Du ký Huế 2020 (Phần 2)

Xem thêm:

Ngày 3 (01/02/2020): Ngược dòng lịch sử – Tham quan Đại Nội, Chùa Thiên Mụ, Nhà vườn, Lăng Minh Mạng, Lăng Khải Định, Lăng Tự Đức, xuôi dòng sông Hương, nhậu tại Phố Tây

Ngay từ khi tìm hiểu về Huế để chọn ra những điểm đến, lịch trình phù hợp, tôi đã chọn Đại Nội cùng các lăng tẩm là những điểm tham quan chính. Tuy nhiên, hệ thống lăng tẩm ở Huế rất nhiều và đều cách xa nội thành, cũng như cách khá xa nhau. Nếu như tôi tự di chuyển và tham quan, có lẽ lịch sẽ rất dày và việc đi lại sẽ gặp khó khăn, nhất là khi Huế với tôi còn là một thành phố hoàn toàn xa lạ. Bởi vậy, sau khi tham khảo, tôi quyết định lựa chọn tour tham quan 1 ngày ở Huế.

Trong tour có đi các điểm quan trọng là Đại Nội, Chùa Thiên Mụ, Nhà vườn, Lăng Minh Mạng, Lăng Khải Định, Lăng Tự Đức và đi thuyền rồng về bến thuyền Tòa Khâm trên sông Hương. Dẫu biết rằng đi tour sẽ bị hạn chế thời gian ở mỗi điểm đến (tôi đã trải nghiệm khi đi Hàn Quốc) nhưng muốn đi nhiều nơi và được hướng dẫn về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, thì chọn đi tour sẽ là hợp lý. Vậy là tôi chọn tour tham quan 1 ngày ở Huế của Huedailytour.

Khoảng 8h sáng, tôi đã phải chuẩn bị xong xuôi, xuống dưới khách sạn để xe đến đón. Khi mới lên xe, cả xe vắng tanh, chỉ có mình tôi. Ấy vậy mà sau một vòng di chuyển đón khách tại các điểm đón khác nhau, đến khoảng gần 9h nhìn lại, xe đã đầy khách tham quan, tạo thành một đoàn tham quan đông đúc. Trong đoàn buổi sáng nay có hai khách nước ngoài, một nam, một nữ, còn lại là khách Việt, chủ yếu là người miền Bắc.

Trong lúc trên xe, tôi đã có một quyết định mà đến sau này, nó đã trở thành điều khiến tôi hối tiếc nhất trong chuyến đi Huế lần này. Lúc bấy giờ, trong máy ảnh của tôi đang chụp dở cuộn film Kodak Gold 100 Outdate, tuy nhiên vì muốn sử dụng tone ám nâu và có thể chụp tối của Kodak Colorplus 200, tôi quyết định tháo cuộn Kodak Gold 100 đang chụp dở và thay cuộn Kodak 200 vào. Sau này, dù đã làm đúng kỹ thuật nhưng vì lý do nào đó mà ảnh chụp cuộn Kodak Gold 100 của tôi bị cháy quá nửa, mất hoàn toàn ảnh chụp ở Lăng Gia Long và Lăng Khải Định. Lăng Khải Định tôi có chụp bằng điện thoại nhưng Lăng Gia Long thì không, thêm nữa, Lăng Gia Long là nơi ít người đến tham quan, lẽ ra tôi nên lưu giữ ảnh làm kỷ niệm, nhưng vì sự cố nên đã mất hết ảnh, tôi vẫn tiếc mãi về chuyện này.

Khoảng 9h, chúng tôi đến bên Kinh thành Huế. Vòng ngoài thành có Kỳ Đài và các cổng đi qua để vào vòng trong là Đại Nội.

Chúng tôi đi bộ qua lớp tường thành ngoài để đến trước Ngọ Môn – cổng thành biểu trưng của Đại Nội.

Đại Nội, hay còn gọi là Tử Cấm Thành, là vòng thứ hai bên trong Kinh thành Huế, bảo vệ cho các cung điện, kiến trúc chính của Hoàng thành, cũng như bảo vệ cho Tử Cấm Thành, nơi hoàng tộc nhà Nguyễn sinh sống. Kể từ khi đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước, vua Gia Long đã dời đô về Huế, bên sông Hàn và lên kế hoạch xây dựng một tòa thành kiên cố, tráng lệ, xứng tầm với một nước lớn. Hoàng thành được xây dựng từ năm 1804 đến năm 1833, dưới đời vua Minh Mạng thì hoàn thành. Kiến trúc Hoàng thành được xây dựng theo kiểu pháo đài phương Tây, được đánh giá rất cao trong việc phòng thủ. Không những vậy, đến nay, Hoàng thành Huế vẫn là một công trình kiến trúc tiêu biểu, là di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Tiêu biểu nhất của Hoàng thành, là Ngọ Môn. Ngọ Môn là cổng thành lớn nhất trong tất cả các cổng, có nghĩa là “cổng tý Ngọ”, hướng về phía Nam và nối thẳng đến Điện Thái Hòa và những công trình trung tâm của Đại Nội.

