Đà Nẵng-Hội An: Những nền văn minh trong quá khứ

Tôi sẽ không bắt đầu du ký đầu tiên của mình từ khi khởi hành hay từ khi bắt đầu nảy ra ý tưởng. Tôi sẽ bắt đầu từ quán December, một quán café theo phong cách (và dành cho người) Hàn Quốc. Đó là một ngày tháng năm, chúng tôi lùi lịch chuyến đi Đà Nẵng xuống một tháng, và tôi nhận ra mình phải vào Đà Nẵng một mình. Theo kế hoạch ban đầu, tôi và Penny sẽ cùng bay vào Đà Nẵng, rồi Penny sẽ ở lại còn tôi về Hà Nội, nhưng do có việc, Penny khởi hành trước tôi khoảng một tuần, bởi vậy, đây là chuyến bay một mình đầu tiên của tôi.

07/09/2018 – Beach by Night

IMG_0835.JPG

Chuyến bay của tôi sẽ bắt đầu cất cánh vào 3 giờ chiều. Để cho chắc chắn, tôi lên sân bay từ 2 giờ và làm thủ tục check-in. Mọi thứ diễn ra tương đối suôn sẻ, không có bất cứ vấn đề gì, và tôi qua khu vực an ninh, vào sảnh đợi trước 40 phút. Lúc này còn khá nhiều thời gian, tôi lấy sách ra đọc. Khi ấy, tôi còn đang đọc dở cuốn “Lịch sử văn minh” của Will Durant do cụ Nguyễn Hiền Lê biên dịch. Trong sảnh chờ có kha khá người nước ngoài, tôi nhớ lại có đọc bài báo trên Internet nói về việc trên một chuyến tàu, hoặc sảnh chờ sân bay, trong khi người Việt dùng smart phone lên Face, Insta, chơi game thì người nước ngoài đọc sách. Có lẽ bởi tôi không may mắn, vì ngày hôm đó, chỉ có mình tôi ngồi đọc sách ở sảnh chờ. Có thể là xu hướng 4.0 đã thay đổi hành vi của con người, tất cả đều dùng smart phone, nhưng tôi nghĩ không nên tiêu cực với điều này. Smart phone có lợi ích riêng của nó, và có thể có những người đang dùng smart phone để đọc ebook hoặc làm việc thì sao? Chúng ta không nên đánh giá mọi thứ từ vẻ bề ngoài. Và ngay cả tôi, trong 40 phút đó cũng không hoàn toàn đọc sách, có lúc cũng sử dụng điện thoại, đăng vài bức ảnh lên Facebook và Insta cá nhân.

Đa số mọi người trên chuyến bay đều đi cùng người thân, bạn bè. Có một vài người đi một mình, thường là người nước ngoài. Tôi cảm thấy việc đi một mình có điều thú vị riêng, cũng tương tự như Paul Theroux vậy. Đi một mình giúp tôi suy nghĩ về trải nghiệm nhiều hơn, thay vì bị cuốn vào những cuộc trò chuyện với bạn bè như những chuyến đi trước đó.

Vị trí ngồi ưa thích của tôi là ở cạnh cửa sổ, nơi thoải mái nhất để ngắm nhìn bầu trời và toàn bộ khung cảnh bên dưới. Tôi may mắn khi được ngồi cạnh cửa sổ trong cả lượt đi và lượt về. Tôi ngồi ở phía ngược lại với mặt trời nên có thể mở cửa sổ thoải mái mà không sợ ánh nắng hắt vào. Ngồi cạnh tôi là hai người phụ nữ trung tuổi người Hàn Quốc, họ nói không nhiều và ngủ trong suốt hầu hết hành trình. Sau khi bật chế độ máy bay, tôi bắt đầu nghe nhạc. Do bên trong máy bay khá tối nên tôi không đọc “Lịch sử văn minh” nữa mà lôi kindle ra đọc. Đầu sách tôi đang đọc dở khi đó là 1Q84 của Ryu Murkakami. Tôi vẫn nhớ vì khi đọc có đoạn nhạy cảm, thường tôi sẽ không đọc tiếp khi đang ở chốn công cộng, nhưng bên cạnh tôi chỉ là hai người ngoại quốc không hiểu tiếng Việt nên tôi tiếp tục tập trung vào công việc của mình, không cần để ý tới thế giới xung quanh.

Đôi khi tôi ngừng đọc để ngắm nhìn bầu trời bên ngoài cửa sổ. Như những người khác, tôi cũng chụp vài bức ảnh bầu trời. Điều làm tôi thích thú nhất chính là cái cảm giác tự do khi được ngắm nhìn những tảng mây bông bông và nền trời xanh mượt, trải dài ra tít tận chân trời. Đó là cái cảm giác tôi luôn khao khát trong những ngày làm việc căng thẳng, giam mình trong những văn phòng tổ ong của những tòa nhà cao tầng và bên tai chỉ có tiếng lạch cạch đánh máy lẫn lộn vào tiếng máy in. Vào khoảng thời gian đó, công việc của tôi có dễ thở hơn và thoải mái hơn bây giờ, nhưng vẫn gò bò với một kẻ thích mây, gió, cỏ, cây như tôi.

IMG_0850.JPG

Trên chuyến bay, có một gia đình đưa đứa trẻ con đi theo. Đứa trẻ có lẽ không quen đi máy bay nên quấy khóc ầm ĩ, đặc biệt là những lúc máy bay cất cánh hoặc hạ cánh. Để dỗ đứa trẻ, người mẹ phải đứng dậy, ra khỏi chỗ ngồi, vừa bế vừa dỗ. Đứa trẻ vẫn khóc nhưng có vẻ đỡ quấy hơn, và cứ người mẹ định ngồi thì đứa trẻ lại la hét, giãy giụa.

Khi máy bay xuống thấp hơn, tôi có thể nhìn thấy ở bên dưới. Tôi đang bay dọc theo dải đất hình chữ S, men theo bờ biển. Có thể nhìn rõ đường ranh giới giữa đất liền và đại dương, điều tương tự như tôi nhìn thấy ở chuyến bay Phú Quốc lần trước. Tôi nhìn xuống đồng bằng từ trên cao, là những ruộng lúa nước rộng lớn, đôi chỗ lác đác những ngôi nhà tạo thành các làng, các xóm. Đây có lẽ là khu vực miền Trung, tôi tự nhủ liệu khung cảnh vùng nông thôn bên dưới có tương tự như ở các vùng quê phía Bắc không nhỉ?

Trời về chiều, màu xanh dương tươi sáng nhường chỗ dần cho màu tím hồng của buổi hoàng hôn. Đây cũng là lúc máy bay đến địa phận Đà Nẵng. Tôi bắt đầu nhìn thấy thành phố từ xa, với những đốm sáng chi chít như ảnh chụp các thành phố lớn như New York, Los Angeles từ vệ tinh. Dưới nền trời màu tím, cùng với những dải mây màu hồng đang tối dần, cái thành phố xa xa tít bên dưới đó lại càng đẹp hơn, nom như một đại đô thị phồn thịnh và đông đúc. Độ cao cao nhất tôi từng nhìn một thành phố, đó là từ trên tháp quan sát của tòa nhà Lotte nhìn ra toàn Hà Nội. Dĩ nhiên, tôi không lạ gì với khung cảnh những tòa nhà cao tầng chìm trong vô số những ánh sáng đèn điện, nhưng tôi chưa từng nhìn thấy ở độ cao này, với một thành phố khác, đặc biệt là thành phố mà tôi muốn đến từ lâu.

Máy bay bắt đầu xuống thấp và chuẩn bị hạ cánh. Ở bên dưới tầm mắt tôi là thành phố Đà Nẵng ngày một gần hơn. Tôi bắt đầu nhìn thấy những tòa nhà cao tầng, những con đường xẻ ngang dọc, chìm trong cơn mưa bokeh ánh sáng. Hà Nội nhìn từ trên cao chắc cũng vậy nhỉ, nhưng Nội Bài lại cách xa trung tâm quá, thành ra trừ tầm mắt trên tòa nhà Lotte, chúng ta khó có thể nhìn thấy thành phố Hà Nội từ trên cao, chìm trong đại tiệc ánh sáng như thế này.

Khi máy bay bắt đầu hạ cánh, đứa trẻ nọ lại quấy khóc. Người mẹ lại phải bế đứng dậy. Một người tiếp viên lại gần và bảo chị ta vui lòng ngồi xuống khi máy bay đang hạ cánh nhưng đứa trẻ không cho ngồi, bởi vậy chị ta vẫn phải đứng. Tiếp viên nọ đã phải đứng cạnh để đảm bảo cho an toàn của hành khách bất khả kháng không thể ngồi khi máy bay hạ cánh.

Tôi nghĩ rằng trẻ con quấy là chuyện thường, nhưng phải chăng một số bậc cha mẹ ở Việt Nam vẫn còn nuông chiều con cái? Việc đứa trẻ quấy khóc không cho mẹ ngồi xuống dĩ nhiên là bởi đứa trẻ còn nhỏ và sợ bay, sợ không gian hẹp, sợ người lạ, nhưng hành vi này cho thấy đứa trẻ đã quen với việc quấy khóc để đưa ra các yêu sách đặc quyền, bắt người mẹ phải tuân theo. Nó trở thành một thói quen cố hữu mà tôi tin rằng không riêng gì đứa trẻ trên chuyến bay này, mà nhiều đứa trẻ khác ở Việt Nam cũng như vậy, không ngoại trừ cả bản thân tôi hồi nhỏ cũng thế. Nhưng thời đại đã thay đổi, chúng ta tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa, lối sống ở các quốc gia khác. Điều gì hay hơn, tốt hơn, hiện đại hơn, nhân văn hơn, phù hợp hơn, chúng ta nên tiếp thu và thay đổi. Tôi nghĩ rằng phương pháp giáo dục gia đình ở Việt Nam ta vẫn còn nhiều sai xót, và cần phải học cách rèn giũa, không cần roi vọt mà vẫn nghiêm khắc, theo kiểu phương Tây để đứa trẻ tự lập hơn và bớt quấy cha mẹ hơn.

Chỉ là chút suy nghĩ trên chuyến bay đầu tiên mà tôi bay một mình.

IMG_0882.JPG

Penny đón tôi ở sân bay, vào 6 rưỡi chiều mùa thu. Đây là một cảm giác tuyệt vời khi bước ra ngoài trời, ở một thành phố khác, trời đã tối, không khí thay đổi, và bên cạnh là một người quan trọng với bản thân mình. Chúng tôi bắt Grab để về Le House. Ngồi trong taxi, tôi thích thú với khung cảnh thành phố Đà Nẵng lộng lẫy dưới ánh đèn. Ở Hà Nội cũng lộng lẫy ánh đèn, tuy nhiên, ở Đà Nẵng lại sáng rực theo một kiểu khác. Dường như người dân nơi đây rất biết khai thác du lịch, vì thế, rất nhiều nhà hàng hải sản, khách sạn ở bên đường, được trang trí bởi các loại đèn nhấp nháy, biển hiệu hấp dẫn. Khi đi qua Cầu Rồng, tôi hạ kính xe xuống để gió biển lùa vào bên trong. Từ trên cầu có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố, một thành phố rộng lớn và quang đãng, nằm bên sông Hàn và cách đó không xa là một đường bờ biển dài, cong uốn lượn mềm mại.

IMG_0901.JPG

Về đến Le House sau một chuyến bay không dài lắm, tôi chẳng thấy mệt mỏi gì cả. Tôi đang rất nóng lòng đi đây đi đó, khám phá vùng đất này. Penny đưa cho tôi bản thảo “Thế giới của Lilly” – tác phẩm đầu tay của tôi. Cách đây vài tháng, khi vừa hoàn thiện tác phẩm, tôi đã đưa Penny bản thảo để Penny trở thành người đầu tiên đọc tác phẩm. Penny đã mang tác phẩm vào Đà Nẵng cùng mình, và giờ đây Lilly đang ở Đà Nẵng. Tôi bắt đầu viết “Thế giới của Lilly” sau khi xé đi vài trang viết với những ý tưởng lộn xộn cho cuộc thi văn học của Nhà xuất bản Trẻ. Khai bút vào tháng 11, vừa đúng ngày sinh nhật của mình, tôi hoàn thành vào tháng 4, nhưng bản thảo này vẫn chưa phải bản cuối cùng. Tôi đã gửi cho ban tổ chức bản thảo cuối cùng. Vào tối ngày mai, Ban tổ chức cuộc thi sẽ công bố danh sách những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Một cách vô tình, tối ngày mai tôi đang ở Hội An, và các bạn cũng có thể biết trước rằng, Hội An đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện “Thế giới của Lilly” và phần cao trào, cũng như phần kết của câu chuyện diễn ra ở thành phố cổ xinh đẹp này.

