Du ký Chiang Mai – Thái Lan (Phần 2: Ngắm nhìn Chiang Mai từ trên cao)

Khoảng 7 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu lên xe khởi hành. Do chúng tôi có yêu cầu từ hôm trước nên khách sạn đã chuẩn bị cho chúng tôi khẩu phần ăn sáng mang theo lên xe. Suất ăn sáng của chúng tôi gồm có: 1 túi bánh Danish (bắt chước Danisa), 1 hộp sữa, 1 quả trứng luộc và 1 quả chuối. Có vẻ đây là 1 bữa sáng healthy đầy đủ chất dinh dưỡng. Chúng tôi vừa ngồi trên xe vừa ăn sáng.

Sáng đầu tiên ở Chiang Mai, tôi thấy rằng ở đây sáng khá muộn. Tầm 7 rưỡi sáng mà trời mới bắt đầu tang tảng sáng (có nắng nhẹ) giống như 5 rưỡi sáng mùa hè hoặc 6 rưỡi sáng mùa đông ở Hà Nội. Người ta cũng không tấp nập đi làm vào giờ này. Như ở Việt Nam thì đây là giờ cao điểm, tắc đường nhưng ở Thái thì nhiều cửa hàng còn chưa mở, người dân cũng chưa đi làm, đi học nhiều. Tôi thấy đa số giờ mở cửa ở Thái Lan là 9 giờ sáng.

Trên xe, các chị phát hiện ra có loa nên đã kết nối bluetooth để mở nhạc (dĩ nhiên là sau khi xin phép anh tài xế Che Che). Ba anh em chúng tôi ngồi ở hàng cuối, ngay trên 2 con bass nên nhạc mở to khá đau đầu. Các chị mở nhiều bài nhạc Việt Nam, không hiểu Che Che liệu có hiểu gì không nữa. Mà biết đâu sau chuyến đi này, Che Che lại trở thành fan của Sơn Tùng MTP thì sao?

Ngày hôm nay, chúng tôi sẽ đi đến Doi Inthanon để lên đỉnh cao nhất Thái Lan. Trên đường đi, chúng tôi dừng lại một chỗ nghỉ giữa chặng. Điểm nghỉ này khá giống với các điểm nghỉ trên đường dài ở Việt Nam mà khi đi xa thì ta thường dừng xe khách ở đó để nghỉ. Tuy nhiên, điểm nghỉ ở bên Thái Lan này đẹp hơn, gọn gàng hơn, với những tiệm café và cửa hàng bán quần áo, đồ lưu niệm được bày trí trông như những shop ở mặt đường Hà Nội.

Cùng tại đây, chúng tôi bắt gặp một con búp bê được bày trên một quầy bán quần áo. Không biết đây có phải búp bê Kumanthong hay không nữa.

Kumanthong là một vị thần giám hộ huyền bí trong tín ngưỡng dân gian Thái Lan. Người nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam, thường biết đến Kumanthong như một tà thần và sợ hãi như sợ ma quỷ. Theo đó, chúng ta biết đến Kumanthong là búp bê lưu giữ hồn phách trẻ em, dùng để đem lại may mắn cho người nuôi nấng búp bê đó nhưng đồng thời cũng gặp nguy hiểm khi có thể bị búp bê đó “ám” hoặc làm hại khi không được chiều theo ý mình. Đại khái là Kumanthong giống như một đứa trẻ đầy quyền năng, và nếu không chiều chuộng Kumanthong, người nuôi Kumanthong có thể nhận lấy điều xui xẻo hoặc bị ám hại. Sự đáng sợ của Kumanthong được hòa trộn vào nỗi sợ búp bê ma ở phương Tây, với những bộ phim hoặc truyền truyền miệng về Annabelle đầy đáng sợ, càng làm cho Kumanthong đáng sợ hơn.

Tuy nhiên, trong tín ngưỡng dân gian Thái Lan, Kumanthong có vẻ phổ biến và mang ý nghĩa đem đến may mắn hơn là làm hại. Theo đó, Kuman bắt nguồn từ tiếng Pali: “kumari”, nghĩa là “cậu bé thanh tịnh” còn “thong” nghĩa là “vàng”, ám chỉ đem đến may mắn, tài lộc. Kumanthong có nguồn gốc từ thuật gọi hồn của các phù thủy Thái Lan, họ thu thập bào thai của một người phụ nữ đã chết, đem sấy khô rồi gọi hồn. Sau khi gọi hồn, bào thai được sơn bằng sơn mài và bọc lại trong vàng lá. Kumanthong sau khi được chiêu hồn xong sẽ được gia chủ nuôi dưỡng như con, Kumanthong sẽ phù hộ độ trì cho gia chủ.

Theo tôi, về cơ bản tín ngưỡng này nhằm cầu xin may mắn, bình an, hạnh phúc, phát tài… có nguồn gốc mục đích giống với tín ngưỡng cầu nguyện tổ tiên ở Việt Nam hay cầu nguyện phù hộ độ trì trong Phật giáo đại thừa. Nhìn xa hơn thì trong mọi tôn giáo, con người đều cầu xin những thế lực siêu nhiên phù hộ, ban phước, đem lại may mắn, bình an, chữa bệnh… cho mình. Tuy nhiên, cách thực hiện Kumanthong tương đối cực đoan, có phần ghê rợn mà chắc hẳn nếu so với những tôn giáo lớn, được công nhận như Phật giáo, Công giáo, Đạo giáo thì sẽ bị coi là tà đạo. Và cũng bởi sử dụng bào thai của người phụ nữ đã chết làm bùa chú, nên Kumanthong càng trở nên đáng sợ hơn với những người mới biết về loại tín ngưỡng này.

Bản chất Kumanthong trong truyền thống Thái Lan là sử dụng bào thai thật, nhưng ở thời hiện đại thì việc lấy bào thai của người phụ nữ đã chết là rất khó, vậy nên họ nghĩ ra làm búp bê rồi cho Kumanthong nhập vào búp bê, gọi là Luk Thep. Đây được coi là biến thể, biến tướng của Kumanthong. Khi sử dụng Luk Thep thì gia chủ không hề vi phạm pháp luật, cũng không cần phải tìm kiếm một xác chết. Nhờ đó, việc sử dụng Luk Thep chiêu hồn Kumanthong cũng trở nên phổ biến trong xã hội Thái Lan. Nhiều khi, người ta thờ phụng Kumanthong khi làm ăn, cũng giống như người Việt và Trung thờ Thần Tài vậy đó.