Khi đến Gyeongbukgung, tôi đã khâm phục sự kỳ vĩ, tráng lệ đậm chất cung đình của xứ Hàn. Nhưng giờ đứng trước Ngọ Môn và Đại Nội, tôi càng khâm phục cha ông chúng ta và tự hào, tự tôn dân tộc bấy nhiêu. Dù không lớn và bậc thang thấp hơn cổng Gyeongbukgung, Ngọ Môn lại được thiết kế khác biệt hơn, mà chỉ cần nhìn thoáng qua là nhận ra kiến trúc cung đình Huế.

Ngọ Môn có tổng cộng năm cổng, với ba cổng ở chính giữa và hai cổng đi vào ngang hai bên. Nguồn gốc này có từ xa xưa, khi các triều đại Trung Hoa luôn coi mình là nước lớn, được quyền xây năm cổng còn các nước nhỏ chỉ được quyền xây ba cổng. Với Ngọ Môn, khi nhìn từ ngoài vào thì chỉ thấy ba cổng nhưng thực ra lại có năm cổng, và khi nhìn từ trong ra, thì là năm cổng. Ngay cả khi sứ của Đại Thanh bên Trung Hoa khi sang cũng không bắt bẻ được bởi các điều luật lúc bấy giờ chưa ghi rõ khi xây dựng hai cổng hai bên, ba cổng chính giữa thì là năm cổng hay ba cổng.

Cổng chính giữa của Ngọ Môn có tên gọi chính là Ngọ Môn, là lối đi dành riêng cho vua. Hai cổng hai bên là Tả Giáp Môn, Hữu Giáp Môn dành cho quan văn, quan võ. Còn hai cổng ngang hai bên thành là Tả Dịch Môn, Hữu Dịch Môn dành cho quân lính và voi ngựa theo hầu vào thành.

Ở bên trên của Ngọ Môn là Lầu Ngũ Phụng, có hai tầng, toàn bộ được xây bằng gỗ lim với bộ khung là 100 cây cột. Mái lầu được xây dựng theo kiến trúc ngói lưu ly, loại ngói mà tôi rất thích khi tham quan Hội An. Nhưng khác với những mái nhà thường dân ở Hội An có màu nâu đỏ gạch, mái Lầu Ngũ Phụng, cũng như các công trình kiến trúc cung đình Huế thường được sơn bằng hai màu vàng và xanh. Mái Lầu Ngũ Phụng chia làm tám bộ, bộ chính giữa sơn vàng, tám bộ hai bên sơn xanh. Bên trên mái có nhiều hình rồng phượng trang trí.

Có lẽ chính lối kiến trúc và màu sắc “sơn son thiếp vàng” đặc trưng này đã tạo nên vẻ đẹp không lẫn vào đâu cho Ngọ Môn. Ngọ Môn xứng đáng là một trong những biểu tượng lịch sử văn hóa tiêu biểu nhất của Việt Nam.

Đoàn tham quan đi qua Hữu Giáp Môn để vào tham quan. Ngay khi bước qua cánh cổng, tôi đã nhìn thấy Nghi Môn dẫn vào Điện Thái Hòa. Cũng như mái ngói lưu ly sơn vàng, Nghi Môn cũng là một trong những đặc trưng nhất của kiến trúc cung đình Huế.

Khi tôi đang chụp ảnh Nghi Môn thì một bác chụp ảnh nhìn tôi và nói:

“Ô kìa, máy film!”

Có vẻ như bác nhận ra chiếc máy tôi đang dùng. Tôi cười với bác, bác bảo lâu lắm mới gặp máy film. Theo tôi hình dung, chắc hẳn bác cũng từng gắn bó với máy film một thời gian, có nhiều kỷ niệm nên mới tỏ ra thích thú khi thấy máy film như vậy. Bác chụp ảnh với tôi trao đổi qua lại vài câu, bác khen máy tôi dùng còn mới. Sau đó, tôi và bác chụp ảnh tiếp tục công việc của mình, khi đoàn tham quan của tôi đã đi qua Nghi Môn để vào sân chầu.

