Du ký Huế 2020 (Phần 1)

Mờ đầu

Kể từ sau chuyến đi Seoul – Hàn Quốc và được thăm thú cung điện Gyeongbukgung, khám phá văn hóa, lịch sử nước bạn; tôi lại càng muốn so sánh những di sản tương đương ở Việt Nam với nước đồng văn này. Vào thời kỳ đó, nước Triều Tiên cũng chỉ là một nước nhỏ tương đương Đại Việt, vậy nhưng khi ở Gyeongbukgung, tôi đã thấy được sự nguy nga, hoành tráng cùng những nét đặc trưng riêng biệt của văn hóa cung đình Triều Tiên trong đó. Khi so sánh với Hoàng thành Thăng Long, tôi thấy rằng Hoàng thành Thăng Long rõ ràng không thể bằng, chưa tính tới sự nguy nga, tráng lệ hay diện tích mà tính theo đặc trưng riêng. Điều này có thể hiểu được phần vì Hoàng thành Thăng Long đã bị phá hủy phần lớn, những di tích còn lại ngày nay chỉ còn là phần nhỏ lưu giữ được.

Có lẽ bởi vậy, tôi càng thêm quyết tâm đến Cố đô Huế. Trong các di sản kiến trúc phong kiến Việt Nam, Huế là nơi lưu giữ được nhiều nhất, và toàn vẹn nhất. Đại nội Huế đã trở thành một biểu tượng khi nhắc đến kiến trúc phong kiến tại Việt Nam. Dù cũng đã bị phá hủy khá nhiều, Đại Nội Huế lại là công trình thành-cung điện hiện đại hơn so với Hoàng thành Thăng Long, được triều Nguyễn – một trong những triều đại giàu có, tiếp xúc với văn minh phương Tây xây dựng. Có lẽ Đại Nội Huế là công trình tiêu biểu để đại diện nền văn hóa Việt, đứng ra so sánh với những công trình ở các nước đồng văn như Tử Cấm Thành ở Trung Quốc, hay Gyeongbukgung ở Hàn Quốc. Vậy là, tôi quyết định chọn Huế làm điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình khám phá thế giới xung quanh của mình.

Ban đầu, kế hoạch đi Huế được vạch ra như một chuyến đi của tôi cùng hai thằng bạn thân, khi mấy anh em vẫn chưa đi đâu xa với nhau lần nào. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đến cuối cùng, người thì không đi được vào thời gian đó, người thì lại đi nơi khác, nên chỉ còn mình tôi quyết định sẽ đi Huế ngay mùa xuân này. Hơn nữa, tôi là người thích du lịch khám phá, nên thường chọn lịch đi lại khá dày, thường thăm thú các di tích lịch sử văn hóa, mà có vẻ như đó không phải là lịch trình và điểm đến phù hợp cho một hội nhóm trẻ trung đi chơi. Bởi vậy, sau cùng tôi nghĩ rằng mình đi riêng như vậy hợp lý hơn là đi với nhóm bạn bè.

Sau một kỳ nghỉ Tết, những ngày đầu xuân và cũng là những ngày cuối của kỳ nghỉ Tết, trước khi bước vào một năm làm việc mới tất bật, tôi sắp xếp hành lý lên đường. Đây cũng là thời điểm mà dịch bệnh covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc. Ở Việt Nam bắt đầu có những ca bệnh đầu tiên và tất cả đều rất sợ hãi trong khoảng thời gian bắt đầu này.

Ngày 1 (30/01/2020): Ký sự trên tàu

Với tôi, tàu hỏa luôn có một nét quyến rũ lạ lùng. Hình ảnh con tàu đi qua những vùng đất xa xôi như trong Harry Potter hay cảm giác ngồi trong toa tàu như trong Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ, Xứ Tuyết… luôn khiến tôi cảm nhận sự độc đáo khi di chuyển bằng tàu hỏa. Cũng một phần nữa tôi chưa được đi tàu hỏa bao giờ, nên bởi vậy, tôi càng to mò và hứng thú với tàu hỏa. Lần này, tôi quyết định chọn tàu hỏa để di chuyển tới Huế.

