Nếu như Bangkok, Phuket, Pattaya đã trở thành những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Lan thì trong những năm gần đây, Chiang Mai đang dần trở thành một địa điểm du lịch mới hấp dẫn dành cho giới trẻ và du khách nước ngoài, đặc biệt là khách Tây. Mình vừa có chuyến đi Chiang Mai 4 ngày 3 đêm, trong một thời gian ngắn đó, mình chưa thể khám phá hết những địa điểm du lịch, văn hóa, lịch sử và ẩm thực nơi này, nhưng ở bài viết này, mình sẽ review tổng quan dựa trên kinh nghiệm của mình trong chuyến đi vừa qua nhé.

Đầu tiên, mình xin dành lời cảm ơn cho chị Trang Nguyên – người trưởng đoàn đã set-up chuyến đi cho toàn bộ team tụi mình. Team tụi mình là lớp thạc sĩ mới hoàn thành bảo vệ luận văn của khóa học thạc sĩ International Trade – Côte d’Azul Université trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế với trường Đại học Thăng Long. Cả team có 9 người, và đây là chuyến đi đầu tiên tụi mình đi với nhau.
Chuẩn bị
Hãy chuẩn bị những thứ sau:
- Hộ chiếu: thái Lan là quốc gia free visa nên không phải xin visa nhưng hãy mang đầy đủ hộ chiếu nhé.
- Đổi tiền: Địa điểm đổi tiền phổ biến là ở Hà Trung nhưng mình đổi qua 1 người bạn mới đi Thái từ hè, vẫn còn dư tiền baht. Đổi ở Hà Trung tỉ giá là 1 baht = 720 VNĐ còn mình đổi qua bạn thì lấy theo tỉ giá ngân hàng niêm yết là 1 baht = 700 VNĐ. Mình đổi 5000 baht = 3.500.000 VNĐ.
- Sim: Có thể đến sân bay mua sim du lịch cũng được nhưng mình mua trước. Mình mua trên Shopee, sim có 15Gb truy cập 5G + 100 phút gọi nội mạng của nhà mạng True Move, giá là 109.000 VNĐ. Mua về và hôm đến Thái lắp vào, chuyển vùng là xong kích hoạt. Sim dùng được trong 15 ngày kể từ lúc kích hoạt. Shop là WeFlyVN nhé.
Di chuyển

Di chuyển tới Chiang Mai không mấy khó khăn vì có tuyến bay thẳng Hà Nội – Chiang Mai. Tuyến bay này đưa tụi mình đến Sân bay Quốc tế Chiang Mai chỉ trong vòng 1,5 giờ; thậm chí quãng đường bay và thời gian bay còn ngắn hơn bay Hà Nội – Đà Nẵng. Chi phí khứ hồi rơi vào khoảng 3,5 triệu VNĐ/người với chuyến bay của Asian Air – một hãng hàng không Thái Lan.
Từ sân bay về trung tâm Chiang Mai mất khoảng 14 km. Đây là một khoảng cách không quá xa. Toàn bộ chuyến đi, tụi mình thuê xe 12 chỗ với anh tài xế thân thiện Che Che. Nếu không thuê xe có thể bắt xe taxi từ sân bay về trung tâm.
Di chuyển quanh trung tâm Chiang Mai không khó vì có nhiều xe “red bus” – gọi thế vì thường có màu đỏ, còn có cả màu vàng, xanh nữa. Cùng với xe Tuk Tuk, “red bus” là xe rất độc, lạ, đặc trưng ở đây. Tuk Tuk thì rẻ hơn nhưng chỉ di chuyển nội thành còn “red bus” có thể đưa bạn di chuyển xa hơn, ra ngoại thành.

Vì team mình thuê xe trọn gói nên dễ dàng di chuyển đến những nơi xa như Chiang Rai. “Red bus” chắc không di chuyển đến đây được vì cách tận 240km. Vậy nên nếu bạn muốn di chuyển đến Chiang Rai để tham quan Chùa Trắng, Chùa Xanh, Nhà Đen, hãy tìm kiếm phương án di chuyển phù hợp nhé.

Tổng quan Chiang Mai

Một cách tổng quan, Chiang Mai là cố đô của một vương quốc Thái cổ tên là Lanna. Quốc gia này đã bị diệt vong khi bị vương quốc Ayutthaya (tiền thân của Thái Lan hiện nay) thôn tính. Thành phố Chiang Mai được xây dựng xung quanh thành cổ Tha Phae. Di tích thành cổ vẫn còn rất nhiều tại Chiang Mai, tiêu biểu là còn lại các cổng thành và những bức tường thành. Dù đứt đoạn, tường thành quây thành 1 hình chữ nhật và đó là khu vực “phố cổ” vừa cổ kính, vừa sầm uất.

