[Truyện ngắn] Ngôi miếu hoang

“Ngôi miếu hoang” là một truyện ngắn nằm trong tuyển tập “Lũy tre dị truyện” mà tôi đang sáng tác.

Xã hội thời mạt vận thường không được yên ổn. Ban ngày, quan quân lũng đoạt vì triều đình rối ren, giặc cướp hoành hành ngang nhiên mà dân đen chỉ biết cắn răng chịu đựng. Đêm đến thì nào trộm, nào cướp, ma quỷ bức hiếp người đi đường mà người đời sợ hãi cứ tối xẩm là đóng kín cửa, ngồi trong nhà mà cầu kinh niệm phật, mong tai qua nạn khỏi được ngày nào hay ngày ấy. Giữa cái thời mạt vận này, nhiều kẻ hiền lành bỗng trở nên ranh ma, không trở thành phường trộm cướp thì cũng lừa lọc người khác để kiếm lời. Người ta thường nói, ở thời loạn lạc, tốt quá thì chỉ có thiệt vào thân. Chỉ có kẻ thức thời, biết lợi dụng biến loạn mới có thể phất lên nhanh chóng.

Đỗ Văn Năm sống một mình ở đất Bắc Hà đã lâu, trước kia làm nghề mài dao kéo. Sau này theo thời cuộc, anh Năm không làm mài dao kéo nữa mà chuyển sang nghề bán đao, bán kiếm. Triều đình vốn cấm nhưng ở thời loạn lạc này, người ta lại mua đao, mua kiếm nhiều không đếm xuể, thành ra càng nhiều nhà bán, triều đình cấm không nổi.

Hôm ấy, chiều tà, khi ánh mặt trời chỉ còn le lói ở phía Tây, anh Năm vừa mới tan chợ trên trấn, trong lòng vui mừng vì nay bán được hết sạch hàng. Anh từ trấn về làng thì trời đổ một trận mưa to. Lúc ấy anh vẫn đang đi trên con đường mòn giữa cánh đồng, xung quanh đồng không mông quạnh. Mưa thì trắng xóa, tia mạnh như tát vào mặt, bầu trời đen kịt nổi sấm sét sáng rực cả cánh đồng. Sợ hãi quá, anh Năm nhìn quanh thì may sao thấy xa xa một ngôi nhà nhỏ. Chẳng nghĩ ngợi gì, anh vội vã chạy thật nhanh đến ngôi nhà nhỏ để trú mưa.

Vừa bước chân qua mái hiên, anh đã nhận ra đây không phải một ngôi nhà. Nghĩ cũng phải, ai lại xây nhà giữa nơi đồng không mông quạnh như này. Đây là một ngôi miếu. Thường thì người ta hay xây miếu ở đầu hoặc cuối làng, cũng có thể gần một nghĩa trang, để thờ thần linh hoặc quỷ thần địa phương. Anh Năm người ướt nhẹp, bước vào trong miếu thì thấy tối tối, nhưng vẫn nhìn được khung cảnh bên trong. Liếc qua thấy mái nhà xập xệ, tơ nhện giăng kín khắp ngóc ngách, bát hương trơ trọi vài que nhang cụt, trên bàn thờ chẳng thấy có tượng thần. Anh Năm nghĩ bụng, có lẽ đây là một cái miếu hoang, người ta xây từ ngày xưa, nhưng rồi dân làng chuyển đi nên bỏ cái miếu lại trơ trọi giữa cánh đồng này. Anh ngồi xuống bên hè, nhìn cơn mưa nặng hạt ngoài trời và cầu mong trời mau tạnh để kịp về ăn bữa tối.

Trong lúc chờ đợi, anh hé hé chiếc túi nhỏ đeo bên hông, rồi lại rung rung để nghe tiếng leng keng mà tiền xu đập vào nhau, ước chừng xem được bao nhiêu. Chỗ này đủ ăn vài tháng, anh nghĩ thầm, nay mình may thật, tự nhiên có một toán người đến mua hết sạch đồ. Mấy hôm nữa nhập thêm hàng, lại lên trấn bán, cứ thế này thì chẳng bao giờ phải lo nghĩ bữa cơm nữa. Rồi anh lại thấy tò mò, toán người sẽ làm gì với số đao, kiếm, dao mà họ mua của mình nhỉ? Nhưng anh tặc lưỡi, làm gì là việc của họ. Nhìn họ cũng tử tế, có thể là một toán trai làng, mua để bảo vệ làng mình khỏi trộm cướp.

