Vào tháng 5 năm 2019, tính đến thời điểm tôi chính thức viết lại du ký này cũng đã là ngót 1 năm, tôi chính thức có chuyến đi xa nhất của mình từ trước đến giờ. Thú thật rằng gia đình tôi không có điều kiện, trước thời điểm đi làm, tôi cũng rất ít có cơ hội được đi du lịch. Kể từ khi đi làm, tôi bắt đầu giành giụm để đi đây đi đó, mở mang tầm mắt và hiểu biết. Bởi tôi hiểu rằng dù cho có đọc bao nhiêu sách, xem bao nhiêu phim hay video tư liệu, cũng không thể bằng việc đặt chân đến tận nơi, mắt thấy tai nghe, và ngắm nhìn những vùng đất mới, con người mới, những nền văn hóa mới. Vốn yêu thích văn hóa, lịch sử, với tôi, nền văn hóa đồng văn (Trung Hoa, Hàn Quốc (Triều Tiên), Nhật Bản) luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ, bởi sự đồng điệu và ảnh hưởng lẫn nhau với văn hóa nước nhà, nhưng đó đều là những vùng đất xa xôi, mà không biết đến bao giờ tôi mới có cơ hội được đặt chân tới.
Cơ hội đến bất ngờ
Cơ hội đặt chân đến xứ sở kim chi của tôi đến một cách hết sức bất ngờ. Vào thời điểm đầu năm 2019, tôi mới chuyển chỗ làm, từ công việc PR tại Đại học Thăng Long sang làm marketing ở nơi khác. Dẫu vậy, dự án tôi theo ở nơi cũ vẫn chưa kết thúc. Mỗi tuần, tôi đều về trường vào chiều thứ 2 (ngày nghỉ duy nhất trong tuần của tôi, hồi đó tôi đi làm cả chủ nhật và chỉ nghỉ thứ 2), để theo nốt dự án còn dang dở. Phần cuối của dự án này, nhóm chúng tôi sẽ phải thuyết trình trước hội đồng nhà trường. Đây là một áp lực rất lớn, bởi không giống như bảo vệ khóa luận – bạn chỉ thuyết trình trước khoảng bốn-năm thầy cô trong khoa, và có thể mắc sai lầm; dự án này của chúng tôi, chúng tôi phải thuyết trình trước hội đồng nhà trường, ban giám hiệu cùng lãnh đạo đại diện của các khoa, bộ môn, và dĩ nhiên, không được mắc sai lầm.
Chúng tôi dành công sức luyện tập tuần này qua tuần khác. Do tôi chỉ có thể dành 1 ngày trong tuần về trường luyện tập, nên tôi luôn cảm thấy mình bị thiếu thời gian chuẩn bị. Nhưng cuối cùng, ngày trọng đại đã đến.
Chúng tôi từng người bước ra ánh đèn sân khấu, bên trong cánh gà, những người còn lại lần lượt động viên nhau vượt qua sức ép lớn lần này. Giờ nghĩ lại, tôi luôn tưởng tượng ra bầu không khí của một trận chung kết, nơi chúng tôi sẽ bước vào loạt penalty ngạt thở, trước con mắt của hàng triệu cổ động viên trên toàn thế giới.
Dẫu sao, chúng tôi đã có một màn trình diễn thuyết phục. Từng người trong nhóm dự án bước ra, thuyết trình, trở vào, sau đó là cả nhóm dự án cùng trả lời chất vấn. Tất cả vẫn huy hoàng như một giấc mơ. Sau khi dự án kết thúc thành công và tốt đẹp, chúng tôi trở về phòng làm việc, chuẩn bị đi ăn mừng. Đó là lúc chị N.H. – sếp của tôi, đồng thời là trưởng dự án, nói với tôi về chuyến đi tham quan Hàn Quốc. Đó là một chương trình tham quan dành cho cán bộ công nhân viên của trường, dù tôi đã không còn là người của trường nữa, tôi vẫn có thể đi cùng dưới diện người thân. Dĩ nhiên, tôi sẽ phải đóng nguyên giá chuyến đi bởi không được hưởng chính sách hỗ trợ dành cho cán bộ công nhân viên nhà trường. Đó là một khoản tiền khá lớn, với tôi, khiến ban đầu tôi định từ chối. Nhưng sau đó, tôi suy đi tính lại, tôi nghĩ, tuổi trẻ thì nên đi, dù cái giá phải trả có cao chăng nữa, bởi biết đâu cơ hội sẽ không đến lần thứ 2? Tôi chưa từng ra nước ngoài, ngay cả những nước mà mọi người hay đi như Thái Lan, Malaysia, chứ đừng nói đến Hàn Quốc xa xôi và đắt đỏ. Nếu tự tôi đi một mình, thì chắc chắn tôi không thể vượt qua vòng xin visa, chưa kể đến những bỡ ngỡ khi đặt chân tới một đất nước xa lạ, mà tôi cần đến những người có nhiều kinh nghiệm đi ra nước ngoài đi cùng.
Vậy là cuối cùng, tôi quyết định sẽ tham gia vào chuyến đi này – chuyến đi được xem là đông đủ nhất của phòng PR, và có lẽ là đáng nhớ nhất, tính tới thời điểm hiện tại.
Ngày 0 (20/5/2019): Chuyến bay đêm
Chuyến bay của chúng tôi sẽ khởi hành vào khoảng 00:50, xe của công ty du lịch sẽ đón chúng tôi từ 21:00 tại trường, sau đó sẽ đưa mọi người ra sân bay. Và vì quy định công ty nơi tôi đang làm việc tương đối chặt, nghỉ ngày nào trừ lương ngày đó, nên tôi vẫn cố đi làm cho tới ngày cuối cùng, mà tôi tạm gọi là “ngày 0”. Gọi là “ngày 0” bởi chúng tôi sẽ rời Việt Nam vào ngày này, nhưng phải đến sáng hôm sau mới đến Hàn Quốc và có thể chính thức tham quan Hàn Quốc.
Ngày hôm đó, tôi vẫn đến công ty làm việc bình thường. Thậm chí tôi còn về muộn hơn giờ tan làm, do bận hoàn thành nốt một số việc dang dở, đồng thời upload các file lên drive chung để bàn giao cho đồng nghiệp trong thời gian tôi nghỉ. Khoảng 18:30, tôi trở về nhà, tắm rửa, ăn tối, rồi cùng với V.H. – cậu em làm cùng ở trường và dự án, nhà gần nhà tôi, cùng đi chuyến đi Hàn Quốc này, cả 2 bắt taxi đi chung lên trường. Rồi từ trường, xe của công ty du lịch sẽ đưa cả đoàn ra sân bay. Ngày hôm đó ở HN có một đợt gió đông mới về, mùi man mác sắp mưa. Một cơn mưa mùa hạ.
Chúng tôi đến sân bay, làm thủ tục check-in, xuất cảnh rồi vào phòng chờ. Trong lúc chờ, chúng tôi ăn nhẹ bởi sẽ bay cả chuyến bay dài qua đêm. Sau đó chúng tôi lần lượt lên máy bay. Máy bay bắt đầu cất cánh. Đây cũng là lần đầu tôi bay một chuyến bay đêm. Tôi vẫn luôn tưởng tượng về những chuyến bay đêm trong những ngày ngồi trên sân thượng, ngắm nhìn những chiếc máy bay nhấp nháy ánh đèn bay qua trong một buổi tối mùa hè. Có lẽ bởi vậy, bay đêm với tôi có một điểm gì đó quyến rũ lạ thường, mà tôi luôn muốn được trải nghiệm. Có người nói, bay đêm không có gì hay ho bởi ngoài trời tối om. Tôi không tin, nhưng quả thật giờ trải nghiệm, tôi mới thấy có đôi phần chán bởi ngoài trời tối om thật. Ngoại trừ những ánh sáng thành phố cuối cùng của Hà Nội khi máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc JinAir bắt đầu cất cánh từ sân bay Nội Bài, khi máy bay đã lên cao, ngoài cửa sổ không có gì ngoài một màn đêm u tối.
