Lịch sử Việt Nam thời quân chủ (vua chúa) đã từng có những thời đại hào hùng không thua kém gì các nước đồng văn khác như Nhật Bản, Triều Tiên (Hàn Quốc), trong đó phải kể đến những ngôi thành của Đại Việt. Đến thời hiện đại, di tích thành quách được bảo tồn tốt nhất có lẽ là Hoàng thành Huế (cùng với hệ thống thành ngoại bao quanh). Tương đương với thành Huế (kinh đô Phú Xuân) thì ở phía Bắc, Thăng Long đã là kinh thành của nhiều triều đại: Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng. Vậy nhưng dấu tích của thành Thăng Long đến thời hiện đại không còn nhiều. Chúng ta thường chỉ biết đến Hoàng thành Thăng Long, với Ngọ môn cùng nền điện Kính Thiên. Đó chỉ là một phần nhỏ của khu vực Hoàng thành, trong khi thành Thăng Long còn nhiều quần thể khác, được bao quanh bởi La thành. Vậy thành Thăng Long trông như thế nào, nằm ở đâu, và đi qua những tuyến phố nào ở thủ đô thời hiện đại?
Vị trí của thành Thăng Long
Theo bản đồ thời Hồng Đức, La thành bao quanh thành Thăng Long có hình dáng khá kỳ lạ, trông như chữ L úp ngược. Ở đây, ta có thể thấy sông Tô Lịch vẫn còn đoạn sông men theo hồ Tây nối ra sông Hồng. La thành được xây dựa trên địa hình của sông Tô Lịch, mà người xưa hay có câu “sông Tô, núi Nùng”. Núi Nùng ở đây chính là núi Long Đỗ – mô đất nhô cao nơi đặt điện Kính Thiên (sau này nền đất Hà Nội được tôn cao lên nên nền điện Kính Thiên không còn cao nữa, thành ra không thấy được núi Nùng). Sông Tô Lịch ngày nay ô nhiễm, đen ngòm do bị mất thượng nguồn nối từ sông Hồng, cùng với việc xả thải từ dân cư, công nghiệp, làng nghề, nhưng ngày xưa từng là một dòng nước trong xanh, thơ mộng, bao lấy La thành vừa tạo thành cảnh quan, vừa là hệ thống phòng thủ ngoài thành.

Nguyên khi xưa, La thành là thành đất, kết hợp với đê, được đắp từ thời Triệu Đà, gọi là thành Đại La. Chúng ta có đường Đê La Thành nối từ Kim Mã đến Ô Chợ Dừa. Theo bản đồ vừa dựa theo tên “Đê La Thành”, có thể thấy đây chính là đoạn tường La thành phía nam ngày xưa, nối từ sát sông Tô Lịch đến Ô Chợ Dừa. Thực tế là đường Đê La Thành kéo dài, chạy song song đến hết đường Xã Đàn. Như vậy, có thể con đê của La thành còn kéo dài hơn (nhưng thành chỉ xây đến đoạn Ô Chợ Dừa – theo bản đồ). Việc La thành kéo đến Ô Chợ Dừa càng có cơ sở bời đường Hào Nam cắt đường Đê La thành tại Ô Chợ Dừa, kéo dài mãi lên đến Cát Linh có thể là hào nước phía nam, bao quanh tường thành (nối với sông Kim Ngưu khi đó còn đoạn sông chạy theo La thành (đường Đê La thành hiện nay). Một giả thuyết khác cho đoạn Đê La Thành kéo dài song song với đường Xã Đàn là các đời sau của đời nhà Lê cơi nới thêm (đến đời nhà Nguyễn cơi nới, xây dựng lại thành Hà Nội khá nhiều).
Ta hay có từ “cửa ô”, hay “cửa ô thành phố”. Người xưa dùng từ “ô” để chỉ những cổng chốt chặn ngoài thành, hoặc tường ngoài thành. Ta có thể thấy có Ô Quan Chưởng là cổng được xây từ thời Nguyễn khi triều Nguyễn cơi nới thành Hà Nội. Hay Ô Cầu Dền là nơi năm xưa khi quân Trịnh Tùng tấn công thành Thăng Long đã bắt sống được tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện. Như vậy, Ô Chợ Dừa có lẽ cũng là một cổng. Không rõ có phải Cửa Bảo Khánh không, nhưng có lẽ không phải bởi Ô ám chỉ các cổng ngoại thành, vả lại Ô Chợ Dừa cũng nằm ngay vị trí Hào Nam là nơi tường thành đến đó là kết thúc. Vậy nên Ô Chợ Dừa có thể là một cổng ngoại thành, nằm ngay ngoài La thành ở khu vực Hào Nam, có thể khi xưa là một cổng thủy cho phép tàu thuyền nhỏ theo hào đi qua để vào bên trong.
Phố Cửa Nam tọa lạc ở gần khu vực giao nhau Nguyễn Thái Học-Điện Biên Phủ-Hàng Bông-Tràng Thi. Vị trí chính xác của Cửa Nam không thể ở chính khu phố đó bởi nếu thế tường thành sẽ cắt qua Quốc Tử Giám. Theo tôi phỏng đoán, tuyến phố này gọi là phố Cửa Nam vì nằm gần Cửa Nam, có thể trông ra thấy Cửa Nam. Như vậy, Cửa Nam có lẽ nằm chếch lên về phía bắc 1 chút, rơi vào khoảng khoảng đường Điện Biên Phủ. (Theo báo Người Hà Nội thì vị trí Cửa Nam ở khoảng đoạn giao Trần Phú-Tôn Thất Thiệp, như vậy thì Cửa Nam và cửa Hoàng thành thẳng nhau, nhưng trên bản đồ Hồng Đức thì 2 cửa này không thẳng nhau nên tôi đoán sẽ lệch về phía đông hơn)
Tương tự, phố Cửa Đông ở cạnh đường Phùng Hưng chắc chắn không nằm chính xác trên nền cũ của Cửa Đông, bởi đường Phùng Hưng ngày nay là con hào nước, sau bị người Pháp lấp đi. Đoạn tường đá Phùng Hưng – nơi có đường tàu rất đẹp của Hà Nội cùng các cổng vòm, là tường thành Hà Nội từ thời nhà Nguyễn, sau này người Pháp làm đường xe lửa và xây cổng vòm để tiện ra vào. Thành Hà Nội được sửa chữa, cơi nới thêm từ La thành nên tường thành Hà Nội ở Phan Đình Phùng chính là tường La thành. Cửa Đông nằm trên tường thành đó và hơi chếch về phía tây so với phố Cửa Đông hiện tại.