Nghi Môn là một dạng cổng Tam Quan, chịu ảnh hưởng nguồn gốc từ cổng Torana của Phật giáo. Thực tế, cả cổng Torii của Nhật Bản hay cổng Paifang của Trung Hoa cũng đều ảnh hưởng từ cổng Torana. Nghi môn cung đình Huế thường đánh dấu uy quyền của vua và hoàng tộc, thường được đặt trước những lối đi, đại điện chính. Nghi Môn Huế gồm bốn cây cột đá chạm khảo rồng uốn quanh; bên trên có nhiều hình rồng phượng; chính giữa là mặt trời. Nghi Môn cung đình Huế có thể xem như một đăng trưng, mà tôi thấy, có thể sánh với cổng Torii của Nhật Bản, để truyền bá văn hóa Việt Nam.

Tôi tiếp tục đi qua cầu Trung Đạo xuyên giữa hai hồ sen hai bên để vào sân chầu của Điện Thái Hòa. Đây là sân chính, nơi vua quan nhà Nguyễn cử hành các nghi lễ quan trọng. Các vua nhà Nguyễn khi đăng quang cũng được cử hành đại lễ tại đây. Tiếp bên trong là Điện Thái Hòa – điện lớn nhất còn lưu giữ được ở Đại Nội. Đây được xem như là trung tâm quyền lực của Đại Nội, tuy nhiên, lại chỉ là nơi diễn ra các đại lễ chứ không phải điện thiết triều chính. Nếu so sánh thì Điện Thái Hòa quả có vẻ nhỏ, ít quyền thế hơn Gyeongbukgung. Tuy nhiên, nếu so sánh thì phải so sánh Gyeongbukgung với Điện Cần Chánh – nơi vua thiết triều cùng các quan đại thần. Tiếc rằng ngày nay, Điện Cần Chánh đã không còn nữa.

Hiện nay, nhiều công trình quan trọng trong hệ thống cung đình Huế ở Đại Nội đã bị tàn phá, không còn nữa, vẫn chưa phục dựng lại được. Trong đó có hệ thống hậu cung của các hoàng hậu, quy phi, cung tần mỹ nữ; cũng như phần lớn khu vực Tử Cấm Thành nơi hoàng tộc nhà Nguyễn sống. Đây là một điều rất đáng tiếc, bởi Đại Nội là một công trình kiến trúc biểu tượng, lưu giữ nền văn hóa một thời ở Việt Nam.

Dù không còn nguyên vẹn nhưng những ngóc ngách còn lại trong Đại Nội cũng phần nào nêu bật được vẻ danh giá, quyền quý của nơi cung điện khi xưa này. Đó là hai dãy trường lang Tả vu, Hữu vu sơn son thiếp vàng.

Trường lang đặc biệt ấn tượng với kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng, cùng với những chạm khắc cầu kỳ và những dòng chữ Nôm mà tôi không hiểu nghĩa.

Khung cảnh trường lang tạo cảm giác cho tôi như thể mình đang đứng giữa những hàng lối quan lại, binh lính, phi tần trong cung điện vào thế kỷ 19. Đó là một khung cảnh trang hoàng, uy quyền của một thời đại quân chủ Việt Nam.

Ngày nay, trên hai trường lang được trưng bày những bức ảnh chụp và tranh vẽ đời sống cung đình Huế, trong đó có nhiều bức ảnh giá trị về vua, quan triều nhà Nguyễn những năm cuối cùng (khi Pháp đã tiến hành bảo hộ).

Trước khi đến Huế, tôi đã xem trước ảnh và cực kỳ ấn tượng với trường lang sơn son thếp vàng tuyệ đẹp này. Khi tận mắt chứng kiến, tôi như một đứa trẻ được nếm thử vị của cây kem quảng cáo trên tivi.

Vì trong đoàn có cả khách tham quan quốc nội và khách ước ngoài nên anh hướng dẫn viên chia thời gian để hướng dẫn cho hai nhóm. Buổi sáng này, nhóm quốc nội đông hơn (khoảng chục người) trong khi nhóm nước ngoài ít hơn (có 3 người) nên nhóm quốc nội được ưu tiên hướng dẫn trước. Trong lúc hướng dẫn viên đang giới thiệu cho nhóm quốc nội thì nhóm nước ngoài sẽ đi loanh quanh chụp ảnh; và ngược lại, khi nhóm nước ngoài tập trung để nghe giới thiệu sau. Anh hướng dẫn viên chuẩn bị cả giấy ghi số điện thoại để gọi cho từng người, trong trường hợp hành khách đi chụp ảnh lang thang xa vị trí tập trung sẽ không để ý đến thời gian tập hợp.