Lúc đi qua búp bê (mà tôi không biết có phải Kumanthong hay không), một số chị trong đoàn tôi có vẫy tay hoặc chắp tay vái. Bản thân tôi là người theo chủ nghĩa vô thần, tin tưởng vào triết học tự nhiên phương Tây, không tin vào tín ngưỡng và tôn giáo; nhưng tôi thấy không nên làm vậy. Giả sử búp bê đó là Kumanthong và giả sử như Kumanthong có thật, việc tương tác với nó là điều rất không nên. Dù sao đây vẫn là một tín ngưỡng huyền bí, có nguồn gốc man rợ, ta không biết liệu nó có thật hay không và vì vậy, không nên tương tác với nó.

Trên đường đi đến Doi Inthanon, tôi tranh thủ ngủ thêm đôi chút. Khi chuẩn bị đến, chị Nguyên bảo cả đoàn rằng nhiệt độ đang là 11 độ. Chúng tôi chuẩn bị thật nhiều quần áo vì sợ khi xuống sẽ lạnh, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, 11 độ (theo nhiệt kế đo tại đó) trên đó lại không lạnh bằng 17 độ ở Việt Nam. Đường lên đỉnh Doi Inthanon không dốc, cũng không ngoằn ngoèo bằng đường đi Tam Đảo hay Tây Bắc. Đường cũng rộng hơn, có dải phân cách mềm và có vạch kẻ phản quang nên đi an toàn hơn nhiều. Đường đèo này cũng không hề có xe khách to hay xe tải, xe ben gì cả. Xe 12 chỗ hoặc 16 chỗ có lẽ là xe to nhất. Ngoài ra còn có những chiếc xe “red bus” với các màu đỏ, vàng cũng rất nhỏ. Những chiếc xe này thường chở nhiều khách du lịch, đa số là khách Tây to lớn, họ nhồi nhét đầy cả xe, trông rất buồn cười.

Người ở đây còn hay đi xe bán tải, mà theo tôi, một điểm đặc sắc ở Chiang Mai là người Thái đi bán tải và chở rất nhiều người ngồi đằng sau. Cảnh tượng này làm tôi liên tưởng tới những tay súng Taliban hoặc IS trên những bản tin thời sự về tình hình ở Trung Đông. Đây là một nét đặc trưng hết sức đặc biệt mà ta không thể thấy ở Việt Nam, mà hình như ở Bang Kok cũng không có cảnh tượng này. Thậm chí chúng tôi còn bắt gặp cảnh một chiếc bán tải chở một đứa trẻ con ở thùng xe đằng sau.

Được coi như là Fansipan của Thái Lan nhưng xe ô tô sẽ lên gần như đến tận đỉnh núi Doi Inthanon. Đỉnh núi này nằm trong Công viên quốc gia Doi Inthanon, trên dãy núi Thanon Thong Chai. Khi chúng tôi bước ra ngoài thì trời đang có sương nặng hạt, nhỏ xuống thành cơn mưa phùn, giống như không khí Tết đầu xuân ở Hà Nội.

Khi lên đến nơi và giơ máy ảnh film Minolta X-700 mà tôi vẫn hay gọi là Mino-chan lên, tôi nhận ra máy không lên đèn đo sáng, cò lên film cũng cứng không lên film được. X-700 là dòng máy bán cơ, không có pin thì máy sẽ không hoạt động được. Có lẽ pin hoặc máy ảnh gặp vấn đề nên không nhận pin. Giữa trời mưa phùn, tôi đứng loay hoay mở máy ảnh, thử lắp đi lắp lại pin nhưng không được. Đạt và anh Hoàng tới xem cùng tôi, hai người bảo rằng pin có màu xanh, có vẻ đã bị mốc. Tôi ngậm ngùi cất Mino-chan đi, đành phải dùng máy Sony và phải đợi tối khi về trung tâm, tôi sẽ tìm cách xử lý sau. Bởi vậy, nguyên buổi du ngoạn hôm nay không có một bức ảnh film nào cả.

Đỉnh Doi Inthanon này luôn chìm trong mưa sương mù như này. Trên toàn bộ khu núi này là một thảm thực vật rừng sương mù thường xanh cận nhiệt đới. Các loại cây ở đây đa số thuộc cây họ dầu rụng lá, cây thông và các loại rêu, dương xỉ. Toàn bộ phủ trong sương mù quanh năm suốt tháng tạo nên một thảm thực vật rêu phong, ẩm ướt. Rêu và các loài cây ký sinh, cộng sinh lên những thân cây lớn, chìm trong sương, tạo thành một khu rừng mờ ảo, ma mị, trông tựa như trong truyện cổ tích hoặc những bộ phim kinh dị.

Trên đỉnh cao nhất cũng bị cây cối phủ xanh, chìm trong sương mù nên cũng không thể ngắm được cảnh gì. Khi lên đến đỉnh cao nhất đó, chúng tôi đều bị bất ngờ, tưởng là 1 trạm dừng chân, không biết nên đi đâu tiếp nữa.

Khi tra bản đồ, chúng tôi biết mới biết đây đã là đỉnh. Anh lái xe Chê Chê đưa chúng tôi đến con đường mòn Ang Kha cách đó chỉ vài trăm met. Đây là là 1 con đường đi thành vòng tròn tại Vườn Quốc Gia Doi Inthanon. Có lẽ khi xưa đây là 1 con đường mòn của người bản xứ nhưng giờ họ đã xây dựng cầu gỗ, bậc thang cho du khách đi lại tham quan.

Điểm đặc biệt là đường mòn này dẫn xuyên qua khu rừng sương mù. Lúc đi sâu vào trong, chỉ có mỗi mình nhóm chúng tôi. Con đường được thiết kế để du khách đi trên cầu gỗ có thanh chắn hai bên rất an toàn, cứ đi theo đó thì chắc chắn không sợ lạc. Mặc dù con đường cũng không có gì độc đáo, nhưng khu rừng thì rất hấp dẫn. Từ đây, chúng tôi được xuyên vào trong khu rừng rậm rạp, rêu phong, ẩm ướt, nhìn những thân cây đều lông lá như chân nhện còn chúng tôi như đang đi thám hiểm một hòn đảo lạ, hoặc chúng tôi là những nhà du hành đang thám hiểm một hành tinh mới. Ở khu rừng trên hành tinh mới này, rất có thể sẽ có những con nhện khổng lồ trực chờ ùa ra.

