Mới đây, bộ phim Green Book do đạo diễn Peter Farre thực hiện, đã giành được tượng vàng Oscar hạng mục Phim hay nhất năm (Best Motion Picture of the Year) cùng 2 tượng vàng danh giá khác là Kịch bản gốc xuất sắc nhất và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Mặc dù không gây tranh cãi bằng kỳ Oscar 2018, nhưng việc Green Book đánh bại Roma của Alfonso Cuaron để lên ngôi ở hạng mục danh giá nhất Oscar này cũng khiến một số người không khỏi ngạc nhiên. Vậy Green Book rút cuộc là bộ phim như nào? Và tại sao Green Book lại có thể chiến thắng được hạng mục cao quý nhất đó?
Được chuyển thể từ câu chuyện có thật của Tony Vallelonga (biệt danh: Tony Lip) – một người Mỹ da trắng, Green Book là hành trình của Tony và Dr. Don Shirley – một nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi đi xuyên Mỹ. Tony là một người có công việc không ổn định, thường xuyên gặp khó khăn tài chính, sống với phong cách đường phố, bất cần đời. Trong giai đoạn kiệt quệ tài chính và đang thất nghiệp, Tony vô tình nhận được lời mời làm tài xế đưa Dr. Don Shirley đi lưu diễn xuyên Mỹ. Dr. Don Shirley xuất hiện trong căn nhà được bao trùm bởi các đồ đạc vàng bạc trang hoàng, là một nghệ sĩ piano người Mỹ gốc Phi được xem như là thiên tài âm nhạc. Ban đầu, Tony không đồng ý với những yêu sách trên trời của một “ông hoàng”, ra vẻ trịch thượng, coi thường những người “thấp cấp” như Tony. Nhưng sau cùng, Tony lại đồng ý tham gia bởi mức tiền công khổng lồ của công việc này.
Ngỡ tưởng việc lái xe đưa một “ông hoàng” đi lưu diễn sẽ rất đơn giản, nhưng hóa ra đó lại là một hành trình đầy trải nghiệm, cả với Tony lẫn Dr. Don Shirley. Ban đầu, hai người dường như rất mâu thuẫn: Đó là mâu thuẫn giữa một người giàu (Shirley) và một người nghèo (Tony), một người có văn hóa và vô văn hóa, một người trầm lặng và một người không thể ngừng lải nhải xuyên suốt đường đi… Có thể thấy giữa Tony và Shirley, dù có mâu thuẫn gì chăng nữa, vẫn không có mâu thuẫn về sắc tộc.
Xuyên suốt hành trình, việc một người da trắng lái xe cho một người da màu ngồi ghế sau, đã khiến không ít người tỏ ra ngạc nhiên. Những người da trắng đi đường ngạc nhiên, những người đón tiếp ở các buổi diễn ngạc nhiên, và ngay chính những người da màu đang làm lụng vất vả trên đồng ruộng cũng ngạc nhiên. Nhưng với Tony, dù là một người hành xử có phần vô văn hóa, điều đáng quý ở Tony chính là sự chính trực, vô tư mà không ai có được.
Dr. Don Shirley dù giàu có là vậy, mà bản thân nội tâm của ông cũng ẩn chứa nhiều góc khuất. Shirley đã phải từ bỏ anh trai, gia đình để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Shirley sinh ra và lớn lên trong gia đình trung lưu, từ nhỏ đã sống với âm nhạc cùng tầng lớp thượng lưu thưởng thức âm nhạc, bởi vậy, với Shirley, cuộc sống đô thị và những người da màu nghèo khổ là một thứ vô cùng xa lạ. Shirley luôn cô đơn, không có bạn bè và luôn gặp rắc rối với rượu. Và hơn hết, Shirley vẫn là một người da màu, dù có tài giỏi, thành đạt đến mấy, cũng vẫn bị những người da trắng đối xử một cách bất công.
Với Tony Lip cũng không phải không có góc khuất. Tony gần như là bản ngược lại của Shirley, cái gì Shirley thiếu thì Tony có và ngược lại, cái gì Shirley có thì Tony không. Cuộc sống của Tony đã quen với những tháng ngày nghèo khổ, cù bơ cù bất, tiếp xúc với đủ nghề và đủ loại người trong xã hội. Có lẽ điều đó cũng tạo nên cái nhìn bình đẳng của Tony bất kể màu da, nhưng phải sống trong điều kiện khó khăn như thế cũng không dễ dàng gì. Đó là lý do Tony từng nói mình “đen hơn” cả Shirley. Khi Shirley bực tức hỏi lại, Tony đã đáp rằng cuộc sống nghèo khó, không định hướng của anh chẳng “đen hơn” cuộc sống thượng lưu của Shirley thì gì.
