Du ký Đà Lạt 2022 (Phần 2)

Ngày thứ 2: Dạo quanh trung tâm – Đi hụt tàu đến Trại Mát – bữa BBQ vui vẻ cùng hai người bạn ở Sài Gòn

Buổi sáng đầu tiên ở Đà Lạt, tôi dậy từ 6 giờ sáng. Vốn dĩ tôi muốn dậy sớm hơn để được ngắm bình minh nhưng rồi cái lành lạnh tựa như đầu đông ở Hà Nội khiến tôi không nỡ ra khỏi chăn ấm đệm êm. Dù sao thì 6 giờ sáng dậy vẫn là sớm hơn so với ngày thường của tôi. Thường ngày, vì văn phòng tôi làm việc muộn nên 7 giờ, 7 rưỡi sáng tôi mới dậy. Tôi vẫn thường hay nói đùa là đi chơi thì thường ngủ ít, dậy sớm còn hơn cả thường ngày đi làm.

Khi tôi ra ngoài sân thì đã 6 rưỡi. Mặt trời đã lên sáng rõ, trời có nhiều mây, lạnh. Tài Cunn cùng Lan Anh đã dậy trước và ra ăn xong bát mì. Với cái lạnh lạnh như này, tôi cũng tự nhiên thấy thèm một bát mì tôm ấm nóng. Ở quầy bar-bếp chung ở homestay có khu vực bán đồ tự phục vụ. Khách có thể lấy mì, trứng, café ở đây, tự pha và tự nhét tiền vào hộp ở đó. Tôi bèn làm một gói mì ngâm với nước sôi bốc khói, ăn ấm bụng vào một sáng lạnh giá.

Một lát sau, đôi bạn ở Sài Gòn đi săn mây ở Cầu Đất trở về. Họ nói rằng đó là cuộc săn mây thất bại vì trời nhiều gió quá. Họ đã đi 3 chuyến từ hôm ở Đà Lạt đến nay vẫn chưa thành công. Điều này khiến cho tôi, dù muốn săn mây, cũng cảm thấy e dè. Sẽ thật lãng phí nếu như dậy sớm đi xa nhưng lại chẳng thể săn được mây như ý muốn.

Khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi khởi hành. Lịch trình buổi sáng ngày thứ hai này, chúng tôi sẽ vào khám phá trung tâm thành phố. Ở trung tâm có một số địa điểm mà nhiều khách du lịch thường đến, dù không phải người thích các điểm du lịch phổ biến, tôi vẫn muốn phải đi qua đó, bởi đến một điểm du lịch mà không đặt chân đến một vài địa điểm signature (đặc trưng) thì cũng phí hoài.

Hôm nay, chị chủ nhà đã thuê giùm cho chúng tôi thêm một chiếc số. Khi đi, tôi mang theo ô, nói đùa rằng thường ngày cứ không mang ô thì trời mưa, mang ô thì không mưa, nên cố tình mang ô để…cầu nắng.

Chúng tôi đổ xăng ở cây xăng đoạn đường Hùng Vương. Tôi thấy ở đây người ta đổ xăng khá hay, khác biệt so với ở Hà Nội hay những nơi tôi từng đến, đó là đỗ xe dọc: đầu xe cắm thẳng vào cây xăng. Các xe cứ xếp thành hàng dọc như vậy thay vì hàng ngang, khi ai đó đổ xăng xong thì lùi lại ra khỏi vị trí là đi được luôn. Xếp xe dọc như này hay hơn xe ngang ở chỗ: vừa tiết kiệm diện tích, xếp được nhiều xe hơn mà cũng tiện cho xe đổ xăng xong lùi ra, không bị vướng xe trên-dưới chặn lại như khi xếp hàng ngang.

