[Review] The Sandman Ep6: Cái chết và sự sống

Trong quãng thời gian mà những fan của DC comics nhận hàng loạt tin không mấy vui vẻ, sự thành công của The Sandman (tạm dịch: Thần Cát) như một điểm sáng kéo lại. Tổng hòa bộ phim tạo bầu không khí huyền ảo, ma mị theo hướng dark fantasy pha trộn hiện đại rất hay. tuy nhiên ở bài viết này, mình muốn review riêng một tập trong cả series: Đó là tập 6 phần 1.

Tập 6 phần 1 The Sandman, với tựa đề The Sound of Her Wings (Âm thanh của đôi cánh Thần Chết) giống như một bộ phim ngắn với nội dung tách biệt với cả series. Có cảm giác như đây là một “món quà” từ nhà sản xuất cho người hâm mộ, hay cũng có thể coi đó là một khoảng nghỉ giữa những cuộc chiến căng thẳng, đẫm máu. Ở tập phim này, Morpheus (Sandman) gặp chị của mình: Death và hai người đã có những cuộc trò chuyện đầy thú vị.

Lưu ý: Phần tiếp theo có tiết lộ nội dung phim

Cái chết

Nửa đầu của tập phim xoay quanh việc Death đi “đón” những linh hồn vừa lìa xa thân xác về với cõi Bóng tối vĩnh cửu. Trong nửa đầu này, cái chết được miêu tả rất triết học và cảm động. Phàm là con người, ai chẳng sợ chết. Không ai là luôn đón nhận cái chết cả, dù cho đó là một ông lão gần đất xa trời. Mỗi khi Death xuất hiện, người ta đều ngờ ngợ, không biết cô là ai, nhưng rồi khi nhận ra, người ta cầu xin cô, níu kéo. Có người muốn được nói lời cuối với vợ, có người ra đi khi đi du lịch cùng gia đình, còn chưa kịp cho vợ biết mã chuyến bay lượt về. Có người thậm chí còn không biết là mình đã chết. Cứ như vậy, bộ phim khắc họa con người thật đáng thương và bé nhỏ khi đứng trước cái chết, khi biết mình chết, còn bao dang dở ở thế giới phàm trần mà chẳng làm được gì.

3 “vị khách” đầu tiên của Death trong tập phim lần lượt đi từ một ông già, một người trẻ đến đứa trẻ sơ sinh, như nói đền vòng đời của con người, dù ở độ tuổi nào, thì cũng không tránh được cái chết.

Cuộc đối thoại giữa Death và Morpheus cũng đầy tính triết lý. Tại sao con người luôn sẵn sàng bước vào vương quốc của giấc mơ mỗi đêm dù họ biết đó là ảo ảnh, mà lại sợ hãi, chối từ cái chết – điều mà chắc chắn đang đợi họ phía trước? Tại sao con người vui mừng khi sinh ra nhưng lại sợ hãi, run rẩy trước cái chết?

Cái chết là một trong những chủ đề mà văn học, triết học và cả thần học nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Với con người, cái chết vẫn luôn là ẩn số. Nhiều tôn giáo đã đưa ra một góc nhìn về thế giới sau chết: Thiên đàng, địa ngục, luân hồi… Tất cả đều phản ánh niềm tin, hy vọng và ngưỡng vọng của con người sau khi chết. Triết học hiện đại coi cái chết đơn giản là sự kết thúc của một đời người. Sau cái chết không còn gì cả. Nhưng có lẽ con người sẽ rất khó chấp nhận điều đó, bởi nếu thế, có lẽ con người sẽ lại càng sợ chết hơn. Làm sao có thể buông bỏ toàn bộ của cải, người thân, tình yêu, khoái lạc để trở về với cát bụi? Nếu là lên thiên đàng, hay được luân hồi thì cuộc sống sẽ còn tiếp diễn, nhưng chấm hết ư? Không đời nào.