Trên bản đồ Hồng Đức không có Cửa Bắc, nhưng nay ta thấy Cửa Bắc ở đường Phan Đình Phùng – nơi từng bị quân Pháp bắn đại bác từ sông Hồng vào, vẫn còn vết thành vỡ do đại bác bắn. Như vậy, có thể Cửa Bắc này là của thành Hà Nội, được xây thêm từ thời nhà Nguyễn. Tường La thành mặt bắc sẽ đi theo đường Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, kéo dài đến Bưởi (Thụy Khuê xưa là đoạn sông Tô Lịch chạy dọc theo tường La thành và hồ Tây, kéo dài từ sông Hồng đến Bưởi, đoạn sông này sau này bị lấp đi và người dân xâm lấn, khiến cho nó hoàn toàn mất tích, tương tự như đoạn sông cũ của Kim Ngưu nay cũng không còn).

Một cách tổng quan, dựa vào bản đồ Hồng Đức và tên các con phố, ta đã có thể vẽ được bản đồ La thành so với bản đồ hiện đại. So sánh với bản đồ Hồng Đức, tương quan về diện tích, hình dáng có đôi phần khác biệt, có lẽ do ngày xưa các công cụ đo đạc và vẽ hình cũng không thực sự chuẩn xác (ít ra so với Google map hiện đại).
Hoàng thành Thăng Long thì nay vẫn còn vết tích. Dù cho các công trình chẳng còn là bao, nhưng dựa trên khảo cổ thì khu vực Hoàng thành (đại nội) Thăng Long nằm trên khu vực di tích hiện tại, cùng với khu vực khảo cổ Hoàng Diệu và kéo đến khu vực nhà Quốc hội hiện nay (đối diện với Lăng Bác).
Các khu vực khác tiêu biểu trong thành Thăng Long có khu Giảng Võ là thao trường, huấn luyện binh lính. Khu này vẫn giữ tên là Giảng Võ đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra còn có Hội Thi Đường là nơi tổ chức các kỳ thi, nằm ở khu vực ngày nay là đoạn Đào Tấn (gần với tòa nhà Lotte)
Phủ Chúa Trịnh ở đâu?
Phủ Chúa Trịnh (còn được gọi là Chính Phủ, hay Soái Phủ, hay Nội Phủ) là công trình mà thời Lê Trung Hưng được xem là sa hoa, lộng lẫy còn hơn cả hoàng cung. Lúc bấy giờ, quyền chính nằm hết trong tay Chúa Trịnh, các Chúa Trịnh còn bãi bỏ lục bộ Triều Đình, lập ra lục phủ thuộc Chính Phủ để điều hành các việc (từ ngữ “Chính phủ” cũng từ đây mà ra). Vậy nên các Chúa Trịnh đã đầu tư xây phủ của mình, trong khi Hoàng thành Thăng Long không chú tâm xây sửa, có nơi cỏ mọc hoang cao ngút.
Theo “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thì: “Đi tới cổng phủ, quan truyền mệnh dẫn qua hai lần cửa nữa rồi rẽ về phía trái. Tôi ngẩng đầu nhìn, thấy bốn bề tám phía chỗ nào cũng có cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, trăm hoa đua nở, gió thoảng hương trời. Hành lang, lan can quanh co, tiếp nối song song. Người giữ cửa truyền báo lệnh công đi lại tíu tít như mắc cửi. Vệ sĩ canh gác cửa cung, ra vào phải có phù hiệu…. Vòng quanh ước chừng một dặm, nơi nào cũng lầu đài, đình, gác, rèm châu cửa ngọc, ánh nước mây lồng, suốt lối toàn hoa cỏ kỳ lạ, gió thoảng hương trời, thú đẹp chim quý, nhảy nhót bay hót, giữa đất bằng nhô lên ngọn núi cao, cây to bóng mát, nhịp cầu sơn vẽ bắc ngang lạch nước quanh co, lại có lan can toàn bằng đá màu. Tôi vừa đi vừa ngắm, thực chẳng khác gì cõi tiên vậy“
Có lẽ cũng vì quá xa hoa, lộng lẫy mà khi vương triều Chúa Trịnh sụp đổ, vua Lê Chiêu Thống sai người đốt Chính Phủ, lửa cháy 10 ngày không hết – là trận hỏa hoạn lớn nhất Hà Nội từ trước tới nay, làm mất đi một quần thể kiến trúc mà nếu ngày nay còn sẽ là một di tích lịch sử-văn hóa quý giá. Những vết tích của phủ Chúa Trịnh cũng dần mất khiến người ta không còn rõ vị trí ở đâu.
Theo bản đồ Hồng Đức, phủ Chúa Trịnh nằm ở phía nam thành Thăng Long, phía tây hồ Gươm. Hồ Gươm ngày đó khác với bây giờ khá nhiều, kéo dài và nối với một nhánh của sông Hồng. Vì phía tây của hồ Gươm hiện tại là khu vực tháp Báo Thiên ngày xưa – vị trí Nhà thờ Lớn hiện tại, nên phủ chúa Trịnh phải lùi xuống phía nam so với vị trí đó.

