Du ký: Chiang Mai-Thái Lan (Phần 1: Chợ đêm)

Sau những chuyến đi Tam Đảo, Sapa, Đà Lạt từ giữa năm đến hè, ngỡ tưởng tôi đã hoàn thành mục tiêu đi bộ 3 núi rừng trong năm nay, ấy vậy mà tôi vẫn còn cái duyên để đi tiếp, cũng lại là 1 địa điểm núi rừng, đó là Chiang Mai, Thái Lan.

Tôi từng lỡ mấy chuyến đi Thái Lan trước đây. Với nhiều người, Thái Lan là một điểm đến nước ngoài yêu thích, họ đã đến nhiều lần. Thế nhưng dù gần là vậy, tôi vẫn chưa đi Thái bao giờ, và đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của tôi. Khác với chuyến đi Đà Lạt, do tôi tự túc hoàn toàn: tự lên lịch trình, mua vé, đặt chỗ ở…, chuyến đi Chiang Mai này, tôi đi cùng lớp thạc sĩ Côte d’Azul Université vừa mới tốt nghiệp xong. Chị Nguyên – một người dày dặn kinh nghiệm đi Thái Lan, đứng ra làm trưởng đoàn thiết kế toàn bộ chuyến đi chơi cho chúng tôi. Vậy là chúng tôi chỉ cần xách vali lên và đi thôi.

Việc đầu tiên chúng tôi cần chuẩn bị trước khi đi, đó là đổi tiền baht. Đạt là cậu em làm cùng tôi, cũng là bạn học thạc sĩ cùng, và cũng sẽ cùng tôi đi chuyến Thái Lan này. Ban đầu, chúng tôi hỏi chỗ đổi baht thì đều được khuyên là lên Hà Trung đổi, thế nhưng nếu lên Hà Trung chắc chắn tỉ giá đổi sẽ bị cao hơn đôi chút. Bạn đồng nghiệp của chúng tôi là Thọ đưa ra lời khuyên là tìm Superrich ở Thái Lan để đổi sẽ được tỉ giá tốt hơn, nhưng ở sân bay Chiang Mai không có Superrich, muốn đổi Superrich phải vào trung tâm thành phố. Đang lúc phân vân nên đổi luôn hay vào trung tâm thành phố rồi đổi thì Thọ nói rằng ở nhà vẫn còn tiền baht từ chuyến đi Thái lúc hè, vậy là tôi và Đạt quyết định sẽ đổi tiền từ Thọ. Khi chúng tôi đổi là tỉ giá 1 baht = 700 VNĐ; trong khi đó, những người khác đi lên Hà Trung đổi là 1 baht = 720 VNĐ, đắt hơn chúng tôi 20 VNĐ/1 baht.

Mọi thứ đã sẵn sàng, lên đường thôi!

Ngày thứ 1: Đặt chân đến Chiang Mai – Cửa hiệu cần sa ở khắp nơi – Đi ăn tại chợ đêm – Xem World Cup ở pub đến 1h sáng

Để đi ra sân bay, tôi đặt taxi qua đón Đạt và anh Hoàng – anh trai của Đạt. Chuyến đi này ngoại trừ lớp chúng tôi, sẽ còn có thêm anh trai của Đạt đi cùng. Chúng tôi là 3 người con trai duy nhất trong cả nhóm. Khi đến sân bay, anh Hoàng mở phần mềm PCCovid- phần mềm khai báo và thống kê tiêm chủng vaccine ngừa covid, vốn chuyển đổi từ phần mềm cũ là Bluezone. Một ngày trước khi đi, chúng tôi nhận được tin nhắn từ chị Nguyên là cài PCCovid. Tôi cũng đã cài phần mềm này từ lâu. Khi anh Hoàng mở ra, có thống kê đầy đủ tiêm 3 mũi vaccine, nhưng tôi chợt nhận ra phần mềm của tôi ghi là không có dữ liệu. Dù tôi đã tiêm tận 4 mũi, trước đây cũng đã được ghi lại trong phần mềm Bluezone nhưng giờ khi mở phần mềm lên lại không thấy dữ liệu nào. Tôi lo lắng, tìm cách gọi hỏi tổng đài mà không được. Một lát sau, chúng tôi gặp các chị em còn lại trong đoàn. Tôi bảo chị Nguyên, chị Nguyên gọi điện sang bên Thái Lan hỏi và bên đó bảo không sao. Tôi an tâm phần nào, nhưng vẫn hỏi nhân viên của Asian Air – hãng hàng không Thái Lan mà chúng tôi chuẩn bị đi. Họ bảo rằng đi Chiang Mai không kiểm tra và không cần phải lo lắng, lúc này tôi mới hoàn toàn yên tâm. Dù sao thì vấn đề vẫn nằm ở cái phần mềm PCCovid này bởi dữ liệu tiêm chủng của tôi đã được cập nhật lên Bluezone trước khi nó chuyển thành PCCovid thì khi chuyển đổi, nó cũng sẽ phải sync dữ liệu sang. Không hiểu sao tôi lại không có dữ liệu gì.

