Xem thêm:
Khác với những lăng tẩm khác, lăng Tự Đức, còn gọi là Kiêm cung, ít khách tham quan hơn hẳn. Không hiểu vì lúc này đã về chiều, hay vì danh tiếng của vị vua này không được yêu mến như các vị vua kia hay chăng, mà lăng của ông vắng khách hơn. Nhưng phải nói, bầu không khí ở lăng Tự Đức rất yên bình, không bị ồn ào, náo động. Có cảm tưởng không khí ở đây yên bình giống như đang ở chùa vậy.

Lăng Tự Đức cũng bao gồm nhiều công trình có mái ngói hoàng lưu ly, nhưng nhiều cây cối hơn và kết hợp với hồ nước tạo thành cảnh phong thủy hữu tình.

Khi Tự Đức lên làm vua, lúc bấy giờ, nước Đại Nam triều nhà Nguyễn bắt đầu có dấu hiệu suy tàn. Do sự mở rộng và gia tăng chiến phí đàn áp khởi nghĩa dưới thời Minh Mạng, đến thời Tự Đức thì quốc khố dần cạn kiệt. Quan lại thì u mê trong Nho giáo, nhiều vị quan xuất ngoại về xin cải tổ đất nước, điển hình là Nguyễn Trường Tộ, đều bị các quan thời Tự Đức ngăn cản. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất nước vào tay Pháp. Và việc gì đến cũng phải đến, khi mà ngân khố cạn kiệt không đủ để trang bị khí giới hiện đại, quan lại hủ nho không chịu đổi mới, giao thương bế quan tỏa cảng, cấm đạo công giáo… thì nước Việt dưới thời Tự Đức đã thất thủ trước một nước Pháp hùng mạnh.
Sau khi bị mất Gia Định (TP. Hồ Chí Minh hiện nay) vào tay Pháp, vua Tự Đức bèn ký hòa ước, nhường ba tỉnh miền đông Nam Kỳ cho Pháp. Sau đó, Pháp dần lấn lướt và nuốt trọn toàn bộ Nam Kỳ. Triều đình Huế phải sợ Pháp. Khi Pháp tấn công thành Hà Nội, triều đình Huế hoàn toàn không có động tĩnh gì cứu giúp những vị tướng, lính và dân ở nơi đây. Bị áp đảo trước trang bị hiện đại của phương Tây, tướng Nguyễn Tri Phương thất thủ. Ông đã nhịn ăn đến chết.
Tự Đức thực ra không phải một vị vua độc ác, hay bất tài, mà ngược lại, ông là một vị vua có hiếu, tôn sư trọng đạo, yêu thích nghệ thuật và thơ ca. Tuy nhiên, phải nói rằng Tự Đức đã làm vua nhầm thời hoặc có lẽ, Tự Đức không hợp để làm vua. Vào thời kỳ mà đất nước loạn lạc, bị thù trong giặc ngoài nhòm ngó, thì chúng ta cần một vị vua mạnh mẽ, đột phá, anh hùng thay vì một nhà thơ, nhà văn yêu chuộng hòa bình. Nhưng nếu không phải Tự Đức thì liệu có vị vua nào có thể chống lại Pháp hay không? E rằng điều này là rất khó xảy ra, bởi sự chênh lệch sức mạnh của phương Tây với phương Đông. Những cường quốc thực dân như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan… lúc bấy giờ đã chinh phục khắp thế giới. Những đế chế to lớn, hùng mạnh như Đại Thanh – Trung Hoa, Ấn Độ, hay các nước Đông Nam Á khác như Miến Điện (Myanmar), Philippines, Indonesia… cũng đều phải thất thủ trước phương Tây. Vậy nên việc thất bại trước Pháp là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu các vua triều Nguyễn cởi mở hơn, khôn khéo hơn thì biết đâu lại có thể giữ được hòa bình, độc lập như Thái Lan, hoặc cải cách, Tây hóa để phát triển như Nhật Bản? Dù sao thì lịch sử cũng đã xảy ra, và chúng ta không thể nào thay đổi được lịch sử, cũng như không thể biết được liệu rằng thay đổi lịch sử có thể dẫn đến kết quả tốt đẹp hơn hay không. Hiệu ứng cánh bướm một khi xảy ra thì có thể dẫn đến vô số kết quả, từ tốt đẹp nhất đến tồi tệ nhất.
Dù là một vị vua có đạo, có hiếu nhưng Tự Đức vô cùng đáng thương vì không có con nối dõi. Những vua triều Nguyễn đều được con cái cử hành tang lễ và viết lên bia mộ, Tự Đức thì không. Có lẽ cũng vì vậy mà ở Khiêm Lăng có chút đìu hiu, không đông đúc, nhộn nhịp như các lăng khác. Điều này càng làm tôi cảm thấy thương Tự Đức – một vị vua đã sinh nhầm thời, chịu mọi tội lỗi về mất nước, lại còn không có con nối dõi, thờ tự.

