Ở bài viết này, mình sẽ so sánh Squid Game với Alice in Borderland để xem bộ phim trò chơi sinh tồn của Hàn, và phim trò chơi sinh tồn của Nhật, phim nào hay hơn nhé.

Trong những ngày qua, Squid Game (Trò Chơi Con Mực) đang làm bão trên mạng xã hội. Bộ phim đứng #1 lượt xem trên Netflix domain Việt Nam. Nhiều người tán dương Squid Game lên mây xanh, như một bộ phim đỉnh cao, tầng tầng lớp lớp ý nghĩa, nhưng lại có những người chê Squid Game, so sánh với những bộ phim sinh tồn Nhật Bản và cho rằng Squid Game chưa là gì khi so với những bộ phim đó. Những bộ phim được nhắc đến khi so sánh với Squid Game là Battle Royal, As the Good Will, Gantz hay cả những phim trò chơi sinh tồn không phải của Nhật như Circle, Deadly Class, Escape Room, nhưng đáng chú ý nhất chính là Alice in Borderland.
Alice in Borderland là bộ phim trò chơi sinh tồn chuyển thể từ manga của Nhật, cũng do Netflix sản sất, đã gây ra một cơn bão trên toàn cầu vào năm 2020. Một năm sau, Squid Game, cũng do Netflix sản xuất, nhưng của Hàn Quốc, cũng đang gây nên một cơn bão tương tự, và lẽ dĩ nhiên, hai bộ phim được đem ra so sánh với nhau.

Là một fan của Alice in Borderland, mình vốn không định xem Squid Game, ngay cả khi thấy phim này trên Netflix khi mà nó chưa hot, và mạng xã hội còn chưa bàn tán. Mình không thích xem phim theo trend, nên khi Squid Game trở nên nổi tiếng, mình càng không có ý định xem. Mình cũng không phải fan của thể loại phim trò chơi sinh tồn, nên chưa xem (hoặc xem nhưng không nhớ) những phim Battle Royal, As the Good Will, mình thấy những phim đó mang tính giải trí và ít chất điện ảnh. Đến tận Alice in Borderland mình mới xem một cách hứng thú và bị cuốn hút. Mình cũng không thích phim truyền hình Hàn Quốc, dù cho thích phim điện ảnh như Parasite, Oldboy, The Handmaiden, Mother, Burning, Memories of Murder… Bởi vậy sau đây mình sẽ review công tâm nhất, không thiên về Nhật hay Hàn (giống như nhiều người bị mắc vào bẫy thiên vị khi xem phim)
Lưu ý: Nội dung sau đây có thể tiết lộ nội dung phim.

Đầu tiên, mình sẽ review qua về Squid Game. Như mọi người đã biết, Squid Game xoay quanh nhân vật Gi Hoon – một người đàn ông vô công rồi nghề, nợ nần ngập đầu, một lần vô tình được “mời” đến một trò chơi với hứa hẹn trao thưởng số tiền lớn nên đã đồng ý tham gia. Tại đây, Gi-hun đã gặp những người chơi khác, mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách nhưng đều có chung lý do tham gia trò chơi là rơi vào đường cùng của nợ nần. Họ phải tham gia những trò chơi sinh tử trên một hòn đảo, với trò chơi được xây dựng dựa trên những trò chơi dân gian mà người chơi sẽ bị loại dần, cho tới khi còn người cuối cùng sẽ “nuốt trọn” giải thưởng khổng lồ.
Với mình, Squid Game không quá ấn tượng, không có gì bất ngờ, nhưng là một bộ phim có cá tính và được thực hiện khá chỉn chu. Những bộ phim trò chơi sinh tồn Nhật thường không được đầu tư đúng mực về khoản mỹ thuật, bối cảnh, kỹ xảo (thường lấy bối cảnh học đường) trừ Alice in Borderland. Squid Game gần như là bộ phim trò chơi sinh tồn đầu tiên của Hàn Quốc tạo được tiếng vang, và ekip làm phim đã hoàn toàn nghiêm túc để thực hiện một bộ phim chỉn chu, quay phim đẹp mắt và mỹ thuật cao.
Về nội dung, mình thấy Squid Game không quá đặc sắc. Cách dẫn dụ người chơi, cách tiếp nối của các trò chơi, cách người chơi kết nối với nhau, cách các trò chơi loại người chơi…, tất cả đều có vẻ gì đó quen quen, tương tự như những bộ phim hoặc manga trò chơi sinh tồn khác. Trước khi xem phim, mình thấy có người nói phim có plot twist lớn ở cuối phim, nhưng mình không nghĩ đó là plot twist. Thực tế, mình đoán ra cả 2 nhân vật bí ẩn (mà nhiều người coi là plot twist) từ tập 3, thậm chí nghi ngờ từ tập 1. Nội dung các trò chơi cũng không thiên về trí tuệ, giải đố, “hack não”, mind game khiến người xem không quá trầm trồ, nhưng được điểm sáng là dựa trên những trò chơi dân gian Á Đông nên gợi cảm giác quen thuộc. Ngay cả người xem ở Việt Nam cũng sẽ cảm thấy quen thuộc với nhiều trò trong số đó.