Khu vực bên ngoài tường thành là những khu phố mới dành cho khách du lịch, đông đúc nhất là chợ đêm, phố Tây và các khu giải trí là tổ hợp pub, club, cửa hàng bán đồ, tiệm massage… Điều đặc biệt nhất ở Chiang Mai với mình là các tiệm “sà cân” ở khắp nơi. Có thể mua được “sà cân” ở máy bán hàng tự động; có các pub/quán cafe cho phép khách sử dụng “sà cân”; biển quảng cáo “sà cân” được cắm giữa đường và mùi “sà cân” phảng phất khắp các con ngõ như mùi bánh mì ở Việt Nam vậy.


Đi đâu tại Chiang Mai
Như mình đã nói ở trên, thời gian không cho phép tụi mình đi hết những địa điểm tham quan, vui chơi ở trong thành phố và cả ở ngoại ô. Nhờ chị Trang Nguyên, team mình đã có thể đi tới những địa điểm rất xa, thậm chí cách trung tâm Chiang Mai đến 240km. Cụ thể, mình sẽ review một số địa điểm dưới đây:
Cổng và tường thành Tha Phae
- Chi phí: Free
- Địa điểm: Trung tâm Chiang Mai
- Đánh giá: 3.5/5

Cổng và tường thành Tha Phae là di tích còn lại của vương quốc cổ Lanna. Nhìn chung, lối kiến trúc này khá giống với kiến trúc Khmer-Champa. Di tích không còn nguyên vẹn nhưng vẫn có những cổng và góc tường thành còn lại, đủ để cho chúng ta thấy một ngôi thành hình vuông. Đi bộ, chạy bộ quanh tường thành khá thích vì có vỉa hè rộng rãi cùng với hệ thống kênh nước điều hòa mát mẻ. Đây đều là địa điểm công cộng, không mất phí nhưng nếu muốn chụp ảnh với chim bồ câu bay lên (có người cho chim ăn và đuổi cho chim bay lên) thì sẽ mất phí.
Bên trong thành cũng còn nhiều di tích như Wat Chiang Mai, Wat Chedi Luang, Wat Phra Singh, Chiang Mai Historical Centre, Three Kings Monument… Mình đều chưa đến những địa điểm này mà chỉ chạy bộ ngang qua. Hơi tiếc vì mình chưa vào Chiang Mai Historical Centre bởi mình luôn thích đi các bảo tàng khi tới một nơi nào đó.
Đỉnh cao nhất Thái Lan ở Doi Inthanon
- Chi phí: 300 baht (210.000 VNĐ) (Vé vào Vườn Quốc Gia Doi Inthanon)
- Địa điểm: Doi Inthanon (Cách trung tâm Chiang Mai khoảng 140km)
- Đánh giá: 2/5

Được coi như là Fansipan của Thái Lan nhưng xe ô tô sẽ lên gần như đến tận đỉnh núi Doi Inthanon. Doi Inthanon là tên ngọn núi cao nhất Thái Lan; đỉnh núi cao nhất này nằm trong quần thể Vườn quốc Gia Doi Inthanon. Từ chỗ đỗ xe, đi bộ tầm 100 bậc cầu thang là lên đỉnh cao nhất. Trên đỉnh cao nhất cũng bị cây cối phủ xanh, chìm trong sương mù nên cũng không thể ngắm được cảnh gì. Khi lên đến đỉnh cao nhất đó, tụi mình đều bị bất ngờ, tưởng là 1 trạm dừng chân, không biết nên đi đâu tiếp nữa.
Đường mòn Ang Kha
- Chi phí: Nằm trong vé vào Vườn Quốc Gia Doi Inthanon
- Địa điểm: Doi Inthanon (Cách trung tâm Chiang Mai khoảng 140km)
- Đánh giá: 3/5

Đường mòn Ang Kha là 1 con đường đi thành vòng tròn tại Vườn Quốc Gia Doi Inthanon. Có lẽ khi xưa đây là 1 con đường mòn của người bản xứ nhưng giờ họ đã xây dựng cầu gỗ, bậc thang cho du khách đi lại tham quan. Điểm đặc biệt là đường mòn này dẫn qua rừng sương mù, khu rừng này toàn các cây rậm rạp với rêu phong, dương xỉ bám đầy thân cây. Khu rừng kiểu này rất khác lạ và hoàn toàn không có ở Việt Nam.


Khu rừng trông u ám, ma mị, cổ phong như trong những bộ phim kinh dị hoặc truyện cổ tích.




