Mỗi khi đi đâu đó, mình thường tìm hiểu trước các địa điểm, văn hóa, lịch sử để lựa chọn điểm đến phù hợp với mình. Khi đi các nơi, mình thích khám phá văn hóa, lịch sử gắn liền với địa phương. Mình cũng nhận ra góc nhìn của khách tham quan thường khác với người bản địa. Những gì khách tham quan thích thì có khi người bản địa cho là bình thường bởi quá quen rồi. Tối nay rảnh rảnh ngồi nghĩ, nếu mình là người đi du lịch HN, thì mình sẽ đi đâu, ăn gì, mua gì làm quà nhỉ?
Và dưới đây là list của mình.
Xem thêm: Nếu mình đi du lịch Hà Nội, mình sẽ đi đâu? – Phần 1: Điểm đến
PHẦN 2: ẨM THỰC
Kỳ thực, mình không phải một người sành ăn, hay đi ăn. Tuy nhiên khi đến bất cứ đâu, mình cũng cố gắng ăn các món địa phương để trải nghiệm văn hóa ẩm thực, dĩ nhiên là trừ những thứ mình không ăn (ví dụ như thịt chó, nậm pịa, thắng cố…)
Dựa trên những gì mình biết và những gì mình hay ăn, thích ăn, dưới đây là list những món ăn và quà mang về nếu mình là khách du lịch Hà Nội. Mình chỉ tập trung vào nên ăn món gì chứ không đề cập sâu ăn ở đâu do mình không phải người sành ăn.
1. Phở

Phở được xem là quốc hồn quốc túy của ẩm thực Việt Nam. Phở có lẽ đã xuất hiện tại Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 19. Vào thời Minh Mạng, trong từ điển Hán-Việt-Nhật thường đàm của Phạm Đình Hổ có nhắc đến “bánh phở bò”. Tuy nhiên, phở bắt đầu phổ biến ở Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20. Về nguồn gốc của phở thì đến nay vẫn còn tranh cãi. Có quan điểm cho rằng phở bắt nguồn từ một món ăn Quảng Đông tên là “ngưu nhục phấn”; nhưng cũng có người cho rằng phở có nguồn gốc từ món thịt bò hầm của lính viễn đông Pháp với tên gọi pot-au-feu (đọc phiên âm là “pô-tô-phơ”, giống như “phở”). Dù giả thuyết nào thì đến nay, phở đã trở thành món ăn thuần Việt và đại diện cho ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngày nay, phở thì có ở mọi nơi trên cả nước, nhưng lâu đời nhất và ngon nhất vẫn là Phở Hà Nội và Phở Nam Định. Cả hai phở giàu truyền thống này đều là phở bò, sau này mới có thêm phở gà. Bởi vậy, đến HN bạn nên ăn phở Hà Nội, và nếu bạn là người đến từ miền Trung hay miền Nam thì cũng nên thử cả phở Nam Định. Phở Hà Nội thì khi xưa ngon phải là phở gánh (phở đi gánh rong, dù ít thịt nhưng nước ngon ngọt, được người dân Hà Nội xưa cực kỳ thích. Giờ thì nổi tiếng nhất thì có phở Bát Đàn, phở Thìn, hay một số khu phố cổ. Còn phở Nam Định ở HN cũng nhiều, tùy có hàng ngon hàng không. Trên thực tế thì mình cũng không hay đi ăn phở ở các hàng nổi tiếng mà cứ tiện đâu ăn đấy thôi. Nên list bên dưới đây là dựa vào danh tiếng mà mọi người hay review nhé:
Một số quán phở nổi tiếng:
- Phở Thìn – Số 13 Phố Lò Đúc, Phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Phở Bát Đàn: Số 49 Bát Đàn, Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Phở Sướng: Số 29 Ngõ Trung Yên, Đinh Liệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Phở 10 Lý Quốc Sư: Số 10 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội (đây là thương hiệu chuỗi phở, quán gốc ở Lý Quốc Sư còn ngày nay đã có nhiều quán ở nhiều địa điểm khác nữa)
- Phở Gánh Hàng Chiếu (cô Thoa): 56A Nguyễn Siêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội (địa điểm cũ ở Hàng Chiếu, chuyên bán ăn đêm)
- Phở gà Nguyệt: Số 5 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Phở bò 48 Hàng Đồng: Số 48 Hàng Đồng, Hoàn Kiếm, Hà Nội (phở bò nguồn gốc Nam Định, nổi tiếng là quán phở không dùng chanh)
Ngoài món phở truyền thống, mình cũng cực thích món phở chiên phồng, phở chiên trứng và phở xào ở Trúc Bạch. Phở thì ở đâu cũng có, nhưng phở chiên thì chắc chắn chỉ có ở Trúc Bạch, Hà Nội thôi.