Phủ Chúa Trịnh được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng rơi vào khoảng khu vực các đường Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Bà Triệu ngày nay. Tuy nhiên, theo ghi chép của người phương Tây thì họ nói phủ Chúa ở bên sông Hồng, thường ngày Chúa vẫn xem duyệt thủy quân trên sông. Vậy nên có thể ngoài phủ Chúa Trịnh chính thống còn có nhiều hệ thống phủ nhỏ, nhà, điện, đài khác vây quanh, tạo thành một quần thể Chính Phủ. Quần thể này kéo dài từ khu vực Hai Bà Trưng, Quang Trung, Bà Triệu sang đến hồ Gươm, kéo đến sát sông Hồng.
Trong quần thể Phủ Chúa Trịnh phải nhắc đến Lầu Ngũ Long – công trình đồ sộ, công phu nhất thời bấy giờ. Theo một số nguồn thì lầu cao 300 thước, được dát bằng mảnh sứ và có đá cẩm thạch quấn quanh, đến năm 1787 lầu này bị đốt cháy cùng với toàn bộ quần thể phủ Chúa. 300 thước ngày xưa bằng với khoảng 120m hiện tại (1 thước bằng 0,4m theo quy ước của Pháp), tức tương đương một tòa nhà 25 tầng. Theo mình thì chiều cao này đã được phóng đại lên, bởi tháp Báo Thiên (bị quân Minh phá hủy) – một trong Thăng Long tứ đại khí, có 30 tầng, chỉ cao 80m. Lầu Ngũ Long chỉ có 5 tầng đặt trên 1 bệ móng to cao tựa như một cổng thành. Nếu tính ra thì chỉ cao gấp đôi Ngọ Môn – Đại nội Huế, tức khoảng 30m hoặc có thể cao lên đến 50m là cùng.

Lầu Ngũ Long là lầu chỉ huy quân sự, tức tương tự Bộ Quốc Phòng hay Lầu Năm Góc của Mỹ ở thời điểm hiện tại. Thời đại Lê Trung Hưng, các chúa Trịnh rất quan tâm đến quân sự (xây các trường thao luyện, trại ngựa, trại voi ngay trước Chính Phủ, thường xuyên tập luyện thủy quân ở hồ Gươm và sông Hồng), vậy nên đầu tư mạnh cho một công trình quân sự cũng là có lý.
Lầu Ngũ Long bị đốt cháy cùng với phủ Chúa Trịnh. Nền cũ của Lầu Ngũ Long sau đến thời Nguyễn được xây thành Chùa Báo Ân – ngôi chùa lớn và bề thế nhất Hà Nội.

Nhưng dần đến đời sau, tình hình đất nước loạn lạc, nghèo khó khiến cho ngôi chùa không được tu sửa, dần xuống cấp. Đến khi Pháp cai quản Hà Nội, người Pháp đã phá chùa để xây bưu điện Hà Nội. Dấu tích ngày nay của Chùa Báo Ân chỉ còn là tháp Hòa Phong bên hồ.

Như vậy, dựa trên bản đồ Hồng Đức cùng các tên đường và một số nghiên cứu, ta đã có thể thấy sơ lược phối cảnh thành Thăng Long cùng phủ Chúa Trịnh thời Lê Trung Hưng – một trong những thời đại phát triển rực rỡ trong lịch sử quân chủ Việt Nam.