IMG_0889.JPG

Tôi đặt bản thảo “Thế giới của Lilly” lên bàn khách sạn. Dưới ánh đèn và khung cảnh từ ban công tầng 4, tôi hình dung mình là một nhà văn chững tuổi, dời xa thành phố ồn ào, đông đúc nơi mình sống, trốn đến một thành phố khác, thuê một khách sạn để viết một tiểu thuyết. Cảm giác thi vị đó tuyệt đến khó tả. Nhưng thực ra tôi đã viết xong rồi, và chuyến đi này tôi cũng chẳng viết lách gì cả. Đà Nẵng không phải Paris, tôi cũng chẳng phải Ernest Hemingway.

Để tiện cho việc di chuyển, chúng tôi thuê xe máy. Trước nay tôi đi du lịch vẫn thường theo đoàn, đi đâu đều có người sắp xếp, xe đưa, xe đón, nhưng trải nghiệm du lịch tự túc, thuê xe, tự quyết định điểm đi, điểm đến lại hoàn toàn khác biệt. Bạn sẽ không được nhẹ đầu, rảnh rang đi theo trưởng đoàn như trước mà phải tự làm trưởng đoàn của mình, tính toán mọi thứ về chi phí, đường đi, địa điểm, thời gian, lịch trình… Bạn sẽ tự làm trưởng đoàn cho mình.

Chúng tôi đi qua Cầu Rồng, vào trong thành phố để đi ăn tối. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Đà Nẵng về đêm, đó là gió biển mát rượi, đường phố rộng và thông thoáng, không đông đúc, tắc nghẽn như Hà Nội, tuy nhiên ở một số trục đường chính lại có nhiều xe to khiến tôi luôn phải cẩn thận. Một điều tôi không hài lòng, đó là chiếc xe tôi thuê có gương bị hỏng. Tôi không rõ nó hỏng thế nào nhưng gương mờ tịt, nhìn vào đó không thể biết được có gì đằng sau mà chỉ thấy những bokeh ánh sáng. Tôi đi xe có gương đã lâu, dù rẽ trái, rẽ phải, sang đường, đổi hướng, chuyển làn, cũng đều soi gương hậu. Đó là một thói quen đi xe cố hữu của bản thân tôi để tự đảm bảo an toàn cho mình khi tham gia giao thông. Có nhiều người không sử dụng gương, coi gương như một vật cồng kềnh, làm mất đi độ “ngầu” của mình. Nhưng với tôi, gương xe là vật tối quan trọng. Sẽ không tuyệt nếu như bạn có thêm đôi mắt ở sau gáy hay sao?

Địa điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là một hàng ăn nhỏ ở trong thành phố. Thông thường, đi du lịch thì tôi vẫn đi theo đoàn và thường ăn ở các nhà hàng (như chuyến đi Phú Quốc chẳng hạn). Nhưng khi đi du lịch tự túc, và đặc biệt là đến một thành phố ẩm thực đường phố như này, đi ăn ở các hàng nhỏ bên trong thành phố vừa ngon, vừa rẻ, lại trải nghiệm những món ăn địa phương, thay vì các món hải sản mà ở Đà Nẵng, Hạ Long hay Phú Quốc đều có.

IMG_7076.jpg

Nem lụi là một món ăn nổi tiếng ở khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam và Huế. Nhắc đến ẩm thực Đà Nẵng thì chắc không thể không nhắc đến nem lụi. Ở những hàng ăn nhỏ, có gia truyền, nem lụi được làm đúng cách, vừa ngon, vừa rẻ. Tôi không chắc ở các nhà hàng có nem lụi ngon hơn không, nhưng nếu vào các nhà hàng hạng sang ở mặt phố lớn mà gọi các món ăn dân dã như này (nếu có) thì buồn cười lắm. Thực ra, các món như bánh xèo, nem lụi thì Hà Nội cũng đâu thiếu. Dưới sự phát triển của ẩm thực và giao thoa văn hóa, các món ăn Bắc, Trung, Nam phổ biến xuất hiện ở hầu khắp các thành phố trung tâm trên cả nước. Hà Nội cũng là cái nôi ẩm thực, vừa có nét tinh tế ẩm thực riêng mà những người sành như Thạch Lam từng viết; cũng vừa du nhập đa dạng các món ăn ở các địa phương khác để đáp ứng khẩu vị của khách tham quan “36 phố phường”. Nhưng nếu là một người sành ăn thì sẽ thấy ở mỗi địa phương, dù cùng món ăn, cũng sẽ có khác biệt, và món ăn tinh hoa ở địa phương nào thì ở quê hương của nó vẫn sẽ là ngon nhất. Đặc trưng của nem lụi là vị mềm của thịt xoay nhuyễn, nướng chín xém, quyện trong mùi thơm của xả. Nhưng đặc trưng nhất của nem lụi Đà Nẵng là nước chấm. Nước chấm nem lụi đúng điệu được làm từ tương đậu nành xay nhuyễn, trộn cùng bột năng, tạo nên độ sánh và vị thơm ngon. Ấy là tôi tìm hiểu thêm chứ thực ra tôi không phải một người am hiểu về ẩm thực, cũng chẳng phải người sành ăn. Dù sao đi nữa, tôi vẫn có cảm giác ăn nem lụi ở Đà Nẵng thực sự ngon hơn ở Hà Nội. Có thể đó chỉ là tác động của xúc cảm lên vị giác nơi đầu lưỡi, nhưng dù sao đi nữa, đến Rome, hãy sống như người Rome và phải thưởng thức các món ăn của người Rome.

Trước chuyến đi, chúng tôi thiết kế một lịch trình với mỗi ngày một chủ đề và đặt tên chủ đề cho từng ngày trong đó. Ngày đầu tiên hôm nay, do lịch trình chỉ có mỗi buổi tối nên hầu như các chuyến đi xa là chưa thể thực hiện được. Chúng tôi quyết định dành buổi tối để “overview” thành phố biển Đà Nẵng, như một chút rượu vang khai vị, và thứ rượu vang khai vị ấy có tên là “Beach by Night”.

Dạo quanh một vòng trong thành phố, tôi và Penny đi lựa chọn rượu vang. Ở Hà Nội có rất nhiều loại rượu và cửa hàng rượu mà tôi biết, nhưng lại chẳng thể mang vào, vì thế, tôi quyết định sẽ mua rượu ở trong này. Rượu vang thì có nhiều loại, từ loại rượu nội rẻ tiền, thường được dùng làm quà Tết như rượu vang Đà Lạt, đến các loại vang đắt tiền khác. Tôi chẳng phải một kẻ sành rượu, cũng chẳng phải một đại gia đang trong tuần trăng mật ở Paris, tôi chỉ chọn một loại rượu vang với giá vừa phải, phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình. Chúng tôi đứng lại khá lâu ở quầy rượu và lựa chọn, có đủ loại rượu vang từ khắp các nước trên Thế giới: Pháp, Ý, Chile… Không hiểu vì lý do gì mà tôi vẫn thích vang Pháp nhất. Tôi chọn một chai Le Prieur des Augustin xuất xứ từ Landes – vùng quê yên bình phía Tây Nam nước Pháp, cách Bordeaux chỉ 118km, tương đương với 1 giờ chạy ô tô. Cũng như Bordeaux, Landes nổi tiếng với rượu vang, Le Prieur des Augustin là loại rượu nổi tiếng ở Landes, được sử dụng khá phổ biến bởi đây là loại rượu vang Pháp bình dân, thường phù hợp với những người ngoài giới sành rượu.

IMG_0898.JPG

Từ Le House, tôi và Penny đi bộ ra bờ biển. Đó là một lợi thế khi lựa chọn khách sạn gần biển, có điều Le House lại ở trong ngõ nên không thể ngắm được gì từ trên phòng. Bờ biển về đêm không còn đông đúc và náo nhiệt như ban ngày. Trong không gian vắng lặng, từng con sóng rì rầm vỗ vào bờ, nhẹ nhàng lăn lên bãi cát rồi lại trôi ra xa về phía bóng đêm. Biển như bị bóng đêm nuốt chửng, tôi có cảm tưởng như từ ngoài khơi xa đang vọng vào tiếng gọi ma mị của biển đêm. Hai đôi bàn chân trần đi bộ trên bãi biển, dọc theo ranh giới của sóng và cát, cứ thế đi về phía Nam. Gió mang vị mặn của biển, khẽ chạm vào da man mát. Chúng tôi vừa đi, vừa kể lại những câu chuyện, vừa ngắm nhìn bãi biển xa xôi, ngắm nhìn ánh sáng của những tòa nhà cao tầng, và ngắm nhìn ánh sáng xa xôi của những ngôi sao đêm cũng đang từ trên đó ngắm nhìn chúng tôi. Mọi thứ giống như trong Thế giới của Lilly, khi hai nhân vật trong truyện cũng đi bộ trên bãi biển đêm như này.

Tôi ước gì mình có thể cứ đi bộ dọc theo bãi biển đêm đó mãi mãi, mãi mãi và mãi mãi. Bóng tối không chỉ nuốt lấy biển cả, bóng tối còn nuốt cả thời gian. Biển đêm như một thứ gì đó tồn tại ngoài không thời gian, cứ như một nơi bên rìa thế giới. No past, no future, just moment. Hàng ngàn, hàng vạn năm trước, khi chưa có con người, biển đêm đã huyền bí và quyến rũ như vậy. Và có lẽ hàng ngàn, hàng vạn năm sau, khi con người, có thể đã biến mất, thì biển đêm vẫn sẽ quyến rũ và huyền bí như thế.

IMG_0895.JPG

Sự vắng lặng của Đà Nẵng về đêm dẫu sao cũng có phần khác với sự vắng lặng của Hà Nội về đêm. Sự vắng lặng của Đà Nẵng về đêm như một người đẹp sôi nổi đang ngủ, để rồi khi ngày sang, nơi này sẽ lại phủ đầy sự náo nhiệt và tấp nập của cả người dân lẫn khách du lịch, một đặc trưng không thể thiếu của một thành phố biển.

Tôi và Penny trở về khách sạn, tiếp tục thưởng thức rượu nho đỏ, dưới nền nhạc jazz mà tôi đã chuẩn bị từ trước. Tôi đã lập một danh sách các bản nhạc jazz mình thích nhất để nghe khi uống rượu vang, một trong những thú vui tao nhã nhỏ bé mà tôi yêu thích. Sau đó, khi đêm đã muộn, chúng tôi xem bộ phim 50 First Dates. Đây là một bộ phim tình cảm hài lấy bối cảnh ở Hawaii, chỉ được có 48/100 trên Metascore nhưng tôi lại rất thích bộ phim này. Và hơn hết, 50 First Dates lại rất hợp để xem khi đi du lịch đến một thành phố biển, dù bầu không khí của Đà Nẵng thì khác biệt hẳn so với Hawaii. Đôi khi náo động, đôi khi trầm tư, là nơi tuyệt vời nhất để cảm thấy tự do và bỏ tất cả thế giới lại sau lưng, thành phố biển luôn là thế. 50 First Dates nhẹ nhàng, như chút hương vị rượu vang cho bầu không khí thêm phần thú vị, đúng với cái tên của ngày đầu tiên này: Beach by Night.

08/09/2019 – Road to Hoian

IMG_0836.JPG

Theo lịch trình, ngày thứ hai này chúng tôi sẽ đến Hội An. Đây là một trong những vùng đất tôi mong chờ nhất và yêu thích nhất từ trước chuyến đi này. Tôi thích Hội An bởi sự cổ kính, bởi những nét văn hóa và giá trị lịch sử của khu phố cổ Faifo ấy. Bởi vậy, Hội An cũng hiện lên trong Thế giới của Lilly, là một địa điểm quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến với cốt truyện.

Dẫu vậy, ngày thứ hai mang tên “Road to Hoian” này cũng chỉ có một nửa là “Road to Hoian” mà thôi. Bởi buổi chiều chúng tôi mới đi Hội An. Buổi sáng, chúng tôi vào trong thành phố.

