Mỗi khi đi đâu đó, mình thường tìm hiểu trước các địa điểm, văn hóa, lịch sử để lựa chọn điểm đến phù hợp với mình. Khi đi các nơi, mình thích khám phá văn hóa, lịch sử gắn liền với địa phương. Mình cũng nhận ra góc nhìn của khách tham quan thường khác với người bản địa. Những gì khách tham quan thích thì có khi người bản địa cho là bình thường bởi quá quen rồi. Tối nay rảnh rảnh ngồi nghĩ, nếu mình là người đi du lịch HN, thì mình sẽ đi đâu, ăn gì, mua gì làm quà nhỉ?
Và dưới đây là list của mình.
PHẦN 1 – ĐIỂM ĐẾN:
– Quần thể Lăng Bác <thời lượng: 2-3h>: Với nhiều người (trong đó có mình) thì lăng Bác là 1 địa điểm rất bình thường, vì đã quen rồi. Mà Lăng Bác cũng không mang đặc trưng kiến trúc, văn hóa gì đậm chất HN. Nhưng đến HN thì nên thăm Lăng Bác vì nơi này gắn với yếu tố lịch sử cận đại, là lăng của nhân vật lịch sử quan trọng nhất trong lịch sử VN, được đặt tại HN. Quần thể Lăng Bác thì không chỉ có lăng mà còn có nhà sàn Bác Hồ, phủ chủ tịch, vườn cây, ao cá. Xem lễ thượng cờ, hạ cờ tại Quảng trường Ba Đình cũng là trải nghiệm thú vị.

Gần Lăng Bác còn có Chùa Một Cột – một trong những công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu ở HN.

– Hồ Gươm-Tràng Tiền <thời lượng: 2-4h>: Hồ Gươm thì chắc chắn là điểm đến đặc trưng nhất ở HN rồi. Thực ra thì mình đã quen với hồ Gươm rồi chứ đây luôn là điểm gợi cảm hứng cho các nghệ sĩ thế hệ cha chú, chỉ cần chụp ảnh hồ Gươm xa xa tháp rùa là như thu gọn HN vào ống kính. Có nhiều bài hát về HN đều nhắc đến hồ Gươm. Đặc biệt là vào mùa thu hoặc mùa xuân khi lộc vừng nở đỏ rực thì hồ Gươm rất đẹp. Đến hồ Gươm thì không chỉ có hồ mà tham quan Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Tháp Bút là 1 điểm đến văn hóa tiêu biểu ở HN.

Xung quanh còn có phố Tràng Tiền – khu phố xây dựng từ thời Đông Dương với kiến trúc như ở Paris.

Ở đây có Trung tâm thương mại Tràng Tiền với decor các brand thời trang nổi tiếng, là địa điểm check-in sống ảo của nhiều tín đồ thời trang (nhưng nghe nói ở bên trong thì hàng bị tráo lẫn lộn với fake cũng nhiều). Dọc phố Tràng Tiền cũng có nhiều triển lãm tranh, nghệ thuật. Nhưng đặc biệt với mình là ở đây là trụ sở của món kem Tràng Tiền ngon tuyệt cú mèo chỉ hết 8k (update: nay đã lên giá 10k). Đây là món ăn MUST TRY mình recommend, không những thế, mỗi lần đi lên hồ Gươm là mình đều phải ghé qua Tràng Tiền làm 1 que kem :))

Ngày trước thì Tràng Tiền có L’Espace tổ chức nhiều event văn hóa nghệ thuật, nhưng giờ L’Espace bị chuyển đi rồi. Đi xa hơn tí ra đến Nhà Hát Lớn. Nhà Hát Lớn cũng là công trình văn hóa ở HN, nếu có tour tham quan bên trong cũng hay. Mình được vào 2 lần, bên trong theo kiểu tráng lệ chứ không phải kiểu cổ phong. Đằng sau Nhà Hát Lớn còn có Nhà Hát Tuổi Trẻ, Jazz Club… cũng là những nơi thưởng thức nghệ thuật hay.

