Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm cá nhân dựa trên những tài liệu, kiến thức về Phật giáo mà cá nhân tác giả tiếp thu được.
Cá nhân tôi là người sinh ra và lớn lên trong xã hội và gia đình có niềm tin sâu sắc với Phật giáo. Dì tôi xuất gia từ trước cả khi tôi chào đời, hiện giờ dì đang là thầy trụ trì của hai ngôi chùa ở Hà Nội. Bà tôi là một Phật tử, từ khi tôi còn nhỏ đã được bà dẫn ra chùa, dạy quỳ, dạy khấn vái, đọc kinh; mẹ tôi cũng thường xuyên đến chùa và rất tin tưởng vào Phật giáo… Bản thân tôi cũng từng tin vào sự màu nhiệm của tịnh độ tông, thường xuyên niệm kinh để cầu được phù hộ khi mình mới chuyển nhà, chuyển trường hồi lớp 8 và bị bắt nạt. Đó là quãng thời gian đen tối với tôi, với những bất hạnh ập đến và tôi đã nương nhờ niềm tin vào Phật giáo tịnh độ tông để vượt qua được khó khăn. Nhưng càng lớn lên sau này, càng tìm hiểu triết học, tôn giáo, lịch sử, tôi càng nghi ngờ các yếu tố tâm linh và sự huyền ảo, màu nhiệm của tịnh độ tông nói riêng và Phật giáo đại thừa nói chung. Bởi vậy, tôi đã tìm hiểu nhiều hơn về Phật giáo, tìm tới tận Phật giáo nguyên thủy để tìm kiếm câu trả lời cho những băn khoăn của mình.
Phật giáo, hay đạo Phật, là một trong 4 tôn giáo lớn nhất và có đông đảo tín đồ nhất trên thế giới. Nếu như Công giáo phổ biến nhất ở phương tây, Hồi giáo phổ biến nhất ở trung đông, thì Phật giáo phổ biến nhất ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Đạo Phật ngày nay phổ biến nhất ở Trung Quốc, Mông Cổ, Nepal, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Là một người theo chủ nghĩa vô thần nhưng tôi rất có cảm tình với Phật giáo. Có lẽ là bởi tôi đã tiếp xúc với Phật giáo từ nhỏ. Dẫu vậy, tôi ngày càng quan tâm tới nguồn gốc Phật giáo, cũng như những điều không hợp lý của Phật giáo tại Việt Nam hiện tại. Bởi vậy, tôi đã tìm đọc các thông tin về Phật giáo nguyên thủy, và từ đó, tôi nhận ra một điều: Phật giáo hiện tại đã khác xa so với Phật giáo nguyên thủy. Và Phật giáo nguyên thủy, theo một cách nào đó, mang tính triết học và giáo dục hơn là một tôn giáo. Tại sao lại như vậy, chúng ta hãy cùng luận bàn ở bài viết này nhé.

Nguồn gốc Phật giáo
Trước khi luận bàn về Phật giáo, chúng ta cần tìm hiểu về nguồn gốc của Phật giáo.
Lịch sử Phật giáo bắt đầu sớm hơn Công giáo rất nhiều, từ khoảng 600 năm TCN, tại nền văn minh Vệ Đà (Vedas) cổ xưa ở Ấn Độ. Lúc bấy giờ, lãnh thổ Ấn Độ khác so với bây giờ, bao gồm nhiều tiểu quốc nhỏ hợp thành. Xã hội thời Vedas được cai trị bởi đạo Bà-la-môn (Brahmana), chia xã hội thành bốn đẳng cấp. Mỗi đẳng cấp xuất thân từ một phần của các vị thần, trong đó đẳng cấp Bà-la-môn là cao quý nhất. Việc phân chia đẳng cấp này dẫn đến xã hội vô cùng bất công, các tầng lớp trên áp bức các tầng lớp dưới khiến người dân khổ sở.
Vào thời Mahajanapada, tại tiểu quốc Shakya (Thích Ca) (ngày nay là Nepal) có một thái tử là Siddhartha Gautama. Cha của ngài là vua Suddhodana, người cai trị tiểu quốc. Bỏ qua những câu chuyện mang tính thần thoại về sự sinh ra của Siddhartha Gautama (sẽ bàn luận chi tiết hơn ở phần 3), ngài đã sinh ra trong một gia đình giàu có, ở đẳng cấp cao, có cuộc sống sung túc. Vua cha đã cho phép ngài hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý, không phải tiếp xúc với cảnh đói khổ, cơ hèn của cuộc đời. Sau này, ngài kể lại: “Đời sống của ta (lúc bấy giờ) thật là tế nhị, vô cùng tinh tế. Trong hoàng cung, chỗ ta ở, phụ hoàng có đào ao, xây những đầm sen. Khi sen xanh đua nhau khoe màu ở đây thì sen đỏ vươn mình phô sắc phía bên kia, và trong đầm bên cạnh sen trắng đua nhau khoe vẻ đẹp dưới ánh nắng ban mai. Trầm hương của ta dùng đều là loại thượng hảo hạng từ xứ Ca-tây (Kāsi) đưa về. Khăn và xiêm áo của ta cũng may toàn bằng hàng lụa bậc nhất từ Ca-tây chở đến”.

Siddhartha Gautama cũng đã lấy vợ, vợ của ngài là một công chúa, cũng quyền thế và vương giả không kém. Hai người cũng đã có với nhau một người con trai. Dù sống trong cảnh hưởng lạc, sung túc, Siddhartha Gautama lúc nào cũng ưu tư và cảm thấy cuộc sống của mình dần trở thành vô nghĩa. Vua cha đã quyết định xây dựng 3 lâu đài: lâu đài mùa xuân, lâu đài mùa thu và lâu đài mùa đông cho thái tử để làm vui lòng con trai mình, nhưng Siddhartha Gautama chẳng hề lay chuyển bởi sự khoái lạc. Một ngày nọ, ngài du ngoạn ra ngoài thành, thấy ở bốn cửa thành bốn cảnh: người già yếu, người bệnh tật, một xác chết và người sa môn khổ hạnh. Ngài lại càng trở nên ưu tư hơn nữa, luôn suy nghĩ về sinh, lão, bệnh, tử, tại sao con người phải trải qua những thứ khổ đau như thế, và làm sao để con người có thể vượt qua được những khổ đau này. Một đêm nọ, Siddhartha Gautama bỏ khỏi cung điện, để lại toàn bộ tài sản, vàng bạc, gấm vóc, để lên đường tu hành như một tu sĩ. Lúc mới đi, ngài còn mang theo một con ngựa và một người nô bộc trung thành, nhưng khi ra đến bờ sông, ngài đã cạo râu, cắt tóc, trao lại y phục, trang sức và cả con ngựa lại cho người nô bộc, bảo ông ta về thông báo lại tin này cho vua cha. Từ đó, Siddhartha Gautama chính thức lên đường tu hành như một người vô danh. Sử sách Phật giáo gọi ngày này là ngày “đại xả li”, ấn định vào ngày mùng 8 tháng 2 năm 595 TCN.

