Khi nhắc đến đối thủ của The Dark Knight (biệt danh của Batman), chúng ta thường sẽ nghĩ ngay đến Joker. Trước nay, các kẻ thù khác của Batman luôn được xếp dưới Joker, nhưng lần này, The Batman đã đem đến cho ta một cái nhìn khác. Kẻ thù lần này của Batman xứng đáng là đối thủ xứng tầm của The Dark Knight. Và dĩ nhiên, bộ phim này cũng vậy.

Nhiều năm nay, chúng ta dường như đã quên mất một Batman được mệnh danh là “the world’s greatest detective”, giờ là lúc chúng ta hãy nhớ về danh xưng này. The Batman (2022) không chỉ là bộ phim siêu anh hùng mà còn là 1 bộ phim trinh thám tội phạm giật gân mà chúng ta phải dùng não để theo dõi.

Những câu đố đến liên tục, hết cái này tới các khác. Mạch phim cũng ngày càng gay cấn hơn, dù cho đôi lúc mạch phim có vẻ khá là chậm. Có thể kể đến đó là những đoạn Batman nói chuyện với Catwoman, Alfred hay Gordon. Nhưng toàn bộ những đoạn chậm rãi đó là cần thiết để xây dựng nhân vật, các mối quan hệ của nhân vật với nhau và suy luận giải mã những câu đố của bộ phim. Mạch phim chậm rãi ở những đoạn như này cũng tạo khoảng nghỉ để khán giả hiểu hơn về quá khứ, nội tâm nhân vật, qua đó truyền cảm xúc cho người xem.

Một ưu điểm vượt trội nữa là The Batman có phần hình ảnh và âm thanh xuất sắc, khi so với dòng phim siêu anh hùng. Dù cho có hơi tối, phần hình ảnh (bao gồm quay phim, bối cảnh, phục trang, ánh sáng, màu phim) của The Batman thực sự rất đẹp; khi thì đẹp theo hướng u tối như nội tâm nhân vật; khi thì rất tình tứ như những cảnh Batman với Catwoman. Sau khi xem xong The Batman, cá nhân mình thấy đây xứng đáng là phim Batman nói riêng và siêu anh hùng nói chung đẹp nhất từ trước đến giờ (không tính Joker vì Joker không phải phim siêu anh hùng). Nhạc phim do Michael Giacchino thực hiện thực sự ám ảnh, khi đa số khán giả xem phim xong về nhà đều vẫn đọng lại giai điệu “tưng…tưng tưng… từng tưng…” của phim. Không chỉ có theme Batman, các theme Riddlers, Catwoman cũng rất hay. Mỗi bản lại mang một tone khác nhau, truyền cảm xúc khác nhau nhưng phối hợp nhịp nhàng tạo nên một The Batman vừa u ám, rùng rợn, kịch tính lại vừa lãng mạn, cô đơn.

Diễn xuất của Robert Pattinson (Batman), Paul Dano (Riddler), Zoe Kravitz (Selina Kyle), Jeffrey Wright (Gordon), Colin Farrell (Penguin), John Tururro (Falcone) đều rất đáng khen, và nhân vật của họ cũng vậy. Bộ phim đã cho thấy chỉ cần nhân vật hay, diễn viên diễn tốt thì dù nhân vật bị chuyển màu da (Gordon chuyển từ nhân vật da trắng thành da màu) cũng không thành vấn đề. Cá nhân mình không ủng hộ cũng không phản đối vấn đề này, miễn rằng nhân vật giữ được bản chất, hoặc được phát triển một cách sáng tạo dựa trên bản chất cũ của nhân vật đó.