Một điểm sáng về nội dung khi so sánh với các phim trò chơi sinh tồn khác, ngay cả với Alice in Borderland, đó là nhân vật của Squid Game được xây dựng, khai thác đời tư, tâm lý nhiều hơn. Dù cho so với các phim điện ảnh ở thể loại khác, đời tư và tâm lý nhân vật Squid Game không quá đặc sắc, vẫn còn rập khuôn, nhưng đó lại là điểm mới so với dòng phim trò chơi sinh tồn. Có những nhân vật chắc chắn sẽ được nhiều người thích như Il-Nam, Sae Byuk, Ji Yeong, Ali; hay ghét cay ghét đắng như Deok Soo, Cho Sang Woo. Việc này giúp cho bộ phim có hồn hơn, nhưng vô hình chung lại trở nên có phần 1 chiều khi phân loại nhân vật tốt-xấu quá rõ ràng như thế (dù cho có những nhân vật đã từ xấu chuyển sang tốt và ngược lại, thì nhìn chung nhìn qua ta cũng thấy được nhân vật nào sẽ là tốt và nhân vật nào xấu hoặc sẽ là xấu, điều đó đã không thay đổi gì suốt chiều dài bộ phim).

So với Alice in Borderland, những nhân vật trong Alice in Borderland khó đoán hơn, nhất là khi đến với Beach. Alice in Borderland cũng có những nhân vật 1 chiều, nhưng do có nhiều nhân vật phụ hơn, dẫn đến có nhiều nhân vật khó đoán hơn. Tuy nhiên, quá khứ và tâm lý nhân vật, nhất là nhân vật chính trong Alice in Borderland không được khai thác tốt bằng Squid Game. Điều này là dễ hiểu khi nhân vật chính trong Alice in Borderland là một thiếu niên mê game, có phần nerd, có tài năng trong việc giải đố; còn nhân vật chính trong Squid là một người đàn ông trung niên “loser” bất tài, bị dồn đến chân tường của xã hội. Nhờ vậy, nhân vật chính trong Squid Game có cơ hội thay đổi, phát triển và điểm đặc sắc nhất là nhân vật này hoàn toàn thay đổi sau khi trò chơi kết thúc. Không phải theo cách thông thường, mà là một chứng PTSD, đem đến chiều sâu tâm lý, xã hội cho bộ phim mà Alice in Borderland chưa làm được.
Nhắc đến chiều sâu, Squid Game cũng không đơn thuần lên án lòng tham lam và sự ham sống, phản lại đồng đội của con người – điều tương tự với nhiều phim trò chơi sinh tồn khác, mà còn có ý đả kích chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu dùng – những thứ đã dồn những người chơi đến cùng đường, để rồi phải tham gia trò chơi một sống, một chết. Khi tham dự trò chơi, họ được đem đến sự bình đẳng, nhưng tất cả cũng mất đi phần người, để lộ phần con vì món tiền thưởng quá lớn, và cả vì mạng sống của mình. Alice in Borderland không đả kích chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu dùng nhưng lại có ý đả kích chủ nghĩa cộng sản qua hội những người chơi mang tên Beach – lấy danh nghĩa cùng làm cùng hưởng nhưng quyền lực lại thực sự thuộc về kẻ nắm quyền và nhóm lợi ích. Như vậy, về ý nghĩa chính trị thì hai phim đều có cái hay riêng.
