[Review] Triangle of Sadness – Sự hoán đổi điên rồ và thú vị

Triangle of Sadness (tạm dịch: Vùng xúc cảm; bản dịch phổ thông: Đáy thượng lưu) là bộ phim đáng chú ý tiếp theo của đạo diễn người Thụy Điển Ruben Ostlund, sau The Square. Đây cũng là lần thứ 2 vị đạo diễn này chiến thắng hạng mục Palme d’Or (Cành cọ vàng) tại LHP Quốc tế Cannes.

Triangle of Sadness không phải bộ phim dễ xem, cũng không phải bộ phim khó xem. Đây là bộ phim hài kịch đen mang tính giễu cợt, với một cốt truyện tương đối đơn giản, không quá khó hiểu; nhưng những thông điệp truyền tải thì đầy sâu sắc và vĩ mô. Một khối lượng lớn thông điệp giễu cợt các chủ nghĩa tư bản, tiêu dùng; sự bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội, phân biệt sắc tộc, phân biệt giai cấp… được lồng ghép khéo léo, tinh vi vào trong một câu chuyện đơn giản, dễ xem, dễ hiểu quả là điều không phải dễ dàng, mà cũng không đem đến cho khán giả cảm giác bội thực. Vậy tại sao Triangle of Sadness lại được giới phê bình đánh giá rất cao, bộ phim này có gì hay? Hãy cùng đọc tiếp bài viết nhé!

Lưu ý: Phần tiếp sau đây có tiết lộ nội dung phim

Bộ phim mở đầu bằng hai nhân vật chính: chàng người mẫu trẻ đẹp, đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp Carl và cô bạn gái người mẫu, kiêm người nổi tiếng trên mạng Yaya. Cả hai cùng đặt chân lên du thuyền sang trọng của giới siêu giàu, tại đây, họ đã gặp gỡ những đại gia thực thụ. Bất ngờ, con tàu bị cướp biển tấn công, Carl, Yaya cùng vài người nữa trên tàu bị trôi dạt vào một hoang đảo và phải tập làm quen với cuộc sống sinh tồn ở nơi này.

Mới kể sơ qua thì Triangle of Sadness có một câu chuyện tương đối đơn giản, thế nhưng sự bất bình đẳng giới đã được thể hiện ngay từ đầu phim. Carl không chỉ là một chàng người mẫu “chân dài, não ngắn” mà còn quan tâm tới bất bình đẳng giới, đặc biệt dành cho đàn ông. Tại bữa ăn tối trong nhà hàng, anh đã liên tục chất vấn cô bạn gái tại sao không trả tiền, dù rằng tiền không phải vấn đề với họ. Dường như trong xã hội hiện đại, đặc biệt là xã hội thượng lưu, việc đàn ông phải lãnh trách nhiệm trả tiền đã trở thành hiển nhiên, tới mức mà không ai bận tâm nghĩ tới chuyện đó. Hai người thậm chí còn không xuất hiện trong cùng khung hình khi ngồi ăn tối với nhau, đây là ý đồ kể chuyện bằng hình ảnh của DOP (đạo diễn hình ảnh) thể hiện cả hai bất đồng quan điểm tới mức không xuất hiện chung một khung hình.

Bộ phim được chia làm 3 phần (act). Phần 1: Carl and Yaya – Giới thiệu hai nhân vật Carl và Yaya cùng những mâu thuẫn về bất bình đẳng của họ

Khi hai người lên tàu, bộ phim chuyển một cách mượt mà sang phần 2: The Yacht (Con thuyền). Cả hai nhân vật đã đặt chân lên con du thuyền sang trọng giành cho giới quý tộc. Khi lên du thuyền, mối bận tâm về sự bất bình đẳng giới của Carl vẫn tiếp tục, khi mà Yaya gọi và cười với một chàng trai thủy thủ trên tàu. Thế nhưng sự bất bình đẳng giới dần nhạt đi, nhường chỗ cho một sự bất bình đẳng khác lớn hơn: bất bình đẳng về địa vị xã hội. Ngay sau khi Carl phàn nàn với quản lý của du thuyền, anh chàng thủy thủ đã bị đuổi việc. Đây là du thuyền hạng siêu sang, chỉ phục vụ những du khách thượng lưu siêu giàu, và họ làm việc với tôn chỉ: làm theo bất cứ điều gì du khách yêu cầu, kể cả là những yêu cầu phi lý nhất.