Tưởng tượng là vậy, nhưng tôi tin rằng ai yêu thích sinh học, đặc biệt là thực vật học chắc chắn sẽ rất thích khu rừng này bởi sự đa dạng sinh học của nó.

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Chùa Đôi, có cái tên tiếng Anh khá dài là Royal Twin Pagoda of the brilliant Phra Mahathat Naphamethanidon, tôi không biết tên tiếng Thái của ngôi chùa này là gì. Đây là 2 ngôi chùa được xây dựng để kỷ niệm 60 tuổi của vua và hoàng hậu Thái Lan. Địa điểm này bao gồm 2 ngôi chùa lớn, một cho vua (có màu vàng) và một cho hoàng hậu (có màu tím). Xung quanh là vườn hoa và đài quan sát ngắm cảnh, trông đẹp như vườn hoa Châu Âu.

Điểm đặc sắc là bên trong và xung quanh 2 ngôi chùa là những bức phù điêu khắc hình trang trí theo Phật giáo và các điển tích trong tín ngưỡng của người Thái Lan. Tôi đặc biệt ấn tượng với bức tượng Phật rất lớn đặt ở chính giữa chùa, bên trên trần có vẽ lại những điển tích Phật giáo. Phong cách vẽ trần này thường thấy ở Công giáo phương Tây, còn Phật giáo thì không có. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một ngôi chùa được trang trí như thế này.

Những bức phù điêu trang trí bên ngoài cũng hết sức ấn tượng.

Tôi đi vòng quanh để chụp ảnh các bức phù điêu đó. Khi sang bên chùa màu tím dành cho hoàng hậu và đang đứng chụp hình, một du khách nước ngoài hỏi tôi ý nghĩa của dòng chữ trên bức tranh này. Tôi nói rằng tôi không biết, vì tôi là người Việt Nam, không phải Thái Lan. Bỗng tôi nghe thấy hai du khách khác, trẻ hơn, đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái đi sau lưng mình, tôi bảo với du khách vừa hỏi tôi rằng tôi nghĩ hai bạn kia là người Thái. Ông ta hỏi hai người kia nhưng họ cũng không biết vì đây là tiếng Thái cổ. Sau đó, tôi nói chuyện với người du khách vừa hỏi mình, ông ta đến từ Ấn Độ. Ông nói ông cũng từng đến Việt Nam, còn tôi cũng kể rằng tôi từng có một người bạn Ấn Độ, ông ấy là giáo sư giảng dạy ở trường đại học tôi theo học. Sau đó, chúng tôi tạm biệt để trở về với hành trình của mình.

Lúc bấy giờ cũng đã quá trưa, chúng tôi ăn trưa ngay tại đây. Thông thường, ở các điểm du lịch ở Việt Nam thì đồ ăn thức uống khá đắt, nhưng ở đây, đồ ăn lại có mức giá hết sức hợp lý so với chất lượng. Nhà ăn thì cũng bình dân thôi, không phải nhà hàng sang trọng, bán đồ ăn theo suất gọi món (tương tự như cơm bình dân hoặc cơm canteen). Gọi càng nhiều món thì càng nhiều tiền. Các món ở đây nhìn chung ăn khá ngon. Suất mình gọi gồm có trứng ốp la, thịt băm xào nấm, mì xào trứng và súp lơ xào. Cơm ở bên này không có canh ăn kèm. Vị chi trung bình khoảng 67 baht/người (47.000 VNĐ), một mức giá hết sức hợp lý ở khu du lịch. Mức giá này có lẽ bằng với suất cơm đặt trên app Shoppe Food hay Baemin mà khi đi làm, buổi trưa, thỉnh thoảng mình vẫn hay đặt về ăn.

Sau bữa ăn trưa, chúng tôi lại lên xe để tiếp tục đến thác Wachirathan.

Thú thật rằng tôi không phải mẫu người thích thác nước. Tôi không cảm nhận được vẻ đẹp của các thác nước và thường hờ hững với những địa điểm này. Thác Wachirathan giống giống kiểu Khoang Xanh Suối Tiên, Ao Vua, Côn Sơn Kiếp Bạc; nhưng nhỏ hơn. Khi lên đến thác nước, chúng tôi bắt gặp cầu vồng xuất hiện gần thác, có lẽ đây là điểm nhấn đáng chú ý nhất ở địa điểm này.

Rời khỏi thác Wachirathan, chúng tôi lên xe đến địa điểm tiếp theo: đó là chùa Doi Suthep, hay còn gọi là Chùa Vàng. Wachirathan nằm ở phía tây nam Chiang Mai còn Chùa Vàng nằm ở phía tây bắc, bởi vậy chúng tôi phải đi ngược về trung tâm Chiang Mai rồi mới đến Chùa Vàng được. Trên đường đi, anh lái xe Che Che lấy tay ra hiệu vòng vòng, muốn nói với chúng tôi đường lên Chùa Vàng sẽ rất ngoằn ngoèo khó đi. Và quả thực như vậy, đường đến với “Tây Trúc” chưa bao giờ là dễ dàng. Đây là một chặng đường vô cùng… say xe. Thực ra, đèo ở đây dễ đi hơn Tây Bắc rất rất nhiều; độ cao lẫn độ cong đều không bằng Tam Đảo, Sapa chứ chưa nói tới các đèo khác ở Tây Bắc, nhưng mà nó vòng nhiều quá. Uốn lượn bên trái bên phải liên tục cứ như chơi tàu lượn vậy. Chỉ có 18km nhưng đi say hơn cả 200km. Lên đến Chùa Vàng, tôi cũng phải hơi nôn nao (trước đó đã đi 280km Doi Inthanon cả đi cả về vào buổi sáng). Tôi là người ít say xe, đi Sapa (cách Hà Nội 300 km) thoải mái không hề say xe ít nào vậy mà giờ cũng phải nôn nao.