Dưới ánh sáng nhập nhoạng bên trong buồng lái, mọi người bắt đầu ngủ. Tôi cắm headphone nghe nhạc, thức đọc sách trên kindle đến khoảng 1h30 thì cũng đi ngủ. Bởi tôi biết hôm sau mình sẽ hạ cánh sớm (khoảng 08:30 là đến nơi) và còn cả một ngày dài đầy hứng khởi, thăm thú những nơi mới (mà chắc chắn sẽ cần tỉnh táo và đi bộ nhiều) đang chờ đợi.
Ngày 1 (21/5/2019) – Ngắm mặt trời mọc trên Thái Bình Dương – Hội sách trên đảo Nami – Lỡ chuyến tàu cuối cùng
Tôi bắt đầu tỉnh giấc khi nhận ra từ ngoài cửa sổ kia không còn là một màu tối đen, có một tia sáng mong manh đang lóe lên từ đường chân trời. Ánh sáng vòng quanh đường chân trời, như cảnh Trái Đất trong phim Superman.
Bình minh! Đó chính là mặt trời đang mọc trên Thái Bình Dương. Lúc này, mọi người trên máy bay vẫn đang say giấc nồng, ít ai nhận ra điều đặc biệt này (hoặc do họ đã quen với điều đó còn đây là lần đầu của tôi). Tôi thức dậy, ngắm nhìn ánh sáng trong trẻo của ngày mới. Tôi đã từng đón bình minh từ Hà Nội, từ Lai Châu, từ Ninh Bình, từ Sầm Sơn, từ Hạ Long, từ Phú Quốc, từ Đà Nẵng…, nhưng đón bình minh từ độ cao hàng ngàn mét, trên Thái Bình Dương là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ, đem lại cho tôi niềm hứng khởi vô cùng.
Trời dần sáng, tiếp viên hàng không của JinAir bắt đầu mang đồ ăn nhẹ cho từng hành khách. Đồ ăn nhẹ là một chiếc bánh sừng bò và một hộp sữa chua, khá ngon miệng sau một đêm dài trên máy bay.
Nhìn qua ô cửa sổ đã bắt đầu thấy đại dương và một vài hòn đảo bên dưới, có lẽ máy bay đã hạ thấp hơn độ cao so với bay lúc đêm. Tôi nhìn thấy một vài con tàu đang rẽ sóng, một vài đường điện (hoặc cáp gì đó) dài nối từ vùng đất này sang vùng đất khác.
Càng về sau, khung cảnh bên dưới càng thay đổi. Đã bẳt đầu thấy vùng đồng bằng trải dài, thưa thớt những ngôi nhà, rồi nhà cửa, xe cộ dày đặc hơn, cho tới khi hãng hàng không thông báo chuẩn bị hạ cánh, chúc quý khách có trải nghiệm vui vẻ trên đất nước Hàn Quốc và hẹn gặp lại quý khách lần sau.
Đoàn chúng tôi lần lượt bước xuống sân bay Incheon và làm thủ tục nhập cảnh. Mới sáng sớm, khoảng 8:00 theo giờ Hàn (khoảng 6:00 theo giờ VN) nhưng số lượng người nhập cảnh tương đối đông đúc. Dù ở Hàn, việc nhập cảnh là tự động hóa, tương đối nhanh chóng so với VN, nhưng đoàn người cũng xếp hàng dài. Ở đây, thấy phần lớn là người châu Á, cả người Việt, rồi cả người Trung Quốc (hoặc Đài Loan), lác đác cả những người phương Tây.
Ở sân bay Incheon có một thứ mà tôi thấy khá hay ho, bởi ở VN không có, đó là robot dẫn hành khách đi tìm hành lý. Bạn đến một sân bay và không biết khu vực nhận hành lý ký gửi ở đâu? Hoặc trong số vài dây chuyền hành lý, bạn không biết hành lý chuyến bay mình sẽ ra ở cổng nào? Chỉ vài thao tác cơ bản nhập mã chuyến bay, con robot đáng yêu này sẽ dẫn bạn đến tận nơi dây chuyền hành lý của bạn.
Trải nghiệm đầu tiên của tôi ở sân bay Incheon không phải bởi sự đồ sộ, hiện đại mà lại là trong nhà vệ sinh. Khi tôi vào nhà vệ sinh, tôi bắt gặp một người đàn ông đứng tuổi đang cọ rửa bồn. Người đàn ông này cúi sát vào bồn, cọ rửa kỹ lưỡng bên trong. Ông vẫn làm công việc của mình ngay cả khi hành khách đi ra đi vào tấp nập, thậm chí đi vệ sinh ngay bên cạnh, không một chút nao núng hay e dè. Tôi nhận ra, người đàn ông chỉ đang làm công việc của mình, cũng tương tự như người đưa thư đưa thư, người tài xế lái xe, hay người cảnh sát bắt tội phạm. Nếu ở VN, những người lao công thường không vào nhà vệ sinh khi đông người (một phần bởi lao công vệ sinh ở VN đa số là phụ nữ nên tránh vào nhà vệ sinh nam, một phần họ làm vậy để tránh gây phiền toái cho người đi vệ sinh, cũng như cho họ), thì ở đây, người đàn ông này vẫn làm công việc của mình mà không có bất cứ sự rụt rè nào. Tôi không biết phải nói gì về điều đó, nhưng có lẽ đó là một điều cơ bản trong xã hội Hàn Quốc và Nhật Bản, khi một người làm công việc (mà ở nhiều nước cho là thấp kém) thì họ sẽ vẫn làm và quen với điều đó. Tôi từng biết ở xã hội Nhật và Hàn phân chia tầng lớp gay gắt, liệu rằng có sự coi thường nào từ những người giàu có khác với những người đang làm việc (bị cho là thấp kém) này hay không? Người đàn ông này, vẫn đang làm công việc của mình, một công việc chân chính và đáng trân trọng. Tôi trân trọng người đàn ông này trong sự âm thầm, không nói chuyện, không giao tiếp, việc ai nấy làm, tương tự như cách tôi trân trọng những người lao động, những người lao công khác ở Việt Nam.
Khi bước ra khỏi sân bay, tôi cảm nhận rõ bầu không khí ở Incheon. Do gần biển, thời tiết ở đây có gió khá lạnh, dù trời đang nắng gắt. Hãy tưởng tượng trời nắng như một ngày đầu hè ở Hà Nội, hay một ngày đầu mùa khô ở Sài Gòn, nhưng thời tiết thì se se lạnh như một ngày đầu đông. Tôi đã phải mặc thêm áo hoodie cho đỡ lạnh.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là một nhà hàng nhỏ để ăn sáng. Theo như lời của chị hướng dẫn viên sống tại Hàn, người Hàn thường ăn sáng ở nhà hoặc làm cơm nắm, cơm hộp mang đi làm, ăn trên tàu điện ngầm nên đa số nhà hàng ăn sáng đều dành cho khách du lịch. Món đầu tiên chúng tôi ăn là mì udon.
Mì udon thực ra là một loại mì có xuất sứ từ Nhật Bản. Có nhiều nguồn gốc khác nhau về mì udon, nhưng phổ biến nhất là câu chuyện cổ được cho rằng nguồn gốc mì udon đến từ món mì của người Hoa, vào thời nhà Tống. Theo câu chuyện cổ, một nhà sư phái Rinzai đã học lại thuật xay bột từ nhà Tống, chế biến các loại mì udon và phổ biến ở Nhật Bản. Một số câu chuyện khác cho rằng mì udon thậm chí xuất hiện ở Nhật còn sớm hơn, từ thời nhà Đường.
