Review The Farewell: Nhân dịp Tết, nhìn lại truyền thống gia đình trong văn hóa Á Đông

Gia đình là một nền tảng quan trọng của văn hóa Á Đông. Khác với phương Tây, thường có xu hướng con cái sống tách biệt với cha mẹ, ở phương Đông từ xưa đến nay, ta có thể dễ dàng bắt gặp những gia đình tam đại đồng đường (ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái sống với nhau), thậm chí là tứ đại đồng đường hoặc ngũ đại đồng đường cũng có.

Thế nhưng, trước làn sóng toàn cầu hóa và độ phủ công nghệ của thời hiện đại, nền tảng gia đình gắn kết của Á Đông đang dần bị bào mòn và rạn nứt. Ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn lối sống tự do tự tại kiểu phương Tây, hoặc đi du học, định cư ở nước ngoài, hay đến thành phố khác xa nhà sinh sống và làm việc. Một yếu tố nữa cũng dẫn đến sự xa cách của tình cảm gia đình là do chênh lệch tư tưởng: thế hệ cha mẹ khác tư tưởng với thế hệ ông bà; đến thế hệ con cái lại khác biệt tư tưởng với thế hệ cha mẹ. Bởi tư tưởng hệ ăn sâu bám rễ theo bối cảnh xã hội, vậy nên càng ngày, lớp trẻ lại càng có những suy nghĩ, lối sống khác biệt hơn với những thế hệ đi trước.

Trong bối cảnh đó, The Farewell (tạm dịch: Lời từ biệt) đã ra đời. Nhân dịp Tết đến xuân về, chúng ta hãy cùng ngồi lại xem bộ phim đầm ấm và xúc động này, để rồi thấy chính mình và gia đình mình, mối quan hệ của mình với cha mẹ, ông bà mình trong đó.

Kết quả hình ảnh cho the farewell 2019

Bộ phim bắt đầu với việc cô gái Billie người Hoa đang sống cùng cha mẹ ở Mỹ thì nhận được tin báo bà nội ở quê nhà mắc bệnh ung thư, chỉ còn sống được ba tháng nữa. Cả đại gia đình quyết định giấu, không cho bà nội biết, lấy cớ cưới cháu nội để cả đại gia đình cùng nhau sum họp, nhưng mục đích chính là để thăm nom và ở bên bà nội lần cuối.

The Farewell như phản ánh một hiện tượng xã hội thời hiện đại, không chỉ tại Trung Quốc, mà còn ở nhiều nước Á Đông như Việt Nam, đó là hiện tượng những người con trong gia đình tản mát đi khắp đây đó, rồi lập gia đình và sống xa ông bà nội, ngoại ở quê hương. Trong phim, bà nội của Billie có 3 người con, tương đương với 3 gia đình: một là gia đình nhà Billie sống ở Mỹ, thứ hai là gia đình sống ở Nhật và một gia đình thứ ba sống ở Trung Quốc.

Xuyên suốt bộ phim, những nhân vật và những gia đình không ngừng thể hiện sự xung khắc về tư tưởng. Cao điểm của sự xung khắc về tư tưởng thể hiện ở bữa ăn của đại gia đình, khi mẹ Billie cùng người cô của Billie ở Trung Quốc có một cuộc tranh cãi về lối sống. Người cô của Billie cho rằng gia đình Billie đi Mỹ thì sẽ sớm giàu và cuộc sống phải hướng đến giàu sang, nhưng gia đình Billie lại có tư tưởng muốn con cái làm những gì mình muốn. Có lẽ đây là hai luồng tư tưởng đối nghịch nhau rõ rệt ở thời điểm hiện tại, mà ta dễ dàng bắt gặp ở bậc cha mẹ Phương Đông luôn muốn con cái phải học giỏi, có công việc tốt, kiếm được nhiều tiền. Khác với những bậc cha mẹ truyền thống Phương Đông, những gia đình tiếp xúc với cuộc sống Phương Tây có lối suy nghĩ thoáng hơn, để cho con cái được tự do và hướng đến một cuộc sống làm điều mình muốn miễn sao con cái hạnh phúc.

Kết quả hình ảnh cho the farewell 2019

Một câu chuyện đề cao sự tự do trong tư tưởng Phương Tây, đó là câu chuyện mà mẹ Billie kể khi cả gia đình mới sang Mỹ, đến nhà thờ. Billie muốn được chơi đàn dương cầm khi thấy đàn ở nhà thờ, nhưng bố Billie ngăn lại, bảo rằng khi chuyển sang Mỹ thì gia đình đã không còn đủ điều kiện cho Billie được theo học dương cầm như khi còn ở Trung Quốc. Nghe thấy vậy, vị mục sư đã đi lấy cây chìa khóa nhà thờ, đưa cho gia đình Billie và bảo rằng hãy đến chơi bất cứ khi nào con muốn.