Một đặc điểm nữa ở đường Đà Lạt đoạn các ngã ba, ngã tư có đèn xanh, đèn đỏ, đó là vị trí xếp hàng xe máy ở trên, ô tô ở dưới. Ban đầu tôi không hiểu vì biển làn đường có cả hình xe máy lẫn ô tô, nhưng rồi nhìn xuống vạch vôi mới thấy hình vẽ xe máy ở trên, ô tô ở dưới. Nghĩa là khi xếp hàng chờ đèn đỏ, xe máy sẽ xếp thành 1-2 hàng ở trên và ô tô xếp ở dưới, tránh tình trạng chen lấn, hỗn tạp. Một điều đặc biệt là trước đây ở Đà Lạt không có đèn xanh, đèn đỏ nhưng vài năm gần đây, do khách du lịch đến đông nên thành phố đã phải lắp đặt đèn xanh, đèn đỏ và đã xảy ra tình trạng tắc đường ở Đà Lạt. May mắn thay, chúng tôi đến nơi vào chủ nhật, hôm nay là thứ hai, và chúng tôi sẽ dạo chơi ở đây vào những ngày thường đầu tuần, nên không bị đông đúc quá, cũng không bị tắc đường.

Đầu tiên, chúng tôi đi ra quảng trường Lâm Viên. Khi đến đây thì trời bắt đầu mưa phùn. Mưa không lớn bằng tối qua nhưng cũng đủ khiến tôi cảm thấy đôi phần hối hận vì không mua áo mưa. Chúng tôi dừng xe ở một điểm trông giống như điểm trông xe ở quảng trường, nhưng không, hóa ra đây là nơi mấy cô bán kính, ô, móc khóa nhận trông xe với điều kiện là mua ủng hộ đồ. Tôi không thích bị “gài” như vậy, dù cho mua cái móc khóa cũng chẳng hết bao nhiêu, nhưng vẫn muốn có một điểm trông xe đường đường chính chính hơn. Mình là khách du lịch mà, đâu phải là những con mồi béo bở?

Ở quảng trường Lâm Viên có hai tòa nhà, một tòa nhà nụ hoa Atiso và một tòa nhà hoa dã quỳ. Kiến trúc của hai tòa nhà này khá độc đáo. Bên dưới có 1 dàn chó Husky hoặc Malamute làm mẫu chụp ảnh. Khách du lịch muốn chụp ảnh cùng những chú chó này phải trả tiền. Không hiểu sao tôi thấy tội nghiệp cho chúng, chó vốn là loài động vật tăng động, ham chạy nhảy, vậy mà phải đứng đây cả ngày làm mẫu chụp ảnh cùng khách. Ở đây cũng không có gì thú vị mấy, chúng tôi đi dạo khoảng 5-10 phút rồi đi.

Khi chúng tôi đến chợ Đà Lạt thì trời đã tạnh mưa và hửng nắng. Ban ngày không có chợ đêm khiến cho con đường trước chợ Đà Lạt tương đối trống trải. Chúng tôi quay lại đây để tìm tới hành lang nơi mà nhiều bạn trẻ thường chụp ảnh ở đó. Do chưa biết chính xác đi đường nào lên, chúng tôi gửi xe trong chợ, đi vào chợ rồi tìm đường ra. Hafu-chan từng đi rồi nên làm người dẫn đường. Chợ Đà Lạt bên trong cũng giống như chợ Đồng Xuân và chợ Hà Đông, với các kiosk bán hàng và chia thành từng khu vực cụ thể. Tầng 1 là đồ khô, đô ăn, bánh kẹo còn tầng 2 là quần áo.

Chúng tôi đi vòng vòng trong chợ rồi ra chỗ hành lang mà các bạn trẻ vẫn hay đến check-in.

Lúc này trời đã nắng to. Chỗ này nhiều người chụp ảnh nên phải đứng đợi nhau, người trước ra người sau mới vào. Nhìn chung góc này chụp ảnh cũng khá đẹp, nhưng vì cũng nhiều người check-in nên cũng không còn đặc sắc nữa.

Chúng tôi chụp ảnh xong thì di chuyển tới điểm tiếp theo, cũng là một địa điểm phổ biến ở Đà Lạt là Nhà thờ Con Gà.

