Mới đây, bộ phim Tro Tàn Rực Rỡ (tựa đề quốc tế: Glorious Ashes) chuyển thể từ 2 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và đạo diễn bởi Bùi Thạc Chuyên đã ra mắt. Bộ phim được đề cử giải Grand Prix – Best Film tại LHP Quốc tế Tokyo và chiến thắng giải Asian Project tại LHP Quốc tế Busan, qua đó trở thành bộ phim hàn lâm “made in Vietnam” được chú ý nhất tại thời điểm hiện tại.

Lưu ý: Phần tiếp sau đây có tiết lộ nội dung phim
Bộ phim lấy bối cảnh cuộc sống con người miền Tây sông nước, với nhân vật kể chuyện là Hậu. Nội dung phim được chia làm 2 mạch chuyện, do ghép từ 2 truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.
Mạch chuyện một: Hai gia đình – Hai số phận
Ở mạch chuyện thứ nhất, Hậu đem lòng yêu Dương nhưng Dương lại yêu thầm Nhàn – cô gái vừa mới cưới Tam làm chồng. Đại khái thì đây là một mối tình tay bốn. Hậu cưới Dương nhưng Dương vẫn đem lòng yêu Nhàn, còn Nhàn đã cưới Tam.
Thời lượng chính phần đầu của bộ phim khắc họa tập trung vào cuộc sống buồn bã của Hậu, khi cưới và đem lòng thương một người chồng mà lúc nào cũng tương tư vợ người khác. Ngay từ đầu Dương đã không hề yêu Hậu, Hậu biết điều đó nhưng vẫn cố gắng để cưới và chăm sóc Dương. Một đám cưới ảm đạm đã diễn ra, khi mà cô dâu thì cười gượng gạo còn chú rể mặt cứng đờ, trống rỗng, không biểu cảm, thậm chí còn không nhìn vào mắt cô dâu nữa.

Lúc này xem phim có thể thấy thương Hậu khi chồng lúc nào cũng trống rỗng, không thèm nói chuyện với mình. Hậu luôn cố gắng bắt chuyện, chăm sóc chồng con, học hỏi nữ công gia chánh từ chính “tình địch” là Nhàn nhưng dường như mọi thứ đều đổ xuống sông, xuống biển. Mình rất thích phân đoạn mà Hậu không kiềm chế được cảm xúc nữa, đã nói thẳng với Dương rằng “Tội nghiệp anh, lấy phải con vợ vụng về, làm cái gì cũng hỏng, không được như chị Nhàn”. Xem đến đó, mình cảm thấy thương cho số phận những cặp đôi ở với nhau nhưng không có tình cảm với nhau.
Trong lúc gia đình Hậu-Dương buồn bã, trống rỗng như vậy thì gì đình Nhàn-Tam lại có vẻ rất hạnh phúc. Họ yêu thương nhau, với chồng hiền, vợ đảm, cả hai có với nhau một người con gái và chăm chỉ làm ăn. Nhàn có vẻ như từng là “hot girl” của vùng, được nhiều người đem lòng yêu và cũng được hàng xóm láng giềng quý mến. Tam cũng vậy, hiền từ, chăm chỉ làm việc ở một nhà xưởng, được anh em, chú bác quan tâm.

Nhưng rồi mọi chuyển thay đổi, đúng như một câu triết lý trong Phật giáo: “vô thường”.
Vì mải làm việc mà không trông con, Nhàn đã để con gái chết đuối dưới sông. Khi làm xóm phát hiện ra thì đã quá muộn. Đây là một phân đoạn đầy cảm xúc, trái ngược hoàn toàn với sự hạnh phúc của gia đình này trước đó. Biên kịch và đạo diễn đã làm rất tốt khi xây dựng một gia đình hạnh phúc để rồi cái chết của người con là điểm đột biến, dẫn đến một sự sụp đổ hoàn toàn sau này.
Sau cái chết của con, Tam đổ lỗi cho Nhàn. Anh ta cũng trở thành một con người khác: đờ đẫn, thẫn thờ, nghiện rượu và đáng sợ hơn: anh ta đã trở thành một con nghiện lửa. Từ việc đốt bản thân để lại những vết bỏng trên cơ thể, Tam bắt đầu đốt nhà mình. Vụ cháy đầu tiên, may mắn không có tổn thương về người. Hàng xóm láng giềng bu vào dập lửa, rồi sau đó giúp vợ chồng Tam-Nhàn dựng lại ngôi nhà. Không ai biết thủ phạm là ai, trừ Nhàn. Nhưng không dừng lại ở con số 1, Tam vẫn tiếp tục đốt nhà. Lần thứ 2, rồi lần thứ 3. Nhàn biết nhưng kệ. Hàng xóm láng giềng cũng biết. Ở xưởng, Tam bị đồng nghiệp – những người trước đấy còn rất quý anh, ngó lơ và ghẻ lạnh vì Tam suốt ngày đờ đẫn không chịu làm việc, trong khi những người khác làm việc cực khổ. Sau đó, Tam còn bị đuổi việc vì uống rượu trong lúc làm việc, họ mắng chửi anh, cho rằng một ngày nào đó anh sẽ đốt xưởng của họ mất.
Từ gia đình hạnh phúc, cả Tam và Nhàn mất tất cả. Họ chìm đắm trong nỗi khổ mất con, gia đình tan nát. Tương lai của họ chỉ là tro tàn. Khi người khác hỏi sao Nhàn không bỏ Tam, Tam bảo rằng bỏ sao được, vì Nhàn mà con của họ chết, Tam mới ra nông nỗi này. Vậy là Nhàn chịu đựng trong đau khổ, để cho chồng đốt nhà hết lần này qua lần khác, cốt là để cho chồng được nguôi ngoai.

