Bạn sẽ thích “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”

Bạn sẽ thích “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”, nhưng không phải tôi, tôi sẽ ghét bộ phim này.

Vốn dĩ tôi không mấy quan tâm đến vụ lùm xùm xung quanh bộ phim “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”, cách đây 24 giờ, tôi còn không hề có ý định xem bộ phim này. Thế nhưng tôi vô tình đọc một review phim theo góc nhìn mới và rất tò mò về bộ phim theo góc nhìn mới này, đó là trầm cảm và tưởng tượng. Vậy là, tôi quyết định đi xem “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”.

 

“Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” có hay không?

Tôi tin rằng đây là câu hỏi mà hầu hết mọi người đều muốn biết khi đọc những dòng chữ này. Nếu ai đó hỏi tôi rằng “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” có hay không, tôi sẽ nói rằng rất hay. Kể từ sau “Song Lang”, tôi mới xem một bộ phim Việt hay như bộ phim này. Không quá lố, không làm màu, dĩ nhiên là không hài nhảm hay đậm chất giải trí, “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” là câu chuyện của hai con người cô độc giữa cuộc sống, đang phải ngày ngày đối chọi với cuộc sống, cảm xúc, tâm trạng và những vấn đề cá nhân của mình, mà chẳng một người ngoài nào hiểu thấu.

Kết quả hình ảnh cho trời sáng rồi ta đi ngủ thôi

Kết quả hình ảnh cho trời sáng rồi ta đi ngủ thôi

Bộ phim làm tôi nhớ đến series Before Sunrise, Before Sunset, Before Midnight – một series tình cảm tôi rất thích, đặc biệt là 2 phần đầu. Cũng tương tự như Before Sunrise, cốt truyện chính của “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” xoay quanh những câu chuyện của hai bạn trẻ là Tâm và Th.anh. Qua hành trình và các lời thoại, hai nhân vật dần bộc lộ tâm trạng, cảm xúc, quá khứ, các vấn đề cá nhân và cảm nghĩ của mình. Toàn bộ những điều đó tạo nên chiều sâu cho nhân vật, cũng như cá tính độc nhất của hai nhân vật này. Cả hai đều mang màu sắc riêng, vừa đối lập vừa hòa hợp nhau, như mảnh ghép còn thiếu dành cho nửa kia của mình. Bởi vậy, Tâm và Th.anh không cần phải nói yêu nhau, không cần tỏ tình với nhau, không cần phải ôm, hôn, nắm tay, chuyện tình của cả hai vẫn rất “tình”, bởi đó là sự đồng điệu về tâm hồn.

Kết quả hình ảnh cho trời sáng rồi ta đi ngủ thôi

Nếu cá nhân tôi đánh giá, đây xứng đáng là hai nhân vật điện ảnh có chiều sâu bậc nhất trong những phim Việt vài năm gần đây. Nếu như chiều sâu của Tâm thể hiện ở quyết tâm theo đuổi đam mê âm nhạc (thực ra tôi không đánh giá cao yếu tố này, mà đánh giá cao yếu tố sau đây hơn), sự cô đơn, từng nghĩ đến tự tử, mối quan hệ với má; thì chiều sâu của Th.anh nằm ở mối quan hệ giữa cô và người bạn xấu số An. và cũng ở từng câu thoại thẳng thắn, dí dỏm, độc đáo của mình. Th.anh là mẫu người thú vị, có nhiều góc nhìn mới lạ, lãng mạn hóa ý niệm, chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để đánh đổ bao chàng trai. Nhưng nằm dưới sự đáng yêu, dí dỏm của cô gái đáng yêu đó, là những nỗi buồn miên man, bởi vậy, Th.anh và Tâm mới trở thành người đồng hành như vậy.

Kết quả hình ảnh cho trời sáng rồi ta đi ngủ thôi

Đi xem “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” thì không nên xem với một lý trí quá vững, hay để những chuyện lùm xùm bên ngoài làm ảnh hưởng đến bộ phim. Hãy xem phim với một cảm xúc hồn nhiên, mở lòng với mọi thứ, cảm nhân vật, bầu không khí của phim (tôi không nhắc đến âm nhạc vì tôi không nghe nhạc Việt nên không thẩm thấu, tuy nhiên, âm nhạc của phim tạo cảm xúc rất tốt, những người mê nhạc indie Việt hoặc rap underground Việt sẽ thích phần âm nhạc phim này). “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” là một phim âm nhạc, và mang đậm đặc trưng của dòng phim âm nhạc, tương tự như La La Land, A Star Is Born, Once, Begin Again… Nghĩa là phần hát sẽ chiếm nhiều trong phim. Đừng đánh giá phim không hay vì phim hát nhiều, đừng vì thế mà gọi phim là “một MV âm nhạc kéo dài 2 tiếng”, xin đừng làm thế. Bởi những bài hát trong phim rất khớp với cốt truyện, không những vậy, “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” còn là một câu chuyện tinh khiết, đủ nhẹ nhàng mà đủ sâu lắng về hai mảnh ghép của cuộc đời, vô tình gặp nhau giữa Sài Gòn đông đúc. Nếu xét về cốt truyện và nhân vật, cá nhân tôi thấy “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” còn hay hơn cả La La Land – bộ phim mà đến giờ tôi vẫn đánh giá over-rated (dù rất thích Whiplash của Damien Chazelle và thích cả nhạc jazz, năm đó, tôi thích Manchester by the Sea, Captain Fantastic và Moonlight hơn rất rất nhiều)

