Tôi quyết định mình sẽ tham gia chuyến đi Đà Lạt này theo một cách hết sức tình cờ: khi tôi đang ở Sapa và một người bạn của tôi rủ đi Đà Lạt. Trước đó, tôi vẫn còn nhiều đắn đo có nên đi Đà Lạt hay không, hay hè này sẽ đi một vùng biển nào đó, bởi tôi vốn là một người yêu biển. Thế nhưng năm nay, tôi lại có duyên với núi rừng. Cuối tháng 4, khi vừa mới khỏi covid, tôi tham gia chuyến đi Tam Đảo và đến tháng 5, tôi lại đi Sapa. Tam Đảo, Sapa và Đà Lạt đều là những “thiên đường nghỉ dưỡng” do người Pháp khai phá, với núi rừng, sương mù, mây và thời tiết mát lạnh. Chính sự tương đồng giữa ba vùng đất này đã khiến cho tôi hạ quyết tâm sẽ đi Đà Lạt để chinh phục bộ ba Tam Đảo – Sapa – Đà Lạt cùng một lúc trong mùa hè năm 2022.

Chuẩn bị trước chuyến đi
Chuyến đi Đà Lạt này tôi sẽ đi cùng Hafu-chan và cặp đôi bạn của tôi: Tài Cunn và Lan Anh. Đã mấy lần Tài Cunn hỏi tôi khi nào có thể đi để đặt vé máy bay cho sớm, thế nhưng cũng phải gần cuối tháng 5 tôi mới hỏi được lịch nghỉ hè, để chốt ngày đi Đà Lạt. Chúng tôi lựa chọn đi vào ngày 03/07, ở Đà Lạt 4 ngày và về vào ngày 06/07. Mùng 03/07 là chủ nhật. Chúng tôi đã xem vé máy bay, vé máy bay đợt này khá cao, là tổng hòa của các nguyên nhân sau: tháng 7 là mùa du lịch; giá xăng dầu tăng do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (lúc này, giá xăng ở Việt Nam đang là 33.000đ/lít – con số cao kinh khủng khi trước đó chỉ 2 tháng, giá xăng còn là 16.000đ/lít và giá xăng cao nhất từ năm 2008 đến thời điểm đó chỉ là 24.000đ/lít). Để đi chơi được nhiều, chúng tôi cũng muốn bay giờ đẹp, bay đến và bay về vào buổi chiều, vậy nên giá vé khung giờ đó lại càng đắt hơn. Sau khi xem xét, chúng tôi thấy rằng chủ nhật bay đến Đà Lạt có giờ đẹp hơn và giá ổn hơn, có lẽ là bởi thông thường chủ nhật là ngày bay về để thứ hai đi làm, ít người bay đi chơi vào chủ nhật. Vậy nên chúng tôi quyết định đặt vé máy bay vào chủ nhật.
Hôm ấy là ngày mà trường nơi tôi làm việc tổ chức văn nghệ 01/06 sớm cho con em cán bộ công nhân viên trong trường. Buổi chiều, tôi cùng Tài Cunn ra quán café, xem và đặt vé máy bay khứ hồi. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài Vietjet, bởi Bamboo và VNA đều đắt hơn Vietjet khoảng 500-1 triệu đồng khi bay vào cùng khung giờ đó. Vì chúng tôi đi 4 người nên phải đặt trước cả số ghế, bởi nếu không sẽ có 1 người bị tách ra khỏi nhóm. Vậy nên tổng vé khứ hồi của chúng tôi là 3tr2/1 người; trong đó có gần 200.000đ là phí chọn ghế. Trước đây, tôi bay Vietjet khứ hồi chỉ khoảng 1tr6-1tr9, vậy mà không ngờ giờ tận 3tr2. Thực ra, vé máy bay vào sân bay Liên Khương-Lâm Đồng vốn dĩ cũng đắt hơn đi những nơi khác. Tôi từng lên kế hoạch đi Đà Lạt-Sài Gòn trước đây, từ khi xăng chưa tăng giá, mà đã thấy giá vé và số khung giờ bay của chặng Hà Nội-Lâm Đồng ít hơn và đắt hơn vé đi Sài Gòn. Khi đó, tôi đã định rằng sẽ bay đến, bay về từ Sài Gòn, còn di chuyển lên Đà Lạt bằng xe khách. Nhưng như vậy cũng sẽ bất tiện, bởi tôi sẽ mất thời gian đi xe khách từ Sài Gòn lên Đà Lạt rồi lại về Sài Gòn, trong khi với thời gian đó, tôi đã có thể đi chơi, thăm thú được nhiều hơn. Vậy là chuyến này, tôi quyết định sẽ đi chỉ Đà Lạt và ở đó 4 ngày 3 đêm.
Chúng tôi chuẩn bị kế hoạch cho chuyến đi trước khoảng 3 tuần. Tôi đã lập hẳn 1 file excel để lên kế hoạch về chi tiêu, địa điểm ăn chơi và quan trọng nhất, đó là lựa chọn khách sạn/homestay.