Với việc là hai nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng với nhau, mì udon cũng phổ biến ở Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc, mì udon được xếp vào loại mì garak-guksu (mì sợi dày) để phân biệt với các loại mì sợi nhỏ phổ biến ở nước này (như mì tương đen Hàn Quốc).
Một bát mì udon ấm nóng là tương đối thanh đạm cho buổi sáng đầu tiên trên đất nước Hàn Quốc. Dù không phải một tín đồ của mì udon (và thậm chí cả spaghetti), tôi vẫn thưởng thức món ăn này một cách ngon lành. Ngay từ khi ở trên xe đi từ trường ra sân bay, hướng dẫn viên có bảo với chúng tôi rằng có thể một số món ăn Hàn Quốc sẽ không hợp khẩu vị người Việt, với những người không ăn được đồ ăn Hàn thì có thể mua đồ ăn liền ở cửa hàng tiện ích 24/7 gần khách sạn. Khi đi bất cứ đâu, tôi sẽ luôn ưu tiên thưởng thức những món ăn địa phương, dù cho tôi là người có phần kén ăn và không phải người sành ẩm thực. Tôi tin rằng đó là một cách tốt để thực sự thưởng thức chuyến tham quan văn hóa, như trong du ký Đà Nẵng-Hội An tôi từng đề cập. Khi sang Hàn Quốc, tôi chuẩn bị sẵn tinh thần có thể gặp những món ăn có khẩu vị không hợp với mình, nhưng sẽ vẫn sẽ thử để cảm nhận ẩm thực của vùng đất nơi mình đặt chân đến.
Sau khi ăn sáng, chúng tôi lên xe và di chuyển đến đảo Nami – điểm đến đầu tiên của ngày hôm nay. Chúng tôi ở trên xe khoảng hơn 2 tiếng, di chuyển qua nhiều vùng đồi núi. Từ chỗ ngồi bên cạnh cửa sổ, có thể thấy những quả đồi cùng dòng sông, xe chúng tôi đi qua hầm đào xuyên lòng núi. Tương truyền, người Hàn Quốc có câu “mở mắt ra là thấy đồi, mở đồi là thấy kim chi”, cũng bởi địa hình Hàn Quốc đa phần đều là đồi, sau này đến Seoul cũng thấy đồi ở ngay giữa lòng thủ đô, không phải chỉ là đồng bằng như các thành phố lớn ở Việt Nam.
Trong quãng thời gian dài trên xe, trong khi mọi người bắt đầu ngủ bù (có lẽ do đêm qua không ngủ được nhiều trên máy bay), tôi lấy sách ra đọc. Tôi đang đọc cuốn “Hãy chăm sóc mẹ” – một tác phẩm văn học Hàn Quốc của Shin Kyung-Sook. Tôi mới mua và mới đọc cuốn sách này khoảng 1 tuần trước chuyến đi. Khi đó, tôi nhận ra mình chưa đọc tác phẩm văn học Hàn Quốc nào, dù cho mình đã từng đọc khá nhiều văn học Nhật Bản, Trung Quốc hay các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Anh, Italia, Đức, Nga… (không tính văn học nước nhà).
Vừa mới ăn sáng xong, vậy mà đến địa phận Namsan-myeon gần đảo Nami, chúng tôi lại tiếp tục ăn trưa. Thực ra lúc ấy cũng đã khoảng 12:00 (theo giờ Hàn Quốc). Chúng tôi lại dừng lại một nhà hàng mà từ đó có view nhìn ra cảnh đồi núi rất đẹp.
Tại đây, chúng tôi thưởng thức món bò nướng BBQ. BBQ là viết tắt của cụm từ “barbecue” – cụm từ gọi chung các món nướng trực tiếp trên than hồng. Món bò nướng BBQ du nhập vào Hàn Quốc từ Mỹ, cụ thể là khu vực Texas, Mexico – nơi từng tồn tại nền văn minh người da đỏ. Tương truyền, khi Christopher Columbus đặt chân đến nước cộng hòa Dominica ở Châu Mỹ, ông đã thấy người da đỏ bản địa dùng lò lửa nướng những miếng thịt lớn nguyên tảng, họ gọi đó là “barabicu”, nghĩa là “hố lửa thiêng”. Khi người Mỹ giành độc lập từ Anh, dồn ép người da đỏ và sáp nhập các vùng đất Texas từ Mexico, món “barbecue” trở thành món ăn phổ biến với người Mỹ ở vùng đất này. Trong những bộ phim Mỹ, người Mỹ vẫn thường dành những thời gian rảnh rỗi, tụ họp bạn bè, người thân, họ hàng đến vào ngày cuối tuần, cùng nhau nướng món BBQ ở sân sau. Trong bộ phim truyền hình Breaking Bad, ta cũng có thể thấy phong tục này khi Hank cùng Walter White và bạn bè thường xuyên làm những bữa tiệc nướng.
Với mối quan hệ khăng khít giữa Mỹ và Hàn Quốc, cũng như ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ lên Hàn Quốc, bò nướng BBQ đã trở thành món ăn phổ biến ở Hàn Quốc. Bò nướng Hàn Quốc còn có tên gọi khác là gogibul – một loại đồ nướng trong gogi-gui, mà ở Việt Nam ta đã quen thuộc với chuỗi nhà hàng Gogi House. Khác với ẩm thực Việt Nam, ẩm thực Hàn Quốc, đặc biệt là các món BBQ thường ăn với khá nhiều loại gia vị và rau cuốn, giúp cho thực khách đỡ bị ngán do ăn nhiều thịt và dầu mỡ. Tôi khá thích món thịt bò nướng này.
Không hiểu sao, ở Hàn quốc thường mỗi bàn ăn chỉ có 6 ghế. Nhóm chúng tôi (nhóm trẻ phòng PR, so với nhóm các thầy cô lớn tuổi) có 7 người. Do tôi “nhập mâm” muộn nên phải ngồi tách bàn, ngồi cùng các thầy cô. Do mới ăn sáng, tôi vẫn còn chắc dạ nên ăn một lát, tôi rời mâm, ra ngoài hiên ngắm cảnh.
Cảnh trí hàn đới nơi này thực sự rất lạ mắt với đất nước nhiệt đới ẩm gió mùa chúng ta. Đặc biệt nhất là những tán cây lá đỏ, thường thấy rất đặc trưng trong những bộ phim Hàn Quốc, Nhật Bản. Do đi vào đầu hè nên số lượng cây lá đỏ ở Hàn Quốc không còn nhiều. Cây lá đỏ có nhiều nhất vào khoảng mùa thu.
Ở cạnh nhà hàng có một khu mua sắm đồ ăn và đồ lưu niệm. Trước khi đi, tôi đã phải lên một list những đồ mua về biếu sếp và tặng đồng nghiệp. Đây không phải văn hóa biếu tặng trục lợi, mà là một điều cố hữu ở Việt Nam. Khi có ai đi đâu đó về, vẫn thường mua đồ về tặng họ hàng, bạn bè. Trước chuyến đi Hàn Quốc, công ty tôi đi Đà Nẵng và ai cũng có quà cho tôi – người đã không tham gia chuyến đi đó. Nên lần này đến lượt tôi, cũng phải chuẩn bị những món quà cho đồng nghiệp. Tương tự, là cả quà cho gia đình, ông bà và một số nhà họ hàng thân thiết. Có nhiều người nói rằng đi du lịch thì cứ đi, không cần tặng quà ai cả. Đó cũng là một cách sống, nhẹ nhàng hơn, tự do hơn, nhưng với tôi – người sống trong gia đình tương đối truyền thống ở Việt Nam, thì văn hóa quà biếu vẫn còn phổ biến, mà tôi cũng chịu ảnh hưởng từ văn hóa đó. Dù sao, tôi thấy rằng việc mình mua quà về tặng mọi người cũng có điểm hay, bởi tôi sẽ chọn lựa những người gần gũi nhất trong vòng tròn xã hội của mình. Và món quà, có thể giá trị nhỏ thôi, nhưng phần nào mang tấm lòng của tôi khi đi xa khỏi mảnh đất mình sinh sống.
