Vào đầu năm 2019, Netflix vừa cho ra mắt TV series “Conversations with a Killer: The Ted Bundy Tapes” dựa trên cuốn sách cùng tên do nhà báo Stephen Michaud thực hiện. Mặc dù ghê tởm với tội ác của Ted, Michaud vẫn lao vào vụ án như một nhà báo trẻ tiếp cận nhân vật được báo giới săn đón nhất thời điểm bấy giờ. Với Ted, khi mới gặp Michaud, thái độ của hắn tỏ ra rằng “tại sao tôi phải nói chuyện với ông”, nhưng rồi sau đó, hắn “ôm lấy cuộn băng vào lòng” (theo Michaud chia sẻ) và bắt đầu bộc bạch ra hết toàn bộ câu chuyện của mình. Đó là sự bộc bạch sau cuối của một kẻ đã bị kết đến 2 án tử hình.
“Tôi không phải thú vật, tôi không bị điên, và không bị đa nhân cách” – Ted Bundy.

Tội ác của Ted Bundy
Những năm 70s ở Hoa Kỳ là những năm tháng đầy sóng gió. Đó là những năm tháng “nghỉ ngơi” giữa hai giai đoạn của Chiến tranh lạnh; làn sóng biểu tình phản chiến chống lại Chiến tranh Việt Nam; và một đại nạn nổi lên ở Hoa Kỳ: Giết người hàng loạt. Trước Ted Bundy từng xuất hiện những tên sát thủ liên hoàn (serial killer) như Jack The Ripper, Zodiac và một kẻ thảm sát nổi tiếng là Charles Manson. Thế nhưng FBI và cảnh sát Mỹ vẫn hoàn toàn mù mờ, chưa để ý đến loại tội phạm này. Chỉ khi Ted Bundy xuất hiện, với hàng loạt những vụ án hắn gây ra khiến dư luận bức xúc, cụm từ “serial killer” mới được sử dụng lần đầu tiên; và cũng là lần đầu tiên FBI xây dựng hệ thống nghiên cứu tâm lý tội phạm giết người hàng loạt.
Tất cả từ Ted Bundy.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1974 tại quận Washington thuộc tiểu bang Oregon – một vùng đất bình yên ở miền Trung Tây nước Mỹ, bắt đầu xuất hiện những vụ mất tích bí ẩn của những phụ nữ trẻ. Đa phần trong số họ là những sinh viên đại học địa phương, mặc dù đã có những dấu vết nhưng cảnh sát không thể lý giải được cho sự mất tích đó, cũng như không thể tìm thấy họ ở đâu.
Chỉ trong vòng 7 tháng, tại Oregon đã có 9 phụ nữ mất tích tại Oregon.

Khi cảnh sát bang Oregon còn đang truy tìm những phụ nữ bị mất tích; tại các bang Utah, Colorado, Idaho cũng liên tục xảy ra các vụ mất tích tương tự. Lúc này, cảnh sát mỗi bang còn hoạt động riêng rẽ, FBI chưa vào cuộc; bởi vậy việc điều tra là vô cùng khó khăn và họ vẫn chưa xác định được các vụ mất tích trên có phải vụ án hình sự hay không, nếu có, có cùng một thủ phạm hay không.
Theo những nhân chứng cho biết, trước khi nạn nhân mất tích, họ được một người đàn ông bó bột nhờ bê hộ đồ lên xe ô tô của anh ta. Anh ta giới thiệu với họ mình tên là Ted. Tuy đã có một vài manh mối, nhưng cảnh sát vẫn chưa xác định được cái tên Ted này. Đó chỉ là một biệt danh, và cũng chưa có bằng chứng chứng minh Ted là hung thủ.
Sau một vụ tấn công bất thành, cùng với cuộc gọi tố cáo về những điều bất thường của bạn gái với cảnh sát, Theodore Bundy – một chàng trai trẻ, khéo ăn nói, hoạt động xã hội, có một tấm bằng tâm lý học và chuẩn bị tốt nghiệp ngành luật tại Utah, bị bắt vì tình nghi giết người. Việc bắt được Bundy khi đó là vô cùng tình cờ, khi một cảnh sát tuần tra Colorado phát hiện chiếc xe Volkswagen lạ đi vào buổi đêm nhưng không bật đèn. Anh yêu cầu dừng xe nhưng chiếc Volkswagen bỏ chạy. Sau hàng giờ truy đuổi, anh đã bắt chủ nhân chiếc xe tấp vào lề, và qua kiểm tra phát hiện ra nhiều nghi vật.