Đang mải suy nghĩ thì từ đằng xa, có một bóng người khác chạy tới. Anh Năm giấu túi tiền vào trong cạp quần. Người kia chạy tới nơi đã ướt nhẹp, trên vai có một gánh hàng. Nom cách ăn vận thì là một người bán hàng rong. Người này lớn tuổi, mặt đã hằn dấu vết của gian khổ, bàn tay gần gò đang vắt nước từ vạt áo ngũ thân.

– Mưa to quá, anh nhỉ?

Bác bán hàng rong lên tiếng. Anh Năm gật đầu:

– Mưa to thật. Bác đi đâu về đây?

Bác bán hàng rong đáp lại:

– Vừa mới sang làng bên bán ít bánh gai, về làng mà không kịp.

– Nhà bác ở đâu?

Bác bán hàng rong chỉ về phía xa xa có bóng của lũy tre làng, nói:

– Kia kìa, làng tôi ở ngay kia.

Nói rồi bác bán hàng rong bước vào bên trong miếu, quỳ sụp xuống mà khấn bái gì đó.

Anh Năm thấy thế, hỏi:

– Đây là miếu bỏ hoang phải không bác?

Bác bán hàng rong vẫn xầm xì khấn bái. Xong rồi mới lạy ba lạy, rồi đứng lên, quay ra nói:

– Miếu thì bỏ hoang, nhưng bên trong vẫn có “người” sống.

Anh Năm rùng mình, hỏi lại:

– “Người” là sao?

Bác bán hàng rong đưa tay lên miệng ra hiệu im lặng, rồi đi ra ngoài miếu. Bác ta ra hẳn mái hiên bên ngoài, đứng né né để không dính mưa, trông bộ điệu như muốn cách xa ngôi miếu để nếu có “người” trong miếu thì “họ” không nghe thấy. Bác ta vẫy anh Năm ra, rồi nói nhỏ:

– Anh ở xa không biết, chứ miếu này có ma.

Anh Năm thoáng giật mình. Xưa nay, anh chưa thấy ma quỷ bao giờ, dù được nghe kể nhiều rồi, mà cũng vì thế, anh chẳng tin chuyện ma quỷ. Anh hỏi lại:

– Sao bác biết? Bác thấy rồi à?

Bác bán hàng rong tỏ vẻ run sợ:

– Người quanh vùng này ai cũng biết chuyện miếu này có ma. Từ hổi nhỏ xíu, chúng tôi đã được các cụ già làng kể cho những chuyện ma quỷ ở cái miếu này. Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng từng có người xa xứ, ngủ qua đêm ở miếu này, nửa đêm nghe thấy tiếng gọi. Người ấy nghĩ là mẹ già ở quê nhà đang gọi, liền đi theo. Người đó cứ đi mãi đi mãi, cũng về đến nhà, thấy mẹ già đang đợi ở cửa. Người đó xúc động lắm, chạy lại ôm mẹ già, mẹ già xoa đầu người đó, nhưng rồi người đó chợt ngửi thấy mùi hôi thối như xác động vật thối rữa, liền quay mặt lên nhìn. Mẹ già đôn hậu bỗng biến thành một bộ xương đã phân hủy gần hết thịt, còn người đó hóa ra đang nằm trong lòng bộ xương đó ở trong miếu hoang này. Tôi không rõ chuyện sau đó ra sao vì các cụ già không kể. Có đôi lần tôi đi ngang qua miếu này vào buổi tối muộn, khi thì nghe thấy tiếng khóc ai oán, lúc lại nhìn thấy ánh nến với cái bóng nhập nhoạng như có người bên trong. Làm quái gì có người nào ở trong cái miếu này vào tối muộn cơ chứ. Tôi biết là ma quỷ đang trêu mình, liền quay mặt mà bỏ chạy.

Anh Năm nghe xong, nhìn vào bên trong tối thui, bỗng rùng mình.

Hai người ngồi lại bên ngoài hiên, mỗi người chìm trong sự im lặng của riêng mình. Cả hai không nhìn nhau, cũng chẳng nói chuyện nữa, chỉ nhìn cơn mưa vẫn nặng hạt. Ngoài trời đã tối, không còn thấy ánh mặt trời đâu cả. Anh Năm thấy bụng đói meo, báo hiệu đã đến giờ ăn tối, nhưng anh vẫn chưa về nhà, cũng chẳng có gì ăn ở đây cả. Bác bán hàng rong bỗng chìa tay sang cho anh, nói:

– Này, làm cái bánh gai cho đỡ đói bụng.