Tại nơi đầu tiên tôi đến này, tôi lựa chọn được một bộ dao dĩa inox tặng sếp. Giá trị cũng không cao, như tôi nói, đây không phải là món quà biếu trục lợi, mà để thể hiện tấm lòng. Trước lúc đi đến Hàn Quốc, tôi cũng tìm hiểu sơ lược về nền văn hóa, cũng như tính toán xem nên mua gì. Đối với quà lưu niệm, tôi sẽ ưu tiên những món đồ mang đặc trưng văn hóa nơi đây. Trong đó, có một món đồ (dù không phải đồ lưu niệm nhưng tôi muốn mua về tặng như đồ lưu niệm) là dao dĩa inox và bộ đũa inox. Cũng như những nước khác trong nền văn minh đồng văn, người Hàn Quốc sử dụng đùa làm dụng cụ ăn uống thiết yếu. Nhưng khác với Nhật Bản thường dùng đũa gỗ tách, Trung Quốc thường dùng đũa tre, Việt Nam thường dùng đũa gỗ, Hàn Quốc từ lâu đã không còn sử dụng đũa gỗ mà chuyển sang sử dụng đũa inox. Họ tin rằng đũa inox đảm bảo vệ sinh hơn, cũng như tránh để gỗ bị ẩm, mốc bám mùi gây mất ngon miệng khi gắp vào thức ăn. Bởi vậy, tôi cũng đã nhắm chọn mua bộ đũa inox của Hàn Quốc về cho riêng mình, như một món quà lưu niệm lưu giữ kỷ niệm chuyến đi này (mà đi đâu tôi cũng sẽ mua đồ lưu niệm mang nét văn hóa của vùng đó).
Sau khi ăn, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến đảo Nami. Lúc này, thời tiết đã ấm hơn, có nắng nhẹ, tôi chỉ còn mặc áo cộc tay.
Đảo Nami là điểm đến mà gần như ai đi Seoul cũng sẽ đến, bởi sự nổi tiếng của hòn đảo này trong bộ phim “Bản tình ca mùa đông”. Từ cuối những năm 90 đến nay, làn sóng hallyu của văn hóa Hàn Quốc bắt đầu phổ biến và nở rộ ở Việt Nam, thông qua những bộ phim truyền hình Hàn Quốc và nhạc K-pop. “Bản tình ca mùa đông” là một trong những bộ phim Hàn đầu tiên nổi tiếng ở Việt Nam, khi đó tôi còn rất nhỏ, nhưng vẫn nhớ mang máng. Cùng với “Bản tình ca mùa đông” là một số bộ phim Hàn đời đầu khác như “Giày thủy tinh”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Nàng Dae Jang-Geum”, “Truyền thuyết Jumong”…
Nhưng tôi thích đảo Nami không phải bởi đây là nơi quay bộ phim truyền hình Hàn Quốc (mà vốn từ lâu tôi đã không còn xem phim truyền hình Hàn Quốc nữa). Điều tôi thích ở đảo Nami ở nguồn gốc của hòn đảo này.
Đảo Nami, được đặt tên theo tướng Nami – vị tướng của thế kỷ 13 có công đánh đông dẹp bắc, giúp thống nhất nước Triều Tiên (kể từ đây, Triều Tiên ám chỉ các giai đoạn quân chủ, phong kiến trong lịch sử Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, không ám chỉ nước Bắc Triều Tiên). Là vị danh tướng, công thần, nhưng Nami lại bị chết oan vào năm 28 tuổi, do vị vu cho tội mưu phản vua Sejo. Vụ án oan của tướng Nami làm tôi nhớ đến án oan của Nguyễn Trãi dưới triều Lê, bị vu oan vào tội âm mưu giết vua Lê Thái Tông trong vụ án oan Lệ Chi Viên, sau đó bị tru di tam tộc, mãi đến đời vua Lê Thánh Tông sau này mới giải oan cho Nguyễn Trãi. Sau khi chết, xác của tướng Nami được người thân mang đi, sau này, có một đống đá được cho là chôn xác của ông. Tương truyền, ai lấy dù chỉ một viên đá khỏi nơi đó thì sẽ mang về nỗi bất hạnh cho gia đình.
Sự tích về tướng Nami cùng câu chuyện về những tổng thống Hàn Quốc tự sát mà tôi nghe sau này, đã đem lại nguồn cảm hứng để tôi viết truyện ngắn “The Suicide of the Red Pine” (Sự tự tử của thông đỏ).
Một điểm đặc sắc khác của đảo Nami, đó là năm 1965, một tỉ phú đã mua lại hòn đảo này. Năm 2006, hòn đảo này tuyên bố độc lập, với tên gọi “Cộng hòa Naminara”. Nếu coi đảo Nami như một quốc gia ở trong quốc gia thực sự, thì điều này có phần giống với thành Vatican – quốc gia của Chúa nằm bên trong thành Rome nước Ý, được sự bảo trợ của thành Rome. Sự độc lập của “Cộng hòa Naminara” thực ra không được quốc tế công nhận, trên thực tế, hòn đảo này cũng không có chính quyền, quân đội, trong khi dân cư bản địa cũng tương đối thưa thớt. Nhưng cái tên “cộng hòa Naminara” lại được nhà chức trách Hàn Quốc sử dụng cho hòn đảo, như một phương thức quảng bá du lịch. Tấm vé tham quan đảo Nami cũng được họ thiết kế như một passport để vào tham quan nước cộng hòa này.
Từ đất liền, phải đi thuyền ra đảo Nami. Gọi là đảo nhưng Nami không nằm ngoài biển, mà là một ốc đảo nằm trên sông Hàn – con sông lớn nhất Hàn Quốc.
Khi thuyền cập bến, hướng dẫn viên tiếp tục giới thiệu sơ lược về hòn đảo (mà nhiều thông tin tôi có được để viết du ký này đến từ hướng dẫn viên), rồi để cho chúng tôi tự túc tham quan, hẹn đến khoảng 15:00 sẽ tập trung để trở về.
Đến đây phải kể thêm rằng phương tiện liên lạc của chúng tôi là qua zalo và Facebook. Khi đến sân bay, chúng tôi đều mua sim 3G của SK Telecom. Anh chị hướng dẫn viên lập một group Zalo, mời chúng tôi join để có thể thông báo, rồi liên lạc với mọi người, đề phòng có người thất lạc. Riêng nhóm PR chúng tôi, chúng tôi lập một group chat Facebook và chủ yếu liên lạc với nhau qua group chat đó.
Khi lên đảo rồi, chúng tôi bắt đầu tách nhau ra. Ban đầu, tôi đi cùng cậu em V.H (người mà đi chung với tôi nhiều nhất trong chuyến tham quan này). Sau khi cả hai đi cùng nhau một lát, do mỗi người mỗi sở thích, lại còn chụp ảnh, nên cũng dần tách nhau, và tôi đi một mình.