Tại đây, tôi đã mua cuốn sách “Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn”. Dù có lúc thăng, lúc trầm, công có, tội có nhưng không thể phủ nhận nhà Nguyễn là triều đại quân chủ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, và đến giờ vẫn để lại nhiều di sản nhất trong các thời kỳ, lưu giữ lại những công trình kiến trúc, trang phục, đồ dùng, văn hóa về thời kỳ quân chủ phong kiến trong lịch sử nước nhà.

Ở Khiêm Lăng cũng có một đài quan sát xây trên hồ, tên là Xung Khiêm Tạ. Đây là nơi vua Tự Đức sinh thời thường đến để đọc sách, ngắm hoa, làm thơ. Nếu tôi không nhầm thì đây chính là một bối cảnh trong bộ phim Indochina (Đông Dương) do Pháp sản xuất, quay tại Việt Nam. Indochina cũng chính là bộ phim đã khiến tôi cảm thấy Huế thật đẹp và muốn đến Huế vì thế.

Rời khỏi lăng Tự Đức, đoàn chúng tôi về lại bến thuyền sông Hương, lên thuyền để xuôi dòng về lại trung tâm thành phố. Ban đầu, tôi tưởng sẽ được đi thuyền từ lăng Tự Đức về, đi qua những khu vực núi non trùng điệp nhưng hóa ra không phải, chỉ đi một đoạn từ bến thuyền đoạn chùa Thiên Mụ về đến bến thuyền ở trung tâm thôi.

Dẫu vậy, đi thuyền trên sông Hương vào lúc xế chiều, khi mặt trời đang lưng chừng, chuẩn bị xuống núi cũng có thể cảm nhận được sự thơ mộng của dòng sông này, giống như trong các tác phẩm thi ca vẫn thể hiện. Sông Hương không rộng lớn, sâu và kỳ vĩ như sông Đà, sông Hồng; không hiện đại như sông Sài Gòn, sông Hàn nhưng nước chảy chậm, êm đềm tạo nên nhịp sống chậm rãi và thơ mộng cho mảnh đất Huế thân thương.

Hoàng hôn hôm nay trời không đỏ, hồng mà chỉ vàng và khi tối thì hơi xanh, khiến cho tôi không cảm nhận được màu tím Huế. Bởi vậy, trong cảm nhận của tôi, Huế là màu vàng. Màu vàng của hoàng tộc nhà Nguyễn, của những mái ngói hoàng lưu ly, của cái nắng chói chang miền Trung và cả của hoàng hôn nữa. Với người khác, Huế là màu tím, còn với tôi, nhắc đến Huế thì đó là màu vàng.