Dù sao thì chúng tôi cũng đã xuất cảnh và nhập cảnh hoàn toàn thuận lợi. Chuyến bay này tôi không ngồi cạnh cửa sổ, vậy nên tôi cũng tranh thủ ngủ ngay trên máy bay bởi tôi biết những ngày sắp tới mình sẽ rất ít thời gian để ngủ. Khi sắp hạ cánh, chúng tôi tranh thủ đổi sim và chuyển dùng dữ liệu để sử dụng mạng.

Khi chúng tôi mới ra sảnh chờ, một chị nói tiếng Việt gọi chúng tôi. Đó là bạn của chị Nguyên – người làm đầu mối liên lạc và giúp chúng tôi thuê khách sạn, thuê xe… cho chuyến đi này. Đi cùng chị có 1 bé gái, chắc độ khoảng 6-7 tuổi, là con của chị. Con bé có mẹ là người Việt, bố là người Thái, không nói sõi tiếng Việt. Con bé rất nghịch, không hề e sợ người lạ. Đi cùng đoàn chúng tôi còn có một đoàn các sư thầy, và cũng do chị này đón. Có lẽ chị bảo con bé gọi các thầy nên nó cứ gọi “thầy ơi, thầy ơi” rất đáng yêu. Có một anh lái xe người Thái đón chúng tôi ở ngoài, bằng một chiếc xe 12 chỗ. Đoàn chúng tôi có tổng cộng là 9 người, vậy là chiếc xe này là vừa đủ. Anh lái xe có vóc hình to béo, rất thân thiện. Chúng tôi hỏi tên thì anh bảo là Che-Che, vậy là từ đó về sau, chúng tôi cứ gọi anh ấy là “Chê Chê”.

Ấn tượng đầu tiên của tôi với Thái Lan là ở đây, họ lái xe đi đường bên trái. Cách đi đường này có nguồn gốc ở Anh, khi mà các kỵ sĩ thời trung cổ cưỡi ngựa, họ sẽ dùng tay phải để rút gươm. Do đó, đường đi thiết kế bên tay trái để các kỵ sĩ có thể rút gươm và tấn công kẻ thù ở phía đối diện khi cần thiết. Ở Pháp, có một quy luật là giới quý tộc đi bên trái, dân thường đi bên phải. Khi Cách mạng Pháp nổ ra, giới quý tộc sợ bị bắt nên trà trộn vào dân thường, cũng đi bên phải. Đến thời Napoleon, ông ra đạo luật thống nhất lối đi bên phải, và khi Napoleon chinh phạt các nước Châu Âu, lối đi này cũng lan rộng ra các nước Châu Âu, trừ Anh. Đến nay, đi bên phải đã trở thành quy ước chung, nhưng vẫn có một số nước đi bên trái, đó là Anh cùng các nước ảnh hưởng bởi Anh như Australia, Singapore và Thái Lan. Tôi không rõ người Thái bắt đầu đi bên trái từ khi nào, nhưng chắc hẳn lối đi này chịu ảnh hưởng từ nước Anh, có lẽ là trong thời gian mà Thái Lan bị kẹp giữa và chịu ảnh hưởng giữa hai cường quốc: Anh ở Myanmar, và Pháp ở Đông Dương. Thái Lan cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á (có lẽ thế, tôi không chắc lắm) không chịu sự đô hộ của cường quốc nào. Đất nước này vẫn nổi tiếng nhờ vào việc giữ được độc lập và phát triển nhờ vào chính sách trung lập, nhưng nền chính trị Thái hiện đại thiếu ổn định, với những cuộc đảo chính triền miên. Có lẽ quyền lực tập trung quá lớn vào lực lượng quân đội đã dẫn đến điều này. Nhưng nói gì thì nói, phải công nhận Thái Lan là đất nước phát triển hơn Việt Nam, mà Việt Nam ta phải học hỏi nhiều khía cạnh, nhất là về cách họ phát triển và làm du lịch. Du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng chẳng kém gì Thái Lan, nhưng du lịch Thái Lan phát triển hoàn toàn vượt trội, thậm chí còn vượt qua cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để trở thành quốc gia có số lượng khách du lịch đông nhất trong những năm gần đây. Chuyến đi này, tôi cũng có một mục đích đó là đến để trải nghiệm, chứng kiến và học hỏi cách người Thái làm du lịch.