Khi search Nhà thờ Con Gà trên Google, chúng tôi ban đầu lẫn lộn bởi có vài nhà thờ khác nhau. Địa điểm đáng tin cậy nhất là Nhà thờ chính tòa Đà Lạt (mà mãi sau này khi đi từ đường Hùng Vương đâm thẳng ra thì tôi mới thấy tấm biển chỉ dẫn ghi Nhà thờ Con Gà to đùng). Chúng tôi tìm trên Google Map để đi ra. Khi vừa ra khỏi khu chợ, tôi đã nhìn thấy đỉnh chóp của nhà thờ này, nhưng vì chưa quen đường nên vẫn phải đi theo Google Map mà Hafu-chan làm hoa tiêu ở phía sau. Tại đây, xe của tôi và xe của Tài Cunn đã lạc nhau. Mãi đến khi đến Nhà thờ, chúng tôi mới gặp lại.

Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt được gọi là Nhà thờ Con Gà vì có hình một con gà trên đỉnh chóp. Nhà thờ được người Pháp xây dựng năm 1931 dành cho những người Công giáo đến Đà Lạt sinh sống, chủ yếu là người Pháp. Ở Đà Lạt có nhiều nhà thờ, trong ngày thứ 3 khi chúng tôi chạy xe ở bên phía Đại học Đà Lạt thì cũng thấy một nhà thờ rất đẹp ở gần đó. Nhà thờ Con Gà được xây theo kiến trúc công giáo Roma ở Châu Âu, thuộc kiến trúc Romanesque ở Châu Âu (giống với các nhà thờ ở Rome, có nguồn gốc từ thời La Mã). Bởi vậy, ta sẽ thấy nhà thờ này khác với Nhà thờ Lớn ở Hà Nội hay Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, theo kiến trúc Gothic (giống với Nhà thờ Đức Bà Paris và các nhà thờ thời Trung Cổ).

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi cũng là một địa điểm check-in được nhiều bạn trẻ lựa chọn là Tiệm Bánh Cối Xay Gió. Đường đến tiệm bánh hóa ra lại ngược lại, khiến cho tôi thầm nghĩ biết thế đi tiệm bánh trước rồi đến nhà thờ sau. Dù cũng gần nhau nhưng do chưa biết đường nên đi vòng vèo, tôi thậm chí còn đi vào đường một chiều, không vòng lại được, may mà có thể rẽ sang đường khác để vòng lại. Giống như khi bạn đi vào đường Quang Trung mà đi quá Trần Hưng Đạo, sẽ vòng lên Hai Bà Trưng, rẽ sang Bà Triệu rồi vòng lại Trần Hưng Đạo. Nhìn chung là gần như đi thành một hình vuông.

Ban đầu tôi tưởng đây là một tiệm làm bánh ngọt kiểu Pháp, có xưởng lớn lớn, giống như mấy xưởng bánh hồi xưa ở Hà Nội, nhưng đến nơi thấy tiệm bánh cũng nhỏ, bán café, đồ uống cùng một số loại bánh kẹo và đồ ăn vặt như bánh tráng, bánh socola… Hóa ra Tiệm bánh Cối Xay Gió không phải một tiệm bánh lâu đời kiểu truyền thống. Đừng để font chữ cổ điển kiểu “Cô ba Sài Gòn” trên bức tường vàng nổi tiếng đánh lừa. Tiệm bánh Cối Xay Gió bắt đầu hoạt động từ năm 2017, chủ yếu là làm bánh kẹo, đồ ăn từ nông sản Đà Lạt. Theo tôi biết thì trước đây Tiệm bánh Cối Xay Gió ở một địa điểm khác xong mới chuyển về địa điểm mới ở Tăng Bạt Hổ trong thời gian gần đây. Dẫu vậy, bức tường vàng huyền thoại vẫn được nhà Cối mang theo và vẫn trở thành địa điểm check-in cực hot dành cho khách du lịch Đà Lạt.

Đến Cối thì cũng không nên chỉ check-in mà nên vào bên trong tiệm để mua đồ ăn. Dù không gian chơi chật nhưng đồ ăn ở đây khá đa dạng, giá thành không phải là đắt, hoàn toàn hợp túi tiền.

Bạn cũng có thể mua café, đồ uống, bánh mì ăn nhẹ tại đây.

