Du ký: Hàn Quốc 2019 (Phần 2)

Ngày 2 (22/05/2019): Time travel về thời Joseon tại cung điện Gyeongbokgung – Trải nghiệm cảm giác mạnh của roller coaster sợ bậc nhất Châu Á – Seoul by Night

Trong những chuyến du lịch bình thường, mỗi sáng thức dậy, dù sớm, dù muộn, tôi vẫn cảm nhận được sự yên bình. Có lẽ là những địa điểm tôi đến thường là những thành phố biển. Với chuyến đi Seoul này, tôi cũng nghĩ sẽ mở đầu ngày mới bằng cảnh yên bình, để tránh xa sự ồn ào, tất bật của cuộc sống công việc thường nhật. Vậy nhưng không, Seoul là đầu tàu kinh tế của Hàn Quốc, là thành phố mà đêm thì không ngủ còn ngày thì dậy sớm. Tôi thức dậy vào khoảng 7 giờ sáng, nghe thấy tiếng xây dựng từ một vài tòa nhà bên cạnh khách sạn. Đó là tiếng động hết sức thân quen mà ở Việt Nam vẫn thường hay thấy. Tôi nhận ra, dù ở đâu chăng nữa, thì những thành phố cũng đều ồn ào, tất bật như nhau.

Ở khách sạn nơi tôi ở, dù là khách sạn bình dân nhưng cũng có khu vực ăn sáng buffet ở phía dưới. Đồ ăn tương đối đơn giản, có cơm, có mì xào, bánh mì, nhìn chung là một vài đồ ăn sáng phổ biến như ở các khách sạn, nhưng ở Hàn Quốc, người Hàn Quốc có thói quen ăn kim chi và canh rong biển nên có thêm canh rong biển. Tôi ăn chút cơm và bát canh rong biển.

Do đêm đi chơi về muộn nên chúng tôi dậy khá muộn. Khi chúng tôi xuống ăn thì cả đoàn đã ăn xong, nên chúng tôi cũng chỉ ăn nhanh chóng rồi lên xe để tiếp tục hành trình khám phá Seoul.

Ở bên ngoài, trời đã nắng. Nắng chang chang như mùa hè ở Hà Nội, nhưng không nóng bằng. Người người đi làm tất bật. Họ thường đi bộ ra tàu điện ngầm hoặc xe bus. Người đi bộ đi làm trên vỉa hè rất đông, không như Việt Nam, chủ yếu đi làm bằng xe máy và ô tô cá nhân.

Chúng tôi đi qua cầu, cây cầu tắc cứng ô tô. Vậy mới thấy vào giờ cao điểm, ở Seoul cũng tắc đường như thường.

Xe đưa chúng tôi từ Singil ở Gangnam sang Gangbuk, trên đường đi có đi qua nhiều con phố của Seoul, có thể thấy cả một quả đồi (không phải Namsan) có nhà mọc san sát ở bên. Đây là cảnh trí rất lạ lùng mà ở những thành phố lớn ở Việt Nam không có.

Chúng tôi dừng chân ở một con phố cổ thuộc Sogyeok-dong, bên cạnh Gyeongbukgung để thuê hanbok. Ở Gyeongbukgung có một quy tắc rất hay, đó là những ai mặc hanbok sẽ được miễn phí vé vào cửa. Dĩ nhiên, thuê hanbok sẽ phải mất tiền, nhưng quy tắc mặc hanbok được miễn phí vé tham quan Gyeongbukgung này giúp quảng bá hanbok nói riêng và văn hóa Hàn Quốc nói chung. Nếu ở những di tích văn hóa, lịch sử Việt Nam cũng có quy tắc miễn phí vé cho người mặc áo dài, hay áo nhật bình, thì hay biết mấy.

Cửa hàng hanbok có vô vàn bộ trang phục khác nhau, từ trang phục hanbok của vua, hoàng hậu, đến hanbok binh lính, thường dân.

Cũng như kimono của Nhật Bản, sườn xám của Trung Quốc và áo dài của Việt Nam, hanbok là quốc phục của Hàn Quốc. Hanbok trong tiếng Hàn nghĩa là “Hàn phục”, là trang phục phổ biến dưới thời Joseon, tồn tại cho tới tận ngày nay. Thực tế thì không phải người dân Hàn Quốc nào ngày xưa cũng đều mặc hanbok.

Hanbok dành cho nam giới thường đơn giản hơn, bao gồm áo jeogori, quần baji, khi ra ngoài thường khoác thêm áo durumagi dài tới đầu gối, hoặc ai là quan sẽ mặc thêm kwanbok (quan phục) bên ngoài. Hanbok dành cho nữ giới có phần cầu kỳ hơn, với chiếc áo jeogori thiết kế bó hơn và ngắn hơn, bên trong mặc áo heoritti. Nữ giới sẽ mặc váy chima, dưới lớp váy chima mặc độn thêm nhiều lớp váy lót như darisokgot, soksokgot, dansokgot, and gojengi để váy phồng lên, trông đẹp hơn.

