Chắc hẳn nếu bạn là một người đọc sách, hoặc một người quan tâm đến chính trị, bạn không mấy xa lạ với cái tên George Orwell – tác giả của “Animal Farm” (Trại gia súc), “1984”. Đây là những tác phẩm mang tính chất chống lại communism, đã bị cấm lưu hành ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhiều người thần thánh hóa George Orwell, tôn ông lên hàng ngũ chính trị gia xuất sắc. Nhưng không, Orwell không phải một chính trị gia, ngược lại ông còn ghét chính trị là đằng khác. Và hơn hết, Orwell không phải một người ủng hộ chủ nghĩa tư bản, ông là một người ủng hộ giai cấp công nhân và chủ nghĩa xã hội. Toàn bộ suy nghĩ chính trị cùng những trải nghiệm đầu đời về sự khắc nghiệt của chiến tranh và chính trị được George Orwell ghi lại hết sức chân thực trong bút ký “Homage to Catalonia” (Calalonia – tình yêu của tôi)
Sau khi trở về từ Ấn Độ, George Orwell đến Tây Ban Nha – đất nước Latin đang chìm sâu trong cuộc nội chiến, để chống lại chế độ phát xít Franco. Vào thời điểm hiện tại, Tây Ban Nha có rất nhiều đảng phái chính trị khác nhau, nhưng tựu chung về phía giai cấp vô sản có 3 đảng phái chính: Phe vô chính phủ (làm chủ Liên đoàn công nhân C.N.T), P.O.U.M (Đảng lao động Marxist – theo quan điểm Marxist, sở hữu lực lượng dân quân tự vệ) và P.S.U.C (Đảng cộng sản Catalonia, sở hữu lực lượng quân đội nhân dân chính quy). George Orwell ban đầu đến hội quân tại một đám hỗn độn ở Catalonia, bao gồm cả 3 lực lượng trên và ông lựa chọn P.O.U.M một cách hết sức tính cờ, ngẫu nhiên. Khi đó, Orwell còn chưa có quá nhiều ý thức hệ về chính trị, với ông, mục đích duy nhất đó là chống lại chủ nghĩa phát xít, đảng phái nào không quan trọng.
Thời gian đầu, lực lượng quân đội ba bên cùng nhau chiến đấu trong tình trạng thiếu thốn, mà Orwell đã miêu tả về tình trạng thiếu thốn súng, trang thiết bị, và những cuộc canh giữ chán ngắt mà không phe nào thực sự tấn công phe nào. Rồi dần dần, cuộc chiến trở lên khốc liệt hơn, trong khi đó, ở hậu phương, các lãnh đạo vô chính phủ, P.O.U.M và P.S.U.C mâu thuẫn với nhau, chỉ trích nhau. Thời gian này, Orwell đã nhận ra sự khác biệt ở các đường lối đó, mà những người lính thực sự hiểu, “chỉ có điếc hay ngu mới không có được một vài khái niệm nào đó về tư tưởng của các đảng phái khác nhau mà thôi.”
Ở hậu phương, một cuộc bút chiến từ các nhà báo nổ ra. Những người không chiến đấu ở mặt trận bịa đặt ra những điều hoang đường và đổ lỗi cho phe đối lập. P.S.U.C sở hữu lực lượng báo chí hùng hậu, miêu tả lực lượng dân quân của P.O.U.M đang ngầm giúp đỡ phát xít, chống lại P.S.U.C bảo vệ nhân dân; trong khi thực tế ở mặt trận, những người lính P.S.U.C và P.O.U.M vẫn đang kề vai sát cánh như những đồng chí vào sinh ra tử. Kể từ đó, Orwell ghê tởm sự dối trá của cánh báo chí kiểm duyệt và toàn trị.
Bên cạnh những vấn đề chính trị, cuộc sống nơi chiến trường cũng được Orwell miêu tả hết sức chân thực. Đó là những khi thiếu thốn vật dụng, quân trang; những khi có người đồng đội bị thương hoặc tử trận; những lúc hành quân qua một ngôi làng, những trận chiến bất ngờ và những tình huống mà không ai đoán trước. Sự chân thực đã giúp “Homage to Catalonia” trở thành bút ký chiến trường nổi tiếng, thường được dùng làm tư liệu nghiên cứu về nội chiến Tây Ban Nha. Sự khốc liệt và gian khó tựa như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, nhưng lại là một phiên bản có thực chứ không đơn thuần chỉ là tiểu thuyết.