Đến Đà Lạt, tôi muốn ở homestay gần gũi với thiên nhiên, có view chill chill một chút thay vì khách sạn sang chảnh. Tôi cũng dự định sẽ ở khu đồi dã chiến để có được view đồi, ngắm nhìn thành phố từ trên cao, cũng như thuận tiện qua mấy quán café gần đó. Sau khi sưu tập danh sách một vài homestay, khách sạn, tôi tự tìm kiếm thêm trên Google Map và thấy ở gần khu đồi dã chiến có Mây Homestay – Tiệm Bách hóa Mùa Xuân. Trong danh sách tôi tìm còn có một vài địa điểm nữa, trong đó có Mây’s House nhận được review không tốt còn Mây Homestay – Tiệm Bách Hóa Mùa Xuân được review khá tốt. Cả nhóm sau khi xem bảng excel tôi sưu tầm vài địa chỉ khách sạn, homestay, đã cùng vote Mây Homestay – Tiệm Bách Hóa Mùa Xuân và tôi bắt đầu nhắn tin cho fanpage để hỏi. Homestay này có 3 phòng: 1 phòng Nắng có view đồi khá đẹp, có thể ở từ 2-6 người. 2 phòng Tre và Trăng không có view nhìn ra ngoài, ở được 2 người. Ban đầu tôi tính chọn phòng Nắng vì giá cũng chỉ hơn có khoảng 80.000đ/1 đêm, nhưng nghĩ lại thấy mình cũng đi suốt, lại ở phòng có thể chứa 6 người thì cũng phí, nên quyết định chọn phòng Trăng, để lại phòng Nắng cho đoàn khách khác đông hơn lựa chọn.
Vậy là khâu chuẩn bị về cơ bản đã hoàn tất. Hôm chúng tôi khởi hành là Chủ nhật đầu tháng 7, Hà Nội nắng nóng 38 độ, và chúng tôi Gẹt Gô tới Đà Lạt, nơi mà được biết rằng nhiệt độ về đêm lúc này chỉ có 17 độ thôi.