Chúng tôi đến khách sạn vào khoảng 17:30, lúc này trời vẫn còn sáng, chưa tối. Khách sạn tôi ở tên là Hetai Boutique Hotel, có khuôn viên không quá rộng cùng với một bể bơi nho nhỏ. Điều khiến tôi ấn tượng là cổng khách sạn có bức tượng hình rắn Naga, cùng với hai bức tượng voi.

Rắn Naga là một linh vật trong văn hóa Ấn Độ (tôi sẽ nói kỹ hơn ở phần sau, khi đến những ngôi chùa Thái Lan) còn voi, vốn dĩ cũng là một vị thần trong văn hóa Ấn Độ, nay đã vô cùng phổ biến và trở thành biểu tượng tựa như linh vật của Thái Lan.

Phòng khách sạn tôi ở trên tầng 3, có thẻ từ mở cửa, có 3 giường (tôi, Đạt và anh Hoàng ở cùng phòng), có tivi, phòng tắm, máy sấy… Nói chung là ở mức cơ bản của 1 khách sạn 3 sao, nhưng với tôi, như vậy là đủ dùng rồi. Chúng tôi tắm rửa sau 1 ngày di chuyển xa xôi, diện quần áo mới rồi chuẩn bị lên đường đi ăn tối.

Khi chúng tôi xuống phòng của các chị, mọi người đang chuẩn bị để mặc “đồng phục nhóm”. Các chị đã mua những bộ quần áo theo đủ các màu để cả nhóm mặc. Tôi chọn áo và tất màu da cam, trở về phòng thay đồ rồi lên đường.

Chúng tôi đi bộ đến nơi ăn. Lần đầu đi dạo trên đường phố Thái Lan có nhiều điều mới lạ.

Đầu tiên, đó là các cửa tiệm bán cần ở khắp mọi nơi. Ở Thái Lan, cần sa được hợp pháp hóa. Ban đầu, tôi nghĩ rằng cũng ít ít cửa hàng thôi, ai dè biểu tượng cần sa nhìn thấy trên đường phố Chiang Mai còn nhiều hơn cả quốc kỳ Thái Lan. Chúng tôi đi qua một “máy bán cần tự động”, có 2 bạn trẻ đang mua cần ở đó. Chúng tôi hỏi họ rằng mình có thể hút ở ngoài đường không, họ nói rằng không. Ở khách sạn nơi chúng tôi ở cũng có biểu tượng cấm cần sa, nên tôi vẫn đang phân vân về địa điểm. Có vẻ như những nơi có biểu tượng lá cần là được phép sử dụng còn ở nơi công cộng thì không được.

Chúng tôi đi bộ khoảng 1km thì đến khu chợ đêm Night Bazaar. Khu chợ đêm này có bán nhiều loại đồ, trông cũng như mấy khu chợ như chợ Đồng Xuân, nhưng sạch sẽ hơn một chút. Ở đầu cửa vào chợ có các cửa hàng hỗ trợ khách du lịch như đổi tiền, bán tour du lịch, hỗ trợ cho khách du lịch… Chúng tôi vào khu ẩm thực bên trong chợ đêm.

Khu chợ đêm Chiang Mai này mở cửa hàng ngày, có nhiều tiệm bán đồ ăn, quây thành một khu ẩm thực có tên là Chill Square – Anusarn Market. Đồ ăn ở đây có mức giá bình dân nhưng rất đa dạng. Chúng tôi mua đồ ăn rồi mang ra khu bàn chung ngồi ăn (tương tự trong Aeon Mall), ăn xong sẽ tự dọn sạch bàn.

Mặt bằng chung, tôi thấy ăn uống ở Thái Lan này khá là… thiếu giấy ăn. Ở Việt Nam thì giấy ăn ở hàng quán rất nhiều nhưng ở đây họ cho mỗi người 1 tờ, xin thêm cũng lại đưa từng tờ nhỏ và mỏng. Có lẽ đây là hành động phục vụ bảo vệ môi trường chăng? Nhưng đi ăn uống, mà lại toàn đồ nước, dầu mỡ, rây rớt như này mà thiếu giấy ăn thì cũng hơi khó chịu. Nếu đi ăn đường phố ở Thái, bạn hãy tự chuẩn bị giấy ăn mang theo để dùng cho thoải mái nhé.

Trong chuyến đi Đà Lạt, tôi có mượn bạn đồng nghiệp gimble điện thoại để quay clip theo dạng MV. Chuyến đi Thái này, tôi cũng mang theo, nhưng sau khi quay vài footage ở Chợ đêm này thì thấy vướng víu quá, do tôi còn thêm cả 2 máy ảnh, vậy nên sau tối hôm nay, tôi để gimble ở lại khách sạn, không mang theo nữa.