Quán phở chiên nổi tiếng:
- Phở cuốn Chinh Thắng: Số 7 Mạc Đĩnh Chi, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội (mình hay ăn quán này)
- Phở cuốn Hương Mai: Số 25 Ngũ Xã, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội (mấy quán ở Ngũ Xã thì lớn hơn, đông khách hơn và… hay vẫy khách nhiều hơn)
2. Bún chả

Thực ra bún chả mới là món mình thích nhất ở HN =] Đây là món ăn đặc sản của Hà Nội nhưng nổi lên trong mấy năm gần đây nhờ được các tạp chí ẩm thực, đầu bếp nổi tiếng nước ngoài khen ngợi. Obama từng đến VN cũng đi ăn bún chả. Nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới cũng khen ngợi bún chả. Mới đây nhất, bún chả được đưa vào sách dạy nấu ăn mừng đại lễ Nữ hoàng Anh. Trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường”, Thạch Lam cũng viết rằng “ai là người đầu tiên nghĩ ra bún chả, người đó đáng được chúng ta nhớ ơn và kính trọng ngang người tạo nên được tác phẩm văn chương”. Nói chung mình thấy bún chả ở khắp HN, mỗi nơi một khác nhưng ở đâu cũng ngon.
Một số quán bún chả nổi tiếng
- Bún chả que tre 116 D5 Giảng Võ, Ba Đình (Đây là quán mà mình thấy là ngon nhất dù không chuẩn vị bún chả HN truyền thống. Lần gần đây nhất mình đến mới nhận ra hóa ra hồi xưa được thằng bạn dẫn đến, có cả rau muống chẻ ngọn ăn cùng bún chả rất ngon, nhưng từ lâu rồi không nhớ địa chỉ, giờ mới tìm lại được. Nhưng mà bây giờ không thấy còn rau muống chẻ ngọn nữa.)
- Bún chả Hương Liên: Số 24 Lê Văn Hưu, Phan Chu Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội (bún chả Obama, tại đây còn lưu giữ chiếc bát Obama đã từng ăn được đóng khung kính, không biết rửa chưa nữa =]] )
- Bún chả Sinh Từ: Số 316 Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội (Đây cũng là 1 brand chuỗi, quán sạch sẽ, ăn cũng khá ngon nhưng không gian hiện đại hơi không đúng chất street food bún chả. Thêm nữa là 1 lần mình vào rất đông, ngồi mãi không gọi được đồ nên ra về luôn, từ đó không quay lại)
- Bún chả Vượng: Số 29 Ngô Sĩ Liên, Đống Đa, Hà Nội
- Bún chả Hàng Quạt: Ngõ 74, Hàng Quạt, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Bún chả que tre Bạch Mai: Ngõ 213 Bạch Mai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Bún chả Hàng Quạt: 72 Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Bún chả số 9 Thụy Khuê (Quán nhỏ ven đường, một lần mình tấp vô ăn mà thấy ngon lắm. Hai cô chủ quán lớn tuổi cũng rất nhiệt tình)
- Bún chả Cầu Đen: Số 22, Tô Hiệu, Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội
- Bún chả Khánh Vân: Số 8, Trần Phú, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội
3. Bánh cuốn