Siddhartha Gautama đã tìm đến nhiều dòng tu hành, giáo phái khác nhau. Hầu hết các dòng tu hành này đều theo trường phái khổ hạnh. Họ là những đệ tử sa môn, sống cuộc sống của những đạo sư khổ hạnh. Siddhartha Gautama theo học tất cả, đều đạt tới cấp độ thiền định cao nhất, nhưng ngài thấy rằng tu luyện khổ hạnh không giúp con người vượt qua được khổ đau, buồn tủi, và cũng không tìm thấy câu trả lời cho những băn khoăn của mình. Thậm chí khi ngài tu luyện khổ hạnh ở cấp độ cao nhất, đã có 5 vị tỳ kheo danh tiếng tu luyện cùng ngài, ngài đã khổ hạnh tới mức có lúc cận kề cái chết. Sau đó, ngài nói với 5 vị tỳ kheo rằng chính việc khổ hạnh, ăn ít khiến cơ thể kiệt quệ, yếu ớt nên không thể suy nghĩ thấu đáo, không đạt được tới cảnh giới của tự do ý chí. 5 vị tỳ kheo thất vọng bỏ đi. Từ đó, ngài rời khỏi lối tu khổ hạnh, ăn uống bình thường, tiếp tục lên đường tìm kiếm chân lý.
Thời gian sau đó, Siddhartha Gautama thường đi khất thực và ngồi thiền định. Theo Phật sử, ngày 8 tháng chạp âm lịch năm 589 TCN, Siddhartha Gautama đạt tới giác ngộ, được các đệ tử gọi là đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni), nghĩa là “đức Phật trí giả của dòng dõi Thích Ca”. Ngài đồng thời cũng nhận được danh hiệu Như Lai (tathagata), là danh hiệu cao nhất của Phật giáo. Tuy nhiên, có một sự thực khác đằng sau, đó là Siddhartha Gautama thường sử dụng từ tathagata (nghĩa là: “người đến từ cõi chân như, hay là cõi hư không) để thậm xưng thay cho ngôi thứ nhất “ta”, “tôi”. Từ này vừa để thể hiện sự khiêm tốn, vừa để xóa bỏ cái tôi của người nói. Tuy nhiên sau này, các môn đồ Phật giáo lây từ tathagata (Như Lai) làm danh hiệu cao nhất của Phật giáo. Qua bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, danh hiệu Như Lai lại càng nổi tiếng khắp Đông Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, gọi “Phật tổ Như Lai” là sai, giống như ta gọi một người nào đó là “anh Tôi” vậy.

Sau khi đạt cảnh giới giác ngộ, Phật Thích Ca chiêm nghiệm ra luân hồi và biết mình sẽ thoát khỏi luân hồi, sẽ không còn tái sinh nữa. Theo kinh sách, ngài từng nói:
“… Sau khi hoàn lại sinh lực (sau khi tu khổ hạnh vô ích), ta chú tâm giải thoát khỏi những tư tưởng tham ái, bất thiện và đạt được sơ thiền, sau đó nhị thiền, tam thiền và tứ thiền, nhưng những cảm giác hỉ lạc này không để lại dấu vết gì trong tâm ta.
Khi tâm ta được an tịnh, thanh lọc, không bị dục vọng cấu uế, nhạy bén, chắc chắn, bất động, ta hướng nó về những ký ức và nhận thức về các kiếp trước. Ta nhớ lại nhiều tiền kiếp, một, hai, ba, bốn, năm,…, trăm ngàn kiếp trước, nhớ những chu kì của thế giới. ‘Nơi đó ta đã sống, tên của ta đã như thế, gia đình của ta là như thế, nghề nghiệp của ta, giai cấp xã hội của ta… Ta đã chết như vầy…’ Sự hiểu biết đầu tiên này ta đã đạt được trong canh đầu…
Sau đó ta chú tâm đến sự sinh thành và hoại diệt của chúng sinh. Với con mắt của chư thiên, trong sáng, siêu việt mọi giới hạn nhân thế, ta thấy chúng sinh hình thành và tiêu hoại,… chúng sinh tái sinh theo nghiệp lực. Ta nhận ra rằng ‘Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện qua ba ải thân khẩu ý đều chìm đắm sau khi chết, tái sinh trong đoạ xứ, địa ngục. Các chúng sinh nào tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu ý được tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi thiên’… Sự hiểu biết thứ hai này ta đã đạt được trong canh hai.
Sau đó ta chú tâm nhận thức về sự tiêu diệt các lậu và nhìn nhận như thật: ‘Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là phương pháp tiêu diệt khổ, đây là con đường tiêu diệt khổ’, và khi ta nhận thức được điều này, tâm ta thoát khỏi dục vọng, ham muốn tồn tại, vô minh. Ta tự hiểu chân lý ‘Tái sinh ta đã đoạn, cuộc sống tu tập của ta đã hoàn tất, ta đã hoàn thành những gì phải làm. Cuộc sống (khổ đau) này ta đã vượt qua’… Sự hiểu biết thứ ba này ta đã đạt được trong canh ba…”

Ngài cũng nghiệm ra những kiến thức của mình bị che lập bởi vô minh (sự ngu dốt của loài người cùng các tệ tính như tham, sân, si, mạn, nghi, kiến…) nên đã đi khắp nơi giảng đạo, thu nhận nhiều đệ tử. Ngài cũng tìm lại các thầy tu sa môn và 5 vị tỳ kheo khi xưa của mình để truyền đạo. 5 vị tỳ kheo này sau đó đã đi theo ngài và đều trở thành những A-la-hán (arahat) – những vị Phật cũng đạt tới niết bàn.
Trong quãng thời gian đi khắp nơi giảng đạo, Phật Thích Ca nhiều lần gặp các giáo đồ hoặc chức sắc đạo Bà-la-môn. Ngài có hùng biện với họ để chứng minh một điều quan trọng: “vô tạo giả” – không có thần thánh nào tạo ra thế giới. Đây là một lý thuyết quan trọng trong Phật giáo nguyên thủy mà sau này khi Phật giáo truyền bá đến các nước khác (đặc biệt là Phật giáo đại thừa) đã xóa bỏ. Ngài cũng bị nhiều người theo đạo Bà-la-môn ghét bỏ, chửi mắng, thậm chí ám hại. Nhưng với đức độ từ bi và đặc biệt là đã loại bỏ được cái tôi, Phật Thích Ca đã không hề phản đáp lại. Tương truyền, câu nói nổi tiếng “khi họ chửi mình, tai họ ở gần miệng họ hơn nên họ tự nghe” vẫn lưu truyền và nổi tiếng đến tận bây giờ, chính là của Phật Thích Ca.
Vào khoảng năm 80 tuổi, Phật Thích Ca qua đời. Truyền thuyết kể lại rằng nguyên nhân là do trong thức ăn do một vị thợ rèn nấu cho ngài có lẫn nấm độc. Phật Thích Ca căn dặn các đệ tử rằng không được trách người thợ rèn, ông ta chỉ có thiện ý nấu ăn còn nấm độc lẫn vào là do vô tình nên không có tội. Kết cục này là quả báo của ngài và giờ là lúc phải trả.
Trước khi qua đời, ngài truyền dạy lại câu cuối cùng: “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, chịu biến hoại, hãy tinh tấn tu học !”. Sau đó, Phật Thích Ca nhập diệt vào niết bàn.
Như vậy, Siddhartha Gautama, hay còn gọi là Phật Thích Ca Mâu Ni, chính là vị Đức Phật đầu tiên sáng lập ra Phật giáo. Dù câu chuyện về ngài còn có nhiều yếu tố huyền thoại xen vào (có thể do người đời sau sáng tạo thêm để tăng thêm quyền năng cho ngài – điều mà dân gian Á Đông vẫn thường làm với các vị anh hùng, vua chúa…), những bằng chứng khảo cổ và nhân chủng học đã chứng minh Siddhartha Gautama là nhân vật lịch sử có thật, và chính ngài đã lập ra Phật giáo.