:no_upscale()/cdn.vox-cdn.com/uploads/chorus_asset/file/22875998/SquidGame_Unit_101_627.jpg)
Mình sẽ không nhắc đến yếu tố tôn giáo, vì mình không phải kẻ mộ đạo của tôn giáo nào, cũng không hiểu quá nhiều về Thiên Chúa giáo. Squid Game có ý tưởng phản bác lại Chúa, với ý tưởng Chúa toàn năng nhưng không toàn thiện. Đó là một ý nghĩa hay, nhưng đừng thần thánh điều đó, vì có vô số phim Mỹ đã làm về ý nghĩa đó, nhiều tới mức “phản Chúa” trở thành một chủ đề mới trong phim ảnh Mỹ, có thể kể đến như West World, Preacher, Lucifer, American Gods, The God Who Wasn’t There… Ý nghĩa của các hình tròn, vuông, tam giác liệu có phải tôn giáo hay không? Có bài review gán các ký hiệu này với tôn giáo. thực tế thì đây là 3 hình cơ bản, và ta có thể dễ dàng gán nó vào bất cứ ý nghĩa gì. Mình nói vui thôi, tròn đại diện cho bánh giầy, vuông đại diện cho bánh chưng, còn tam giác đại diện cho bánh giò. Hay là về tôn giáo, tròn đại diện cho mặt trời của đạo Hồi, vuông đại diện cho búa của thần Thor, còn tam giác đại diện cho Illuminati (dĩ nhiên, ba tôn giáo này chẳng liên quan gì đến Squid Game)
Một điểm mình không thích của Squid Game là phim có diễn xuất bị “over react” (hoặc còn gọi là “over the top”) – “làm quá”. Đây là đặc trưng trong lối diễn xuất của nhiều phim Hàn, biểu hiện ở việc diễn viên biểu cảm quá mực nét mặt, ánh mắt, cử chỉ so với thực tế. Rõ ràng nhất của “over react” là diễn xuất của những người chơi ở tập 1, và của diễn viên đóng Mi-Nyeo (mình không thể nuốt nổi lối diễn xuất quá mực của diễn viên này), hay cả diễn viên đóng Il-Nam, Deok-su và Gi Hoon trong phần lớn thời lượng phim. Ngược lại, diễn xuất của diễn viên đóng Sae Byuk, Sang-Woo, bà mẹ và mẹ Sang-Woo là rất tốt. Diễn viên chính đóng Gi Hoon mình thấy đến tập cuối mới thoát lối diễn “over react” và tập cuối diễn viên này diễn rất hay. “Over react” thường được sử dụng trong những phim hài (phim Charles Chaplin, phim Wes Anderson), hài kịch đen (phim Coen brothers, Quentin Tarantino) hoặc những phim kinh dị hạng B (cố gắng “over react” để tạo sự kinh hoàng trên nét mặt diễn viên). Việc Squid Game sử dụng nhiều “over react” khiến cho mình thấy phim đang cố để khiến nó kinh hoàng hơn, làm mất đi sự chân thật của bộ phim. Trong Alice in Borderland, các nhân vật chết còn thảm khốc hơn, nhưng không cố tạo ra sự kinh hoàng đến thế (trừ tập 3 khi mà nhân vật chính phải chứng kiến nhóm bạn thân chết). Mình để ý thấy các phim Hàn bị “over react” rất nhiều, có lẽ đã trở thành một hệ thống ăn sâu vào “mindset” trong đào tạo diễn xuất và đạo diễn điện ảnh, truyền hình nước này.