Bầu không khí trên đảo rất mát mẻ, với gió lộng thổi qua những tán cây. Bầu không khí này làm tôi nhớ đến hồi nhỏ, khi về quê, tôi vẫn thường ra chùa – nơi có vườn cây rộng rãi xào xạc mỗi khi gió lùa. Nhìn lên bầu trời ấy, tôi vẫn không thể tin rằng mình đang ở một phương trời xa. Tôi cảm nhận sự tự do, là điều mà tôi thích trong mỗi chuyến du lịch. Tách mình ra khỏi nhịp sống thường ngày, không bận tâm tới công việc, tới bộn bề cuộc sống để hoàn toàn tận hưởng cái mới lạ của phương trời mới, sự trong lành của thiên nhiên, và những nền văn minh mới lạ. Đó chính là điều tôi thích nhất trong mỗi chuyến đi, và cũng có lẽ bởi vậy, ngày càng có nhiều người muốn đi du lịch là vì thế. Nhưng tôi luôn biết rằng mình không nên coi du lịch như một mục đích sống để toàn tâm theo đuổi (như nhiều bạn trẻ luôn vậy). Du lịch, tham quan với tôi là những quãng nghỉ (break), nhưng cuộc sống sẽ luôn phải làm việc. Bởi chỉ có làm việc, ta mới có thu nhập, để vun vén cho tương lai, để có những chuyến đi như này. Tôi không phải người giàu có, cũng không làm được bao nhiêu là đi du lịch và mua sắm bấy nhiêu. Những chuyến đi như này thường ngốn của tôi một khoản kha khá – khoản tiền mà tự tay tôi làm ra và tích góp, bởi vậy, tôi càng trân trọng quãng thời gian này, và hiểu rằng để có thể tiếp tục đi, tiếp tục khám phá những vùng đất mới, những nền văn minh mới, thì không gì khác, ngoài chăm chỉ làm việc. Tôi tin rằng đó là một sự cân bằng (balance) giúp tôi điều tiết cuộc sống. Nói đơn giản thì làm việc để có thể đi, và đi để nghỉ ngơi rồi quay về làm việc. Khi làm việc, tôi sẽ làm việc chăm chỉ. Còn ngay lúc này, với tôi, không gì khác ngoài tận hưởng chuyến đi.
Lang thang dạo chơi quanh đảo Nami cũng có nhiều điều thú vị.
Đó là một đường ray tàu điện vận chuyển con tàu tham quan dọc theo đảo (tương tự tàu điện ở công viên Thống Nhất).
Đó là một vài con đà điểu được rào ở một khu riêng.
Đó là một cây cầu gỗ bên cạnh hồ nước nhân tạo.
Đó là một mỏm đồi có cửa hang và bậc thang đá đi lên như hang Hobbit.
Đó là Unicef Hall.
Đó là một vài gian nhà cổ.
Đó là gian hàng lưu niệm có nhiều món đồ nhỏ xinh – nơi tôi đã gọi cho Penny – bạn gái của tôi, hỏi cô ấy thích đồ gì để tôi mua về tặng.
Nhưng thú vị nhất, đó chính là một hội sách đang được tổ chức tại đảo Nami. Nơi này đang diễn ra Nami Concours 2019. Ban đầu mới đọc thoáng qua, tôi còn ngỡ đó là Goncours – giải thưởng văn học Pháp danh giá bậc nhất (chỉ sau Nobel văn học).
Nami Concours 2019 không giống như hội sách Hà Nội ở công viên Thống Nhất – nơi các công ty sách mở gian trại bán sách, hội sách này giống một triển lãm về các tác phẩm dự giải hơn. Có nhiều mô hình quyển sách được dựng lên ở nơi đây, tạo cảnh quan kỳ thú và sinh động. Mỗi quyển sách được thiết kế theo mô hình khổ lớn, bên trên có hình minh họa bìa sách, cùng với thông tin về tác giả, tác phẩm. Các tác phẩm trong hội sách không chỉ có văn học Hàn Quốc mà còn có tác giả nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Chi Lê… Mỗi mô hình bìa sách được minh họa đầy sáng tạo, trông như bức tranh nghệ thuật.
Sau khi đi dạo gần hết thời gian, tôi tìm ra Nami Concours Gallery – nơi triển lãm hiệu ứng (visual) về các cuốn sách này. Tôi bước vào trong, bên trong khá yên tĩnh và vắng lặng, khiến tôi phải dè chừng vì e sợ có quy tắc. Tôi hỏi một chị ngồi ở đó rằng vào đây có phải mua vé không, chị ấy nói không. Tôi vào tham quan bên trong. Có nhiều không gian thú vị bên trong triển lãm nhỏ bé này, nhưng vì không được quay phim, chụp ảnh nên tôi chẳng thể lưu giữ được những hình ảnh ấy.
Cùng với Nami Concours 2019, trên đảo Nami lúc này cũng đang diễn ra Nami Island International Children’s Book Festival, được tổ chức từ 4/5-26/5. Có nhiều sự kiện hấp dẫn trong thời gian diễn ra sự kiện nhưng chiều nay thì lại không có sự kiện nào. Dẫu sao, được đến đảo Nami vào đúng dịp đang diễn ra hai lễ hội sách, với nhiều trang trí, triển lãm bắt mắt, tôi cũng cảm thấy thỏa mãn rồi.
Sau khi trở ra từ đảo Nami, chúng tôi lại lên xe, tiếp tục di chuyển về trung tâm thủ đô Seoul. Chuyến đi này cũng xa và dài, chắc khoảng 2 tiếng rưỡi – 3 tiếng. Tôi cũng tranh thủ ngủ một lúc trên xe.
Đến bây giờ, chúng tôi mới thực sự đến Seoul. Khi xe đi qua cây cầu bắc qua sông Hàn, tôi nhìn thấy tòa nhà Lotte World Tower lừng lững bên cạnh. Đây là tòa nhà cao nhất Hàn Quốc. Những tòa nhà cao tầng ở Seoul có vẻ chuộng kiểu thiết kế toàn bộ là kính. Nhìn tòa nhà nào cũng có nét gì đó giống với Keangnam Landmark 72 ở Hà Nội.
Chúng tôi xuống xe ở gần quảng trường Gwanghwamun, bên cạnh dòng suối nhân tạo Cheonggyecheon. Đây là con suối dài 5,8 km, chảy qua trung tâm Seoul, đổ ra một dòng sông hợp lưu với sông Hàn. Trước đây, Cheonggyecheon từng là một dòng suối chứa nhiều nước thải sinh hoạt của người dân, nước đen và tanh ngòm. Vào năm 2005, chính quyền thành phố quyết định sửa sang lại con suối, không để cho một dòng suối chảy ngay trung tâm thủ đô ô nhiễm như một cái cống, nên họ đã giành nhiều công sức và chi phí để xây dựng hệ thống lọc thải, cải tạo con suối thành như hiện nay. Dù cho đi cạnh con suối vẫn còn phảng phất mùi tanh không thể tránh khỏi (mà ngay cả ở Venice, khi đi thuyền dưới lòng sông, người ta vẫn ngửi thấy mùi tanh của nước tù), nhưng dòng suối tương đối đẹp và hiền hòa. Nhiều người dân thủ đô đi bộ, tập thể dục, vui chơi ở hai bên bờ. Có cả một vài cặp đôi ra đó hẹn hò nữa.
Từ Cheonggyecheon sang quảng trường Gwanghwamun không xa lắm. Đoàn chúng tôi đi bộ sang. Có một cô hướng dẫn viên người Hàn Quốc cầm cờ dẫn đường. Ở Hàn Quốc, người ta rất tuân thủ luật giao thông, cũng như ở Nhật hay các nước phát triển ở phương Tây, không loạn xạ như ở Việt Nam. Ngay cả người đi bộ cũng phải đi đúng luật: đi vào vạch kẻ cho người đi bộ, đợi đèn xanh mới được đi. Và phương tiện đi lại, chủ yếu là ô tô, cũng dừng đèn đỏ rất đúng quy định. Thậm chí, họ còn nhường đường cho người đi bộ nếu đèn xanh (dành cho phương tiện) đã bật nhưng người đi bộ chưa sang hết đường. Tôi từng nghe về điều này rất nhiều, luôn thầm khâm phục và ở Việt Nam, tôi luôn tuân thủ luật giao thông vì thế, nhưng được chứng kiến tận mắt mới thấy nể phục ý thức và sự văn minh. Về điều này, người Việt Nam còn cần phải học tập rất nhiều.