Sau khoảng thời gian tham quan bên trong Tử Cấm Thành, tôi cùng đoàn tham quan đi theo hướng dẫn viên vòng sang Triệu Tổ Miếu – nơi thờ tướng Nguyễn Kim, người đã có công “phò Lê diệt Mạc”.

Nguyễn Kim đã có công lớn lập nên nhà Lê trung hưng, là bố vợ của chúa Trịnh Kiểm và là thân sinh của chúa Nguyễn Hoàng. Cả đoàn vào trong miếu, thắp nhang rồi chuẩn bị đi ra thì bạn người nước ngoài cũng muốn thắp nhang. Tôi đi cùng bạn vào bên trong, nói với người quản lý hướng dẫn bạn người nước ngoài thắp nhang, rồi trở ra cùng mọi người.

Đó cũng là điểm tham quan cuối cùng, trước khi chúng tôi rời khởi Đại Nội. Còn nhiều ngóc ngách để đi, nhiều câu chuyện để khám phá. Tôi nghĩ rằng để khám phá hết Đại Nội cùng với văn hóa cung đình Huế thì có lẽ phải mất đến cả ngày. Tuy nhiên, do đi theo đoàn nên thời gian có hạn, tôi gần như đã có một cái nhìn tổng quan nhất về Đại Nội để lần sau, nếu trở lại Huế, tôi sẽ đi tự túc và dành nguyên ngày để tham quan, tìm hiểu, khám phá Đại Nội.

Khi vào, chúng tôi vào cổng Ngọ Môn còn khi ra, ra bằng cổng Hiển Nhơn. Đây là cửa phía Đông của Đại nội, khi xưa chỉ dùng cho quan lại và nam giới ra vào. Đây là cửa còn lưu giữ và bảo tồn tốt nhất, với nhiều hoa văn, họa tiết chạm trổ tinh xảo.

Khi trở ra, tôi lại đi qua tường thành ngoài và thấy một bác đứng câu cá ở đây.

Điểm đến tiếp theo của tôi là Chùa Thiên Mụ. Ngôi chùa này gắn liền với sự tích xưa, khi Nguyễn Hoàng, vì sợ bị Trịnh Kiểm ám sát, đã xin vào vùng Thuận-Hóa, lúc bấy giờ còn hoang vu heo hắt, để xin trấn giữ và khai hoang. Khi Nguyễn Hoàng đi đến nơi này, thấy thế đất đẹp, đồng thời nghe được chuyện truyền miệng từ người dân rằng có một bà mụ thường thoắt ẩn thoắt hiện nói với người dân rằng “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”, nghĩ là thần linh ủng hộ, Nguyễn Hoàng cho dựng xây ngôi chùa ở nơi này, lấy tên là Chùa Thiên Mụ. Ngôi chùa còn có tên khác là chùa Linh Mụ, là cái tên được đặt lại dưới thời vua Tự Đức, nghĩa là “ngôi chùa bà mụ linh thiêng”.

Công trình kiến trúc tiêu biểu của Chùa Thiên Mụ là Tháp Phước Duyên, được xây vào năm 1844, mỗi tầng thờ một tượng Phật, có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên trên đỉnh tháp.

Dưới thời các chúa Nguyễn, Phật giáo ở Đàng Trong được truyền bá, phát triển thịnh vượng. Đến thời nhà Nguyễn, dù Thiên chúa giáo đã du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, Phật giáo vẫn là tôn giáo chính, được triều đình nhà Nguyễn thờ cúng. Sau nhiều biến cố chính trị, Huế vẫn là một trung tâm Phật giáo của Việt Nam. Vào giai đoạn năm 1963, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Việt Nam Cộng Hòa, Phật giáo đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp. Phật tử và nhân dân Huế biểu tình trong suốt nhiều ngày để phản đối chính quyền, trong đó có vụ nổ súng giết chết 9 thường dân không vũ trang. Trước việc dân chúng biểu tình ngày càng căng thẳng, chính quyền Ngô Đình Diệm thay vì chọn phương án hòa giải, lại chọn phương án đàn áp. Xung đột hai bên cứ thế leo thang cho tới khi hòa thượng Thích Quảng Đức – một trong những người lãnh đạo phong trào đấu tranh cho Phật giáo ở miền Nam, đã tự thiêu ở Sài Gòn. Hình ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đã trở thành một hình ảnh biểu tượng, không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn với cả quốc tế, được xem như một hình ảnh ấn tượng của giai đoạn Chiến tranh lạnh. Kết quả là nước Mỹ phải “trở tay”, ngấm ngầm ủng hộ cho cuộc đảo chính ám sát Ngô Đình Diệm để lập nên nền Đệ Nhị Cộng Hòa.