Điểm đến mà tôi lựa chọn là Nhã Nam thư quán, không phải một quán café sang chảnh hay một quán bar đông đúc, náo nhiệt nào đó. Vậy là từ bờ biển Mỹ Khê, chúng tôi lại lái xe máy qua cầu sông Hàn để vào thành phố. Từ trên cầu trông ra, sông Hàn rộng, lộng gió, với những dãy nhà cao tầng hai bên và được tô điểm bởi những ngọn núi hùng vĩ phía sau. Dù thế nào đi nữa, Đà Nẵng cũng mang một vẻ đẹp thật hài hòa, giữa sự hiện đại và thiên nhiên, tạo nên một nét đặc trưng cho thành phố biển này.

IMG_0932.JPG

Nhã Nam thư quán Đà Nẵng là một trong những hiệu sách nổi tiếng, mô hình coffee sách đầu tiên của Nhã Nam. Ở Hà Nội cũng có hai coffee sách của Nhã Nam là Book N’ Coffee, tôi đã đến cả hai, đoạn kết Thế giới của Lilly thậm chí còn được viết ở Nhã Nam Book N’ Coffee Trần Huy Liệu. Những bạn trẻ đọc sách chắc hẳn đều biết Nhã Nam, và Nhã Nam cũng là thương hiệu sách thành công nhất, được yêu thích nhất ở Việt Nam thời điểm hiện tại. Tôi không yêu Nhã Nam mù quáng như nhiều bạn trẻ, thường thì sách nào hay tôi sẽ đọc, và thực ra mà nói, quán coffee của Nhã Nam không phải sự lựa chọn hàng đầu của tôi khi đi ra ngoài dạo chơi. Lần này, tôi chọn Nhã Nam thư quán bởi sự tò mò với Nhã Nam thư quán nổi tiếng này, cũng như muốn khám phá các đầu sách bày bán ở đây (mà không biết có gì khác biệt so với ở Hà Nội không), nhưng điều quan trọng nhất, đó chính là vì tôi thích bức tranh tường Don Quixote khổng lồ ở Nhã Nam thư quán.

IMG_0939.JPG

IMG_7083.JPG

Ở Nhã Nam thư quán, tôi dành thời gian thưởng thức coffee và đọc sách. Trong mỗi chuyến đi, tôi vẫn thường mang theo sách để đọc, mà tôi còn nhớ trong chuyến đi Phú Quốc, tôi đọc vở kịch “Antony và Cleopatra” của Shakespeare. Tại Nhã Nam thư quán Đà Nẵng, tôi tìm được một cuốn sách mà tôi chưa từng thấy ở Hà Nội, đó là “Phố phường Hà Nội xưa” của Hoàng Đạo Thúy. Đây là một điều thú vị nho nhỏ, khi đi Đà Nẵng và mua (và đọc) sách về Hà Nội.

Đến trưa, chúng tôi đi ăn Mì Quảng ở một quán nhỏ bên đường. Ở Đà Nẵng có vô số địa điểm ăn uống bạn có thể lựa chọn, từ to đến nhỏ, từ cao cấp đến bình dân, nhưng tôi lựa chọn ăn những món ăn truyền thống địa phương, ở những cửa hàng nho nhỏ, nhưng truyền thống, cũng mang đậm tính địa phương. Những cửa hàng này thường có tên là Bà này, Bà kia, tôi cũng không nhớ rõ, nhưng được người dân địa phương truyền tai nhau, cũng giống như bánh mì Bà Phượng ở Hội An, hay bánh mì Bà Dần ở Lò Sũ.

IMG_0944.JPG

Mì Quảng đúng ra thì phải ăn ở Quảng Nam, là một trong hai món ăn, cùng với bún bò Huế, mang theo tên gọi của vùng đất khai sinh ra món ăn đó. Có lẽ món ăn này có trước cả phở lẫn bánh mì (hai món ăn vô cùng đặc trưng của ẩm thực Việt Nam). Phở và bánh mì chỉ thực sự ra đời khi người Pháp vào Đông Dương, tức khoảng cuối thế kỷ XIX, nhưng mì quảng xuất hiện từ khi các thương nhân người Tàu vào Quảng Nam sinh sống, và khai phá vùng đất này, theo chính sách của các Chúa Nguyễn, tức vào khoảng Thế kỷ XVI. Những món ăn nổi tiếng của Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng đều chịu ít nhiều ảnh hưởng từ ẩm thực Tàu. Tuy nhiên, món “mì Quảng” thực ra lại làm từ bột gạo mà không phải từ bột mì. Đây là một điều hết sức đặc biệt ở món ăn này. Người Việt ta xưa nay rất giỏi dung nạp văn hóa, ẩm thực để rồi từ đó tạo ra các giá trị, món ăn của riêng mình. Bánh mì thì rõ là ảnh hưởng từ Pháp rồi, cà phê cũng vậy, phở thì có một giả định rằng ảnh hưởng từ những người lính viễn chinh Pháp mang theo món súp cả nước cả cái gọi là”pô-tô-phơ”, mà sau người Việt biến âm đi thành “phở”. Mì Quảng thì ảnh hưởng bởi người Tàu, nhưng cái món mì mà người Tàu mang sang Quảng Nam thì không dễ gì mà nấu theo (do các nguyên liệu cho món ăn ẩm thực Hoa tương đối phức tạp, đặc biệt là sợi mì vào thời đó được xem như công thức bí truyền của nhiều gia đình kinh doanh đồ ăn người Tàu), vậy là dân ta sử dụng bột gạo thay cho bột mì, và làm món mì Quảng bằng sợi gạo, kết hợp với các loại rau thịt dân dã, thậm chí cả tôm cua, vùng nào  có gì thì làm nấy, để rồi trở thành món mì Quảng đặc trưng như hiện nay. Vào thế kỷ XVII, Faifo phát triển rực rỡ nhưng lại đúng vào giai đoạn nội chiến Đàng Trong-Đàng Ngoài, mì Quảng vẫn chưa có cơ hội được biết đến rộng rãi. Phải mãi đến đầu thế kỷ XX, khi Phong trào Duy Tân chủ trương khai dân trí, phát triển đất nước, “ỷ Pháp tự cường”, văn hóa Quảng Nam và món mì Quảng mới được người Pháp biết đến, và rồi chính người Pháp đã lan tỏa, tạo nên sự nổi tiếng của mì Quảng như bây giờ.

Sau khi ăn trưa, chúng tôi đi qua cầu Rồng và dọc theo bờ biển Mỹ Khê trở về khách sạn, để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến đi Hội An vào buổi chiều sắp tới.

IMG_7098.JPG

IMG_0948.JPG

Tôi còn nhớ trưa hôm ấy trời nắng to, cái nắng khô hanh của miền Trung, với nhiệt độ ngoài trời không mấy dễ chịu. Như một ngày thường nhật ở nhà, đừng mong tôi sẽ thò chân ra đường trong cái nắng như thiêu như đốt đó. Nhưng hôm nay thì khác, sự mong mỏi, hào hứng cho chuyến đi chơi khiến cho cái nóng trở thành một vật cản vô ích.

Chặng đường từ Đà Nẵng vào Hội An khoảng 30 km, cũng chỉ ngang bằng từ nhà tôi sang công ty cũ, cái hồi mà tôi còn làm ở Long Biên (nhà tôi ở Nam Từ Liêm), mà mỗi lần đi làm lại phải đi qua cầu Chương Dương, đi xuống đến tận ngã tư Ngô Gia Tự. Có những hôm tôi đi một vòng quanh Hà Nội, từ Long Biên về Hoàng Mai, sang Bắc Từ Liêm, sang Cầu Giấy rồi lại về Long Biên. Chặng đường đó rơi vào khoảng 60 km, nhưng vì đã quen với đường xá phố phường nên không thấy xa là mấy. Lần này, đi đến Hội An, phần vì đi dọc theo đường bờ biển, chỉ một đường thẳng tắp, phần vì chưa biết đường, nên tôi cảm thấy có hơi xa, ít nhất là xa hơn so với mình nghĩ (vốn dĩ tôi đánh giá là sẽ chỉ xa bằng từ nhà đến công ty cũ thôi).

Tôi không vào Hội An bằng đường chính mà vòng xuống làng gốm Thanh Hà trước. Làng gốm Thanh Hà là một trong những làng gốm gia truyền nổi tiếng nhất Việt Nam, cũng tương tự như làng gốm Bát Tràng ở miền Bắc vậy. Còn nhớ, hồi tôi làm khóa luận về một thương hiệu gốm Bát Tràng, cũng có nghiên cứu thị trường gốm sứ và biết đến làng gốm Thanh Hà ở Quảng Nam từ đó.

IMG_0977.JPG

Được hình thành từ thế kỷ XVI bên con sông Thu Bồn, làng gốm Thanh Hà có tuổi đời hơn 500 năm. Tuy sinh sau đẻ muộn hơn làng gốm Bát Tràng hàng thế kỷ nhưng ở Thanh Hà vẫn giữ được dáng vẻ cổ xưa, mà dĩ nhiên, cái dáng vẻ cổ xưa đó cũng chỉ là cách đây vài thập kỷ, chứ chẳng thể nào là từ thế kỷ XVI. Thanh Hà sinh ra từ đất, lớn lên nhờ đất, và giờ đây, khi cả đất nước đang phủ lên mình màu xám của xi măng, thì Thanh Hà vẫn giữ trên mình màu nâu của đất. Ngay khi đến làng gốm Thanh Hà, điều khiến tôi thích thú là một tour tham quan quy củ mà vẫn thân thiện. Chúng tôi – du khách, khi mới đến sẽ mua vé và được hướng dẫn đi tham quan vòng quanh làng, sau đó đến một địa điểm để nhận quà lưu niệm. Làng Thanh Hà thì rộng hơn, nhưng khu vực tham quan làng gốm cổ truyền thì nhỏ, đa phần đều là các ngôi nhà truyền thống, chỉ có thể thấy ở những vùng quê cách xa thành thị ồn ã. Ở đây người ta vẫn làm gốm, vì người ta vẫn sống bằng gốm, đi dọc trên đường làng mà nhìn vào trong có thể thấy người ta vẫn phơi đồ gốm trong sân. Các nhà đều mở cửa cho khách tham quan để chúng tôi có thể trải nghiệm làm gốm và mua đồ gốm nếu thích. Tôi vào một nhà làm gốm ở gần sông Thu Bồn, mà từ đó có thể nhìn thấy một bến thuyền nho nhỏ. Các làng gốm là vậy, lúc nào cũng ở gần sông bởi đất nước chính là cha mẹ của gốm. Một bà già, nom có vẻ khắc khổ và hiền hậu đón tiếp chúng tôi và dạy chúng tôi cách làm một món đồ gốm đơn giản. Hóa ra, để một bình gốm được tròn đều cũng đâu phải dễ, phải giữ cân bằng, đủ lực, và đặc biệt là sự khéo léo, tinh tế và kiên nhẫn để tạo ra một món đồ gốm tinh khôi.

Kết quả hình ảnh cho gốm thanh hà

(Ảnh này không phải mình chụp mà sưu tầm)

Gốm Thanh Hà chính gốc có đặc điểm là gốm mộc, không phủ men, người ta làm xong cứ giữ cái màu sắc nâu đỏ của đất như vậy. Một món đồ gốm Thanh Hà mộc để không thì nhìn khá buồn chán, nhưng nếu xếp tất cả lại với nhau sẽ là cả một đô thành, cả một thế giới thu nhỏ, khoác lên mình màu nâu đỏ đầy truyền thống, cho ta hồi tưởng về một thời đã qua. Đó chẳng phải là điều mà những người khách tìm kiếm khi đến với Hội An hay sao? Nếu bạn yêu thích những mái ngối cổ kính rêu phong của Hội An, thì chính những người nghệ nhân ở làng Thanh Hà đã tạo ra những mái ngói âm dương đó. Hàng bao năm nay, vẻ đẹp của Hội An không thể hoàn hảo nếu thiếu Thanh Hà, và dĩ nhiên, sức hút của gốm sứ mỹ nghệ Thanh Hà được tỏa sáng ở Hội An.

IMG_0988.JPG

IMG_7134 (1).jpg

IMG_7136.jpg

IMG_7142.jpg

Cùng với sự phát triển và hội nhập, những người nghệ nhân ở Thanh Hà cũng làm các đồ gốm sứ tráng men màu sắc để thu hút khách tham quan. Đó là các loại cốc, chén, bát, ấm, tích, bình, hũ, phù điêu… rất đa dạng. Tuy nhỏ bé nhưng màu men rất trong và xinh xắn. Trước khi ra về, tôi cũng có mua một vài món đồ mà mình yêu thích.