Tàu của tôi khởi hành từ Ga Hà Nội, trên chuyến tàu Thông Nhất Bắc-Nam SE1 khởi hành vào 22:20. Tôi đến ga sớm trước một tiếng để làm thủ tục, tuy nhiên nhờ đặt vé online trước đó, tôi chỉ cần mất 5 phút tại máy check-in online để in vé. Việc này giúp tôi tránh khỏi phiền toái vì vốn không biết các thủ tục mua vé, lên tàu… Việc lên tàu cũng tương đối đơn giản, chỉ cần tìm cổng có thể lên lên của tàu SE1 (cổng 1A, 1B), ra cổng đó là sẽ đến tàu của mình.

Bầu không khí ban đêm trên tàu khá nhộn nhịp, nhất là khi đây là dịp vừa hết Tết, nhiều người ở miền Trung, miền Nam ra miền Bắc ăn Tết, giờ quay trở lại với cuộc sống thường nhật của mình. Ở cùng buồng giường nằm với tôi là một gia đình về Đồng Hới. Tàu lăn bánh đúng giờ, tôi đứng bên cửa sổ, thích thú ngắm nhìn Hà Nội rực rỡ ánh đèn lùi dần về phía xa xa. Chỉ sau khoảng hai tiếng lăn bánh, tàu đến ga Phủ Lý, đó cũng là lúc tôi lên giường để đọc sách rồi đi ngủ. Đêm hôm đó, tôi ngủ chập chờn, một phần do tàu ồn, xóc, rung lắc; một phần do quá háo hức với chuyến đi này.

Ngày 2 (31/01/2020): Đặt chân đến Huế – Tham quan Trường Quốc Học, Lăng Gia Long, Cầu Trường Tiền

Một trong những điều bất tiện nhất khi đi tàu, đó là việc vệ sinh buổi sáng. Tôi thức dậy, chỉ có thể ra buồng rửa mặt để rửa qua mặt, súc miệng và nhai kẹo cao su thay kem đánh răng. Và vì cả một toa tàu chỉ có hai buồng rửa mặt nên phải xếp hàng chờ một lúc mới đến lượt mình.

Ở bên ngoài buồng ngủ là những hàng người ngồi ghế nhựa vật vờ. Có người lên sau, không có chỗ nằm. Có người như tôi, nằm ở hàng trên khi dậy thì không ngồi được nên phải ra ngoài ngồi. Nếu được chọn lại, tôi sẽ chọn mua ghế ngồi mềm, dù không được nằm nhưng có thể ngồi thoải mái hơn trong cả chuyến đi.

Lúc tôi trở lại buồng của mình cũng là lúc gia đình về Đồng Hới xuống ga của họ. Thế chỗ họ là một gia đình hai bác lớn tuổi người Ninh Bình về Quảng Ngãi và một bác cũng lớn tuổi về Huế. Do giường của tôi ở tầng ba, chỉ nằm chứ không ngồi được nên tôi xin phép ngồi nhờ giường của bác ở bên dưới. Chúng tôi nói đôi ba câu chuyện, chuyện này chuyện kia, đi đâu, về đâu, gia đình, cuộc sống… Tôi nhìn bên ngoài, con tàu đang băng qua những cánh đồng và triền đồi trải dài, vẫn còn những cánh cò bay. Lần gần nhất tôi về quê nội ở Ninh Bình, cò không còn nhiều, nhưng ở đây, tôi có thể thấy cò trắng tụ tập thành đàn, vẫn mang vẻ yên bình của làng quê Việt Nam.

Khoảng 10 rưỡi sáng, sau 12 tiếng trên con tàu hỏa Bắc-Nam, tôi đã đến địa phận thành phố Huế. Con tàu đi vòng qua phía Tây thành phố để vào ga, từ đó có thể thấy được sông Hương và Đại Nội phía xa xa. Tàu đi qua cầu Dã Viên, từ trên tàu có thể nhìn thấy những vọng lâu có mái ngói lưu ly màu vàng đậm chất cung đình Huế ở hai bên. Tôi cảm thấy như mình đã chính thức đặt chân đến xứ Huế.

