Được thực hiện bởi Edward Wright – đạo diễn của Baby Driver, bộ phim Last Night in Soho (tạm dịch: Đêm cuối ở Soho) đã khiến mình tò mò ngay từ trailer đầu tiên. Một câu chuyện được kể bằng ánh sáng neon, kết nối hai con người ở thế kỷ XXI và thập niên 60s, với những tình tiết kinh dị được hé lộ. Ngay từ giây phút ấy, mình đã đặt Last Night in Soho vào shortlist năm nay, cùng với những bộ phim The French Dispatch, The Green Knight, The Lamb, Titane, The Hunt, The Matrix Resurrections…
Bộ phim mở đầu bằng câu chuyện của cô bé Eloise từ vùng quê nước Anh lên London theo học ngành thiết kế thời trang. Tại đây, một cô bé có phần “quê mùa”, hơi “weird”, yêu thích nhạc cổ điển, đã bị đám bạn cùng ký túc kỳ thị, dẫn tới việc cô phải tìm đến một nhà trọ cũ kỹ ở London. Ngay từ đêm đầu tiên qua đêm ở căn nhà trọ này, Eloise đã hóa thân và được chứng kiến câu chuyện về cô gái trẻ xinh đẹp Sandie ở thập niên 60s. Sandie – với tham vọng trở nên nổi tiếng ở London, đã đến quán Cafe de London nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, làm quen với Jack. Sandie và Jack vừa có mối quan hệ tình cảm lãng mạn mà Eloise hằng mơ ước, bên cạnh đó, Jack cũng hứa hẹn sẽ đưa Sandie trở thành một ngôi sao.

Eloise gần như bị cuốn vào thế giới quá khứ đó. Cô nhận ra đó không chỉ là mơ, bởi vết hickey của Jack lên Sandie vẫn hằn trên cổ Eloise khi cô hóa thân thành Sandie. Vậy là Eloise luôn mong chờ tới ban đêm để được du hành về quá khứ, nhập thân vào “thần tượng” Sandie, khám phá cuộc tình lãng mạn của hai người; cũng như được Sandie truyền cảm hứng để Eloise tự tin bên ngoài đời thực.

Nhưng liệu rằng mối tình của Jack và Sandie có đẹp như Frank Sinastra và Ava Gardner? Không. Biến cố xảy ra giữa hai người, và Eloise nhận ra cuộc sống của Sandie rơi vào địa ngục. Đó cũng là lúc Eloise bị nỗi ám ảnh mang tên Sandie đeo bám ra ngoài đời thật. Kể từ đây, mạch phim trở nên nhanh, với nhiều tình tiết rùng rợn, kỳ ảo và ám ảnh.

Điều khiến mình ấn tượng nhất với bộ phim, đó là bộ phim rất đẹp. Từ cinematography, tới thiết kế bối cảnh, phục trang; và đặc biệt là khâu edit phim cùng với VFX đều rất ấn tượng. Nếu như cảnh quay có nhiều góc quay qua gương và đổi vai ấn tượng giữa Eloise và Sandie, thì ánh sáng phim được kết hợp chủ đạo bởi hai màu neon đỏ và xanh cũng tạo một cảm giác huyền bí, ám ảnh. Mạch phim được đội ngũ Editor cắt rất có nhịp điệu và ý đồ, với nhiều pha chuyển cảnh ấn tượng, khiến cho bộ phim thực thực, ảo ảo, nhưng xem vẫn không quá khó hiểu như những phim của Christopher Nolan.

Kỹ xảo cũng là điểm đáng khen của bộ phim, khi tạo hình của những “bóng ma” không bị giả, “rẻ tiền”; ngược lại, thực sự ấn tượng và ám ảnh. Có nhiều trường đoạn đội ngũ VFX đã xử lý để kết hợp giữa tưởng tượng với thực tế; hoặc những phân cảnh mang đậm chất fantasy, khiến cho Last Night in Soho thêm phần kỳ ảo và nghệ thuật.