Cũng ở cạnh Hồ Gươm còn có tòa soạn báo Hà Nội mới – nơi nhiều người thường check-in với dòng chữ “báo Hà Nội mới”. Mình thì không thích chụp ảnh bản thân nhưng nếu đến HN có ảnh chụp ở đây thì mới đã, cũng như chụp ảnh cùng hồ Gươm vậy.

Cũng lại ở cạnh Hồ Gươm có khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, gọi nôm na là Hàm Cá Mập. Đây là nơi đông đúc, tập trung nhiều hàng quán cafe, beer, nhà hàng, trà đá… Nói chung Hàm Cá Mập là khu vực quá nổi tiếng với giới trẻ rồi. Đi dạo quanh Hồ Gươm cũng nên qua đây làm kiểu ảnh.

Vào cuối tuần, ở quanh Hồ Gươm còn có phố đi bộ. Phố đi bộ Hồ Gươm xuất hiện sau phố đi bộ ở SG nhưng giờ thành điểm đến quen thuộc của cả người địa phương lẫn du khách. Ở đây có nhiều hoạt động từ vui chơi giải trí đến văn hóa, nghệ thuật. Khi thì có các nhóm nhảy cover, khi thì có biểu diễn âm nhạc dân gian. Khi thì có các hội chợ, khi lại có giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật hoặc hội sách, hội hoa… Nói chung tùy dịp mà có nhiều hoạt động. Bởi vậy, đến HN vào dịp cuối tuần lên phố đi bộ sẽ thú vị hơn rất nhiều.
– Phố cổ Hà Nội <thời lượng: 2-6h>: HN thì nổi tiếng nhất vẫn là 36 phố phường. Đến HN chơi không đi tham quan phố cổ thì coi như chưa đến HN. Mình thì ở xa khu phố cổ, ít qua đó vì đường xá lằng nhằng, đông dân, thường chỉ đi qua khi có việc hoặc thỉnh thoảng đi chơi. Đi dạo quanh phố cổ thì có cái hay là nhìn ngắm những ngôi nhà HN cổ, niên đại sau kiểu phố cổ Hội An nhiều, chắc khoảng từ thập niên 70, 80, 90; không cổ “đều đặn” như Hội An nhưng mỗi căn gác, cửa sổ, mái hiên đều mang đậm dấu ấn HN cũ.

Dạo quanh phố cổ thì cũng có nhiều điểm đến, từ điểm ăn uống trẻ trung như Tạ Hiện, phố beer Hong Kong đến các điểm văn hóa như Ô Quan Chưởng, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ HN (nơi này khá hay, kiểu như Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, nguyên là nhà hát tuồng HN xây dựng từ thời Đông Dương), Đền Bạch Mã… Hay đi loanh quanh phố cổ, xem mỗi phố bày bán những mặt hàng như mây tre, thang, thuốc bắc, gạo-muối, kim hoàn… cũng hay

– Cầu Long Biên <thời lượng: 1h>: Đây là một trong những di tích mình thích nhất, dù đi lên thì cũng không có gì đâu nhưng vẫn thích, chỉ cần ngắm nhìn cây cầu là đã thích rồi. Cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử được thiết kế bởi Effiel. Nếu so sánh với Cầu Trường Tiền ở Huế cũng được thiết kế bởi Effiel thì mình thấy Long Biên đẹp hơn, cổ kính hơn, độc lạ hơn; tuy nhiên nếu đi bộ trên cầu thì cầu Trường Tiền sẽ hay hơn vì có nhiều cảnh để ngắm hơn.

– Hoàng thành Thăng Long – Cột cờ Hà Nội <thời lượng: 2-3h>: Dù không đẹp và không bảo tồn tốt như Đại Nội Huế, Hoàng thành Thăng Long vẫn là điểm nên đến dành cho người thích khám phá văn hóa, lịch sử. Bên trong Hoàng thành còn lại 1 số di tích cũ, ngoài ra có hệ thống hầm trú ẩn của chính quyền ngày xưa. Cạnh Hoàng thành có cột cờ và Bảo tàng lịch sử quân sự VN.