Chùa Đôi Hoàng Gia (Royal Twin Pagoda)
- Chi phí: 100 baht (70.000 VNĐ)
- Địa điểm: Doi Inthanon (Cách trung tâm Chiang Mai khoảng 140km)
- Đánh giá: 4.5/5

Royal Twin Pagoda (mình không biết tên tiếng Thái gọi là gì) là 2 ngôi chùa được xây dựng để kỷ niệm 60 tuổi của vua và hoàng hậu Thái Lan. Địa điểm này bao gồm 2 ngôi chùa lớn, một cho vua (có màu vàng) và một cho hoàng hậu (có màu tím). Xung quanh là vườn hoa và đài quan sát ngắm cảnh, trông đẹp như vườn hoa Châu Âu.

Điểm đặc sắc là bên trong và xung quanh 2 ngôi chùa là những bức phù điêu khắc hình trang trí theo Phật giáo và các điển tích trong tín ngưỡng của người Thái Lan.



Thác Wachirathan
- Chi phí: Nằm trong vé vào Vườn Quốc Gia Doi Inthanon
- Địa điểm: Doi Inthanon (Cách trung tâm Chiang Mai khoảng 140km)
- Đánh giá: 2/5


Đây đơn giản là 1 thác nước, du khách có cả học sinh. Cảm giác giống giống kiểu Khoang Xanh Suối Tiên, Ao Vua, Côn Sơn Kiếp Bạc; nhưng nhỏ hơn.
Chùa Vàng (Phrathat Doi Suthep)
- Chi phí: 30 baht (21.000 VNĐ)
- Địa điểm: Doi Suthep (Cách trung tâm Chiang Mai khoảng 18 km)
- Đánh giá: 4.5/5

“Đường đến với “Tây Trúc” chưa bao giờ là dễ dàng” – Tôn Ngộ Không. Nói đùa vậy thôi chứ mình chỉ muốn nói rằng đường đến Chùa Vàng – Doi Suthep là vô cùng… say xe. Lúc bắt đầu khởi hành, anh lái xe bản địa Che Che có dùng tay ra dấu hand sign uốn lượn sóng vòng và vòng vèo để cho chúng tôi biết tuyến đường sắp đi sẽ như nào. Thực ra, đèo ở đây dễ đi hơn Tây Bắc rất rất nhiều; độ cao lẫn độ cong đều không bằng Tam Đảo, Sapa chứ chưa nói tới các đèo khác ở Tây Bắc, nhưng mà nó vòng nhiều quá. Uốn lượn bên trái bên phải liên tục cứ như chơi tàu lượn vậy. Chỉ có 18km nhưng đi say hơn cả 200km. Lên đến Chùa Vàng, mình cũng phải hơi nôn nao (trước đó đã đi 280km Doi Inthanon vào buổi sáng). Mình là người ít say xe, đi Sapa thoải mái không hề say xe ít nào vậy mà giờ cũng phải nôn nao.

Chùa Vàng chỉ là tên mà du khách gọi do ngôi chùa này dát vàng thôi (mà nếu gọi thế thì nhiều chùa Vàng lắm) chứ tên thật của ngôi chùa này là Phrathat. Đây là một ngôi chùa lâu đời, có lịch sử 600 năm và cũng là ngôi chùa linh thiêng nhất vương quốc cổ Lanna. Ngôi chùa này được một gia tộc giàu có người Malaysia tài trợ xây dựng.
Ở bến dưới có khu chợ bán nhiều đồ lưu niệm cũng như các loại tượng Phật, tượng voi, tượng thần thánh, mặt nạ… mang đậm chất tâm linh mà cũng có gì đó rờn rợn…




Để lên chùa, người hành hương và du khách phải leo hơn 300 bậc thang.

Ngôi chùa bao gồm một cụm công trình nhưng chùa chính là một tổng thể chùa dát vàng, nạm ngọc.

Sau này, khi mình hỏi một sư thầy người Việt, đi cùng chuyến bay với tụi mình thì thầy bảo văn hóa bên này dát vàng, ngọc lên Chùa là hàm ý những người giàu có không màng đến vàng bạc, vật chất, vinh hoa phú quý mà quyên góp hết cho Nhà Chùa.


Du khách hay người hành hương đến đây có thể đi 3 vòng vòng quanh chính điện để cầu may. Ở trên Chùa, các sư thầy (ăn vận theo phái Nam tông) cũng làm lễ chúc phúc cho du khách. Du khách cũng có thể bốc quẻ tại đây.