Ở thời Joseon, dân thường chỉ được mặc hanbok trắng. Hanbok màu sắc sặc sỡ chỉ được vua chúa, quý tộc, quan lại mặc. Ngoài ra, vào các dịp lễ hội thì dân thường cũng được mặc hanbok sặc sỡ. Thường thì người trẻ sẽ mặc hanbok màu tươi trẻ, nhiều họa tiết hơn, còn người trung tuổi, lớn tuổi sẽ mặc hanbok màu sẫm, nhạt, ít họa tiết. Ngoài ra, hanbok còn có nhiều kiểu dáng, có lẽ dành cho các tầng lớp khác nhau nhưng tôi không nắm được những kiến thức chuyên sâu hơn về hanbok.

Cùng với hanbok, còn có một số phụ kiện đi kèm, trong đó phổ biến nhất cho nam giới là mũ gat – một loại mũ cho nam giới thời Joseon mà ta thường thấy trên phim ảnh. Tôi chọn cho mình một bộ hanbok có áo màu xanh ngọc bích, quần màu xanh da trời, cùng với một chiếc mũ gat.

Cả đoàn chúng tôi mặc hanbok, tiến vào hoàng cung. Nhìn từ xa, chúng tôi không khác gì một đoàn người Hàn, mà họ có thể hiểu nhầm là có lễ hội, văn nghệ hoặc đang đóng phim. Đó là những người khách du lịch, hoặc học sinh có thể nghĩ vậy, chứ tôi nghĩ người dân xung quanh đó có lẽ cũng biết những người mặc hanbok đi vào hoàng cung thì thường là khách du lịch, bởi bình thường ít ai mặc hanbok ra đường. Khi chúng tôi đi vào cung, có một vài người khách Tây chụp ảnh. Một vài người xin chụp ảnh cùng. Thậm chí còn có một nhóm khách du lịch Việt Nam đến xin chụp ảnh, nói với chúng tôi bằng tiếng Anh, vì nghĩ chúng tôi là người Hàn Quốc.

Gyeongbokgung, có tên Việt hóa là Phúc Cảnh Cung, là hoàng cung của vương triều Joseon, và là cung điện đẹp nhất, nguy nga nhất, bề thế nhất còn lại ở Hàn Quốc. Gyeongbokgung tọa lạc ngay trung tâm Seoul, với chính diện là quảng trường Gwanghwamun mà chúng tôi đã tham quan chiều qua, xung quanh là nhiều ngôi làng cổ. Nguyên Gyeongbokgung khi xưa là hoàng thành, các làng cổ xung quanh cũng đều là nơi ở của quan lại, quý tộc, hoặc những người giàu trong xã hội thời đó.

Gyeongbokgung được xây dựng vào năm 1394, khi vị tướng Yi Seong-gye lật đổ vương triều Goryeo (Cao Ly) tồn tại 400 năm để thành lập triều đại Joseon (Triều Tiên). Ông lên ngôi vua (sau này mất, miếu hiệu là Taejo), rời đô từ Kaesong (nay là một thành phố ở phía nam của nước Bắc Triều Tiên). Một điều thú vị về Kaesong, thành phố này trước năm 1950 thuộc về Hàn Quốc, sau thỏa thuận đình chiến, Hàn Quốc phải chuyển giao thành phố này cho Bắc Triều Tiên. Do gần biên giới, đây là trung tâm giao lưu văn hóa, kinh tế giữa hai nước, và đây cũng là 1 trong 2 địa điểm duy nhất ở Bắc Triều Tiên mà người Hàn Quốc được lui tới.

Gyeongbokgung là công trình phong kiến tiêu biểu của Hàn Quốc, đại diện cho một thời kỳ vàng son trong lịch sử hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc. Thế nhưng, nhiều lần cung điện đã bị tàn phá do chiến tranh. Cuối thế kỷ 16, Gyeongbokgung bị quân Nhật xâm chiếm và tàn phá. Triều đình Joseon phải rời đến Changdeokgung, hay còn gọi là Đông Cung, cũng nằm ở Seoul. Nơi đây trở thành cung điện chính của triều đình cho tới khi họ chiến thắng Nhật Bản, và xây dựng lại hoàn thiện Gyeongbokgung vào năm 1868 mới chuyển về. Như vậy, triều đình Joseon đã ở Changdeokgung trong 270 năm, trước khi chuyển lại về Gyeongbokgung.

Đến năm 1895, đế quốc Nhật Bản lại xâm lược Hàn Quốc. Lần này, triều đình Joseon đã phải rời bỏ Gyeongbokgung mà không bao giờ trở lại. Dưới ách đô hộ của Nhật Bản, Gyeongbokgung bị tàn phá nặng nề, nhiều công trình bị hư hại hoàn toàn. Mãi đến tận năm 1995, Gyeongbokgung mới được phục dựng và còn lại hiện trạng như ngày nay.