Tôi mua túi bánh tráng nướng ruốt (mà ban đầu mình tưởng là ruốc nhưng hóa ra ruốt là con tép riu bé tí), cùng với bánh chuối socola. Cả hai món này đều rất ngon. Sau này trước khi về Hà Nội, tôi mua bánh tráng ruốt ở một tiệm khác nhưng không ngon bằng bánh tráng ruốt ở Cối.

Check-in, mua sắm xong thì cũng đã gần trưa. Chúng tôi đi tìm dốc nhà Bò – cũng lại là một địa điểm check-in nổi tiếng khác. Con dốc này khá nổi tiếng ở Đà Lạt, giờ đã được làm gờ để bớt trơn trượt. Mặc dù không có gờ thì đẹp hơn và lúc làm gờ, nhiều người hay chê nhưng tôi lại ủng hộ vì như vậy an toàn hơn.

Nói chung là sáng nay chúng tôi chủ yếu đi tới các địa điểm check-in nổi tiếng quanh quanh trung tâm thôi.

Lúc mới đến Đà Lạt và dạo quanh trung tâm, tôi thấy dốc trong phố Đà Lạt không bằng Sapa, nhưng khi đến khu vực Phường 3 ở gần dốc nhà Bò thì thấy ở đây nhiều con dốc thật. Từ đường chính, có những con dốc nhỏ đổ xuống khu dân cư, trông giống như bên Nhật vậy.

Trước khi đi ăn trưa, chúng tôi quay về homestay để cất đồ. Đây cũng là nhược điểm khi ở xa trung tâm. Cảnh vật thì chill với đồi núi đó, nhưng mà đi ăn uống thì cũng hơi cực. Từ trung tâm về homestay 8 km, xong lại đi ăn ở Yersin, lại đi khoảng 8 km nữa. Thực ra ở Hà Nội, 8 km chỉ là khoảng cách tôi đi làm, không phải quá xa. Đó cũng là lý do chúng tôi chọn homestay ở đây, mà không e ngại về khoảng cách.

Bữa trưa, chúng tôi ăn tại cửa hàng Bánh Căn Lệ, Yersin, phường 10. Có nhiều cửa hàng mang tên Bánh căn Lệ hay Bánh căn cô Lệ, rất dễ nhầm. Lan Anh là người lựa chọn địa điểm ăn uống, và đã tìm cửa hàng “chuẩn” ở Yersin. Khi chú chủ quán hỏi chúng tôi ăn bánh căn gì, thấy chúng tôi nói giọng Bắc nên chú đã tư vấn nhiệt tình. Nhóm chúng tôi gọi mỗi loại 3 bánh. Tôi thấy nước chấm rất ngon: đậm đà và thơm mùi hành. Tôi không phải người thích ăn hành, nhưng hành trong nước mắm ăn với bánh căn thì ngon thật sự. Bánh căn bò + trứng cút có lẽ là ngon nhất trong các loại mà chúng tôi thử.

Sau khi ăn xong, chúng tôi ra ga Đà Lạt để bắt chuyến tàu đi Trại Mát. Ga Đà Lạt được xây dựng hoàn thiện vào năm 1938, là nhà ga đầu mối nối tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt.

Điểm đặc biệt là nơi đây từng sử dụng đầu máy xe lửa bánh răng cưa với đường ray răng cưa kiểu Thụy Sĩ. Đường ray răng cưa còn được thiết kế để leo được lên đèo, và kiểu đường sắt răng cưa leo đèo Thụy Sĩ này chỉ có ở Đà Lạt và Thụy Sĩ. Lúc bấy giờ, tuyến đường sắt này được xem là công trình độc đáo, ngoạn mục trên thế giới vì phải leo qua đèo, đồi núi, hầm chui để lên đến Đà Lạt. Tuy nhiên sau này phần vì không có kinh phí hoạt động, phần vì chiến tranh tàn phá các tuyến đường ray, nên ga Đà Lạt dần không còn hoạt động được nữa. Tuyến đường này giờ chỉ nối đến Trại Mát phục vụ du lịch.