Chùa Vàng chỉ là tên mà du khách gọi do ngôi chùa này dát vàng thôi (mà nếu gọi thế thì nhiều chùa Vàng lắm) chứ tên thật của ngôi chùa này là Wat Phrathat Doi Suthep. “Wat” có nghĩa là “chùa”, Phrathat là tên riêng còn Doi Suthep là tên của ngọn núi này. Đây là một ngôi chùa lâu đời, có lịch sử 600 năm và cũng là ngôi chùa linh thiêng nhất vương quốc cổ Lanna. Ngôi chùa này được một gia tộc giàu có người Malaysia tài trợ xây dựng.

Vừa mới đến, tôi đã thấy một đôi tượng rắn Naga rất lớn và đẹp. Ở Thái Lan, cùng với hình tượng voi được xem là biểu tượng của nước Thái, thì rắn Naga là hình tượng xuất hiện nhiều thứ hai.

Rắn Naga, mà thực ra không phải rắn, gọi là Naga thôi, là một sinh vật huyền thoại có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tôi biết đến rắn Naga qua Phật giáo, khi tìm hiểu về nguồn gốc loài rồng thì mới biết hóa ra rồng thời Lý có xuất xứ từ rắn Naga mà ra. Sau này, tôi mới biết hóa ra rắn Naga không chỉ xuất hiện trong Phật giáo mà nguồn gốc còn có từ trước đó, đây là sinh vật trong văn hóa dân gian Ấn Độ. Hindu giáo cũng có rắn Naga. Người Ấn Độ quan niệm Naga là một sinh vật linh thiêng, hoặc cũng có thể coi như một vị thần, là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ các con sông, suối, giếng nước; biểu tượng cho sự thịnh vượng, mùa màng, sinh sôi nảy nở. Rắn Naga cũng là một biểu tượng cho sự kết nối giữa nhân gian và niết bàn (Nirvana) – một khái niệm trong Phật giáo, là cõi mà linh hồn khi đã diệt ngã sẽ được bước vào. Niết bàn khác với các khái niệm thiên đàng, tiên giới, Valhalla trong Công giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Đạo giáo, thần thoại Bắc Âu, thần thoại Hy Lạp… Điểm chung của thiên đàng, tiên giới, Valhalla thì đó đều là nơi các vị thần sinh sống, con người khi được đến đó sẽ có cuộc sống sung túc; nhưng niết bàn thì lại là cõi hư vô. Nhập diệt (khi linh hồn vào niết bán) là khi tiểu ngã (một linh hồn) đã hòa vào đại ngã của cõi hư vô. Có thể coi đại ngã như một sa mạc, tiểu ngã là một hạt cát, khi con người chấp nhận mình là một phần của thế giới tự nhiên, đó là lúc mà con người chết đi sẽ thoát khỏi luân hồi và được nhập niết bàn. Khái niệm này thậm chí còn khác với khái niệm giới cực lạc (sukhavati) của Phật giáo đại thừa (thường gắn liền với Phật A Di ĐÀ (Amitabha) và Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara Bodhisattva). Cực lạc, còn gọi là An lạc quốc, thường được biết đến rộng rãi trong phật giáo Đại thừa hơn là Tiểu thừa, là nơi mà các linh hồn đắc đạo sẽ được thoát luân hồi, tái sinh ở đây và sống an lạc cho tới khi được nhập niết bàn. Nói cách khác, đây là nơi trung chuyển giữa cõi luân hồi và niết bàn.

Theo tôi, nếu coi các tôn giáo đều sinh ra từ ý chí của con người và trên khía cạnh triết học, khái niệm cực lạc được sinh ra nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Con người không muốn chết đi lại hóa hư vô, con người muốn được tồn tại, nhưng không muốn khổ đau. Đó là lý do các tôn giáo đều có các cõi tương tự như thiên đàng. Phật giáo nguyên thủy (do Phật Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama) sáng lập) chỉ có khái niệm niết bàn, do vậy, số lượng giáo đồ đi theo còn hạn chế. Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, các đệ tử của ngài đã chia ra làm hai nhánh: một nhánh quan niệm làm theo những gì Phật Thích Ca làm, là nhánh tiểu thừa; còn hai là nhánh nói những gì Phật Thích Ca nói, là nhánh đại thừa. Đại thừa-tiểu thừa là do nhánh đại thừa gọi, ý muốn nói họ là thừa hưởng cái lớn, không chỉ tu cho mình mà còn truyền bá, giảng dạy để ngày càng có nhiều người tu hơn. Có một cách gọi khác là bắc tông (đại thừa) và nam tông (tiểu thừa) bởi đại thừa chủ yếu truyền qua phương bắc (Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, miền Bắc Việt Nam) còn tiểu thừa chủ yếu truyền qua phương nam (Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia, miền nam Việt Nam). Theo tôi, nhánh đại thừa đã làm tốt trong việc mở rộng tôn giáo, đưa Phật giáo trở thành một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, nhưng lại đã có nhiều thay đổi so với Phật giáo nguyên thủy, nhất là việc hòa trộn Phật giáo với tín ngưỡng bản địa; còn nhánh tiểu thừa thì giữ được nhiều yếu tố nguyên thủy hơn, do chủ trương của nhánh này là làm y hệt những gì Phật Thích Ca làm.

Trở lại với rắn Naga, vì sao tôi lại nói rồng thời Lý ở Việt Nam có nguồn gốc từ rắn Naga? Thứ nhất, thời nhà Lý là thời đại mà Phật giáo phát triển rực rỡ nhất. Phật giáo trở thành quốc giáo của Đại Việt lúc bấy giờ, các vua thời Lý đi tu rất nhiều, cho xây dựng chùa rất nhiều và dân chúng cũng ở trạng thái “sư sãi nhiều hơn cả dân thường”. Ảnh hưởng Phật giáo thời Lý thì không chỉ chịu từ Phật giáo từ Trung Hoa, mà còn chịu ảnh hưởng từ Phật giáo đến từ vương quốc Đại Lý (Vân Nam – Trung Quốc hiện tại) và cả đến từ vương quốc cổ Champa (Chiêm Thành – miền nam trung bộ và miền nam Việt Nam hiện tại). Trung Hoa thì theo tịnh độ tông của Phật giáo đại thừa, Đại Lý theo mật tông – sự pha trộn của Phật giáo đại thừa với Phật giáo nguyên thủy ở Ấn Độ còn Champa theo Phật giáo tiểu thừa. Như vậy, thời nhà Lý chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Phật giáo cả đại thừa và tiểu thừa, việc rồng thời Lý chịu ảnh hưởng từ rắn Naga là không mấy khó hiểu.