Về mặt hình ảnh, “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” thực sự rất đẹp, đẹp kiểu tình. Cả bộ phim được quay bởi những góc và màu thể hiện đúng chất “vintage” (kiểu vintage của giới trẻ Việt Nam). Nhiều cảnh, tôi nghĩ nếu mình mà chụp ảnh film bằng chiếc Minolta của mình ở góc đó, với màu đó, thì sẽ đẹp lắm đây.

Kết quả hình ảnh cho trời sáng rồi ta đi ngủ thôi

Và phần hình ảnh, âm nhạc cũng rất hợp với tính cách 2 nhân vật này, thuộc một nhóm giới trẻ hiện nay, thích lối sống tự do, phóng khoáng, thường mang theo đàn guitar (hoặc ukulele, mà chính 2 nhân vật trong phim mang), thích dạo chơi đây đó (đặc biệt là Đà Lạt, Hội An…), mặc đồ vintage hoặc bụi, có thể còn chụp cả ảnh film (tôi tạm gọi nhóm này là nhóm vintage bởi phong cách và lối sống rất đặc trưng). Tuy nhiên cũng vì mang đậm tính hướng đến một nhóm đối tượng, theo phong cách của nhóm đối tượng đó, bộ phim có thể hơi kén khán giả. Cá nhân tôi, tôi cũng có chụp ảnh film, có vẽ vời, viết lách và thích xem phim, nhưng không thuộc nhóm vintage đó. Tôi có nhiều người bạn thuộc nhóm này, tôi cảm được phim, nhưng cũng thấy phim như có rào cản vô hình ngăn cách tôi được sống ở trong đó, như thể, phim không dành cho mình.

Tại sao là “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”?

Tiêu đề phim làm tôi nhớ lại một dòng cảm xúc, dòng cảm xúc tôi vẫn thường gặp, mà đến giờ, vẫn gặp thường xuyên. Đó là những đêm chìm trong tâm trạng, mà chẳng ngủ được, hoặc không muốn ngủ. Những đêm đó, tôi cứ nằm nghe nhạc, hoặc ra lan can đứng hút thuốc, nhìn những ánh đèn điện từ mấy tòa chung cư xa xa. Tôi cứ chìm trong tâm trạng của mình suốt cả đêm, cho đến khi đêm đã khuya, hoặc rạng sáng, đó là lúc tôi quyết định buông xuôi và chợp mắt.

Đó là một cảm xúc của nỗi buồn, trống trải và đơn độc. Nhưng “ta ngủ đi thôi” thể hiện rõ sự “alone together” của bộ phim (tôi dùng cụm từ “alone together” theo bản nhạc jazz tôi thích nhất, của Chet Baker). Vậy có thể hiểu, đó là một đêm mà hai người đã chìm trong sự cô độc, trống trải cũng nhau, để rồi bù đắp cho nhau, tâm sự với nhau suốt cả đêm, cho tới khi trời sáng, khi những gì đen tối nhất đã qua đi, đó là lúc chúng ta có thể “ngủ”, có thể tạm gác hết mọi âu lo cuộc sống, để nghỉ ngơi, bởi chúng ta đã có nhau.

Kết quả hình ảnh cho trời sáng rồi ta đi ngủ thôi

Tiểu kết

Sau khi xem xong, tôi xác định bộ phim không giống như góc nhìn của bài review mà tôi đọc được hồi chiều, dù góc nhìn đó rất hay, đã kéo tôi đi xem, nhưng tôi không thấy nó thực sự thuyết phục. Nhân vật Tâm, theo tôi, chưa phải trầm cảm. Đó là nhân vật đơn độc, trống trải, luôn phải gồng mình với cuộc sống, từng có ý nghĩ tự sát, nhưng không phải trầm cảm. Trầm cảm thuộc phạm trù bệnh lý, có những triệu chứng riêng, và không đơn giản như vậy. Ngày nay, người ta dùng từ trầm cảm nhiều quá, gì gì cũng trầm cảm, thành ra, đâu đâu cũng bị coi là trầm cảm. Bên cạnh đó, việc nhân vật Th.anh là tưởng tượng của Tâm cũng không có lý. Tôi đã từng sáng tạo ra nhân vật trong tưởng tượng của một nhân vật, nên bị cuốn hút bởi góc nhìn đó. Nhưng lần này tôi tin là không phải.

Nhìn chung, tôi đánh giá “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” là một bộ phim hay, có cá tính, rất tình và giàu cảm xúc. Cá nhân đánh giá còn hay hơn cả “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, chưa bằng “Song Lang” nhưng hơn hầu hết phim Việt trong mấy năm gần đây. Bộ phim xứng đáng có chỗ đứng riêng, được khán giả đón nhận, thay vì cần phải hạ mình để cầu xin khán giả “giải cứu”.