Sự sống

Cũng bởi sự chối từ cái chết, mà ta có một nội dung khác ở nửa sau bộ phim: sự sống. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1389, khi hai vị thần bất tử vĩnh hằng Morpheus và Death bước vào một quán rượu, tò mò rằng tại sao sinh vật như con người lại muốn sống mãi. Morpheus đã nghĩ ra một phép thử thú vị: Trao sự sống vĩnh hằng cho một người đàn ông, với giao ước cứ 100 năm sau, họ lại gặp nhau tại quán rượu này và người đàn ông kia phải kể lại cho Morpheus chuyện gì xảy ra suốt 100 năm đó, anh ta cảm thấy thế nào và có muốn sống tiếp hay không?

Câu chuyện thú vị từ đây.

Có một sự thật là hiếm ai sống quá 100 năm chứ đừng nói đến bất tử, để có thể trả lời được câu hỏi của Morpheus: Liệu rằng sau hàng trăm năm, con người có còn muốn sống tiếp hay sẽ xin được chết?

Ban đầu, Morpheus dự đoán là sau 100 năm hay cùng lắm 200 năm, người đàn ông kia sẽ xin được chết. Làm sao có thể sống tiếp khi mà bạn bè, người thân đều không còn kia chứ?

Morpheus đã nhầm.

Cứ sau 100 năm, người đàn ông lại như lột xác trở thành một người khác. Anh ta cập nhật thời thế với đời sống hiện đại hơn. Cá nhân mình thì tin rằng nếu có người nào sống lâu như vậy, anh ta sẽ bị già cỗi, lạc hậu, quanh quẩn trong những suy nghĩ lối mòn của mình mà không thích nghi được với cuộc sống thay đổi đến chóng mặt. Thế nhưng ở đây, nhân vật này dường như đại diện cho nhân loại. Ta cứ nghĩ nhân loại sẽ dừng lại, nhân loại sẽ lụi tàn, nhân loại ở thời đại ta đang sống là đỉnh cao của dòng lịch sử, nhưng không, nhân loại rất tham vọng, nhân loại tiếp tục phát triển, tiếp tục đi lên và cứ thế đi lên mãi. Đó là lý do người đàn ông này luôn thay đổi, thích nghi và sống mãi với cuộc sống vĩnh hằng.

Cũng không phải lúc nào anh ta đều sống trong sung túc. Đã từng có lúc anh ta chìm xuống đáy xã hội: phải chứng kiến vợ con qua đời, mất hết tiền bạc của cải, bị người đời xem là phù thủy vì mãi không chết. Anh ta trở thành một kẻ lang thang, nghèo đói, chịu một cơn đói khủng khiếp nhưng không thể chết. Anh ta thừa nhận 80 năm trong 100 năm đó là quãng thời gian kinh khủng nhất của cuộc đời anh ta. Thế nhưng khi Morpheus hỏi anh ta vẫn còn muốn sống tiếp chứ, anh ta vẫn một mực câu trả lời cũ. Đó phải chăng là sức sống mãnh liệt của con người, hay chính là niềm hy vọng mà nhà văn Neil Gaiman muốn truyền tải?

Điểm đặc sắc của tập phim này là khắc họa rất tốt bối cảnh các thời đại khác nhau: 1389, 1489, 1589, 1689, 1789, 1889, 1989. Người xem như được du hành một vòng qua lịch sử cận đại Châu Âu, với các sự kiện chính: phát minh ra lò sưởi, hiệp sĩ trung cổ, hoàng gia Anh Tudor, William Shakespeare, diệt trừ phù thủy, Cách mạng Pháp, những câu chuyện truyền miệng về Quỷ và người Do Thái, buôn bán nô lệ, quán rượu và gái điếm, xe ngựa, điện thoại, ô tô, làn sóng bất động sản xây khu thương mại… Từ bối cảnh đến trang phục, kiểu tóc, cách ăn nói của các nhân vật thay đổi qua từng thời kỳ một cách đầy ấn tượng, và có lẽ đây là tập phim được sản xuất tốn công sức nhất của toàn bộ series.