Cảnh sát Colorado lần theo manh mối đến núi Taylor – một vùng đất hoang dã. Tại đây, họ đã tìm thấy thi thể của các nạn nhân, bị Ted phi tang và thú rừng đã gần như xử lý hết phần còn lại. Núi Taylor là một địa điểm ít người lui đến, nhiều bụi cây gai rậm rạp, bởi vậy những cái xác đã được Ted phi tang suốt hàng năm trời mà không một ai hay biết.


Nếu như mọi chuyện chỉ dừng lại tại đó thì có lẽ Ted Bundy không trở thành cái tên kinh hoàng đến vậy. Vào lúc bấy giờ, cái tên Ted Bundy chỉ gây hoang mang tại một số bang nhỏ miền Trung Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, cảnh sát Colorado đã không làm tròn bổn phận của mình, khi để Ted bỏ trốn đến 2 lần, và lần thứ 2 hắn đã biệt tăm biệt tích.
3 năm sau đó, tại Chi Omega ở bang Florida, một vụ án gây chấn động nước Mỹ xảy ra. Tại ký túc hội nữ sinh Chi Omega, 2 nữ sinh bị giết, hiếp dã man trong lúc ngủ; 3 nữ sinh khác cũng bị tấn công bằng thủ đoạn tương tự nhưng may mắn thoát chết.

Ngay khi cảnh sát đang bao vây nghiêm ngặt ký túc hội nữ sinh Chi Omega và nghĩ hung thủ đã cao chạy xa bay, thì gần như chỉ đối diện với khu vực này, một vụ án tương tự xảy ra. Dĩ nhiên khi cảnh sát tới thì hung thủ đã cao chạy xa bay thật sự.

Lần này, FBI đã vào cuộc. Cùng với đó, cảnh sát Florida cũng kết nối với cảnh sát Colorado và phát hiện ra nhiều chi tiết tương đồng về thủ đoạn và hành vi gây án. Ted Bundy bị bắt thêm một lần nữa và khởi tố tội giết người hàng loạt theo luật Florida.

10 năm khởi tố ròng rã và sự đáng sợ của Ted Bundy
Ted Bundy không chỉ đáng sợ ở khả năng giết người và trốn tránh pháp luật. Hắn còn là một nhà tâm lý học và sắp trở thành một luật sư. Trước đó, Ted Bundy đang dần gia nhập giới trung lưu Mỹ, hoạt động xã hội mạnh mẽ và có ý định gia nhập giới chính trị. Chính những điều này giúp cho Ted Bundy có một trí thông minh xảo quyệt và đặc biệt là vỏ bọc hoàn hảo cùng miệng lưỡi khéo léo, khiến cho việc kết tội hắn hết sức khó khăn.

Khi những chứng cớ không đủ để kết tội, Ted Bundy, dù đang là nghi phạm số một và bị cả nước Mỹ căm ghét, vẫn tự tin phát biểu trước giới truyền thông với giọng điệu của một chính khách sắp tranh cử tổng thống, thay vì giọng điệu của một tên giết người. Ted Bundy cười và giơ tay chào nhà báo, tuyên bố sẽ “giành được thắng lợi ở phiên tòa” (thay vì tuyên bố rằng mình vô tội, cách nói này của hắn khiến hắn ở vị thế như một luật sư), lên án hệ thống tư pháp Hoa Kỳ (như thể hắn là một chính khách chạy đua vào ghế tổng thống).

Tại phiên tòa, Ted Bundy không hợp tác với luật sư của mình khi khuyên hắn nhận tội để hưởng án chung thân thay vì tử hình. Ted tự đứng ra biện hộ, thậm chí còn tra thẩm ngược lại nhân chứng (như luật sư tra thẩm bị cáo), chỉ tay vào mặt bồi thẩm đoàn. Thật khó hình dung có một kẻ giết người nào lại tự tin đến tự mãn như Ted. Hắn không hề ăn năn hối lỗi hay run sợ trước pháp luật. Tất cả với hắn chỉ như một trò chơi.