Khi trở ra, chúng tôi đến một điểm hẹn để nhận quà mang về. Mỗi một tấm vé sẽ được nhận quà là một tượng nhỏ con vật trong mười hai con giáp, làm bằng gốm mộc, không phủ men, theo đúng phương thức truyền thống của làng gốm Thanh Hà. Tuy tượng được làm thành rất nhiều để du khách mang về, nhưng mỗi con lại mang một dáng vẻ khác nhau, cho thấy những tượng này cũng hoàn toàn được làm thủ công chứ không phải rập khuôn công nghiệp. Tôi lựa chọn một con rồng và một con rắn, cũng là bởi hai linh vật này có liên quan đến Thế giới của Lilly.

Một địa điểm thú vị khác nằm trong làng Thanh Hà là Công viên Đất nung, một bảo tàng gốm độc đáo tái hiện lại các công trình kiến trúc nổi bật ở Việt Nam bằng gốm. Tuy nhiên do thời gian có hạn nên chúng tôi đã không thể vào bảo tàng độc đáo này.

Sau khi tham quan làng gốm Thanh Hà, chúng tôi lại lên đường đến phố cổ Hội An. Chúng tôi đi dọc theo con sông Thu Bồn – con sông tạo nên sự thành công của Hội An mà cách đây vài thế kỷ, đã từng là thương cảng tấp nập nhất Đông Nam Á. Lòng sông khá rộng, nhưng có lẽ so sánh với sông Hàn thì không thể bằng, có lẽ cũng bởi vậy mà cảng Đà Nẵng đã dần cướp mất ánh hào quang của thương cảng Faifo, biến Faifo trở thành cái bóng của quá khứ, nhưng có hề gì, bởi giờ đây Faifo lại mang trên mình vẻ đẹp cổ phong thu hút biết bao du khách đến tham quan để tìm về quá khứ.

Faifo – cái tên dễ mến ấy là tên cũ của phố cổ Hội An. Trước khi người Việt làm chủ mảnh đất Quảng Nam, dưới sự cai trị của người Chăm, nơi đây đã là một thương cảng sầm uất. Lúc bấy giờ người Chăm sở hữu cả một vương quốc rộng lớn, với biết bao thuận lợi, và thương cảng Chăm Pa này là một phần được nhắc đến trong con đường tơ lụa trên biển. Đó cũng là một trong những nơi mà người Ấn Độ và Java đổ bộ lên mảnh đất chữ S, tạo sức ảnh hưởng và gây dựng nên những quốc gia cổ Chăm Pa, Chiêm Thành, Phù Nam, Chân Lạp mang đậm chất Đông Nam Á, sau này bị người Việt xâm chiếm, đồng hóa, không còn được nhắc đến nhiều trong chính sử, tạo thành nét huyền bí trong cổ sử Việt Nam.

Dưới thời Chăm Pa, thương cảng Chăm Pa tuy có tấp nập nhưng cũng chỉ là nơi giao thương với người Java, người Ấn, chưa thực sự bứt phá trở thành một thương cảng tầm cỡ quốc tế. Năm 1558, Nguyễn Hoàng – một vị tướng, kiêm quận công thời Lê Trung Hưng, do lo sợ chúa Trịnh Kiểm ám hại nên đã xin vào trấn giữ miền trong. Được vua Lê Anh Tông phê chuẩn, Nguyễn Hoàng cùng gia tộc bắt đầu cuộc nam tiến. Từ đó họ khai phá đất đai, đồng hóa Chiêm Thành, tạo dựng cơ nghiệp chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Sự phát triển của Hội An công đầu phải kể đến các chúa Nguyễn, bởi dưới thời các chúa Nguyễn, phát triển giao thương là điều được hết sức chú trọng.

Theo sử sách, vào đầu thế kỷ XVII, những người Bồ Đào Nha là những người Phương Tây đầu tiên sang buôn bán ở Đại Việt. Lúc bấy giờ, Faifo trở thành thương cảng tấp nập, được góp công xây dựng bởi người Tàu và người Nhật đến đây buôn bán. Faifo trở thành thương cảng sầm uất nhất Đông Nam Á, quy tụ người Tàu, người Nhật, người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Pháp, người Anh… Tạo thành một nơi giao thương sầm uất giữa phương Đông và phương Tây. Vào thế kỷ XVII, XVIII, ở Trung Hoa (lúc bấy giờ là Đại Thanh) vẫn đương thi hành chính sách đóng cửa, kính kẽ với người Tây Phương, bởi vậy sự giao thương tự do của Faifo càng đánh dấu vị trí quan trọng của Faifo trên bản đồ thế giới. Faifo thời ấy so ra cũng giống như Singapore hiện tại, một trung tâm trung chuyển quốc tế, giữa Đông và Tây, dĩ nhiên, thị trường nội địa Đại Việt nhỏ hơn và vẫn không được người Phương Tây đánh giá cao bằng Trung Hoa, nhưng cũng là một dấu ấn thương cảng thời đó. Tiếc thay, chẳng bao lâu Đại Việt chìm trong nội chiến, rồi các cuộc thanh trừng của Tây Sơn đối với người Phương Tây (vì cho rằng giúp Nguyễn Phúc Ánh), rồi nhà Nguyễn thi hành chính sách bế quan tỏa cảng… Faifo dần tụt lại phía sau, bị bỏ quên, cho tới khi người Pháp xâm chiếm, người Pháp lại lựa chọn Đà Nẵng làm thương cảng giao thương chính sang Đông Dương, Faifo lại bị lãng quên một lần nữa, và rồi mãi mãi trở thành cái bóng của quá khứ như hiện tại.

Chúng tôi gửi xe ở bên rìa rồi đi bộ vào sâu bên trong phố. Khu phố cổ đông đúc hơn hẳn nếu như so với chặng đường từ Thanh Hà sang, dù khu vực đó cũng là thuộc Hội An. Thông thường tôi không thích những nơi quá đông đúc, nhưng với Hội An thì khác, sự đông đúc tô điểm cho vẻ đẹp nơi đây. Nhìn những dòng người hiện đại, đến từ đủ các quốc gia đi lại tham quan phố cổ Hội An, tựa như những người tương lai đang đi lại ở nơi đô hội trong quá khứ. Ở khu phố cổ người ta không cho đi xe máy hay ô tô vào, du khách tham quan sẽ phải đi bộ, hoặc có thể đi bằng xích lô tham quan, hoặc thuê xe đạp chạy vòng quanh. Khung cảnh đó tạo một cảm giác hết sức Đông Dương, như ở cái quãng thời gian mà dù ở đô hội đông đúc cũng không bị kẹt xe như bây giờ.

IMG_1009.JPG

Hội An đẹp nhất vào buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm lên những bức tường, càng tô điểm sắc vàng Đông Dương. Những ngôi nhà cổ san sát hai bên đường vẫn còn giữ nhiều nét cổ kính, với cột nhà, biển hiệu gỗ và mái ngói âm dương màu đất. Hoa giấy hồng rủ xuống trên các lan can của nhà lầu hai tầng, tạo nên nét đẹp duyên dáng mà chỉ có thể tìm thấy ở vài ngôi nhà bên trong ngõ sâu ở Hà Nội, nhưng ở Hội An, đó là cả một con phố. Từ con phố này đi sang con phố khác, ngoằn ngoèo và cuốn hút, với những gian hàng bán đèn lồng, vải vóc, tranh, quán café, và đồ lưu niệm.

IMG_1021.JPG

IMG_1012.JPG

IMG_1024.JPG

IMG_1013.JPG

Đi lòng vòng theo những con ngõ, chúng tôi đến khu chợ trung tâm của phố cổ, bên trong một khu nhà có mái che có diện tích rộng rãi, phân chia thành đa dạng các gian hàng, tương tự như chợ Đồng Xuân ở Hà Nội hay chợ Lớn ở Sài Gòn. Lúc này, vừa đi tôi vừa quay phim, một vài người địa phương thấy vậy rất hồ hởi giơ tay ra chào. Chúng tôi vào chợ và ăn một vài món ăn địa phương, là ram nướng (trông cũng không khác so với món nem mà thường ngày ta hay ăn), bánh bột lọc và nước dừa. Mặc dù đã mang nước theo nhưng sau chặng đường đi bộ dài dưới cái nắng gay gắt (từ Thanh Hà, và cả ở Hội An), cổ họng tôi khát khô và háo nước kinh khủng. Lúc đỏ mới cảm thấy nước dừa sao ngon và ngọt đến thế.

IMG_1059.JPG

Sau khi ăn xong, chúng tôi lại ra ngoài phố. Lúc này nắng bắt đầu nhạt dần. Chúng tôi lại theo những ngon ngõ để tìm một quán café, ngắm mặt trời lặn trên những mái nhà cổ Hội An. Trong số những gian hàng ở hai bên đường, tôi ấn tượng với những gian hàng tranh. Các gian hàng tranh đủ thể loại, đủ phong cách, từ tranh sơn dầu, sơn mài đến tranh dân gian. Những gian hàng tranh lại hợp với phố cổ Hội An đến lạ, tuy nhiên tôi cũng chỉ ngắm bên ngoài chứ biết rằng túi tiền của mình cũng chẳng đủ mua những bức tranh đó.

IMG_1003.JPG

IMG_1015.JPG

IMG_1199.JPG

Chúng tôi đi qua Phước Kiến Hội Quán – một di tích lịch sử văn hóa, được chứng nhận di sản văn hóa Thế giới. Phước Kiến Hội Quán được xây dựng từ năm 1697, là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần sông nước. Tương truyền vào thế kỷ XVII, những người Hội An vớt được một bức tượng Thánh Mẫu bên bờ biển Hội An, cho rằng đó là điềm báo bèn xây miếu thờ, cầu mong cho việc sông nước được mưa thuận gió hòa. Sau này, miếu trở thành nơi hội họp của những người Phước Kiến đến Hội An sinh sống, nên gọi là Phước Kiến Hội Quán. Có thể nói Phước Kiến Hội Quán là một trong những dấu tích rõ rệt nhất của người Tàu ở Hội An, nếu như Chùa Cầu mang đậm dấu ấn người Nhật còn nhà cổ mang đậm dấu ấn Đông Dương. Sau này, do ảnh hưởng bởi Phật giáo, Phước Kiến Hội Quán thờ cả Quán Thế Âm Bồ Tát và các Bà Mụ. Về cơ bản, đây là đặc điểm chung của các chùa, đền, miếu ở Việt Nam, khi thờ chung cả Phật, thần, thánh, anh hùng dân tộc… Dù có thể không đúng theo tôn giáo nhưng đó là một đặc điểm văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam: đa tôn giáo, mà cũng không chỉ theo một tôn giáo nào.

IMG_1076.JPG

Trời chuyển chiều, Phố phường đông đúc, nhộn nhịp hơn. Ánh nắng Hội an ngả vàng cũng giống như những bức tường ngả màu ở khu phố cổ này.

IMG_1069.JPG

IMG_1091.JPG

Chúng tôi tìm lên một quán cafe để ngắm mặt trời lặn. Hôm nay đúng vào tối thứ 7, bởi vậy hầu như các quán café có tầng thượng đều khá đông đúc. Chúng tôi vào một quán café nhỏ, trang trí kiểu cổ với những bức tranh tường và cửa sổ, cầu thang gỗ.

IMG_1131.JPG

Leo lên chiếc cầu thang nhỏ hẹp như ở các nhà sâu trong ngõ ngày xưa (mà tôi còn nhớ, vì hồi nhỏ nhà tôi ở sâu trong ngõ và cầu thang nhà hàng xóm y như vậy), chúng tôi lên đến tầng thượng. Tôi muốn ngồi trên tầng thượng uống café nhưng đông đúc quá, chẳng còn chỗ ngồi nữa nên tôi chỉ đứng đó mà ngắm nhìn cảnh vật bên dưới.

IMG_1097.JPG

IMG_1104.JPG

Một trong những thứ đẹp nhất mà tôi thích nhất ở Hội An, đó là những mái ngói màu đất. Những mái ngói san sát, như đã kể ở trên, được tôi luyện từ làng gốm Thanh Hà, sử dụng đất và nước của sông Thu Bồn mà tạo thành. Ngói lợp nhà ở Hội An đặc biệt hơn các mái ngói ở miền Bắc, với gạch ngói vuông, mỏng, nhỏ hơn và hơi cong. Cách lợp ngói cũng đặc biệt, với hàng ngói bên dưới ngửa lên và hàng ngói trên úp xuống, gọi là cách lợp ngói âm dương. Nhờ đó, những mái nhà của Hội An nhìn hoàn toàn khác biệt, nếu không kể đến màu nâu đất rêu phong làm nên đặc trưng cho khu phố cổ này.