Ngày thứ 1: cơn mưa ngang qua tại chợ đêm đà lạt
Để thuận tiện di chuyển, tôi đi xe máy sang đón Tài Cunn rồi tôi cùng Tài Cunn sẽ bắt đầu từ điểm đầu tiên của taxi sân bay mà tôi đã đặt trước. Xe sẽ đến đón Hafu-chan rồi đón Lan Anh. Tuy nhiên, Lan Anh lại thay đổi kế hoạch, tự bắt xe đến sân bay do nhà ở gần sân bay, nên xe chúng tôi đón Hafu-chan xong ra thẳng sân bay. Lái xe taxi là một anh nói giọng miền Nam. Theo anh kể, anh cũng từng lái xe taxi ở Đà Lạt và Sài Gòn trước khi ra Hà Nội. Trên đường đi, chúng tôi nói chuyện với anh khá vui vẻ.
Khi đến sân bay, chúng tôi ra quầy check-in tự động bằng máy. Tôi nhập code của vé máy bay đã đặt từ trước nhưng khi đến Hafu-chan thì bị sai năm sinh. Tôi thậm chí còn không nhớ rằng mình đã nhập sai năm sinh, hay do hệ thống của Traveloka xuất dữ liệu sai, có lẽ do tôi nhập sai bởi những người còn lại đều đúng. Do đó, tôi chưa in vé vội mà sẽ đến quầy check-in để hỏi. Thực ra, theo kinh nghiệm đi máy bay của tôi thì sai năm sinh không ảnh hưởng gì cả, có chăng thì ảnh hưởng trẻ con bởi hãng hàng không có quy định trẻ dưới 2 tuổi không được đi máy bay thôi. Thế nhưng chúng tôi cứ hỏi lại cho chắc. Ban đầu, tiếp viên Vietjet ở quầy bảo chúng tôi ra quầy sửa thông tin để sửa lại, nhưng ở bên cạnh, một nam tiếp viên khác có vẻ là cấp trên hoặc là đàn anh lâu năm hơn, quay sang nói rằng sai năm sinh không sao, miễn là đúng số CCCD thì cứ in vé cho khách bay. Vậy là bạn tiếp viên ở quầy tôi làm thủ tục bỏ qua vấn đề này, kiểm tra CCCD của từng người cho đúng rồi in vé cho chúng tôi. Tôi nghĩ rằng chuyện này mình sẽ bị lôi ra troll suốt cả chuyến đi, giống như tôi troll Hiếu về vụ “3000” suốt chuyến đi Hàn Quốc mất.
Vì bay Vietjet nên chúng tôi cũng ấp ủ nỗi lo sẽ bị delay, nhất là khi vừa mới mấy ngày qua, tin delay khiến cho hành khách nằm la liệt ở sân bay Tân Sơn Nhất rộ lên. Thực ra tôi đi Vietjet khá nhiều và cũng không bị delay mấy. Lần delay duy nhất có vẻ lâu là delay 1 tiếng khi bay về từ Phú Quốc; còn lại các lần khác gần như không delay, hoặc chỉ delay 30 phút. Trong 30 phút đó, tôi thường ngồi lại sân bay đọc sách nên về cơ bản không thấy ảnh hưởng gì từ việc delay. Thật may mắn rằng chuyến đi này, chúng tôi không bị delay.

Tài Cunn chưa ăn trưa nên chúng tôi vào một hàng ăn sân bay, bất chấp “red flag” mà tôi luôn dành cho các hàng phở/mì tôm sân bay. Tài Cunn gọi bát phở, tôi gọi một cốc café nâu đá còn Hafu-chan gọi một ly xoài dầm. Chúng tôi ăn uống ở đó một chút trong lúc chờ đến giờ vào cửa. Bát phở giá 60.000đ cũng không phải đắt, tôi cũng không biết chất lượng như nào vì không phải người ăn. Ly cafe nâu đá thì giá cũng 60.000đ, nhìn chung ngang với ly cafe nâu đá 30.000đ bán ở bên ngoài, nhưng đây là sân bay mà, giá như này cũng phải thôi.
Sau khi lên máy bay, chúng tôi cất cánh có muộn hơn bình thường đôi chút (thường thì tôi gọi là delay khi đã ở trên máy bay – không có thông báo delay chính thức, khách vẫn lên máy bay đúng giờ nhưng phải chờ thêm trên máy bay khoảng 10 phút so với bình thường).