Đường đi bộ sang Gwanghwamun khá đông do vào đúng giờ tan tầm buổi chiều. Đi giữa dòng người đi bộ sang đường khiến cho tôi cảm giác giống như đang ở ngã tư Shinjuku ở Tokyo – nơi nổi tiếng với hình ảnh đám đông người đi bộ sang đường. Sau khi qua vài ngã tư, tôi bỗng nhận ra những người trong đoàn không đi cạnh mình nữa. Tôi nhìn quanh, tìm chị N.H; cậu V.H; hay anh N.N.H., cậu D., cậu L., bạn T., bạn T.H. nhưng chẳng thấy ai cả. Tôi đang đi giữa một đám đông lạ hoắc. “Chết rồi, mình lạc rồi sao?” Tôi bỗng nghĩ trong đầu. Thực ra nếu chẳng may có lạc, tôi vẫn có thể gọi Facebook cho mọi người. Đây cũng là địa điểm trung tâm, không sợ khó tìm. Nhưng tôi chẳng muốn lạc tí nào. Tôi nhìn quanh một hồi thì thấy ở phía bên phải có lá cờ màu vàng giơ lên. À, đó chính là lá cờ của cô người Hàn Quốc. Vậy là tôi đi tới đó, và nhờ đó thoát khỏi cảnh bị lạc.
Quảng trường Gwanghwamun là quảng trường chính của Seoul – nơi diễn ra các sự kiến chính trị tiêu biểu của xứ Hàn. Quảng trường này nằm ở trước cổng thành Gwanghwamun – cổng thành lớn nhất của cung điện Gyeongbokgung – cung điện hoàng gia của nước Triều Tiên (tương tự Hoàng thành Thăng Long hay Đại Nội Huế). Ngày mai chúng tôi sẽ được tham quan Gyeongbokgung, đây cũng là một trong những điểm đến tôi mong đợi nhất.
Ở quảng trường Gwanghwamun có hai bức tượng.
Một là tượng vua Sejong (Tiều Tiên Thế Tông) – vị vua thứ 4 của nhà Triều Tiên (Joseon). Ông được xem là một vị minh quân, bắc đánh Mãn Châu, nam dẹp cướp biển đảo Tsushima, cũng là người có nhiều cải cách, đưa nền văn hóa Triều Tiên phát triển rực rỡ, tựa như thời Edo ở Nhật Bản. Thời gian vua Sejong trị vì vào khoảng nửa đầu thế kỷ 15, tương ứng với khoảng cuối thời đại nhà Lê Sơ và đầu Lê Trung Hưng ở Việt Nam.
Bức tượng thứ hai là tướng Yi Sunshin (trên bảng thông tin ở quảng trường thì vị tướng này có tên phiên âm Latin là Yi Sunshin nhưng tên trên wikipedia lại là Yi Sun-sin). Yi Sunshin là vị danh tướng của nhà Triều Tiên dưới thời vua Sejong. Ông mang tước “tam đạo thủy quân thống chế sứ”, là người đã lãnh đạo thủy quân nhà Triều Tiên chống lại hải quân Nhật Bản trong Chiến tranh Nhật Bản-Triều Tiên.
Đến đây, cần phải nói thêm rằng dù là hai nền văn hóa có rất nhiều điểm tương đồng, thậm chí Hàn Quốc còn “nhập khẩu” chương trình giáo dục phổ thông của Nhật, dịch ra để đưa vào giảng dạy, nhưng người Hàn Quốc lại rất xung khắc với Nhật Bản, cũng bởi Nhật Bản từng nhiều lần xâm chiếm Hàn Quốc, không thua kém số lần Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam là bao.
Trước khi chiến tranh thế giới thứ 2 diễn ra, các triều đại Triều Tiên phải chống lại hai cuộc xâm lược của Nhật Bản, trong giai đoạn từ năm 1592 đến 1598. Đây là giai đoạn mà nước Nhật mới thống nhất sau thời kỳ Chiến Quốc kéo dài, được lãnh đạo bởi Hideyoshi Toyotomi – người tiền nhiệm của Tokugawa Leyasu – vị shogun (mạc chúa) đầu tiên của nước Nhật, lập ra mạc phủ Tokugawa nổi tiếng. Do mới thống nhất và đang sở hữu lực lượng samurai cùng quân đội hùng hậu, Hideyoshi Toyotomi quyết định xâm lược Triều Tiên. Lúc bấy giờ, cả Nhật Bản, Triều Tiên và Đại Việt đều là những nước chư hầu của Đại Minh – Trung Quốc. Trong khi Triều Tiên giữ vị trí đầu bảng chư hầu thì Nhật Bản lại xếp cuối cùng, có lẽ bởi vị thế xa xôi, cách biệt và nghèo khó ở tận hòn đảo cằn cỗi ngoài đại dương. Sau thời Chiến Quốc, Nhật Bản muốn gia tăng vị trí chính trị của mình trong khu vực, bởi vậy, họ quyết định xâm lược Triều Tiên. Việc xâm lược Triều Tiên, nếu thành công, vừa giúp Nhật Bản gây áp lực lên Đại Minh, vừa giúp Nhật Bản hạ bệ Triều Tiên để vươn lên đầu bảng chư hầu, đồng thời cũng giúp Hideyoshi Toyotomi giải quyết vấn đề dư thừa samurai hậu chiến – những chiến binh tinh nhuệ mà ông lo sợ nếu an nhàn trong thời bình có thể sẽ gây ra một cuộc nội chiến mới.
Trong hai cuộc xâm lược này, Nhật Bản đã từng tiến sâu vào nội địa Triều Tiên, chiếm được kinh đô Seoul của Triều Tiên, phá hủy nhiều cung điện. Cùng thời điểm này, tướng Yi Sunshin nắm quyền thủy quân, đánh bại Nhật Bản trong trận Myeongnyang, buộc Nhật Bản phải lui về Busan. Sau đó, Đại Minh đã đưa quân sang Triều Tiên, giúp Triều Tiên chống lại Nhật Bản. Tướng Yi Sunshin tử trận trong trận hải chiến cuối cùng trong chiến tranh Nhật Bản-Triều Tiên. Lúc bấy giờ, Hideyoshi Toyotomi qua đời, nước Nhật bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực khi Tokugawa bắt đầu gia tăng thanh thế, nên có ý muốn rút quân về nước để lo tình hình nội địa. Trong trận hải chiến cuối cùng, Triều Tiên đã đẩy lùi Nhật Bản ra tận đảo xa, thậm chí còn đánh sang đảo Tsushima. Mãi đến khi trận chiến kết thúc, Nhật Bản mới biết tướng Triều Tiên Yi Sunshine đã chết. Tương truyền, trước khi qua đời, ông bảo với tướng lĩnh dưới quyền là phải tuyệt đối giấu cái chết của mình để tránh làm rối loạn lòng quân, Nhật Bản được khích lệ sĩ khí. Việc giấu cái chết của Yi Sunshine cũng tương tự như Gia Cát Lượng giấu cái chết của mình để uy hiếp quân nước Ngụy đang truy đuổi.
Sau này, đến giai đoạn Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Đế quốc Nhật Bản lại tiếp tục xâm lược Triều Tiên. Lần này, Nhật Bản hoàn toàn thắng thế, không chỉ xâm lược Triều Tiên mà còn cả Trung Quốc, cả Đông Dương và lan rộng xuống phía nam Thái Bình Dương. Trong giai đoạn đó, chính sách cai trị của Nhật Bản ở Triều Tiên gây nhiều phẫn nộ, dẫn đến sự thù địch sau này.
Ở quảng trường Gwanghwamun, tôi thấy có cả khu tưởng niệm các nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol – một vụ tai nạn đầy thương tâm năm 2014. Vụ việc từng gây chấn động khi chiếc phà Sewol chở 476 người từ Incheon tới đảo Jeju đã bị chìm, trong đó có hơn 300 học sinh và giáo viên từ trường trung họ Danwon ở Seoul có mặt trên chuyến phà tử thần đó.