Có vẻ như lỗ châu mai nào cũng có tia lửa phun ra vậy. Nằm dưới làn đạn trong bóng đêm là điều cực kỳ khó chịu. Cứ thấy tia lửa lóe lên là tưởng như nó đang nhắm thẳng vào mình. Nhưng lựu đạn mới thật đáng sợ. Ban ngày, nó chỉ là một tiếng nổ, nhưng ban đêm, ngoài tiếng nổ còn có một quầng lửa chói lòa nữa.
Tôi biết là trong bóng tối thì cách hai chục bước là đã không trông thấy nhau rồi. Quan trọng là phải giữ yên lặng. Chỉ cần chúng nghe thấy là xong. Chỉ cần chúng bấm cò súng máy là chúng tôi bị giết sạch.
Phát xít bắn từ đằng trước. Quân ta bắn từ đằng sau. Rõ ràng tôi đang nằm giữa hai làn đạn.
Bọn phát xít đã kéo súng máy tới. Có thể thấy nó đang khạc lửa ở khoảng cách một trăm đến hai trăm mét, tiếng đạn réo sắc lạnh ngay trên đầu.
Trong những ngày tháng hiếm hoi ở Barcelona – nơi cách xa chiến trường ác liệt, Orwell cố gắng tận hưởng thời khắc yên bình hiếm hoi. Vậy nhưng ông lại vướng vào một rắc rối mang đậm mùi chính trị. Một cuộc tấn công tổng đài điện thoại do P.S.U.C nắm giữ, được thực hiện bởi quân vô chính phủ đã tạo ra một cuộc chiến đường phố. Quân đội hai phe chống lại nhau, và Orwell vô tình bị lôi vào cuộc chiến đó. Ông ở cùng phe vô chính phủ, và phải kèn cựa với quân P.S.U.C – những người mà mới đây còn là đồng chí vào sinh ra tử với mình. Giao tranh diễn ra một khoảng thời gian cho tới khi P.S.U.C kiểm soát được tình hình, nhưng điều mà Orwell không ngờ, đó là P.S.U.C đã đổ mọi tội lỗi cho P.O.U.M để giữ mối hòa hảo với phe vô chính phủ – lực lượng nắm giữ liên đoàn công nhân mà P.S.U.C đang nhắm tới để giành sự ủng hộ trong bầu cử. P.O.U.M – lực lượng hoàn toàn không liên quan trong sự vụ này, bị gán cho tội danh chủ mưu và khủng bố.
P.S.U.C gán tội P.O.U.M là “đội quân thứ năm của phát xít”, tuyên truyền tới nhân dân và phát tán bức biếm họa hình ảnh người lính P.O.U.M đeo mặt nạ búa liềm, để lộ ra khuôn mặt thật có biểu tượng Nazi. Orwell – một người chiến đấu trong lực lượng P.O.U.M, có nhiều bạn bè cả ở P.O.U.M, P.S.U.C lẫn vô chính phủ, có ý muốn gia nhập Lữ đoàn quốc tế do P.S.U.C lãnh đạo, biết rằng những tuyên truyền trên là hoàn toàn vô lý. Từ đó, Orwell không bao giờ tin tưởng P.S.U.C, cũng như nhận ra sự dối trá của toàn trị. “Tôi buộc phải nói với anh ta (bạn của Orwell ở P.S.U.C) rằng tôi không thể gia nhập các đơn vị do P.S.U.C kiểm soát nữa. Tham gia vào đó thì trước sau gì tôi cũng trở thành công cụ chống lại giai cấp công nhân mà thôi.”
Ở chương 11, George Orwell đã sử dụng các lập luận cùng dẫn chứng để chứng minh P.O.U.M không đủ khả năng đứng đằng sau những cáo buộc của P.S.U.C, cũng như các bài báo, tuyên truyền của P.S.U.C gán cho P.O.U.M mục đích làm nhân dân căm ghét, lại mâu thuẫn nhau. Khi thì họ gọi P.O.U.M là “đạo quân thứ năm của phát-xít”, khi thì họ gọi P.O.U.M là “bọn Troskyist”, trong khi bản chất P.O.U.M theo đường lối Marxist và không tán thành tư tưởng Trostkyist. Ở chương này, Orwell đưa ra rất nhiều lập luận phản bác mà cá nhân tôi, một phần không thể tóm tắt, một phần chưa đủ khả năng hiểu thấu đáo, nên không thể đưa ra hết ở bài viết này.
Trở lại với mặt trận, ngược lại với hậu phương đầy lộn xộn, những người lính P.O.U.M – “đạo quân thứ năm của phát xít”, vẫn đang giành giật từng tấc đất với bọn phát xít Franco, dĩ nhiên, bên cạnh những người lính P.S.U.C. Tại đây, một bước ngoặt đã đến với Orwell:
George Orwell bị trúng đạn, một vết thương chí tử.