IMG_1096.JPG

Từ trên cao, những mái ngói màu đất san sát nhau, trải dài ra tới tận chân trời như hàng hàng ngũ ngũ những tấm lá chắn của các chiến binh Sparta trong trận chiến Thermopylae nổi tiếng, được khắc họa trong bộ phim 300 của Zack Snyder. Quần thể này bao bọc cho nhau, tạo nên kết cấu vững bền chống lại thời tiết mưa nắng thất thường của miền Trung, lý giải tại sao một ngôi làng nhỏ có thể trường tồn qua thời gian, bất chấp bao nhiêu trận mưa bão khắc nghiệt.

IMG_1109.JPG

Tôi như được trở về thế kỷ XIX, ở thời đó, những ngôi nhà kiểu này thuộc vào dạng nhà khá rả, nếu so sánh với những ngôi nhà tương tự ở Đông Dương. Điều đó minh chứng cho việc ngay cả khi đã bị tàn phá hầu hết những kiến trúc từ thế kỷ XVII, ngay cả khi đã bị chìm vào quên lãng, phố cổ Hội An vẫn là một khu phố giàu sang ở đất Việt, mà đến bây giờ còn lưu lại những nét của một khu đô thị phồn thịnh khi xưa. Suốt từ thế kỷ XIX, XX, Hội An đã gần như chìm vào quên lãng khi mọi sự chú ý, đầu tư đều dồn cho Đà Nẵng, nhưng cũng nhờ vậy mà phố cổ Hội An tránh được sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, cũng như tránh được sự đô thị hóa của thời kỳ đổi mới. Hội An như người đẹp ngủ trong rừng, cứ âm thầm tồn tại bấy lâu mà không ai chú ý đến, cho tới khi thức dậy và tỏa sáng với vẻ đẹp rạng ngời, được bảo vệ bởi sự lãng quên qua năm tháng.

IMG_1044.JPG

Mặt trời lặn dần phía chân trời, để lại ánh tà dương đỏ ửng. Đây không phải nơi xa nhà nhất tôi từng ở khi trời chập tối, nhưng lại tạo cảm giác xa xôi nhất. Có lẽ bởi những mái nhà ở khu phố cổ san sát, tạo cảm giác biệt lập với đường chân trời. Tôi trở xuống tầng hai, ngồi bên cửa sổ, thưởng thức ly coffee phin và đọc cuốn “Nhập môn triết học Phương Đông” của cụ Nguyễn Duy Cẩn.

IMG_1129.JPG

Khi trở ra phố thì trời đã tối rồi.

IMG_1137.JPG

Hội An lên đèn lung linh, đèn lồng giăng đầy khắp phố. Phố cổ Hội An có hai vẻ đẹp: vẻ đẹp dưới ánh nắng vàng và vẻ đẹp lung linh của đèn lồng vào buổi tối.

IMG_1176.JPG

IMG_1198.JPG

IMG_1217.JPG

Tôi và Penny dắt tay nhau đi theo con phố, đi rồi rẽ, rẽ rồi đi, cho tới một con ngõ nhỏ, chúng tôi đi vào. Con ngõ khá tối và vắng, nhưng khi ra tới đầu ngõ, một cảnh tượng choáng ngợp làm tôi hết sức ấn tượng. Chúng tôi đã ra tới bờ sông Thu Bồn. Trong bóng tối, khung cảnh rực rỡ, lung linh bởi những ánh đèn lồng, và đặc biệt là những con thuyền cùng đèn hoa đăng thả trên sông. Trông y hệt như trong một bộ phim thần thoại nào đó. Từ bên bờ nơi tôi đứng có thể nhìn sang bờ bên kia, là những mái nhà, chùa chiền còn ở bên trên là mây trời xa xôi ở một phương nào đó. Tôi có cảm tưởng phố cổ Hội An là một đô thành đông đúc, nằm cô lập giữa những mảnh đất trống trải, cứ như thể Trái Đất nằm giữa thiên hà. Cô lập là vậy nhưng đông đúc, tấp nập và xinh đẹp lung linh.

IMG_1159.JPG

Chúng tôi đi dọc theo bờ sông đến Chùa Cầu. Trong tất cả những địa điểm ở Hội An, tôi thích Chùa Cầu hơn cả. Vào thế kỷ XVII, những thương nhân người Nhật Bản đã đến Faifo và xây dựng nên cây cầu này, với một ngôi chùa ở trên nên gọi là Chùa Cầu. Theo quan niệm của Nhật Bản, dưới lòng nước sâu có con quái vật khổng lồ Namazu gây nên động đất. Con quái vật này có đầu ở Nhật Bản, lưng vắt qua khe nước ở Hội An còn đuôi ở tít Ấn Độ Dương, tác oai tác quái nhờ lòng tam của con người. Thứ duy nhất ngăn chặn được Namazu là ấn kiếm của Thần Khỉ và Thần Chó. Bởi vậy những người Nhật đã xây Chùa Cầu bắc qua khe nước này, với ý nghĩa cây cầu là ấn kiếm đâm xuống lưng Namazu và ghim nó dưới đáy nước, khiến con quái vật khổng lồ không thể quẫy đạp gây ra thảm họa cho con người sống trên mặt đất. Ở hai đầu cầu có tượng thần khỉ và thần chó đứng canh.

IMG_1169.JPG

Lúc đến nơi, chúng tôi thấy có người đang thu vé lên cầu. Theo tôi được biết thì bình thường cây cầu cho du khách qua lại tự do. Tôi quyết định chưa lên cầu vội mà đi tiếp xuống bên dưới. Con đường dẫn chúng tôi ra khỏi đám đông và có vẻ như sẽ dẫn ra ngoài khu phố cổ sầm uất. Chúng tôi đi tới tận cuối kênh xanh và nhận ra có một lối sang bên kia. Một con đường mòn nho nhỏ bên sông, không đông đúc, chỉ có người địa phương đạp xe qua bằng đường này. Khi đó chúng tôi cũng chẳng có chủ ý, vì tò mò với con đường nhỏ mà đi vào, ai ngờ lại dẫn ra khu phố bên kia cầu.

Dọc theo con phố dẫn xuống khu vực có một con thuyền lớn, trên biển có ghi “Châu Ấn thuyền”. Theo những thông tin trên tấm biển, mà khách du lịch thường ít ai đọc dù họ chụp ảnh với con thuyền khá nhiều, thì Châu Ấn thuyền (Shuinshen) là thuyền buồm thương mại được cấp giấy phép thông hành có triện đỏ (shuinjo) của Nhật Bản dưới thời Mạc phủ Tokugawa (chính là thời đại Edo) để đi tới các nước Đông Nam Á. Từ năm 1604-1634, có 86 con thuyền Châu Ấn cập bến Faifo để giao thương, con thuyền được trưng bày là một mẫu vật mô phỏng, minh chứng cho sự giao thương với người Nhật ở Faifo ngày đó. Con thuyền được sơn màu đỏ, một màu sắc khá tươi sáng mà tôi vẫn chưa hình dung được khi đi trên biển trông sẽ ra sao.

IMG_1207.JPG

Chúng tôi trở lại Chùa Cầu để qua bên kia cầu, về khu vực bờ sông Thu Bồn ăn tối. Lúc này, Chùa Cầu đã không còn thu vé nữa, tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi lên Chùa Cầu và ngắm nhìn cảnh vật với niềm vui sướng lạ thường. Trong “Thế Giới của Lilly”, Chùa Cầu đóng một vai trò quan trọng. Giờ đây, sau chặng đường dài và gian nan, Lilly đã và đang ở đây. Tựa vào thành Chùa Cầu, tôi lấy bản thảo “Thế giới của Lilly” và đọc cho Penny nghe phân đoạn ỏ Chùa Cầu, Hội An.

IMG_1237.JPG

Chúng tôi dừng chân tại một quán ăn bên sông, ngồi cạnh một người nước ngoài do hết chỗ, và gọi món cao lầu đặc trưng ở Hội An. Nhiều người nói đi Hội An phải ăn bánh mì bà Phượng, dĩ nhiên nếu có điều kiện thì tôi cũng muốn ăn, nhưng cái bụng tôi đã nhét đầy ram nướng từ ban chiều, và giờ tôi vẫn còn thấy hơi no. Vậy nên giữa bánh mì bà Phượng và cao lầu, tôi chọn cao lầu.

IMG_1245.JPG

Lịch sử ra đời của món cao lầu thì không ai rõ, nhưng điều kỳ lạ là người ta nói cao lầu bắt nguồn từ người Tàu, còn người Tàu lại không nhận món này bắt nguồn từ họ. Theo truyền thuyết, tinh tế của cao lầu ở sợi mì, được làm từ bột gạo ngâm trong nước tro củi lấy từ Cù Lao Chàm, còn nước xay gạo thì phải lấy từ giếng Bá Lễ của người Chăm, đã tồn tại cách đây cả ngàn năm. Nhưng có lẽ đó cũng chỉ là một lời truyền miệng để món ăn thêm phần hấp dẫn, tương tự như coffee chồn, cigar Cu Ba… Bởi nếu cầu kỳ đến vậy thì sẽ khó lòng để tôi thưởng thức món cao lầu dễ dàng đến vậy. Với tôi, điều tôi thích nhất ở Cao Lầu chính là bì lợn giòn tan. Người ta nói cao lầu phải ăn ở Hội An mới ngon, tôi không thực sự tin điều đó, nhưng sau này khi có dịp ăn cao lầu ở Hà Nội thì tôi không còn thấy ngon như khi ăn ở Hội An. Có thể do cách chế biến, do tay nghề người nấu, hoặc do cảm xúc khi ăn, cũng tương tự như ăn nem lụi ở Đà Nẵng.

IMG_1246.JPG

Ngồi bên bờ sông thưởng thức cao lầu thì thật tuyệt, nhưng lúc đó trời đã tối, ở đằng xa tôi trông thấy một đám mây giông. Có những ánh chớp từ đám mây giông, thường thì ở Hà Nội đôi khi cũng có những đám mây sét khan (có sét nhưng không mưa). Lại nhớ, hồi bé, vào các mùa hè khi tôi về quê chơi, tôi cùng anh họ và chị họ, đều là những đứa trẻ, thường trèo lên sân thượng ngắm những đám mây sét khan. Hồi đó tôi thấy nhiều lắm, nhưng lớn lên lại chẳng mấy khi thấy nữa, có lẽ bởi tôi không chủ tâm tìm kiếm chăng? Lần này, ở nơi xa xôi, tôi không biết được đám mây đang nháy lên kia có mưa hay không. Điện thoại của tôi và Penny đều sắp hết pin, trong khi đường về khá xa và vắng vẻ. Tôi bảo Penny và chúng tôi quyết định về sớm hơn dự tính. Sau khi ăn xong, chúng tôi đi trở vào sâu trong phố cổ, lượn lòng vòng các con phố một lát rồi ra bên ngoài đường, lấy xe lên đường đi về.

IMG_1224.JPG

Đường về Đà Nẵng có vẻ thích hơn đường đi, một phần do buổi tối trời mát mẻ, không còn nắng nóng oi bức, một phần là đường về tôi đi bên phía bờ biển. Cứ thế thẳng đường mà đi, về đến Đà Nẵng mà trời không mưa, cũng chẳng thấy đám mây giông đâu nữa. Tôi và Penny rẽ lên cầu Trần Thị Lý hóng gió. Tình cờ hôm đó là cuối tuần, từ cầu Trần Thị Lý có thể ngắm bên Cầu Rồng đang phun lửa. Trong kế hoạch của chúng tôi cũng có ngắm Cầu Rồng phun lửa nhưng là vào ngày mai – “City Tour”. Dẫu vậy, được ngắm trước Cầu Rồng phun lửa từ xa cũng là một cái hay, như xem trailer bộ phim mình thích trước khi công chiếu ở rạp vậy.

IMG_1254.JPG

Chúng tôi trở về Le House sau một ngày mệt mỏi rã rời. Đôi chân đi bộ cả ngày đã mỏi, nhưng tâm hồn vẫn ở lại Hội An. Tôi lên mạng kiểm tra tin tức về cuộc thi văn học mình tham gia. Không có tên tôi. Vậy là “Thế giới của Lilly” đã bị loại. Dẫu vậy tôi vẫn không cảm thấy quá buồn. Điều quan trọng nhất đó là Lilly đã tới được Hội An. Tôi sẽ tìm kiếm một cơ hội khác, bởi với tôi, các nhân vật do mình sáng tạo ra còn chân thật và quan trọng hơn mình gặt hái được gì từ đó. Điều quan trọng, đó là, Lilly đã tới được Hội An!