Cũng tại Chùa Thiên Mụ là nơi trưng bày chiếc xe Austin Westminster biển số DBA-599, chính là chiếc xe đã chở hòa thượng Thích Quảng Đức đến ngã tư ở Sài Gòn để tự thiêu.

Sau khi sự việc diễn ra, nha cảnh sát Sài Gòn đã giữ chiếc xe như tang vật, phải đến 2 năm sau, chủ nhân của chiếc xe – Phật tử Trần Quang Thuận mới lấy lại được, tiến cúng xe cho chùa Thiên Mụ. Thay vì sử dụng hay đem bán, những nhà sư trụ trì chùa Thiên Mụ đã giữ lại chiếc xe, bảo quản, trưng bày, như một minh chứng sống còn lưu lại từ hòa thượng Thích Quảng Đức – chứng nhân lịch sử của một thời kỳ chính trị rối ren đầy máu và nước mắt.

Trên đường rời khỏi chùa Thiên Mụ về bãi đỗ xe, tôi trông ra bến đò ven sông. Trước kia, chùa Thiên Mụ cũng là một điểm nút giao thông quan trọng ở mảnh đất cố đô – nơi nằm ở ngay khúc quành của sông Hương. Tại đây, bến đò từng đông đúc tấp nập, ngày nay cũng có thể bắt đò tại đây để đi theo sông Hương về phía Đại Nội, cồn hến hoặc ngược dòng đến thăm các di tích khác ở xa trung tâm. Từ đây, có thể ngắm nhìn sông Hương từ trên cao, rất đẹp, tựa như góc nhìn từ Chùa Linh Ứng – Đà Nẵng trông ra biển.

Trong lúc đợi hành khách tập hợp, tôi đứng nói chuyện với anh hướng dẫn viên. Hóa ra không phải cứ thích du lịch thì nên làm hướng dẫn viên. Người bình thường đi làm thì vẫn có những dịp nghỉ lễ để đi chơi, du lịch đây đó. Còn hướng dẫn viên du lịch thì ít có ngày nghỉ. Mà những dịp nghỉ lễ mà toàn quốc nghỉ thì lại là dịp cao điểm của hướng dẫn viên đi làm. Họ hướng dẫn mãi một khu vực, một thành phố, một tour, một hành trình rồi thì cũng sẽ chán. Nhưng chán cũng vẫn phải giới thiệu một cách đầy tâm huyết, bởi đó là công việc: cũ với mình nhưng luôn mới với khách du lịch mà.

Sau khi rời khỏi chùa Thiên Mụ thì đoàn chúng tôi đến một nhà vườn. Nhà vườn rất phổ biến ở Huế, thường là nơi các vị quan lại, chức sắc, quý tộc hoặc những nhà tư sản giàu có xây dựng lên để ở, tương tự như biệt phủ bây giờ. Nhà vườn tôi vào tham quan không phải nhà vườn An Hiên nổi tiếng ở Huế mà là nhà vườn của một vị thái y từng được triều đình Huế và chính quyền bảo hộ Pháp cấp bằng bác sĩ. Bác sĩ hiện nay thì nhiều nhưng vào thời đó thì rất cao quý, được gia đình đóng khung tấm bằng, treo trong lồng kính.

Đoàn chúng tôi ăn trưa buffet trên một nhà hàng ngay bờ sông Hương. Nhìn nhà hàng khá sang trọng, đồ ăn cũng khá ổn, nhưng mức giá lại khá rẻ. Tôi không rõ là do nhà hàng này có giá rẻ hay đồ ăn ở Huế rẻ nữa, bởi sau đó tôi đi ăn các quán khác cũng thấy mức giá rẻ đến không ngờ.