Bản chất của Phật giáo nguyên thủy
Phật giáo nguyên thủy là một khái niệm đầy mông lung và thiếu tài liệu, dẫn chứng cho nó, bởi chuyện đã xảy ra từ những năm 500 TCN và hầu hết câu chuyện về Phật Thích Ca cùng lời răn dạy của ngài đều do các đệ tử ghi chép lại. Họ có thể đã hiểu sai, ghi chép sai hoặc sáng tạo thêm, điều đó là không tránh khỏi. Và chính những tài liệu được ghi chép thuở ban đầu khi Phật Thích Ca còn sống cũng được người đời sau sao chép lại, sáng tạo thêm; và vì vậy, để nói bản chất của Phật giáo nguyên thủy như nào là đúng là rất khó. Dưới đây sẽ là những kiến thức mà tôi thu thập được, cũng như tôi, dưới góc nhìn thiển cận cá nhân, tự tin rằng những kiến thức này là đúng về Phật giáo nguyên thủy.
Thứ nhất, đó là định nghĩa “niết bàn”. Niết bàn (nirvana) là khái niệm được Phật Thích Ca nhắc đến rất nhiều lần, và chính ngài khi nhập diệt cũng được vào cõi niết bàn. Đây được xem là đích đến của các sinh linh, và người theo Phật giáo tu luyện cũng nhằm mục đích được vào niết bàn. Vậy niết bàn là gì?
Niết bàn là một khái niệm triết học, tôn giáo từ Ấn Độ giáo, còn có từ trước cả khi Phật giáo ra đời. Bản thân Phật Thích Ca là người sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, nên ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng triết học huyền ảo của Ấn Độ. Các khái niệm về niết bàn, luân hồi, ngã, nghiệp đều từ triết học cổ Ấn Độ. Niết bàn trong tiếng Ấn là nirvana hoặc nibbana, có nghĩa gốc là “thổi tắt”, nhưng cũng được dịch ra là “nhập diệt”, “diệt khổ”, tịch diệt”, hay “giải thoát”. Theo triết học cổ Ấn Độ, niết bàn là cõi mà tiểu ngã – linh hồn của mỗi cá nhân (atman) sẽ hòa vào đại ngã – linh hồn chung của cả vũ trụ (brahman). Tuy nhiên, theo Phật Thích Ca thì “niết bàn” có 2 loại:
- Sa upādisesanibbāna (hữu dư niết bàn) là khi người tu hành đoạn tuyệt được với tham, sân, si, mạn, nghi, kiến; xóa bỏ được cái tôi và do đó không còn cảm nhận thấy khổ đau. Niết bàn này là một trạng thái của tư duy.
- Anupādisesanibbāna (vô dư niết bàn) là khi người tu hành đã đạt hữu dư niết bàn, sau đó chết đi, sẽ thoát khỏi luân hồi, không tái sinh nữa, được hoàn toàn biến mất, hoàn toàn giải thoát. Niết bàn này là một trạng thái của sự tồn tại. Như vậy, khái niệm vô dư niết bàn này gần giống với khái niệm niết bàn trong triết học cổ Ấn Độ, là khi mà con người xóa bỏ được cái tôi cùng các tính tham, sân, si, mạn, nghi, kiến (đều là những thứ sinh ra vì bản tính tôi) và chết đi sẽ được yên lòng, hòa chung vào với vũ trụ.
Theo tôi, niết bàn là một khái niệm rất hay. Chúng ta hãy cứ hình dung rằng con người nói riêng và các loài động vật nói chung, do sự phát triển của não bộ mà sinh ra cái tôi – bản thân mình phải là trung tâm của nhận thức. Tham sinh ra khi chúng ta muốn cái lợi cho chúng ta. Sân sinh ra khi chúng ta vì bị thiệt mà cáu giận. Si sinh ra khi chúng ta không có được cái/người mà chúng ta muốn. Mạn sinh ra khi chúng ta đặt bản thân cao hơn những người khác. Nghi sinh ra khi chúng ta không tin tưởng người khác, cho rằng họ sẽ làm hại mình. Kiến sinh ra khi chúng ta dùng kiến thức, kinh nghiệm bản thân để đánh giá, chỉ trích người khác. Chung quy lại, các tệ tính này đều sinh ra vì chúng ta đặt cái tôi vào trung tâm nhận thức. Điều này là dễ hiểu bởi sự tiến hóa đã cài đặt cho nhận thức động vật cái tôi để có thể tự bảo vệ bản thân, tồn tại và sinh trưởng. Cái tôi là nguồn gốc cho sự phát triển xã hội, nhưng cũng là cội nguồn của khổ đau. Khi loại bỏ được cái tôi, ta sẽ không còn cảm thấy đau đớn, buồn khổ khi bản thân bị làm hại, khi bản thân mắc bệnh, khi người thân qua đời… Như vậy, bản chất của đạo Phật là loại bỏ được cái tôi, qua đó giúp cho thâm tâm được vô lo, vô nghĩ, không cảm thấy đau đớn, buồn khổ. Mỗi cái tôi của mỗi cá thể là một tiểu ngã. Chúng ta nhập niết bàn khi mỗi tiểu ngã nhập vào đại ngã của cả vũ trụ, tức chúng ta nhận thức, chấp nhận (bằng tất cả tư duy và cảm xúc chứ không chỉ bằng khái niệm) rằng mỗi chúng ta chỉ là 1 phần của tự nhiên, của vũ trụ. Chúng ta bị cá sấu ăn thịt thì cũng là hòa trộn vào 1 phần của vũ trụ, cũng giống như một chiếc lá rụng xuống đất, dần dần trở thành nguồn dinh dưỡng cho chính rễ cây. Chúng ta cũng giống như 1 hạt cát, 1 giọt nước, 1 chiếc lá, 1 luồng gió, đều là 1 phần của vũ trụ.
Hiểu thì dễ nhưng thực hành mới khó. Làm sao một sinh vật đã hình thành cái tôi từ khi sinh ra, nằm trong bộ gene, được lập trình qua cả quá trình tiến hóa của bản năng, lại có thể loại bỏ cái tôi được cơ chứ. Bởi vậy, việc có thể tu được như Phật Thích Ca là điều mà gần như bất khả thi. Ngay cả những đệ tử của ngài – những người đi theo ngài tu hành và cũng đã được phong Phật trong Phật giáo, tôi hồ nghi rằng liệu rằng bọn họ có thực sự tu hành được đến niết bàn hay không? Và cũng bởi vì sự khó đến mức gần như bất khả thi – là hành động chống lại sinh học này, mà Phật giáo nguyên thủy buộc phải có những thay đổi để thích nghi và tăng trưởng tín đồ cho mình.
Niết bàn khác với các khái niệm thiên đàng, tiên giới, Valhalla trong Công giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Đạo giáo, thần thoại Bắc Âu, thần thoại Hy Lạp… Điểm chung của thiên đàng, tiên giới, Valhalla thì đó đều là nơi các vị thần sinh sống, con người khi được đến đó sẽ có cuộc sống sung túc; nhưng niết bàn thì lại là cõi hư vô.

Thứ hai, là nghiệp và nghiệp báo (karma), cũng lá khái niệm từ triết học cổ Ấn Độ. Mỗi cá nhân khi hành động đều tạo ra nghiệp. Có nghiệp tốt, có nghiệp xấu. Và nghiệp báo là khi trong tương lai, cá nhân đó nhận lại kết quả đúng như nghiệp tốt hoặc nghiệp xấu mình tạo ra. Ví dụ, một kẻ giết người đã thoát tội, sống cuộc sống bình yên. Nhưng do nghiệp nặng giết người, sau này, kẻ đó bị một kẻ trộm khác lẻn vào nhà và giết chết. Đó chính là nghiệp báo, hay còn gọi là ác giả ác báo. Theo tôi, nghiệp không thực sự có thật. Bản chất của nghiệp là tính logic, tương tác giữa các hành động, sự kiện với nhau theo mối quan hệ nguyên nhân-kết quả. Tuy nhiên, đôi khi mắt xích có thể đứt gãy. Ví dụ như trường hợp kể trên, kẻ giết người hoàn toàn thoát tội, mất hết manh mối, bằng chứng (ví dụ như kẻ sát nhân Jack The Ripper). Nếu chuyện xấu xảy ra với cá nhân đó, thì đó là một sự kiện vô tình xảy ra, không phải do nghiệp báo (mà không nằm trong mắt xích logic nguyên nhân-kết quả).
Thứ ba, luân hồi. Như đã nói ở trên, luân hồi cũng là một khái niệm gốc từ triết học cổ Ấn Độ. Trong Phật giáo có khái niệm bánh xe luân hồi. Theo đó, sau khi chết ở trần thế, tùy vào nghiệp của người đó mà sẽ tái sinh vào 1 trong 6 cõi:
- Cõi thiên (deva): là cõi trời, nơi chúng sinh được sống trong sung sướng, hạnh phúc, có tuổi thọ lâu dài. Tuy nhiên, người sống ở cõi thiên khó có thể thoát luân hồi bởi họ không hiểu được khổ và không có ý muốn thoát luân hồi. Theo tôi, cõi thiên được Phật Thích Ca sáng tạo ra dựa trên quãng thời gian thiếu thời sống sung túc của mình.
- Cõi A-tu-la (asura): là các vị thần thánh Ấn Độ được con người tôn thờ. Theo Phật Thích Ca thì thế giới là “vô tạo giả”, tức không có một vị thần toàn năng toàn trí tạo ra thế giới. Vậy các vị thần thánh mà con người đang thờ phụng, họ là ai? Họ chính là những A-tu-la có công giúp dân, được dân thờ phụng. Họ được ở cõi A-tu-la và sống sung túc, thọ hơn con người nhờ phúc mà con người thờ cúng cho họ. Đến khi hết phúc thì họ sẽ phải tiếp tục vào lục đạo luân hồi. A-tu-la cũng thường có hình dạng xấu xí, và cũng có những A-tu-la cậy quyền lực mà làm điều ác, hại cho chúng sanh.
- Cõi người: chính là nhân gian mà con người đang sinh sống
- Súc sinh: là cõi mà khi đầu thai, linh hồn sẽ chuyển sinh thành các loài động vật
- Quỷ đói/ngạ quỷ: là những cô hồn chết vì đói khát, không nơi nương tựa, không người thờ cúng, thường vật vờ, quấy rối, ám hại con người.
- Cõi địa ngục: cũng gọi là hỏa ngục, là nơi mà các linh hồn gây ra tội ác bị trừng phạt sau khi chết.

