- Xem thêm: Du ký Chiang Mai – Thái Lan (Phần 1: Chợ đêm Chiang Mai)
- Du ký Chiang Mai – Thái Lan (Phần 2: Ngắm nhìn Chiang Mai từ trên cao)
Ngày thứ 3: Khám phá Chiang Rai: Chùa Trắng, Chùa Xanh, Bảo tàng Nhà Đen
Sáng nay, chúng tôi dậy từ sớm: gần 6 giờ sáng đã dậy rồi, để đúng 6 giờ có thể lên xe, chuẩn bị cho một hành trình dài bất tận tới Chiang Rai. Chiang Rai cách trung tâm Chiang Mai khoảng 240 km, để dễ hình dung thì khoảng cách xa bằng từ Hà Nội đến Lào Cai và gần bằng từ Hà Nội đến Sapa. Chiang Rai là khu vực vùng núi Tây Bắc Thái Lan nên dĩ nhiên sẽ đi đường đèo vòng vèo tương tự vùng núi Tây Bắc ở Việt Nam rồi.
Cũng như hôm qua, khách sạn chuẩn bị cho chúng tôi một bữa sáng healthy đầy đủ chất dinh dưỡng: sữa tươi, trứng luộc, chuối và 1 chiếc bánh sandwich bán sẵn.

Sáng sớm ở Chiang Mai có thể trông ra xa thấy mây đang lảng vảng nơi chân núi. Chưa cần lên Chiang Rai thì ở Chiang Mai này cũng tương đối cao và có nhiều đồi núi rồi. Nếu như được đi leo núi ở dãy núi đằng xa kia để săn mây sáng sớm thì khác gì Hà Giang, Đà Lạt, Sapa, Mộc Châu, Tam Đảo đâu.

Do ngủ dậy sớm nên khi xe bắt đầu vào đường cao tốc thì tôi cũng đeo tai nghe để tranh thủ ngủ. Mọi người lúc này cũng đều ngủ cả, chỉ có anh lái xe Che Che vẫn thức trên chặng đường dài ngày hôm nay. Đôi khi, tôi tự hỏi những người lái xe dịch vụ như này liệu có thấy buồn, thấy chán hay thấy buồn ngủ không khi mà khách trên xe đều ngủ cả. Nếu có thì sẽ đáng sợ lắm đây.
Khi tôi thiu thiu ngủ thì xe vào những đoạn đường cua vòng vèo. Đúng lúc ấy, playlist của tôi lại chuyển sang bài Dream Is Collapsing và Time – nhạc phim Inception. Vừa nghe 2 bài này, tôi vừa ngủ nửa tỉnh nửa mê, người bị nghiêng ngả bên này bên kia do xe đi vào những khúc cua, cảm giác như mình đang sống trong bộ phim Inception vậy. Có khi nào cuộc sống này cũng chỉ là một giấc mơ, và chỉ cần một cú hích đủ mạnh, tôi sẽ tỉnh dậy với một nhân dạng khác, một cái tên khác, sống một cuộc sống khác?

Khi tôi thức dậy thì quả nhiên không còn thấy mình trên đường cao tốc nữa, mà đã ở… trạm dừng nghỉ. Như thường lệ, những chuyến xe đường dài sẽ dừng nghỉ giữa chặng. Trạm dừng của chúng tôi ngày hôm nay là một trạm khác hôm qua, do sớm quá nên các cửa hàng vẫn chưa mở. Ở một quán bán đồ ăn nhanh mới có một người nhân viên đến, bắt đầu lau cửa kính, chuẩn bị mở cửa đón chào ngày mới.

Cũng tại đây, tôi đã gặp một chú chó đen và một chú mèo đen. Cả hai đều khá bạo người, cho vuốt ve thoải mái. Chú chó đen thậm chí còn đến xin ăn nữa.