Trong các món ăn Hà Nội, có lẽ bánh cuốn là món có truyền thống lâu đời nhất. Theo sử sách ghi lại, vua Trần Nhân Tông khi tặng quà cho sứ Trương Hiển Khanh có nói: “Hôm nay đúng ngày mồng 3 tháng 3, trên chiếc mâm chạm hình mây đỏ bày bánh xuân thái, là phong tục cũ của An Nam xưa nay”. Bánh xuân thái chính là tên gọi khác của bánh cuốn. Trong sách An Nam chí lược cũng có ghi chú “Vào tết Hàn thực, đem bánh cuốn tặng nhau”. Như vậy, bánh cuốn là một món ăn phổ biến chốn cung đình từ thời Trần và nếu như theo vua Trần Nhân Tông thì món ăn này là phong tục cũ từ tận thời An Nam truyền lại. Bánh cuốn chả quế là phổ biến nhất nhưng giờ có thể ăn các loại bánh cuốn trứng hay các topping khác cũng ngon. Bánh cuốn HN thì nổi tiếng nhất là bánh cuốn Thanh Trì, tương truyền bánh mỏng, non. Mình cũng chưa ăn hoặc ăn rồi mà không biết nên không rõ thực hư thế nào. Thực ra là mình cũng không phải người thích bán cuốn cho lắm nhưng mình thấy hay ho nhất là công đoạn làm, họ sẽ đổ nước bột lên một tấm tráng, dàn đều ra, rắc thêm thịt băm vào trong rồi cuộn vào thành bánh cuốn.
Một số quán bánh cuốn nổi tiếng:
- Bánh cuốn Hàng Bồ: 57A, Hàng Bồ, Hà Nội
- Bánh cuốn bà Hanh: 16B Thọ Xương, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Bánh cuốn Gia An: Số 8 N7A, Nguyễn Thị Thập, Thanh Xuân, Hà Nội
- Bánh cuốn bà Hoành: Số 66 Tô Hiến Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Bánh cuốn 639: Số 639 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội (mình xem ở Hanoi Food, thấy có nước mắm cà cuống vốn là đặc sản Hà Nội khi xưa)
4. Bún thang

Đây cũng là 1 món ăn đặc trưng cho ẩm thực kinh kỳ, với sự cầu kỳ của nó. Bún thang quy tụ hơn 20 nguyên liệu trong 1 bát bún thường thì sẽ thấy giò lụa thái sợi, ức gà xé, trứng gà rán mỏng, tôm khô, rau răm, mùi tàu, hành lá, hành khô, nấm hương… Mình thích bún thang nhưng ngày nay, bún thang ngày càng hiếm ngay cả ở HN (vẫn có trong các nhà hàng hoặc các hàng bún thang gia truyền nhưng không còn phổ biến ngoài đường phố). bởi vậy nếu đến HN, bạn hãy đừng bỏ qua bún thang nhé.
Một số quán bún thang nổi tiếng:
- Bún thang Cầu Gỗ: Số 48 Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Bún thang Lãn Ông: Số 16 Lãn Ông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Bún thang Thuận Lý: Số 33 Hàng Hòm, phường Hàng Giai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Bún thang cô Ấm: Số 37 Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
5. Một số món bún khác

– Bún bung: Khác với bún thang đòi hỏi sự cầu kỳ, bún bung là món bún dân dã, là bún dọc mùng nấu với sườn hoặc mọc.
– Một số món bún khác (không chắc đặc trưng HN nhưng phổ biến ở HN): bún mọc (món bún mình thích thứ nhì sau bún chả), bún sườn, bún ngan, bún ốc, bún đậu mắm tôm, bún riêu cua, bún cá, bún vịt, bún lòng…
6. Chả cá Lã Vọng

Chả cá là món chả làm từ cá, tương tự chả lợn nhưng thay thịt lợn bằng cá. Món chả cá nổi tiếng nhất là chả cá Lã Vọng. Nguồn gốc chả cá Lã Vọng bắt nguồn từ Hà Nội thời Đông Dương. Khi đó, có gia đình họ Đoàn ở số 14 Hàng Sơn lấy nhà mình cưu mang nghĩa quân Đề Thám, thường hay làm một món chả từ cá rất ngon đãi nghĩa quân. Sau đó, Đề Thám cùng nghĩa quân giúp chủ nhà mở một hàng chả cá vừa để chủ nhà kiếm sống, vừa để làm nơi họp quân. Trong nhà hàng luôn bày tượng ông Lã Vọng – Khương Tử Nha bó gối câu cá, ám chỉ người tài giỏi chờ đợi thời cơ. Món ăn của nhà hàng trở nên nổi tiếng, được gọi là chả cá Lã Vọng.
Một số quán nổi tiếng: Chả cá Hà Thành, Vua Chả Cá, Chả Cá Vọng Ngư
7. Bánh mì