– Văn miếu quốc tử Giám <thời lượng: 1-3h>: Khuê Văn Các của quần thể Văn miếu – Quốc tử Giám là biểu tượng của Đài truyền hình Hà Nội.

Văn Miếu cũng là điểm đến hàng đầu khi tham quan HN mà mình – một người yêu thích trải nghiệm văn hóa, rất thích nơi này. Đây là nơi thờ Khổng Tử, cũng là trường đại học/quốc học đầu tiên ở VN. Ở đây có văn bia tiến sĩ, các cổ vật liên quan đến dạy và học của các triều đại vua đặt kinh đô tại Thăng Long. Văn Miếu vẫn được bảo tồn khá tốt nên có thể khám phá được nhiều nét kiến trúc, văn hóa phong kiến VN. Đến đây vào mùa hè, khách du lịch cũng sẽ được ngắm nhìn cảnh học sinh, sinh viên tốt nghiệp chụp kỷ yếu với các bộ trang phục tốt nghiệp.

– Hồ Tây – Đền Quán Thánh – Chùa Trấn Quốc – Phủ Tây Hồ <thời lượng: 1-3h>: Dù không phải “West Lake People” (cụm từ vui gọi những người ở HN yêu Hồ Tây) và cũng không quá thích đến hồ Tây, nếu là khách du lịch thì mình vẫn sẽ chọn phải đến hồ Tây. Nhiều bạn trẻ yêu thích hồ Tây và coi đây là địa điểm “chill” nhất Hà Nội. Đi xe máy, đạp xe 1 vòng quanh hồ Tây là 1 trải nghiệm thú vị còn ai là dân marathon có thể tập thử thách chạy 1 vòng quanh hồ Tây.

Địa điểm ngắm hoàng hôn phổ biến nhất ở HN chính là hồ Tây, với view hồ cùng những tòa nhà xa xa về phía mặt trời lặn.

Bên hồ Tây cũng có trường THPT Chu Văn An – vốn là Lycée du Protectorat do Pháp thành lập từ năm 1908 (người Việt hay gọi là trường Bưởi), là ngôi trường lâu đời và giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam. Cựu học sinh trường Bưởi có nhiều nhân vật nổi tiếng như Lê Trọng Tấn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Cao Kỳ, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Cừ, Tạ Quang Bửu, Xuân Diệu, Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đình Thi, Đặng Thùy Trâm… Đối diện với mặt sau trường THPT Chu Văn An cũng có tàn tích ga trực thăng của vua Bảo Đại ở bên hồ Tây. Ngày nay, đây là địa điểm mang văn hóa hip hop và chill của các bạn trẻ khi đến hồ Tây.
Xung quanh hồ Tây còn có nhiều địa điểm khác để tham quan như Đền Quán Thánh, Chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, Vườn hoa Nhật Tân…
– Nhà tù Hỏa Lò <thời lượng: 40‘>: Nhà tù Hỏa Lò vốn được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1896 với cái tên là Maison Centrale (Ngục thất trung ương), là nhà tù lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Maison Centrale dùng để giam giữ những người Việt nổi dậy chống chính quyền đô hộ. Sau này qua năm 1954 trở thành nơi giam giữ tù binh Mỹ (thường là phi công) của Chính quyền VNDCCH. Khi đó tù binh Mỹ hay gọi nơi này là “Hanoi Hilton” tức “khách sạn Hilton ở Hà Nội”. Hiện nay Nhà tù Hỏa Lò trở thành địa điểm tham quan và mấy năm gần đây, Hỏa Lò được biết đến càng rộng rãi hơn với content rất mặn của dàn admin page này, giúp cho địa điểm Nhà tù Hỏa Lò vốn đã thú vị (nhưng trước kia khó tiếp cận giới trẻ) nay được giới trẻ ùn ùn kéo đến và gật gù trước vẻ đẹp cũng như những câu chuyện lịch sử nơi đây.