Hình ảnh có liên quan

Vậy tại sao tôi lại ghét “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”?

Nếu như bạn tìm đọc một bài review phim “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”, tôi đã review xong ở phần bên trên. Toàn bộ phần tiếp theo, lý do tại sao tôi ghét bộ phim này, đều mang tính cá nhân, với những lý do cá nhân, vấn đề cá nhân và cảm xúc cá nhân.

Đừng đọc. Tôi không muốn bạn đọc (nhưng tôi lại muốn viết nó ra, bởi suy cho cùng, đây cũng là blog của tôi, nơi tôi thể hiện tâm trạng của mình mà). Hãy ra rạp xem phim và cảm nhận, đừng đọc tiếp. Làm ơn!!!

000032
Một bức ảnh film tôi chụp, Fuji C200 expired date

Những ngày tháng này là những ngày tháng kỳ lạ nhất cuộc đời tôi. Tôi như đánh mất chính mình, nhiều khi cảm thấy rõ mồn một sự trống rỗng của tâm hồn. Tôi tìm đến chụp ảnh film, vẽ, và viết như một thứ thuốc thức thần; còn để xoa dịu sự trống rỗng, tôi tìm người nói chuyện. Tôi nói chuyện với nhiều người, người lạ, trên mạng xã hội, tới mức tôi chẳng còn nhận ra (hay nhớ ra) ai với ai. Đôi khi có vài người tôi muốn nói chuyện, nhưng có lẽ bởi tôi nói nhiều quá, tôi buồn quá, họ đã không còn nói chuyện với tôi.

Chúng tôi đã từng như Tâm và Th.anh. Không hẳn giống như vậy, tình yêu của chúng tôi đặc biệt và độc nhất. Nhưng tôi đã từng hiểu được cảm xúc của Tâm khi ở bên Th.anh.

Giờ đây, không còn nữa.

Bởi vậy, tôi xem bộ phim này mà cảm thấy sự trống trải và cô đơn của bản thân càng mọc rễ và như nuốt chửng lấy bản thân mình. Tôi có sự cô độc của bộ phim, nhưng đã mất đi tình yêu như trong bộ phim. Điều khiến cho bộ phim đứng vững là sự cân bằng, giữa đêm và ngày, nhưng với tôi, giờ chỉ còn toàn là đêm.

Bởi vậy, khi xem bộ phim, tôi thấy tủi thân ghê gớm. Lại càng tủi thân hơn khi bộ phim chỉ dành cho một nhóm vintage, như tôi đã kể ở trên, mà tôi luôn thấy bộ phim đang đẩy mình ra xa. Tại sao nhân vật chính bộ phim tình cảm nào cũng phải đẹp trai, xinh gái? Tại sao lúc nào cũng phải là kiểu mà chỉ cần nhìn qua thôi cũng khiến người khác thích? Tại sao phải như vậy, khi đã có tâm hồn, bởi nếu chỉ cần thích vì ngoại hình, thì tâm hồn đâu còn quan trọng nữa? Vậy hãy hình dung, một người có tâm hồn tuyệt đẹp, nhưng ngoại hình không đẹp, bạn có tiến đến và làm quen không? Tại sao hai nhân vật lại đến với nhau tình cờ và nhanh như vậy? Bởi nếu là tôi, mọi thứ sẽ đi qua, và chấm hết. Như Fallen Angel của Vương Gia Vệ, hàng ngày, tôi chạm tay vào rất nhiều người, một số người lạ có thể thành bạn, hoặc thậm chí trở thành bạn thân. Nhưng hầu hết trong số đó, sẽ mãi chỉ là người lạ. Người ta vẫn luôn mơ đến Esmeralda, chẳng ai chứa chấp Quasimodo tội nghiệp.

Tôi ghét “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” bởi chính ánh sáng của phim, tôi ghét bộ phim như đứa trẻ đặc biệt yêu thích một món đồ chơi, nhưng chẳng được cha mẹ mua cho món đồ chơi đắt tiền đó, nên sinh ra hờn dỗi, cáu bẳn. Tôi ghét “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” bởi chính sự tình cờ, ngẫu nhiên và cái duyên của hai nhân vật. Tôi biết, mình không phải là kiểu người đó, mình không thể làm được điều đó. Mình mãi là đứa trẻ rụt rè, nhút nhát, trong người mang ổ bệnh của chứng lo âu xã hội và phức cảm tự ti. Tôi biết, mình chỉ có thể ngồi một xó mà khóc thút thít, mà viết ra đôi ba dòng tâm sự, cảm nghĩ, và sống trong thế giới tưởng tượng của mình, cũng tương tự như Ryunosuke Akutagawa khi viết truyện ngắn Kappa.

Tôi ghét “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi”, bởi với tôi, trời không sáng, cũng không có “ta ngủ đi thôi”. Với tôi, chỉ có “Trời đã khuya lắm rồi, Đa-ĐA à, mày phải ngủ đi thôi!”

000040
Exit – A Filmphotography taken by Đa-ĐA

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s