Con thuyền của chúng tôi đi chui qua cầu Trường Tiền rồi mới về đến bến thuyền Tòa Khâm. Khi lên bờ, tôi thấy một gánh cơm hến bán rong nên ngồi ăn. Cô bán hàng kể rằng ở đây không được bán hàng rong, cô phải vừa chạy công an từ góc bên kia chạy sang. Tôi vừa ngồi ăn cơm hến, vừa nhớ lại cái hồi sinh viên, ăn bánh mì ở hồ Quan Hệ gần Học viện Ngoại giao, vừa ăn vừa uống trà đá, mà công an đến thì phải đứng dậy, người ta thu hết ghế, công an đi rồi mới lại ngồi xuống ăn tiếp. Việc cấm bán hàng rong là tốt, công an cũng chỉ thực hiện nhiệm vụ chức năng của họ thôi, nhưng dù sao thì văn hóa bán hàng rong vẫn là một phần của đường phố Việt Nam, khó mà cấm trong một sớm một chiều được. Hiện nay thì cả cơ quan chức năng lẫn những người bán hàng rong đều đang “chơi cờ” với nhau, công an đến thì người bán hàng rong chạy. Bản thân công an cũng không quyết liệt bởi họ biết tình trạng bán hàng rong là không thể cấm đoán, việc người bán hàng rong chạy công an rồi đâu lại vào đấy cũng đã trở nên quen thuộc và không thể (hoặc không muốn) dứt điểm được.
Cơm hến thì không chỉ có hến mà còn có rau sống và bì lợn chiên giòn (giống trong cao lầu). Hến thì được xào với mỡ, gia vị và tóp mỡ, ăn vừa ngậy, vừa đậm đà. Đã vậy còn có một bát nước hến vừa nóng vừa ngọt để uống cùng. Một bán cơm hết như vậy không đắt, nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi chỉ mua hết có 10.000 VNĐ thôi.

Nói về hến thì phải kể đến một địa danh ở Huế, cũng gần chỗ chúng tôi, tên là cồn Hến. Đây là một cồn cát mà người dân đi đánh bắt hến trên sông Hương ở lại, lâu đần thành một tập thể nhỏ cư trú trên một đảo cồn cát. Đặc sản cơm hến đến từ đây và nếu có cơ hội đến cồn Hến cũng sẽ được ăn nhiều món cơm hến chuẩn vị, ngon hơn. Nơi này được coi là “đảo ẩm thực xứ Huế” nhưng tôi bận với lịch trình đi các lăng nên vẫn chưa đến được nơi này. Cồn Hến cùng với tuyến phố được quay trong bộ phim Mắt Biếc là hai địa điểm mà tôi đã không thể đến được.
Tôi trở về khách sạn, nghỉ ngơi, tắm rửa. Tối nay, tôi có hẹn đi ăn tối với Phú – một người bạn ở Huế mà tôi quen biết trong cộng đồng người hâm mộ siêu anh hùng. Tôi là fan DC còn Phú là fan Marvel nhưng chúng tôi đều là những fan có văn hóa, nên dù ủng hộ 2 hãng truyện tranh đối địch nhau, chúng tôi vẫn tôn trọng và chơi với nhau.
Vừa tắm xong, tôi vẫn đang ở khách sạn thì phải tham gia một cuộc họp online khẩn cấp. Sếp đã triệu tập tất cả tham gia cuộc họp. Trong lúc ở Huế vẫn đang yên bình, du lịch vẫn thoải mái thì ở Hà Nội, dịch covid đang diễn biến phức tạp. Số ca mắc bệnh tăng lên và chúng tôi – một trường đại học, đang đứng trước quyết định rằng có nên cho sinh viên đi học hay tiếp tục nghỉ ở nhà. Đang ngày càng có nhiều trường đại học cho sinh viên nghỉ ở nhà vì lo lắng dịch bệnh. Covid lúc này chưa trở thành đại dịch toàn cầu và chưa gây tê liệt toàn bộ Việt Nam, nhưng nó là một dịch bệnh mới, rất đáng sợ kể từ khi có ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam.
Cuộc họp online diễn ra căng thẳng, ngay đến Ban Lãnh Đạo cũng đang lúng túc, tiến thế lưỡng nan không biết nên cho nghỉ hay đi học. Cuộc họp kéo dài tới mức tôi phải đi ra ngoài, đến điểm hẹn mà vẫn đeo tai nghe, tiếp tục họp. Tối nay, tôi sẽ ăn ở phố Tây. Đây là đoạn phố ngay Chu Văn An và chỉ cách khách sạn tôi ở tầm 1km nên tôi đi bộ ra. May sao, cuộc họp đã kết thúc trước khi tôi ăn tối.
Phú gọi thêm mấy người bạn của cậu ta đến ăn cùng. Tôi thấy thú vị khi ăn uống cũng những người bạn bản địa mới quen này. Có vài “luật” mới trên bàn nhậu nơi đây mà tôi mới biết, ví dụ như khi uống, dù bia hay rượu, thì phải đồng khởi chứ không được uống riêng. Nếu tự uống riêng sẽ bị phạt. Phải chăng đó là “luật bàn nhậu” ở miền Trung?