Trước khi tham quan đại điện, chúng tôi tham quan bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, cũng được đặt bên trong Gyeongbokgung. Tôi luôn thích thú mỗi khi tham quan bảo tàng, đặc biệt là khi đi du lịch văn hóa. Đến mỗi thành phố (trừ những vùng nghỉ dưỡng), tôi đều tìm đến tham quan bảo tàng. Ở bảo tàng quốc gia Hàn Quốc có trưng bày nhiều hiện vật, tranh ảnh và ghi chú về văn hóa, lễ nghi, tục lệ của người Hàn Quốc. Trong đó có mô hình về một đoàn đại thần hộ tống vua, mô hình một đám cưới, mô hình đám ma… Ngoài ra còn có nhiều hiện vật như kiệu, xe tang, sập, đồ gốm, đồ dùng thường ngày, sổ sách, thư tịch cổ, bùa chú…

Sau khi tham quan bảo tàng, chúng tôi ra ngoài và bắt đầu tham quan các cung điện trong hệ thống Gyeongbokgung. Hầu hết những cung điện này đều mang dáng dấp y xì như trên những bộ phim cung đình Hàn Quốc mà ta từng quen thuộc, như bộ phim Nàng Dae Jang-Geum. Đó là những ngôi nhà tường gạch trắng, cửa sổ và các thanh ngang trang trí hoa văn với màu sắc chủ đạo là đỏ, xanh, cùng với mái ngói lợp trông có phần giống kiểu ngói âm dương ở Việt Nam. Nhìn chung, Gyeongbokgung được phục dựng và bảo tồn rất tốt, trông cung điện có thể thấy được nét quý tộc, hoàng gia, thông qua sự cầu kỳ của họa tiết trang trí.

Khác với hôm qua, ngày hôm nay ở Seoul rất nắng. Nắng chói chang như mùa hè ở Hà Nội. Seoul đang vào hè nên mới nắng nóng như vậy. Tôi đang mặc hanbok nên lại càng nóng hơn. Dẫu vậy, có thể thấy một sự khác biệt rằng Hàn Quốc là nước ôn đới, khí hậu khô nên dù có nắng nóng cũng gần như không bị đổ mồ hôi là mấy. Nếu ở Việt Nam, dưới thời tiết như này chắc tôi đã nhễ nhại mồ hôi rồi.

Chúng tôi tham quan lần lượt, cuối cùng đến đại điện. Đại điện Gyeongbokgung là nơi vua cùng quần thần thiết triều. Đại điện là một tòa nhà tương đối lớn, có sân chầu bằng gạch bên dưới. Sân chầu không bằng phẳng, có gạch mấp mô, đi không cẩn thận có thể bị vấp. Tương truyền, người Triều Tiên làm sân mấp mô như vậy để các vị quần thần khi vào chầu, phải cúi xuống để nhìn đường, tránh bị vấp. Việc cúi xuống khiến cho không ai dám “chiếu tướng” vua, cũng như tạo thành lễ nghi cúi đầu khi vào chầu vua.

Ở khu vực sân chầu và đại điện rất đông. Khách du lịch tập trung cả ở đây, đủ từ mọi nơi, từ người Tây, đến người nói tiếng Trung Quốc, người Nhật, người Việt và cả một số du khách có vẻ là người Ấn Độ và người đến từ khu vực Tiểu Á nữa. Rất nhiều người mặc hanbok, chủ yếu là người Châu Á nhưng cũng có một vài người Tây mặc hanbok. Do quá đông, tôi hoàn toàn không thể chụp được bức ảnh nào của đại điện này mà không có người. Để có thể ngó được vào trong, xem ngai vua, tôi cũng phải đứng sau đám đông, chờ đợi họ ra mới chen vào, ngó một cái rồi đi ra.

Xét về tương quan, đại điện Gyeongbokgung này tương đương với Điện Thái Hòa của Đại Nội Huế. Đứng trước một đại điện Gyeongbokgung nguy nga, tráng lệ (dù không bằng Tử Cấm Thành hay các cung điện phương Tây), tôi bỗng thấy tò mò về Đại Nội Huế và rất muốn đến thăm Đại Nội Huế. Tôi đã vào tham quan Hoàng thành Thăng Long, nhưng các công trình bên trong hoàng thành đa số đều không còn nữa nên khó có thể so sánh được. Ở Hoàng thành Thăng Long chỉ còn bậc thềm sân chầu Điện Kính Thiên, với rồng uốn lượn. So sánh mặt bằng chung (thông qua cả ảnh về Điện Thái Hòa ở Đại Nội Huế), thì bậc thềm cung điện ở Hàn Quốc làm cao hơn, mái nhiều tầng hơn và xòe rộng hơn, nên tạo cảm giác hoành tráng hơn.

Khác với màu sắc vàng thường dùng cho hoàng gia, cung đình ở Trung Quốc và Việt Nam, Hàn Quốc dùng màu chủ đạo là xanh lá cây và đỏ. Đặc biệt là màu đỏ, được dùng ở ngai vua, và cả long bào của vua. Việc dùng màu đỏ có thể là sự ảnh hưởng từ Nhật Bản. Thời đó, Joseon cũng tự nhận mình là nước nhỏ, là chư hầu của Đại Minh, gần sát Đại Minh, nên sử dụng màu xanh, đỏ cho hoàng gia để tránh màu vàng của “thiên triều”.