Nằm trong tổ hợp Chùa Vàng có một đài quan sát, từ đây có thể nhìn xuống thành phố Chiang Mai rất đẹp. Đây là nơi du khách tập trung đông đúc để ngắm cảnh, chụp ảnh, đặc biệt là khi hoàng hôn buông xuống. Tại đây, mình cũng gặp và giao lưu với những người bạn đến từ Hà Lan, Thụy Điển (sẽ kể chi tiết trong bài “Du ký Chiang Mai” sau nha)



Chùa Trắng (White Temple/Wat Rong Khun) – Chiang Rai
- Chi phí: 100 baht (70.000 VNĐ)
- Địa điểm: Chiang Rai (Cách trung tâm Chiang Mai khoảng 240 km)
- Đánh giá: 4.5/5

Chùa Trắng có thể coi là địa điểm hot nhất trên mạng xã hội về Chiang Mai. Dạo quanh các trang review Chiang Mai hay lên Youtube tìm kiếm Vlog du lịch thì đều thầy Chùa Trắng nổi bật nhất. Chùa Trắng cũng chỉ là cái tên do du khách đặt cho, còn tên chính xác là Wat Rong Khun, là chùa Rong Khun.

Ngôi chùa này được xây dựng bởi kiến trúc sư Chalermchai từ năm 1997. Đây là một ngôi chùa rất mới và theo mình thì mang tính nghệ thuật nhiều hơn là truyền thống, tín ngưỡng. Có người thì nói đây là ngôi chùa thương mại, nhưng mình thì thấy các ngôi chùa ở đây đều mở cửa đón khách du lịch, vậy không thể nói ngôi chùa này là thương mại bởi nó mới mẻ hơn và được xây dựng bởi một kiến trúc sư thay vì một nhà sư được. Theo mình thì đây là ngôi chùa mang tính nghệ thuật cao, với thạch cao trắng kết hợp với thủy tinh (gương) để tạo điểm nhấn, họa tiết. Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, nổi bật mà không bị màu mè. Mỗi một chi tiết đều được thiết kế tinh tế và cầu kỳ.

Một điểm mình thích ở tổ hợp Chùa Trắng là ngay trước cây cầu bắc vào chùa, hai bên là tác phẩm điêu khắc với vô số những bàn tay. Đó là những bàn tay chới với như đang chìm xuống bùn lầy, có bàn tay còn cầm theo cái đầu lâu.

Xung quanh còn có những hình ảnh khác như đầu lâu, xương cốt, rắn một mắt… Tổng thể khu vực này tạo ra một cảnh tượng hỗn loạn, kinh dị, khổ ai tựa như địa ngục, như thể muốn nói để đến với thế giới tịnh tâm của Phật giới thì con người phải đi qua cây cầu bắc qua địa ngục.



Bên trong Chùa lại đại sảnh đường, không được quay phim, chụp ảnh. Bên trong này, có một vị thiền sư đang ngồi thiền, mặc cho khách du lịch đi qua đi lại, ồn ã, bàn tán về ngài, ngài vẫn ngồi thiền tĩnh lặng như một bức tượng.

Chùa Xanh (Blue Temple/Wat Rong Seur Ten) – Chiang Rai
- Chi phí: Miễn phí
- Địa điểm: Chiang Rai (Cách trung tâm Chiang Mai khoảng 240 km)
- Đánh giá: 3/5

Chùa Xanh cũng là một địa điểm nổi tiếng khác, song song với Chùa Trắng, có tên là Wat Rong Seur Ten. Nhưng khác với Chùa Trắng là một ngôi chùa mới được xây lên phục vụ du khách, Chùa Xanh là ngôi chùa có truyền thống lâu đời và cũng được coi là một ngôi chùa linh thiêng. Bên ngoài, Chùa Xanh được sơn toàn bộ màu xanh nước biển ấn tượng, với hình điêu khắc, trang trí chủ đạo là Rắn Naga, voi và một số vị thần trong tín ngưỡng Ấn Độ-Thái Lan.



Bên trong Chùa là đại sảnh đường rộng lớn, có vẽ trần, trông tựa như nhà thờ. Chính giữa đại sảnh đường là bức tượng Phật lớn. Vào đây thì du khách được chụp ảnh nhưng phải quỳ/ngồi xuống khi chụp.