Dẫu vậy, có một sự thật là Phật Thích Ca chưa từng giải thích về lục đạo luân hồi. Khi các đệ tử hỏi, ngài tuyệt đối không trả lời các thắc mắc vô bổ này vì với ngài, đó là những điều gây xao nhãng con đường tu hành. Những điều này sẽ được thấu tỏ khi giác ngộ thành Phật và người tu hành chỉ nên hướng tới niết bàn mà thôi. Như vậy, Phật giáo nguyên thủy có luân hồi hay không vẫn còn là một ẩn số. Và rất có thể vai trò của luân hồi đã được nâng lên bởi các thế hệ sau, để khiến cho con người vì sợ mà tự nguyện theo đạo, tu luyện.
Thứ tư, tứ diệu đế: là bốn sự thật mà các bậc minh triết nhận ra:
- Khổ đế (dukkka): là tính chất bắt buộc mà cuộc đời người phải trải qua
- Tập đế (samudaya): nguồn gốc, nguyên nhân của khổ đế
- Diệt đế (nirodha): khổ đế có thể được tận diệt bằng sự đoạt tuyệt
- Đạo đế (magga), hay còn gọi là bát chánh đjao, là con đường để thực hiện diệt đế
Thứ năm, bát chánh đạo: 8 con đường tu luện để diệt khổ:
- Chánh kiến: Tu luyện trí tuệ để am hiểu, tường minh về đạo
- Chánh tư duy: từ bỏ đời sống vô minh, các ràng buộc xã hội để có thể rèn luyện theo đạo
- Chánh ngữ: tu luyện lời nói, không nói dối, thô lỗ… hay dùng lời nói gây hại cho người khác
- Chánh nghiệp: không tạo ra nghiệp ác
- Chánh mạng: không buôn bán người, vũ khí hay những thứ gây hại đến sinh mạng
- Chánh tinh tấn: ngăn chặn sự sinh khởi và tăng trưởng của các quan niệm, lối sống tà ác
- Chánh niệm: duy trì các pháp giúp cho con đường tu luyện
- Chánh định: thực hiện 4 tầng thiền để tập trung rèn luyện tâm trí
Thứ sáu, ngũ giới: Phật Thích Ca đã đưa ra ngũ giới để áp kỷ luật lên các đệ tử tu hành, hòng giúp họ không bị vô minh và các tệ tính tham, sân, si… lôi kéo, bao gồm: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Theo Phật giáo nguyên thủy, năm hành động cấm kỵ này đều làm hại người khác hoặc là nguồn cơn gây hại (uống rượu dễ sinh tức giận hoặc vô minh mà làm hại người khác hoặc bản thân hoặc phá giới), gây ra nghiệp ác hoặc khiến người tu hành lạc lối khỏi con đường của mình.
Thứ bảy, vô tạo giả: đây là yếu tố quan trọng với mình mà ít Phật tử đề cập đến, bởi điều này có thể phá hỏng mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa. Phật Thích Ca khi hùng biện với những người theo đạo Bà-la-môn đã đưa ra lý lẽ rằng thế giới “vô tạo giả” tức không có một vị thần thánh toàn năng toàn trí nào tạo ra thế giới cả. Đây được coi là nội dung cơ bản nhất và khác tất cả các tôn giáo khác, là nét độc đáo trong thế giới quan Phật giáo nguyên thủy. Theo một cách hiểu nào đó, Phật giáo nguyên thủy được tạo ra để giải thoát con người hèn yếu, nghèo khổ thoát khỏi ách cai trị của tầng lớp tôn giáo Bà-la-môn ở Ấn Độ lúc bấy giờ.

Phật giáo đại thừa và Phật giáo tiểu thừa
Phật giáo khi sinh ra không có cơ chế tập trung quyền lực như giáo hoàng của Thiên chúa giáo hay giáo chủ Khalif của Hồi giáo. Sau khi nhập diệt, Phật Thích Ca không chỉ định người tiếp nối cương vị của mình, bởi ngài không coi mình là trung tâm hay coi vị trí của mình là một vị trí đặc biệt, có quyền lực. Ngài chỉ căn dặn các đệ tử cần chú ý tu luyện. Nhưng sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, các đệ tử của ngài cần phải tìm người đứng đầu. Hơn nữa, họ cũng bị giằng xé giữa việc làm theo Phật làm và nói những gì Phật nói. Từ đó, hai đại trường phái là đại thừa và tiểu thừa ra đời.
Vào giai đoạn phân chia đó, đã có nhiều bộ phái ra đời, trong đó có đại chúng bộ và thượng tọa bộ. Tuy nhiên, ở khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ chỉ nhắc đến hai nhánh lớn nhất và phổ biến nhất cho tới hiện nay, đó là đại thừa (mahayana) và tiểu thừa (hinayana).
Vào khoảng đầu công nguyên, Phật giáo sau thời kỳ phát triển thịnh vượng ở Ấn Độ và phân chia thành nhiều bộ phái, đã bắt đầu suy yếu. Do Phật pháp nghiêm minh, ngày càng có ít người chứng quả A-la-hán hơn, do đó, cũng ngày càng có ít tín đồ hơn. Một bộ phận nhà sư Phật giáo lúc bấy giờ đã muốn “nói những gì Phật nói”, tức truyền bá đạo Phật ra rộng rãi hơn, chủ trương không chỉ làm theo những gì Phật làm, mà còn lan tỏa tới quần chúng, thậm chí lý giải lại, hoặc thêm thắt để dễ hiểu hơn và dễ tiếp cận hơn với mọi người. Trong Phật pháp có tam bảo: Phật, pháp, tăng. Nếu như Phật giáo nguyên thủy đề cao pháp, tức giáo lý và nguyên tắc, thì bộ phái mới này đề cao tăng: vai trò của nhà sư trong việc truyền bá và lan tỏa đạo Phật. Họ tự gọi mình là “đại thừa”, tức “cỗ xe lớn”, hàm ý Phật giáo của họ là một cỗ xe lớn cứu vớt được đông đảo chúng sinh. Họ gọi những người chủ trương tu luyện “làm theo những gì Phật làm” chỉ là “tiểu thừa”, tức là “cỗ xe nhỏ”, hàm ý những người này chỉ có thể cứu vớt được chính mình. Như vậy, “đại thừa” và “tiểu thừa” là những tên gọi không chính thức của hai đại trường phái này, do phái “đại thừa” gọi.
Vì các tông phái theo đại thừa truyền bá lên Tây Tạng, rồi dựa vào con đường tơ lụa truyền bá sang Trung Hoa, từ đó lan tỏa rộng rãi sang các nước đồng văn với Trung Hoa (Nhật Bản, Triều Tiên, Đại Việt) nên còn gọi là “bắc tông”. Các tông phái dựa theo Phật giáo nguyên thủy, hay còn gọi là “tiểu thừa” thì theo người Ấn Độ lan truyền sang Myanmar, Thái Lan, các nước Khmer (Lào, Campuchia, miền nam Việt Nam…) hay các nước Nam đảo, nên còn gọi là “nam tông”.