Kế hoạch là đi đến Trại Mát, nhưng khi ra đến ga tàu thì ga vẫn chưa mở bán vé. Lúc bấy giờ, trời nắng và nóng. Ở Đà Lạt tuy buổi tối và đêm rất lạnh, như mùa đông Hà Nội; nhưng buổi trưa thì nắng gắt không thua gì mùa hè Hà Nội. Tôi tìm trên map thấy có quán café ngay gần đây nên rủ cả nhóm ra, ngồi tạm trong lúc đợi đến giờ mua vé. Hóa ra quán café nằm ngay trong nhà ga, tên là Latica Railway Café. Quán décor theo kiểu gỗ kết hợp với vườn cây. Nếu trời mát mẻ thì khá chill nhưng vì trời nắng, chúng tôi ngồi ngoài trời, tuy có ô che nhưng vẫn thấy hơi nóng và oi bức một chút.

Đang ngồi café và lắp gimble để chuẩn bị quay clip thì tôi nhận được cuộc gọi từ người anh đồng nghiệp. Để đỡ mất công gỡ gimble rồi lắp lại, tôi cứ đưa cả máy và gimble lên nghe. Mấy đứa bạn tôi thấy, chụp lại và troll tôi là khoe mẽ. Nhìn bức ảnh thì trông cũng như là khoe mẽ thật, nhưng thực ra chỉ là tôi quá lười để gỡ ra mà thôi. Bức ảnh ấy vẫn trở thành meme cho tới tận khi chúng tôi về Hà Nội.

Đến khoảng 2h chiều, tôi chạy ra chỗ bán vé để mua vé. Nhưng tôi lại nhận được tin buồn, khi chú bán vé nói rằng không đủ người để tàu chạy. Chú ghi tên tôi, ghi số điện thoại, nói rằng đến 2h30 mà đủ người để tàu chạy thì chú gọi, không gọi thì là không đủ. Tôi buồn bã về lại quán café, chờ cuộc gọi nhưng đến tận 3h vẫn không có cuộc gọi nào, tôi hiểu rằng chúng tôi sẽ không được đi tàu đến Trại Mát.

Chúng tôi quay lại ga để chụp ảnh với những đầu tàu. Ở đây vẫn còn trưng bày nhiều loại đầu tàu đầu máy răng cưa cổ, trong đó có đầu máy của Thụy Sĩ, Pháp và Nhật. Đây là một chiếc đầu tàu dòng Kawasaki (phải, chính là Kawasaki mà giờ nổi tiếng với xe máy phân khối lớn) JNR Class 12, sản xuất năm 1932.

Ở đây cũng có một quán café mà khách đến quán được lên toa tàu cũ để ngồi uống café trên đó. Xung quanh có nhiều những toa tàu cũ, nằm cạnh đường ray đã xanh cỏ, chứng tích cho việc lâu lắm rồi không được sử dụng. Khung cảnh này phần nào làm tôi nhớ đến cảnh nghĩa địa máy bay trong truyện “Thế giới của Lilly” tôi viết. Trong đó, có một ngọn đồi mà những xác máy bay cũ kỹ bị vứt chỏng chơ, cỏ đã mọc leo lên thân máy.

Vì không đi tàu đến Trại Mát nữa, chúng tôi chuyển hướng sang đi Dinh Bảo Đại. Chúng tôi đã đi qua cổng Dinh Bảo Đại 2 trên đường nối giữa trung tâm thành phố với homestay, nhưng lối vào Dinh Bảo Đại 1 vẫn là 1 ẩn số. Tôi và Tài bị lạc nhau trên đường tìm tới dinh. Ban đầu, tôi đi theo Google Map, theo 1 lối dẫn xuống dốc nhưng thấy có vẻ không phải nên quay ngược lại. Lúc này mới đi đúng đường dẫn đến Dinh Bảo Đại, qua một đồi thông rất đẹp, nhưng vì mải đi và đường cũng xóc, nên chúng tôi đã không quay, chụp được gì. Tôi và Hafu-chan đến Dinh Bảo Đại trước đôi của Tài, Lan Anh nhưng đợi nhau, nên chúng tôi vào quán nước đối diện cổng dinh ngồi đợi. Sau đó, khi Tài, Lan Anh đến thì chúng tôi mới cùng vào tham quan bên trong.

