Chiều thứ 7, mình trở dậy với nỗi trống trải bao quanh. Đã hai tháng nay, mình luôn cảm thấy sự trống rỗng sâu thẳm bên trong, đó cũng là lúc mình cứ đi lang thang, quanh quẩn một mình, chụp những bức ảnh mình thích. Và đó cũng là lúc mình vô tình bắt gặp bộ phim “Kon’ya romansu gekijô de” tại LHP Nhật Bản (Japanese Film Festival).
Mình quyết định đặt tấm vé đơn và đi xem một mình vào chiều tối thứ 7. Khi bước ra khỏi nhà, trời đổ một cơn mưa. Mây đen kín trời, mình mang theo chiếc máy ảnh Minolta, khoác áo mưa và ra khỏi nhà.
Mình yêu bộ phim “Kon’ya romansu gekijô de”. Bộ phim có nhiều tên. Trung tâm chiếu phim Quốc gia chọn tên “Sắc màu chân thật”, dịch ra từ tên tiếng Anh “Color me true”. Trên IMDb, bộ phim có tên là “Tonight, at the Movie”, nhưng dịch từ tiếng Nhật, và hợp nghĩa nhất, tên đó là “Tonight, at the Romance Theater”.
Với sự trống trải lặng lẽ, mình cảm thấy “Kon’ya romansu gekijô de” như được làm dành riêng cho mình. Bộ phim đẹp, đẹp hơn mình nghĩ khi xem trailer, đẹp cả về hình ảnh, diễn viên lẫn cốt truyện.
Nhưng bộ phim cũng buồn, nỗi buồn của sự cô độc và nỗi buồn của tình yêu.
“Kon’ya romansu gekijô de” bắt đầu với việc anh chàng Kenji – một trợ lý đạo diễn (nghe thì chức vụ to lớn nhưng chủ yếu làm các công việc lặt vặt ở đoàn làm phim), luôn xem đi xem lại một bộ phim cũ ở rạp chiếu bóng Romance. Đó là bộ phim đen trắng về nàng công chúa Miyuki nổi loạn và cá tính, vốn đã bị lãng quên từ lâu. Một ngày nọ, có người sẽ mua lại bộ phim. Kenji ngồi xem lại bộ phim lần cuối, cảm thấy mất phương hướng vì sẽ không được ngắm nhìn nàng Miyuki nữa, mà chẳng hề hay biết rằng, dù ở trong bộ phim, Miyuki cũng đang nhìn ngắm và buồn bởi sẽ không còn được Kenji ngắm nhìn nữa.
Một sự cố xảy ra, rạp chiếu bóng mất điện. Khi có điện trở lại, Kenji vô cùng kinh ngạc bởi sự xuất hiện của nàng Miyuki đen-trắng. Kể từ đó, câu chuyện tình đầy hài hước, lãng mạn nhưng trắc trở của hai người bắt đầu.
Tại sao mình lại thích “Kon’ya romansu gekijô de” đến thế? Phải chăng là mình đã quá cô đơn? Khi xưa, mình luôn thích những nhân vật hư cấu. Bởi nhân vật hư cấu có cá tính rõ ràng, có thể chiêm ngưỡng và hơn hết, không phải thật nên không thuộc về ai, không phản bội, không làm mình đau. Mình thích Éponine (Les Miserables), Fumiko (Thousand Cranses), Harley Quinn (Dc comics), Clare (Claymore), Kazuha (Conan), Violet Parr (Incredible)… Một trong những bộ phim tình cảm lãng mạn mình thích nhất, Ruby Sparks, cũng kể về một anh nhà văn gặp một cô gái hư cấu do chính mình viết ra.
Thời gian sau đó, mình đến với một người đặc biệt và cả thế giới của mình chỉ có hai đứa. Sau một khoảng thời gian rất dài ở bên nhau mà mình cứ ngỡ sẽ còn kéo dài đến vô tận, cô ấy ra đi. Thế giới sụp đổ. Mình trở lại với sự cô đơn và trống trải, đến khô héo và trống rỗng cả tâm hồn. Và đó là khi, mình trở lại với tình yêu đồ vật và các nhân vật hư cấu.