Phật giáo đại thừa có công lớn trong việc biến Phật giáo trở thành một trong những tôn giáo phổ biến nhất thế giới. Nếu không có Phật giáo đại thừa, có lẽ giờ Phật giáo chỉ giống như Ấn Độ giáo hay đạo Sikh mà thôi. Để có thể lan truyền ra ngoài Ấn Độ, Phật giáo đại thừa có 2 sự thay đổi:
- Truyền bá giáo lý để tiếp cận đông đảo đại chúng: đại khái là giảm bớt sự khó khăn, khắc khổ trong tu luyện, thay vào đó là nâng cao thành quả của việc đọc kinh, khấn bái (rằng những hoạt động này có thể cầu phúc, cầu may, được phù hộ). Từ đó, sinh ra một tông phái rất lớn của đại thừa, đó là tịnh độ tông.
- Sáp nhập với tín ngưỡng bản địa, ví dụ như các vị thần, hay lễ nghi, văn hóa bản địa. Tây Du Ký là một tác phẩm văn học đã làm nổi bật việc sáp nhập Phật giáo với tín ngưỡng bản địa Trung Hoa.
Trong cuốn sách “Lược sử Phật giáo” của Edward Conze – một nhà nghiên cứu kiêm Phật tử, có ghi chép lại rằng những nhà sư Phật giáo đại thừa cho rằng những giáo lý Phật giáo nguyên thủy đã xưa cũ, chưa đầy đủ, bởi vậy họ đã chủ trương cải tiến, cải cách và cập nhật thêm. Nhiều vị Phật mới ra đời, cùng với đó là những kinh văn mới được sáng tạo. Để làm được điều đó, họ đã giảm nhẹ vai trò Phật là một con người có thật trong lịch sử mà thần bí hóa các chuyện kể về Phật Thích Ca, và biến từ “Phật” từ nghĩa nguyên khởi là “người giác ngộ” trở thành một thế lực thần linh quyền năng. Không chỉ có một Đức Phật mà có nhiều Đức Phật. Tôi tin rằng trong số đó có nhiều nhà sư Đại thừa cũng đã được sắc phong thành Phật và dần dần huyền ảo hóa, khiến người đời trọng vọng như một Đấng cứu thế quyền năng.
Không chỉ có vậy, Phật giáo đại thừa còn liên kết những bộ kinh văn mới với những bộ kinh văn cũ, hoặc thay đổi phần nào kinh văn cũ, hoặc thừa nhận rằng họ đã trực tiếp ghi chép lại những kinh văn mới này từ chính Phật Thích Ca. Do thời gian đã quá lâu và chủ yếu đều là những tài liệu truyền tay, không có chính sử ghi chép hay thu thập kinh văn nhằm mục đích lưu trữ, khảo cổ, bởi vậy đến thời điểm hiện tại, vẫn không có bằng chứng nào xác nhận hay phủ nhận mối liên quan của các kinh văn Phật giáo đại thừa với Phật giáo nguyên thủy của Phật Thích Ca.
Trong Phật giáo nguyên thủy, A-la-hán là những đệ tử cấp cao nhất của Phật Thích Ca. Họ đều là những người đã đạt đến hữu dư niết bàn, đạt danh hiệu “Phật”; nhưng dưới thời của Phật giáo đại thừa, A-la-hán bị xếp dưới danh hiệu “bồ tát” (bodhisattva – bồ đề tát đỏa). Bồ tát là những người đắc đạo, vừa có trí tuệ như A-la-hán mà vừa có một đặc tính nổi trội: từ bỉ, cứu độ chúng sanh. Có lẽ bởi vậy, trong xã hội chịu ảnh hưởng của Phật giáo đại thừa, vị trí của các vị Bồ tát là rất quan trọng. Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara Bodhisattva) có lẽ là vị Bồ tát được biết đến nhiều nhất, thông qua Phật giáo tại Trung Hoa cũng như qua tác phẩm Tây Du Ký. Các vị Bồ tát được người dung tôn kính, thờ phụng, cầu nguyện bởi các vị Bồ tát thường cứu vớt chúng sanh khỏi khổ đau, bệnh tật, điều không may mắn… Thế nhưng khi so sánh với Phật giáo nguyên thủy, thật khó có thể lý giải về những vị Bồ tát này. Nếu theo Phật giáo đại thừa, Bồ tát là những vị đang trên đường trở thành quả Phật (một Đức Phật thực sự), nhưng nếu chưa phải là Phật thì Bồ tát sao có thể thông hiểu tam giới để có thể tạo ra những phép thuật cứu vớt chúng sanh? Dù là Phật Thích Ca hay các A-la-hán thì đều không thoát được sinh-lão-bệnh-tử cho tới khi nhập diệt, vậy nhưng làm thế nào mà các Đức Phật cũng như Bồ tát trong Phật giáo đại thừa lại sống trường tồn giống như các vị thần trong văn hóa dân gian? Điều này chỉ có thể lý giải rằng Phật giáo đại thừa đã thần thánh hóa Phật, đưa danh hiệu này trở thành một đáng toàn năng đầy nhiệm màu, và như vậy lại xung khắc với triết lý “vô tạo giả” của Phật giáo nguyên thủy, hay xung khắc với chính câu chuyện về Phật Thích Ca, bởi nếu như Phật có thể trường sinh và có đủ màu nhiệm để cứu vớt con người, tại sao Phật Thích Ca vẫn phải chết và tại sao Phật Thích Ca không làm phép cứu vớt chúng sinh?

Tịnh độ tông là tông phái phổ biến nhất của Phật giáo đại thừa. Với tông phái này, con người, kể cả là nhà sư, hay Phật tử, hay không phải Phật tử, chỉ cần đọc kinh, cầu nguyện là sẽ được Phật phù hộ. Điều này rất giống với các tôn giáo khác trên thế giới, cũng như giống với những tín ngưỡng dân gian, khi con người cầu nguyện xin sự giúp đỡ của các thần linh hay đấng siêu nhiên. Cầu nguyện, thờ phụng bắt nguồn từ việc con người cảm thấy bất lực với thế giới tự nhiên, với vận mệnh, và mong muốn được các thế lực siêu hình giúp đỡ. Đây là nhu cầu cơ bản của con người. Để truyền bá, lan tỏa và phát triển, Phật giáo đại thừa cần tích hợp cả yếu tố này, và từ đó, tịnh độ tông ra đời. Những câu chuyện cứu khổ, cứu nạn và sự linh thiêng, thần kỳ đã giúp Phật giáo đại thừa lan tỏa đức tin. Và nhờ hòa trộn vào tín ngưỡng và những truyền thuyết dân gian bản địa, chính sự mơ hồ và những chuyện tâm linh vốn dĩ là của tín ngưỡng bản địa đã được con người tin rằng chúng có liên quan tới Phật giáo, và lại càng tin vào Phật giáo và nương nhờ các vị Phật giúp đỡ.
Một vị Phật nổi tiếng nhất của Phật giáo đại thừa là Phật A Di Đà (Amitabha). Ngài là vị Phật nổi tiếng thứ hai, chỉ sau Phật Thích Ca, và là vị Phật được gọi tên nhiều nhất, với câu khấn “Nam mô A Di Đà Phật” của Phật giáo đại thừa. Trong tiếng Phạn, Amitabha nghĩa là “ánh sáng vô lượng”, như vậy đây không phải tên riêng, và rất có thể Phật A Di Đà không phải một nhân vật có thật. Ngài còn được biết đến với cái tên khác là Phật Vô Lượng Quang. Theo cuốn sách Lược sử Phật giáo, Phật Vô Lượng Quang có nhiều điểm tương đồng với thần mặt trời của Iran, và đã được lan truyền ở vương quốc Kushana từng tồn tại ở vùng biên giới Ấn Độ và Iran. Vậy nên rất có thể, Phật A Di Đà là một vị Phật được sáng tạo dựa trên vị thần này. Việc hình tượng A Di Đà không hề được nhắc đến trong những kinh văn cổ xưa nhất của Phật giáo nguyên thủy lại càng làm cho chúng ta nghi ngờ về sự tồn tại thực sự của vị Phật này.