Trước khi ăn, tôi thay pin cho máy ảnh film Minolta X-700. Khi đó, pin đã chập chờn, sắp hết nên tôi thay pin mới, vứt luôn pin cũ vào thùng rác. Tôi đâu biết rằng đây sẽ là khởi đầu cho “trục trặc kỹ thuật” nguyên ngày hôm sau.

Đồ ăn ở Thái Lan khá đa dạng. Tôi ăn mấy món hải sản như ốc hương, tôm sú, mực…, cùng với đó là pad Thái và một vài xiên thịt, xúc xích.

Pad Thái là món mì xào thập cẩm truyền thống của Thái Lan. Mì sẽ được xào cùng với trứng, đậu phụ; cùng với một số topping khác nữa. Đây là món ăn được CNN xếp hạng trong danh sách “World’s 50 most delicious foods” do khán giả bình chọn. Tôi thấy món này khá ngon, hơi giống bánh đa trộn ở Việt Nam nhưng có thêm trứng và đậu phụ băm nhỏ, ăn là lạ. Tuy nhiên, vì còn ăn cả mấy món khác nên nhóm chúng tôi 9 người chỉ gọi thêm 1 đĩa pad Thái, ăn để thưởng thức. Các bữa ăn sau này của tôi cũng đều no nê hết, nên hơi tiếc vì tôi không có cơ hội ăn thêm món này.

Khi đó tôi mới đến Chiang Mai, trong ví toàn tiền to (1000 baht, tương đương 700.000 VNĐ), nên chị Nguyên đã thanh toán cho cả nhóm rồi chúng tôi sẽ gửi lại chị sau. Tuy nhiên, tôi thấy rằng nếu cứ như vậy thì mình sẽ không tiêu hết số tiền đã đổi sang baht (khoảng 3,5 triệu tiền Việt), mà khi về lại phải chi thêm bằng tiền Việt. Hơn nữa, tôi cũng muốn mua mấy món ít ít tiền như xiên que chẳng hạn. Vậy nên tôi đã ra quán bia, mua một chai bia. Ở đây có bia Chang là bia phổ biến nhất, vỏ xanh giống giống với Heiniken hoặc bia Sài Gòn, giá 40 baht/chai nhỏ. Khi tôi đưa tờ 1000 baht, nhân viên có vẻ bối rối, hỏi tôi có tiền nhỏ hơn không. Tôi trả lời rằng hôm nay là ngày đầu của tôi ở Thái Lan, tôi chỉ có tiền này, mong bạn thông cảm. Thế rồi bạn nhân viên cũng vui vẻ, dù hơi bối rối, tìm đủ tiền lẻ để trả lại tôi.

Như vậy, tôi đã hoàn thành bước quan trọng khi mới đặt chân tới 1 quốc gia mới: Đổi tiền to sang tiền nhỏ.

Dĩ nhiên, ngay sau đó, tôi với Đạt đi mua xiên que. Xiên que ở Thái hơi khác Việt Nam, có giá 20 baht (14.000 VNĐ) nhưng đều là những món to to như mấy xiên xúc xích Đức, thịt xiên nướng hoặc xiên trong Aeon Mall.

Sau khi ăn xong, chúng tôi tỏa ra khắp chợ đi xem đồ. Ở đây có bán nhiều đồ, từ quần áo đến đồ lưu niệm. Tôi thì không muốn mua đồ lưu niệm ngay trong hôm đầu tiên lắm, mà muốn dành thời gian khám phá thành phố hơn. Vậy là tôi đi dạo quanh một lát, trong lúc chờ các chị xem và mua đồ.

Khi đi ra ngoài, chúng tôi gặp một nhóm vũ công cao ráo, ăn mặc sexy, nhìn rất khêu gợi. Họ đều là những người chuyển giới. Ở Thái Lan, người chuyển giới là rất phổ biến, thậm chí nhiều tour đi Thái còn có sex show với người biểu diễn là những người chuyển giới. Tôi không biết rằng theo quan điểm cấp tiến, ủng hộ LGBT thì việc người chuyển giới biểu diễn sex show, cung cấp các dịch vụ 18+ có phải nhân quyền không. Về phía bảo có, thì họ nói rằng những người chuyển giới được quyền làm bất cứ những gì họ muốn; nhưng về phía bảo không, họ lại nói rằng việc đem người chuyển giới ra mua vui, phục vụ 18+ là không đúng đắn. Việc tranh cãi này cũng tương tự như các chủ đề như dân chủ, quyền phá thai… đều là những cuộc tranh luận không hồi kết. Cá nhân tôi thì không quan tâm tới sex show, và nếu có đi Bangkok, cũng sẽ không đi xem những tiết mục biểu diễn này.

Lúc chờ các chị ở ngoài chợ đêm, ba anh em chúng tôi có gặp một thanh niên đội mũ Dolce (dĩ nhiên là fake), mặc quần bò bó sát. Đúng như tôi dự đoán, một lát sau, thanh niên này nói tiếng Việt.