Gần 9 giờ, sau tổng thời gian gần 3 tiếng di chuyển, chúng tôi đã đến Chiang Rai. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Chùa Trắng, có tên chính xác là Wat Rong Khun. Chùa Trắng có thể coi là địa điểm hot nhất trên mạng xã hội về Chiang Mai. Dạo quanh các trang review Chiang Mai hay lên Youtube tìm kiếm Vlog du lịch thì đều thầy Chùa Trắng nổi bật nhất. Trước chuyến đi Chiang Mai, cũng có một bài post viral trên mạng xã hội về Chùa Trắng, nhưng đó là do họ đã dùng app hoặc photoshop chỉnh sửa thêm, chứ ngoài đời Chùa Trắng nhìn không có giống như vậy.

Dù không bông bông mây mây giống trên bức ảnh đó, Chùa Trắng vẫn thực sự ấn tượng. Đây là một kiến trúc mang đậm dấu ấn nghệ thuật hơn là tâm linh. Một ngôi chùa trắng như được làm từ ngà voi và những bộ xương, lừng lững ngự bên một con hồ, với cây cầu cong bắc qua để vào bên trong. Lúc này, trời đã nắng chói chang như đầu hè ở Hà Nội, nhưng không oi bức bằng bởi khí hậu ở Chiang Rai khá khô. Bầu trời trong xanh, nhiều mây càng làm cho những ảnh chụp Chùa Trắng thêm phần đẹp, giống như một công trình kiến trúc nhân tạo vĩ đại nằm giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Vé vào cửa Chùa Trắng là 100 baht (70.000 VNĐ). Nếu bạn không mua vé và đi qua cổng an ninh thì vẫn có thể đứng ở bên ngoài và chụp ảnh với Chùa Trắng, chỉ là không được chụp từ chính diện và tham quan từ bên trong thôi. Vậy mới nói người Thái thật biết cách làm du lịch.

Ngay đầu cầu lối dẫn vào bên trong chùa có một khu vực điêu khắc nghệ thuật đầy ấn tượng. Với tôi, đây là khu vực ấn tượng nhất trong chuyến đi Chiang Rai hôm nay.
Hai bên cây cầu là hai cái hố với vô số bàn tay nhô lên như những con người bị mắc kẹt dưới địa ngục, đang cố ngoi lên cầu xin người qua cầu kéo lên giúp. Nhưng chớ dại mà chạm tay vào, bởi rất có thể khi bạn vừa nắm lấy bàn tay ấy, bạn sẽ bị kéo xuống và rồi chính bạn sẽ trở thành một phần trong số đó. Có cả bàn tay còn đang cầm lấy một cái sọ người.

Bao quanh hai hố địa ngục cũng là một kiến trúc độc lạ, với những rễ cây đan xen với đủ các hình thù: con rắn, bàn tay, sọ người, mặt người đau khổ… Nếu như cái hố kia là nơi giao nhau giữa địa ngục và trần gian – nơi những kẻ mắc kẹt còn đang cố ngoi lên cầu cứu, níu kéo thì khung cảnh bao quanh này mới thực sự là địa ngục. Đó là một nơi hỗn loạn, quái dị và đầy đau đớn. Nhiều khách tham quan đặt những đồng xu lẻ vào đây, không hiểu là để bố thí (giống như cúng cơm cho ngạ quỷ) hay còn ý nghĩa gì. Nhưng hình ảnh sọ người há miệng đau đớn, bên trong có những đồng xu thật ý nghĩa. Tôi cảm thấy hình tượng này ngụ ý về sự tham lam của con người, mà vì sự tham lam đó nên phải xuống địa ngục, đày đọa trong đau đớn.

Tại sao ở trước cầu dẫn vào chùa lại có khung cảnh ghê rợn này? Như tôi nói, ngôi chùa này mang tính nghệ thuật nhiều hơn tâm linh nên tôi nghĩ rằng ngụ ý ở đây rằng có nhiều linh hồn khi chết đi không qua được cây cầu dẫn vào cõi Phật mà phải chịu cảnh đày đọa dưới địa ngục, trở thành ma quỷ, vong hồn. Quả vật, đầu hai cây cầu là hai bức tượng hộ pháp dữ dằn, cầm đao, chỉ tay xuống phía dưới như những người gác cổng, không cho ma quỷ xâm nhập vào.