Thông thường với một bộ phim hơi hướng kinh dị, teenager như này, mình thường không đánh giá cao về nội dung kịch bản. Nhưng phải nói Last Night in Soho có một kịch bản rất hay, rất cuốn hút mà cũng lại rùng rợn. Ban đầu, mình đồng cảm và yêu thích cô bé Eloise lạc lõng (có lẽ do mình cũng hay cảm thấy khác người và lạc lõng như vậy), để rồi sau đó hoàn toàn đi theo gót chân của Eloise để khám phá quá khứ của Sandie. Câu chuyện bi kịch của Sandie cũng vừa đủ để tạo ý nghĩa cho bộ phim, cũng như gây ấn tượng với khán giả, dù cho với mình không quá mới mẻ. Ý nghĩa này ta có thể tìm thấy như trong Bombshell, Promising Young Woman, Girl From Nowhere; nhưng đảm bảo cách dẫn dắt và cảm xúc phim trong Last Night in Soho hoàn toàn khác biệt so với những phim kể trên.
Đạo diễn Edward Wright cũng rất biết cách biến tấu kịch bản để Last Night in Soho không trở nên nhàm chán; khi biến những kẻ gây bất hạnh cho Sandie trở thành những bóng ma ám ảnh Eloise ngoài đời thực, qua đó kết nối hai quãng thời gian, hai thế giới, thông qua tiềm thức của Eloise. Chúng ta như được nhập vào Eloise để trải qua cơn ác mộng, mà đôi khi giống như cảm giác bị bóng đè: sợ hãi, bất lực, không biết đâu là thực, đâu là hư. Đây chính là điểm đặc sắc và thú vị nhất của bộ phim. Cùng với đó, bộ phim cũng giải quyết cao trào bằng những plot twist vừa đủ để khiến khán giả không dễ dàng nhận ra. Dù cho những người hay xem phim và tinh ý, có thể nhận ra trước thời điểm mà bộ phim cho chúng ta thấy, thì chúng ta cũng khó đoán đúng plot twist ngay từ trước khi cao trào diễn ra. Như vậy, về kịch bản, Last Night in Soho có một kịch bản tương đối chắc chắn, cuốn hút, thú vị, ám ảnh và cũng đầy bất ngờ, ý nghĩa.
Bộ phim Last Night in Soho cũng có sự góp mặt của nữ diễn viên xinh đẹp Anna Taylor-Joy (từng đóng vai chính trong The Queen Gambit) trong vai Sandie và Matt Smith (từng đóng vai chính trong Dr.Who) trong vai Jack. Đội ngũ diễn viên của phim, bao gồm cả những diễn khác, đều diễn rất thành công, đủ để làm nên một bộ phim hay.

Có thể nói, Last Night in Soho nằm ở ranh giới giữa giải trí và nghệ thuật, tương tự như cách bộ phim kể câu chuyện ở ranh giới giữa thế kỷ XXI và thập niên 60s của thế kỷ trước. Mình rất mong Last Night in Soho sẽ được đề cử ở những giải thưởng sắp tới, nhưng theo mình đánh giá, ý nghĩa và mức độ nghệ thuật của bộ phim chưa đủ đạt đến tầm đó. Mình hy vọng bộ phim sẽ góp mặt ở các giải kỹ thuật trong các giải thưởng sắp tới, bởi theo mình đánh giá, Last Night in Soho xuất sắc hơn Baby Driver nhiều.
Tổng kết lại, theo mình, Last Night in Soho là một bộ phim hay, có sự kết hợp của giải trí lẫn nghệ thuật. Bộ phim thực sự cuốn hút, rùng rợn và có cả sự bi thương nếu ta suy nghĩ sâu về nó. Nhưng về ý nghĩa, bộ phim chỉ nằm ở lưng chừng, vừa đủ để hay hơn các phim giải trí, nhưng chưa đủ ý nghĩa khi so sánh với các phim hàn lâm. Dù sao chăng nữa, Last Night in Soho với mình cũng là một bộ phim hay, và phù hợp với tất cả mọi người.
Đánh giá: 8.0/10