09/09/2018 – City Tour

IMG_0837.JPG

Ngày 09/09, Đà Nẵng tiếp tục là một ngày nắng nóng. Đi ra ngoài tầm này khá ngại, nhưng ít ra còn hơn trời mưa. Mưa ở Đà Nẵng nghe nói buồn lắm, vả lại số ngày tôi ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay mà mưa thì chẳng đi được đâu mất. Hôm nay chúng tôi dậy muộn, không kịp ăn sáng ở khách sạn nên ra ngoài ăn bánh mì. Có thể nói bánh mì là đồ ăn không chính thống, nổi tiếng nhất Việt Nam. Là loại bánh từ Pháp, người Việt ta dưới thời Đông Dương đã sáng tạo, rạch bụng bánh mì và cho vào đó đủ các loại nhân: patê, thịt, rau, trứng, chả, xúc xích… Thành ra món bánh mì vừa giống bánh mì Pháp, vừa giống sandwick, mà người Phương Tây thưởng thức chẳng biết xếp vào loại bánh gì, đành gọi là “loại sandwick ngon nhất thế giới”. Bánh mì thì ở đâu cũng có, cá nhân tôi không phân biệt được bánh mì các vùng miền, chỉ đơn giản là thấy ngon, là ngon. Chúng tôi ra gần bãi biển ngồi ăn sáng, ngắm biển lặng sóng và vắng vẻ vào một buổi sáng nắng gắt. Có một vài du khách, chủ yếu là người nước ngoài, đang đi dạo trên bãi biển. Thường thì vào buổi sáng nắng gắt như này bãi biển sẽ vắng, nhưng đến chiều, từ ba giờ chiều đổ đi, bãi biển sẽ dần đông lên và đến tầm tắt nắng sẽ vô cùng đông đúc. Ít ai ngờ bãi biển Mỹ Khê nổi tiếng cũng có những lúc “vắng khách” như này.

IMG_1306.JPG

IMG_1304.JPG

Theo lịch trình ban đầu, ngày hôm nay sẽ là “City Tour”, dày đặc các chuyến đi, bao gồm Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng, dạo vòng quanh thành phố, thăm bảo tàng Chăm, bảo tàng Đà Nẵng, tòa nhà trung tâm hành chính (mà vẫn hay gọi là tòa nhà bắp vì trông giống bắp ngô), đi ăn hải sản (bữa hải sản đầu tiên kể từ khi vào Đà Nẵng), xem rồng phun lửa và phun nước ở Cầu Rồng… Đó là một lịch trình dày đặc, mà khi xem lại thì tôi buộc phải cắt một số đi. Do tìm hiểu chưa kỹ, tôi đã không biết rằng Ngũ Hành Sơn nằm ngược đường với bán đảo Sơn Trà, cách nhau đến hai mươi cây số và đều có nhiều điểm tham quan. Bởi vậy đi cả hai nơi trong buổi sáng là không hề hợp lý, nhất là khi sáng ngày hôm nay đã trôi qua được một nửa rồi. Vậy là chúng tôi quyết định tham quan chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà.

IMG_1307.JPG

Đường lên chùa Linh Ứng chạy dọc theo bãi biển, dưới ánh nắng vàng, trở nên đẹp tuyệt. Phía trước là núi non hùng vĩ, bầu trời trải dài ra trước mắt, bên phải là bờ biển dài cong cong. Đường lên có hơi nguy hiểm nhưng tôi đi một cách cẩn thận và an toàn. Bỗng dưng tôi lại nhớ ngày bé, khi lên Lai Châu, được bố đèo qua các đường đèo Tây Bắc từ Điện Biên lên Lai Châu, đi qua biết bao con đèo ngang dọc đồi núi Tây Bắc. Giờ khi là người cầm lái, tôi cảm nhận sự tự do tuyệt đối, thỏa sức vẫy vùng trên con đường, giữa núi rừng bao la. Có lẽ đó cũng là cảm giác của những người đi phượt, tôi muốn nói, những phượt thủ chân chính, có văn hóa và văn minh.

IMG_1308.JPG

IMG_1309.JPG

Chạy dọc theo cung đường dốc vòng cung, chúng tôi đã lên đến khu đỗ xe Chùa Linh Ứng. Một điều hết sức đặc biệt là những người trông xe ở đây là những người khuyết tật (khiếm thị, khiếm thính, nhưng nhờ hệ thống cổng vào nhỏ hẹp, nên đảm bảo an ninh) và chi phí gửi xe là tùy tâm người gửi. Từ bãi gửi xe máy, để lên được chùa cần lên bậc thang rất cao. Sau khi đã lên trên chùa, tôi phát hiện ra quên rút chìa khóa xe nên lại phải xuống dưới và leo lên một lần nữa.

 

Lần đi chùa ấn tượng nhất với tôi là đi Chùa Thầy ở núi Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Ấn tượng của tôi về Chùa Thầy là một ngôi chùa cổ xưa ở trên núi, kết hợp với địa hình núi một cách hài hòa, nhuẫn nhuyễn, tạo cảm hứng cho tôi sáng tạo ngôi chùa trong Kim Cương Đen. Nếu xét về tín ngưỡng, tôi không theo tôn giáo nào (dù bà và mẹ tôi theo đạo Phật, dì tôi xuất gia (giờ gọi là thầy) và đã là trụ trì). Tôi tìm hiểu nhiều về đạo Phật và tin tưởng vào những giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni (Siddhārtha Gautama, danh hiệu: Shakyamuni) – người khai sinh Phật giáo. Trải qua 2.400 năm, Phật giáo ở Việt Nam hiện nay khác rất nhiều so với những giáo lý từ Phật Thích Ca. Thông thường khi đi chùa với gia đình, tôi cũng thường thắp hương theo phong tục, nhưng những khi đi tham quan, tôi đi với vai trò người khám phá hơn người hành hương. Thực ra, tục thắp hương đến từ người Tây Tạng, truyền bá sang Trung Hoa rồi từ Trung Hoa truyền bá sang Việt Nam, về cơ bản là không có tục này khi Phật Thích Ca còn tại thế. Nói vậy không có nghĩa tôi phản đối việc thắp hương, bởi Phật giáo ở Việt Nam hiện nay đã phát triển theo hướng tôn giáo (thay vì chỉ là tín ngưỡng), dung hợp với các niềm tin tín ngưỡng đất Việt (và Trung Hoa) để phát triển, tạo thành một nền tảng tập tục và đạo đức. Không thể (và cũng không nên) lên án các tập tục này, trừ khi biến thể mê tín dị đoan, hoặc ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội. Tập tục định hình văn hóa, văn minh của một dân tộc; và tôn giáo giữ cho đạo đức được ổn định. Nước ta xây nhiều chùa cũng bởi thế, với mong muốn nguyện cầu cuộc sống ổn định, an viên, mong rằng mọi sự tốt đẹp, răn dạy con người làm điều lành, hướng thiện. Về cơ bản, giữ cho con người không làm điều ác, đó là điều tốt của sự phát triển mạnh mẽ Phật giáo ở Việt Nam.

IMG_1325.JPG

Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt là một trong ba ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng ở Đà Nẵng, cùng với Chùa Linh Ứng ở Non Nước – Ngũ Hành Sơn và Chùa Linh Ứng ở Bà Nà. Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt nổi tiếng bởi có bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao nhất Việt Nam, với chiều cao 67m được tạc nguyên khối. Theo truyền thuyết, vào thời vua Minh Mạng, người dân chài lưới ở Sơn Trà tìm thấy một pho tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát không biết từ đâu trôi dạy về bãi cát nơi này. Dân chài cho là điềm lành, lập am thờ, thế rồi họ thấy Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn xuất hiện, giúp cho sóng yên bể lặng để dân chài thuận buồm xuôi gió. Kể từ đó bãi biển đó được gọi là Bãi Bụt, mãi sau này, năm 2004, Chùa Linh Ứng mới được xây dựng và bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát hiện nay là bức tượng mới, không phải bức tượng năm xưa. Ngẫm lại, giai thoại này có phần nào tương đồng với giai thoại ở Hội An, có thể đó là cùng một giai thoại dân gian mà người dân nơi đây đã truyền miệng nhau từ nơi này sang nơi khác.

IMG_1314.JPG

IMG_1338.JPG

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng từ bán đảo Sơn Trà, oai nghiêm sừng sững mà cũng mang vẻ phúc hậu hiền hòa, nhìn ra bãi biển và hướng về phía thành phố Đà Nẵng. Do địa thế đặc biệt, bán đảo Sơn Trà nhô ra biển, thêm đường bở biển cong cong của miền Trung, thành ra, từ vị trí của tượng Quan Thế Âm, nhìn ra biển mà cũng là hướng vào thành phố. Đi dọc theo bờ biển Đà Nẵng đều có thể nhìn thấy bức tượng sừng sững, mà nếu ở bãi biển Mỹ Khê thì có thể nhìn thấy rất rõ ràng một Phật Bà đang hiên ngang đứng ra, thách thức bão tố để bảo hộ cho thành phố biển thân thương.

IMG_1339.JPG

Bên cạnh tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Chùa Linh Ứng còn có tượng của 18 vị la hán, mỗi tượng một vẻ, đứng hai bên sân chùa, dẫn lối vào ngôi chùa chính. Tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà, vốn biết đến như một ưu đãi của thiên nhiên với núi cao, rừng xanh, biển đẹp, Chùa Linh Ứng như một ngôi chùa nằm giữa nơi cực lạc, mà du khách lên đến đây có thể rời xa sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố và hưởng thụ bầu không khí trong lành, thanh tịnh của đất, núi, rừng, trời, biển.

IMG_1327.JPG

IMG_1405.JPG

IMG_1377.JPG

IMG_1384.JPG

Bán đảo Sơn Trà còn rất rộng lớn, với nhiều địa điểm thiên nhiên khác nhau, nhưng chúng tôi chỉ đủ thời gian để tham quan điểm đại diện là Chùa Linh Ứng.

IMG_1426.JPG

Chúng tôi quay trở lại thành phố, lúc bấy giờ đã là đầu giờ chiều. Sau khi ăn trưa, chúng tôi lại tiếp tục đến Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng. Đây là bảo tàng Chăm lớn nhất và đầy đủ nhất Việt Nam.

IMG_1527.JPG

Cổ sử thường ít khi nhắc tới, nhưng xưa  kia, trước khi các chúa Nguyễn xuống miền Nam, vùng đất Đà Nẵng và Quảng Nam này đã từng thuộc về một nền văn minh khác. Khởi thủy của vùng đất này là nền văn hóa Sa Huỳnh, một nền văn minh cổ đại, tồn tại từ 1000 năm TCN đến thế kỷ XX SCN. Đây là một trong ba cái nôi văn minh của Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo, tạo thành tam giác văn hóa thời kỳ Đồ Sắt. Vào thế kỷ I và II, những người Malayo-Polynesian từ đảo Java đã cập bến và đổ bộ lên khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam ngày nay. Vào thế kỷ thứ IV, Vương quốc Chăm Pa cổ bắt đầu xuất hiện nhờ làn sóng Ấn hóa người bản địa do những người Java du cư tạo ra. Vào thế kỷ VIII, khi miền Bắc Việt Nam còn đang dưới ách đô hộ của Trung Quốc dưới những cái tên An Nam, Trấn Nam, Tĩnh Hải Quân, thì ở miền Trung, Vương quốc Chăm Pa đã phát triển hưng thịnh, sánh vai với Vương quốc Khmer và Vương quốc Java ở Đông Nam Á lúc bấy giờ. Chăm là nơi cung cấp hồ tiêu cho nhà Đường – Trung Hoa để rồi từ đó bắt đầu đưa hồ tiêu đi khắp nơi trên thế giới theo con đường tơ lụa. Không những vậy, Chăm Pa cũng là một phần của hệ thống con đường tơ lụa trên biển, là nơi trung chuyển giao thương giữa Trung Hoa và các nước Đông Nam Á như Java cùng với Ấn Độ bằng các cảng biển. Vào giai đoạn hưng thịnh ấy, thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam ngày nay trở thành trung tâm của Vương quốc Chăm, với nhiều đền thờ, thành quách. Sau này, Vương quốc Chăm còn có một vị vua hùng mạnh là Po Binasuor (Chế Bồng Nga) từng tấn công và đánh phá thành Thăng Long dưới thời nhà Trần, nhưng sau đó bị Trần Khát Chân đánh bại trong trận thủy chiến và tử trận. Kể từ đó, vương quốc Chăm Pa hùng mạnh một thời ngày càng tàn lụi. Trước các cuộc xâm lược, lấn đất và đồng hóa của Đại Việt, Phù Nam, Khmer, vương quốc Chăm đã sụp đổ, chỉ còn lại là cái bóng của quá khứ. Những người Chăm đã tự đồng hóa thành người Việt, còn lại một bộ phận gìn giữ văn hóa xưa, trải qua nhiều đời, giờ chỉ còn là một dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam, Lào, Campuchia.