Xuyên suốt quá trình kết tội, Ted Bundy thậm chí còn biết sử dụng các thủ thuật tâm lý để chơi “mind game” với bên truy tố và bồi thẩm đoàn: Không chịu khai tên thật khi lần đầu bị bắt ở Florida, lên án các bằng chứng thiếu thuyết phục, lên án hệ thống tư pháp với báo chí, với bằng chứng về vết cắn khớp với hàm răng thì lên án “người ta kết tội ai đó giết người vì hàm răng lệch”, cầu hôn trong ngày ra phán quyết… Tất cả cho thấy Ted Bundy là một kẻ có trí thông minh hơn người, đến mức thẩm phán, sau khi kết tội tử hình với Ted Bundy đã phải thú nhận rằng ông tin rằng Ted Bundy có thể trở thành một luật sư tài giỏi nếu không gây ra những tội tày trời kia.
:max_bytes(150000):strip_icc()/ted-bundy-in-court-515117974-5b3fbc35c9e77c00373a0846.jpg)
Điểm đáng sợ nữa của Ted Bundy chính là sự lạnh lùng. Trong lần kết án tử hình đầu tiên, khi thẩm phán đã ra phán quyết, Ted vẫn tỉnh bơ, thậm chí còn nháy mắt với máy quay. Tuy nhiên, trong lần kết án tử hình thứ 2, Ted lại tỏ ra thái độ khác hẳn. Khi thua kiện, hắn lao vào tấn công nguyên cáo. Nếu như lần đầu tiên Ted không sợ hãi, cáu gắt thì tại sao lần thứ 2 hắn lại tỏ ra mất bình tĩnh như vậy? Có thể nói Ted Bundy không sợ chết, thứ khiến hắn khó chịu là sự thua cuộc. Và đó là lý do khi bị kết án tử hình lần thứ 2, Ted đã phản ứng dữ dội như vậy.
Giải mã cuộn băng ghi âm tự thuật của Ted Bundy

Một khoảng thời gian sau đó, khi Ted Bundy gần như đã an bài với cái chết, hắn có cơ hội thuật lại cuộc đời và quá trình gây án của mình cho cánh nhà báo. Với Ted, đây là một dịp hiếm hoi hắn lại được tiếp xúc với bên ngoài, và lại gây chú ý dư luận một lần nữa. Khi đó, Ted đã nói rằng “Tôi không cần biết các ông viết về tôi như nào, tôi chỉ cần nó bán chạy là được”.
Khi tiếp nhận vụ án của Ted Bundy, giới nghiên cứu tâm lý học tội phạm lúc bấy giờ gần như không thể hiểu nổi động cơ của hắn. Ted Bundy không phải chịu cảnh nghèo khó, bị dòng đời xô đẩy đến tội phạm. Ted Bundy không phải mẫu người ưa bạo lực, nhiều thành tích bất hảo. Cũng không phải mẫu tội phạm hiếu sát, hay hành hạ động vật từ nhỏ. Cũng hoàn toàn bình thường về thần kinh, và không phải kẻ cuồng tín, thay vì bị ám ảnh bởi tôn giáo và bài hát của The Beatle như Charles Manson. Giới nghiên cứu tâm lý học tội phạm khi ấy không tìm ra được bất cứ động cơ nào của Ted, ngoại trừ việc hắn đã xem quá nhiều sách báo khiêu dâm. Nhưng liệu điều đó là đủ để biến một nhà tâm lý học, sắp trở thành luật sư, ở tầng lớp trung lưu, trở thành tên sát nhân điên loạn?
Trong cuộn băng ghi âm, Ted kể lại về tuổi thơ rất êm đềm của mình. Hắn có một gia đình hoàn hảo, thường hay chơi đùa với lũ trẻ trong thị trấn. Ở trường, hắn là một người hoạt bát, tham gia thể thao, có nhiều bạn bè và được bạn bè ngưỡng mộ.
Nhưng thực tế không phải như vậy. Theo lời kể lại của em gái Ted Bundy, hắn là một kẻ cô độc. Hồi nhỏ, gia đình Ted khá nghèo, sống tại một khu vực dành cho những gia đình khá rả. Ted lại bị chứng nói lắp, bởi vậy hắn bị bạn bè trong thị trấn xa lánh và chọc ghẹo. Ngay cả ở trường cũng vậy. Ted dường như gặp vấn đề về khả năng học tập khi hắn không thể thắt nút đúng cách, không thể bắn súng đúng cách, nhìn chung, những gì người ta làm được một cách dễ dàng thì Ted không thể.