Anh Năm toan từ chối nhưng thấy cái bánh nóng hổi, bụng lại cồn cào, bèn nhận lấy rồi cảm ơn. Hai người bóc bánh ăn. Bác bán hàng rong lại nói:

– Mong là mưa sẽ sớm tạnh. Tối muộn rồi, tôi chẳng muốn ở lại đây nữa đâu.

Vậy nhưng mong muốn của bác bán hàng rong đã không trở thành hiện thực. Mưa vẫn cứ như xối nước suốt cả buổi tối, đến khi mà cả hai chẳng biết là đã canh giờ thứ mấy rồi. Hai người cảm thấy mệt mỏi vì ngồi chờ đợi nhiều canh giờ liền, mà cơn mưa chẳng có dấu hiệu gì sẽ kết thúc. Anh Năm đánh bạo, đi vào bên trong miếu. Anh tìm thấy được một bao diêm nhỏ, cùng đế đèn cầy, bèn đánh lửa lên cho sáng. Bên trong miếu dù bụi bặm, đầy mạng nhện và đổ nát, nhưng cũng toát lên một vẻ ấm áp, có lẽ là nhờ ánh đèn cầy vàng vọt, mà cũng có thể do bên ngoài mưa lớn đã khiến trời trở lạnh hơn về đêm. Anh Năm ngồi xuống một góc, vốn đã mỏi mệt do đi lên chợ trấn từ sáng sớm, tính chợp mắt. Bác bán hàng rong cũng bước vào, nói:

– Ấy chết, anh đừng ngủ ở đây. Nghe nói ngủ ở đây sẽ bị ma quỷ bắt mất hồn đấy.

Anh Năm lúc này đã mệt mỏi, hỏi lại:

– Nhưng mưa lớn thế này cũng chẳng đi đâu được. Không ngủ lại đây thì sao?

Bác bán hàng rong suy nghĩ, rồi nói:

– Hay là thế này đi. Chúng ta chia nhau ra ngủ. Cứ một người ngủ thì người kia thức canh. Nếu xảy ra chuyện gì thì người thức canh gọi người ngủ dậy. Như vậy sẽ không sợ ma quỷ bắt mất hồn.

Anh Năm nghe cũng có lý, bèn đồng ý thỏa thuận. Anh sẽ ngủ đến nửa đêm rồi bác bán hàng rong gọi anh dậy đổi ca. Dù sao giờ anh cũng mệt lắm rồi, không biết miếu này có ma quỷ thật không, cứ phải chợp mắt cái đã. Huống hồ có người canh gác cho, anh cũng an tâm phần nào.

Vừa mới thiu thiu đi vào giấc ngủ, anh Năm bỗng sực tỉnh vì một mùi thơm xộc vào. Anh bảo với bác bán hàng rong đang ngồi bên cạnh:

– Bác có ngửi thấy không?

Bác bán hàng rong hít hít rồi lắc đầu. Anh Năm bảo:

– Lạ nhỉ, tôi ngửi thấy mùi thơm lắm, cứ như là có ai đang nấu nướng quanh đây.

Bác bán hàng rong rùng mình, nói:

– Ở đây làm gì có nhà cửa nào mà nấu nướng.

Anh Năm toan đứng dậy đi tìm xem mùi thơm từ đâu phát ra thì bác bán hàng rong nắm tay, giữ lại:

– Mùi thức ăn này chắc chắn là ma trêu rồi. Anh chớ có đi theo.

Nghĩ là phải, anh Năm bèn ngồi lại. Một chiếc bánh gai chưa đủ làm anh no bụng, giờ ngửi thấy mùi thức ăn giữa đêm, anh lại thấy bao tử cồn cào. Dẫu vậy, anh lại nằm xuống chợp mắt tiếp.

Vừa mới ngủ lại được một lát, còn chưa kịp mơ mộng gì, anh Năm lại giật mình vì nghe thấy tiếng ai đó gọi mình. Anh bật dậy, nhìn xung quanh. Bác bán hàng rong nhìn anh bảo:

– Có chuyện gì vậy?

Anh Năm kể:

– Tôi vừa nghe thấy ai đó gọi tên tôi. Nghe thật lắm, giọng cứ như là bố tôi gọi vậy.

Bác bán hàng rong hỏi:

– Bố anh đang ở quê à?