Xét về nhân vật, Catwoman của Matt Reeves còn “nét” hơn cả Catwoman của Christopher Nolan. Diễn xuất của Zoe Kravitz là quá tuyệt vời dành cho vai diễn nàng mèo. Penguin trình làng lần đầu tiên kể từ khi Batman được Christopher Nolan reboot và đây hứa hẹn sẽ là một Penguin hay nhất từ trước đến giờ. Nhưng nhân vật được Matt Reeves thực sự nâng tầm trong The Batman phải là Don Falcone – ông trùm của các băng đảng trước khi Batman xuất hiện tại Gotham. Trong phim Gotham, Falcone được xây dựng cũng rất hay; nhưng trong The Batman, nhân vật này còn được nâng tầm hơn nữa. Falcone trong The Batman cho thấy vị thế thực sự của một ông trùm, với phong thái của kẻ quyền lực, sự gian xảo trong tính cách và sự đe dọa trong lời nói. Giọng điệu khàn khàn đầy thách thức của Falcone làm mình liên tưởng tới Vito Corleone trong Godfather. Dĩ nhiên chưa thể so sánh Falcone với Godfather, nhưng so với Falcone của Matt Reeves, Falcone của Christopher Nolan có phần yếu đuối, hiền lành hơn. Dĩ nhiên, do Falcone trong Batman Begins chỉ là một nhân vật phụ làm nền cho Scarecrow và Ras Al Ghul còn Falcone trong The Batman lại nắm một vai trò vô cùng quan trọng trong cốt truyện.

Ở phần tiếp theo này, mình sẽ đánh giá chi tiết hơn về cốt truyện của The Batman, có spoil nội dung phim, các bạn hãy cân nhắc kỹ trước khi đọc tiếp.
Lưu ý: Nội dung tiếp theo có tiết lộ nội dung phim
Cũng giống như Watchmen, Batman được Matt Reeves giới thiệu bắt đầu bằng đoạn voice over “nhật ký”, thể hiện góc nhìn của mình về thành phố. Điều này làm mình liên tưởng tới Rorschach nhưng tiếc rằng thời lượng phim sau đó, bộ phim tập trung vào hành trình giải mã nên phải đến cuối phim mới tiếp tục có voice over như này, thay vì rải rác như Watchmen.

Khác với Batman được giới thiệu theo góc nhìn thứ nhất, Riddler được giới thiệu một cách đầy bí ẩn. Đúng như đặc trưng thường thấy trong dòng phim trinh thám, Riddler đầy bí ẩn, thực hiện tội ác rồi biến mất mà ta phải trải qua cả bộ phim để tìm ra xem hắn là ai, mục đích của hắn là gì.

Trước nay, Riddler là một nhân vật đầy tiềm năng của DC, nhưng chưa ai biết cách khai thác nhân vật này. Ở nhiều phim hoạt hình, Riddler được xây dựng giống như một diễn viên hài, đố vài câu đố trước khi làm gì đó rồi sẽ bị Batman đá đít. Trong Gotham, Riddler được xây dựng khá hay, với việc Edward từ nhân viên pháp y, vì có hai nhân cách nên ra tay giết người và dần trở thành Riddler. Thế nhưng phải đến The Batman, Riddler mới được nâng tầm để trở thành kẻ phản diện tầm cỡ, xứng đáng là đối thủ đích thực của The Dark Knight và không ngoa nếu như ta có thể so sánh Riddler của Matt Reeves với Joker của Christopher Nolan.

Trong The Batman, Riddler là kẻ gây ra những vụ ám sát các thành viên cấp cao của thành phố: thị trưởng, ủy viên, công tố viên bang. Trong The Dark Knight, Joker cũng từng làm những phi vụ tương tự. Nhưng khác với Joker: công bố mục tiêu và thách thức Batman cùng cảnh sát ngăn chặn, với mục đích là tạo nên sự hỗn loạn; Riddler lại ám sát các nhân vật này rồi bắt Batman cùng cảnh sát giải các câu đố của mình, qua đó làm theo những gì hắn muốn để vén màn sự thật về những nhân vật quyền lực của Gotham. Tất cả xoay quanh vụ bắt ma túy triệt hạ Maroni và Quỹ Đổi Mới, nhưng đây là thương vụ sặc mùi chính trị, với những âm mưu đầy toan tính. Những kẻ quyền lực của Gotham đã một tay che trời bấy lâu, cảnh sát không làm gì được, còn Batman lại bận đi trả thù đám tội phạm đường phố, đúng như câu nói “I’m vengance”. Riddler có trí thông minh, hắn đã giải mã được hết nhưng lại không có sức mạnh và quyền lực để phơi bày tội lỗi của những người đứng đầu Gotham ra ánh sáng. Đó là lúc mà hắn tạo ra chuỗi câu đố để lôi kéo Batman cùng Gordon tham gia cùng mình một cách bị động. Có thể nói, hắn đã dùng bộ não của mình để lợi dụng Batman giúp hắn phơi bày sự vụ ra ánh sáng.