Thông thường, trên chuyến bay tôi sẽ tranh thủ ngủ một lát khi máy bay đã cất cánh xong xuôi và bay êm, nhưng do đã uống café nên tôi không ngủ được. Hafu-chan cũng chẳng ngủ được dù cho sáng nay phải dậy sớm. Tôi thì không sao bởi mỗi khi đi du lịch, tôi đều rất sung sức. Còn nhớ chuyến đi Phú Quốc 2017, tôi bay vào đến nơi vẫn còn đạp xe lên tận đồi của resort, hay như chuyến đi Huế 2020, dù đi tàu hỏa mệt mỏi nhưng đến nơi, tôi vẫn đạp xe tham quan Trường Quốc học Huế giữa trưa hè nắng nóng. Thế nhưng với Hafu-chan thì khác. Thiếu ngủ khiến cho Hafu-chan mệt mỏi hơn đôi chút, nhưng cũng chẳng sao, bởi khi đến Đà Lạt, chúng tôi như được hồi sức trở lại.

Từ sân bay Liên Khương, Lâm Đồng, chúng tôi phải đi taxi thêm khoảng 35km, qua một con đèo dẫn qua ngọn đồi mới đến được Đà Lạt. Ngồi trên taxi, chúng tôi cảm nhận những làn gió mát lùa vào bởi anh tài xế đã hạ kính cửa xe xuống cho chúng tôi cảm nhận.

Bầu trời trong xanh, khung cảnh rộng bao la với nhiều cây cối, còn gió thì mát mẻ khiến cho chúng tôi đều cảm thấy “fresh” với bầu không khí này. Tôi cảm nhận gió và cái lạnh của Đà Lạt khác với gió và cái lạnh của miền Bắc, cụ thể là Tam Đảo và Sapa. Có cảm giác gió và cái lạnh của Đà Lạt trong lành hơn, “fresh” hơn, như thể nó ảnh hưởng từ biển, trong khi gió và cái lạnh của Tam Đảo và Sapa lại buốt hơn theo kiểu cái lạnh lục địa. Hoặc cũng có thể do tôi vừa từ Hà Nội nóng 38 độ vào đây nên cảm giác như vậy.

Anh tài xế đón chúng tôi rất “nice”. Anh nói chuyện, kể cho chúng tôi về Đà Lạt, nên ăn gì, ở đâu ngon. Anh còn kể cho chúng tôi về một drama mà có lẽ ít khách du lịch Đà Lạt sẽ được biết đến. Đó là drama ở quán Bò tơ Dã Chiến gần khu chúng tôi ở. Quán đó khá nổi tiếng, nhưng có một drama là “đệ tử” của chủ quán chơi xấu, cướp mặt bằng của quán khiến cho quán phải mở sang bên cạnh. Dù cướp mặt bằng nhưng tên quán thì đã được đăng ký, vậy nên người “đệ tử” ấy đặt tên 2 quán mới của mình là “Lẩu bò Dã Chiến” và “Bò tơ Đà Lạt”. Anh tài xế bảo quán “fake” thì biển màu đỏ, to hơn, màu mè hơn; còn quán “gốc, chuẩn” thì nhỏ hơn, nhìn bình dân hơn nhưng quán “gốc, chuẩn” lại có bò rất ngon, chủ quán có tâm thường lấy bò tươi, ngon và chỉ bán trước 18h tối, qua giờ đó sẽ không bán nữa vì bò đã hết ngon. Chúng tôi ghi nhớ điều này và nhất định sẽ ghé vào ăn bò tơ Dã Chiến tại quán “gốc” trong những ngày tới ở Đà Lạt.
Đường vào homestay là một hẻm nhỏ, dốc xuống dưới bởi chúng tôi ở trên đồi. Do xe taxi không vào được nên chúng tôi đi bộ vào, dù sao cũng chỉ cách có khoảng 200m. Trên đường vào homestay, chúng tôi đi qua quán café Túi Mơ To – cũng là quán café rất nổi tiếng. Túi Mơ To là hàng xóm của chúng tôi và nơi tôi ở có cùng view với quán café này, đó là view từ trên đồi nhìn xuống thung lũng nhà lồng kính.