Anh Năm lắc đầu:

– Không bác, bố tôi mất từ chín năm trước rồi

Bác bán hàng rong xua tay:

– Vậy rõ là ma trêu rồi, bố anh mất rồi sao gọi anh được. Mà anh phải cẩn thận, nghe tiếng gọi thì đừng có đáp, mất hồn như chơi.

Anh Năm lại nằm xuống ngủ tiếp. Lần này ngủ lâu hơn được tí, nhưng rồi cũng bị tỉnh giấc. Lần này là bác bán hàng rong kêu lên làm anh thức giấc.

– Có chuyện gì vậy bác?

Anh Năm mắt nhắm mắt mở, hỏi. Bác bán hàng rong chỉ ra cửa nói:

– Ở ngoài đó. Tôi vừa thấy một đứa trẻ con chạy qua.

Anh Năm thoáng chút sợ hãi. Anh ngồi dậy, nói:

– Tôi ngủ mấy lần đều chẳng yên. Hay là bác ngủ đi, để tôi thức trông cho.

Bác bán hàng rong do dự, rồi nói:

– Thú thật với anh tính tôi sợ ma sợ quỷ, ngủ ở nơi này tôi chẳng dám. Anh mệt thì cứ ngủ đi, để tôi trông cho.

Anh Năm thở dài, nói:

– Giá như lúc này có một chén chè tươi.

Anh đứng dậy, ngó ra ngoài hiên. Mưa đã ngớt, lúc này có thể ra ngoài được rồi. Thấy anh đang ngó nghiêng, bác bán hàng rong bảo:

– Giờ khuya lắm rồi, chớ nên ra đường. Giặc cướp khắp nơi, chẳng biết đường nào mà lần.

Anh Năm nghĩ thấy cũng phải, liền quay trở vào trong. Sau ba lần thức thức tỉnh tỉnh, anh cũng chẳng muốn ngủ nữa, bèn ngồi đối diện với bác bán hàng rong, hỏi:

– Nhà bác còn có những ai?

Bác bán hàng rong với khuôn mặt gầy gò và nhăn nhúm, hiện lên dưới ánh đèn cầy lờ mờ như một chiếc đầu lâu, lên tiếng:

– Nhà tôi còn đủ cả. Bố mẹ già yếu, bệnh tật, còn cả đàn con nheo nhóc.

Anh Năm lại hỏi:

– Bác bán bánh như này liệu có đủ tiền nuôi con? Vợ bác làm gì?

Bác bán hàng rong nhăn mặt:

– Đủ sao được. Vợ tôi trồng rau bán ngoài chợ. Hai vợ chồng cố lắm cho bọn trẻ có cơm ăn, còn hai cụ già nữa, chẳng biết bao giờ…

Bác bán hàng rong ngập ngừng, rồi nói như thể thanh minh:

– Anh biết đấy, hai cụ già cả, lú lẫn lắm rồi.

Anh Năm thở dài, không biết nói gì. Bác bán hàng rong lại nói tiếp:

– Thế còn anh, đã vợ con gì chưa?

Anh Năm gãi đầu gãi tai, nói:

– Tôi đi khỏi quê từ năm mười bảy tuổi, đi làm thuê rồi giờ mới buôn bán nhỏ. Chưa gặp được ai cả.

Bác bán hàng rong lại hỏi:

– Anh bán gì vậy?

– À thì… – Anh Năm thoáng suy nghĩ một chút, rồi nói: – Nồi niêu xoong chảo cũ ấy mà.

Bác bán hàng rong nói:

– Vậy hôm nào tôi qua mua cái nồi, anh giảm giá cho nhé.

Anh Năm nhận lời, trong đầu thầm cảm thấy hổ thẹn.

Hai người nói thêm đôi câu chuyện nữa thì anh Năm lại thấy buồn ngủ. Lần này mắt díp hết cả lại, anh vừa nằm ra đã ngủ tít.

Anh mộng thấy mình đang ở một cung điện nguy nga tráng lệ, nhưng nhìn kỹ thì cung điện lại hao hao giống cái miếu này. Cứ như thể cái miếu được người ta mở rộng ra, sửa sang lại, rồi dát vàng dát bạc xung quanh. Mạng nhện cũng chẳng còn, mà thay vào đó là đèn đuốc, lõng trọng khắp nơi, nhìn khang trang như một biệt phủ mà bất cứ ai cũng mơ ước. Anh lại thấy có một gia đình, gồm hai người lớn và một đứa trẻ con đang ngồi ở ghế. Ba người ngồi chụm đầu vào nhau, như giấu giếm gì đó.