Sau khi rời chợ đêm, chúng tôi đi bộ ngược lại về khu sầm uất với các quán pub, quầy bar. Trên đường về, chúng tôi dừng chân ở một khu chợ gần đó, không nằm trong chợ đêm. Khu này có các quầy bán đồ ăn nằm trên quảng trường nhỏ, có bậc thang, tựa như ở Đà Lạt vậy. Chúng tôi bắt gặp một quầy hàng bán xiên… bọ cạp.

Tôi chưa ăn thử bọ cạp bao giờ, nên cũng rất muốn ăn. Chị Nguyệt, anh Hoàng và tôi quyết định mỗi người mua 1 xiên để ăn thử. Giá xiên bọ cạp khá cao: 100 baht/xiên (70.000 VNĐ) nhưng chị Nguyệt đã mặc cả xuống còn 240 baht/3 xiên. Mặc cả được xem như là “văn hóa” ở Thái Lan, thậm chí còn phổ biến hơn cả Việt Nam. Đi mặc cả ngã giá còn được đưa vào top list những việc nên làm khi đi du lịch Thái Lan. Nhưng tôi không giỏi khoản đó. Từ nhỏ, tôi đi theo mẹ mua đồ ở chợ đã thấy không thích cái văn hóa mặc cả này. Sau cùng, mình mặc cả xuống một giá mà mình cũng chẳng biết là hời hay lỗ, rồi đi sang hàng khác, thấy món đồ y hệt, nhưng lại giá rẻ hơn, thì cảm giác vừa mất công mà vừa bị mua đắt. Đó là lý do tôi thích mua hàng hóa giá fix, nên sau này toàn mua ở các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… và gần đây nhất là Shopee.

Trở lại với món bọ cạp, sau khi mặc cả ngã giá và mua xong, chúng tôi quyết định ăn thử. Thấy chúng tôi cầm xiên bọ cạp ăn, khách đi đường xung quanh cũng hiếu kỳ, bu lại xem. Một thanh niên Tây cứ đứng xem chúng tôi ăn, rồi hỏi “có ngon không”, “vị thế nào”… nhưng không dám thử. Mấy ông khách người Nhật khác cũng hiếu kỳ đứng xem rồi hỏi han, xong còn hỏi chúng tôi đến từ đâu, chúng tôi trả lời Việt Nam.

Bọ cạp có vỏ cứng như mấy con bọ hung gì đó, nói chung không ăn được cả vỏ như nhộng, đuông dừa, mà phải vừa ăn vừa nhằn vỏ, khá bất tiện. Bên trong vỏ là một chất sệt sệt có vị hơi đắng và ngậy, có lẽ là thịt của bọ cạp. Nó không cứng hẳn thành thịt như tôm, cua, ghẹ mà sệt như một chất bột. Ăn thử cho biết chứ ăn món này phải nhằn nhằn bất tiện, mà giá lại cao.

Sau khi ăn xong bọ cạp, chúng tôi trở lại khu pub. Trên đường đi, chúng tôi đi qua một khu đấu muay Thái rất náo nhiệt. Tôi cũng đã định mua vé xem muay Thái trên Klook, với mức giá khoảng 200-300 ngàn VNĐ nhưng thấy review là phải xếp hàng lâu, đợi 1 tiếng rồi trận đấu chỉ diễn ra có 2 phút; lại còn không biết được võ sĩ mình sẽ xem là ai, có thể là thiếu niên, vậy nên tôi không xem nữa. Dù sao lịch trình của tôi cũng quá kín để có một tối rảnh rang xếp hàng 1 tiếng xem muay Thái.

Muay Thái, hay còn gọi là boxing Thái, là môn võ cổ truyền của Thái Lan. Môn võ này cực kỳ nổi tiếng vì độ bạo lực và khả năng sử dụng trong chiến đấu của nó. Tương truyền, môn võ này bắt nguồn từ người Khmer có tên là Bokator, người Thái đã học hỏi và áp dụng vào thực chiến. Từ khoảng những năm 1500, các binh sĩ Xiêm La đều phải tập luyện môn võ này để áp dụng khi chiến đấu tay không hoặc cận chiến ngoài chiến trường. Ngày nay, muay Thái là một trong những môn võ có tính thực chiến cao nhất, cùng với những môn Brazil jiu jitsu (nhu thuật Brazil), boxing và rất phổ biến trong MMA (mixed martial art – võ tổng hợp). Theo tôi, muay Thái có tính thực chiến hơn hẳn các môn võ khá nổi tiếng khác như Karate-do, Taekwondo, Aikido, các môn võ cổ truyền Trung Hoa (Thiếu Lâm Tự, thái cực quyền, vịnh xuân quyền…) và cả kungfu. Kungfu dù rất nổi tiếng bởi Lý Tiểu Long (Bruce Lee) nhưng tôi thấy có vẻ như là “over-rated”. Bản thân tôi cũng rất hoài nghi về cuộc đời huyền thoại Bruce Lee, với những trận đấu chiến thắng các võ sĩ các môn võ khác của ông, nhưng tất cả chỉ được ghi lại theo lời đồn, truyện kể, sách báo chứ cũng chưa được trực tiếp trông thấy hay xem video tư liệu thi đấu nào cả. Những gì ở Bruce Lee tôi khâm phục đó là đóng phim không cần diễn viên đóng thế; sự luyện tập kỷ luật, hà khắc, chăm chỉ giúp ông ta có cơ thể cân đối, sức bền và sức mạnh cao so với ngay cả thể chất của các vận động viên. Còn về tính thực chiến thì tôi không chắc.