Ngôi nhà cứ bị đốt đi đốt lại, dần dần chẳng còn lại gì nữa. Đây là hình ảnh ẩn dụ về gia đình mất mát của Nhàn và Tam. Cho tới cao trào của bộ phim, Tam lại đốt nhà và lần này, Nhàn và Tam không buồn thoát ra nữa. Họ đã cháy rụi cùng ngôi nhà ấy. Xem đến đây, mình cảm thấy thương vô cùng. Thầm nghĩ tại sao cuộc sống có thể vô thường và bất hạnh đến thế?
Cặp đôi nhân vật chính Hậu-Dương khi này chuyển sang thành người kể chuyện vai phụ, tương tự như trong The Great Gatsby khi mà Nick Carraway kể lại chuyện về Gatsby. Cặp đôi này cũng bất hạnh khi không yêu thương nhau nhưng lại đỡ bất hạnh hơn cặp đôi Nhàn-Tam. Dẫu vậy, cho tới cuối cùng, khi Nhàn chết, Dương – vốn luôn sống ở ngôi nhà trên biển, chỉ thỉnh thoảng về lại bờ để nghe ngón tin tức về Nhàn, có vẻ như đã bỏ nhà đi hẳn. Hình ảnh cuối cùng của bộ phim là Hậu đi thuyền ra biển gọi Tam về. Con thuyền tròng trành trên sóng biển, còn cách rất xa ngôi nhà ngoài biển, vừa ám chỉ số phận, cuộc sống chông chênh của gia đình này, mà cũng ám chỉ tình cảm của người vợ luôn chung thủy, hướng về chồng, dù chồng không thèm đoái hoài đến. Mình thực sự ngưỡng mộ tình cảm mà Hậu dành cho chồng. Ở cảnh phim này, nhìn chiếc thuyền trên biển, không hiểu sao mình lại liên tưởng tới Hòn Vọng Phu.

Mạch chuyện hai: Nghiệp
Ở mạch chuyện thứ hai, câu chuyện xoay quanh một kẻ tội phạm hiếp dâm mới đi tù về. Hắn ta bị cả xóm làng thù ghét nên trốn trong một nhà chùa nhỏ ven sông, được nhà sư cho nương tựa. Nạn nhân của hắn sau khi bị cưỡng hiếp và đẩy xuống sông suýt chết, giờ đây đã khoảng bốn mươi, năm mươi tuổi, nửa điên nửa loạn, không chồng không con, cả xóm làng thương hại nhưng không ai chơi cùng. Khi biết tin kẻ hiếp dâm mình đã quay lại, ban đầu bà ta căm giận, tìm cách trả thù. Bà thả rắn vào buồng của kẻ hiếp dâm, rồi lấy đá ném hắn ta.
Ngược lại, kẻ hiếp dâm này sau nhiều năm tháng tù tội trong nhà lao, khi trở về, dường như lột xác thành một con người khác. Hắn dường như biết tội lỗi của mình là không thể tha thứ, không cầu xin sự tha thứ, không tránh né các đòn trả thù của nạn nhân. Hắn chỉ cố gắng ngày ngày tụng kinh, quyét sân chùa. Sau một thời gian, cuối cùng hắn cũng cạo đầu, xuất gia. Vị sư thầy luôn từ bi và mở cánh cửa ăn năn, hối lối cho hắn, dù mọi người khác đều không chấp nhận điều này.