Sau hàng trăm năm, người đàn ông nọ không còn nói về tiền bạc, của cải, ham muốn, sắc dục. Năm 1889, anh ta nói về tình bạn. Anh ta nói rằng Morpheus tìm đến anh ta sau mỗi 100 năm vì Morpheus cô đơn, muốn có một người bạn. Morpheus với sự tự tôn và cao ngạo của mình đã chối bỏ điều đó. Sau khi hai người rời đi, họ đã chẳng thể gặp lại nhau, bởi Morpheus đã bị bắt nhốt.

Ở đây thoáng lên sự tiếc nuối, khi năm 1989, người đàn ông kia tìm đến điểm hẹn cũ nhưng không gặp lại Morpheus. Cuộc hẹn này đã trở thành thói quen của họ suốt hàng trăm năm nay, và có lẽ khi mà của cải, tiền bạc, con người đều ra đi theo thời gian, thì chỉ còn tình bạn và cuộc hẹn này là có ý nghĩa với anh ta. Anh ta thất vọng và buồn bã, nghĩ rằng Morpheus vẫn giận mình, mà không hề hay biết người bạn của mình đang bị bắt nhốt tù đày không biết bao giờ mới được thả. Thêm một điều tiếc nuối nữa, đó là quán rượu quen thuộc tồn tại hàng trăm năm, là điểm hẹn của hai người này, sắp sửa bị giải tỏa để xây trung tâm thương mại. Hơi thở thời hiện đại đã ập đến.

Khi Morpheus trở lại, anh ta đứng trước quán rượu cũ bị phong tỏa với sự tiếc nuối, bất lực mà ngay đến một vị thần cũng không thể làm gì được. Ngỡ tưởng sẽ mãi mãi mất liên lạc với người bạn hàng trăm năm nay, nhưng may sao, quán rượu mới được dựng lên, với vạch chỉ dẫn từ quán rượu cũ dẫn sang, và ở đó, Morpheus gặp lại người bạn của mình. Anh ta thừa nhận tình bạn, cũng là thừa nhận mình đã từng tự cao và cô độc. Ngay cả một vị thần cũng không nên giấu tâm tư, nỗi niềm vào bên trong mà hãy mở lòng với mọi người. Đây chính là cái kết happy ending của tập phim này. Theo mình, rất có thể quán rượu mới được anh ta xây lại để có thể tiếp tục gặp gỡ người bạn của mình sau mỗi 100 năm.

Một điều đáng quan tâm nữa là sự trưởng thành của người đàn ông kia. Thời gian đầu, anh ta là một gã đàn ông đầy bản năng: chỉ nói về tiền bạc, phụ nữ, ham muốn. Sau đó, anh ta trải qua đau khổ, rồi chững chạc hơn. Anh ta từng làm điều sai trái là buôn nô lệ, bị Morpheus giáo huấn và có vẻ hối cải. Sau đó, anh ta không còn nói về tiền bạc, của cải, ham muốn nữa, mà nói về tình bạn với Morpheus. Cho đến phân đoạn cuối, ta thấy một phiên bản hoàn hảo, hiện đại nhất của anh ta: Một người đàn ông học thức, đeo kính, ngồi viết lách trong quán cafe với phong thái điềm tĩnh, đợi người bạn của mình. Mình từng nghe rằng con người càng sống lâu sẽ càng hiểu biết, chững chạc và sống có trách nhiệm hơn. Có lẽ sự biến đổi sau hàng trăm năm của nhân vật này cũng tương tự như thế: càng sống lâu, chàng hiểu về nhân loại, xã hội, và từ một kẻ bản năng như một thợ săn, anh ta dần trở thành một người trí thức, thông tuệ như một nhà triết học.

Với mình, The Sandman Ep6 này giống như một phim ngắn mang đầy tính nghệ thuật và triết học, về cái chết và sự sống, khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s