Khác với Hà Nội và Sài Gòn thường uống bia Hà Nội, Sài Gòn, Trúc Bạch, Tiger, Heineken…, bia ở đây chuộng bia Huda. Chúng tôi gọi 2 thùng bia lon Huda, vừa ăn vừa uống. Những người bạn Huế rất vui vẻ và thân thiện. Có bạn còn trêu tôi, nói rằng “nghe giọng Hà Nội đổ luôn”.
Chúng tôi gọi rất nhiều món và uống gần 2 thùng bia. Tôi xác định rằng bữa này cũng phải hết khoảng 300k gì đó, vậy nhưng bất ngờ khi thanh toán, chỉ hết có 150k/người. Đây còn là phố Tây nữa chứ, nếu ở Tạ Hiện thì 150k chắc chỉ được 1 đĩa nem chua rán, mỗi người gắp 2 miếng là hết. Đồ ăn ở Huế vừa ngon vừa rẻ là có thật, không chỉ là các món ăn truyền thống nơi đây mà còn cả những món ở nhà hàng hiện đại nữa.

Khi thanh toán, tôi đưa 150k cho Phú nhưng Phú nhất quyết không lấy, chỉ lấy đúng tờ 100k mà thôi. Tôi cũng không biết làm cách nào khác, chỉ biết cảm ơn người bạn của mình. Quả thật, trải nghiệm chuyến đi này không chỉ có danh lam, di tích lịch sử văn hóa mà còn cả những người bạn Huế tốt bụng, tuyệt vời. Đi tới một vùng đất mới, gặp gỡ người bạn ở nơi đây, là một trải nghiệm mà tôi yêu thích, dù bản thân là một người hướng nội. Kể từ chuyến đi này, tôi luôn dành ra thời gian trong lịch trình của mình để gặp và nói chuyện, có thể là đi cafe hoặc đi ăn, với những người bạn sống tại nơi mình đến. Ở nước ngoài thì khó, chứ ở trong nước thì chỉ cần nơi đó có bạn bè của mình, tôi sẽ cố gắng hẹn và gặp gỡ. Tôi muốn kết bạn tứ phương, đây có thể xem như là cái duyên, và tôi luôn trân trọng những người bạn dù xa xôi nhưng đối xử tốt với mình đó.
Tôi trở về khách sạn khi đó đã khuya, vì uống cũng hơi nhiều bia nên đi ngủ luôn. Đến nửa đêm, tôi tỉnh dậy và ra cửa sổ ngắm phố đêm một chút. Huế về đêm cũng se se lạnh, yên tĩnh không một tiếng xe máy, có đôi chút buồn và cô đơn.
Ngày 4 (02/02/2020): Tham quan Bảo tàng cổ vật cung đình Huế – Trở về Hà Nội – Giãn cách xã hội vì covid
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để đi Bảo tàng cung đình Huế. Bảo tàng nằm ngay cạnh Đại nội Huế và vé vào bao gồm trong vé tham quan Đại nội, nhưng vì hôm qua tôi đi theo tour, tour không vào đây nên tôi cũng không vào được. Tôi bắt xích lô đi từ khách sạn vào Đại nội. Đi xích lô ở Huế cũng khá thú vị, xích lô là một đặc trưng ở nơi đây, giống như xe Tuk Tuk ở Thái Lan vậy.
Bảo tàng cổ vật cung đình Huế được đặt tại Điện Long An – một phần trong tổ hợp công trình cung đình Huế. Bảo tàng được thành lập từ năm 1923, là bảo tàng đầu tiên tại Việt Nam, với cái tên “Musése Khải Định”. Tuy nhỏ nhưng bên trong bảo tàng còn lưu giữ cũng nhiều những cổ vật cung đình như sập rồng, giường, chăn gối; long bào, trang phục của vua, hoàng hậu, thế tử, công chúa… Các đồ vật từ cao quý như văn thư cổ, lệnh bài, ấn tín… đến những đồ vật đời thường như ống cơi trầu, ống điếu… Tuy nhiên, vì không được chụp ảnh ở đây nên tôi đã không lưu giữ được những hình ảnh đồ vật cũng như trang phục, long bào ấy.