Bánh mì là món ăn Street Food số 1 Việt Nam. Với nguồn gốc là bánh mì ngọt của Pháp, người Việt đã rạch bụng bánh, nhét thêm các loại nhân thịt, pate, rau sống… để trở thành món bán mà người nước ngoài gọi là “món bánh sandwich ngon nhất thế giới”. Bánh mì thì nổi tiếng trên nhiều tỉnh thành: bánh mì cay Hải Phòng, bánh mì Đà Nẵng, bánh mì Phượng Hội An, bánh mì Sài Gòn… và ở Hà Nội cũng có nhiều loại bánh mì ngon.
Các quán bánh mì ở Hà Nội chia làm 4 loại hình:
– Bánh mì truyền thống: là các quán đường phố nhỏ, thường là bánh mì pate, bánh mì trứng, bánh mì chả, bánh mì thập cẩm
– Bánh mì doner kebab: gọi là bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ, là bánh mì nhân thịt nướng, thường bán trên các xe đẩy.
– Bánh mì chảo: thường bán trong các quán, ăn kèm với bò, trứng ốp la, xúc xích… nướng trên chảo
– Bánh mì thịt xiên: Bán kèm các hàng thịt xiên
Một số tiệm bánh mì nổi tiếng:
- Bánh mì dân tổ: Số 22 Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Đặc điểm: Chỉ bán từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng, nên gọi là “bánh mì dân tổ” vì dân tổ hay đi chơi đêm)
- Bánh mì Hương Lan: 6C Láng Hạ, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội (Mình hay được ăn vào những dịp chạy event, ngon cực ngon)
- Bami Bread, Bami King, Bánh mì Chị Ong Vàng: Các chuỗi brand có nhiều cửa hàng
- Những quán bánh mì thịt xiên ở khu Chùa Láng
- Bánh mì thập cẩm Nguyễn Quý Đức ngon-bổ-rẻ gắn liền với thời sinh viên của mình
- Bánh mì chảo Cột Điện: 71 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội (thấy có vài review chê thịt bò không ngon)
8. Một số món ăn khác:

– Các loại xôi: Xôi thì chắc ở đâu cũng có nhưng ở HN thì cũng phổ biến, có thể ăn sáng, trưa, chiều, tối đều được. Xôi thì có xôi xéo, xôi gấc, xôi ngô hoặc xôi trắng. Có nhiều loại xôi chia theo topping: Xôi lạc, xôi vừng, xôi ruốc, xôi thịt kho tàu, xôi thịt xá xíu, xôi gà, xôi lạp xưởng, xôi xúc xích, xôi pate… Nếu bạn đi chơi cả ngày mà không biết ăn gì thì ăn xôi là rất hợp lý.
– Các món cháo (không chắc đặc trưng HN nhưng phổ biến ở HN): cháo tim cật, cháo sườn, cháo lòng, cháo hến…
– Chả rươi: Chả rươi Hưng Thịnh, chả rươi Hằng Béo, chả rươi Hòe Nhai
9. Một số quà ăn vặt ở Hà Nội:

– Cốm: Cốm được xem như là món quà đặc trưng nhất ở Hà Nội. Đây là lúa nếp non, được rang lên, khi ăn có thể cảm thấy được vị ngọt sữa của lúa nếp ngon. Cốm ngon nhất chính là cốm làng Vòng.
– Bánh cốm: Loại bánh này thì giờ khá phổ biến ở khắp nơi, thường dùng trong đám cưới. Bánh cốm được làm từ cốm, ngon nhất có lẽ là bánh cốm ở khu phố cổ Hàng Than, Hàng Gà…
– Chả cốm: Lại một món khác được làm từ cốm, chả cốm gần giống chả cá, chả mực hay chả cua, có điều khi ăn sẽ thấy những hạt cốm béo ngậy trong chả.
– Kem: kem thì không lạ gì nhưng đến HN bạn hãy thử kem Thủy Tạ và kem Tràng Tiền (mình đặc biệt thích kem Tràng Tiền vì ngon-bổ-rẻ, có 8k/1 que; update: nay đã lên 12k nhưng vẫn là rẻ so với mức giá chung)