Tôi xuống ga Huế và đi vòng ra cổng để bắt taxi. Ở đây không có Grab Car nên tôi cũng băn khoăn trong việc chọn xe. Sau một hồi khảo giá các hãng taxi, có một chú mời tôi với mức giá thấp hơn các hãng xe đưa ra. Tôi chấp nhận, chú dẫn tôi ra xe. Mặc dù xe chú có vẻ hơi cũ và có phần tồi tàn, nhưng bù lại, chú rất nhiệt tình. Chiều hôm đó, cũng chính chú đã chở tôi đến lăng Gia Long và làm hướng dẫn viên cho tôi nữa.

Bởi tôi đến vào buổi sáng mà đến đầu giờ chiều mới check-in phòng được, tôi quyết định để lại hành lý ở khách sạn rồi thuê xe đạp, tranh thủ thời gian khám phá vài điểm đến của thành phố Huế và đi ăn trưa. Từ khách sạn, tôi đạp xe ra đường Lê Lợi. Đây là tuyến đường chính của thành phố Huế, dọc theo sông Hương.

Đường ở Huế khá thông thoáng, dọc hai bên đường có những hàng cây lớn, với tán lá khá thưa, giúp cho con đường trở nên lộng lẫy khi ánh nắng xuyên qua tán cây nhuộm vàng đường phố. Trên đường Lê Lợi có nhiều công trình tiêu biểu như Trường Quốc Học – Huế, Tòa Khâm Xứ Trung Kỳ cũ, cũng như ngắm nhìn được sông Hương và Kỳ Đài cao chót vót ở bên kia sông. Dọc theo con đường Lê Lợi, tôi dừng chân tại trường Quốc Học-Huế.

Trước khi lên đường, tôi đã hỏi P. – một người bạn ở Huế về thời gian các địa điểm. P. gợi ý tôi rằng trường Quốc Học-Huế thì nên đi buổi trưa vì sáng và chiều học sinh học. Ngày mai thì tôi sẽ đi lăng cả ngày, còn ngày kia thì đã lên máy bay về Hà Nội, bởi vậy, giờ là thời điểm duy nhất để tôi tham quan trường Quốc Học-Huế.

Khi tôi còn đang ngơ ngác đứng ở ngoài cổng, không biết họ có cho vào không, gửi xe ở đâu thì chú bảo vệ ở bên trong vẫy tôi vào. Tôi vào gửi xe và bắt đầu tham quan ngôi trường màu đỏ son có truyền thống lâu đời bậc nhất Việt Nam này.

Trường THPT Chuyên Quốc Học-Huế là ngôi trường phổ thông lâu đời thứ 3 ở Việt Nam, được thành lập từ năm 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái. Như vậy, trường Quốc Học còn lâu đời và giàu truyền thống hơn cả trường Chu Văn An ở Hà Nội. Khi mới thành lập, trường có tên tiếng Pháp là École Primaire Supérieure, tuy nhiên người bản xứ vẫn hay gọi là trường Quốc Học. Sau nhiều lần đổi tên, ngôi trường sử dụng tên chính thức là Trường THPT Chuyên Quốc Học-Huế từ năm 1956 đến hiện tại.

Đặc điểm nổi bật của trường Quốc Học là những dãy nhà màu đỏ son bên cạnh những tán cây bàng, phượng, đã trở thành thương hiệu đặc trưng của ngôi trường này. Đây cũng là một trong những địa điểm chụp ảnh của nhiều người khi đến Huế, không thua kém gì Đại Nội. Lúc bấy giờ bắt đầu giờ trưa, khi tôi vào thì khách tham quan cũng bắt đầu đông lên, có cả khách tham quan người nước ngoài.

Tổng thể sơ đồ trường Quốc Học có nhiều khu vực, có nhà học, nhà hiệu bộ, nhà thể chất, bể bơi, sân bóng chuyền, bóng đá, sân tennis… Ở chính giữa, trung tâm của ngôi trường là bức tượng Nguyễn Tất Thành. Hóa ra, trường Quốc Học-Huế chính là ngôi trường cấp ba mà Nguyễn Tất Thành – chủ tịch Hồ Chí Minh – nhân vật lịch sử vĩ đại nhất của Việt Nam, từng theo học. Không những vậy, tôi còn biết được một điều thú vị rằng trường Quốc Học-Huế cũng là nơi mà Ngô Đình Diệm – cựu tổng thống Việt Nam cộng hòa, theo học. Như vậy, hai nhân vật đứng đầu hai nền chính phủ: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc Việt Nam) và Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam Việt Nam).