Người ta thường nói, lúc khó khăn nhất, ta mới thấy được người bạn trung thành nhất. Tony là người như vậy. Ngay từ những rắc rối đầu tiên Shirley gặp phải, Tony đã bảo vệ Shirley. Và rồi lần lượt, từ rắc rối này đến rắc rối khác, Tony vẫn ở bên Shirley, thậm chí còn bảo vệ ông khỏi những kẻ phân biệt chủng tộc.
Điều gì đã khiến Tony bảo vệ Shirley? Đầu tiên, Tony cảm phục tài năng âm nhạc của Shirley, nhưng quan trọng nhất, Tony là một người thẳng thắn, chính trực, vô tư, tiếp xúc với mọi người ở mọi tầng lớp do vốn sống một cuộc sống đường phố. Ở Tony, chúng ta nhìn ra được cái đẹp của người đô thị tầng lớp dưới, đó là dù không có nhiều tiền, không tinh tế, sang trọng nhưng lại có thứ vô giá, đó là tinh thần nghĩa hiệp, thẳng thắn, hết lòng vì bạn bè.
Có lẽ ấn tượng nhất trong bộ phim Green Book, đó là khi Shirley bỏ buổi lưu diễn ở nhà hàng cao cấp có giá trị lên đến hàng ngàn đô vì lý do nhà hàng này không cho người da màu biểu diễn, để đến biểu diễn miễn phí tại một quán rượu sập xệ, nơi cả người da màu và da trắng ở mọi tầng lớp cùng quây quần nhảy múa bên nhau. Đây là điều chưa từng có tiền lệ bởi Shirley trước nay là một con người quy chuẩn, luôn cố cư xử theo tầng lớp thượng lưu và không bao giờ làm mếch lòng những con người chỉ chăm chăm lợi dụng tài năng âm nhạc nhưng bên trong lòng vẫn coi thường Shirley đó.
Hành trình bên cạnh Tony đã thay đổi Shirley. Nhưng chính Shirley cũng đã thay đổi Tony. Cả 2 đều thay đổi theo hướng tích cực hơn, sau hành trình bên cạnh người bạn bất đắc dĩ mà đã giúp họ đối mặt với mặt tối của mình, qua đó nhìn nhận và chấp nhận bản thân.
Một điều khá thú vị, bộ phim Green Book được chắp bút bởi Nick Vallelonga và ông cũng là nhà sản xuất chính của bộ phim. Nghe cái tên Vallelonga bạn đã nhận ra điều gì chưa? Phải, Nick Vallelonga chính là con trai của Tony Vallelonga. Và đây là một bộ phim do người con trai làm về bố mình và nhận giải Oscar. Thật thú vị phải không nào?
Nhìn chung, Green Book là một bộ phim hay, xúc động, ý nghĩa. Bộ phim có ưu điểm lớn nhất là diễn xuất của bộ đôi Viggo Mortensen (Tony Lip) và Mahershala Ali (Dr. Don Shirley). Cả 2 đã diễn quá thành công, kẻ tung người hứng, và đã đem về Mahershala Ali tượng vàng Oscar thứ 2, chỉ trong vòng 3 năm sau đó.
Green Book cũng có màu phim và quay phim tương đối đẹp mắt, với tone màu ấm. Điều giúp cho Green Book thành công trọn vẹn đó chính là sự kết hợp hoàn hảo, chỉn chu giữa kịch bản, diễn xuất, quay phim, màu phim. Đây là công lớn của đạo diễn Peter Farre.
Tuy nhiên, về cốt truyện, motif của Green Book vẫn chưa phải hoàn hảo. Có thể nói Green Book không quá mới mẻ, thậm chí có phần quen thuộc nếu như khán giả đã xem nhiều phim hàn lâm Hollywood. Ngược lại, Roma lại là một bộ phim mang tính nghệ thuật cao hơn, với cốt truyện bình dị và có phần “khó xem” hơn với khán giả. Dù là 1 bộ phim Mexico nhưng phong cách nghệ thuật của Roma mang đậm tính Châu Âu còn Green Book lại mang đậm tính Hollywood.
Thật khó để so sánh Green Book với Roma vì 2 phim mang 2 phong cách hoàn toàn khác nhau. Green Book hay Roma, phim nào thắng Phim hay nhất năm cũng hoàn toàn xứng đáng. Dù sao đi nữa, Green Book vẫn là một bộ phim xuất sắc, đáng để thưởng thức và cảm nhận.
Đánh giá: 8.9/10