Ở ngay những ngã tư dọc quảng trường, tôi còn bắt gặp những cảnh người dân biểu tình. Có một người đàn ông mặc bộ quần áo khá kỳ quặc, như bộ lông thú vật, giơ cao tấm bảng biểu ngữ tiếng Hàn tôi đọc không hiểu, có lẽ là biểu tình về khí hậu, môi trường hay vấn đề liên quan đến động vật hoang dã. Rồi lại có một bạn nữ, xinh xắn, trẻ trung, chắc ở độ tuổi như tôi hoặc nhỏ hơn, đang cầm những tấm biển biểu tình chống lại Donald Trump. Tôi không thực sự hiểu vấn đề ở đây là gì, và thấy điều này có phần lạ lùng so với mối quan hệ khăng khít giữa Hàn Quốc và Mỹ.
Sau khi tham quan quảng trường, chúng tôi lên xe đi ăn tối. Lúc này cũng đã khoảng 18:45 nhưng trời vẫn còn nắng. Chúng tôi vào một nhà hàng mà phải đi bộ xuống dưới hầm vì nhà hàng ở bên đó. Thấy bảo, những nhà hàng ở Hàn Quốc vẫn thường hay vậy, khác với ở Việt Nam, nhà hàng thường ở tầng trệt hoặc trên tầng cao, nhiều nhà hàng ở Hàn Quốc lại ở bên dưới, phải đi thang bộ xuống để tới đó.
Chiều nay, chúng tôi thưởng thức món lẩu, chúng tôi uống bia và một chút rượu soju. Do vốn không thích lẩu là mấy, tôi không ăn nhiều lắm.
Sau bữa ăn, chúng tôi ra ngoài. Điều làm tôi thấy lạ lùng là dù đã 19:30 nhưng đường phố Seoul vẫn sáng, trời chiều như khoảng 17:30 ở Việt Nam. Thường thì vào mùa hè, ở Hà Nội trời có thể còn sáng đến hơn 19:00, nhưng đến khoảng 19:00 là trời đã tối mịt rồi, chỉ còn chút dánh dương ở phía Tây còn ở Seoul, đã 19:30 nhưng vẫn còn rất sáng. Có lẽ để trời tối hẳn thì phải đến hơn 20:00.
Đường phố ở Seoul cũng có đôi điều đặc biệt, khi nó cứ dốc, có đoạn dốc ngược khá cao, không bằng phẳng như ở Hà Nội. Có lẽ là bởi Seoul là thành phố ở trên vùng đồi, có nhiều đồi nên có nhiều con đường thoai thoải như vậy.
Đi dạo ra chỗ đậu xe, chúng tôi thích thú khi nhìn thấy một vài nhà hàng Việt Nam, mà tiêu biểu là nhà hàng Hạ Long. Thực ra điều này là hết sức bình thường, như ở Việt Nam, ta cũng thấy không thiếu những nhà hàng Hàn Quốc, nhưng bắt gặp thương hiệu Việt trên đất nước bạn vẫn là một điều thú vị nho nhỏ.
Chúng tôi trở về khách sạn, cất đồ đạc, tắm rửa, nghỉ ngơi. Khách sạn nơi tôi ở là một khách sạn bình dân, ở gần ga Shingil thuộc về Gangnam (khu vực phía nam của Seoul, chứ không phải khu Gangnam giàu có). Chương trình tour tham quan trong ngày ngừng ở đây, cả đoàn đa số ở lại khách sạn nghỉ ngơi, nhưng nhóm PR chúng tôi lên kế hoạch tiếp tục đi chơi buổi tối. Và đây là chuyến đi hoàn toàn tự túc.
Sau khi tắm rửa và nghỉ ngơi một lát, chúng tôi tụ họp lên đường. Chúng tôi đi bộ ra ga tàu điện ngầm Singil, bắt chuyến tàu đi sang chợ hải sản Noryangjin cách nơi chúng tôi ở khoảng 4km. Từ ga Singil đi chỉ 1 bến, tuy nhiên, phải nói là hệ thống tàu điện ngầm ở Seoul tương đối phức tạp. Những người từng có kinh nghiệm đi tàu điện ngầm ở Singapore như chị N.H hay Thâm Quyến như bạn T. cũng cảm thấy hệ thống tàu điện ngầm ở Seoul rắc rối hơn. Dù chị N.H. từng sang Nhật, đi tàu điện ngầm ở Tokyo và hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo phức tạp hơn nhiều, nhưng cũng bối rối trước hệ thống tàu điện ngầm ở Seoul. Tôi chưa đi tàu điện ngầm bao giờ, dù có được hướng dẫn sơ qua cách tìm line, nhưng bước vào thực chiến hoàn toàn bối rối. Chúng tôi mua vé, rồi đi tìm cửa, mà tôi chẳng biết được đâu mới là đúng cửa để đến trạm tôi muốn đến. Thế rồi chúng tôi lên tàu, trên tàu có bảng điện tử hướng dẫn điểm dừng tiếp theo, thấy bảng có ga Dongjak-gu, gần chợ Noryangjin, tôi mới yên tâm.
Trong line này, con tàu chỉ chạy trên mặt đất chứ không chạy ngầm. Chúng tôi xuống ga Dongjak-gu, đi bộ sang chợ hải sản. Trên đường đi sang, chúng tôi đi qua một đường hầm có nhiều tờ rơi gái gọi.
Thời tiết ở Seoul khá lạ lùng với chúng tôi. Ban sáng thì se lạnh, đến trưa hơi nóng, và giờ đến tối thì lạnh hoàn toàn. Từng đợt gió lùa lạnh như những đêm mùa đông gió mùa về ở Hà Nội. Tôi mặc áo hoodie, trùm mũ lên mà vẫn lạnh. Chúng tôi đi bên nhau, co ro giữa làn gió lạnh ở Seoul. Lúc bấy giờ là khoảng 22:30.
Chợ hải sản Noryangjin cũng nằm dưới một tầng hầm. Nơi này khá ướt át và tanh, tới mức tôi đi giày đi trên sàn ướt sũng cũng cảm thấy không thoải mái cho lắm. Nơi đây bán đủ loại hải sản khác nhau. Chúng tôi đến một hàng bán hải sản, chọn mua một con cua hoàng đế (kingcrab), sau khi cả hội quyết định sẽ ăn kingcrab cho bõ công đi. Với một số người trong nhóm như chị N.H. thì kingcrab không còn có gì là lạ, nhưng với tôi, trước nay chẳng bao giờ có cơ hội ăn những món sơn hào hải vị đắt như vậy. Chuyến đi này tôi cũng không dư rả tiền tiêu, nhưng cũng là dịp thử một lần, hơn nữa, cả nhóm đã cùng tán thành, với tổng chi phí cả những món hải sản khác thì mỗi người khoảng 50.000 won (khoảng 960.000 VNĐ) thì đây là mức có thể chấp nhận được. Hải sản là một trong những đặc sản của Hàn Quốc, đến Hàn Quốc không ăn hải sản thì cũng khá là phí. Ban đầu chúng tôi tính ăn món bạch tuộc sống, giống như trong phim Old Boy nhưng chẳng tìm được nên quyết định chọn kingcrab.