Một điều khá thú vị cũng xoay quanh chủ tịch Hồ Chí Minh, theo sử liệu chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Tất Thành nhập học tại trường Collège Quốc Học (tên trường Quốc Học lúc bấy giờ) vào tháng 9 năm 1907, đến tháng 5 năm 1908, Nguyễn Tất Thành tham gia biểu tình chống thuế ở Trung Kỳ, tại Tòa Khâm Xứ Trung Kỳ (cũng trên đường Lê Lợi) nên bị trục xuất khỏi trường. Tuy nhiên, theo tài liệu từ Hải ngoại là bức thư của cựu hiệu trưởng trường Collège Quốc Học, Nguyễn Tất Thành nhập học tại trường vào tháng 8 năm 1908 nên không có việc Nguyễn Tất Thành bị trường trục xuất. Dẫu có bị trục xuất hay không thì Nguyễn Tất Thành cũng đã tham gia cuộc biểu tình chống thuế, vì lý do đó bị triều đình và Chính quyền Trung Kỳ giám sát chặt chẽ. Để thoát khỏi sự giám sát này và hoạt động cách mạng, Nguyễn Tất Thành đã vào miền Nam và rồi đến Pháp từ Cảng Nhà Rồng cách đó không lâu.

Chắc chắn sẽ không sai khi nói rằng trường Quốc Học–Huế chính là ngôi trường phổ thông có bề dày lịch sử, truyền thống nhất Việt Nam, nơi đào tạo ra rất nhiều người con ưu tú, nhân vật quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Có thể kể đến các cựu học sinh Quốc Học-Huế tiêu biểu là Nguyễn Tất Thành, Ngô Đình Diệm, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Tố Hữu, Alexis Phạm Văn Lộc, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Đào Duy anh, Xuân Diệu, Huy Cận, Phạm Tuyên…

Tại đây, tôi bắt gặp một cây bàng đang ra lộc non, vì thích vẻ đẹp tươi mới đầy sức sống giữa một di tích cổ điển như này, tôi đã chụp không ít tấm film chỉ với cái cây này.

Sau khi tham quan trường Quốc Học-Huế và “bay màu” cả cuộn film Kodak Ultramax 400 24 tấm, cũng đã đến trưa nên tôi lại đạp xe lòng vòng tìm quán ăn. Đi dọc đường Hà Nội, tôi đang ngơ ngác tìm hàng ăn thì ở một hàng bún bò Huế bên đường, một bạn nữ gọi tôi vào. Cũng chưa biết ăn ở đâu ngon nhưng thấy cửa hàng cũng bình dân, sạch sẽ nên tôi vào và gọi bún bò không chân giò do tôi không thích ăn chân giò. Cùng lúc, có một bạn nam người nước ngoài cũng gọi bún bò không tiết. Khi nhân viên quán mang bún cho bạn nam người nước ngoài, giữa họ xảy ra cuộc tranh cãi nhỏ. Tôi nghe được loáng thoáng bạn nam phàn nàn rằng tại sao bát bún của bạn ấy có “blood” còn bạn nhân viên tiếng Anh không sõi, cố thanh minh rằng đã không cho tiết nhưng có vẻ cả hai chưa hiểu ý nhau. Bạn người nước ngoài hỏi tôi có thể nói tiếng Anh không. Dù vốn tiếng Anh không tốt, tôi vẫn giúp thử, khi nhìn vào bát bún bò thì đúng là không có tiết. Bạn nước ngoài chỉ vào miếng thịt bò có chút màu đỏ và bảo “blood”, tôi hiểu ra, hóa ra ý bạn ấy “blood” không phải tiết mà là thịt bò chưa chín kỹ, vẫn còn máu. Tôi bảo với bạn ấy rằng thịt bò họ làm “rare”, nhân viên cũng hiểu ra và xin phép mang bát bún vào làm bò chín kỹ hơn. Tôi bảo lại với bạn ấy rằng hãy chờ một chút để họ làm thịt bò “well”. Khi đó, tôi không biết làm sao để nói những từ như “tái”, “chín” nên sử dụng từ miêu tả món steak, nhưng có vẻ bạn người nước ngoài cũng hiểu.