Đến đây, mình lại liên tưởng tới The Menu. Trong the Menu, các vị khách giàu sang, quý tộc được mời đến hòn đảo của vị bếp trưởng nổi tiếng để thưởng thức những món ăn đẳng cấp. Triangle of Sadness còn làm tốt hơn cả The Menu trong việc khắc họa các nhân vật thượng lưu này. Họ đến từ nhiều nơi trên thế giới, nhưng tựu chung lại là các nước ở Mỹ và Châu Âu. Họ hoạt động ở nhiều lĩnh vực, nhưng đều là các nhà tư bản phất lên nhờ thời thế. Họ không hợm hĩnh và sáo rỗng như trong The Menu, thay vào đó, họ lịch thiệp, thể hiện sự hiểu biết của giới thượng lưu tri thức. Có thể nói, khi ở trên con du thuyền sang trọng thì họ đang ở trong thế giới mà mình làm chủ.

Mọi thứ bắt đầu đảo chiều vào “bữa tối của thuyền trưởng”, khi mà bữa tiệc sa hoa để thuyền trưởng ra chào đón những vị khách quyền quý bị một trận bão làm gián đoạn. Một bữa tiệc quyền quý hoàn hảo lại hóa ra thảm họa. Các vị du khách không chịu nổi những cơn sóng, họ nôn mửa, họ đái ỉa ra chính những không gian sang trọng của con tàu. Từ những vị vua chúa, giờ đây, khi so với thiên nhiên, họ lại trở lên bẩn thỉu và tầm thường. Hóa ra dù có nhiều tiền đến mấy, địa vị xã hội cao đến thế nào, con người vẫn chỉ là con người, vẫn yếu đuối trước thiên nhiên và những nhu cầu sinh lý tự nhiên vẫn cần phải giải đáp.

Đây được coi là cao trào (third act) của phần thứ hai (act two). Nói cách khác, mới giữa phim thôi mà vị đạo diễn người Thụy Điển đã đẩy sự kịch tính lên cao như cao trào một bộ phim bình thường rồi. Không chỉ kịch tính, trường đoạn này còn trần trụi, hỗn loạn, điên rồ và… mắc ói. Quý bà quyền quý, luôn tỏ ra lịch thiệp đâu rồi, thay vào đó là một người phụ nữ già nua nôn mửa ra ngay bàn tiệc, ôm lấy bồn cầu để nôn mửa, và vừa ỉa vừa nôn trong cơn say sóng dữ dội. Quý ông “alpha male” giàu có, quyền lực đâu rồi, thay vào đó là một người đàn ông sợ hãi ngồi một xó trên thuyền, cố gắng tránh sự chông chênh khi những con sóng đánh vào thuyền và những món đồ vật rơi, đổ vỡ khỏi văng vào người. Có lẽ không nhiều bộ phim dám đưa hình ảnh nôn mửa, ỉa đái bẩn thỉu như này lên phim. Và cũng vì vậy, đã có rạp chiếu phim còn phải trang bị túi nôn cho khách đi xem bộ phim này.

Cũng ở trường đoạn này, mình rất thích cuộc nói chuyện của thuyền trưởng và vị tỉ phú người Nga. Họ đã đưa ra nhiều câu trích dẫn thú vị của các danh nhân xoay quanh chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội:

“Đừng bao giờ tranh cãi với những thằng ngu, vì chúng sẽ kéo ta xuống trình độ của chúng, và đánh bại ta bằng kinh nghiệm.” – Mark Twain.

“Chủ nghĩa xã hội chỉ có tác dụng ở trên thiên đường – nơi người ta không còn ham muốn, hoặc ở dưới địa ngục – nơi mà những ham muốn đã ngự trị.”

Ronald Reagan

“Sinh trưởng vì lợi ích của sinh trưởng là ý thức hệ của một tế bào ung thư.”

Edward Abbey.

“Vấn đề của chủ nghĩa xã hội là cuối cùng bạn cũng tiêu hết sạch tiền của người khác.”

Margaret Thatcher.

“Nhà tư bản cuối cùng chúng ta treo cổ sẽ là người bán rẻ cái giá treo cổ của mình.”

Karl Marx.

“Quyền lực đơn lẻ hùng mạnh nhất thế giới chính là khát vọng vĩnh cửu được tự do và độc lập của con người.”