Theo kinh văn Phật giáo đại thừa thì Phật A Di Đà được Phật Thích Ca ca ngợi trong Kinh Vô Lượng Thọ. Nhưng theo khảo cổ học, kinh Vô Lượng Thọ cổ xưa nhất có nguồn gốc vào thế kỷ 1 TCN, tức 500 năm sau khi Phật Thích Ca qua đời. Và cần phải nhấn mạnh rằng Vô Lượng Thọ chính là pháp danh khác của Phật A Di Đà, như vậy, liệu rằng kinh văn này có thực sự đáng tin cậy khi nói rằng Phật Thích Ca biết đến và nhắc đến A Di Đà hay không, hay chỉ được các nhà sư Phật giáo đại thừa đời sau viết ra để hợp thức hóa sự tồn tại của Phật A Di Đà?
Gắn liền với Phật A Di Đà có một khái niệm nữa, đó là “Tây phương cực lạc”. Đây là thế giới nơi mà Phật A Di Đà tiếp dẫn những chúng sanh xứng đáng đến để sống hưởng an lạc, và là điểm trung chuyển của chúng sanh trước khi nhập niết bàn. Khái niệm này có phần mâu thuẫn với niết bàn, và cũng như cõi thiên, nếu chúng sanh đến Tây phương cực lạc thì sẽ khó mà diệt được khổ đế, do đó khó có thể đến được niết bàn. Không có bằng chứng nào chứng minh Phật Thích Ca từng nhắc đến Tây phương cực lạc và bản thân ngài trước khi nhập diệt niết bàn cũng không hề đặt chân tới vùng đất sung sướng, an lạc nào cả. Thêm nữa, nếu Phật A Di Đà là vị Phật tiếp dẫn chúng sanh đến Tây phương cực lạc, vậy thì Phật A Di Đà chưa nhập niết bàn, và vì chưa nhập niết bàn nên ngài chưa đạt đến cảnh giới cao nhất của Phật giáo, nếu vậy, ngài vẫn chỉ là một vị A-la-hán chứ chưa phải là một quả Phật, nếu dựa trên giáo lý của Phật giáo nguyên thủy, hay chính là giáo lý của Phật Thích Ca.
Theo tôi, Tây phương cực lạc cũng là một khái niệm do các nhà sư Phật giáo đại thừa sáng tạo ra. Cõi này giống với thiên đàng hoặc tiên giới – là giấc mơ, khát vọng chung của loài người. Nếu như tu luyện để hóa vào hư vô (niết bàn) thì chắc hẳn con người sẽ không nhiều người muốn tu luyện hay cầu nguyện, nhưng nếu tu luyện, cầu nguyện mà được đến Tây phương cực lạc, hay thiên đường, thì chắc chắn đông đảo quần chúng sẽ tham gia. Nhờ đó, Phật giáo đại thừa tiếp cận và được đông đảo quần chúng ủng hộ.

Phật giáo đại thừa được lan truyền đến Trung Hoa là một sự kiện lớn, đánh dấu cột mốc quan trọng bởi dân số Trung Hoa rất đông, và cũng nhờ phổ cập tại Trung Hoa mà Phật giáo đại thừa trở thành tôn giáo phổ biến nhất ở cả các quốc gia lân cận như Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Phật giáo đại thừa du nhập Trung Hoa vào thời Đường, và người có công lớn nhất trong việc này không ai khác, chính là Đường Huyền Trang, hay còn gọi là Đường Tam Tạng.
Đây là nhân vật mà chúng ta biết đến qua tác phẩm văn học Tây Du Ký, thế nhưng khác với hình tượng một nhà sư hiền lành, chất phát, nhút nhát, cả tin, chỉ biết nương cậy vào Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký, Đường Huyền Trang lại là một nhân vật lịch sử có thật. Ông đã đi khỏi Trung Quốc, sang Tây Tạng rồi Ấn Độ để đem về Tam Tạng Kinh (3 bộ kinh tạng kinh điển của Phật giáo đại thừa), đồng thời viết nhiều nghiên cứu và dịch ba bộ kinh này ra tiếng Trung cho toàn bộ người Trung Hoa có thể hiểu. Như vậy, Đường Tam Tạng vừa là một nhà thám hiểm (tương tự Marco Polo), vừa là một học giả, nhà nghiên cứu, nhà phiên dịch thông thái. Trong cuốn “Lược sử Phật giáo” có nhắc đến Đường Huyền Trang rằng ông đã đến thăm đức vua Mahasukha của vùng bắc Ấn từ năm 630 đến 644, vị vua này vốn dĩ theo giáo phái Shiva nhưng sau đó đã chuyển sang ủng hộ Phật giáo đại thừa. Đường Huyền Trang còn làm phép thống kê trong 250.000 vị tăng ở Ấn Độ, chỉ có 70.000 đến 100.000 vị tăng thuộc đại thừa. Đường Huyền Trang có 2 năm ở quốc gia Khashmir và nhận xét rằng “hiện nay quốc gia này không có khuynh hướng sùng đạo lắm”. Như vậy, Đường Huyền Trang không chỉ đến Ấn Độ hay Tây Tạng để lấy kinh về, ông còn giành hàng chục năm ở các quốc gia Tây Á này, tìm hiểu và nghiên cứu Phật giáo tại đây. Chúng ta cần nhìn nhận và ghi nhớ Đường Huyền Trang như một vị tăng kiêm nhà thám hiểm, nhà nghiên cứu tài giỏi, thông thái, có công lớn trong việc phát triển Phật giáo đại thừa, thay vì hình tượng “sư phụ” Đường Tăng hiền lành, yếu đuối trong Tây Du Ký.

Phật giáo tiểu thừa (hinayana) không phải một đại trường phái, cũng không phải cái tên mà họ tự gọi mình, mà là danh từ do Phật giáo đại thừa gọi những người theo Phật giáo nguyên thủy và chủ trương “làm theo những gì Phật làm”, tức tu luyện một mình. Tiểu thừa bao gồm rất nhiều tông phái không liên quan tới nhau, và những tông phái này lan truyền về phía nam, nên còn gọi là “nam tông” hoặc “nam truyền”.
Phật giáo tiểu thừa tập trung hơn vào yếu tố Pháp trong tam bảo, tức chủ trương tu luyện bản thân giống như Phật Thích Ca từng làm. Vì vậy, các nhà sư tiểu thừa không phân chia thành nhiều cấp bậc, phẩm hàm như trong Phật giáo đại thừa. Họ đa số đều ăn vận đơn giản, có thể trụ trì ở chùa hoặc đi lang thang khất thực, tùy vào các tông phái khác nhau. Phật giáo tiểu thừa gần như không có thêm sự sáng tạo mới nào, với họ, Phật chỉ có Phật Thích Ca và bản thân họ cũng chủ yếu đào sâu phân tích các kinh văn cũ chứ không sáng tạo kinh văn mới. Có lẽ vì vậy, Phật giáo tiểu thừa không phát triển được như Phật giáo đại thừa, và Phật giáo tiểu thừa cũng chìm trong một làn sương mờ ảo, kỳ bí mà người đời thường coi các nhà sư tiểu thừa như những vị hiền triết ẩn mình, ít nói, sống kham khổ.