Rời khỏi Gyeongbokgung, chúng tôi đến một quán ăn nhỏ thưởng thức món gà tần sâm. Họ cho nguyên con gà nhỏ vào niêu đất, trong bụng nhồi sâm. Món này khá giống với gà tần thuốc bắc ở Việt Nam, nhưng vị khá nhạt, phải cho kim chi vào ăn mới đậm đá. Cá nhân tôi thấy không ngon bằng gà tần thuốc bắc, đặc biệt là món gà tần trên phố cổ mà tôi từng được ăn.

Lúc bấy giờ đã giữa trưa, chúng tôi lên xe, di chuyển tới điểm tham quan tiếp theo. Cả đoàn tranh thủ ngủ trên xe. Mấy ngày này đều như vậy, chúng tôi di chuyển liên tục, từ sớm tới tối, nên phải tranh thủ những lúc di chuyển để chợp mắt. Trời nắng khiến cho việc tham quan giữa trưa trở nên mệt mỏi hơn, đặc biệt là khi ăn xong thì người rất oải. Tôi cũng ngủ ngon lành trên xe, trước khi đến điểm tham quan tiếp theo.

Nếu như buổi sáng chúng tôi tham quan một điểm di tích lịch sử văn hóa, cổ kính, thì chiều nay sẽ là một điểm đến hiện đại: công viên giải trí Everland. Cá nhân tôi vẫn thích những điểm tham quan lịch sử văn hóa hơn, nhưng những điểm hiện đại, sôi động cũng là một điều không thể bỏ qua khi đến thành phố hiện đại hàng đầu Châu Á.

Everland được coi như là Disney Land của Seoul, nằm trong Top 10 công viên lớn nhất thế giới. Có một điều mà chúng ta nên biết, Everland chính là 1 công ty con của Samsung. Samsung ở Hàn Quốc như một đế chế vậy, cũng giống như Vingroup ở Việt Nam nhưng Samsung nằm ở tầng quốc tế. Để nói kỹ hơn về chaebol và đế chế Samsung, tôi sẽ nói ở phần sau, khi đến trung tâm thương mại The Shilla của Samsung, còn giờ đây, chúng ta cùng dạo chơi Everland cái đã.

Quả thực khi đến Everland, sự hiện đại của một trung tâm giải trí phức hợp đã bao trùm. Nơi đây đông đúc người, bởi là trung tâm giải trí mà. Từ già, trẻ, lớn, bé, mà không chỉ có khách du lịch nước ngoài mà nhiều người Hàn Quốc cũng đến đây chơi, dù có lẽ địa điểm ưa thích hơn của cư dân thủ đô là Lotte World. Ở Everland có những lâu đài như trong cổ tích, người ta bán đủ thứ ở đây, từ những tiệm bán nhỏ lẻ bên đường đến các cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo, đồ chơi, đồ công nghệ hai bên. Các cửa hàng này đều được thiết kế theo phong cách vintage châu Âu, nhìn xinh xắn, dễ thương. Tổng thể Everland cũng chia ra làm rất nhiều khu vực, với diện tích rộng lớn, mà tôi nghĩ rằng để có thể đi hết, và chơi hết thì phải mất vài ngày.

Với tấm vé vào cửa nằm trong gói tour du lịch, chúng tôi được chơi hầu hết các trò chơi mà không phải trả thêm tiền. Cả đoàn bắt đầu tản ra tham quan, sau khi hướng dẫn viên hẹn 2 tiếng sau trở lại. Đây cũng là nhược điểm của đi du lịch theo tour, đó là thời gian hạn hẹp, khó mà thăm thú lâu dài ở một điểm được. Dẫu vậy, đó gần như là sự hy sinh, đánh đổi, để có thể đi được nhiều nơi hơn trong một thời gian có hạn.

Tôi vào một cửa tiệm bán đồ lưu niệm, mua cho Penny quyển sổ màu vàng. Khi thanh toán, nhân viên thanh toán hỏi tôi có muốn dùng túi hay cầm tay, nếu dùng túi phải mua thêm (tôi không nhớ rõ thêm bao nhiêu tiền, hình như là 500 won. Do tôi có vài món đồ (cùng với sổ là một vài gói bim bim) không thể cầm tay khi dạo chơi, nên tôi mua thêm túi. Việc túi nilon phải mua thêm bằng tiền này khác với ở Việt Nam, nơi mà túi nilon thường mặc định là cho không (và nếu bạn không lấy thì phải bảo là không lấy, như tôi thường bảo khi mua hàng ở Vinmart). Như vậy, phần nào hạn chế được số túi nilon không cần thiết, do ai thấy không cần thì sẽ không mua. Sau này, khi đến trung tâm thương mại ở Dongdaemun, ở đó, họ thậm chí còn bán túi vải tái sử dụng nhiều lần chứ không bán túi nilon.

Do số tiền mua hàng lẻ, tôi nhận lại vài đồng xu. Cầm có hơi vướng tay nên tôi bỏ luôn vào túi đồ vừa rồi (mà họ đã niêm phong khá kỹ, không sợ rơi). Thực tế, tôi rất thích tiền xu, trên khía cạnh sưu tầm. Tôi có sở thích sưu tầm tiền, không nhất thiết là tiền cổ mà cả tiền ở các quốc gia khác. Chuyến đi này, tôi cũng sưu tầm bộ tiền, các giá trị từ nhỏ nhất (50 xu) đến lớn cỡ vừa (1000 won), còn lớn hơn thì tôi phải tiêu, không sưu tầm.