Kennedy.

“Tự do trong xã hội tư bản vẫn luôn tương đồng với thời Hy Lạp cổ đại: tự do cho chủ sở hữu nô lệ.”

Vladimir Lenin.

Điều thú vị rằng đây lại là cuộc tranh luận giữa một nhà tư bản Nga và một người Mỹ ủng hộ chủ nghĩa xã hội.

Nếu như đi xem phim ngoài rạp thì rất có thể khán giả sẽ tưởng trường đoạn “bữa tối của thuyền trưởng” chính là cao trào của bộ phim. Nhưng không, ngay sau đó, bộ phim được chuyển sang phần 3 (act three) với cái tên “the island” (hòn đảo). Đó là khi du thuyền bị một nhóm cướp biển tấn công, những du khách còn sống bị trôi dạt vào hoang đảo và phải học cách sinh tồn.

Khi cướp biển tấn công, một tình tiết mình rất thích là hai vợ chồng người Anh – những đại gia sản xuất vũ khí, giàu lên nhờ buôn bán thứ công cụ giết chóc trong chiến tranh, đã bị nổ tung bởi lựu đạn của cướp biển – thứ lựu đạn mà trong phút chốc họ còn tự hỏi có phải lựu đạn họ làm ra hay không. Đây là một sự giễu nhại với những công ty sản xuất vũ khí mà chúng ta đều biết là một phần không nhỏ gây dựng nên sự giàu có của những đế quốc, đặc biệt là Anh và Mỹ.

Khi lên hòn đảo hoang, những người sống sót còn lại (trong đó có cặp đôi Carl và Yaya) phải tìm cách sinh tồn. Khi này, một nhân vật vốn gần như không được để ý trong phần hai – Abigail, bỗng xuất hiện và trở thành vị cứu tinh của cả nhóm. Abigail là một người phụ nữ Châu Á làm dọn dẹp vệ sinh trêu thuyền. Sự mờ nhạt của nhân vật này trong mắt khán giả cũng tương tự như sự mờ nhạt của người phục vụ tầm thường trong mắt những người thượng lưu. Nhưng khi phải sinh tồn ở hoang đảo, Abigail là người duy nhất biết bắt cá, biết nhóm lửa, biết chế biến món ăn… Từ đây, cán cân giai cấp thay đổi. Tiền bạc, quyền lực, vẻ đẹp thân thể, sự nổi tiếng, kiến thức hay kinh nghiệm kinh doanh… tất cả đều vô nghĩa trong thế giới tự nhiên này. Chỉ có người lao động từng trải qua những công việc vất vả mới có thể sinh tồn. Và từ một người lao công vô danh, Abigail trở thành “thuyền trưởng”. Bà bắt đầu có quyền lực, địa vị trong nhóm cộng đồng tội nghiệp này. Và rồi từ đó, Abigail bắt đầu lạm dụng quyền lực.

Nếu như ở phần 2 bộ phim có phần giễu nhại chủ nghĩa tư bản thì giờ là lúc giễu nhại chủ nghĩa cộng sản. Sự lạm dụng quyền lực và tha hóa của Abigail là điều tất yếu, bởi Abigail là “thuyền trưởng” của nhóm vô sản này. Và cũng bởi có những người biết làm việc như Abigail, những người khác – những người giàu có vốn quen với việc thuê mướn người làm việc tay chân hộ mình, giờ đây chỉ biết ngồi không, ăn ké, không chịu lao động, và họ – những kẻ quyền lực trước kia, giờ lại phải cúi đầu, nhún nhường và cả nịnh bợ một người mà trước kia họ không coi ra gì. Đây cũng là lúc mà nữ quyền – phản ánh lại giai đoạn thị tộc trong xã hội nguyên thủy, lên ngôi.

