Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2018 – Day 3: Ida

Do ngày thứ 3 này tổ chức vào ngày thường nên mình chỉ có thể đi xem được 1 phim vào buổi tối. Tối ngày hôm nay, mình lựa chọn Ida – bộ phim Ba Lan giành Oscar 2014 hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Đây cũng là bộ phim Oscar duy nhất mình xem tại HANIFF năm nay.

Trong buổi chiếu phim Ida ngày hôm nay, lại một lần nữa, có một thành viên trong ekip làm phim tham dự. Đó là nữ diễn viên chính Agata Trzebuchowska, cô đã đến tham dự và nói lời mở đầu cho buổi chiếu phim.

Dưới đây là review về phim Ida của mình.

Ida – Nỗi đau thế hệ

Được thể hiện dưới dạng phim đen trắng (noir), Ida lấy bối cảnh những năm 60 của thế kỷ trước, khi Chiến tranh thế giới thứ 2 đã kết thúc ít lâu. Mở đầu bộ phim xoay quanh về Anna – một nữ tu chuẩn bị làm lễ thụ phong để chính thức trở thành sơ của Công giáo. Trong môi trường sống yên bình này, Anna được đòi hỏi phải có một đức tin cao, dĩ nhiên, nếu không hoàn toàn tin vào Chúa thì Anna sẽ không được nhận thụ phong.

Mọi chuyện dần thay đổi khi Anna gặp người dì của mình. Bà là một người phụ nữ thuộc “thế hệ bỏ đi” (lost generation), nếu có thể sử dụng thuật ngữ này của Ernest Hemingway vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Dì của Anna là người phụ nữ nghiện rượu, chìm đắm trong nỗi đau của người ở lại, luôn phải mở to nhạc Mozart để quên đi những ký ức tồi tệ trong quá khứ. Dì của Anna tiết lộ với Anna rằng thực ra Anna là một cô gái người Do Thái tên là Ida, cha mẹ đã bị sát hại trong chiến tranh, và họ cùng nhau đi tìm nơi chôn cất thi hài của những người thân đã bị sát hại từ chiến tranh ấy.

Nhìn chung, bộ phim Ida thể hiện một nỗi đau thế hệ. Chúng ta thường được xem những bộ phim về người Do Thái đau khổ, cùng quẫn trong Chiến tranh thế giới thứ 2, như The Pianist, Schindler’s List, The Boy in Stripped Pyjamas… Nhưng Ida thể hiện một nội dung mới mẻ hơn, làm về cùng một nỗi đau cũ của người Do Thái, nhưng không phải những người đã ra đi, mà là những người ở lại. Người ta thường nói, người chết là hết, chỉ có người ở lại là đau khổ. Trong trường hợp Ida, không rõ người chết cảm thấy sao, nhưng nỗi đau buồn, khổ đau, lạc lối và cảm thấy cuộc sống vô nghĩa của những người ở lại là thấy rõ. Với người dì, người từng trải qua cuộc chiến tàn khốc, bà có lý do để đau khổ đến như vậy. Còn Ida, cô được đưa vào tu viện trốn từ nhỏ, lớn lên ở đó, được bảo vệ ở đó, thậm chí không biết thân phận thật của mình. Vậy nhưng khi Ida đi tìm kiếm bản thể, trên hành trình tìm lại quá khứ, cô trải nghiệm nỗi đau ấy, dù không thể hiện ra, nhưng chính nỗi đau đã thay đổi hoàn toàn lòng tin của Ida về Chúa.

Chúa đã ở đâu khi những người Do Thái bị hành quyết? Chúa đã ở đâu khi cha mẹ và anh của Ida bị sát hại? Vậy nhưng cũng có thể chính Chúa đã cứu rỗi Ida. Vậy tại sao Ida lại trách Chúa? Tại sao Ida lại không tin vào Chúa?

Bộ phim sẽ không nói rõ ra những điều bên trên, bởi bản thân Ida là một con người nội tâm, giỏi che giấu cảm xúc. Vậy nhưng nếu nhìn vào ánh mắt Ida, nếu nhìn vào những hành động ở cuối phim Ida, chúng ta sẽ thấy chính nỗi đau đã thay đổi thế giới quan của Ida rất nhiều. Có lẽ đó chính là nỗi đau thế hệ, nỗi đau chung của những người Ba Lan gốc Do Thái, dẫu cho họ không phải trải qua cuộc diệt chủng đẫm máu thời chiến tranh.

Về hình ảnh, bên cạnh sử dụng phim đen trắng, đạo diễn còn sử dụng khung hình 4:3 tạo cảm giác phim TV ngày xưa, ngoài ra, cách quay phim cũng thường cắt nửa mặt nhân vật và tạo khoảng trống ở bên trên. Mình chưa rõ dụng ý nghệ thuật từ cách quay phim này, nhưng một số cảnh nhân vật khóc, khi nhân vật cúi xuống sẽ không thấy rõ nhân vật đang khóc nhưng khán giả vẫn biết hành động đó, mình thấy tinh tế và gợi cảm hơn bình thường.

Về âm nhạc, phim sử dụng 2 dòng âm nhạc đối lập: nhạc giao hưởng Châu Âu cổ điển (thế kỷ 19) của Mozart: dùng cho nhân vật người dì, trong phòng kín (đặc biệt là bản Symphony No. 41 mà mình đã quen thuộc). Đối lập với đó là nhạc jazz Mỹ đương đại (thập niên 60): dùng cho nhân vật Ida mỗi khi đến các quán rượu hoặc đi xem Lis biểu diễn. Bên nhạc jazz mình cũng có biết 1 bài, đó là bài Equinox của John Coltrane. Mình không nghe nhiều John Coltrane như Chet Baker, Miles Davis hay Gerry Mulligan nhưng biết đến bài Equinox của John Coltrane khi nghe playlist Jazz trên Youtube.

Nói chung, về cơ bản mình rất thích nhạc phim. Tuy nhiên, Ida là bộ phim có thời lượng tương đối dài, cốt truyện bằng phẳng, bình bình, thiên về tâm trạng nhân vật nên tương đối khó xem với khán giả đại chúng.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s