Anh Năm lấy làm tò mò, từ từ bước đến. Càng đến gần lại càng thấy gia đình kia cười khúc khích. Khi đến sát tới nơi, anh đặt tay lên vai người đàn ông, định gọi hỏi, thì vừa kéo ra, đầu anh ta đã rụng xuống. Do lực kéo của anh Năm, cái xác người đàn ông đổ gục vào người anh, còn người đàn bà cũng đã chết, xác ngã ngửa, trên bụng có vết dao khoét, máu me đầm đìa, ruột gan lòi cả ra ngoài.

Anh Năm kinh hãi, định hét lên nhưng hét không ra hơi. Anh định quay người bỏ chạy, nhưng người bỗng cứng như hóa đá. Đứa trẻ nọ đang quay lưng vào anh, từ từ quay ra. Đó là một đứa trẻ không có mặt, chẳng có mắt, mũi, mồm, nhưng vẫn nghe thấy tiếng nó cười khanh khách. Tay nó cầm một con dao găm. Anh Năm nhìn kỹ, thấy trên cán có khắc chữ “Năm”, là chữ mà anh vẫn khắc vào dao, đao, kiếm mà mình làm. Đứa trẻ lao vào người anh, đâm dao tới tấp. Anh Năm sợ hãi, hét lớn, vừa hét vừa vung tay lên cản lại đứa trẻ.

Đúng lúc ấy, anh gạt tay vào một lưỡi dao. Dao cắt vào tay, máu chảy. Anh Năm vừa tỉnh giấc, chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Tay anh chảy máu. Con dao bị hất tung sang một bên. Còn bác bán hàng rong đang trợn ngược mắt, ngồi sừng sững trước mặt anh. Thấy anh tỉnh dậy, bác bán hàng rong liền lao vào bóp cổ. Anh Năm không kịp phản kháng.

Nhưng rồi một tiếng động lớn vang lên. Cả hai đều dừng lại, quay ra nhìn về phía phát ra tiếng động. Đó là tiếng vỡ của một món đồ sành sứ, thủy tinh gì đó. Hai người nhìn ra, thấy bát hương vỡ tan tành bên dưới bàn thờ. Nhưng đáng sợ hơn nữa, là cả hai nhìn lên, thấy bóng một đứa trẻ đang ngồi chồm chỗm trên bàn thờ.

Bác bán hàng rong kinh hãi, vội bật dậy, bỏ chạy ra khỏi miếu. Anh Năm nhìn theo, rồi quay vào thì đã  không thấy cái bóng nào ở trên bàn thờ nữa. Anh chồm dậy, nhìn con dao, thấy khắc tên mình trên đó. Anh liền đá con dao bay đi càng xa càng tốt.

Lúc này trời đã tờ mờ sáng. Anh Năm đến trước bàn thờ, quỳ lạy sùm sụp. Khi mặt trời lên, anh rời khỏi miếu hoang, đi mua một bát hương mới kèm nén nhang, rồi trở lại, thắp nhang trên bàn thờ. Dù cho nơi này thờ thần hay ma quỷ, thì chắc chắn “họ” đã cứu anh đêm qua. Anh nhìn nhang cháy nghi ngút, vái lạy rồi bỏ đi. Những ngày còn lại trong cuộc đời mình, anh cũng không còn bao giờ đụng đến dao, đao, kiếm nữa.

HẾT.

Tác giả: #byAnhĐinh

Advertisement

2 comments

  1. cảm ơn tác giả. Truyện hay và hồi hộp. Truyện có mạch từ đầu chí cuối nên đọc thấy tự nhiên. Chúc mừng tác giả.
    Duy có 1 điều mình hơi thắc mắc, đó là tại sao 1 người tỉnh và cầm dao mà k giết được 1 người say ngủ vì mệt?

    Thích

    • Theo mình thì người bán hàng này vốn không phải 1 tay giết người chuyên nghiệp, vì đói kém, lòng tham nổi dậy nên mới tính giết người cướp của nhân dịp trong miếu không có ai. Vì là kẻ nghiệp dư nên hắn còn lo sợ, chưa quyết đoán, đợi cho anh kia ngủ say thì mới tìm cách ra tay. Khi đang ra tay thì anh Năm được ma quỷ báo mộng, quơ tay nên gạt vào con dao của hắn.

      Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s