Với mẹ Billie, nước Mỹ, giấc mơ Mỹ là biểu tượng của sự tự do, tạo cơ hội cho con người được là chính mình. Nhưng Billie – người sống ở Mỹ từ nhỏ và đang trong độ tuổi vàng của lao động, của hiểu biết xã hội, lại có cái nhìn về nước Mỹ khách quan hơn:

“Nhưng nước Mỹ đâu phải lúc nào cũng giống như nhà thờ. Họ có nhiều vấn đề: xả súng, chăm sóc sức khỏe đắt đỏ…”

Kết quả hình ảnh cho the farewell 2019

Thực vậy, chẳng có xã hội nào hoàn hảo 100%. Ở những nước Phương Đông, sự ổn định, yên bình và phúc lợi y tế xã hội được đánh giá cao, giúp cho người ta cứ sống ở đó một cách yên ổn từ khi sinh ra đến khi chết. Đó cũng là lý do bà nội của Billie đã nói rằng: “Dù thế nào cũng đừng chê bai Trung Quốc. Đừng quên rằng mình vẫn là người Trung Quốc đấy”. Với tư tưởng của thế hệ ông bà, không gì tốt hơn quê hương, đất nước, và họ luôn ý thức được rằng bản thân cần phải đứng ra nhắc nhở con cháu dù đi đâu, làm gì cũng luôn phải nhớ về cội nguồn, nhớ về quê hương – điều mà rõ ràng văn hóa Phương Tây không thực sự quan tâm đến. Chẳng vì vậy mà việc lễ bái, thờ cúng gia tiên và dịp đoàn viên lại rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam nói riêng và Phương Đông nói chung hay sao?

Cũnng trong cuộc tranh luận, bố của Billie nói rằng “về cơ bản, chúng con đã là người Mỹ rồi”, ý muốn nói cả gia đình đã có quốc tịch Mỹ và định cư bên Mỹ. Rõ ràng Mỹ là một quốc gia đáng mơ ước của những người nhập cư, nơi mà chiếc thẻ xanh sẽ quyết định cả một vận mệnh, bởi vậy, gia đình Billie có quyền tự hào về điều đó. Nhưng rồi người bác của Billie có gia đình sống ở Nhật, và cũng có con trai sắp lấy vợ người Nhật, về cơ bản cũng là một gia đình sinh sống ở nước ngoài, xa quê hương, lại nói rằng: “Con vẫn luôn là người Trung Quốc, dù sống ở đâu, hay hộ chiếu là gì đi nữa”. Đây có lẽ là một điều mà chúng ta, đặc biệt là những người con xa xứ, phải suy ngẫm, đơn giản là tư tưởng, suy nghĩ, chứ nào có đúng, có sai.

Câu chuyện bên bàn ăn khiến tôi nhớ đến bộ phim Tiệc Trăng Máu. Nhưng nếu như Tiệc Trăng Máu có phần đẩy sự kịch tính và mâu thuẫn hòng thu hút người xem, thì The Farewell lại đưa ra một nội dung bình dị hơn mà sâu sắc hơn, gần gũi hơn mà đáng suy ngẫm hơn, ở đó không chỉ có những câu chuyện đời sống cá nhân mà gói gọn cả một xã hội, chính vì vậy mà bộ phim cũng trở nên cảm động hơn.

Kết quả hình ảnh cho the farewell 2019

Cũng lại là một sự mâu thuẫn giữa lối suy nghĩ của Phương Đông và Phương Tây khi cả đại gia đình đưa bà nội đi khám. Ở đây, Billie có cuộc gặp gỡ với chàng bác sĩ trẻ từng đi du học Anh về. Chàng bác sĩ trẻ cùng gia đình nói dối bà nội là bà bị viêm phổi, thay vì ung thư. Billie không ngừng thắc mắc, tại sao không nói thật cho bà, bởi ở Mỹ, người ta vẫn luôn nói thật như vậy. Với Billie, nói dối cũng như lừa dối, mà cô bé càng nhìn sự lạc quan của bà, lại càng cảm thương bởi bà không hề biết cái chết đang đến dần. Nhưng ở Trung Quốc, hay cũng là ở Phương Đông, việc nói dối bệnh nhân mắc bệnh nan y như ung thư lại phổ biến. Người ta gọi đó là “white lie” – lời nói dối vô hại với mục đích tốt. Tư tưởng người Phương Đông cho rằng khi đã không thể cứu chữa, thì hãy để cho người thân được sống nốt những ngày tháng yên bình vô lo vô nghĩ cùng con cháu. Vả lại, cũng có những người tin rằng sự lạc quan sẽ chữa khỏi bệnh tình, vậy nên ở Phương Đông, nhiều gia đình vẫn có xu hướng giấu bệnh tình thật sự, không cho người bệnh biết.