Một điều đặc biệt tôi để ý, những người bán hàng, hướng dẫn, soát vẻ ở đây đều là những bạn trẻ. Trông như học sinh cấp 3. Tôi không rõ là chính sách như nào, nhưng có thể là một hoạt động kết hợp với nhà trường. Họ mặc bộ đồng phục chung, trông như hướng đạo sinh Mỹ, trông rất năng động. Ở đây cũng phải nói thêm rằng người Hàn Quốc trong lĩnh vực dịch vụ luôn chào hỏi rất thân thiện, cởi mở. Đó luôn là câu chào “An yong ha se yo” vang lên to, rõ ràng, và chỉ có một câu đó thôi. Dù gặp người nước ngoài, người Tây, họ cũng đều chào câu chào truyền thống của mình.

Theo nguyện vọng của cậu V.H., chúng tôi đi xuống Zootopia. Đây tựa như một công viên bảo tồn tự nhiên cho động vật hoang dã tại Everland. Gọi là đi xuống, bởi đường xuống là một con đường dốc, đi xuống khu rừng lưng chừng đồi (Everland nằm ở trên ngọn đồi). Đường xuống thì phải đi bộ, còn đường lên có thang cuốn đi lên.

Chúng tôi đi xuống Zootopia, tham quan khu bảo tồn gấu trúc, rồi chồn, khỉ, đi vào khu Lost Valley nhưng vào một quãng thì trở ra vì toàn khu này rất rộng, đi tiếp thì không biết bao giờ mới hết.

Chúng tôi trở ra ngã ba khu Lost Valley, đi tiếp con đường dẫn tới các khu vui chơi khác. Ở đây, chúng tôi chia nhóm nhỏ hơn. Tôi, L. và V.H. đi cùng nhau để chơi T-express – một trò roller coaster mà có thể nhìn thấy đường tàu cao tít từ xa. Nhóm còn lại không chơi T-express thì đi cùng nhau tiếp tục lên trên để chơi các trò chơi khác.

Ở khu này, cảnh trí càng giống Châu Âu hơn nữa. Trông cứ như ở mấy vùng Hà Lan, Thụy Sĩ, với dòng sông, cây vườn, và hàng quán café. Nhìn những người ngồi thong dong thưởng thức café, tôi lại ghen tị với họ, bởi họ có thời gian để nhàn nhã ở nơi đây nguyên cả ngày trời.

Mới đầu, chúng tôi không tìm được đường vào khu chơi T-express dù có thể nhìn thấy đường tàu từ xa. Tôi quyết định hỏi một cô bé mặc áo đồng phục Everland, cô bé cũng không biết, có lẽ là phụ trách ở khu vực khác. Vậy là chúng tôi vừa tiếp tục tìm đường, vừa hỏi thăm, cuối cùng cũng đến một nơi mà người ta xếp hàng dài.

Trên cửa, có ghi thời gian chờ là “1 tiếng”. Chúng tôi nghĩ, 1 tiếng thì không ổn rồi. Vừa rồi chúng tôi đi dạo lang thang, mua đồ, xuống Zootopia cũng đã hết 1 tiếng, chỉ còn 1 tiếng nữa để trở lại điểm tập trung, mà đi bộ từ đây về đó cũng hết ngót 30 phút. Chúng tôi đã toan bỏ về, thì bỗng đoàn người được cho vào trong, chúng tôi nhanh chóng được lên đầu, chỉ còn cách vài người nữa là vào. “Đây quả là 1 vố béo bở”, “chúng ta gặp may”, “hoa ra chờ 1 tiếng là 1 cú lừa”, chúng tôi đùa với nhau như vậy. Nhưng không, chúng tôi mới là người dính 1 cú lừa. Bởi vào bên trong nhà, tức qua cánh cửa đầu tiên, thì trong đó còn xếp hàng dài nữa. Và cứ thế, cứ mỗi lần qua một cánh cửa, lại là một hàng dài dằng dặc đứng đợi, nhích từng chút một. Đầu tiên là ở trong nhà – nơi soát vé được thiết kế như ga 3/4  trong phim Harry Potter. Rồi ra cửa kia của nhà ga, thì đến một hành lang dài, rào kín. Hành lang này ở ngay phía dưới khu đường tàu rồi, nhưng hàng xếp rồng rắn, uốn lượn đi dần lên trên mới vào một nhà ga khác ở bên trên. Chúng tôi cứ vậy, nhích từng bước một, nói chuyện với nhau, nhưng tôi biết, chúng tôi chắc chắn sẽ muộn giờ trở về.

Từ phía dưới, có thể nghe tiếng người la hét trên con tàu tốc hành. Có vẻ là chuyến tàu kinh hoàng đây. T-express được đánh giá là 1 trong những roller coaster đáng sợ nhất Châu Á mà. So với T-express, có lẽ Phi Long Thần Tốc ở Hạ Long chưa thể sánh được. Tôi không phải người thích trò chơi mạo hiểm, trên thực tế, tôi là người cầu toàn, nhưng tôi cũng không sợ trò mạo hiểm. Những trò roller coaster như này, tôi từng chơi rồi, dù là chơi từ hồi nhỏ ở Sầm Sơn, nơi mà roller coaster cũng không phải kinh khủng gì cho lắm (vì dành cho trẻ con).