Thứ hai, khi nhìn vào rồng thời Lý và rắn Naga, chúng ta có thể thấy rồng thời Lý rất khác với rồng Trung Quốc, nhưng lại có mình thon uốn lượn giống với rắn Naga và đặc biệt là chiếc vòi rồng trên đầu rất giống với mào của rắn Naga. Vòi rồng là nét đặc trưng khác biệt nhất của rồng thời Lý mà rồng Trung Hoa, rồng Nhật Bản không hề có. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc rồng thời Lý chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ rắn Naga trong Phật giáo.

Rồng là một sinh vật huyền thoại phổ biến trong cả văn hóa phương Tây và phương Đông, nhưng theo tôi, đây là hai giống loài khác nhau, chỉ là sau này khi dịch từ “dragon” (hoặc từ tương tự trong tiếng Pháp) thì người ta thấy con “dragon” này có nét mặt và sức mạnh giống với rồng châu Á, nên gọi là rồng. Rồng Châu Âu thì xuất phát từ loài bò sát lưỡng cư như cá sấu, kỳ nhông, rồng đất… (sau này thì ta thấy rồng giống với khủng long nhưng tôi nghĩ rằng người Châu Âu cổ không biết đến sự tồn tại của khủng long để tưởng tượng ra loài rồng) còn rồng Châu Á giống với loài rắn. Rồng Châu Âu trong các truyền thuyết, truyện cổ tích thường sắm vai trò là quái vật giữ kho báu, hoặc bắt cóc công chúa, hoặc là một thử thách cho các hiệp sĩ tiêu diệt, sau này mới trở thành biểu tượng hoàng gia của nhiều gia tộc quyền quý; còn rồng châu Á xuất phát từ việc con người cầu mong một sinh vật sông nước huyền thoại bay lên trời, phun mưa để cầu mong mưa thuận gió hòa, nhưng từ lâu cũng đã đã trở thành biểu tượng uy quyền của vua chúa và các vương triều phong kiến.

Nguồn gốc của rồng Châu Á đến từ Ấn Độ, Trung Hoa hay Đông Nam Á vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, nguồn gốc của rồng Việt Nam xuất phát từ sinh vật tên là thuồng luồng. Thuồng luồng là thủy quái dưới nước, có thể là loài rắn lớn hoặc cá sấu, thường gây hại cho người. Nước ta thời xưa đa phần là sông nước, có tục xăm hình thuồng luồng, thủy quái lên người để thuồng luồng, thủy quái gặp tưởng là đồng loại, không làm hại. Tục xăm mình là đặc trưng truyền thống của dân Bách Việt mà ngay cả chính sử Trung Quốc cũng ghi lại là người Giao Chỉ, An Nam có tục xăm thuồng luồng, thủy quái lên người. Sau đó, loài thuồng luồng này chịu ảnh hưởng từ Trung Hóa, được hòa trộn với loài giao long trong văn hóa Trung Hoa, dần biến thành con rồng (tiếng Trung: long). Đến thời Lý tiếp tục chịu ảnh hưởng của rắn Naga mới sinh ra con rồng thời Lý hết sức đặc trưng, thú vị như vậy. Đến các thời đại sau này như thời hậu Lê, Nguyễn thì rồng đã chịu gần như hoàn toàn ảnh hưởng của Trung Hoa, qua đó cũng mất đi sự thanh mảnh và vòi rồng đặc trưng giống như rắn Naga. Với tôi, rồng thời Lý vẫn là rồng Việt Nam đẹp nhất và đặc trưng nhất, là sự pha trộng giữa hai nền văn minh lớn nhất của Châu Á.

Trở lại với hành trình, trước khi lên chùa thì chúng tôi ghé qua một khu bán hàng lưu niệm, gọi là Do Suthep Plaza.

Khu này được quây thành nhiều kiosk bán hàng giống các khu chợ ở Việt Nam, bên trong bán nhiều món đồ, trong đó có cả các mặt nạ kỳ dị giống như quỷ (có thể là một vị thần nào đó trong tín ngưỡng của Ấn Độ-Thái Lan), mặt nạ Phật, tượng Phật, tượng voi…

Đặc biệt là có cả những con rối trông có phần creepy.

Chúng tôi bảo nhau rằng không nên mua đồ vật mang tính tôn giáo về nhà, bởi có thể xung đột tôn giáo. Tôi chỉ mua tượng voi lưu niệm, bởi voi là biểu tượng đặc trưng của Thái Lan. Khi đi đâu, tôi cũng muốn mua một vài nét đặc trưng ở đó về làm lưu niệm. Chị Nhiếp Linh đã giúp tôi mặc cả để mua hai bức tượng voi có giá rẻ hơn chỉ còn bằng già nửa giá lúc ban đầu.

Mua đồ xong xuôi, chúng tôi chuẩn bị leo hơn 300 bậc thang lên chùa. Đầu hai bậc thang cũng có tượng rắn Naga siêu to khổng lồ.

Trên đường lên chùa, hai bên hành lang là bậc lan can thân rắn, lát gốm sứ, thủy tinh đầy màu sắc. Đặc biệt, người ta còn đặt những đồng xu tiền lẻ ở hai lan can này. Có người vừa leo lên vừa nhặt đồng xu, tôi nghĩ rằng thế là không nên vì như tín ngưỡng Phật giáo ở Việt Nam thì vào chùa mà lấy đồ ở chùa, hay đồ cúng bái thì sẽ phải tội. Nhưng cũng có thể trong tín ngưỡng Thái Lan, nhặt những đồng xu này sẽ đem lại may mắn. Dẫu sao, tôi tin rằng việc rải những đồng xu này lên đây cũng là một phần tín ngưỡng, và khi người ta đặt lên để cầu may hoặc tỏ lòng thành kính, thì ta không nên lấy đi những đồng xu đó.