Ở Đà Lạt, người ta hay trồng hoa và rau, củ, quả trong nhà lồng kính. Nhà lồng kính giúp ngăn chặn côn trùng, sâu bọ và giữ nhiệt độ ban ngày không bị quá nóng còn ban đêm sẽ bật đèn để sưởi ấm. Chính vì thế, hoa, rau, củ, quả ở Đà Lạt thường nổi tiếng tươi, ngon và một số loại nông sản đặc biệt nổi tiếng ở Đà Lạt nhờ trồng ở nhà lồng kính như atiso, dâu tây, bơ, blackberry, hoa lavender, hoa cẩm tú cầu…
Chị chủ homestay đón chúng tôi từ cổng nhà rồi dẫn lên phòng. Khi leo hết mấy bậc cầu thang để lên trên sân chính của homestay, có 3 con chó bé bé xinh xinh chạy ra mừng chúng tôi. Ba con chó đó là Bông, Sóc và Cọp. Trong đó Bông là chó mẹ, Sóc và Cọp là 2 chó con. Phải đến ngày thứ 3 tôi mới nhớ được hoàn toàn tên của 3 con chó này.

Khi lên homestay và nhận phòng xong, tôi ra ngoài sân ngồi chơi. Thời tiết Đà Lạt về chiều lạnh hơn. Từ lúc trên xe taxi tôi đã thấy người đi đường đều mặc áo bông với áo phao. Tôi lấy cái áo khoác gió mặc vào, ngồi ở ngoài sân mà gió lùa vẫn hơi lạnh.
Mẹ của chị chủ bế cháu ra sân. Tôi hỏi chuyện thì cô nói chuyện với chúng tôi một cách rất thân thiện. Phải nói rằng cả nhà chị chủ homestay đều rất thân thiện và dễ gần. Cô mẹ chị chủ kể với chúng tôi rằng nhà cô trước kia ở miền Tây rồi mới lên đây lập nghiệp. Cô cũng nói rằng cô rất muốn ra Hà Nội để thăm Lăng Bác dù chỉ 1 lần, nhưng bận rộn chăm sóc cháu nhỏ nên cũng chưa ra được. Sau đó, cô mời chúng tôi ăn khoai lang nướng nhà cô tự làm. Tôi với Tài Cunn vừa ăn khoai, vừa thưởng thức trà atiso nóng mà nhà cô pha sẵn, để ở ngoài sân để mọi người cùng uống.
Để di chuyển vào trung tâm, chúng tôi quyết định sẽ thuê xe máy loại xe số. Chị chủ homestay thuê xe hộ chúng tôi nhưng do gấp nên chỉ có 1 xe số; chị cho chúng tôi mượn tạm xe tay ga của chị để đi tạm hôm nay. Trong lúc chờ chị chủ lấy xe, chúng tôi ngồi lại homestay. Tôi lấy điện thoại quay timelapse cảnh trời tối và phố lồng kính lên đèn. Đây là một khung cảnh tuyệt đẹp.
Khi trời đã tối hẳn cũng là lúc chúng tôi lấy xe lên đường. Trời khá lạnh, tôi lại chưa rõ thời tiết ở đây ra sao nên vào lấy thêm một áo sơ mi nữa, mặc vào trong áo khoác gió. Chúng tôi lấy xe, bắt đầu làm quen với những con dốc Đà Lạt. Do tôi đã có kinh nghiệm đi dốc ở đảo Quan Lạn và Sapa nên cũng không sợ lắm. Dốc đường đồi Đà Lạt cũng thoải, không quá dốc nên đi cũng dễ dàng. Chỉ có điều là lúc mới bắt đầu tới một vùng đất mới lạ, tôi đều phải mất thời gian để làm quen. Tôi chưa biết gì về đường xá nơi đây, nên tôi cùng Tài Cunn – 2 tài xế, đi theo sự chỉ dẫn của 2 hoa tiêu ngồi sau, dĩ nhiên là với sự trợ giúp của Google Map. Hafu-chan đã từng đi Đà Lạt, vậy nên khi đến ngã tư mà chúng tôi không biết đi đâu nữa, Hafu-chan chỉ cho chúng tôi lối xuống trung tâm. Chúng tôi quyết định đến chợ đêm để ăn tối và dạo chơi chợ đêm luôn.