Chùa Trắng đặc biệt ấn tượng bởi lối kiến trúc cầu kỳ, tỉ mỉ, đan xen giữa thạch cao và gương thủy tinh. Những mảnh gương được ghép vào từng họa tiết, vừa tạo nên vân trang trí cho họa tiết, mà khi trời nắng sẽ phản chiếu ánh sáng lung linh, càng tô điểm cho ngôi chùa.
Ngôi chùa này được xây dựng bởi kiến trúc sư Chalermchai từ năm 1997. Đây là một ngôi chùa rất mới và theo mình thì mang tính nghệ thuật nhiều hơn là truyền thống, tín ngưỡng. Có người thì nói đây là ngôi chùa thương mại, nhưng tôi thì thấy các ngôi chùa ở đây đều mở cửa đón khách du lịch, vậy không thể nói ngôi chùa này là thương mại bởi nó mới mẻ hơn và được xây dựng bởi một kiến trúc sư thay vì một nhà sư được. Theo tôi thì đây là ngôi chùa mang tính nghệ thuật cao, có kiến trúc độc đáo, nổi bật, cầu kỳ, tinh tế đến từng chi tiết mà không bị màu mè, không những vậy còn có những ý nghĩa ẩn dụ trong đó nữa.
Bên trong đại điện của chùa thì không được quay phim, chụp ảnh. Tại đây, bên dưới bức tượng Phật lớn có một nhà sư đang ngồi thiền. Tôi không biết rằng đây là một nhà sư bằng xương bằng thịt, còn sống đang ngồi thiền, hay một tượng sáp, hay là xác nhà sư được phủ sáp lên bảo quản? Chỉ thấy rằng ngài đang ngồi thiền vô cùng tĩnh lặng giữa dòng khách du lịch xô bồ. Nếu đó là tượng sáp hoặc xác được phủ sáp lên thì phải nói công nghệ của người Thái quá tinh xảo, trông y như thật, còn nếu đó là một nhà sư đang ngồi thiền thì ngài quá giỏi, giữa dòng khách xô bồ như vậy vẫn có thể tịnh tâm.

Sau khi đi qua đại điện, tôi đi dạo vòng quanh hàng lang bao quanh để chụp thêm ảnh. Có những góc được trang trí rất đẹp, với các hình tượng chủ đạo là Phật, rắn Naga và voi.


Tham quan xong ngôi chùa chính, chúng tôi đi ra ngoài và đi vệ sinh. Nhà vệ sinh ở đây cũng được sơn vàng, dát vàng. Tôi không vào bên trong nhưng nghe đâu thì các bồn vệ sinh trong này cũng được làm bằng vàng.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục sang một ngôi chùa nằm trong tổ hợp Wat Rong Khun, có màu vàng. Tôi không thích những ngôi chùa sơn hay phủ vàng lên, trông có phần màu mè và hơi lố. Bên trong chùa này thì chủ yếu thờ thần voi Ganesha. Đây là một vị thần có đầu voi mình người trong Ấn Độ giáo. Ngài là con của thần Shiva và nữ thần Parvati. Theo truyền thuyết, thần Shiva luôn nhìn nữ thần Parvati với con mắt thèm muốn nên khi sinh ra Ganesha, Parvati đã dùng thân hình to lớn của Ganesha che mình đi. Shiva tức giận và đã chặt đứt đầu Ganesha. Parvati cầu xin Shiva cho Ganesha được sống, Shiva đã ra lệnh chặt đầu con vật đầu tiên mình nhìn thấy gắn vào làm đầu cho Ganesha và con vật đầu tiên Shiva nhìn thấy là một con voi. Ganesha là vị thần tượng trưng của tài trí, hạnh phúc và thành công, được đông đảo người theo Ấn Độ giáo tôn thờ không kém thần Shiva, và ở một số giáo phái phía nam Ấn Độ, Ganesha còn là vị thần chính. Có lẽ hình tượng thần Ganesha phổ biến ở Thái Lan vì Thái Lan là quốc gia có nhiều voi, nên đã tôn thờ vị thần này. Ngày nay, khi voi trở thành biểu tượng đặc trưng cho Thái Lan thì thần Ganesha cũng là một biểu tượng phổ biến ở xứ sở chùa vàng.