Vào bên trong chùa mới thấy đây là ngôi chùa rất rực rỡ. Người ta có câu “chưa đến Phrathat Doi Suthep là chưa đến Chiang Mai”, đây là ngôi chùa lớn nhất và linh thiêng nhất của miền bắc Thái Lan.

Chùa có nguồn gốc rất lâu đời, đã được xây dựng từ 600 năm trước. Tương truyền, một nhà sư tên là Sumanathera đêm nằm mơ thấy Phật truyền rằng ông phải đi tìm di vật của Phật. Nhà sư này đã đi khắp nơi, khi đến Doi Suthep thì tìm thấy một mảnh xương vai của Phật tổ. Vua Nu Naone của vương quốc Lanna (Chiang Mai hiện tại) đã yêu cầu nhà sư đem di vật đến cho ông. Khi đến nơi, di vật tự phân chia thành hai phần. Một phần được cất giữ ở ngôi chùa tên là Wat Suan Dok, phần còn lại, lớn hơn, được nhà vua đặt lên lưng con voi trắng, thả vào rừng. Con voi leo lên núi Doi Suthep, rống lên ba hồi rồi lăn ra chết. Coi đây là điềm báo, nhà vua cho xây đền ở nơi đây. Ngôi đền sau này được một gia tộc Malaysia sùng đạo xây thành ngồi chùa Wat Phrathat Doi Suthep dát vàng lộng lẫy như hiện nay.

Một điều tôi thắc mắc là tại sao các ngôi chùa ở các nước Đông Nam Á thường dát vàng? Myanmar và Thái Lan là hai quốc gia nổi tiếng nhất với việc dát vàng lên chùa. Trong tín ngưỡng Phật giáo tại Việt Nam, chùa là nơi tĩnh lặng, an lành. Các nhà sư thường sống cuộc sống bình dị, mộc mạc, không xa hoa, hưởng lạc. Chùa thường được xây dựng mái gỗ, sân vườn, hương khói nghi ngút tạo thành một cõi linh thiêng, thanh tịnh. Trong tín ngưỡng Phật giáo tiểu thừa thì các vị sư cũng thường không ở chùa mà đi hành khất khắp nơi. Vậy tại sao Phật giáo ở Myanmar và Thái Lan lại dát vàng lên chùa? Câu hỏi này tôi vẫn chưa tìm được lời giải đáp, nhưng khi bay về, tôi có hỏi một sư thầy người Việt Nam bay cùng chuyến, thầy có giải thích cho tôi. Tôi sẽ kể đoạn đó sau, vào bài viết du ký Chiang Mai ngày cuối cùng.

Du khách hay người hành hương lên chùa có thể đi 3 vòng vòng quanh chính điện để cầu may. Tôi cũng thực hiện theo nghi lễ này, cũng chẳng phải vì mong muốn được may mắn, mà là để trải nghiệm tín ngưỡng này. Ở trên Chùa, các sư thầy (ăn vận theo phái Nam tông) cũng làm lễ chúc phúc cho du khách. Du khách cũng có thể bốc quẻ tại đây.

Rời khỏi khu chùa chính, chúng tôi đi dạo vòng quanh và đến một đài quan sát nằm trong tổ hợp chùa Vàng. Tại đây, có thể nhìn xuống toàn cảnh thành phố Chiang Mai, rất đẹp.

Tôi mải mê chụp ảnh, không chỉ chụp ảnh cảnh vật và chụp ảnh cả những người ngắm cảnh ở đây.

Tôi để ý thấy trên mái của tháp quan sát cũng có những hình chạm khắc thú vị. Trong đó có hình mười hai con giáp.

Ở chùa có một con chó, nó không hề sợ du khách, nhưng cũng không để cho du khách sờ vào người mình. Lạ là khi tôi gọi, con chó liền lấy chân che mặt. Càng lạ hơn nữa là khi chiều đến, chuông chùa ngân lên, con chó đang nằm ngủ liền đứng dậy, tru lên rồi chạy xuống chùa chính. Đây là một cảnh tượng vô cùng thú vị, cứ như thể con chó này là một thú nuôi của vị Phật nào đó trong Tây Du Ký, ngày ngày nghe Phật giảng pháp nên đã lĩnh hội được và đắc đạo.

Tại đây, tôi quen một bạn người Hà Lan. Bạn ấy nhờ tôi chụp ảnh hộ. Cũng hay, vậy là tôi có một nhân vật làm chủ thể cho bức ảnh của mình mà không phải “chụp lén” người khác nữa. Chúng tôi nói chuyện và kết bạn trên mạng xã hội. Đến giờ, tôi và người bạn này vẫn giữ liên lạc với nhau và thỉnh thoảng chia sẻ cho nhau về những chuyến đi du lịch.

Lát sau, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống thì tôi đặt máy quay timelapse.

Trong lúc quay, tôi gặp một người đàn ông (cũng là người Tây) đang cầm máy ảnh với lens tele chụp cảnh vật. Tôi đến bắt chuyện, hỏi lens này chụp được bao xa. Anh ấy không ngần ngại, đưa máy cho tôi, bảo tôi xem thử. Đó là một lens tiêu cự 70-200, thậm chí không xa bằng lens 70-300 tôi từng chụp, nhưng lens xịn hơn, khẩu f1.8 tương đương với lens 50mm tôi đang dùng. Tôi hỏi chuyện anh bạn này, anh ta có vẻ lớn tuổi, độ tầm 40. Anh ta là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp người Thụy Điển, đã hành nghề được 18 năm. Chúng tôi nói chuyện với nhau vui vẻ, về nhiếp ảnh, về Bắc Âu và về Việt Nam. Tôi kể với anh ta việc máy ảnh film của tôi gặp trục trặc nên không chụp được, anh ta bảo tôi có thể tìm các tiệm sửa máy ảnh ở Chiang Mai này. Tôi cũng kể rằng tôi thích tìm hiểu về lịch sử và thích văn hóa Vikings, còn anh ta kể rằng anh ta thích ẩm thực Việt Nam.