Có lẽ một điều đáng sợ hơn cả roller coaster, đó là sự chờ đợi. Chúng tôi nhích dần lên, sau mỗi lần tưởng là đến nơi rồi lại thấy hàng dài phía trước. Cứ như vậy, chúng tôi mất hơn 1 tiếng, phải 1 tiếng 30 phút mới lên được đến nơi. Khi chỉ còn cách ga lên tàu 1 hàng người, có thể nhìn thấy người ta ngồi vào chỗ, chúng tôi mới quyết định sẽ gửi đồ. Trước đó, chúng tôi định vẫn mang đồ trên người (điện thoại, ví, đồng hồ, kính…), L. thậm chí còn định cầm điện thoại quay lại hành trình. Nhưng có 1 tủ trưng bày những đồ vật bị hành khách đánh rơi: đồng hồ, điện thoại, kính, nhẫn… Tất cả đều vỡ, hoặc móp méo. Điều này khiến chúng tôi thấy rén, quyết định gửi đồ và đây là quyết định chính xác.

Mỗi người sẽ lên tàu bằng một cửa để vào vị trí ngồi của mình. Nhân viên sẽ hướng dẫn hành khách gửi đồ. Mỗi chỗ ngồi có một tủ đồ tương ứng, để đồ vào đó, khi tàu chạy tủ sẽ tự động đóng, đến khi tàu về đến nơi, yên vị, cửa tủ đồ mới mở ra để ai lấy đồ người ấy. Nhìn chung, có vẻ khá an toàn, không sợ mất đồ đạc, dù là đồ giá trị.

Mới đầu, khi tàu bắt đầu chạy, tôi vẫn thấy mọi thứ đều ổn. Thậm chí rất phấn khích là đằng khác. Khi tàu bắt đầu leo lên đường ray như lộn ngược, tôi vẫn chưa thấy có gì đáng sợ, thậm chí còn thích thú ngắm nhìn cảnh công viên từ trên cao. Độ cao của roller coaster này ngang với một ngọn núi thấp, nhìn ngắm khung cảnh bên dưới rất đẹp. Nhưng khi tàu lên đến đỉnh của chặng đầu và đột ngột lao xuống đoạn đường như dựng đứng, nỗi khiếp đảm bắt đầu. Chúng tôi như từ trên trời, lao xuống cắm thẳng xuống mặt đất. Khung cảnh mặt đất bên dưới, nào là rừng, núi, phố phường hàng quán trong công viên, tất cả hiện ra, và chúng tôi lao thẳng xuống đó. Người ta la hét loạn xạ, trong đầu tôi thì lại lo sợ áp suất thay đổi đột ngột có thể ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp. Thực ra, tôi không sợ vì độ cao, vì tốc độ, mà nghĩ nhiều hơn đến áp suất hay các tác động lý tính. Trong lúc mọi người hoặc đang sợ chết khiếp, hoặc hò reo thích thú, đầu tôi vẫn hoạt động với những câu hỏi: Nếu người có tiền sử tim mạch hay bệnh nền chơi trò này thì sao nhỉ? Sao họ không kiểm tra hay cảnh báo trước khi cho mọi người chơi nhỉ? Mình không có vấn đề với tim mạch hay bệnh nền gì nhưng nhỡ có ai khác bị thì sao? Trong bộ phim The Machinist, có thằng bé bị bệnh nền động kinh, khi chơi trò chuyến tàu xuống địa ngục đã bị động kinh.

Nghĩ trong đầu là vậy thôi, chứ tôi vẫn cảm giác trò chơi này an toàn. Điểm mấu chốt là bỏ qua bộ phim The Final Destination đã xem, hay mấy vụ tai nạn thảm khốc roller coaster hoặc trò chơi mạo hiểm khác từng xảy ra ở Ấn Độ. Dù sao cái khung roller coaster này cũng trải qua biết bao nhiêu năm rồi, lại khá nổi tiếng, nhiều người chơi đa dạng sắc tộc, quốc tịch từ Á sang Âu, nên tôi nghĩ rằng nó phải được các cấp quản lý Hàn Quốc kiểm định mới cho hoạt động.

Dù sao thì đó là trải nghiệm với tôi phải nói là khá kỳ thú. Roller coaster cứ lao lên, lao xuống, rồi đi theo vòng tròn tựa như ném viên bi vào cái đĩa. Nó khá nhanh, chẳng mấy chốc đã về đến ga, nhưng tôi lại thấy có phần hụt hẫng. Thực sự, tôi muốn được đi thêm, thêm nữa vì đó là trải nghiệm thú vị, khi cả bầu trời, cả mặt đất cứ đảo lộn ngược lại với cơ thể mình, mà cơ thể mình lại đang lao đi với một tốc độ chóng mặt. Nếu như họ cho chơi thêm, tôi sẽ chơi thêm, nhưng chúng tôi chẳng thể xếp hàng thêm hơn 1 tiếng nữa. Vả lại, chúng tôi có một nỗi lo lớn hơn: chúng tôi đang trễ giờ.