Bản thân tôi cũng từng luyện tập kendo – môn kiếm đạo Nhật Bản có nguồn gốc từ kenjutsu (kiếm thuật) của các samurai Nhật Bản. Khi chuyển từ kenjutsu sang kendo, môn võ này đã triệt hạ tính sát thương để bảo vệ người tập. Kiếm katana chuyển thành shinai (kiếm tre); người thi đấu phải trang bị bogu (giáp) và các đòn tấn công không được đánh vào những vùng không có giáp. Thực tế, các đòn tấn công của kendo vẫn vào những chỗ hiểm yếu (đầu, bụng, cổ tay, cổ họng) nhưng những chỗ ấy đều được giáp bảo vệ. Kendo mang tính thể thao hơn là tính phòng vệ hay triệt hạ, nhưng những đòn tấn công vẫn uy lực và tốc độ, chú trọng phản xạ, thể lực và các kỹ thuật tấn công, phòng thủ. Nếu trút bỏ bộ giáp, kendoka (người tập kendo) hoàn toàn có thể tự vệ, và khi võ sĩ kendo chiến đấu với võ sĩ muay Thái không giáp, thì tôi nghĩ võ sĩ kendo sẽ chiến thắng. Kendo sử dụng kiếm tre, có lợi thế về cự ly, võ sĩ muay Thái sẽ chưa kịp tiếp cận thì đã trúng đòn.

Nhiều người cho rằng võ sĩ muay Thái có thể chịu đau để tiếp cận cự ly gần nhưng đó là nếu tấn công vào tay; còn nếu vào bụng thì cũng sẽ rất rất đau, hơn một cú đấm là cái chắc; và nếu vào đầu, hay sử dụng đòn cao cấp là xiên họng (tsuki ippon) thì rất có thể sẽ dẫn đến mất mạng. Tsuki ippon mà không giáp thì mất mạng là chắc. Senpai dạy tôi từng kể rằng anh ấy khi thi đấu, mặc giáp đầy đủ, bị dính đòn tsuki ippon mà kiếm của đối phương chọc lệch giáp một chút (chọc vào khe, vẫn có giáp đầu giữ lại) mà anh ấy đã phải ăn cháo trong 3 tuần, không nói được 1 tuần. Tsuki ippon là đòn tấn công cấp cao rất nguy hiểm mà theo luật kendo thì chỉ những senpai (sư huynh) 3 dan trở lên mới được dùng, và bị nghiêm cấm môn đồ sử dụng với sensei (thầy). Nếu không tính tsuki ippon thì ngay cả đòn tấn công đầu (men uchi) cũng có thể khiến cho đối phương mất mạng. Kiếm tre nghe qua tưởng vô hại, ít ra là so với kiếm thật, nhưng thật ra tre rất cứng, đòn tấn công lại rất mạnh, đánh vào đầu thì rất nguy hiểm, có thể tử vong. Khi mới mặc giáp, tôi đội mũ giáp với các lớp đệm đầy đủ, vậy mà bị đánh vào đầu còn sưng u đầu, mấy hôm sau vẫn đau, thì tôi không dám nghĩ tới việc sẽ như nào nếu bị đánh mà không có giáp bảo vệ. Cũng có clip ghi lại 2 thanh niên dùng điếu cày đánh nhau, chỉ 1 phát đánh mà chết người. Kiếm tre thậm chí còn cứng hơn điếu cày, và lực tấn công của đòn đánh kendo cũng mạnh hơn lực đánh của thanh niên dùng điếu cày kia. Vậy nên, không nên coi thường những vũ khí làm bằng gỗ.

