụ già cùng những người thôn quê khác và sự thanh bình nơi miền quê Nhật Bản đã khiến gã ta cảm thấy bình yên, hối cải và trở thành con người hoàn toàn khác.
Bộ phim bắt đầu với 1 buổi tối, trời mưa, góc quay bắn từ ngoài 1 cánh cổng sắt vào trong con hẻm, nơi hai cái bóng đen đang giằng co nhau, một cái bóng là gã đàn ông cầm dao hung bạo, 1 cái bóng là người phụ nữ mỏng manh bất lực. Trường đoạn kéo dài được diễn tả bởi góc máy fix bắn từ xa, kết hợp với slow motion và bản nhạc phũ phàng, đau đớn đầy ấn tượng. Đó là 1 cách mở phim rất gai góc, nhưng rồi thời lượng sau của bộ phim, khi sự gai góc tiếp xúc với sự bình yên nơi vùng quê Nhật Bản, con người ta mới hiểu được sự bình yên tươi đẹp và đáng giá thế nào. Gã cướp nọ dần che lấp quá khứ tội lỗi, dần thích nghi với cuộc sống mới. Đã nhiều lần gã định sẽ cướp xe (xe máy, ô tô) bỏ trốn và gã có cơ hội làm điều đó, nhưng có lẽ chính sự chân thành, vô lo vô nghĩ, không mảy may nghi ngờ của người dân thôn dã đã khiến lương tâm của gã không cho gã làm điều đó. Tuy nhiên, cuộc sống mới này chỉ là một cái background không vững chắc, và rồi từng bước, background đó sụp đổ. Đúng như câu nói “cái kim trong bọc sớm muộn cũng tòi ra”. Tuy nhiên lần này, việc cái kim tòi ra hoàn toàn là do gã, do lương tâm thức tỉnh, gã đã nói hết sự thật với bà già tốt bụng và quyết định đi chuộc lỗi, sau khi chuộc lỗi sẽ trở lại nơi đây, bởi nơi đây chính là “nhà”.
Có thể nói, bộ phim đem đến cho mình một cảm xúc tuyệt vời. Dàn diễn viên cả già cả trẻ của bộ phim đều diễn rất đạt, đều mang các cá tính riêng. Thực sự xem xong bộ phim mà mình cảm thấy trân trọng sự bình yên đến lạ kỳ.
Last of the Elephant Men (Những người quản tượng cuối cùng)
“Voi không tự nhiên sinh ra, theo truyền thuyết, voi chính là người. Truyền thuyết kể lại rằng dưới sông có loài cá thần, bất cứ người nào ăn cá thần sẽ biến thành voi, chịu sự cai quản của thần voi. Bởi vậy, voi chính là anh em của chúng ta, anh em của loài người”.
Đây là 1 bộ phim dạng tài liệu của Campuchia, được Pháp hỗ trợ thực hiện. Bộ phim được kể theo 2 tuyến nhân vật: 1 là gia đình quản tượng, với cụ già quản tượng đang đứng bên bờ vực cái chết và thế hệ trẻ nối dõi còn non nớt kinh nghiệm, và chú voi cuối cùng gia đình sở hữu, đang bị ốm và có thể không sống được lâu. Tuyến thứ 2 theo chân những người đi tìm lại chú voi mà năm xưa nhà mình đã bán, cũng chính là chú voi được kể ở bên trên. Nhìn chung, bộ phim được thực hiện khá chân thực, với chủ đề chung là cuộc sống khốn khó, bấp bênh của những người quản tượng và số lượng voi sụt giảm nhanh chóng ở Campuchia. Bộ phim cũng được WWF tài trợ với mục đích tuyên truyền bảo vệ voi, nhưng mình thấy thông điệp chưa thực sự mạnh mẽ. Dù sao chăng nữa, đây cũng là trải nghiệm thú vị khi lần thứ 2 (sau Human xem ở L’Espace) mình được xem 1 phim tài liệu ngoài rạp.
Stray (Vô định)
Có lẽ Stray là bộ phim mang đậm tính Châu Âu nhất và cũng là phim khó xem nhất tính đến thời điểm hiện tại, trong số những phim mình xem tại HANIFF 2018. Bộ phim của New Zealand thực sự có cốt truyện vô cùng đơn giản, giản lược hết các tình tiết để cô đọng lại thành cuộc sống bình dị của hai con người: một chàng trai trẻ vừa mới ra tù, và 1 cô gái trẻ vừa ra khỏi viện tâm thần. Đa số thời lượng, chúng ta sẽ xem các cảnh họ sinh hoạt 1 mình, trong ngôi nhà hoặc đi ra ngoài, cô đơn lạc lõng dưới núi đồi thảo nguyên bao la của New Zealand. Thế rồi hai con người ấy gặp nhau, họ có mối dây liên kết là sự cô đơn, sự vô định, sự lạc mất con người của mình. Bởi vậy, họ đến với nhau, nhưng giữa họ không hề có tình yêu. Họ nói chuyện với nhau nhạt nhẽo, khách sáo như những người xa lạ. Họ không mở lòng với nhau, không chia sẻ với nhau. Họ chỉ đơn giản là bù lấp sự trống vắng cho nhau. Và rồi khi thời gian đến, họ cũng rời xa nhau như những người xa lạ.
Mình biết nhiều phim về sự cô đơn, trống trải của con người như này. Có thể kể đến A Ghost Story, The Red Turtle, Manchester by the Sea, Paterson…, tuy nhiên, không nhiều phim có nội dung giản lược đến mức này. Giản lược tới mức khi phim kết thúc, hình ảnh đọng lại trong đầu khán giả chỉ đơn giản là 1 con người đang làm gì đó: bổ củi hoặc đi bộ, trên 1 thảo nguyên hoặc bãi đá rộng lớn hoặc bãi biển, bên dưới vòm trời rộng lớn, xa xa là những dãy núi trải dài đến vô tận. Có lẽ đó cũng là cái hay của bộ phim, khi thuần làm về cảm xúc cô đơn, lấy chính bối cảnh New Zealand đẹp đẽ, hoang vu, giá lạnh làm phông nền tương phản cho sự nhỏ bé của con người.
Bộ phim khép lại không nói rõ hai nhân vật có rời xa nhau hay không, nhưng khi đó đã mỗi người chọn 1 ngả, và anh chàng Jack – nhân vật chính của chúng ta đã bước đi khỏi khung hình, nhưng tiếng bước chân trên sỏi đá vẫn còn lưu mãi tới tận khi hạ màn.
Vậy là Day 2 Film Festival chính thức khép lại, nếu tính theo ngày thì mình đã đi được non nửa chặng đường LHP. Còn nếu tính theo số lượng phim thì mình đã xem 6/9 phim dự tính xem, nghĩa là đã đi được 2/3 chặng đường. Quả thực đây là một trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời, khó quên.