IMG_1487.JPG

Bước vào bảo tàng Chăm, tôi như bước vào một giai đoạn quá khứ huyền ảo trong cổ sử mà chính sử không ghi chép, bước vào một vương quốc đã lụi tàn, từng một thời hùng mạnh. Trong bảo tàng Chăm có rất nhiều các chứng tích khảo cổ của một nền văn minh đã tồn tại từ ngàn xưa. Đó là những bức tượng đá thần Shiva, Visnu, Yaska, Laksmi… cùng các tượng vũ nữ, voi, sư tử… Tất cả đều được tạc tinh xảo bằng đá, đã ám lên mình màu nâu của thời gian. Tận mắt chứng kiến những cổ vật ấy, tôi có cảm giác như mình đang ở một nơi huyền bí tựa như trong kim tự tháp Ai Cập. Nền văn minh Chăm bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn minh Ấn Độ, có thể thấy rõ ở tên các vị thần cùng các bức tượng chạm khắc về vũ nữ. Đó là cả một nền văn minh “anh em”, cùng với các nền văn minh Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar hiện đại bây giờ, tương tự như nền văn minh “đồng văn”, ảnh hưởng từ văn minh Hoa Hạ mà bây giờ là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Việt Nam là một quốc gia pha trộn đến ba nền văn minh chủ đạo: văn minh “đồng văn” Hoa Hạ, văn minh Đông Nam Á (Chăm, Phù Nam) và văn minh Châu Âu do người Pháp đem đến kiến thiết Đông Dương.

IMG_1499.JPG

IMG_1500.JPG

Đa số các bảo vật được trưng bày ở bảo tàng Chăm đều được mang về từ thánh địa Mỹ Sơn – trung tâm văn hóa của Vương quốc Chăm thời còn thịnh vượng. Thánh địa bắt đầu được người Chăm dày công xây dựng từ thời đại vua Bhadravarman I, là một quần thể bao gồm các đền tháp cúng tế, đài tưởng niệm, lăng mộ, tượng thờ thần, con vật, vũ công… Trong hệ thống quần thể, nổi bật là một đền đá, nay đã bị sập nhiều phần do bom Mỹ thả xuống trong chiến tranh, nhưng các nhà khảo cổ khi phân tích nền móng thì cho rằng đền đá cao đến 30m (tương đương tòa nhà 10 tầng). Thánh địa này của người Chăm thường được so sánh với Angkor Wat của người Khmer, tiếc rằng đã bị hủy hoại phần lớn do chiến tranh với các nước lân bang (Đại Việt, Khmer), thời gian và bom đạn chiến tranh.

IMG_1504.JPG

Một sơ đồ thánh địa Mỹ Sơn cùng mô hình mô phỏng dựng lại đền đá cũng được trưng bày trong bảo tàng Chăm. Đi vào sâu hơn còn có các tấm bia đá, cột đá khắc chữ Chăm, như những văn bia cổ, là một cách để người xưa ghi lại để truyền cho hậu thế khi chưa có giấy và mực.

IMG_1537.JPG

Những cột đá, văn bia với những dòng chữ cổ xưa như mang một dáng vẻ huyền bí đầy ma thuật. Tôi tự nghĩ nếu như các nhà làm phim Việt Nam biết khai thác thì chắc hẳn sẽ có thể làm một bộ phim đầy hấp dẫn về nền văn minh đã mất này. Dẫu sao, khi tìm hiểu về Vương quốc cổ Chăm Pa, cũng như được tham quan Bảo tàng Chăm và tận mắt trông thấy những di tích của người Chăm, tôi cũng phần nào thấy nuối tiếc cho một nền văn minh đã mất.

IMG_1511.JPG

IMG_1522.JPG

IMG_1528.JPG

IMG_1545.JPG

Sau khi rời Bảo tàng Chăm, chúng tôi đi vòng quanh khu trung tâm thành phố và đến Bảo tàng Đà Nẵng. Bảo tàng Đà Nẵng nằm cạnh Tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng, cao sừng sững, có thể nhìn thấy nổi bật từ mọi vị trí dọc theo bờ sông Hàn.

IMG_1554.JPG

IMG_1592.JPG

Bảo tàng Đà Nẵng là nơi lưu giữ và tái hiện lại lịch sử, văn hóa của vùng đất nơi đây. Thuở sơ khai, vùng đất này chỉ là một làng chài nhỏ, thuộc về nền văn hóa Sa Huỳnh, rồi sau đó là Vương quốc Chăm Pa cổ đại. Dưới thời Chăm Pa, vùng đất Đà Nẵng ngày nay là tiểu quốc Amaravati (sử Việt gọi là Lâm Ấp). Một trong những giai thoại về thành phố Đà Nẵng, đến nay vẫn còn lưu truyền, đó là giai thoại về việc vua Chăm là Jayasimhavarman III (Chế Mân) cưới Huyền Trân Công Chúa, cắt một phần lãnh thổ ở Đà Nẵng cho nhà Trần. Đến năm 1470, vua Lê Thánh Tông tấn công, dồn người Chăm xuống phía Nam, mở rộng lãnh thổ Đại Việt đến Mũi Lạy (Phú Yên), từ đó, Đà Nẵng hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của người Việt. Dưới thời Chúa Nguyễn, Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, đến thời Nhà Nguyễn thì Đà Nẵng trở thành hải cảng số một, được nhà Nguyễn sử dụng trong việc đón tiếp các đoàn ngoại giao nước ngoài. Tuy nhiên, chính sách bế quan tỏa cảng đã ngăn cản sự phát triển của Đà Nẵng cũng như đất nước Việt Nam. Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công, mở đầu cho cuộc xâm lược của người Pháp vào đất Việt. Năm 1888, chính quyền nhà Nguyễn đã chuyển giao Đà Nẵng cho Pháp dưới danh nghĩa “nhượng địa”, Pháp được toàn quyền sử dụng Đà Nẵng, để rồi từ đó tạo bàn đạp chiếm lấy cả Việt Nam, Lào và Campuchia, thành lập ra vùng Đông Dương thuộc Pháp.

Sau năm 1954, dải đất chữ S bị phân chia làm hai miền Bắc-Nam, Đà Nẵng thuộc chính phủ Việt Nam cộng hòa miền Nam Việt Nam, dưới sự viện trợ của Mỹ. Chính phủ miền Nam đã xây dựng cảng Đà Nẵng thành cảng lớn thứ hai, với mục đích chính là quân vận phục vụ chiến tranh. Không chỉ có cảng, sân bay Đà Nẵng cũng là sân bay tấp nập thứ nhỉ, chỉ sau sân bay Tân Sơn Nhất. Trong giai đoạn chiến tranh giữa chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Bắc Việt Nam và chính phủ miền Nam, Đà Nẵng trở thành một yếu điểm quan trọng. Sau này, 1975, khi được thống nhất, thì hòa bình mới lập lại ở mảnh đất nơi đây.

Đến ngày nay, Đà Nẵng đã trở thành hòn ngọc của miền trung, sánh ngang với Hà Nội và Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh).

Bên cạnh những di tích về văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa (nhưng không nhiều bằng bảo tàng Chăm), cũng như các di tích về Đại Việt, Việt Nam sau đó, Bảo tàng Đà Nẵng còn lưu giữ một số những mẫu vật sinh vật biển đặc trưng, quý hiếm cá ngựa đen, nhum sọ, cá chình, cua xanh…, cũng như cung cấp thông tin về một số lễ hội đặc trưng bản địa, như lễ hội cầu ngư của người Đà Nẵng diễn ra hàng năm.

IMG_1559.JPG

Ở Bảo tàng Đà Nẵng cũng có nhiều bảo vật thú vị như trang phục các quan triều Nguyễn, tiền xu thời nhà Nguyễn, xe kéo, xích lô, xe máy cổ, xác bom, pháo…

IMG_1560.JPG

IMG_1564.JPG

IMG_1583.JPG

IMG_1584.JPG

Tuy nhiên, tôi phải thú thật rằng trong một ngày đi tận hai bảo tàng có phần khiến tôi bị “quá tải”. Cũng do thời gian không còn nhiều nên tôi chưa đi hết bảo tàng Đà Nẵng, do đó, vẫn còn bỏ xót nhiều điều thú vị về nơi này.

Bãi biển Mỹ Khê được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, sánh ngang với nhiều bãi biển đẹp quốc tế. Từ Le House ra bãi biển không xa nhưng do lịch trình khá kín, như các bạn đã thấy, nên giờ chúng tôi mới có dịp tắm biển. Mặc dù còn buổi sáng ngày mai, với tôi, hôm nay gần như là ngày cuối cùng ở Đà Nẵng. Lúc chúng tôi ra bãi biển thì trời đã tắt nắng. Hoàng hôn bắt đầu ngả xuống trên bãi biển đông nghịt người. Chúng tôi chơi đùa trên bãi biển và ở khu vực không quá xa bờ. Ở phía Tây, phía thành phố, mặt trời bắt đầu lặn và trời tối dần, đổ màu tím hồng phủ lên mặt biển. Cho tới khi trời bắt đầu tối, chúng tôi lên bờ, mang theo một túi vỏ sò, vỏ ốc lượm nhặt trên bãi cát.

Nếu như những ngày trước chúng tôi chủ yếu ăn các món ăn địa phương, dân gian như nem lụi, mì quảng, cao lầu… thì đến hôm nay, chúng tôi tự cho phép mình thưởng thức một bữa hải sản. Dù sao chăng nữa, đây cũng là một chuyến du lịch đến một thành phố biển. Không cần phải đến những nhà hàng cao cấp, với chi phí cho bữa ăn tối lên đến hàng triệu bạc, chúng tôi lựa chọn một quán ăn nhỏ, thường được các bạn trẻ Đà Nẵng lựa chọn khi muốn đi ăn hải sản. Tất cả đều nhờ có Penny, bởi Penny đã ở Đà Nẵng một thời gian và biết đến những quán ăn này qua bạn bè ở đây. Toàn bộ chuyến đi này, các quán ăn, địa điểm, đều nhờ Penny tư vấn.

Quán ăn nằm trong con ngõ nhỏ mà tôi không nhớ rõ tên, rẽ ra từ đường Nguyễn Văn Linh. Tại đây, chúng tôi gọi vài món ăn thủy hải sản là ngao hoa (trong này gọi là chíp chíp), ốc móng tay, mực xào và tất nhiên là ghẹ – món ăn mà với tôi, là đặc trưng khi đi du lịch biển. Có lẽ là bởi hồi nhỏ, mỗi lần đi du lịch cùng gia đình, nhà tôi đều ăn ghẹ. Còn nhớ, mùa hè 2016 khi cả nhà đi Cửa Lò (Nghệ An), tôi phải ở lại vì bận tổ chức sự kiện phim Sucide Squad. Hôm đó vừa tổ chức sự kiện và xem premiere về, khoảng 23h30, khi về đến nhà thì bố mẹ đã về và mua ghẹ về. Tôi đã ăn bữa tối muộn với món ghẹ hấp yêu thích.

IMG_1599.JPG

IMG_1601.JPG

IMG_1605.JPG

Trong khi đó, một sự cố nho nhỏ xảy ra. Thời gian người ta chế biến đồ ăn lâu hơn chúng tôi dự tính (và quán cũng khá đông). Chúng tôi dự định sẽ lên Cầu Rồng xem rồng phun nước và lửa lúc 21h. Đã 20h45 mà món ghẹ vẫn chưa xong. Tôi cảm thấy sốt ruột, không thể đi về ngày, mà nếu lỡ không được ngắm rồng phun lửa thì cũng hết sức đáng tiếc. May sao, khoảng 5 phút sau thì món ghẹ đã xong, chúng tôi bảo người ta cho vào túi mang về. Nhìn chung, ngoại trừ vấn đề thời gian mà chúng tôi gặp phải, phần vì không tính toán kỹ lưỡng, thì khá hài lòng về bữa ăn. Toàn các món thủy hải sản tươi ngon nhưng chỉ hết khoảng 400 ngàn cho hai người.