Buổi chiều ở Đà Lạt trời nóng nực như mùa hè Hà Nội, nhưng ở trong Dinh Bảo Đại có nhiều cây cối nên tương đối mát. Đi giữa vườn thông trong dinh, với gió thổi xào xạc làm tôi nhớ đến cảm giác đi giữa vườn cây ở Đảo Nami, Hàn Quốc. Đó là cảm giác mà tôi thấy thích nhất mỗi khi đi du lịch: Tự do.

Dinh Bảo Đại, hay còn gọi là Dinh 1 Đà Lạt, là một tổ hợp dinh thự rộng rãi, thoáng mát, xây trên đồi thông, nhìn xuống bao quát được cả Đà Lạt. Dinh do một triệu phú người Pháp tên là Robert Clement Bourgery xây dựng vào năm 1940. Vua Bảo Đại mua lại vào năm 1949, sửa sang lại và lấy nơi này làm nơi nghỉ dưỡng mỗi khi đến Đà Lạt, từ năm 1949 đến năm 1954.

Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều đại quân chủ Đại Nam – tiền thân của nước Việt Nam hiện đại. Đánh giá về vị vua cuối cùng này cũng còn nhiều tranh cãi. Người thì coi Bảo Đại như vị vua nối dõi đích thực của hoàng tộc Nguyễn Phước, người lại coi Bảo Đại chỉ là vua bù nhìn cho Pháp, chỉ giỏi ăn chơi chứ không nghĩ cho nhân dân. Điều thú vị là ở chuyến đi Huế, tôi đã được tham quan Lăng Khải Định – vua cha của Bảo Đại, còn giờ thì đang có mặt ở Dinh Bảo Đại.

Đến thời tổng thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng Hòa, nơi này cũng được sử dụng làm nơi nghỉ dưỡng, làm việc của Ngô Đình Diệm cùng các sĩ quan phụ tá.

Bên trong dinh có nhiều khu vực trưng bày các cố vật, như Garage xe cổ, đều mất thêm tiền để vào bên trong.

Trước cửa Dinh Bảo Đại có một bức tượng Bảo Đại bằng đồng, tôi không rõ được xây dựng từ bao giờ.

Để vào tham quan bên trong dinh thự, khách tham quan sẽ được hướng dẫn đeo bao vải vào chân, ra bên ngoài giày. Đây là cách khá hay để giữ cho thảm bên trong dinh được sạch sẽ, không bị giày dép xéo đạp, mà khách tham quan cũng không phải tháo, cởi giày; vừa mất thời gian, mà lại sợ mất mát.

Dinh có những căn phòng khác nhau, đều được trang trí theo phong cách cổ điển, quý tộc kiểu châu Âu.

Bên trong mỗi phòng vẫn còn lưu giữ lại nhiều cổ vật, cũng như tranh ảnh lưu giữ kỷ niệm xưa về vị vua cuối cùng của triều đại quân chủ Đại Nam.

Lên trên tầng 2 là những căn phòng khác, trong đó có phòng làm việc và nghỉ ngơi của vua Bảo Đại. Có thể thấy những căn phòng này đều có cửa sổ hoặc ban công hướng ra bên ngoài, đón ánh nắng và làn gió mát của Đà Lạt, mà cũng lại có view rộng rãi, thoáng mát ra đồi thông.

Một số căn phòng có tượng sáp của Bảo Đại và phu nhân. Ở cuối hành lang cũng có căn phòng đặc biệt, nơi mà du khách có thể bỏ thêm tiền để mặc cổ phục, vào chụp ảnh trong căn phòng và chụp cùng tượng sáp của vua Bảo Đại cùng Nam Phương hoàng hậu.

Ở bên ngoài Dinh Bảo Đại còn có một khu vườn đẹp như Vườn Địa Đàng.

Bên dưới đó một quãng là nơi có trưng bày máy bay trực thăng của Ngô Đình Diệm. Chúng tôi chỉ đứng từ xa xem vì để vào chụp ảnh cùng trực thăng phải mất thêm tiền.