Khi chúng tôi gần tới nơi thì trời bất ngờ đổ một cơn mưa phùn. Tôi có ô nhưng lại để ở trong vali ở homestay. Cả lũ chúng tôi khi đó đều không có ô hay áo mưa cả. Khi đi qua hồ Xuân Hương và đến ngã tư, hoặc cũng có thể là ngã năm, ngã sáu gì đó ở đoạn chợ đêm, tôi thoáng chút bị ngợp vì đường đông đúc, xe cộ đi loạn xạ đủ các hướng. Xe thì đi thẳng, xe rẽ trái, xe đi vào chợ đêm. Dòng xe ô tô cắt ngang hướng đi của chúng tôi thì toàn xe to. Và người đi bộ thì đi ra cả ngã tư, ngã năm hoặc ngã sáu này. Cũng vì không biết đường, khi đến ngã tư, ngã năm, hoặc ngã sáu này, chúng tôi chẳng biết phải đi đâu tiếp theo. Khu vực chợ đêm lúc này rất đông đúc, đúng như dự đoán. Thậm chí tối qua, trước khi đi, chúng tôi còn thấy tin rằng trung tâm Đà Lạt chật cứng biển người. Nhưng sau khi đi dạo chợ đêm xong thì tôi thấy cũng không quá đông đến như vậy, có thể vì nay là chủ nhật, người ta đã về bớt và cũng có thể do cơn mưa ngang qua đã hạn chế người ta ra đường.

Sau một hồi phân vân nhưng chẳng thể cứ chần chừ ở giữa những làn xe và người đi bộ hỗn loạn, chúng tôi đâm xe vào một khu vực gửi xe. Giá vé gửi xe là 10.000đ/xe, không rẻ nhưng cũng không phải đắt khi đi vào một khu chợ ở thành phố du lịch. Gửi xe trên phố đi bộ Hoàn Kiếm buổi tối cũng 10.000đ/xe; thậm chí khi tôi gửi vào ngày mùng 1 Tết thì là 50.000đ/xe cơ.

Chúng tôi định sẽ ăn bánh tráng nướng, nhưng ăn ở đâu thì chưa biết. Tài Cunn thì sợ ướt, cứ giục vào hàng ăn nào luôn đi. Hafu-chan thì bảo không nên ăn ở mấy quán đầu chợ, không ngon. Tôi cũng nghĩ rằng thường mấy quán đầu chợ sẽ không ngon, hoặc giá cao hơn và chúng tôi quyết định đi xuống nữa. Tới gần cuối chợ, đoạn vòng xuyến có bậc thang đi lên – nơi mà Hafu-chan nói rằng thường có nhiều quán để ghế nhựa ra bán ở đó, nhưng giờ vì mưa nên trống trơn chẳng có ai. Chúng tôi quyết định vào một quán ở ngay đó vừa bởi đói quá, vừa bởi trời mưa nặng hạt hơn. Chúng tôi gọi bánh tráng nướng, dâu lắc và sữa đậu nành.

Sau khi ăn xong, chúng tôi đi dạo quanh chợ đêm. Trời lúc mưa, lúc tạnh. Có lúc tạnh xong rồi lại mưa và mưa nặng hạt hơn. Những hàng quán quanh đó đều bán ô, loại ô trong suốt mà khách du lịch thường mua khi dạo chơi ở Đà Lạt, vừa che mưa, vừa lãng mạn khi đi với người yêu.

Tôi và nhóm bạn của mình không mua ô mà lấy áo ra che cho nhau, cứ thế đi vòng vòng quanh chợ.

Tôi tranh thủ lấy máy ảnh Sony của mình ra chụp vài tấm theo kiểu street photography.