Squid Game gần như không có những game thông minh và hại não như Alice in Borderland. Kịch tính của Squid Game cũng không bằng Alice in Borderland, khi Alice in Borderland có phân hạng game theo số từ 1 đến 10 và các chất trên lá bài, giúp cho những game từ 7 đến 10 là vô cùng kịch tính. 2 game mình thích nhất trong Alice in Borderland là game 7 cơ (ở tập 3) và game 10 cơ (ở hồi kết). Đây là 2 tập mà mình đánh giá rất cao về sự kịch tính và gây sốc của nó. Trong Squid Game, chỉ có duy nhất 1 game đủ để so sánh về độ kịch tính với Alice in Borderland là game vượt cầu kính, nhưng đó lại là game mang tính cầu may. Tập phim và game mình thích nhất trong Squid Game thực ra là tập 6 với game giành bi (Gganbu). Với mình, đây là tập phim hay nhất và game này cũng dã man nhất, xứng đáng mang cấp độ 7 cơ nếu là 1 game trong Alice in Borderland.
Tiếc thay, từ sau tập 6, mình thấy các tập sau đó đều không còn hay nữa. Đặc biệt, trò chơi và tập cuối: Squid game là thứ khiến mình thất vọng nhất. Điểm sáng duy nhất ở tập cuối là nhân vật chính bị PTSD với tâm trí thù hận tổ chức đã tạo ra game này (khác với 2 kiểu kết thông thường: nhân vật chính chiến thắng và hòa nhập với cuộc sống thường, hoặc nhân vật chính phá hủy được tổ chức).
Trong khi đó, Alice in Borderland vẫn chưa kết thúc. Tập cuối và cách giải quyết game 10 cơ trong Alice in Borderland cũng khiến mình có chút thất vọng, nhưng season 1 kết thúc với việc những lá bài J, Q, K bắt đầu xuất hiện, dự báo một season 2 sẽ gay cấn hơn nhiều.

Ưu điểm của cả hai về mặt hình ảnh là quay phim, màu phim và kỹ xảo rất tốt, nhìn không bị giả như các phim chuyển thể từ manga khác của Nhật. Ngoài ra, thiết kế bối cảnh của cả 2 đều đặc sắc. Nếu như Squid Game là bối cảnh (và phục trang) mang màu sắc xanh-hồng tạo nét mỹ thuật cao thì Alice in Borderland lại đáng khen về bối cảnh của Tokyo không người và thiết kế của nơi tổ chức Beach tọa lạc.


Một cách tổng quan, mình đánh giá Squid Game là bộ phim hay, nhưng không phải quá hay, không phải tuyệt tác điện ảnh và cũng không đáng nhận những đánh giá thậm tệ. Squid Game có những ưu điểm riêng so với Alice in Borderland mà ta có thể so sánh thành các tiêu chí sau:
- Độ kịch tính: Squid Game 7 – Alice in Borderland 9
- Trí tuệ trong các game: Squid Game 6 – Alice in Borderland 9
- Sự hồi hộp trong các game: Squid Game 8 – Alice in Borderland 8
- Chiều sâu và phát triển nhân vật: Squid Game 8 – Alice in Borderland 6
- Ý nghĩa: Squid Game 7 – Alice in Borderland 7
- Cao trào và cách giải quyết cao trào: Squid Game 6 – Alice in Borderland 6
- Diễn xuất: Squid Game 7 – Alice in Borderland 8
- Hình ảnh (quay phim, màu phim, kỹ xảo): Squid Game 8 – Alice in Borderland 8
- Âm thanh-âm nhạc: Squid Game 8 – Alice in Borderland 7
Tổng kết lại, Squid Game so với Alice in Borderland thì kẻ tám lạng, người nửa cân. Cả hai đều có ý nghĩa chính trị, triển khai cốt truyện tương đối tốt (cho đến cao trào thì giải quyết có hơi hẫng), có ưu điểm về hình ảnh với quay phim, màu phim, kỹ xảo và thiết kế bối cảnh rất tốt. Squid Game không kịch tính bằng, các game không “hại não” bằng nhưng bù lại thì nhân vật lại có chiều sâu và phát triển tốt hơn Alice in Borderland.
Cả Squid Game và Alice in Borderland đều xứng đáng là hai trong những phim trò chơi sinh tồn hay nhất. Tuy nhiên, nếu so sánh với phim truyền hình và điện ảnh nói chung thì cả hai chỉ ở mức 7.9/10 điểm.
Tác giả: ĐA-ĐA