Hai người lính

Tiên Châu, 1787

——————————-

Mặt trời khuất bóng sau lũy tre để lại bầy quạ bay rợp trời chiều chạng vạng. Từ xa đã có thể thấy cột khói bốc lên từ ngôi đình làng. Lửa đã được dập tắt, nhưng từ đám tro tàn, khói vẫn xộc lên nghi ngút. Trong sân đình, người chết như ngả rạ. Bầy quạ đang thoải mái thưởng thức món thịt người.

Bỗng có tiếng la lên đau đớn khiến bầy quạ bay nháo nhác. Ở trong mái đình có ba người đàn ông, tay mang giáo, mặc áo đỏ tía, kẻ còn đội nón, kẻ hạ nón trên sàn, chóp đính lông chiên đỏ rực. Một người trong số đó bị thương nặng ở bụng, ruột gan phèo phổi lòng thòng, có vẻ chẳng sống được bao lâu. Anh ta đang la hét đau đớn, mắt trợn ngược, miệng sủi bọt mép. Hai người còn lại, một già, một trẻ, vừa giữ chặt vết thương cho người kia, vừa đỡ cổ, cố an ủi người đang hấp hối.

Người lính trẻ, vẫn còn đội nón trên đầu, mặt cắt không còn giọt máu nhìn người sắp chết. Anh ta nói:

“Thật thê thảm… Thật thê thảm…”

Người lính già không quan tâm đến người lính trẻ, chỉ tập trung vào người đang hấp hối:

“Gắng lên, người anh em. Xong trận này ta sẽ đưa anh về Phú Xuân.”

Người lính trẻ nói:

“Phú Xuân? Giờ anh còn nghĩ đến Phú Xuân sao? Chúng ta đang bị bao vây đó.”

Người lính hấp hối ứa máu, rên gằn trong cổ họng. Anh ta giãy giụa hồi lâu rồi buông thõng. Chết không nhắm mắt. Người lính già vuốt mắt cho người quá cố, đặt lên sàn, ngồi tựa vào cột đình thở dài:

“Nếu không nghĩ về Phú Xuân, chúng ta sao có thể còn sống nổi. Còn hy vọng là còn động lực chiến đấu, mi hiểu không?”

Người lính trẻ chỉnh lại cái nón, nhìn lá cờ hồng mao trên mặt đất có in chữ “Phú Xuân”. Anh ta nói:

“Tại sao lại ra nông nỗi? Mới đó ta với họ còn kề vai sát cánh chống lại giặc Xiêm. Giờ đây lại nồi da xáo thịt?”
Người lính già lắc đầu:

“Bởi chiến tranh mà. Trước cuộc chiến này, ta còn là một tiều phu, sống ở khu rừng gần nơi người Chăm sinh sống. Nhưng chiến tranh ở khắp nơi đất Nam này, muốn chạy cũng không chạy được. Để bảo vệ người thân, ta phải trở thành lính. Là người lính, ta phải chiến đấu, bởi chiến đấu là nghĩa vụ của chúng ta.”

Người lính trẻ đáp:

“Ta có hai đứa con nhỏ ở nhà. Một đứa mới chập chững biết đi, một đứa chắc khoảng lên tám. Nhà ta làm nông nghèo lắm, chẳng có tiền cho đi học thầy đồ nên lại cho nó phụ làm nông. Ta chỉ mong chiến tranh kết thúc, thiên hạ thái bình để hai đứa con được sống cuộc sống hạnh phúc.”

Người lính già an ủi:

“Ta cũng vậy thôi. Chỉ hy vọng chúng ta ngã xuống để con cháu đời sau được hưởng thái bình, ăn no mặc đủ, ngày đi cày, tối mở hội quây quần bên bếp lửa. Những cũng vì thế, mà chúng ta phải thắng, đúng không nào?”

Người lính trẻ đáp:

“Chẳng biết nữa. Ta thắng hay họ thắng, có khác gì nhau?”

Người lính già đáp:

“Mi nghĩ vậy thì sao chiến đấu được. Phải nghĩ đến chiến thắng để có động lực chiến đấu mà sống xót, mi hiểu không?”

Người lính trẻ gật đầu.

Đúng lúc đó, từ ngoài rặng tre có tiếng hô ầm ĩ. Một đoàn quân mặc áo đỏ tía, cầm cờ hồng mao có chữ “Thuận Hóa” xông vào, hô hoán bằng giọng Bắc Hà.

“Đến lúc rồi!” – Người lính già nói, cầm cây giáo lên. Người lính trẻ gật đầu, mặt đầy ý chí. Cả hai đứng dậy, vững tay giáo, sừng sững như những người anh hùng đứng trước quân thù hùng mạnh. Khi quân địch đến gần, cả hai vung giáo, hét lớn:

“Vì con cháu chúng ta!”

“Vì hòa bình Đại Việt!”

Cả hai lao vào đám quân Thuận Hóa, tả xung hữu đột. Quân địch chết như ngả rạ.

Người lính già vung giáo cắt trúng cổ một kẻ địch, máu bắn ra thành tia:

“Mười một… Mười hai… Mi bao nhiêu rồi?”

Anh nhìn sang, người đồng đội đã bị thương ở vai, đang quỳ gối trước một toán kẻ địch. Một gã vung kiếm.

“KHÔNG!!!”

***

Phú Yên, 2017

———————

“KHÔNG!!!” – Tiếng la hét thất thanh vang lên. Đám đông quay lại, nhìn về phía la hét. Một thanh niên bực tức đập bàn phím đứng dậy:

“Chết m* rồi. Đen v** l***. Đang sắp thắng rồi.”

Trên màn hình là một trò chơi điện tử online theo dạng võ lâm, lấy bối cảnh thời Tây Sơn. Người bạn bên cạnh tiếp tục đếm:

“Mười ba… mười bốn… Sắp thắng rồi, thắng trận này đến Phú Xuân lên đồ thôi!”

Hết.

(Hình ảnh minh họa)

Tác giả: ĐA-ĐA

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s