Tham quan xong Dinh Bảo Đại vẫn còn sớm, nên chúng tôi quyết định đi tiếp Cung Nam Phương hoàng hậu. Cung nằm ở cùng vị trí với Bảo tàng Lâm Đồng, cũng không xa là mấy.

Khi tới nơi, tôi phải chuẩn bị dần cho bữa tối. Theo kế hoạch, bữa tối nay chúng tôi sẽ làm nướng và uống rượu vang Đà Lạt ở homestay. Tôi đã hỏi chị chủ homestay, chị gợi ý một bên bán set nướng sẵn, chỉ việc đặt rồi mua về nướng. Như vậy sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhiều thay vì phải đi chợ. Chúng tôi xem menu rồi tôi gọi điện đặt set nướng cho 4 người, hẹn giao vào 6 giờ tối. Sau khi đặt xong, chúng tôi vào tham quan Bảo tàng Lâm Đồng.

Tại đây, chúng tôi được đi “ké” 1 đoàn có hướng dẫn viên. Bạn hướng dẫn viên kể rất chi tiết về lịch sử Lâm Đồng, từ thời kỳ sơ khai, đến cuộc sông, văn hóa của người dân tộc Churu, Cơho, Mạ…

Ở bảo tàng trưng bày nhiều cổ vật giúp chúng ta hiểu hơn về một nền văn minh xưa của những tộc người từng làm chủ vùng đất núi rừng bao la này. Nơi này cũng có nhiều cổ vật, văn bản về những cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp của người dân tộc bản địa. Trong đó có một lời truyền của một trưởng làng rằng hãy để người mọi, chàm, an nam sống chung mà hãy đánh người Pháp, cho thấy một tinh thần đoàn kết của người bản địa, chống lại những kẻ xâm lược, như trong tác phẩm Rừng Xà Nu.

Từ tầng trên của bảo tàng trông ra view bên dưới đồi cũng rất đẹp.

Dạo một vòng quanh Bảo tàng Lâm Đồng xong thì chúng tôi đều đã rệu rã. Người đau lưng, kẻ mỏi chân, nhưng vẫn phải đi bộ thêm cả trăm mét nữa để đến Cung Nam Phương hoàng hậu.

Nam Phương hoàng hậu là vợ của vua Bảo Đại. Bà nổi tiếng trong thời đại Internet nhờ bức ảnh chụp thời xưa mà bà xinh đẹp như một giai nhân. Nhan sắc của Nam Phương hoàng hậu tôi không rõ thời đó danh tiếng như nào, nhưng ở thời hiện đại, được rất nhiều người khen ngợi và cảm thấy tự hào về vẻ đẹp tự nhiên, bình dị của phụ nữ Việt.

Cung Nam Phương hoàng hậu có phần bình dị, mộc mạc hơn Dinh Bảo Đại. Dinh thự này vốn thuộc sự sở hữu của ông Nguyễn Hữu Hào – cha của Nam Phương hoàng hậu, đã tặng cho bà làm của hồi môn khi lấy chồng. Bên trong dinh thự vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật.

Lúc bấy giờ đã là 5 rưỡi, theo giờ làm việc là giờ đóng cửa ở đây. Tham quan trong dinh thự lúc này chỉ có nhóm chúng tôi. Chúng tôi đang ở tầng trên, trong căn nhà cổ được xây dựng từ năm 1932, thì ở bên dưới, nhân viên đã bắt đầu đóng cửa. Tôi đùa mọi người rằng chúng ta sắp bị nhốt ở nơi đây, nhưng nghĩ đến một câu chuyện rằng ai đó vô tình bị nhốt lại một mình nơi đây, rồi bên trong mọi thứ sống động lại như Spirited Away hoặc Night At the Museum cũng rất thú vị. Nghĩ thế thôi chứ chúng tôi cũng tham quan nhanh chóng rồi quay trở ra, trước khi cánh cửa cuối cùng của dinh thự khép lại.

Chúng tôi quay trở về homestay. Lúc này trời về chiều tối, bắt đầu lạnh dần. Chúng tôi dừng ở tiệm bách hóa trên đường về để mua rượu vang Đà Lạt. Tôi chọn mua một chai Red Wine Excellence Cabernet & Merlot, cũng là một chai vang Đà Lạt loại ngon.