Sau bữa trưa, lúc bấy giờ thời tiết ở Huế nắng nóng, tôi đạp xe về khách sạn, check-in nhận phòng, rửa ráy mặt mũi chân tay rồi ngủ một lát do đêm qua không ngủ được nhiều. Chiều nay, 15h tôi sẽ lên đường đi tham quan Lăng Gia Long – nơi xa nhất ở Huế mà tôi sẽ đi. Tiếc rằng sự cố xảy ra khi tôi thay film đã khiến tôi mất toàn bộ ảnh chụp trong chuyến đi đến lăng Gia Long này.

Xe đón tôi tại khách sạn, đây xe taxi của chú tôi gặp khi mới đến ga Huế mà tôi kể bên trên. Trên đường về khách sạn, tôi hỏi chú luôn đi lăng Gia Long bao xa, hết bao nhiêu, thấy chi phí cũng vừa phải, tôi quyết định lên đường. Trên đường đi, chú nói chuyện và chỉ cho tôi khá nhiều. Nào là Đàn Nam Giao – một đàn tế, thường được vua quan nhà Nguyễn đến tế trời đất, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đàn Nam Giao khá rộng, dù chỉ đi ngang qua tôi vẫn cảm nhận được sự rộng lớn với nhiều cây cối lâu năm bên trong.

Đường đến Lăng Gia Long xem chừng khá xa, dù chỉ cách trung tâm 15km, tương đương khoảng cách từ nhà tôi lên phố cổ, nhưng cảm giác xa hơn nhiều do đi đường rừng núi ngoằn ngoèo. Trên đường tới Lăng Gia Long, tôi đi qua nhiều địa điểm khá đẹp, đó là dọc bên bờ sông Hương, có thể trông thấy Điện Hòn Chén – một cổ điện từ thời người Chăm; đó là cầu Tuần bắc qua sông Hương mà trông ra thấy dòng sông rộng lớn; và đặc biệt nhất có một cung đường nối hai quả đồi, con đường thũng xuống rồi nhô lên, cảm giác như đang dựng đứng trước mặt, hai bên là rừng thông.

Gần đến Lăng Gia Long thì toàn là rừng thông, cây lớn, tán lá dày và xanh rì. Lăng Gia Long được đặt tại địa điểm xa nhất trong tất cả các lăng vua nhà Nguyễn. Nguyên nhân có lẽ bởi sinh thời, Gia Long có một cuộc đời gian truân, phức tạp, đặc biệt là việc vua đã cho quật mộ vua Quang Trung, thanh trừng toàn bộ những người theo Tây Sơn, nên xây lăng, Gia Long muốn chọn một nơi xa xôi, hẻo lánh, giữa sông núi để yên nghỉ, tránh hậu họa về sau. Lăng Gia Long nằm sâu trong vùng rừng núi hẻo lánh, gần tả ngạn sông Hương. Trước đây, để vào lăng thì không cách nào khác ngoài đi thuyền theo sông Hương rồi men theo đầm lầy đi vào. Đến nay, đường xá đã hiện đại hơn xưa rất nhiều nhưng đường vào Lăng Gia Long cũng tương đối khó đi, phải đi theo con đường mòn xuyên qua rừng thông hoang vu, vòng ra mặt sau lăng mà vào.

Lăng Gia Long nằm trên ngọn đồi bằng phẳng, trước mặt có núi lớn làm bình phong, trên núi có hai cây cột trụ biểu lớn tạo thành cánh cổng trời dẫn vào, đó chính là lối chính vào lăng khi xưa. Trước đây từng có 85 cây cột lớn như vậy, nhưng giờ đây chỉ còn lại 2 cột mà thôi. Sau lưng lăng có 7 ngọn núi nhỏ làm hậu án, mỗi bên phải-trái đều có 14 ngọn núi, tạo nên thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”.

Đến Lăng Gia Long thì thực sự khá vắng lặng, chỉ lác đác vài nhóm người, không đông đúc như ở các lăng tẩm khác ở Huế. Tôi tham quan một lượt, chụp vài bức ảnh nhưng tiếc thay vì lỗi kỹ thuật nên sau này khi đi tráng ảnh, toàn bộ những bức ảnh chụp ở Lăng Gia Long và Lăng Khải Định đã cháy hết.