Điều thú vị xảy đến khi Carl – anh chàng người mẫu cao ráo, đẹp trai, ngoại hình tuyệt mỹ, vốn chỉ hẹn hò với những cô nàng người mẫu đẹp mã, xứng tầm với mình, giờ đây lại phải phục vụ Abigail – một người phụ nữ làm lao công với khuôn mặt già nua, khổ sở và thân hình xồ xề, để có được đồ ăn. Yaya – cô bạn gái của Carl dù rất đỗi bức xúc nhưng cũng chẳng thể làm gì được. Thương vụ đổi chác này cũng giống như mua bán dâm, nhưng điều khác biệt là nó đã được hoán đổi: người mua dâm là phụ nữ, bán dâm là đàn ông; người mua dâm là người ở tầm lớp hạ lưu còn bán dâm là ở tầng lớp trung-thượng lưu. Không có gì khác biệt cả, đơn giản là cung-cầu. Abigail nói rằng bà xứng đáng với điều đó, bởi bà phải vất vả làm việc cả ngày để nuôi cả nhóm người chỉ biết ăn không ngồi rồi này. Một cách nào đó, chính Carl cũng đang lao động để kiếm về cái ăn, còn Yaya phải chịu đựng, bởi nếu không cho Carl làm vậy thì cả cô và Yaya đều chết đói.

Khác với phần thứ hai với cao trào đầy hỗn loạn và điên rồ, ở phần thứ ba này không có cao trào. Câu chuyện được cuốn đi bởi sự thú vị khi ranh giới giàu-nghèo, địa vị xã hội, vẻ đẹp hình thể, giới tính nam-nữ và cả sắc tộc bị phá vỡ và hoán đổi cho nhau. Không cần sự kịch tính, người xem chỉ cần dõi theo sự lạm dụng quyền lực của Abigail và mối quan hệ mua bán dâm giữa Carl và Abigail là đủ. Kết phim, Yaya đã tìm ra một resort cao cấp trên đảo, đồng nghĩa với việc họ sẽ liên lạc lại với con người và sẽ trở về cuộc sống cũ của mình. Abigail rõ ràng không muốn điều đó. Bà không muốn trở lại thế giới mà mình chỉ là một bà già lao công, không chồng con, không của cải, không địa vị xã hội, bị xem thường, bị sai bảo, bị mắng mỏ và có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào; trong khi ở đây, bà là “thuyền trưởng”, là bà hoàng, có quyền lực và có cả chàng người mẫu trẻ đẹp phục vụ hàng đêm. Trong khi Yaya không để ý, Abigail đã nhấc lên một hòn đá tảng, và chuyện gì xảy ra sau đó, bộ phim đã bắt khán giả phải đoán nốt. Bộ phim kết thúc bằng cảnh Carl đang chạy giữa rừng với vẻ mặt hoảng hốt, đau đớn cùng với đó là những vết sẹo gỉ máu trên mặt. Chuyện gì đã xảy ra? Có thể Carl đã nghe thấy tiếng Yaya kêu cứu và đang chạy tới, cũng có thể Carl đã thấy Abigail giết Yaya, bị Abigail tấn công và đang chạy trốn. Tới đây, khán giả buộc phải sử dụng trí tưởng tượng để điền nốt cái kết cho câu chuyện này.

Triangle of Sadness đã châm biếm chính trị, xã hội thông qua một câu chuyện đơn giản nhưng đầy điên rồ và thú vị. Đây chính là điều ấn tượng mà không phải bộ phim nào cũng làm được. Thông thường, những phim truyền tải nhiều nội dung về chính trị, xã hội thường hàn lâm, khó xem hoặc sẽ quá tải, bội thực, hoặc sẽ màu mè, quá lố. Bằng sự hoán đổi đầy thú vị của mình, Triangle of Sadness đã đạp đổ những nền tảng thứ bậc, giai cấp xã hội, phân chia giới tính, đẳng cấp; để rồi đưa chúng ta về thời kỳ xã hội nguyên thủy – nơi mà nhu cầu sinh lý: ăn uống, ngủ nghỉ, ỉa đái, an toàn, tình dục mới là những điều tiên quyết. Trong xã hội đó, chỉ có người chăm chỉ, chịu khó, biết làm việc, biết sinh tồn mới có thể làm “thuyền trưởng”. Và khi mà các nhu cầu sinh lý được thỏa mãn, cũng là lúc quyền lực bắt đầu nhen nhón mọc rễ để rồi phát triển thành một xã hội loài người bất bình đẳng như hiện nay.

Trong bối cảnh xã hội mà 1% người giàu nhất nắm giữ 38% tài sản của toàn thế giới; 50% người nghèo nhất chỉ có trong tay chưa đầy 2% tài sản của thế giới, thì Triangle of Sadness chính là một vở hài kịch mỉa mai sự bất công của xã hội hiện đại này.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s