Dù ở chuyến đi nào, những cuộc nói chuyện của tôi với người nước ngoài đều là những cuộc nói chuyện có ý nghĩa, có mục đích chứ không phải bắt chuyện phiếm với mục đích giao tiếp với người nước ngoài. Tôi cực kỳ ghét trào lưu lên bờ hồ bắt chuyện với người Tây để nói tiếng Anh. Việc đó cũng có ích cho sinh viên khi được thực hành giao tiếp bằng tiếng Anh, một số khách du lịch nước ngoài sẽ thích được nói chuyện với người bản địa và thấy người Việt Nam rất thân thiện, nhưng khi bắt chuyện với mục đích học tiếng Anh thì với tôi, đó là đang làm phiền người khác. Và rất có thể người khách du lịch nước ngoài bị bắt chuyện ấy hoàn toàn không muốn nói chuyện với người lạ lúc ấy, và họ sẽ cảm thấy bị làm phiền. Tôi chỉ bắt chuyện hoặc nói chuyện với người nước ngoài khi cần thiết hoặc có chung đam mê, sở thích nên mới bắt chuyện để giao lưu mà thôi.

Cuộc nói chuyện thú vị khiến chúng tôi nán lại một lúc lâu, cho tới khi trời bắt đầu tối mới kết thúc. Mấy chị đi cùng đoàn tôi có vẻ khá sốt ruột nên khi tôi và anh bạn kia bắt tay, nói rất vui được gặp bạn thì mấy chị rất vui vì cuối cùng cũng được đi về. Dẫu vậy, tôi vẫn bảo các chị xuống trước, còn tôi nán lại chụp hoàng hôn thêm chút nữa.

Khi tôi đi xuống khỏi đài quan sát thì thấy Đạt đang đợi tôi. Các chị đã xuống xe hết rồi. Tôi và Đạt vội chạy xuống để các chị không phải đợi lâu thêm nữa. Trên đường chạy xuống, trời tối dần một cách rõ rệt. Hai bên cầu thang, đèn lồng và đèn ở chùa bắt đầu sáng lên. Những bóng người lờ mờ trong cảnh chạng vạng. Đây là một khung cảnh hết sức mờ ảo. Tôi vừa chạy, vừa cảm nhận khung cảnh này rất giống trong phim Spirited Away. Cũng là một không gian huyền bí mang đậm chất tôn giáo Á Đông, cũng là trời đang tối dần, cũng là đèn đang sáng lên và tôi cũng như Chihiro, đang vội vã chạy đua với thời gian trước khi màn đêm buông xuống. Vừa chạy xuống cầu thang, tôi vừa cảm thấy phấn khích vì bản thân mình như đang được sống trong bộ phim Spirited Away đầy sống động vậy.

Xuống đến nơi thì trời đã tối mịt, chúng tôi lên xe để đi ăn tối. Đường xuống đèo cũng quanh co, vòng vèo đến say xe. Đã vậy, trời còn tối, chỉ nhìn thấy đèn xe nên cảm giác cũng có phần nguy hiểm. Trên đường xuống đèo, tôi thấy chó hoang nằm khắp nơi, nằm cả giữa đường luôn. May sao xe đều tránh được không thì tội nghiệp chúng nó lắm.

Lúc này đã muộn, tất cả đều đói và hướng về bữa tối. Các chị bật nhạc bài “chiếc bụng đói” rất đúng hoàn cảnh. Tối nay, chúng tôi sẽ ăn một bữa tối kiểu quý tộc tại Thái Lan. Chúng tôi đến nhà hàng Benjarong Khantoke – đây là nhà hàng theo phong cách ẩm thực dân tộc, trên một nhà sàn. Lúc mới tới, có một nhóm vũ công đứng múa dưới nền nhạc đón chào. Tip cho các vũ công này là hoàn toàn tùy tâm. Tôi cũng tips 10 baht. Việc vũ công đứng múa dưới nền nhạc mỗi khi khách tới không chỉ để nhận tip mà còn báo hiệu cho nhà hàng ở trên nhà sàn biết khi nào có khách tới để cho người ra đón tiếp, phục vụ. Quán ăn này thu hút khá nhiều khách du lịch, trong đó có khoảng 4-5 đoàn Việt Nam, 1-2 đoàn Hàn Quốc và 1 số đoàn khách Tây. Đồ ăn thì có thịt gà quay, bì lợn quay, xôi, rau, thịt kho cà ri… Liệu có phải ngày xưa quý tộc Thái cũng ăn các món này?

Khi chúng tôi đang ngồi đợi đồ ăn được mang lên thì có một nhóm các bạn trẻ, mặc trang phục dân tộc truyền thống đến xin chụp ảnh cùng. Họ sẽ chụp ảnh cùng du khách, du khách muốn mua ảnh chụp lấy ngay thì trả tiền.

Nhìn trang phục của họ, tôi thấy có phần giống với trang phục dân tộc Thái hay Hmong ở Việt Nam. Về lịch sử, những người dân tộc Thái và người Thái Lan đều có chung nguồn gốc ở khu vực Vân Nam Trung Quốc, tây bắc Việt Nam và thượng Lào. Họ vốn là người nước Nam Chiếu và Đại Lý (kế thừa Nam Chiếu). Sau những cuộc xâm lược của nhà Tần Trung Hoa và đặc biệt là Mông Cổ đã xâm lược và tiêu diệt nước Đại Lý thì người Thái tràn xuống phương nam nhiều hơn, sinh sống nhiều ở khu vực tây bắc Việt Nam, thượng Lào. Họ cũng di chuyển xuống sâu khu vực phía nam hơn và lập ra đất nước ở lãnh thổ Thái Lan hiện tại.

Từ “Thai” trong tiếng Thái có nghĩa là tự do. Thái Lan là “vùng đất ủa người tự do”. Người Thái còn gọi mình cách dân dã là “Mueang Thai” (Mường Thái), với từ “Mueang” có nghĩa là “vùng lãnh thổ, quốc gia”. Từ “Mường” có thể bắt gặp rất nhiều ở các vùng Tây Bắc và người dân tộc vùng cao coi mỗi mường là một vùng lãnh thổ riêng biệt, có người lãnh đạo riêng cai quản. Tại Lào, cấp hành chính tương đương với “huyện” ở Việt Nam cũng gọi là “mường” (muang). Và ở Việt Nam cũng có dân tộc Mường, phiên âm ra là “moan” hoặc “mual”. Bản thân người dân tộc Mường khi xưa không tự gọi họ như vậy, mà cái tên này do người Kinh gọi họ. Như vậy, có lẽ người Kinh đã sử dụng từ “mường” vốn dùng để gọi phân cấp hành chính, khu vực, để gọi dân tộc thiểu số ở gần mình nhất và mình hay tiếp cận nhất, chính là người dân tộc Mường hiện nay.