Ăn uống, nghỉ ngơi xong, chúng tôi lại tiếp tục tour chiều. Tour chiều này chúng tôi sẽ đi ra xa khỏi trung tâm thành phố để đến với các lăng tẩm vua chúa. Một số khách mệt mỏi do nắng nóng và phải đi bộ nhiều, đã xin rút khỏi tour chiều để về khách sạn nghỉ ngơi. Thay vào đó, một số khách du lịch mới lên xe. Phải đến ½ số khách du lịch người Việt rút khỏi đoàn. Còn những khách mới nhập đoàn lại là khách quốc tế. Bởi vậy, đến buổi chiều này thì khách nước ngoài lại đông hơn khách quốc nội. Trên thực tế, tôi nhận thấy khách du lịch Việt Nam có vẻ không hào hứng với việc tham quan di tích lịch sử, lăng tẩm cho lắm, có thể lấy ví dụ từ bạn bè tôi – những người đã không đi chuyến đi này với tôi, và giờ đây là cả những khách du lịch đến tận Huế nhưng lại lựa chọn trở về khách sạn nghỉ ngơi thay vì tiếp tục đi tham quan. Nhưng ngược lại, khách du lịch nước ngoài lại rất thích thú tham quan những di tích này.

Điểm đến đầu tiên của buổi chiều là Lăng Minh Mạng. Cùng với Lăng Khải Định, Lăng Minh Mạng là lăng nổi tiếng nhất trong số các lăng tẩm hoàng gia nhà Nguyễn ở Huế. Đây là nơi an táng vị vua thứ hai của triều đại nhà Nguyễn: Minh Mạng, cũng là người con kế thừa ngai vị từ Gia Long. Thời đại của Minh Mạng được xem là thời đại mà nước Đại Nam hùng mạnh nhất triều nhà Nguyễn, với lãnh thổ hình chữ S rộng nhất từ trước đến giờ. Tuy nhiên, dưới thời Minh Mạng, trong nước xảy ra nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân và nội loạn chống lại triều đình. Bởi vậy, tương truyền rằng khi cho xây lăng, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho xây một lối đi bí mật dẫn vào giữa ngọn núi để an táng mình tại đó mà không ai biết vị trí chính xác. Cũng theo những lời truyền lại thì những người thợ xây lối đi bí mật đó đã mãi mãi không thể tiết lộ bí mật được nữa.

Lăng Minh Mạng được thiết kế và xây dựng theo trục thần đạo đối xứng, với hệ thống cổng và điện ở trục trung tâm, hai bên có hệ thống hồ nước điều hòa, vừa tạo cảnh quan, vừa làm dịu mát cái nắng chói chang của miền trung, vừa giúp cân bằng phong thủy.

Cũng như những công trình kiến trúc hoàng gia khác ở Huế, Lăng Minh Mạng đặc biệt ấn tượng với ngói hoàng lưu ly, tạo ra một nét đặc trưng riêng của lăng tẩm, cung điện xứ Huế.

Lăng Minh Mạng cũng là một trong những địa điểm chụp ảnh check-in được giới trẻ yêu thích khi đi du lịch tại Huế. Mình cũng có chụp vài bức ảnh nhưng lúc bấy giờ trới nắng to, mồ hôi chảy xuống mắt khiến cho việc ngắm qua ống kính và chụp trở nên không mấy dễ dàng.

Trước khi đến ngọn núi nơi chôn cất vua Minh Mạng, chúng tôi cũng đi qua một chiếc cổng Nghi Môn.

Vào đến bên trong thì tôi bắt gặp một hồ nước nuôi rất nhiều cá KOI. Cá KOI là giống cá quý của Nhật Bản, có giá tiền tương đối cao. Cá KOI ở hồ nước này rất nhiều. Bên trên, người ta có đặt 1 hộp chứa những túi đồ ăn cho cá, với dòng chữ đề bỏ 5.000đ vào để lấy thức ăn cho cá. Khách tham quan bỏ 5.000đ vào hòm và tự mở ra lấy túi đồ ăn, cho cá ăn. Khi tôi ném hạt thức ăn xuống, đàn cá KOI nhanh chóng tụ về đớp mồi, tạo thành những sắc màu vàng đỏ rất thích mắt. Khi đó, có một con cá rồng bơi cùng nhưng nó không hề ăn hạt thức ăn. Cá rồng là loại cá thượng hạng, khi nuôi thường cho ăn thịt và có thể có kích thước rất to. Con cá rồng ở đây có lẽ phải to bằng bắp chân, uy nghi bơi giữa bầy cá KOI mà không thèm động vào thứ thức ăn tầm thường đang được quăng xuống.