Một điều thú vị rằng Phật giáo tiểu thừa ở Myanmar hay Thái Lan thường gắn với các ngôi chùa bằng vàng. Điều này đi ngược lại với những gì ta biết về Phật giáo, cả đại thừa hay tiểu thừa, khi mà lối sống giản dị, không vật chất thường gắn với các nhà sư. Theo Phật sử, có hai thương gian Miến Điện đã đến Ấn Độ và được Phật Thích Ca giảng đạo. Hai vị đã quy y rồi xin về nước, lúc về, Phật Thích Ca tặng hai vị 8 sợi tóc của ngài (Phật Thích Ca không cạo trọc đầu như các nhà sư sau này), hai vị này mang về Miến Điện xây tháp thờ và truyền đạo. Từ đó, đạo Phật phát triển ở Miến Điện và 8 sợi tóc được Myanmar ngày nay giữ gìn và coi là quốc bảo.
Như vậy, Phật giáo nguyên thủy đã truyền sang Myanmar từ trước cả khi Phật Thích Ca qua đời. Phật giáo nam tông ở Myanmar, Thái Lan rất có thể còn khác cả Phật giáo tiểu thừa ở Ấn Độ rồi lan truyền sang Đông Nam Á sau này. Bản thân tôi cũng không nắm rõ và không có lý giải hợp lý nhất về việc tại sao Myanmar, Thái Lan thường dát vàng lên chùa nhưng theo như một sư thầy Việt Nam nói với tôi, thì ở các quốc gia này, các vị vua chúa, quý tộc tôn kính Phật giáo, đã dành những thứ quý giá nhất để dâng lên và xây chùa, đó chính là vàng, với hàm ý dứt bỏ lòng tham. Từ đó, chùa vàng trở thành hình ảnh quen thuộc và truyền thống của hai quốc gia này.

Theo tôi, nếu coi các tôn giáo đều sinh ra từ ý chí của con người và trên khía cạnh triết học, khái niệm cực lạc được sinh ra nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Con người không muốn chết đi lại hóa hư vô, con người muốn được tồn tại, nhưng không muốn khổ đau. Đó là lý do các tôn giáo đều có các cõi tương tự như thiên đàng. Phật giáo nguyên thủy (do Phật Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama) sáng lập) chỉ có khái niệm niết bàn, do vậy, số lượng giáo đồ đi theo còn hạn chế. Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, các đệ tử của ngài đã chia ra làm hai nhánh đại thừa và tiểu thừa. Nhánh đại thừa đã làm tốt trong việc mở rộng tôn giáo, đưa Phật giáo trở thành một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, nhưng lại đã có nhiều thay đổi so với Phật giáo nguyên thủy, nhất là việc hòa trộn Phật giáo với tín ngưỡng bản địa; còn nhánh tiểu thừa thì giữ được nhiều yếu tố nguyên thủy hơn, do chủ trương của nhánh này là làm y hệt những gì Phật Thích Ca làm.
Mặc dù có sự khác nhau rất lớn này nhưng các tông phái của Phật giáo rất ôn hòa, không đối đầu nhau, chỉ trích nhau, mà thay vào đó còn có giao thoa (Mật tông là giao thoa giữa bắc tông và nam tông), những nhà sư đại thừa cũng có những chuyến tới thăm chùa tiểu thừa và ngược lại.
Bàn về Phật giáo ở Việt Nam thời hiện nay
Việt Nam là một trong những trường hợp thú vị khi có sự pha trộn lớn giữa Phật giáo đại thừa và Phật giáo tiểu thừa. Sự pha trộn giữa hai đại trường phái này ở Trung Quốc hay các quốc gia Đông Nam Á như Lào, Campuchia đều có, nhưng tỉ lệ ở Việt Nam là cân bằng nhất, mặc dù đại thừa vẫn chiếm tỉ trọng lớn hơn hẳn. Nguyên nhân là do trong quá khứ, Phật giáo tiểu thừa đã lan truyền tới các quốc gia cổ Champa, Funam trước khi các quốc gia này suy tàn và sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Cùng với đó là sự tác động qua lại của người Xiêm, Cao Miên ở miền nam Việt Nam, dẫn đến việc nam tông từng phổ biến ở miền nam, cũng như tới thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều tông phái nam tông ở miền Nam Việt Nam.
Phật giáo ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của Phật giáo đại thừa Trung Hoa, mặc dù trong quá khứ, Phật giáo tiểu thừa và Mật tông cũng từng có tầm ảnh hưởng tại Đại Việt vào thời đại nhà Lý và trước đó. Ngày nay, Phật giáo ở Việt Nam là sự pha trộn giữa Phật giáo đại thừa Trung Hoa với tín ngưỡng bản địa. Đa số người dân trong xã hội tin tưởng vào Phật giáo, vào sự tồn tại của các thế lực tâm linh (mà các vị Phật được xếp vào chung với các thế lực tâm linh này). Ngay cả khi chủ nghĩa xã hội là nền chính trị chính yếu tại Việt Nam, với khoa học biện chứng, duy vật được giảng dạy trên giảng đường đại học, rằng vật chất quyết định ý thức, thì các cuộc khảo sát đều cho thấy đại đa số người Việt, cả già lẫn trẻ, vẫn tin vào Phật, ngay cả các vị lãnh đạo chính trị cấp cao cũng tin (hoặc bán tín bán nghi nhưng không dám phủ nhận hay từ chối – điều được những người tin vào Phật giáo coi là “báng bổ”).
Trong đời sống dân gian từ ngày xưa, Phật giáo cũng hòa trộn vào những câu chuyện dân gian, cổ tích, theo đó các ông Bụt (phiên âm của Budd, nguyên văn là buddha) chính là những ông Phật vẫn hiện lên và cứu giúp người gặp khó khăn, gian khổ. Niềm tin Phật độ thế cứu người đã ăn sâu bén rễ vào người Việt từ xưa đến nay.
Phật giáo ở Việt Nam không có nhiều tác động tới quyền lực và chính trị trong cả quá khứ lẫn hiện tại, dẫu cho đã từng có những giai đoạn Phật giáo có ảnh hưởng tới chính trị. Đó là thời kỳ Lý-Trần khi Phật giáo trở thành quốc giáo, hay thời kỳ Việt Nam cộng hòa ở miền nam Việt Nam khi mà chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo khiến cho các nhà sư và Phật tử phải nổi lên. Hòa thượng Thích Quảng Đức là nhân vật nổi tiếng với hành động tự thiêu phản đối chính quyền Sài Gòn đàn áp Phật giáo. Với tôi, hòa thượng Thích Quảng Đức là một nhân vật anh hùng, vĩ đại và hành động tự thiêu đã trở thành một biểu tượng đấu tranh bất diệt và đầy ấn tượng trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng nếu xét về Phật giáo nguyên thủy thì hòa thượng Thích Quảng Đức đã không làm được như Phật Thích Ca, và chưa thể đạt đến hữu dư niết bàn. Hòa thượng Thích Quảng Đức quan tâm tới Phật giáo, tới những Phật tử bị áp bức, và như vậy là vẫn còn vương vấn bụi trần, chưa diệt ngã. Ngài có thể là một người anh hùng nhưng không thể trở thành Phật. Vì vậy, việc tôn vinh ngài là Phật là điều chưa chính xác (dẫu rằng việc tôn vinh này nhằm thể hiện sự biết ơn và kính trọng của Phật tử đến với ngài).

Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng Phật giáo cũng mang những bản chất của tôn giáo, do đó cần có sự lan truyền và huyền ảo để những người ủng hộ (ở các tôn giáo khác là các tín đồ, giáo sĩ còn ở Phật giáo là các nhà sư, Phật tự hoặc người tin tưởng, ủng hộ) có điểm tựa bám vào và trung thành tín ngưỡng với tôn giáo đó. Phương Đông huyền bí với vô số chuyện tâm linh từ ngàn xưa, thiếu đi triết học phản biện và duy vật, càng làm cho người Việt Nam tin tưởng vào sự màu nhiệm của Phật giáo. Cùng với pháp luật, Phật giáo đóng góp công lớn trong việc duy trì đạo đức và trật tự xã hội ở Việt Nam. Phật giáo ở Việt Nam dạy con người tu tâm dưỡng tính, làm điều thiện tích đức nên càng được người dân yêu quý, tin tưởng và phần nào đó học hỏi theo. Dẫu cho vẫn có nhiều nhà sư làm trái lại Phật pháp, thì trong tâm tâm của đại đa số người Việt vẫn tin tưởng và tôn trọng các nhà sư Phật giáo.
Tuy nhiên, cũng vì là Phật giáo đại thừa nên Phật giáo Việt Nam gặp vấn đề chung, đó là quyền năng hóa các vị Phật. Người dân tin rằng đọc kinh có thể giúp cho mình được phù hộ, gặp phước lành và cả thoát khỏi tội lỗi hay luân hồi nữa. Phật Thích Ca chưa từng răn dạy như vậy, mà theo ngài, con đường duy nhất thoát khổ, thoát luân hồi là phải tu luyện. Việc đọc kinh theo tịnh độ tông phổ biến tới mức xã hội Việt Nam còn sản sinh ra thêm nhiều bài kinh khấn mà không phải do những nhà sư danh tiếng của Phật giáo đại thừa viết ra. Đó có thể là kinh khấn của một vài nhà sư nào đó, hoặc tệ hơn, được viết ra bởi những người bình thường chưa quy y. Đọc kinh khấn cũng đem lại những lợi ích nhất định, đó là giúp tâm của con người tịnh hơn, con người có thể học được giáo lý qua việc khấn, hoặc làm xao nhãng tâm trí con người khỏi những việc xấu, nhưng về cơ bản thì đó là những lợi ích gián tiếp còn lợi ích mà những người tụng kinh hướng tới là để thoát khổ, thoát nạn thì không có thật.
Từ lâu, tôi đã luôn băn khoăn về điều này. Nếu như các vị Phật là những bậc quyền năng, trí công vô tư, từ bỏ được cái ngã và vô cùng đức độ, thì liệu các vị có giúp người khác chỉ vì họ ca tụng mình? Liệu các vị có trừng phạt người khác chỉ vì họ không tin hay vì vô minh mà có ý miệt thị, chối bỏ sự tồn tại của mình? Liệu họ có đi phù hộ cho những người làm việc xấu nhưng vẫn đóng góp công quả cho nhà chùa? Nếu có, thì họ không phải là Phật, vì họ vẫn giữ bản tính thiên vị và cái tôi của con người, còn nếu không thì rõ rằng những việc tụng kinh, cúng công quả đều không đạt được thành tựu gì cho con đường thoát khổ cả. Nhưng đây là điều mà ở xã hội này, chúng ta chớ có nói ra, bởi nếu dân chúng không tụng kinh, không cúng công quả thì các nhà chùa, nhà sư sao phát triển được, và từ đó Phật giáo sẽ mất đi nguồn lực to lớn, sẽ sớm suy yếu và suy tàn.

Việc pha trộn với tín ngưỡng bản địa giúp tôn giáo dễ tiếp cận hơn nhưng cũng khiến việc thờ cúng lộn xộn hơn. Nhiều chùa ở Việt Nam thờ cả Phật lẫn các vị thần Trung Hoa (Ngọc Hoàng, Thái Thượng lão quân…) rồi thờ cả vua, chúa, thành hoàng làng… Trên bàn thờ gia tiên của nhiều nhà cũng để cả tượng Phật hoặc tranh vẽ Phật. Nếu xét theo các nguyên lý Phật giáo thì linh hồn sau khi chết đi đã vào luân hồi chuyển kiếp, hoặc nếu còn ở trần thế thì đã thành ngạ quỷ, vậy nên về cơ bản giáo lý này mâu thuẫn với truyền thống cúng bái gia tiên khi mà con cháu vẫn còn ngưỡng vọng về tổ tiên, cho rằng tổ tiên khi qua đời thì vẫn còn nhìn thấy được thế gian, phù hộ được cho mình và vào các dịp đặc biệt có thể trở về gia đình thăm con cháu, ăn uống các món ăn được con cháu cúng trên bàn thờ. Không bàn về việc liệu rằng các thế lực tâm linh thần bí có thật hay không, liệu rằng linh hồn sau khi chết có tồn tại hay không, thì hai lý thuyết của Phật giáo nguyên thủy và cúng bái gia tiên đã mâu thuẫn, xung khắc với nhau, nhưng với Phật giáo đại thừa ở Việt Nam thì đã hòa chung làm một. Đây có thể coi là sự thích nghi để tồn tại của Phật giáo đại thừa.
Nhưng một vấn đề đáng quan tâm và đáng phản đối, đó là hiện trạng mê tín dị đoan dẫn đến làm lợi cho những cá nhân, tổ chức dựa trên niềm tin về Phật giáo. Đó là các hiện tượng như cúng sao giải hạn, phát ấn đền Trần, bói toán xem sao xấu, điềm xấu mà muốn giải các sao xấu, điềm xấu thì phải cúng lễ với những giá trị nhất định (và dĩ nhiên không thể thiếu tiền cho thầy cúng hoặc nhà sư, nhà chùa thực hiện các nghi lễ đó).

Tôi tin rằng điều này trái lại với cả Phật giáo nguyên thủy lẫn Phật giáo đại thừa khởi phát, bởi như tôi nói ở trên, nếu các vị Phật toàn năng và công tâm, thì những hành động này giống như là mua chuộc các vị Phật, các vị Phật ra tay cứu giúp là điều vô lý. Ấy là chưa kể so với Phật giáo nguyên thủy thì Phật không có quyền năng như những vị thần linh để làm những điều này. Trước sự quá lố của các nghi lễ này, gần đây, đã có những thượng tọa chức sắc cao trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng rằng nghi lễ như cúng sao giải hạn không có trong Phật giáo. Như vậy, rõ ràng nhiều nghi lễ đã được sinh ra với mục đích đem đến lợi ích, lợi nhuận cho một nhóm người, mà ở đây là những thầy cúng. Tôi cũng biết một số thầy cúng có thu nhập rất cao, một mình có thể nuôi cả gia đình và cho con cái học những trường đại học có học phí đắt đỏ. Rõ ràng rằng “nghề” này đem lại thu nhập cao, dựa vào niềm tin về tâm linh và tôn giáo của xã hội. Những thầy cúng, thầy bói, thầy pháp này có thể tin hoặc không tin vào các yếu tố tâm linh, nhưng bản thân họ đang gặt hái lợi nhuận một cách cố ý hoặc vô thức từ công việc này.
Với một xã hội mang nặng niềm tin về tâm linh như Việt Nam, thật khó để ngăn chặn hay ngăn cấm các hoạt động bói toán, cúng lễ, giải hạn… nhưng chúng ta cần hiểu về bản chất, để từ đó suy xét xem các hoạt động này là đúng hay sai, hay hay dở, có ích hay vô ích. Bản thân tôi không ngăn cấm, lên án hay yêu sách phải xóa bỏ, ngừng lại các hoạt động này, nhưng tôi muốn xem xét dưới góc độ khách quan, từ bản chất của Phật giáo và từ triết học để nhìn nhận về vấn đề này một cách thấu đáo.
Tựu chung lại, theo tôi, Phật giáo ở Việt Nam đã trải qua một quá trình cải biến và thay đổi rất nhiều so với Phật giáo nguyên thủy và phần lớn chịu ảnh hưởng của Phật giáo đại thừa. Phật giáo ở Việt Nam đang trong một giai đoạn pha trộn có phần lộn xộn và tạp nham, nhưng vẫn là nền tảng quan trọng để duy trì đạo đức và trật tự xã hội. Một xã hội có pháp luật và tôn giáo răn dạy là xã hội ổn định. Điều này là cần thiết để nhân dân có thể sống yên ổn, hạn chế làm điều xấu, chăm làm việc thiện, yêu thương giúp đỡ đồng loại. Tuy nhiên, ta cần phải luận bàn và suy xét về bản chất của Phật giáo, để từ đó có được góc nhìn chính xác nhất của bản thân mình cho những vấn đề tôn giáo vốn chìm trong màn sương huyền ảo này.
Với riêng tôi, tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ Phật Thích Ca, ngưỡng mộ lối sống, sự minh triết và những lý luận sâu xa, ý nghĩa của ngài. Nhưng tôi không tin vào Phật giáo đại thừa, không tin những sự huyền ảo, màu nhiệm ấy, dù cho tôi vẫn thấy rằng sự phát triển của Phật giáo đại thừa là cần thiết để Phật giáo phát triển, và có tác dụng nhất định trong việc gìn giữ ổn định, trật tự xã hội từ xưa đến nay.