Thêm nữa, kendo không chỉ đứng 1 chỗ rồi tấn công, hay chỉ biết lao vào tấn công. Kendoka còn phải học cách di chuyển, phản xạ đỡ đòn, né đòn, lùi lại, phản công, tấn công xong bật chạy xa khỏi đối thủ để tránh phản công…; vậy nên ngay cả khi võ sĩ muay Thái có thể đỡ hay né đòn tấn công thì võ sĩ muay Thái cũng khó mà áp sát được, vì kendoka đã tách ra xa ngay sau đòn tấn công rồi. Tuy nhiên, muay Thái là môn võ thực chiến và ở ngoài thực tế, võ sĩ muay Thái cũng có thể tìm nhiều cách để áp sát. Khi bị áp sát vào vùng mà kiếm không chém được, kiếm sẽ trở nên vô dụng và võ sĩ muay Thái gần như hoàn toàn có thể kết liễu kendoka. Thực tế là kendoka và võ sĩ muay Thái hay các môn võ khác chưa từng thi đấu với nhau không giáp, bởi vì các đòn tấn công của kendo sẽ gây nguy hiểm chết người khi không sử dụng giáp. Còn nếu sử dụng giáp thì võ sĩ muay Thái có lợi thế hơn hẳn vì có thể chịu đau để xông vào áp sát. Có một cách thi đấu nữa đó là mặc giáp tính điểm, bên nào đánh trúng trước thì có điểm và 2 bên phải dừng lại, trở về vị trí thi đấu lại từ đầu. Cách thi đấu thể thao này thì kendo chiến thắng nhưng thi đấu theo cách này thì triệt tiêu hoàn toàn điểm mạnh của muay Thái mất rồi.

Nói gì thì nói, mỗi môn võ sẽ có cái hay, đặc trưng riêng, chưa kể kendo là môn võ binh khí còn muay Thái là võ tự vệ tay không. Tôi vẫn luôn đánh giá cao và coi muay Thái, cùng với Brazil jiu jitsu và boxing, là những môn võ thực chiến tốt nhất hiện tại.

Trên đường đi tìm quán pub để xem bóng đá, nhóm chúng tôi cũng rẽ vào một cửa hàng 7-Eleven để mua thêm ít đồ như nước uống, kem đánh răng… Ở bên này rất phổ biến 7-Eleven. Một tuyến phố thì cứ khoảng 200 met là có một cửa hàng 7-Eleven. Ở Việt Nam thì có Circle K là cửa hàng tiện lợi mở 24/7 còn Winmart (trước kia là Vinmart) thì tầm 10 giờ, 10 rưỡi là đóng cửa rồi. 7-Eleven là một thương hiệu cửa hàng tiện lợi 24/7 rất nổi tiếng đến từ Nhật Bản, hoạt động theo mô hình franchise (nhượng quyền kinh doanh). Ở trong Sài Gòn thì có khá nhiều 7-Eleven nhưng ở Hà Nội chưa có, vậy nên tôi nhìn thấy 7-Eleven cũng thấy khá là lạ và có phần tò mò đôi chút.

Nhóm chúng tôi dừng lại ở một quán pub mà nhìn vào thấy màn hình TV khá to, đang chiếu World Cup. Ở ngoài cửa của quán pub này còn có cả bảng ghi lịch thi đấu. Khi đó, tôi cũng không để ý đến tên quán, sau này mới tìm lại trên Google Map thì biết quán tên là Ba Ba Bo Bo Bar.

Không biết ở Bangkok hay Phuket thì như nào chứ ở Chiang Mai thì bầu không khí World Cup nói riêng và bóng đá nói chung có vẻ không được náo nhiệt lắm. Toàn là các quán bar, pub với màn hình TV không quá to chiếu bóng đá, và toàn là khách Tây ngồi xem. Khán giả ngồi xem cũng không đông, náo nhiệt như các quán bar, pub bên Châu Âu, mà lác đác đôi ba người, còn lại là khách ngồi nói chuyện, chơi mấy trò chơi như billiard hoặc hút cần. Ở Việt Nam, mỗi mùa bóng đá thì các quán bia và cafe bóng đá đông nghịt. Các quán còn đầu tư cả màn hình chiếu để ra giữa vỉa hè để khách ngồi xem cho đã. World Cup năm nay diễn ra vào mùa đông bởi Qatar quá nóng, phải thi đấu vào mùa đông cầu thủ các nước mới chịu được. Có lẽ cũng bởi vì dịp này là mùa đông, ở Hà Nội không còn nóng nên bầu không khí World Cup cũng không náo nhiệt bằng những năm về trước.

Chúng tôi gọi rượu vodka Thái – một món rượu mà ở đây pha loãng vodka với coke tạo thành một đồ uống cocktail nhưng khá nhẹ và hơi nhạt. Tôi uống còn cảm tưởng như không thấy được vị của rượu trong đó. Có thể nhóm của tôi nhiều nữ nên họ pha chế nhẹ vậy chăng?