Chúng tôi cũng thử ăn món kẹo chỉ tơ hồng. Cái tên nghe khá lạ với những món ăn đường phố chúng tôi từng biết.

Rồi sau đó, tôi lại thấy một món xôi có màu tím khá lạ. Dù đã ăn khá no, tôi vẫn mua thêm hộp xôi để về ăn đêm. Xôi thập cẩm có đủ topping: ruốc, trứng cút, giò thái chỉ, lạp xưởng…


Sau khi dạo chơi lòng vòng quanh chợ đêm Đà Lạt, chúng tôi quyết định quay về để ngồi café ở quán Túi Mơ To. Nhưng Hafu-chan xem trên Google Map thấy báo 22h quán đóng cửa; mà lúc ấy đã 21h30 rồi, nên chúng tôi về thẳng homestay. Trời đã tạnh mưa. Đường về homestay vắng vẻ như là khoảng 12h đêm ở Hà Nội, và phải đi qua rìa đồi thông nên khá lạnh.

Chúng tôi về homestay, tắm nước nóng rồi trở ra sân ngồi chơi, ngắm cảnh thung lũng ánh sáng của nhà lồng kính về đêm. Đêm ở Đà Lạt lạnh và yên tĩnh. Gió thổi từng cơn, lùa vào trong áo, nhưng cái lạnh ở Đà Lạt có vẻ là lạnh khô, không bị buốt, cũng không bị ám lạnh vào bàn chân, bàn tay. Tôi mặc quần đùi, khoác áo gió vẫn thấy ổn với độ lạnh này. Dù sao thì tôi cũng đã quá quen với cái lạnh ở Hà Nội mà.

Khi ra ngoài sân, chúng tôi gặp hai người bạn khác ở sân. Họ đến từ Sài Gòn, ở phòng Nắng – căn phòng mà lẽ ra tôi đã thuê nhưng lại quyết định không thuê nữa. Tài Cunn mở lời hỏi thăm làm quen. Và một cách nhanh chóng, chúng tôi từ lạ trở thành quen. Lúc này đã muộn, ba chú chó ở homestay vừa ngồi hóng vừa sủa như đang trong một cuộc “rap battle” với những con chó hàng xóm. Thấy thế, chị chủ ra cầm gậy, dọa đánh. Trong khi con Bông và Cọp sợ chạy thì Sóc lại tới vẫy đuôi, còn lăn ra. Chị chủ bảo con này lạ lắm, đánh nó nó còn lăn ra cho đánh. Chúng tôi đùa nhau rằng con Sóc này có máu SM. Chị chủ quay trở vào nhà, bảo rằng nếu chúng nó còn sủa thì “cứ lấy dép liệng vô đầu tụi nó” nhưng chúng nó dễ thương vậy ai nỡ liệng. Chị cũng nghiêm khắc vậy thôi chứ thương chúng nó lắm, chăm con Bông khỏi bệnh, rồi nuôi 2 con Sóc và Cọp từ lúc đẻ ra, còn làm nhà riêng cho chúng nó cơ.

Tôi nói chuyện một chút, chụp ảnh một chút, ăn nốt hộp xôi, rồi trở về phòng trong khi Tài Cunn vẫn ở lại nói chuyện với hai người bạn mới. Phòng homestay khá nhỏ, cách âm cũng không tốt nên tôi vẫn còn nghe thấy tiếng nói chuyện vọng từ ngoài vào phòng. Đêm đầu tiên ở Đà Lạt khá lạnh. Phòng không có điều hòa, thay vào đó là một chiếc chăn dày đủ để giữ ấm cho một giấc ngủ ngon. Lúc ấy khoảng 0h, tôi quyết định đi ngủ sớm để sẵn sàng cho một ngày dài với nhiều điểm đến vào ngày mai.

(Còn tiếp)
Xem thêm:
- Du ký Đà Lạt 2022: Phần 2
- Du ký Đà Lạt 2022: Phần 3 (Coming Soon)
- Du ký Đà Lạt 2022: Phần 4 (Coming Soon)