Điểm đến tiếp theo là Lăng Khải Định. Khi tôi tới Lăng Khải Định là khoảng 2h chiều, trời nắng to. Cái nắng cháy rát của miền Trung không làm tôi ngừng ngỡ ngàng về độ hoành tráng của Lăng Khải Định. Phải nói, xét về độ cầu kỳ, hoành tráng và vương giả, Lăng Khải Định còn hơn cả Hoàng thành. Lăng Khải Định đã hiện lên rất đẹp trong bộ phim Mắt Biếc chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh, thế nhưng khi tận mắt chứng kiến, Lăng Khải Định thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn thế nữa.

Khải Định là vị hoàng đế thứ 12, cũng là cha của Bảo Đại – vị hoàng đế cuối cùng của triều nhà Nguyễn. Dưới thời đại Khải Định, chính trị Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào Pháp bởi vị vua này cũng là một vị vua thân Pháp và nổi tiếng trong việc sử dụng ngân sách để phục vụ việc riêng, mà Lăng Khải Định là ví dụ điển hình.

Lăng Khải Định được xây dựng trong suốt 11 năm. Nếu như Lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức… đều mang đậm dấu ấn Á Đông thì Lăng Khải Định nhìn lại hoàn toàn khác biệt, trông tựa như một lâu đài kết hợp cả văn hóa Á và Âu.

Lăng Khải Định vẫn được xây dựng với các yếu tố phong thủy phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng như sử dụng đồi thấp ở trước làm tiền án, có Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, xây dựng cửa tam quan, sân chầu có voi, ngựa và binh lính… Nhưng nhiều nét kiến trúc và đặc biệt là bên trong lăng tẩm, đã mang đậm dấu ấn Phương Tây.

Điều này là dễ hiểu bởi Khải Định sinh ra và lớn lên chịu ảnh hưởng lớn bởi văn hóa Phương Tây. Ông từng sang Pháp, và ông cũng mang trong mình “dòng máu nghệ thuật” với đam mê thời trang và kiến trúc. Dẫu vậy, để có kinh phí xây dựng lăng của mình, Khải Định đã tăng thuế điền lên 30% trên cả nước. Việc này khiến cho dân tình cực khổ hơn, và Khải Định trở thành một trong những vị vua bị lên án nhiều nhất lịch sử. Tuy nhiên ta có thể thấy Khải Định có lẽ không phải một vị hôn quân, bạo chúa; ông chỉ là một vị vua ăn chơi, có đam mê riêng mà bỏ mặc thế sự nhân gian mà thôi. Dù sao thì ta phải công nhận một điều rằng Lăng Khải Định cùng các công trình xây dựng dưới thời của ông tới thời điểm hiện tại đã trở thành một di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn của một thời đại đầy biến động trong lịch sử Việt Nam. Cũng như Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành, những công trình sử dụng sức bóc lột tuy đáng bị lên án nhưng đến thời điểm hiện tại, ta hãy đặt những di tích này ra khỏi sự phân định đúng, sai và tập trung vào trải nghiệm, khám phá di tích đó.

Ở Lăng Khải Định, ta có thể tìm thấy dấu ấn cả truyền thống Á Đông, cả Ấn Độ, Champa, Phật Giáo, Roman, Gothic… Nhiều người nói rằng sự pha trộn đó giống như một nồi lẩu thập cẩm nhưng với cá nhân tôi, Lăng Khải Định đã làm tốt việc kết hợp đó, biến tổng hòa lăng tẩm có nét đồng nhất và đặc trưng, chứ không bị tạp nham, lố lăng như một số tòa biệt phủ kết hợp văn hóa Đông-Tây một cách tùy tiện đương thời. Có lẽ là bởi Lăng Khải Định được thiết kế và giám sát thi công bởi những kiến trúc sư và nghệ nhân số một đương thời. Lăng Khải Định xứng đáng là 1 công trình kiến trúc, văn hóa-lịch sử đặc biệt của Việt Nam.

Việc xây dựng Lăng kéo dài đến 11 năm không phải tính bất khả thi như Kim Tự Tháp hay độ dài vô tận như Vạn Lý Trường Thành. Về cơ bản, công trình này xây dựng lâu một phần bởi tính cầu kỳ, một phần bởi các nguyên vật liệu “nhập khẩu”. Nhiều loại gạch, nói, xi măng, sắt, thép được nhập khẩu từ Pháp. Mái ngói nhập khẩu từ Nhật. Sành sứ, thủy tinh, thủy tinh màu sưu tập mua từ Trung Hoa, Nhật Bản. Và nghe đâu còn có cả những chi tiết được đem về từ vùng đất mà trước kia là nước Champa, sau này đã bị Đại Nam nuốt chửng.