Đã từng có lúc ta tưởng rằng Riddler là con trai của viên nhà báo mà hắn cho rằng đã bị Thomas Wayne nhẫn tâm giết hại, khiến ta tưởng rằng mục đích của hắn là trả thù. Nhưng không, những cú plot twist không chỉ cho chúng ta biết Thomas Wayne không giết hại viên nhà báo, kẻ giết Thomas Wayne thực sự là ai mà còn cả Riddler thực ra là kẻ mồ côi bị xã hội Gotham bỏ quên, và mục đích của hắn là trả thù nhưng không phải là trả thù cá nhân mà trả thù thế giới. Riddler giống như nhiều sát nhân hàng loạt trong xã hội hiện đại và phát triển như Mỹ, Anh hay Nhật Bản: cảm thấy xã hội bất công và muốn trả thù cả xã hội. Cách làm của Riddler cực đoan ngày càng tăng: giết người, để lại manh mối theo kiểu Zodiac đã cực đoan rồi, nhưng plot twist cuối – câu đố cuối của hắn: kế hoạch làm sập đê Gotham, nhấn chìm thành phố, dụ quan chức và người dân Gotham đến Gotham Garden (tương tự quảng trường Times của New York) rồi cho những tay sát thủ trong hội của mình ra thảm sát mới thực sự là cực đoan. Việc âm mưu xả súng này làm ta nhớ về những kẻ xả súng cực đoan ở Mỹ, cũng là một vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại.

Ở đây, một plot twist nữa xuất hiện: Riddler không chỉ là một người; việc Riddler chính (Edward) để mình bị bắt là kế hoạch để hắn làm xao nhãng sự chú ý của cảnh sát, và cũng để hắn được giam ở vùng đất cao, an toàn, có thể theo dõi toàn cảnh vụ ngập lụt. Để chính mình bị bắt là một kế hoạch cao tay, có thể so sánh với Joker trong The Dark Knight, hay xa hơn nữa, là tên sát nhân John Doe trong bộ phim Se7en huyền thoại. Không rõ liệu Matt Reeves có lấy cảm hứng từ Se7en hay không, nhưng rõ ràng The Batman có mang âm hưởng và tạo cảm giác ly kỳ, rờn rợn, tương tự như Zodiac và Se7en của David Fincher.

Đó là về khía cạnh trinh thám, còn về khía cạnh hành động, The Batman dù không hành động “đã” như Batman trong Batman v Superman, Zack Snyder’s Justice League hay những phim siêu anh hùng Marvel, thì phần hành động của The Batman cũng rất đáng xem. Những đòn đánh quyết liệt của Batman với tội phạm; trường đoạn đuổi bắt Penguin bằng Batmobile tựa như Fast & Furious phiên bản buổi đêm và trời mưa; và đặc biệt là cao trào: khi Batman ngăn chặn hội Riddler đến xả súng ở Gotham Garden. Đoạn cao trào của Batman là thực sự cao, và những cảnh hành động ở đoạn này cũng kịch tính. Hành động là tốt, nhưng mình thì mong đợi ở bộ phim này, Batman sẽ xử lý cao trào và ngăn chặn vụ xả súng hoặc cứu người dân bị lũ cuốn bằng 1 tình huống xử lý bằng trí não hơn là cơ bắp. Nếu như có thể làm được như vậy, mình tin rằng The Batman sẽ là 1 phim siêu anh hùng trinh thám đỉnh cao, thay vì là 1 phim siêu anh hùng trinh thám lai hành động. Nhưng dẫu sao thì nhiều khán giả đại chúng sẽ mong đợi hành động hơn, và hơn nữa, cả bộ phim đã trinh thám quá nhiều, quá đau não rồi, phần hành động cuối phim sẽ giúp khán giả được giải tỏa căng thẳng.