Những tháng ngày này, mình đọc văn học Nhật (Ryunosuke Akutagawa, Banana Yoshimoto), nghe nhạc Nhật (Lily Chou-Chou), chụp máy ảnh Nhật (Minolta) với film Nhật (Fujifilm) và đi xem một bộ phim Nhật (Kon’ya romansu gekijô de). Mình nghĩ những tác phẩm văn hóa nghệ thuật Nhật Bản đang đồng điệu với trái tim mình, sau khi nó tan vỡ.
Bộ phim “Kon’ya romansu gekijô de” chạm đến mình từ ánh mắt của chàng Kenji nhìn công chúa Miyuki trên phim ảnh. Cái cách mà một mình Kenji ngồi trong phòng chiếu vắng ngắt, theo dõi bộ phim đen trắng và mỉm cười.
“Kon’ya romansu gekijô de” còn chạm đến mình qua mối tình đầy ngang trái, thử thách của hai người. Đó là mối tình đẹp không tưởng, ngốc nghếch không tưởng nhưng cũng buồn không tưởng và cảm động không tưởng. Đó là trò chơi màu đỏ, đom đóm màu xanh còn cầu vồng thì bảy sắc. Đó là lý do công chúa Miyuki đến với thế giới bên ngoài màn chiếu: để gặp gỡ người đàn ông ngắm mình mỗi ngày. Đó là cái nắm tay qua khăn tay của hai con người ở hai thế giới, không thể chạm đến nhau. Đó là tình yêu bất diệt của một con người vô thường với một nhân vật hư cấu trẻ mãi với thời gian. Và đó là những thước phim cuối cùng, khi Kenji tự sáng tạo một cái kết happy ending cho câu chuyện của mình: Cả hai bước vào thế giới màn ảnh. Đó là thế giới đen-trắng, chỉ có duy nhất bông hoa hồng màu đỏ. Và khi công chúa Miyuki chạm vào bông hoa hồng mà Kenji trao tặng, thế giới đen-trắng trong màn ảnh được sơn lên rực rỡ sắc màu.
Mặc dù có một cái kết happy ending nhưng mình vẫn cảm nhận được nét buồn mơ màng của bộ phim. Khi bộ phim kết thúc, credits chạy lên, mình lại trở lại, một mình đơn độc giữa đám đông ngoài rạp chiếu. Khi một cuộc tình đẹp kết thúc, nó cũng giống như khi một bộ phim kết thúc. Nó đem đến cảm giác tiếc nuối và một nỗi buồn miên man.
Mình bước đi ra khỏi rạp chiếu. Trời đã tối. Gió mùa thu. Mưa đã tạnh. Chỉ còn để lại những vũng nước phản chiếu ánh đèn lung linh trên đường phố. Mình bước đi lang thang giữa con phố lên đèn, nhìn những ánh đèn bokeh qua ống kính gương lật của chiếc Minolta.
Đó là một ngày thứ 7, trời mưa, bộ phim cũng mưa, mình đi xem bộ phim “Kon’ya romansu gekijô de” một mình, và sau đó lang thang một mình.
Như một cô gái bước ra từ màn ảnh vào đúng điểm chạm của tâm trạng, “Kon’ya romansu gekijô de” đã để lại dấu ấn trong trái tim mình, và có lẽ sẽ vẫn mãi in dấu về sau.
(P/s: Chỗ này mình sẽ chèn hình ảnh đường phố bokeh mà mình chụp, nhưng vì cuộn film chưa tráng nên bao giờ chụp hết, tráng xong sẽ chèn vào sau. Hãy tưởng tượng đó là một bức ảnh chụp buổi tối, focus vào hai chiếc đinh vít trên cầu đi bộ và xung quanh blur mờ ảo với ánh đèn bokeh lung linh, nhé!)