Chúng tôi mua hải sản ở chợ bên dưới, và họ sẽ làm và chế biến rồi mang lên nhà hàng ở bên trên. Người phụ nữ bán hàng không biết tiếng Anh, con trai của bà ta cũng bập bõm, việc giao tiếp tương đối khó khăn và tôi thậm chí còn lo rằng họ không hiểu ý của chúng tôi. Nhưng cuối cùng, khi chúng tôi lên nhà hàng bên trên thì một hồi sau, các món hải sản chúng tôi mua như ốc, mực cũng vào, và rồi đến món chính trong đại tiệc đêm Seoul, là kingcrab. Con kingcrab khá lớn, nếu tôi không nhớ nhầm là 6kg, ở Việt Nam, giá bán khoảng chừng 2 triệu 1/1 kg thịt tươi (chưa nấu). như vậy, con này ở Việt Nam rơi vào khoảng 6 triệu 6 chưa chế biến, nhưng hiện giờ chúng tôi ăn thì giá tổng con này chỉ khoảng 5 triệu, đã chế biến.
Điều đặc biệt của món kingcrab là nó to, nhiều thịt và rất ngọt. Từ cái chân của nó cũng rất nhiều thịt, phải dùng kéo để cắt ra mới ăn được. Đây là lần đầu tôi ăn món này, và trừ khi sau này tôi trở nên giàu có, có lẽ cơ hội để tôi ăn những món như này là không nhiều.
Sau khi đã đánh chén vị hoàng đế của biển cả, chúng tôi phải nhanh chóng trở lại ga để bắt chuyến tàu cuối cùng. Lúc ấy đã khoảng 23:40, đến 00:00 sẽ không còn tàu nữa. Chúng tôi tức tốc trở về, lại đi qua đường hầm với những tờ rơi gái gọi để trở lại ga. Chúng tôi đến ga lúc 23:55, vội vàng mua vé nhưng rủi thay, máy bán vé vì lý do nào đó lại không dùng được. Chúng tôi thử đi thử lại, đúng cách, đúng quy trình nhưng đều không được. Chúng tôi không biết tại sao, do kẹt vé hay do máy hết tiền trả lại. Một gia đình người Hàn cũng đến thử nhưng cũng không mua được.
Đã quá 00:00, chúng tôi lỡ chuyến tàu cuối cùng. Ga đã đóng cửa. Một vài người vô gia cư bắt đầu trải chiếu nằm ra sàn. Ở Seoul có khá nhiều những người vô gia cư như vậy. Tôi ít khi gặp cảnh người vô gia cư ngủ ngoài đường hay ở nơi công cộng. Có lần, tôi đi về khoảng 23:30 ở những đoạn đường trung tâm Hà Nội như Tràng Thi, cũng gặp những người vô gia cư. Tôi luôn nghĩ, chỉ cần mình có nhà là đã hạnh phúc hơn những người vô gia cư như vậy. Những ngày trời lạnh giá, họ phải nằm ở ngoài trời mà thiếu đi chăn đệm, thật đáng thương biết mấy.
Tình cảnh của chúng tôi lúc này cũng bắt đầu nguy nan. Xui xẻo nhất, chúng tôi phải đi bộ 4km để trở về. Tuy nhiên, chúng tôi không rơi vào thế bí. Thế bí mà trước đây, hồi còn học cao đẳng ở Gia Lâm, tôi đã từng mắc phải.
Đó là một đêm đáng nhớ, đêm đầu tiên tôi đi ở trọ. Tôi đi ăn tối ở nhà trọ của bạn đến khoảng 21:00 trở về, vậy mà chủ nhà trọ nơi tôi ở đã đi ngủ. Đường xá nơi này tối om, vắng vẻ, tôi chẳng ngờ người dân nơi đây đi ngủ sớm vậy. Tôi còn gặp thảm cảnh đó là điện thoại hết pin, chuyến xe bus cuối cùng về nhà cũng vừa đi mất. Tôi đứng gọi ngoài cửa nhưng chẳng ai nghe cả, nhà chủ nhà trọ ở sâu tít bên trong. Đêm đó là một đêm lạnh giá mùa đông, tôi đã sợ rằng phải ngủ ngoài đường. May sao, tôi chạy sang nhà một người bạn nữ ở cách đó 3km, gọi nhờ cuộc điện thoại đến một người bạn nam khác xin ở nhờ, rồi lại chạy ra chỗ hẹn là phòng trọ của tôi. Đêm đó là một đêm vô cùng khó khăn với tôi, dù chỉ cách nhà có 30km, nó vẫn đáng sợ hơn tình cảnh tôi gặp phải hiện giờ, cách nhà hàng ngàn km.
Chúng tôi đi lên đường phố, lúc này đã tương đối vắng vẻ. Chúng tôi còn nhiều lựa chọn, có thể là đi taxi, hoặc đi bus. Sau một hồi bàn bạc, chúng tôi quyết định đi xe bus, dù chúng tôi không biết xe bus đi những chặng nào, có đi qua ga Singil hay không, giá vé là bao nhiêu, họ có đồng ý nhận tiền mặt hay phải mua vé tháng, và chúng tôi cũng không rõ liệu người lái xe có nói được tiếng Anh hay không.
Chúng tôi đợi ở bến xe cho tới khi một chiếc xe số 9 (có thể số khác, tôi không nhớ rõ) đến. Theo như app kakao chỉ dần, đây là xe bus đi về ngã tư gần ga Singil. Chúng tôi lên xe, chị N.H. và anh N.H. nói chuyện với người tài xế. Người tài xế có nói được đôi chút, ông ta nói giá tiền, và bảo chúng tôi bỏ tiền vào cái máy (giống như máy bán hàng tự động) ở đó. Việc giao tiếp ban đầu cũng hơi khó khăn do không hiểu ý nhau nhưng rồi cũng đâu vào đấy. Chúng tôi ngồi trên xe bus vào hơn 00:00, ngắm nhìn đường phố vắng vẻ. Những chiếc xe bus ở Seoul hình như đi cả đêm, không như ở Việt Nam, chuyến cuối là 21:30. Dù đã ngoài 00:00, trên bus vẫn có một số lượng khách nhất định, không đông, nhưng cũng không quá vắng.
Chúng tôi xuống ở điểm dừng mà theo bản đồ, ngay đối diện là ga Singil nhưng chúng tôi không thể sang đường vì đó là đường tàu điện. Không như đường tàu hỏa, có thể đi bộ cắt ngang, đường tàu điện có nhiều line, được rào bảo vệ không cho người ngoài đi vào. Vậy là chúng tôi cách nhà một con đường nhưng không thể sang đó. Đã nửa đêm, chúng tôi đành đi dọc theo đường tàu, hy vọng sẽ tìm được lối sang gần đó. Đi dọc theo đường tàu, đó là một khu dân cư, đã nửa đêm, khu dân cư yên tĩnh. Chúng tôi biết vậy, cũng không nói chuyện ồn ào, cứ cùng nhau đi như vậy đến tận cuối con đường. Chúng tôi đã sợ rằng đó là một đường cụt và không có lối sang, nhưng may sao, ở cuối con đường có một đoạn đường hầm để đi sang bên kia đường. Vậy là cuối cùng, chúng tôi cũng thấy đường về nhà. Chúng tôi đi qua đường hầm, rồi từ đó về khách sạn.
Gần khách sạn có cửa hàng tiện lợi CU mở cửa 24h (kiểu như Circle K hay Vinmart ở Việt Nam). Đến nơi, tôi về khách sạn trước, mọi người rẽ vào CU mua đồ ăn đêm. Có lẽ lúc bấy giờ đã 01h30 sáng. Sau ngày đầu tiên trải nghiệm trên xứ sở kim chi, tôi đặt mình xuống giường và ngủ. Chúng tôi sẽ phải dậy từ 07:00, xuống ăn sáng rồi 07:45 xuất phát. Bởi vậy, thực ra những ngày đi du lịch, tôi được ngủ thậm chí ít hơn cả những ngày bình thường đi làm, và gần như chuyến đi nào của tôi cũng đều như vậy. Ngày mai, sẽ lại là một chuyến đi dài, và tôi được đến điểm đến mình rất thích, đó là cung điện Gyeongbokgung.
<To be continued>
[…] Du ký: Hàn Quốc 2019 (Phần 1) […]
ThíchThích