Sau khi tham quan Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, tôi đi bộ ra ngoài cổng thành, mua chút đồ làm quà rồi từ đó đi bộ về. Hóa ra đường đi về cũng không phải xa lắm, đi bộ tầm 30 phút là về đến khách sạn. Tôi thu dọn đồ đạc, check-out rồi lên đường ra sân bay.
Sân bay Phú Bài – Huế nằm không xa trung tâm thành phố cho lắm, ít ra là so với Hà Nội. Có lẽ trong những nơi tôi đi thì chỉ có sân bay Đà Nẵng là gần trung tâm, nằm ngay trong thành phố mà thôi, còn lại thì đều nằm ở ngoại ô. Sân bay Phú Bài khá nhỏ, không đông nên việc check-in diễn ra nhanh và suôn sẻ. Lần này đi máy bay, tôi ngồi ở ngay dãy ghế hàng đầu tiên, và được nhìn thấy những tiếp viên hàng không trong chuyến bay, phải kê ghế ngựa ngồi dựa vào thành máy bay, không có đệm êm, không có đai an toàn… Có lẽ đó là một trong những góc khuất của nghề tiếp viên, khi mà hành khách được ngồi ghế êm thì bản thân những người tiếp viên phải ngồi vạ vật như vậy.
Trở về Hà Nội, tôi có đôi chút “shock thời tiết”. Ở Huế đang nắng nóng nhưng Hà Nội thì lạnh và mưa phùn mù cả trời. May mà tôi đã mang theo áo ấm để mặc. Tôi ra ngoài, bắt xe bus Nội Bài để đi về. Đây là lần đầu tôi đi xe bus Nội Bài. Xe có chỗ để hành khách để hành lý, chỗ ngồi thoải mái và chi phí thì rẻ hơn taxi. Từ đó về sau, như một thông lệ, tôi thường khi đi thì đặt taxi còn khi về thì đi xe bus Nội Bài để tiết kiệm chi phí.
Những ngày sau đó ở Hà Nội, tôi có đôi chút bị “post-vacation blue” – hội chứng “trầm cảm” hậu du lịch. Gọi là “trầm cảm” cũng không đúng lắm mà đơn giản là do phải thay đổi môi trường, không gian nên tạo thành một cú “jet lag” về tâm lý mà thôi. Cũng bởi một phần do nhiệt độ khác nhau quá, ở Huế đang ấm áp, thậm chí hơi nóng còn về Hà Nội lạnh tới mức buốt tay, không muốn làm gì. Nhưng phần lớn nguyên nhân dẫn tới “post-vacation blue” của tôi khi đó là bởi khi về nhà tôi đã phải ở nhà do dịch bệnh. Ít lâu sau đó, toàn bộ Hà Nội thực hiện giãn cách lần đầu tiên, và điều đó càng ảnh hưởng khiến tôi bị “post-vacation blue” nặng nề hơn. Dù rằng tôi ở nhà có nhiều việc để làm như đọc sách, viết lách, xem phim… nhưng khi mà trước đó còn đang đi du lịch khắp nơi khắp chốn, giờ lại phải ở nhà 24/7 và lo lắng không biết dịch bệnh sẽ đi đâu về đâu, điều đó cũng khiến tôi cảm thấy không thoải mái và có phần bức bí. Trong thời gian nghỉ dịch, tôi đã đọc cuốn sách mua ở Huế và từ đây tạo cảm hứng để tôi sáng tác bộ tiểu thuyết “Vương Quyền Trắng”.
Có lẽ điều tôi không biết là sau chuyến đi Huế này, phải một thời gian dài sau đó tôi mới có thể lại được đi du lịch do dịch bệnh kéo dài. Thậm chí sau đó, đã từng có giai đoạn cả nước bị phong tỏa, kinh tế tê liệt, và lúc đó, tôi chỉ thèm được ra đường thôi chứ đừng nói chi đến đi du lịch. Khi tôi ngồi đây và viết những dòng này, dịch bệnh đã qua đi, di chuyển, du lịch lại trở lại bình thường. Tôi cảm thấy thật may mắn vì quãng thời gian khó khăn đã trôi qua, để lại có thể đi làm, đi chơi, đi du lịch, gặp gỡ bạn bè và sinh hoạt lại bình thường như trước đây.
Hết.