Như vậy, những dân tộc thiểu số khu vực tây bắc Việt Nam và người Lào, người Thái có lịch sử quan hệ mật thiết. Họ có lẽ đã từng cư trú và sinh sống phủ khắp khu vực Vân Nam – Trung Quốc, tây bắc Việt Nam và thượng Lào, trước khi Đại Lý bị Mông Cổ tiêu diệt. Người Thái khi di cư xuống vùng đồng bằng mà nay là Thái Lan, bản thân họ cũng phải cạnh tranh với người Môn, người Khmer và cả người ở vương quốc Lanna – có nguồn gốc từ Myanmar, mà nay chính là Chiang Mai. Các vương quốc của người Thái (lúc bấy giờ thường được gọi là Siam) đã lần lượt vượt qua sự kiểm soát của đế quốc Khmer, thâu tóm vương quốc Lanna và sáp nhập lãnh thổ để có được nước Thái Lan thống nhất như hiện tại.

Vừa thưởng thức các món ăn, chúng tôi vừa được xem biểu diễn múa, hát, chơi nhạc cụ truyền thống của người dân tộc nơi đây.


Sau hai màn, chúng tôi lên xe về trước, vì lúc kết thúc là tận 9h tối, khi đó thì khá muộn rồi. Chúng tôi chỉ xem một nửa thôi.

Về tới khách sạn, chúng tôi đều có phần nôn nao, mệt mỏi sau một ngày đi nhiều và say xe. Đạt tranh thủ đi bơi 30 phút bởi 9h tối thì khách sạn sẽ không có du khách sử dụng bể bơi nữa. Trong khi đó, tôi tranh thủ tắm trước rồi một mình xuống phố, đi tìm mua pin thay cho máy ảnh film. Tôi vào một cửa hàng 7-Eleven ngay đối diện, mua được đôi pin và ngay khi vừa thay xong thì máy ảnh đã lên đèn đo sáng. Tôi mừng rỡ vì đã hồi sinh được chiếc Minolta X-700, hay còn gọi là Mino-chan, yêu quý của mình. Bức ảnh đầu tiên sau khi Mino-chan được hồi sinh, tôi đã chụp chính cửa hàng 7-Eleven mà mình đã mua pin ở đó.

Sau đó, tôi tìm trên map một hiệu sách để tới mua sách. Khi tới một quốc gia khác, tôi thích mua sách ở đó mang về. Khi đến Hàn Quốc, tôi đã mua một quyển tuyển tập thơ bằng tiếng Hàn. Tôi tìm trên map thấy một hiệu sách cũng ở gần, bèn đi bộ tới, nhưng khi tới nơi thì hiệu sách đã đóng. Ở đây, ngoại trừ các quán ăn, bar, pub hay những cửa hàng phục vụ giải trí cho khách du lịch thì các cửa hàng phục vụ nhu cầu thường ngày cho người bản xứ đóng cửa khá sớm. Các hiệu sách đều chỉ mở cửa từ 9 giờ sáng đến 7 rưỡi tối thôi.

Trên đường về, tôi thấy và tạt vào một pub có biểu tượng cannabis. Quán pub này nằm trên con ngõ mà khi đi qua, náo nhiệt bởi toàn là người Tây. Con ngõ này còn náo nhiệt hơn cả khu phố hôm qua tôi đi qua, nó tựa như phố Tây vậy. Khi tôi vào pub, cũng toàn là người Tây đang ngồi uống rượu và hút cần.

Tôi gọi cho Đạt và anh Hoàng, rủ hai người ra đây với tôi. Chúng tôi đã làm 3 điếu cùng với 3 ly rượu rum Thái.

Rượu rum Thái ở quán này ngon hơn quán hôm qua. Họ pha chế vừa đủ, cho thêm chút xí muội và lát chanh, uống hơi chua chua và ngọt một chút vị của xí muội, uống khá nịnh vị.

Từ trên quán, tôi nhìn thấy vài chiếc xe tuk tuk gắn đèn Led RGB đón khách. Tuk tuk là một phương tiện “đặc sản” của Thái Lan. Trước kia, ở Việt Nam có loại xe lam chở khách giống tuk tuk nhưng đã bị cấm từ lâu. Những chiếc xe lam sau này đã được cải tiến thành xe tặng cho thương binh, chúng tôi vẫn gọi là xe 27/7. Những chiếc xe đó ngày nay được dùng để chở hàng, còn ở Thái Lan vẫn dùng để chở khách. Tôi đã muốn đi tuk tuk khi đến Thái Lan nhưng lại lỡ mất nên vẫn chưa được đi tuk tuk lần nào.

Chúng tôi ngồi chill trên tầng 2, vừa chill vừa nói chuyện, cho tới khoảng gần 12 giờ thì về. Chúng tôi lượn một vòng quanh phố đêm Chiang Mai. Các quán bar, pub cũng đã vãn người và đóng cửa.

Trên đường về, chúng tôi bắt gặp một hàng “xiên bẩn” bèn dừng lại mua. Chỉ có 10 baht (7.000 VNĐ)/xiên nhưng xiên ở đây trông có vẻ nhiều hơn, và cũng đa dạng: từ viên chiên, thịt xiên đến cả hải sản, thanh cua, lòng xiên, tim gà xiên… Chúng tôi mua một ít rồi mang về khách sạn ăn.

Về đến khách sạn, chúng tôi ra ban công ăn xiên một lát rồi đi ngủ. Vậy là đã qua ngày thứ hai ở Thái Lan. Ngày mai, chúng tôi sẽ lại tiếp tục một hành trình dài, còn dài hơn cả hôm nay. Theo đó, ngày mai, chúng tôi sẽ đi tới Chiang Rai, cách Chiang Mai tận 250 km. Đã đến lúc đi ngủ để lấy sức, chuẩn bị cho một hành trình mới.

Xem thêm: Du ký Chiang Mai – Thái Lan (Phần 3: Ấn tượng Chùa Trắng)

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s