Chúng tôi quay trở lại Cầu Rồng, thật may mắn vì chỗ ăn cũng gần với cầu nên đi không hết bao lâu. Sau khi gửi xe dưới chân cầu, chúng tôi đi bộ lên, vừa kịp lúc cấm đường để rồng phun lửa và nước.

Trước khi đi, tôi đã được một cậu em làm cùng đưa ra lời khuyên không nên đứng ở phía bên phải của rồng. Nhờ đó, tôi đứng ở bên trái, và khi rồng phun nước, theo chiều gió thổi từ biển vào, toàn bộ nước đã đổ về phía bên phải, khiến đám đông ướt sũng và chạy tan tác. Dẫu vậy, tất cả đều vui vẻ bởi bầu không khí như lễ hội. Tiếp đến là màn rồng phun lửa, đầu rồng sáng lên và phun ra một làn lửa sáng rực trong bầu trời đêm.

IMG_1653.JPG

IMG_1628.JPG

Khắp cả cầu đông nghịt, tương tự như dịp Giao thừa ở Hà Nội. Nhưng đây chỉ là một cuối tuần bình thường ở Đà Nẵng, vậy mà bầu không khí đã đông đúc, náo nhiệt như vậy. Những người đi xem đến từ khắp nơi, tôi nghe thấy cả giọng người miền Bắc, người Sài Gòn, người miền Tây… Khi màn biểu diễn kết thúc, đám đông vẫn chưa giải tán ngay lập tức. Chúng tôi đứng lại trên cầu, gió biển thổi vào từ cửa sông mát lộng. Từ trên cầu, ngắm sông Hàn buổi tối thì thấy hai bên trang hoàng rực rỡ, với những tòa nhà cao tầng, nhà hàng, bến thuyền… Bên dưới lòng sông, những du thuyền đi lại nhẹ nhàng. Khung cảnh trông tựa như ở một nước phát triển vậy. Thực sự, tôi cảm thấy như thế, dù cho ở Hà Nội từ nhỏ và dạo chơi hồ Tây, hồ Gươm, Hàm Cá Mập thường xuyên, nhưng vẫn không thấy trang hoàng như ở hai bên bờ sông Hàn buổi tối (chỉ vẻ đẹp trang hoàng, hiện đại thôi, Hà Nội vẫn có những nét đẹp riêng khác).

IMG_1687.JPG

IMG_1702.JPG

Đợi đám đông trên cầu vãn bớt, chúng tôi bắt đầu đi bộ xuống. Ngã tư Trần Hưng Đạo ở bên dưới đông nghịt. Trong mấy ngày ở Đà Nẵng, đây là dịp đông đúc, tắc đường hiếm hoi mà tôi chứng kiến. Dĩ nhiên, chỉ như một ngày bình thường ở Hà Nội. Mà đây chỉ là một cuối tuần bình thường, vậy vào các dịp đặc biệt như Festival pháo hoa quốc tế thì chắc hẳn bầu không khí lễ hội ở thành phố này còn náo động hơn nữa.

IMG_1713.JPG

Chúng tôi đi bộ từ Cầu Rồng ra khu vực cầu tình yêu, nơi có đài phun nước “cá chép hóa rồng”. Đây cũng là một biểu tượng của Đà Nẵng, phỏng theo đài phun nước sư tử của Singapore, để nói lên khát vọng và tầm nhìn phát triển thành phố du lịch này tương tự như Singapore. Về phần nào đó, Đà Nẵng xứng đáng là một Singapore thu nhỏ của Việt Nam. Dĩ nhiên, để có thể được như Singapore thì Đà Nẵng còn cách một khoảng cách xa, bởi Singapore là một trong bốn con hổ Châu Á (Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan – 4 nền kinh tế phát triển thần kỳ trong thập niên 90 của thế kỷ trước, đến thế kỷ XXI đã sánh ngang với các nền kinh tế phát triển trên thế giới).

IMG_1720.JPG

IMG_1724.JPG

IMG_1741.JPG

Sau khi dạo chơi ở quanh đài phun nước “Cá chép hóa rồng” và cầu tình yêu, chúng tôi quay trở ra chân Cầu Rồng. Tại đây có một phiên chợ đêm, thường được tổ chức vào cuối tuần. Bầu không khí của chợ đêm luôn náo nhiệt và cuốn hút. Tôi còn nhớ mình khá ấn tượng với chợ đêm ở Phú Quốc, tiếc rằng khi đó không thể quay phim, chụp ảnh gì do điện thoại hết pin. Chợ đêm Đà Nẵng có bán nhiều món ăn và các món quà đặc sản nơi đây, cũng như đủ loại hàng hóa quần áo, giày dép, hay các đặc sản ở các địa phương khác mà tôi thấy có cả quà Hà Nội. Chúng tôi đi tham quan một vòng quanh chợ để cảm nhận không khí náo nhiệt của chợ đêm, sau đó lựa chọn vài món quà đem về Hà Nội.

IMG_1742.JPG

IMG_1748.JPG

Lúc đó đã hơn mười rưỡi, phiên chợ đêm vãn dần, chúng tôi cũng đã mua được vài món ưng ý. Chúng tôi lấy xe và ra bãi biển, ngồi trên vỉa hè, nơi có tầm nhìn ra bãi biển đêm và thưởng thức vài món ăn mang về: ghẹ, bắp xào, cacao. Dĩ nhiên, chúng tôi xếp gọn gàng và sau khi ăn xong đã gói gọn rác bỏ vào thùng, để tránh làm bẩn bãi biển và thành phố xinh đẹp này.

IMG_7455.JPG

Quay trở về Le House lúc hơn 11 giờ đêm, chúng tôi xem bộ phim Her và kết thúc ngày “City Tour” – ngày tham quan cuối cùng thành phố Đà Nẵng.

IMG_1749.JPG

10/09/2018 – Memories

IMG_0838 (1).JPG

Trong những chuyến đi trước đây, ngày cuối cùng, nhất là những ngày cuối cùng chỉ còn buổi sáng, thường sẽ trôi qua lặng lẽ và đáng tiếc. Sau những chuyến đi chơi và đêm cuối cùng “xõa nốt”, tôi thường ngủ bù vào buổi sáng, khi thức dậy đã nửa buổi, sắp xếp hành lý trở về là kết thúc. Tôi không muốn ngày cuối cùng trong chuyến đi Đà Nẵng này kết thúc nhạt nhòa như vậy. Tôi muốn tận dụng tối đa thời gian, và lưu giữ kỷ niệm đến phút cuối cùng.

Một trong những nỗi tiếc nuối khi đi Phú Quốc và FLC Thanh Hóa trước đây của tôi, đó là không thể ra ngắm biển vào buổi sáng sớm. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, khi đi du lịch với gia đình, vẫn thường ra biển vào sáng sớm. Khi mà nước thủy triều đã rút, để lại bãi cát ẩm rộng bao la, ngổn ngang vỏ sò và những con dã tràng bé tí ti bò trên bãi cát.

Ngày cuối cùng ở Đà Nẵng, tôi và Penny dậy sớm, từ khi mặt trời mới ló rạng để ra ngắm biển.

IMG_1763.JPG

Biển mỗi một thời điểm khác nhau lại khoác lên mình một dáng vẻ, với một tâm tình khác nhau. Biển sáng sớm tĩnh lặng mà đầy sự sống, như được tái sinh sau khi trải qua đêm tối. Tôi đi dạo bằng bàn chân trần lên bãi cát êm mịn, cảm nhận từng đợt sóng nhẹ nhàng vỗ tới và lại rời đi. Chúng tôi ngồi lại bên bãi cát trắng, đón nhận những tia nắng non của ngày mới, ngắm nhìn mặt trời xa xa đang mọc lên.

IMG_1766.JPG

Trời hôm nay không quang đãng cho lắm, nhiều mây, và chẳng mấy chốc bắt đầu nhỏ từng hạt mưa. Mưa không to, không nhanh, từ từ mau dần, ban đầu chỉ lác đác vài hạt. Chúng tôi ở lại bãi biển thêm một chút rồi trở về. Trên đường về bắt gặp một đàn chim bồ câu trên vỉa hè dọc bãi biển. Khung cảnh sáng sớm đó sao yên bình đến thế!

IMG_1774.JPG

Trở lại khách sạn, chúng tôi bắt đầu đóng gói hành lý và chuẩn bị ra về. Vậy là sau những ngày tự do khám phá, chúng tôi chính thức phải chia tay Đà Nẵng. Hơn cả, tôi cũng sẽ phải tạm rời xa Penny để trở về Hà Nội, còn Penny sẽ ở lại đây.

Khoảng hơn mười giờ, chúng tôi tạm biệt Le House để ra sân bay.

IMG_1781.JPG

Penny tiễn tôi cho tới khi tôi qua cửa an ninh. Lúc này, tôi gặp một sự cố nho nhỏ là hành lý bị quá cân, trong khi đã sát giờ bay mà người check-in lại quá đông. Phải mất một lúc lâu xếp hàng tôi mới được check-in nhưng rồi do quá cân, tôi phải ra ngoài để san hành lý. Quá tận 3 kg, dù lúc đi không bị quá. Tôi nghĩ là do mấy món mà mình mua, cộng với đó là quần áo ướt ngấm nước nên khiến hành lý bị nặng hơn. Việc san ra không quá khó khăn nhưng xếp hàng lại từ đầu khiến tôi lo lắng bởi đã khá sát giờ bay. Trong khoảng thời gian đó, Penny, dù không xếp hàng cùng tôi nhưng luôn đứng bên ngoài theo dõi và tôi cảm thấy rất an tâm, như có một điểm tựa vững chãi. Có lẽ nếu như Penny không ở đó, chỉ còn mình tôi, tôi sẽ thấy mình đơn độc biết chừng nào.

Sau cùng, tôi lên máy bay sớm hơn “deadline” 3 phút. Lần trở về này tôi lại được ngồi bên cửa sổ. Máy bay cất cánh, tôi ngắm nhìn thành phố Đà Nẵng một lần cuối, trông tựa như một hòn đảo nhỏ xinh đẹp nằm giữa đại dương.

IMG_1783.JPG

IMG_1786.JPG

Tôi bay qua sông Hàn, bay qua bán đảo Sơn Trà, và rồi Đà Nẵng hoàn toàn khuất lại phía sau lưng.

IMG_1790.JPG

Lần trở về này tôi ngồi hướng nắng nên chỉ được một lát ngắm nhìn bầu trời, khi đã lên cao thì phải che cửa sổ do nắng chiếu vào. Sau lưng tôi là một gia đình người Hàn Quốc, có một đứa trẻ, chắc lớn hơn đứa trẻ lúc đi một chút. Tôi chú ý đứa trẻ này không khóc lóc, quấy nhiễu, được ngồi một ghế riêng và suốt hành trình đứa trẻ tự chơi, tự hát, chỉ trỏ này nọ ngoài cửa sổ.

Chuyến bay đi tôi rất hào hứng nhưng giờ khi trở về, tôi có phần mệt mỏi. Bởi vậy, tôi ngủ trong khi bay, như bao người khác. Chuyến bay diễn ra nhanh chóng, cho tới khi tôi thức giấc đã về đến Hà Nội. Lúc này mới đầu giờ chiều, trời còn nắng gắt. Trờ về với Hà Nội, với cái nắng mùa hè, với tắc đường, khói bụi và công việc. Ngay khi vừa về đến nhà, tôi đã phải sửa laptop đang hỏng wifi. Và rồi những ngày sau lại tiếp tục trong guồng quay công việc, giữa đám đông xô bồ. Những ngày qua tôi đã quen với sự tự do khám phá, tự lên lịch trình cho bản thân, 24 giờ mỗi ngày ở cạnh Penny như một cặp đôi hạnh phúc. Nhưng cuộc sống, đâu thể lúc nào cũng dễ dàng và tự do, bởi cuộc sống đó là khi ta phải đối mặt với những quãng thời gian khó khăn để rồi từ đó trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Tôi lại tiếp tục chiến đấu để chuẩn bị cho những chuyến đi tiếp theo. Để rồi chuyến đi Đà Nẵng sẽ mãi là một kỷ niệm đáng nhớ của một thời tuổi trẻ, không bao giờ bị lãng quên vào quá khứ.

 

 

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s