Mối tình của chàng Dơi và nàng Mèo cũng rất ấn tượng: không sâu đậm, thiết tha nhưng cả hai như liều thuốc tinh thần chữa lành cho nhau bởi ai cũng có những khiếm khuyết trong tâm hồn và nỗi đau trong quá khứ.

Chúng ta đều biết mối quan hệ giữa Bat và Cat giống như “friend with benefit” phiên bản siêu anh hùng và tội phạm. Trong The Batman, cả hai đều cô độc, bị sự hỗn loạn và cái ác ở Gotham cuốn đi; bị tổn thương với tâm hồn đầy vết sẹo. Tới khi cả hai gặp được nhau, bù đắp cho nhau thì lại bị sự khác biệt về tư tưởng ngăn cách, để rồi cuối cùng phải chia xa. Mối tình của Dơi và Mèo trong The Batman ấm áp, đượm buồn mà đến khúc cuối đã thể hiện rõ cảm xúc này: hai người đi xe máy về hai hướng khác nhau trong bầu trời hoàng hôn, Bat nhìn Cat rời đi qua gương trong nuối tiếc.

Những phim về Batman thì thường đều rất tăm tối, nhưng The Batman có thể sẽ là bộ phim tăm tối, căng thẳng và rùng rợn nhất. Nhiều khán giả xem phim xong còn nói đùa rằng “những đoạn hành động lại là những đoạn ít căng thẳng nhất trong bộ phim”. Thế nhưng, trong tối có sáng, ở hồi kết, bình minh đã ló rạng ở Gotham. Đạo diễn cũng muốn truyền tải thông điệp ý nghĩa về Batman: một anh hùng không phải chỉ biết bạo lực, trả thù và truyền cảm hứng trả thù, bạo lực mà còn phải đem đến hy vọng. Đó là điều khiến Batman luôn giữ làn ranh giới mong manh giữa công lý và trả thù, để không trở thành The Punisher thứ hai, cái làn ranh giới mà Joker luôn tìm cách để khiến Batman vượt qua bằng cách xuống tay giết mình.

Bản thân mình thì vẫn mong The Batman nên được xây dựng tăm tối hơn nữa: đám sát thủ Riddler nên xả súng thảm sát đám đông thay vì chỉ bắn bà thị trưởng; Batman nên bị tổn thương hơn nữa, và đã có lúc mình tưởng rằng Alfred đã bị chết trong phim này. Nếu Alfred bị chết, đây sẽ là bước đi táo bạo của Matt Reeves nhưng sẽ đẩy bộ phim lên đến một tầm cao mới. Dẫu sao, những mong muốn của mình có vẻ còn là quá sớm, khi đây mới chỉ là phần phim đầu tiên trong series (có thể là trilogy hoặc có thể vũ trụ điện ảnh) mà Matt Reeves muốn xây dựng. Joker đã được giới thiệu trong cảnh cuối của The Batman dưới dạng nhân vật bí ẩn trong tù, kết bạn với Riddler. Một Riddler đã làm Batman khốn đốn và tổn thương đến vậy, không biết thêm Joker vào thì sẽ khủng khiếp thế nào nữa. Đây vừa là điều khiến mình thích thú, kỳ vọng nhưng cũng lo sợ, bởi The Batman đã làm hay như này, thì liệu rằng những phần tiếp theo có còn làm hay được không, nhất là khi Joker kết hợp với Riddler thì còn phải kịch tính và căng thẳng hơn cả thế này nữa. Dẫu sao, đây cũng là tín hiệu mừng đáng để chúng ta mong đợi.