Vậy là vừa mới chơi xong trò chơi mạo hiểm, ba đứa chúng tôi lại chạy về điểm xuất phát. Quãng đường khá xa, lại còn phải chạy leo dốc mấy lần khiến tôi cảm giác như kiệt sức thật sự. Lúc lên đến đoạn đường dốc lên trên, may mà có thang cuốn đưa lên chứ nếu không, có lẽ chúng tôi đã không thể leo lên nổi. Khi về đến nơi, cả đoàn đã chờ sẵn. Cả đoàn phải chờ chúng tôi thêm hơn 1 tiếng. Dĩ nhiên, khi hẹn quay trở lại vào mấy giờ, hướng dẫn viên đã tính đến giờ cao su, mà mấy lần trước đây đều vậy, nhưng thường chỉ muộn quá lắm là 30 phút, còn hơn 1 tiếng như này thì hôm nay mới bị. May sao, giờ cũng là cuối ngày, chương trình chỉ còn là đi ăn tối xong trở về. Dẫu sao tôi vẫn cảm thấy có lỗi.

Khi lên xe, rồi đến tận lúc ngồi vào bàn ăn, cái mệt vẫn thấm trong người. Tôi cảm thấy ruột gan lộn tùng phèo, không chỉ bởi vì vừa mới chơi trò nhào lộn trên không trung, mà quan trọng hơn là việc phải chạy đường dài như vậy. Dù sao thì giờ tôi cũng được nghỉ ngơi, ngồi ăn món thịt heo nướng.

Nghe nói, thịt heo ở Hàn Quốc không có nhiều, nên thịt heo nướng thường chỉ được phục vụ ở nhà hàng. Giống như kiểu đổi vị trí thịt bò với thịt lợn khi ở Việt Nam vậy. Người Hàn ăn thịt bò nhiều hơn, ăn thịt heo ít hơn, và thịt heo cũng đắt hơn thịt bò.

Ăn xong, chúng tôi xuống dưới sân hóng gió, trong khi đợi những người lớn tuổi còn lại trong đoàn. Trời chập tối, có lẽ đã hơn 7 giờ. Chúng tôi vẫn chưa về đến Seoul. Nhìn về phía tây nơi mặt trời đang lặn, chỉ thấy những dãy núi. Khung cảnh không khác những miền nông thôn ở Việt Nam là mấy. Tôi vẫn luôn thích khoảng thời gian chiều tà, nhất là một chiều tà ở nơi xa, nhìn lên bầu trời và biết mình đang cách xa nhà hàng ngàn cây số là một cảm giác rất kỳ lạ. Trong lúc chờ, tôi chụp một vài căn nhà bên đường, chỉnh màu rồi đăng Insta. Trông như một ngôi nhà nhỏ bên châu Âu.

Sau khi về khách sạn và tắm rửa, nghỉ ngơi một lát, mới khoảng 9h tối, chúng tôi xuống dưới chơi. Chúng tôi vào cửa hàng tiện lợi CU mua vài món đồ. Chị N. H. làm mì đen cho mọi người. Ở cửa hàng tiện lợi CU có đầy đủ nước nóng, có cả chỗ ngồi nhưng vì cửa hàng ngay đối diện khách sạn nên chúng tôi bê về, ngồi ở góc ngoài sân khách sạn. Sau khi ăn mì, chúng tôi đứng nói chuyện. Ở gần như khắp nơi trên đường phố ở Seoul đều có camera CCTV. Việc có camera tạo cảm giác an toàn hơn. Ngay lúc đó, chúng tôi vẫn nghĩ đó là một sự an toàn gần như tuyệt đối, bởi những thông tin về góc khuất của Seoul dù cho có CCTV (trong vụ có một gã biến thái theo đuôi cô gái trẻ ở Seoul, phá khóa, bị CCTV quay lại nhưng hắn vẫn ngang nhiên thực hiện), hay cảnh camera CCTV bị cắt trong bộ phim Parasite mà mãi sau này khi về Việt Nam tôi mới xem được.

Tôi đứng chờ tàu. Ở khách sạn nơi tôi ở gần khu đường tàu ngầm, mà đến đoạn này tàu đã chạy lên cao. Mỗi tối, tàu đều chạy qua đều đều, phát ra tiếng kêu làm tôi nhớ đến hồi còn làm ở Long Biên, gần ga Long Biên, mỗi tối đều nghe thấy tiếng tàu chạy qua đường sắt bắt ngang qua cầu ở ngã tư Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Gia Thiều. Cái cảm giác buổi tối đứng chờ tàu đi qua thật là thú vị.

Còn một điều nữa khiến tôi trăn trở. Tôi là một người thích đọc sách, khi đến Hàn Quốc, tôi cũng muốn mua một cuốn sách về, như một đồ lưu niệm gắn với sách. Tuy nhiên, lịch trình tham quan khá dày khiến cho tôi không có thời gian tìm hiệu sách. Giờ ở khách sạn và có thời gian buổi tối, tôi quyết định tra bản đồ xem quanh đây có hiệu sách nào không.