Khi vào đến sân chầu, tôi thấy hai bên có tượng voi, ngựa, binh sĩ. Đây là kiến trúc lăng tẩm hoàng gia Huế mà ở các lăng khác cũng đều thấy như vậy. Người Việt xưa rất tin vào tâm linh, họ cho rằng cuộc sống ở thế giới bên kia mới là cuộc sống vĩnh hằng. Bởi vậy, các vua cho xây dựng lăng tẩm của mình có binh sĩ theo hầu với mong muốn giữ được quyền lực ngay cả khi đã chết. Xem chừng quan niệm này có đôi phần giống với Tần Thủy Hoàng đời nhà Tần bên Trung Quốc, cũng là một trong những vị vua nổi tiếng nhất lịch sử.

Bên trong lăng, sau lối đi ngoằn ngoèo như mê cung, là hai ngôi mộ chôn cất vua Gia Long và Thừa thiên Cao hoàng hậu. Vua Gia Long có ba vợ, trong đó Thừa thiên Cao hoàng hậu, tên thật là Tống Thị Lan, là vợ cả. Thừa thiên Cao hoàng hậu chính là người đã theo hầu Gia Long trong suốt những năm tháng trốn chạy bị Tây Sơn đuổi giết, rồi những lúc gian nan đói kém, cũng là bà ở bên. Những lúc quân sĩ ra trận, bà là người cầm dùi trống đốc thúc. Những khi quân sĩ thiếu quần áo mặc, cũng lại tự tay bà dệt may. Khi Gia Long sang Pháp hoặc đem quân đánh Phú Xuân, bà lại một tay phụng dưỡng mẹ chồng. Thừa thiên Cao hoàng hậu cũng là mẹ của hoàng tử Cảnh – người con cả của Gia Long, được Bá Đa Lộc (Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine ) – giáo sĩ người Pháp dạy dỗ, cũng là người con mà Gia Long gửi lại nước Pháp làm tin để mượn quân về nước đánh Tây Sơn. Hoàng tử Cảnh được xem là người văn võ toàn tài, lại sớm tiếp xúc với nền văn minh phương Tây, nhưng sau mất sớm vì bệnh nên sau này ngôi vị mới thuộc về em cùng cha khác mẹ: hoàng tử Đảm, tức vua Minh Mạng sau này.

Sau khi thắp nhang cho vua và hoàng hậu, tôi trở ra, lúc này trời đã về chiều. Bầu không khí ở nơi sơn thủy hữu tình bỗng trở nên tĩnh mịch, như cách biệt hoàn toàn với thế giới hiện đại ngày nay. Tôi tưởng tượng, bỗng thấy từ hai cột trụ biểu, một đoàn tùy tùng phát sáng tiến vào. Đoàn tùy tùng phát ra ánh sáng màu vàng, ai nấy ăn mặc trang hoàng, trên tay đủ các nhạc cụ, lễ cụ nạm vàng nạm ngọc. Họ vừa đi, vừa phát ra nhã nhạc cung đình. Đúng lúc ấy, tôi lại thấy tượng voi, tượng ngựa và binh sĩ bỗng sống dậy, sừng sững, uy nghi đứng ở hai bên sân chầu như những người bảo vệ thầm lặng. Từ trong lăng, vua, hoàng hậu cùng các thái giám, cung tần, mỹ nữ bước ra. Một cảnh tượng siêu thực, ảo diệu như trong Spirited Away đang diễn ra trước mắt.

Dù sao, đó cũng chỉ là tưởng tượng trong đầu của tôi. Trước lúc trời xẩm tối, tôi trở về xe quay về. Xe lăn bánh ra khỏi địa phận Lăng Gia Long, tôi ngoái đầu nhìn lại, chỉ còn thấy rừng thông sâu hun hút.

Sau khi tắm rửa ở khách sạn, tôi lại lên đường đi ăn tối. Vốn định đi ăn cơm hến nhưng tiệm cơm hến lại ngừng bán, mà theo tôi được biết thì hình như nhiều tiệm cơm hến chỉ bán đến ban trưa. Tôi lại sử dụng kỹ năng Google map để tìm chỗ ăn mới. Sau một hồi đạp xe lòng vòng, cuối cùng tôi cũng dừng chân ở một tiệm bún thịt nướng ở đường Bà Triệu.