Bất thình lình, tôi chưa nói hết câu thì cảm thấy – thật khó nói… Đại khái là tôi cảm thấy như đứng giữa trung tâm của một vụ nổ. Tiếng nổ rất to và tia chớp lóa mắt bao trùm tất cả, rồi tôi thấy người mình giật bắn lên – như bị điện giật, người lả đi, như đang rữa ra và tan biến đi vậy. Tôi nghĩ người bị sét đánh cũng có cảm giác như thế. Tất cả xảy ra chỉ trong vòng chưa đến một giây (…) Tôi cố lên tiếng, nhưng hóa ra không nói được thành lời, chỉ có những tiếng khè khè nhẹ, nhưng rồi tôi cũng hỏi được bị thương ở đâu. Vào cổ, họ bảo thế. Tôi vừa được đỡ ngồi dậy thì đã thấy máu từ miệng tuôn ra xối xả. Vừa nghe thấy nói đạn xuyên qua cổ là tôi chắc mẩm: mình tiêu rồi. Tôi chưa từng nghe nói ai hay con vậy nào bị đạn bắn xuyên cổ mà sống xót. Máu vẫn rỉ ra bên khóe miệng. “Đứt động mạch rồi.” Tôi tự nhủ. “Không hiểu động mạch cảnh bị đứt thì sống được bao lâu, chắc chỉ mấy phút”. Tôi cảm thấy như đang trôi trong màn sương mù dày đặc. Tôi cảm thấy như mình đã chết rồi.
Vậy nhưng may mắn thay cho Orwell, cũng là may mắn thay cho nền văn học thế giới, Orwell đã sống xót. Ông được chữa trị trong một môi trường thiếu thốn, với trình độ quân y hạn chế nhưng đã cứu sống được ông, và đưa về hậu phương. Nhờ đó, Orwell vô tình thoát khỏi một cuộc truy quét sâu rộng của P.S.U.C.
Bởi chẳng bao lâu sau đó, P.S.U.C đã ra lệnh ngăn cấm lực lượng dân quân và tuyên bố quân đội nhân dân là lực lượng chính quy duy nhất. Lực lượng dân quân của P.O.U.M trở thành lực lượng ngoài vòng pháp luật, hoặc phải đầu hàng, hoặc bị bắt. P.S.U.C thực hiện chiến dịch truy quét toàn Tây Ban Nha. Nhiều chiến sĩ vừa từ chiến trận trở về như những anh hùng, chưa kịp ăn mừng, đã bị tống giam vào tù. Nhiều người bạn của Orwell cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong đó, có Kopp – chỉ huy của Orwell. Kopp là một người Bỉ, hy sinh gia đình, tổ quốc, đời sống tiện nghi để đến Tây Ban Nha với lý tưởng cao đẹp chống lại phát xít. Kopp bí mật rời Bỉ khi đang là lực lượng trù bị của quân đội Bỉ, điều này khiến Kopp không bao giờ còn quay về Bỉ được nữa nếu không muốn chịu những năm tháng tù đày. Những người Tây Ban Nha đã trả công Kopp bằng cách bắt anh vào tù. Nhiều người tù sau đó đã chết, Orwell không biết Kopp liệu có qua khỏi hay không.
P.O.U.M bị lật đổ hoàn toàn và truy quét như quân phát xít truy quét người Do Thái, dẫu rằng P.O.U.M và P.S.U.C từng là anh em, từng xuất phát điểm cùng chung từ tư tưởng Marxist, cùng mục đích ủng hộ giai cấp vô sản. Để chạy thoát, Orwell đã phải từ bỏ những mối liên hệ với P.O.U.M, sau nhiều lần hiểm nguy mới có thể trở về Anh an toàn.
Về đến quê hương, trải nghiệm bầu không khí hòa bình, tiện nghi, nhưng tâm trí Orwell vẫn không ngừng nghĩ đến Catalonia, nghĩ đến những người anh em vào sinh ra tử, những chuyện đã qua, những chuyện đang xảy ra, những người anh em mắc kẹt lại nơi đó không rõ sống chết. Chính những trải nghiệm ấy đã tác động mạnh mẽ tới tư tưởng của Orwell để ông nghiên cứu sâu hơn về chính trị, về bản chất của các chủ nghĩa toàn trị và cho ra đời các tác phẩm “Animal Farm” và “1984” sau này.
Chính vì lẽ đó, Homage to Catalonia còn hơn cả một bút ký chiến trường. Đó còn là một tiểu sử, một quá khứ, một ký ức của nhà văn George Orwell, và cũng là một tiểu luận chính trị xuất sắc của ông, nhiều năm trước khi “Animal Farm” và “1984” ra đời.