Ở ngoài sân chính có rất nhiều tượng voi, ngựa, quan văn, quan võ, binh lính; nhiều hơn hẳn các lăng khác. Người ta bảo rằng sinh thời, Khải Định không có quyền lực thực tế mà phải phụ thuộc vào người Pháp, lại còn gây ra nhiều lầm than cho nhân dân nên khi xây lăng, ông phải cho xây dựng nhiều tượng quân lính hơn để phục tùng và bảo vệ mình ở thế giới bên kia.

Lăng Khải Định có màu đen-xám rất đặc trưng mà mới nhìn qua, tôi liên tưởng tới tàn tích của một tòa lâu đài bị cháy. Nhưng đó không phải là một vụ hỏa hoạn mà là phong cách kiến trúc của lăng tẩm này. Khắp nơi, các cột trụ, bậc thang, tường, phù điêu… được chạm trổ, điêu khắc cầu kỳ.

Nhưng ấn tượng nhất ở Lăng Khải Định chính là không gian bên trong chính điện, hay còn gọi là Cung Thiên Định. Chính điện ở vị trí cao nhất, quan trọng nhất của lăng.

Bên trong chính điện dát vàng còn dát những mảnh thủy tinh màu, sành, sứ, gốm tạo nên sự lung linh, vương giả. Có thể nói, không gian bên trong chính điện trông tựa như một cung điện châu Âu và thậm chí còn cầu kỳ, trang hoàng hơn cả hoàng cung. Ai nói triều đại phong kiến Việt Nam chỉ có những công trình nhỏ, không sánh được với các nước đồng văn thì xin mời đến thăm Lăng Khải Định. Rõ ràng nơi này xứng đáng sánh ngang với các hoàng cung, cung điện cả Á lẫn Âu, nếu xét về độ cầu kỳ và trang hoàng của nó.

Trong chính điện có biển báo cấm bật flash khi chụp ảnh nhưng không cấm chụp ảnh nên tôi vẫn tiếp tục chụp những bức ảnh làm kỷ niệm.

Trên trần chính điện còn có một công trình nghệ thuật tuyệt tác khác, đó là bức tranh trần “Cửu long ẩn vân”. Tương truyền bức tranh này được vẽ bằng chân, bởi nghệ nhân số 1 Việt Nam lúc bấy giờ là Phan Văn Tánh. Thậm chí còn có giai thoại khác là Phan Văn Tánh từng cãi không nghe lệnh vua, nhưng vua Khải Định nói rằng Phan Văn Tánh là người có tài, thiên hạ chỉ có một, nên vua đã tặc lưỡi bỏ qua mà không xử phạt vị nghệ nhân “nhiều tài lắm tật” này.

Ở bên trong của chính điện còn có một không gian, giống như căn phòng riêng cho vua Khải Định sau khi mất. Toàn bộ căn phòng được trang trí cầu kỳ, chính giữa có bức tượng Khải Định bằng đồng do người Pháp thực hiện ở bên Pháp theo yêu cầu của Khải Định. Thi hài của vua Khải Định được đưa vào dưới pho tượng, hình thức này giống như những vị vua Ai Cập thường hay làm.

Ra khỏi Lăng Khải Định, chúng tôi tiến đến ngôi làng làm hương và điểm bày bán. Tại đây, chúng tôi thấy rất nhiều hương đầy đủ các màu sắc và được trải nghiệm ngửi thử các loại mùi hương. Có hương mùi trầm, có hương mùi hoa mơ, nhưng có một hương mùi gì đó mà tôi ngửi thấy giống mùi Comfort. Mà không chỉ tôi, mọi người ở đó đều nói rằng giống mùi Comfort. Có lẽ Comfort sử dụng mùi hương đó rồi vì ngửi lâu mùi Comfort mà mình tự coi mùi đó là mùi Comfort.

Buổi tham quan chiều nay vẫn chưa kết thúc, vẫn còn tham quan Lăng Tự Đức, đi thuyền rồng xuôi dòng sông Hương trở lại thành phố. Nhưng vì bài viết đã quá dài nên tôi sẽ kết thúc phần 2 ở đây. Hãy tiếp tục theo dõi hành trình khám phá cố đô Huế của tôi ở phần 3 nhé.

Xem thêm:

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s