Lúc đó là khoảng 22 giờ, mà đến 23 giờ mới tới trận đấu giữa Hà Lan và Ecuador nên chúng tôi chơi một vài trò chơi trong quán. Quán pub này theo kiểu nhạc cổ điển Âu-Mỹ có hơi hướng rock, mở nhạc rock, trên tường treo nhiều poster của Nirvana, Linkin Park, The Beatles… Có một bàn billiard và một bảng ném phi tiêu. Chúng tôi chia nhau chơi hai trò này, nhưng đông vui nhất vẫn là trò ném phi tiêu, với luật chơi thay đổi liên tục: khi thì người bét phải uống, khi thì chỉ người nhất không phải uống, khi thì người nhất và bét uống với nhau. Bầu không khí trong quán sôi động hơn nhiều khi có chúng tôi, mấy khách Tây xem chúng tôi chơi với vẻ mặt phấn khích, còn cổ vũ và vỗ tay cho chúng tôi khi ném được 100 điểm.

Đến gần 23 giờ thì tôi về lại ghế để chuẩn bị cổ vũ Hà Lan. Tôi là fan của ĐTQG bóng đá nam Hà Lan từ năm 2006, cái thời của Edwin Van Der Sar, Ruud Van Nistelrooy, Robin Van Persiem, Arjen Robben, Weasley Sneijder, Rafael Van Der Vaart, Mark Van Bommel. Trong những năm từ 2014-2018, Hà Lan đã suy yếu, thậm chí có giai đoạn không vào được vòng chung kết World Cup với Euro. Tuy nhiên, gần đây Hà Lan đang trở lại, với những hơi thở mới: Frankie De Jong, Virgil Van Dijk, Memphis Depay, Cordy Gakpo, Wijnaldum, Matthijs De Ligt, Daley Blind, Denzel Dumfries. Đây là trận đấu thứ 2 của Hà Lan ở vòng bảng, Hà Lan phải gặp một đối thủ tương đối khó xơi là Ecuador – đội bóng Nam Mỹ đã chiến thắng chủ nhà Qatar ở trận mở màn.

Mấy chị trong nhóm chúng tôi vì không xem bóng đá nên về trước, từ đây đi bộ về khách sạn cũng chỉ độ hơn 2 km. Tôi, Đạt và anh Hoàng ở lại xem hết trận bóng. Trong lúc xem, chúng tôi đã gọi thêm bia Chang và mỗi người làm thêm một shot B52. Quán pub này đông khách nườm nượp, toàn là khách Tây, có mỗi chúng tôi là những người châu Á. Chỉ có số ít khách xem bóng đá, số còn lại vẫn ngồi nói chuyện với nhau. Trong lúc chúng tôi xem trận bóng thì khách ra vào hết lượt này đến lượt khác, tới tận 1 giờ sáng vẫn còn có người vào.

Hơn 1 giờ sáng, trận đấu kết thúc. Chung cuộc, Hà Lan hòa 1-1 Ecuador với bàn thắng tuyệt đẹp của Gakpo. Đây là một kết quả không như ý của tôi nhưng hôm nay là một ngày rất vui nên kết quả này cũng không ảnh hưởng gì đến tôi. Khi chúng tôi rời quán cũng là lúc quán bắt đầu đóng cửa. Khách khứa cũng bắt đầu ra về.

Về đến khách sạn là khoảng 1 rưỡi, chúng tôi chuẩn bị đi ngủ. Đạt mở tivi và chợt thấy kênh truyền hình của Thái Lan chiếu chương trình “The Haunted Man”, đại loại là một chương trình về ma ám gì đó mà nói bằng tiếng Thái nên chúng tôi cũng không hiểu lắm.

Thái Lan được xem là một quốc gia nổi tiếng với “chuyện tâm linh”: bùa ngải, búp bê Ku Manthong… và Thái Lan cũng tích cực làm phim kinh dị; chương trình về ma, quỷ, tâm linh khiến cho chúng ta in đậm trong đầu một nước Thái Lan đáng sợ. Có lẽ chương trình truyền hình này cũng là một kế hoạch truyền thông về “chuyện tâm linh” của người Thái. Đây là một cách xây dựng biểu tượng quốc gia khá hay và độc lạ, dù rằng tôi không tin “chuyện tâm linh” cho lắm, nhưng giờ thì cứ nhắc đến ma quỷ, kinh dị thì người ta sẽ nhớ đến Thái Lan và ngược lại.

Khoảng 2 giờ, tôi bắt đầu ngủ. Ngày mai sẽ mở đầu cho hai ngày “phượt Thái Lan” với địa điểm tham quan cách chúng tôi tận 140 km, và chúng tôi sẽ chinh phục đỉnh núi cao nhất Thái Lan.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s