Không chỉ thông qua những cuộc tranh luận, các tình tiết bộ phim The Farewell đều lột tả được góc nhìn của Billie về truyền thống Phương Đông, vừa lạ lùng, vừa bất hợp lý – ít ra là trong con mắt một người con xa xứ từ nhỏ lớn lên ở nước ngoài. Điển hình như cảnh đại gia đình đến thăm mộ ông nội, ta có thể thấy cảnh người thân than khóc ở phần một bên cạnh, dù cho người nhà gia đình đó đã mất từ lâu. Hay cảnh bà nội Billie nói lời viếng thăm với người đã khuất, cầu xin phù hộ cho con cháu. Với nhiều người, đặc biệt là chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Phương Tây hay chủ nghĩa vô thần, thì đây là những hành động vô nghĩa. Bản thân tôi cũng theo chủ nghĩa vô thần, nhưng không chỉ khi xem phim, tôi luôn tin rằng những hành động như vậy là một phần trong lễ nghi văn hóa Phương Đông, dù có mê tín hay chăng, vẫn là một truyền thống thể hiện tấm lòng của người sống hướng về tổ tiên, người thân đã khuất.

Kết quả hình ảnh cho the farewell 2019

Dẫu có khác biệt về tư tưởng và có những cuộc tranh luận không hồi kết, đã có những khoảnh khắc đại gia đình vô cùng vui vẻ và ấm cúng trong những ngày tháng cuối cùng cả đại gia đình được ở bên bà nội. Đó là cảnh người bà nội hồn nhiên dặn dò con cái chăm sóc sức khỏe, hỏi thăm con cháu có mệt không, có khỏe không, có vui vẻ không… Bởi suy cho cùng, bậc ông bà cha mẹ vẫn luôn suy nghĩ và quan tâm con cái. Dù một số điều có vẻ không đúng, có vẻ bảo thủ hay cổ hủ, thì suy cho cùng cũng đều từ tình yêu mà ra. Hay đó là khoảnh khắc cả đại gia đình ăn cỗ cưới A Bảo – con trai của gia đình sống ở Nhật. Cả đại gia đình đã tụ họp, ăn uống, cười đùa, chơi trò chơi vui vẻ với nhau.

Nhưng đan xen giữa những khoảnh khắc vui vẻ, là những giây phút vô cùng xúc động, khi mà ai nấy đều biết sắp mất đi bà nội yêu dấu. Đó là khoảnh khắc bố của A Bảo – cha của chú rể, vừa khóc, vừa nói những lời tri ân mẹ – bà nội của Billie. Đó là khoảnh khắc chú rể A Bảo khóc sướt mướt khi say, trong cảnh vui vẻ sum họp của gia đình. Đó là cảnh quay đầy xúc động, khi gương mặt những thành viên trong gia đình, và cả bà nội, đang vui vẻ chơi đùa, được quay slow motion dưới điệu nhạc opera. Hay đó cũng là cảnh Billie bỏ chạy khỏi đám cưới của A Bảo khi cả gia đình vừa chụp xong ảnh cưới, để che đi những giọt nước mắt đau buồn khi mai này bà nội không còn nữa. Và cuối cùng, là khoảnh khắc Billie phải trở về Mỹ, phải rời xa bà nội, để lại hình ảnh bà nội vẫy tay qua kính chiếu hậu xe ô tô, mà Billie biết rằng có thể đây sẽ là lần cuối cùng được nhìn thấy bà.

Kết quả hình ảnh cho the farewell 2019

Dù có biết bao sự khác biệt về tư tưởng, lối sống, sau cùng, đại gia đình nhà Billie cũng đồng lòng, đoàn kết trong ngày đoàn tụ, tất cả đều bởi một thứ: tình yêu bà nội. Có lẽ đó cũng là thông điệp xuyên suốt của bộ phim, vừa khắc họa sự xung khắc trong tư tưởng, lối sống Đông-Tây, vừa làm nổi bật truyền thống gia đình – một đặc sản của văn hóa Phương Đông, và trên hết, chính là tình yêu cha mẹ – điều thiêng liêng và cao quý nhất, khiến cho tất cả những người con người cháu dù xa xôi cách trở cũng trở về đoàn tụ.

Kết quả hình ảnh cho the farewell 2019

The Farewell là bộ phim bình dị, ấm áp, vừa cảm động vừa đáng suy ngẫm, tôn lên giá trị truyền thống Á Đông nhưng cũng đặt ra những câu hỏi mở về tư tưởng, lối sống trong thời đại du nhập văn hóa Đông-Tây. Có một điều tôi tiếc nuối, đó là với câu chuyện và thông điệp đậm chất Á Đông như vậy, lẽ ra các nhà làm phim Việt Nam cũng có thể làm ra những bộ phim tương tự. Nhưng không, có lẽ bởi với nhiều nhà làm phim Việt Nam, những bom tấn hành động, hay những bộ phim hài hoặc kinh dị câu khách vẫn là một điều gì đó mới mẻ, cuốn hút, giống như văn hóa Phương Tây, mà họ không nhận ra chính những thông điệp đến từ đời sống hàng ngày lại là chất liệu tuyệt vời để làm nên những bộ phim độc đáo và ý nghĩa. Những giải thưởng điện ảnh danh giá mà The Farewell chiến thắng và được đề cử, như Golden Globes, BAFTA, Atlanta Film Festival… chính là minh chứng cho điều đó.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s