Nhà Đen (Black Museum/Baan Dum) – Chiang Rai
- Chi phí: 80 baht (56.000 VNĐ)
- Địa điểm: Chiang Rai (Cách trung tâm Chiang Mai khoảng 240 km)
- Đánh giá: 4/5

Nhà Đen, hay đúng hơn là Bảo tàng Đen, có tên nguyên bản là Baan Dum, là một bảo tàng được thành lập từ năm 1939. Bảo tàng này có màu đen làm chủ đạo, với những cụm công trình lấy cảm hứng từ những ngôi nhà của người Thái cổ, tương tự nhà rông ở Tây Nguyên. Bên trong bảo tàng trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, cổ vật… về tín ngưỡng và thế giới tâm linh huyền bí, đen tối của người Thái cổ. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều món đồ có phần ghê rợn như dương vật gắn lưỡi cưa, dụng cụ tra tấn, da cá sấu, da rắn, đầu trâu…



hay những công trình kỳ dị dựa trên tín ngưỡng cổ xưa như nhà khóc, nhà có người treo cổ…



Mặc dù kinh dị là thế nhưng bảo tàng này khi đi vào ban ngày thì không quá đáng sợ, bởi đông du khách. Có chăng cũng chỉ thấy nó hơi creepy đôi chút thôi.


Ăn gì tại Chiang Mai
Thái Lan được coi là “thiên đường ẩm thực” bởi sự đa dạng của ẩm thực đường phố, mà giá cả lại phải chăng. Nhưng thực ra, mình vẫn thích ẩm thực Việt Nam hơn. Ẩm thực đường phố Việt Nam cũng rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên, ở bài viết này mình sẽ review những đồ ăn mình đã ăn ở Thái Lan.
Mình thì không phải một người sành ẩm thực hay thích ăn. Mình không thích food tour, cảm thấy food tour là phí thời gian, và mỗi khi đi du lịch mình cũng không thích ăn nhiều, vì ăn nhiều nặng bụng, lại buồn ngủ, khó mà đi chơi nhiều được. Vậy nên các bữa ăn, mình đều chỉ ăn vừa đủ và thử vừa đủ những món ăn hoặc là đặc trưng (typical) hoặc là lạ lạ một chút.\
Chợ đêm Chiang Mai (Night Bazaar)

Khu chợ đêm Chiang Mai này mở cửa hàng ngày, có nhiều tiệm bán đồ ăn. Đồ ăn ở đây có mức giá bình dân nhưng rất đa dạng. Chúng mình mua đồ ăn rồi mang ra khu bàn chung ngồi ăn (tương tự trong Aeon Mall), ăn xong sẽ tự dọn sạch bàn.

Mặt bằng chung, mình thấy ăn uống ở Thái Lan này khá là… thiếu giấy ăn. Ở VN thì giấy ăn ở hàng quán rất nhiều nhưng ở đây họ cho mỗi người 1 tờ, xin thêm cũng lại đưa từng tờ nhỏ và mỏng. Có lẽ đây là hành động phục vụ bảo vệ môi trường chăng? Nhưng đi ăn uống, mà lại toàn đồ nước, dầu mỡ, rây rớt như này mà thiếu giấy ăn thì cũng hơi khó chịu. Nếu đi ăn đường phố ở Thái, bạn hãy tự chuẩn bị giấy ăn mang theo để dùng cho thoải mái nhé.
- Pad Thái: Đây là món mì xào trộn truyền thống của Thái, có cả trứng, ăn khá ngon. Mình không biết giá vì chị Nguyên trưởng đoàn chi trả bữa này rồi cuối chuyến đi mới chia sau.
- Cà-ri Thái: Có lẽ là món ăn lấy cảm hứng từ cà-ri Ấn Độ hoặc cà-ri Singapore. Nước dùng thì đúng vị cà ri (mà mình thấy khá giống vị phở ăn liền Vifon – mình rất ghét vị này khi ăn với phở, nó phá hỏng vị phở truyền thống). Về giá thì tương tự bên trên.

- Xiên que: xúc xích, thịt nướng… Đồng giá 20 baht/xiên (14.000 VNĐ)


- Hải sản: tôm sú, ốc hương, cá nướng, mực ống… Mình không nhớ là hết bao nhiêu bởi trưởng đoàn tính tiền rồi chia ra sau. Hải sản ở đây ăn với ớt xanh khá hợp, dù rằng ớt này khá cay và mình không thích vị cay.

- Nước hoa quả: Có rất nhiều loại nước ép hoa quả đóng chai: vị xoài, vị kiwi, vị nho, vị dâu, vị dừa…

- Bia: Ở đây có bia Chang, giá mua ở chợ đêm là 40 baht/chai nhỏ (28.000 VNĐ)
Ở gần chợ đêm (không nằm trong chợ) cũng có khu gian trại ẩm thực. Tại đây có bán nhiều món ăn khác mà tụi mình đã tấp vô tiệm bán mấy con nhỏ nhỏ như bọ cạp, dế, nhộng… Mặc dù giá khá chát: 100 baht/con bọ cạp nhưng tụi mình đã mặc cả còn 240 baht/3 con và mình, chị Nguyệt, anh Hoàng đã ăn thử 3 con bọ cạp. Bọ cạp nhìn chung vỏ cứng, ăn vào phải nhằn vỏ ra, bên trong phòi ra chất dính dính, sệt sệt có lẽ là thịt bọ cạp.