– Thăng Long tứ trấn <thời lượng: 40′ mỗi đền>: Đây là 4 ngôi đền trấn tại 4 phía của Thăng Long xưa, bao gồm: Đền Bạch Mã (Đông trấn), Đền Voi Phục (Tây trấn), Đền Quán Thánh (Bắc Trấn), Đền Kim Liên (Nam Trấn)
– Gò Đống Đa <thời lượng: 30′-1h>: Di tích lưu giữ lại từ trận chiến Ngọc Hồi của Tây Sơn – Đại Thanh mà vua Quang Trung đã đại phá 1 vạn quân Thanh.
– Bảo tàng Lịch Sử Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Hà Nội, Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA – Royal City <thời lượng: 1-3h mỗi bảo tàng
– Metro Cát Linh – Hà Đông <thời lượng: 1h-2h>: Sau bao nhiêu năm chờ đợi, tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông cũng đã chạy. Từ đó đến nay, tàu điện Cát Linh – Hà Đông khá mới lạ, trông giống bên Nhật, Hàn nên được giới trẻ yêu thích còn người lớn cũng muốn thử cảm giác đi metro. Các ga tàu trở thành địa điểm chụp ảnh, quay MV. Đi tàu điện cũng được ngắm nhìn thành phố từ trên cao và trong khi tuyến Metro ở SG vẫn chưa chạy thì hiện nay, Metro Cát Linh – Hà Đông vẫn là tuyến metro duy nhất ở VN.



– Đài quan sát – Tòa nhà Lotte <thời lượng: 1h-2h>: Từ đài quan sát ở tòa nhà Lotte – tòa nhà cao thứ 2 ở Hà Nội và thứ 3 ở Việt Nam), có thể quan sát toàn cảnh thành phố rất đẹp. Nên đi vào buổi tối sẽ lung linh hơn.

– Tầng thượng các cao ốc, chung cư<thời lượng: 1h-3h>: Từ đây có thể ngắm toàn cảnh thành phố, chụp ảnh check-in hoặc chụp ảnh skyline. Ngắm hoàng hôn hoặc buổi tối lên đèn rất đẹp.



Mình rất thích view từ tầng thượng các cao ốc, chung cư nhưng thường các nơi này cấm không cho người lạ lên. Nếu là người địa phương có thể tìm được tòa nhà cho lên hoặc trốn lên, nhưng nếu không được, bạn cũng có thể lựa chọn các quán cafe/pub rooftop.
Ngoài ra, chụp ảnh thành phố ở các cầu đi bộ cũng rất đẹp

– Các trung tâm thương mại <thời lượng: 1h-3h/1 nơi>: Nếu bạn không đến từ những thành phố lớn, nhộn nhịp và đã chán ngấy trung tâm thương mại, thì có thể đến các trung tâm thương mại ở HN chơi. Người địa phương HN cũng hay đến các trung tâm thương mại, đặc biệt vào mùa hè cho mát. Một số trung tâm thương mại phù hợp như Aeon Mall Long Biên, Aeon Mall Hà Đông, Vincom Royal City, Vincom Times City. Đây là những địa điểm vừa chơi được, vừa mua sắm được, có thể đi xem phim mà lại có cả nhà hàng ăn uống, quán cafe. Aeon Mall Hà Đông thì nhiều góc sống ảo, bạt ngàn nhà hàng ăn uống, sushi giá rẻ; Royal City có Triển lãm VCCA, sân trượt băng còn Times City có thủy cung cũng rất thú vị.


– Ga Hà Nội <thời lượng: 1h>: Được xây dựng từ năm 1902, Ga Hà Nội có tên cũ là Ga Hàng Cỏ, là trung tâm trung chuyển đường tàu lớn nhất miền Bắc. Từ ga này, các tàu ở HN tỏa đi khắp nơi trên cả nước. Tàu từ ga này cũng đi qua ga Long Biên và qua cầu Long Biên. Hiện nay ga Hà Nội vẫn hoạt động, mình có trải nghiệm đi tàu từ Ga Hà Nội đến Huế cũng hết sức thú vị.