Điều này khiến cho Ted luôn giữ trong mình sự ấm ức và giận giữ. Hắn sợ bị coi là kẻ thua cuộc, bởi vậy Ted đã rất cố gắng học thật giỏi, hướng đến những mục tiêu tươi sáng để thể hiện bản thân.
Lên đại học, Ted yêu một cô gái thuộc tầng lớp trung lưu. Đó là một tình yêu đẹp, giúp Ted cố gắng trở thành một quý ông, cố gắng học thật giỏi, làm thật nhiều để kiếm nhiều tiền. Vào giai đoạn này, Ted đã mua được chiếc xe Volkswagen mơ ước – chiếc xe mà sau này được sử dụng làm phương tiện giết người.
Nhưng sự đổ vỡ của cuộc tình đã thay đổi Ted rất nhiều. Người bạn gái chia tay Ted với lý do Ted không đủ khả năng tài chính để đưa cô đi chơi, đáp ứng các nhu cầu của cô. Với Ted, đây là một sự phản bội. Những hình ảnh bị coi thường, giễu cợt hồi nhỏ ùa về. Đây là giai đoạn Ted càng trở nên cô độc và căm ghét tất cả mọi thứ.

Cũng vào giai đoạn đó, Ted tìm hiểu được nguồn gốc của mình. Hắn phát hiện ra mình là con ngoài giá thú, và mẹ hắn đã bỏ lại hắn ở nhà nguyện, nếu không có người ông ngoại nhất quyết đến đón thì có lẽ Ted đã phải lớn lên ở cô nhi viện.
Với Ted lúc này, cảm giác như bị cả thế giới quay lưng và ruồng bỏ.
Từ đó, Ted Bundy bắt đầu ra tay giết người.

Theo các nhà tâm lý học, Ted Bundy là một kẻ mắc hội chứng ái kỷ – yêu bản thân một cách thái quá. Đây không phải bệnh tâm thần nên hầu như bệnh viện không phát hiện ra, và vào thập niên 70, bệnh ái kỷ còn là một bệnh tâm lý quá đỗi mới mẻ.
Sự thực là Ted Bundy giết, hiếp và tra tấn các nạn nhân để thỏa mãn bản thân mình. Theo những ghi nhận, mẫu nạn nhân của Ted Bundy đều là nữ giới, ở độ tuổi 18-25, đang là sinh viên, sống trong một gia đình trung lưu khá rả. Như vậy, việc Ted Bundy giết các nạn nhân này khiến cho hắn thỏa mãn hành động trả thù, và nghĩ rằng mình là người chiến thắng, là kẻ trừng phạt những cô gái trung lưu kiêu ngạo.
Bệnh ái kỷ của Ted Bundy thể hiện rõ ở chi tiết: Khi kể về hành trình giết người, Ted Bundy kể ở ngôi thứ ba. Ted kể lại rằng: “Hắn giết chết cô ấy, hắn siết cổ cô ấy, hắn đem xác cô ấy đi giấu…”. Việc kể ở ngôi số 3 cho thấy Ted đang trốn tránh tội lỗi bằng cách rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm cho một nhân vật “hắn” nào đó, mà hắn biết rõ “hắn” là hắn, nhưng hắn vẫn muốn tự lừa dối bản thân mình.
Sau cùng của cuộn băng, khi cái chết đã cận kề, Ted vẫn không tỏ ra ăn năn hối hận. Hắn đổ hết mọi tội lỗi lên xã hội, lên những người xung quanh: “Các người, không ai hiểu tôi cả.”
Giúp đỡ FBI xây dựng chân dung kẻ giết người hàng loạt
Một trong những điều tốt đẹp hiếm hoi mà Ted Bundy đã làm trong cuộc đời mình, đó là giúp đỡ FBI xây dựng chân dung kẻ giết người hàng loạt. Ted không làm thế để đổi lấy một đặc ân nào, để bù đắp cho tội lỗi hay vì ăn năn hối hận.
Câu chuyện bắt đầu khi FBI không thể phân tích được tâm lý hành vi của những kẻ giết người hàng loạt như Ted Bundy hay Zodiac. Với nạn giết người hàng loạt gia tăng, FBI đã xây dựng hệ thống dữ liệu, phỏng vấn các loại tội phạm giết người và tin rằng một kẻ giết người hàng loạt thông minh, có bằng tâm lý học như Ted Bundy sẽ giúp họ hiểu rõ về tâm lý và hành vi của những kẻ giết người hàng loạt.