Ngoài ra, trên đường còn nhiều món ẩm thực đường phố (street food) như bánh mì, xôi, xiên…

Gần 12 giờ đêm, trong lúc lang thang trên đường, ba anh em: mình, Đạt, anh Hoàng cũng mua “xiên bẩn” ăn thử. Xiên này là xiên chất lượng hơn “xiên bẩn” nhỏ nhỏ ở nhà mình, có thịt xiên, xúc xích, phô mai, lòng rán, tim gà, thanh cua, cá viên chiên… Ăn cũng khá ổn dù không còn được tươi do lúc ấy đã nửa đêm rồi. Mức giá là 10 baht/xiên (7.000 VNĐ)



Ăn trưa tại Royal Twin Pagoda
Ngay tại Royal Twin Pagoda có một tiệm cơm bán theo suất gọi món. Gọi càng nhiều món thì càng nhiều tiền. Các món ở đây nhìn chung ăn khá ngon. Suất mình gọi gồm có trứng ốp la, thịt băm xào nấm, mì xào trứng và súp lơ xào. Cơm ở bên này không có canh ăn kèm. Vị chi trung bình khoảng 67 baht/người (47.000 VNĐ)

Ăn tối tại Benjarong Khantoke
Tụi mình ăn tối tại Benjarong Khantoke. Đây là một nhà hàng nằm trên nhà sàn, ăn kiểu quý tộc: vừa ăn vừa xem vũ công và các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Khi mới đến còn có cả vũ công múa hát chào đón, tip thì là tùy tâm. Quán ăn này thu hút khá nhiều khách du lịch, trong đó có khoảng 4-5 đoàn Việt Nam, 1-2 đoàn Hàn Quốc và 1 số đoàn khách Tây. Đồ ăn thì có thịt gà quay, bì lợn quay, xôi, rau, thịt kho… Liệu có phải ngày xưa quý tộc Thái cũng ăn các món này?




Chi phí: 390 baht/người (273.000 VNĐ) (chưa có tip cho vũ công)
Ăn trưa ở Chavit Thamada
Chavit Thamada là 1 nhà hàng kết hợp với quán cafe kiểu biệt thự sân vườn hiện đại, nằm ở Chieng Rai, có thể đi bộ từ Chùa Xanh sang. Đây là 1 nhà hàng rất hiện đại, mà gợi nhớ phong cách cổ điển của Châu Âu-Địa Trung Hải, với biệt thự cổ, ống khói, các món đồ cổ… Vì nhóm chúng mình đông (9 người) nên được sắp xếp một phòng riêng, có điều hòa, cảm giác rất VIP.


Đồ ăn ở đây rất đa dạng, từ đồ ăn Tây tới đồ ăn Thái, có cả đồ ăn Việt (bún chả, cuốn) trong này nữa. Giá cả các món ăn rất phải chăng. Mình gọi món cơm cà-ri bò miền Bắc Thái Lan không cay, có rất nhiều bò hầm, lại còn thêm 2 miếng lạp xưởng tẩm bột rán, ăn với cơm gạo lứt và salad, mà giá chỉ có 250 baht (175.000 VNĐ). Cảm giác món này, với chất lượng món ăn và nhà hàng như này mà ăn ở Việt Nam cũng phải 250.000-300.000 VNĐ/suất.

Cả nhóm mình gọi các món: cơm cà ri bò Bắc Thái, fish & chips, 2 suất cơm dừa, 2 suất cơm rang trộn thập cẩm, 2 suất mì tôm (có tôm), 1 suất spaghetti cá hồi. Trong đó suất spaghetti cá hồi là đắt nhất, có mức giá 700 baht (490.000 VNĐ), nhưng nhìn số cá hồi ở bát mì thì thấy giá đó cũng đúng thôi.


Chợ đêm Chủ Nhật Chiang Mai
Khác với Night Bazaar, Chợ đêm Chủ Nhật Chiang Mai chỉ mở vào Chủ Nhật. Đây là 1 con đường nằm ngay trong khu thành cổ. Vào Chủ Nhật, họ tạo thành một tuyến phố đi bộ, bán hàng đông đúc, tấp nập. Có nhiều khu vực ẩm thực ở đây, bạn có thể tìm thấy các món ăn Thái Lan lẫn quốc tế. Mình thấy có cả hai bố con đến từ Istanbul bán bánh mì ở đây nữa, có lẽ đây là bản gốc của “bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ” huyền thoại trên đường phố Việt Nam chăng?
Tại khu chợ đêm này, tụi mình cũng gọi đồ ở nhiều quầy rồi ra bàn ngồi ăn chung. Khu vực này nằm ngay cạnh hoàng cung, vừa ăn vừa ngắm mái nhà hoàng cung luôn.