Tại đây, tôi gọi bún thịt nướng và nem lụi, vốn là món mà tôi thích, đặc biệt là nem lụi Đà Nẵng. Nem lụi ở Huế hóa ra lại khác với nem lụi ở Đà Nẵng. Nếu như nem lụi ở Đà Nẵng là thịt xay nhuyễn quấn quanh cây xả rồi nướng, thơm mùi xả; thì nem lụi ở Huế tôi ăn lại quấn quanh đũa. Thịt nem cũng khác, nem lụi Huế ăn có phần giống với nem chua rán hơn. Nước chấm xem chừng cũng khác đi ít nhiều, ở đây dùng nước lèo để chấm. Dẫu vậy, mỗi nơi có một vị ngon riêng và nem lụi ở Huế với tôi cũng ngon tuyệt.

(Sau này tôi mới biết đây có lẽ là nem nướng Nha Trang)

Sau bữa ăn, tôi đạp xe trở lại khách sạn. Một trong những sai lầm của tôi là đã tạt qua một mini-mart bên đường để mua đồ ăn vặt (chủ yếu là snack và nước khoáng). Mãi khi thanh toán, tôi mới biết đồ ăn vặt ở đây sao mà mắc quá (nếu tôi nhớ không nhầm thì hộp khoai tây chiên có giá khoảng hơn 100k), và tôi mới nhận ra hóa ra mini-mart này chủ yếu bán cho người Hàn Quốc.

Tôi quay trở về khách sạn cất xe rồi đi bộ. Buổi tối, khách du lịch đi bộ dọc hai bên bờ sông Hương rất đông. Mà không chỉ khách du lịch, nơi đây còn là điểm tụ hội của nhiều thanh niên bản địa. Dọc bên bờ sông Hương có những bến thuyền, có cầu gỗ đi bộ. Cầu Trường Tiền là lung linh nhất, rực rỡ với ánh đèn xanh đỏ vàng chuyển màu liên tục.

Cây cầu Trường Tiền cũng là một trong những công trình tiêu biểu ở Huế. Cầu được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Gustave Eiffel – người thiết kế tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris. Như vậy, có thể xem cầu Trường Tiền chính là “anh em” với cầu Long Biên, cũng được Eiffel thiết kế, ở Hà Nội.

Cây cầu được xây vào năm 1897, dưới đời vua Thành Thái và được mang tên là cầu Thành Thái. Đến năm 1907, do chống đối người Pháp, vua Thành Thái bị lưu đày đi Ấn Độ Dương, cây cầu được đổi tên thành cầu Clémenceau, mãi sau này khi kết thúc chiến tranh mới được đổi tên thành cầu Tràng Tiền rồi đến năm 1991 sử dụng tên chính thức là cầu Trường Tiền.

Đường đi bộ trên cầu Trường Tiền rộng rãi hơn hẳn cầu Long Biên, có hẳn một làn riêng, ngăn cách bởi thành cầu nên rất an toàn. Cây cầu cũng được trùng tu, tôn tạo bằng bê tông, nền gạch nên còn rất mới và chắc chắn chứ không cổ kính và xuống cấp như cầu Long Biên.

Đi bộ dọc cầu Trường Tiền có thể ngắm nhìn hai bên bờ sông Hương đầy sôi động. Dưới lòng sông, những con thuyền rồng phát sáng chậm rãi đi lại, một vài con thuyền còn cho du khách thả đèn hoa đăng.

Sau khi đi bộ một vòng dọc theo sông Hương, tôi quay trở về, đi loanh quanh gần khách sạn xem có gì không. Hóa ra, ở ngay ngã tư cách nơi tôi ở vài bước chân là con phố Tây đông đúc, sầm uất. Nhạc bật ra từ những quán bia, kết hợp với người đi đi lại lại, ngồi ăn uống rất náo nhiệt. Có cảm giác đôi phần giống với phố Tạ Hiện ở Hà Nội nhưng không đông bằng.

Tôi dạo một vòng rồi trở về khách sạn, bởi vốn dĩ không thích những nơi như này cho lắm. Tôi quyết định nghỉ ngơi để hôm sau lên đường sớm, với một lịch đi tham quan dày đặc, hứa hẹn một ngày đầy vất vả mà thú vị.

Xem thêm:

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s