Sau thời gian ở gần nhau, nạn nhân và thủ phạm lại dần trở thành bạn của nhau. Người đàn bà điên kia cảm thấy chán khi không được phá rối cuộc sống của tên thủ phạm, còn gã thủ phạm, khi này đã xuất gia, cũng hiểu được tội lỗi của mình, thương cảm nạn nhân và mong muốn hàn gắn cũng như xoa dịu nỗi đau của nạn nhân. Họ uống rượu với nhau, chơi đùa với nhau, cùng nhau làm việc… Người đàn bà nạn nhân sau đó còn ngỏ ý muốn cưới gã thủ phạm. Đến đây, có lẽ khán giả đều mong muốn hai người thành đôi, khi mà kẻ hiếp dâm sau nhiều năm tù tội, giờ cưới nạn nhân và bù đắp lại hạnh phúc cho nạn nhân – một người đã điên dại không ai muốn cưới, cũng là xứng đáng. Đây là một tình huống khó xử, không ai biết làm như nào sẽ tốt hơn. Gã tội phạm đã xuất gia kia cũng vậy. Sau cùng, gã chọn cách biến mất, lần này, không biết gã đã đi đâu, có quay trở lại không, khi nào mới trở lại. Sự biến mất của gã để lại khoảng trống trong lòng người đàn bà điên và nỗi tiếc nuối với khán giả. Theo mình hiểu, gã đã không thể đối mặt được với tội lỗi của mình, cho rằng tội lỗi của mình gây ra với người đàn bà kia là quá lớn, không dám cưới người đàn bà ấy vì thấy bản thân thật tồi tệ, không xứng đáng. Chí Phèo ít ra còn xứng đáng cưới Thị Nở, còn một kẻ tội phạm, lại phạm phải tội cực nặng trong xã hội Việt Nam, thì không.

Đây là câu chuyện khá hay, để lại nhiều suy nghĩ về việc đúng-sai. Không ai dung thứ cho tội hiếp dâm cả, và như bộ phim thì tội này cũng gây ra hậu quả rất nặng nề cho nạn nhân, hủy hoại cả một đời người. Gây ra tội ác thì nghiệp rất nặng. Nhưng liệu rằng chúng ta có nên tha thứ cho tội ác của một kẻ thủ phạm khi kẻ đó đã hoàn toàn ăn năn hối lỗi, thay đổi thành một con người khác? Hay chúng ta cứ bỏ mặc kẻ đó, bởi pháp luật đã trừng phạt hắn, và hắn sẽ phải chịu nghiệp báo trong suốt phần đời còn lại? Hắn sẽ không bao giờ có thể sống trong an nhàn, vô lo vô nghĩ, được xã hội công nhận, có được tình yêu hay những người bạn bè san sẻ.
Về bối cảnh, Tro Tàn Rực Rỡ đặc biệt được mình yêu thích vì đã khắc họa được cuộc sống sông nước của người miền Tây. Cảm giác giống như bộ phim Đất Rừng Phương Nam vậy.

Màu phim thì luôn chìm trong bóng tối, kể cả khi có nắng cũng rất nhạt và tối, giống như được quay bằng film Kodak outdate. Chỉ có ánh sáng duy nhất được khắc họa đúng màu, rực rỡ, sáng chói, đó chính là ánh lửa thiệu rụi căn nhà.
Với sự xuất hiện của một nhà sư và thầy chùa, bộ phim Tro Tàn Rực Rỡ có lẽ cũng muốn đưa những triết lý Phật giáo về đời sống vào bộ phim. Rằng cuộc sống con người không tránh được những sự đau khổ, rằng cuộc sống con người là vô thường – có thể nay hạnh phúc, mai đau thương, rằng cuộc sống con người là nghiệp báo… Tựu chung lại, Tro Tàn Rực Rỡ khắc họa những cảnh đời vô thường, bi kịch, đáng thương, tuyệt vọng, không lối thoát giống như những tác phẩm văn học thời chiến tranh, phong kiến, nhưng khác ở chỗ giờ đã là thời bình, và trong cuộc sống còn không ít những hoàn cảnh éo le, đau thương, tuyệt vọng như thế.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, có một số bộ phim Việt Nam mình đánh giá cao và thấy hay như Đập Cánh Giữa Không Trung, Song Lang, Trời Sáng Rồi Ta Ngủ Đi Thôi, Ròm, Tiệc Trăng Máu và Tro Tàn Rực Rỡ chắc chắn sẽ được mình thêm vào list những phim Việt hay trong 10 năm trở lại đây. Mình cũng đang hóng phim Đất, và chưa xem nên chưa biết đánh giá phim này thế nào nhưng đến thời điểm hiện tại, Tro Tàn Rực Rỡ là bộ phim Việt Nam mà mình thấy hay nhất năm nay.