Về đến homestay, chúng tôi về phòng. Tôi tranh thủ ngủ một lúc trước khi người giao hàng đồ nướng đến. Tầm 6 rưỡi thì bạn đó đến. Tôi xuống bên dưới homestay đón và nhận đồ. Đó lả một nam thanh niên trẻ, xin lỗi tôi vì đến muộn do không biết đường nên bị lạc đường. Tôi bảo không sao, nhận đồ, trả tiền rồi mang lên sân homestay.

Tài đi ra hàng bách hóa mua đồ, bao gồm cồn sáp và bát đĩa giấy; nhưng vì chỉ mua mỗi cồn sáp, quên bát đĩa giấy nên lại phải chạy ra mua lại. Sau khi nhóm lên lửa và bắt đầu nướng, tôi tranh thủ chạy về phòng, tắm táp trước khi ăn. Thời tiết ở Đà Lạt lúc này lạnh cóng, phòng tắm nước lạnh. Chờ sang nước nóng mà chạm vào nước lạnh chắc cóng mất. Mà bình nước nóng ở homestay này cũng hơi khó dùng, phải “giải mã” một hồi mới biết được cơ chế nóng-lạnh của nó.

Chúng tôi đang nướng đồ thì hai người bạn Sài Gòn cũng vừa về đến nơi. Chúng tôi mời hai người bạn “trước lạ sau quen” cùng vào ăn cho vui. Và cả nhóm chúng tôi đã có một buổi tối vui ra trò, với nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chúng tôi ăn đồ nướng, uống rượu vang và bia, nói chuyện về văn hóa Hà Nội-Sài Gòn.

Ba con chó Bông, Sóc và Cọp đều chạy ra xin ăn. Kỳ nhất là con Cọp, cho cái gì cũng ăn. Từ thịt đến rau, bim bim rồi cả ớt chuông, đều ăn cả.

Đến đêm, khi ăn xong, chúng tôi cùng chơi drinking game đến tận 2h sáng. Đây là một “bữa tiệc” đặc biệt, khi vô tình gặp hai người bạn vốn xa lạ, không quen biết nhưng rồi lại trở nên thân thiết, ngồi ăn và chơi, nói chuyện với nhau từ chập tối tới tận đêm khuya. Đây cũng là một trong những điều tôi thích nhất ở mỗi chuyến đi: Gặp những người bạn bất ngờ và cứ mở lòng với những mối quan hệ ngẫu nhiên ấy. Ở Hàn Quốc là hai người phụ nữ ở hiệu sách tư vấn cho tôi mua sách, cô gái cứu tôi ở tàu điện ngầm; ở Huế là chú lái xe nhiệt tình làm hướng dẫn viên và đi nhậu với những người bạn tại đây; ở Đà Nẵng là cô bán bánh mì thân thiện; ở Tam Đảo là chị chủ quán ăn bảo vệ chúng tôi khi quán đối diện “giở trò”; ở Sa Pa là hai người anh chủ quán pub rất cởi mở; còn giờ là hai người bạn ngẫu nhiên gặp gỡ đến từ Sài Gòn. Sau này, khi về Hà Nội, chúng tôi mới thấy tiếc nuối vì đã không có bức ảnh chụp chung nào. Dẫu sao, điều đó cũng thể hiện phần nào việc chúng tôi đã hoàn toàn tập trung vào thế giới thực đang diễn ra mà quên bẵng đi thế giới ảo của smart phone và mạng xã hội.

Nửa đêm, Đà Lạt đổ một cơn mưa, chúng tôi ngồi dưới hiên nhà, nhìn ra cơn mưa, đều thấy thật là “chill”.

Tiệc tàn, chúng tôi ai về nhà nấy. Đây cũng là bữa ăn chia tay 2 người bạn Sài Gòn vì đêm nay, họ sẽ rời khỏi đây và trở về nhà. Chúng tôi thì vẫn ở lại và vẫn còn 2 ngày nữa để ghi dấu chân mình lại mảnh đất Đà Lạt này.

(To be continued)

Xem thêm:

2 comments

Bình luận về bài viết này