– Chè: chè là món ăn vặt có ở hầu hết mọi nơi, tuy nhiên mỗi miền mỗi khác. Ở miền Trung, miền Nam nổi tiếng với chè sầu; ở Huế có chè cung đình thì ở HN, nổi tiếng nhất với chè khúc bạch, chè sen, chè đậu xanh, chè đậu đỏ (nghe nói ăn vào là có người yêu =)) ), hoặc chè đỗ đen (chè đỗ đen hạt sen là món ăn bí truyền của sinh viên Đại học Thăng Long =)) ). Một số loại chè khác cũng phổ biến ở HN như là chè bưởi, chè sắn, chè bơ, chè thập cẩm, chè ngô, xôi chè…

– Bánh khúc: Bánh khúc là một món ăn vừa quen vừa lạ với người HN. Quen là bởi từng là món dân dã, dễ làm, dễ ăn với thế hệ cha ông, lạ là với người trẻ, bánh khúc ngày càng ít được đón nhận. Tuy nhiên, hầu hết người HN đều rất quen thuộc với câu rao thường xuất hiện mỗi đêm đông: “tôi làm bánh khúc đây”, hay bị nhầm là “xôi lạc bánh khúc đây”.
– Bánh đúc: Bánh đúc cũng ít được các bạn trẻ đón nhận, nhưng từng là món ăn ngon Hà Thành được Thạch Lam nhắc đến trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường). Bánh đúc cũng được biết đến rộng rãi qua truyện ngắn “Vợ Nhặt” của Kim Lân.
– Bánh giò: Bánh giò là bánh làm bằng bột tẻ, nhân thịt băm, bọc lá chuối, ăn rất ngon. Bánh truyền thống đã ngon rồi, giờ bánh giò còn có cả nhiều loại topping khác nữa.

– Bánh giày giò: bánh chưng bánh giày – trời tròn đất vuông, thế nhưng bánh chưng thì đi khắp cả nước (trở thành bánh tét trong miền Nam), đặc biệt vào dịp Tết còn bánh giày ít phổ biến hơn. Ở HN thì có bánh giày giò (kẹp giò vào giữa hai lát bánh giày) cũng là món ăn lâu năm nổi tiếng, xuất hiện trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường” của Thạch Lam.
– Bánh tôm Hồ Tây: xuất hiện từ thập niên 30, bánh tôm Hồ Tây là món ăn chơi quen thuộc của người HN, đặc biệt là bên mạn Hồ Tây.
– Cà phê trứng: đây cũng là 1 món cà phê lạ ở HN, được nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức. Nguồn gốc từ quán cafe Giảng vào năm 1940, khi sữa tươi thiếu thốn ở HN, ông chủ quán này đã dùng trứng thay thế sữa. Ngày nay có nhiều quán cafe trứng nổi tiếng như cafe Giảng, cafe Đinh, cafe Yên…
Chi tiết xem tại: Nếu mình đi du lịch Hà Nội, mình sẽ uống cafe ở đâu? (coming soon)

– Bánh chả: Món này cũng ngày càng ít, chỉ nhớ ăn giòn, béo ngậy với nhân giống nhân bánh nướng Trung Thu
– Ô mai: ngày nay thì ô mai không còn lạ gì nhưng khi xưa, ô mai là một món quà kinh kỳ, được những người vùng xa khi lên HN mua về cho con cháu ở nhà. Ô mai lâu đời và nổi tiếng HN thì có ô mai Hồng Lam, ô mai Bà Vân, ô mai Vạn Lợi.
– Trà sen: nổi tiếng với trà sen Tây Hồ, đây là món từng được gọi là thiên cổ đệ nhất trà. Vào 1 đêm trung thu ngồi thưởng trăng với trà sen thì thật đúng chất Hà Nội.
– Một số đặc sản của vùng miền lân cận nhưng nếu bạn là khách du lịch từ miền Trung, Nam thì vẫn có thể ăn tại HN hoặc mua về làm quà: ốc Hải Phòng, chả mực Hạ Long, bánh đậu xanh Hải Dương, nem chua Thanh Hóa, bánh sữa Ba Vì, chè Thái Nguyên…
Xem thêm:
- Nếu mình đi du lịch Hà Nội, mình sẽ đi đâu? Phần 1: Điểm đến
- Nếu mình đi du lịch Hà Nội, mình sẽ đi quán cafe nào? Phần 3: Quán Cafe (coming soon)