Tụi mình đã gọi một số món sau:
- Ghẹ hấp
- Nước dừa
- Xôi xoài
- Bánh mì của 2 bố con người Thổ Nhĩ Kỳ (làm theo kiểu taco)
- Takoyaki


Mình cũng không rõ giá bao nhiêu vì được “Shark” Nguyệt bao, sau khi tìm được ví (chi tiết về vụ này cũng sẽ kể chi tiết trong “Du ký Thái Lan” sau)
Chơi gì tại Chiang Mai
Tại trung tâm Chiang Mai, bạn có thể tham khảo đi chơi một số địa điểm sau:
Chợ đêm Chiang Mai (Night Bazaar)

Ở chợ đêm Chiang Mai không chỉ có đồ ăn mà còn có bán cả quần áo, nhẫn, đá quý, ngọc, đồ lưu niệm… Xung quanh chợ đêm cũng có nhiều tiệm bán hàng ven vỉa hè và khu trại ẩm thực.


Chợ đêm Chủ Nhật Chiang Mai

Chợ đêm Chủ Nhật thì chỉ bán vào Chủ Nhật thôi. Đây không phải khu chợ cố định như Night Bazaar mà là một tuyến đường, vào chủ nhật thì họ mở thành chợ (tương tự như phố đi bộ Hồ Gươm – Hà Nội vậy). Ở đây có đủ mọi thứ: đồ ăn, quần áo, vàng bạc trang sức, quà lưu niệm, tinh dầu massage, cà phê, nước uống… Còn có cả những người mời gọi massage. Nhìn chung khu chợ đêm này làm mình nhớ đến phố đêm Incheon ở Seoul, nhưng 2 bên không có nhiều nhà cao tầng bằng. Khu chợ này khá rộng và còn có cả các nhánh trong ngách nhỏ nữa. Mình mới chỉ đi được ½ khu chợ này thôi. Tại đây có thể mua quà mang về tặng nhé.



Các quán bar, pub
Các quán bar, pub thì ngập tràn Chiang Mai rồi. Đây không phải club như ở VN mà là các pub uống rượu đúng nghĩa. Cách bài trí, decor cũng rất đa dạng. Đa số khách là khách Tây. Phải nói rằng khách Tây ở Chiang Mai thực sự rất đông. Khách Nhật, Hàn, Việt thưa thớt, lác đác; hoàn toàn không thấy khách Trung Quốc; còn khách Tây thì đông hơn số lượng người Tây ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn cộng lại. Vào các pub này thì rất đa dạng đồ uống. Mình có vào 2 pub:
- Ba Ba Bo Bo Bar: tụi mình vào đây để xem bóng đá. Menu có nhiều loại rượu, bia. Mình gọi: 1 ly Vodka Thái (họ pha với soda, khá nhạt và nhẹ, có thể nhóm mình có nhiều nữ nên họ làm nhẹ vậy chăng?); 1 bia Chang; 1 ly B502. Nói chung đồ uống ở đây có mức giá ok. Không gian theo style Rock, có trò chơi ném phi tiêu và bàn bắn bida. Có 2 màn hình để xem bóng đá. Trước trận đấu, tụi mình chơi trò chơi náo nhiệt cả quán; đến khi vào trận đấu thì chị em về khách sạn nghỉ ngơi trước; 3 anh em ở lại xem đến 1h sáng thì về. Quán này tấp nập khách ra vào, không chỉ xem bóng đá mà còn vào chơi, nói chuyện. Đến gần 1h vẫn có khách mới vào. Hầu hết đều là khách Tây.

- X10 Bar: Quán bar này trông có vẻ khá hiện đại, với phong cách neon futuristic. Quán này có “biểu tượng lá cây”, cho phép khách sử dụng, và có bán luôn. Quán có 2 hay 3 tầng gì đó, mình ngồi ở tầng 2. Đồ uống quán này pha ngon hơn Ba Ba Bo Bo. 3 anh em mình gọi rượu Cocktail Thái đang khuyến mại còn 80 baht (56.000 VNĐ). Đó là ly cocktail rượu, ở dưới có xí muội và cho thêm lát chanh, uống rất nịnh vị.