Image may contain: night and outdoor

Chúng tôi quyết định sẽ đi dạo phố Seoul buổi đêm. Vậy là cả nhóm lên đường, đi bộ qua ngã tư để sang khu bên kia, trông có vẻ đông đúc, huyên náo hơn. Chúng tôi rẽ vào trong con ngõ nhỏ, hóa ra bên trong đó là một khu nhiều quán karaoke, quán bia, quán game, khách sạn… Có thể là một khu phố đèn đỏ nho nhỏ. Có thể chỉ là một khu vực ăn chơi thông thường. Trông khá tấp nập, với nhiều thanh niên qua lại.

Phải thú nhận rằng phố đêm ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, khi lên ảnh rất đẹp. Bởi những tòa nhà có nhiều biển quảng cáo rực rỡ ánh đèn neong, lại thêm những dòng chữ tượng hình đặc trưng, tạo một khung cảnh đậm chất cyberpunk. Khi về Việt Nam, tôi chẳng thể chụp được những bức ảnh như vậy, phần vì biển quảng cáo ít rực rỡ hơn, phần vì chữ latin có vẻ không hợp với kiểu ảnh này như chữ tượng hình, và phần vì ánh đèn đường màu vàng thường tạo cảm giác không cyberpunk là mấy, dù có thể chỉnh màu được, nhưng ánh đèn vàng đã phá ánh sáng những biển quảng cáo neon.

Khi ra khỏi con ngõ, chúng tôi thấy một lều đồ ăn đêm, giống như những lều đồ ăn đêm trên đường phố Seoul thường thấy trên phim. Do quá thích thú, một thành viên trong nhóm chúng tôi chụp ảnh mà vô tình để lọt một bạn nữ vào khung hình. Bạn nữ ấy quay lại, nói vài câu gì đó chúng tôi không hiểu. Người Hàn Quốc có một quy tắc ngầm về sự riêng tư nơi công cộng, đại khái là không được chụp ảnh họ nếu không được cho phép (trừ khi chụp đường phố và người ta vô tình đi vào). Quy tắc này khác với ở phương Tây hay ở Nhật, thường cởi mở hơn trong việc chụp hình. Chúng tôi biết rằng mình đã sai nên xin lỗi. Thấy chúng tôi nói tiếng nước ngoài, bạn nữ ấy có vẻ biết không phải người Hàn Quốc, nên cười trừ bỏ qua.

Dưới đây là hình ảnh lều street food. Đây không phải bức ảnh có chụp cận bạn nữ ấy, nên tôi giữ lại.

Chúng tôi lại đi tiếp trên đường rồi vào trong một cửa hàng 7/Eleven mua đồ. Tôi mua một vài gói snack và thanh chocolate Hàn Quốc mang về làm quà cho Penny. Chúng tôi ngồi lại ở 7/Eleven ăn vài món đồ snack. Tôi lấy điện thoại, cố gắng tìm cửa hàng sách. Ở quanh đây thì cũng có nhưng chị hướng dẫn viên bảo tôi rằng cửa hàng sách thường đóng trước 8h tối. Tôi cố tìm một số địa điểm bán sách gần nơi tôi sắp đến ngày mai là phố cổ Bukchon Hanok và địa điểm chúng tôi định đi tối mai là chợ đêm Dongdaemun. Ở Dongdaemun thì có một phố sách cũ, nhưng mai chắc phải chiều tối tôi mới đến Dongdaemun. Hy vọng có thể tìm được phố sách cũ ấy.

Khi trở về khách sạn vẫn còn khá sớm, chưa đến nửa đêm. Cả nhóm chia ra, ai về phòng nấy. Tôi vẫn luôn thích sân thượng, bèn mua bia rồi rủ L. và D. lên sân thượng. 3 đứa lên sân thượng, nhưng trên sân thượng không có gì mấy. Khung cảnh khá bình thường, thậm chí bị khuất do những tòa nhà cao tầng bên cạnh che. Tôi nhìn lên trời, nhìn lên mặt trăng, chẳng khác trăng ở Việt Nam là mấy. Cảm giác nửa đêm ở Seoul khá lạ lùng. Được mệnh danh là thành phố không ngủ, ở góc này, nằm sâu trong khu dân cư, Seoul về đêm cũng tĩnh mịch như ở Hà Nội. Và tôi thích sự tĩnh mịch về đêm ấy.

Đứng ngắm cảnh, uống bia trên sân thượng một lát, chúng tôi cũng xuống. Tôi với L. tiếp tục ra CU ngồi uống bia tiếp. Chúng tôi mua bia rồi ngồi ở bàn gỗ ngay bên ngoài, vừa uống bia vừa hút thuốc. Cảm giác được ngồi uống bia, hút thuốc vào buổi đêm ở một thành phố xa nhà thật là sảng khoái. Chúng tôi ở đó đến khoảng 1h sáng thì trở về khách sạn, đi ngủ. Ngày thứ 2 ở Hàn Quốc vừa khép lại, chúng tôi chỉ còn 2 ngày nữa ở đây.

<to be continued>

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s