Nghe nói trong tương lai, ga Hà Nội cũng được quy hoạch trở thành điểm trung chuyển metro chính của HN. Tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội cũng đang được thực hiện với 1/2 tuyến tàu điện ngầm đi từ Kim Mã đến Ga Hà Nội. Sau này tuyến metro ngầm hoàn thành và chạy thì chắc chắn Ga Hà Nội lại rất hot đây.

– Các làng nghề truyền thống <thời lượng: 1-3h mỗi làng>: Làng gốm Bát Tràng (khá xa, cách HN gần 30km), làng lụa Vạn Phúc, làng Vòng, làng múa rối nước Đào Thục (cũng khá xa)…
– Bát Tràng – Eco Park: <thời lượng: 1-3h>: Đây là địa điểm cách khá xa HN (khoảng gần 30km). Có thể đến để tham quan làng gốm Bát Tràng, Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng hay dạo quanh Eco Park với nhiều cây xanh mát mẻ, cũng như uống cafe Starbucks Eco Park mà mọi người hay bảo là quán Starbucks đẹp nhất HN. Để đến Bát Tràng, Eco Park, bạn có thể đi xe bus, tuy hơi xa nhưng khá tiện lợi vì có điểm dừng tận nơi luôn.
– Các làng hoa, có thể là làng hoa Ngọc Hà, Tây Tựu, Nhật Tân… Trong đó, làng hoa Ngọc Hà có lịch sử thú vị nhất (nguyên là vườn thượng uyển triều Lý, đến thời Pháp thuộc là nơi trồng và cung cấp hoa lớn nhất, được người Pháp đem về đủ các loại hoa Châu Âu về đây trồng <thời lượng: 1-2h>. Ngoài ra dành cho người yêu hoa, thiên nhiên, cây cối có thể đi tham quan cả Vườn Bách Thảo với nhiều loại cây cao, mát và quý.
Một số điểm đến local (nếu đi lại thuận tiện): Phố đường tàu Phùng Hưng hoặc Khâm Thiên, khu tập thể cũ Kim Liên, Nhà Thờ Lớn, phố Hoàng Diệu, phố Phan Đình Phùng, các quán cafe, pub, khu camping bãi đá sông Hồng, phố sách 19/12…
Lịch trình gợi ý của mình:
Ngày 1:
- Sáng: Quần thể Lăng Bác-nhà sàn Bác Hồ, Chùa Một Cột
- Chiều: Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quân đội VN
- Chiều tối + tối: Đền Quán Thánh, hồ Tây (lượn hồ Tây hoặc uống cafe/bia/pub/ăn vặt vỉa hè/trà chanh…)
Ngày 2:
- Sáng: Nhà thờ Lớn, Phố cổ, đền Bạch Mã, Cầu Long Biên
- Chiều: Hồ Gươm, phố đi bộ, Tràng Tiền, Nhà hát Lớn
- Tối: Nhà tù Hỏa Lò, Hồ Gươm, phố đi bộ, phố cổ + phố bia Tạ Hiện
- Đêm: Có thể đi các pub hoặc club như 1900 (mình thì không thích đi club)
Ngày 3:
- Sáng: Ga Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Gò Đống Đa
- Chiều: đi dạo chụp ảnh + cafe ở khu tập thể Kim Liên
- Chiều tối: tàu Cát Linh-Hà Đông
- Tối: Tháp quan sát Lotte/Tầng thượng chung cư/rooftop cafe
Ngày 4: Có thể đi bảo tàng, đi chợ mua sắm đồ, trung tâm thương mại, làng nghề, làng hoa, Bát Tràng…
Xem thêm:
- Nếu mình đi du lịch Hà Nội, mình sẽ ăn gì? Phần 2: Ẩm thực
- Nếu mình đi du lịch Hà Nội, mình sẽ đi quán cafe nào? Phần 3: Quán cafe (coming soon)