Khi tìm đến với Ted Bundy, đặc vụ Bill Hagmaier không hề che giấu công việc của mình. Ông giới thiệu mình là nhân viên FBI, đang xây dựng hồ sơ tội phạm hàng loạt và cần Ted Bundy giúp. Ted đã hỏi lại “Tại sao tôi phải giúp ông? Không phải các ông muốn tôi chết hay sao?” và hỏi thêm rằng “Và ông cũng thế, phải không?”
Hagmaier đã đáp lại rằng: “Tôi không vui vẻ gì khi làm thế, nhưng nếu trách nhiệm của tôi là kéo cầu dao, thì đúng, anh chết là cái chắc.”
Ted cười và nói rằng hầu như những tay phóng viên, tâm lý học… đến với Ted đều cố tỏ ra thông cảm để nhận sự trợ giúp của hắn ta. Nhưng sự chân thành của Hagmaier đã khiến Ted đồng ý giúp đỡ vô điều kiện. Trên thực tế, Ted muốn giúp đỡ FBI bởi hắn thấy mình được trở thành người có ích, trở thành kẻ cao quý, còn hơn cả FBI. Bởi vậy, Ted Bundy đã giúp đỡ FBI phân tích tâm lý và xây dựng hồ sơ về kẻ giết người hàng loạt. Những thông tin này đã giúp ích cho FBI rất nhiều, và một trong số đó đã trở thành kiến thức đại chúng mà chúng ta biết về những kẻ giết người hàng loạt như hiện nay.

Rút ra điều gì sau khi xem Conversations with a Killer: The Ted Bundy Tapes
Có lẽ sau khi xem Conversations with a Killer: The Ted Bundy Tapes, những gì chúng ta rút ra được không chỉ là hiểu hơn về vụ án của Ted Bundy – một trong những vụ án gây chấn động lịch sử. Qua bộ phim, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học mang tính xã hội. Với tôi, đó có thể là:
- Đừng bao giờ để bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài. Ác quỷ có thể ẩn lấp ở ngay xung quanh bạn
- Một kẻ tội phạm tiềm tàng đều phải chịu đựng những biến động trong quá khứ. Muốn ngăn chặn tội phạm, phải ngăn chặn từ tận gốc
- Một hành vi nhỏ, vô tình, cũng có thể tạo ra một tội ác lớn. Nếu như người mẹ không bỏ rơi Ted Bundy, nếu như lũ trẻ không xa lánh Ted Bundy, nếu như cô bạn gái không phũ phàng với Ted Bundy, biết đâu Ted đã có cơ hội trở thành một con người khác
- Hãy cẩn thận và đề phòng, mạng sống của mình và người thân là quan trọng nhất. Chúng ta không thể biết rõ khi nào thì những con ác quỷ lộ diện, bởi vậy, phòng vệ bản thân là cách tốt nhất chống lại chúng
- Dù là kẻ thông minh, tài giỏi đến mấy, cuối cùng cũng sẽ phải trả giá
- Sự kiểm soát bản thân là vô cùng quan trọng. Sự kiểm soát bản thân giúp chúng ta đặt ra ranh giới giữa phần “con” và phần “người”, và giúp chúng ta trở thành những người tốt thay vì gây ra những tội ác.
Sau cùng, Ted Bundy cũng chỉ là một vết nhơ của quá khứ. Nhưng từ những vết nhơ ấy, chúng ta rút ra được bài học và cùng chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó không phải là thông điệp của bộ phim, mà là thông điệp của tôi đến với tất cả mọi người.