Cửa hàng “chuyên cần”
Ở Chiang Mai thì có rất rất rất rất nhiều cửa hàng “chuyên cần”. Đây kiểu như là đặc sản (typical) của nơi này luôn. Có những cửa hàng vừa bán, vừa cho khách sử dụng. Có máy bán hàng tự động. Có bán cả trong siêu thị luôn. Có nhiều quán rượu, quán cafe cũng cho khách sử dụng. Nhưng sẽ không được sử dụng ở nơi công cộng đâu nhé. Kiểu chơi bời có văn minh vậy.






Các quán cafe
Cafe ở Chiang Mai không nhiều và phổ biến như ở Việt Nam. Đa số là bar, pub còn quán cafe cũng có nhưng ít hơn, nhìn không thu hút bằng.
- Chavit Thamada: Mình có kể ở trên khi đi ăn, Chavit Thamada là 1 nhà hàng kết hợp quán cafe theo phong cách Châu Âu. Không gian cafe cũng đẹp, mang phong cách Châu Âu cổ điển, biệt thự sân vườn. Trông có cảm giác nhớ đến khu nhà mà cha con Cosette trong Les Miserables từng sống; hoặc là bìa mấy cuốn sách như “Khu vườn bí mật”.



- Cafe Amazon: Đây là quán cafe nằm trên trạm nghỉ trên tuyến đường đi Chiang Mai. Quán bài trí cũng theo kiểu hiện đại, kiểu Coffee House. Mình vào đây mua 1 ly cafe take-away rồi đi luôn chứ không ở lại.

- The Early Owls: Tụi mình đến quán này vào ngày cuối cùng ở Thái Lan. Quán có sân rất rộng, với đồng cỏ xanh mát tựa như công viên hoặc sân golf. Không gian trong nhà khá nhỏ, nhưng ngoài trời vào ngày mát mẻ thì ngồi cũng thích. Khách sẽ tự bê bàn ghế gấp ra sân, kê ra ngồi, sau đó tự cất lại.



Massage
Ở Chiang Mai có nhiều tiệm massage. Có thể lựa chọn massage body hoặc massage chân. Nhóm tụi mình về hơi muộn, gần 23h mới đi tìm tiệm massage nên hầu hết đã đóng cửa. Các tiệm massage ở ngoài mặt phố đều đóng cửa trước 23h nên nếu bạn muốn đi massage hãy chú ý đi sớm nhé. Tụi mình tìm được 1 tiệm massage trong ngõ, với giá 250 baht/giờ (175.000 VNĐ). Tiệm không khang trang như những tiệm mặt đường nhưng vẫn ok. Mình massage strong, được họ “đấm” cho đau cả người, nhưng mà massage xong rất là sảng khoái, nhất là sau 1 ngày đi tận 500km/ngày. Hôm sau vẫn còn dậy sớm, chạy được hẳn 5km luôn.
Trung tâm thương mại Lotus
Ở Thái nổi tiếng các trung tâm thương mại Big C, Lotus và các cửa hàng tiện lợi thì có 7-Eleven. Tụi mình vào Lotus mua ít đồ mang về. Do thời gian có hạn nên cũng chưa đi được nhiều trong Lotus. Nhìn chung, đây là trung tâm thương mại bán nhiều thứ, tương tự như Big C ở Việt Nam nhưng to hơn. Có lẽ quy mô thì lớn hơn Big C Thăng Long và nhỏ hơn Aeon Mall Hà Đông.


Chi phí:
Tổng chi phí chuyến đi của mình hết khoảng 9 triệu. Trong đó:
- Máy bay: 3,5 triệu tiền máy bay Asian Air Hanoi-Chiang Mai khứ hồi
- Khách sạn: 1.624 baht/người/3 đêm = 1.200.000 VNĐ/người/3 đêm = 400.000 VNĐ/người/đêm
- Đổi baht sang Thái ăn tiêu: 5000 baht = 3,5 triệu
- Còn lại là các khoản chi tiêu cho xe cộ di chuyển, vé vào cửa, mau thêm cân máy bay…
Nhìn chung, lúc cuối do thừa baht, mình sợ về VN khó đổi nên tiêu cũng mạnh tay hơn. Nếu tự đi và chắt chiu hơn thì có thể đi được trong mức khoảng 7-8 triệu.
Bên trên là review tổng quan của mình về chuyến đi Chiang Mai, Thái Lan năm 2022. Chi tiết về từng ngày, từng sự kiện xảy ra, việc mình gặp những người bạn mới trong chuyến đi hay xử lý những sự cố gặp phải sẽ có trong bài “Du ký Thái Lan 2022”. Hãy cùng chờ đón nhé!

Xem thêm: Du ký Chiang Mai – Thái Lan (Phần 1: Chợ đêm Chiang Mai)