Bên trong khu chùa vàng này còn có bảo tàng trưng bày hiện vật về Chalermchai – kiến trúc sư tạo ra Wat Rong Khun, và bán đồ lưu niệm về Wat Rong Khun, Chalermchai và cả thần voi Ganesha nữa. Những hình vẽ thần Ganesha rất đẹp được in lên áo phông và bán cho du khách. Tôi nhìn mà cũng muốn mua, nhưng chợt nghĩ mình mua một chiếc áo mang biểu tượng văn hóa nước bạn trong khi nước mình thì chẳng có cái nào (thực ra tôi có 1 chiếc áo phông local brand Remake mang hình vẽ rồng thời Lý nhưng đây là do các artist trẻ vẽ ra chứ không phải một chiếc áo được bán chính thống ở di tích hay chùa như này, vừa mới hôm qua tôi đã mặc chiếc áo đó) nên không mua nữa. Lại một lần nữa, người Việt nên học hỏi cách phát triển du lịch của Thái Lan, khi lồng ghép các khía cạnh văn hóa vào thời trang đại chúng. Ở Lăng Bác hay mấy khu du lịch như Sầm Sơn, Cửa Lò, Hạ Long… cũng có bán áo, nhưng hình vẽ thì không đẹp, nhàm chán và chất áo cũng không đẹp. Những chiếc áo này hồi nhỏ tôi có được bố mẹ mua cho mặc, nhưng quả thật là chỉ có trẻ con hoặc người lớn tuổi mới thích mặc những chiếc áo đó. Tôi luôn ủng hộ văn hóa nước nhà, ngày nay, chủ yếu mua áo của các local brand, đó là chiếc áo múa lân Trung Thu của Tired City, áo ma quỷ dân gian của Tired City và áo rồng thời Lý của Remake. Đây đều là những chiếc áo của các artist trẻ sáng tạo dựa trên văn hóa dân gian, nhưng ít nhiều đã thay đổi và hiện đại hóa, hoặc nghệ thuật hóa đi so với những biểu tượng truyền thống và không được bày bán tại những địa điểm du lịch – những nơi mà có thể cộng hưởng truyền bá văn hóa truyền thống (ví dụ như bán áo Remake Rồng thời Lý ở Hoàng thành Thăng Long, Văn miếu Quốc Tử Giám chẳng hạn).
Cũng tại đây, tôi mua một cuốn sách về Wat Rong Khun, có tên là “White Temple”, đây là cuốn sách tiềng Anh chứ không phải tiếng Thái, viết về kiến trúc sư Chalermchai và quá trình sáng tạo ra Wat Rong Khun. Như vậy, tôi đã mua được một cuốn sách ở Thái Lan, về Thái Lan, dù rằng không phải viết bằng chữ Thái.
Ở bên ngoài chùa còn có một Art Cave nhưng chưa xây xong. Cạnh đó là thác nước với những bức tượng mang văn hóa popular Mỹ: Ninja Rùa, Alien, Kungfu Panda, Batman, Gollum, Hell Boy, Dracula… hết sức thú vị. Những hình tượng này xuất hiện trong ngôi chùa tạo nên một không gian giao thoa văn hóa, mà có người thì coi là lố lăng, dám đưa những hình ảnh này vào không gian chùa chiền, nhưng cũng có người nhận thấy sự sáng tạo, chủ ý tự do trong nghệ thuật và sự giao thoa văn hóa của không gian này. Dù sao thì đó cũng chỉ là những bức tượng trang trí ở khuôn viên bên ngoài, không đưa vào thờ cúng ở trong ngôi chùa, nên theo tôi cũng không có vấn đề gì lớn cả.



Rời Chùa Trắng, chúng tôi tiếp tục đến Chùa Xanh. Cũng như Chùa Trắng, Chùa Xanh chỉ là cái tên do du khách đặt vì ngôi chùa màu xanh, còn tên thật của ngôi chùa này là Wat Rong Seur Ten. Nhưng khác với Chùa Trắng là một ngôi chùa mới được xây lên phục vụ du khách, Chùa Xanh là ngôi chùa có truyền thống lâu đời và cũng được coi là một ngôi chùa linh thiêng. Cái tên “Rong Seur Ten” của ngôi chùa này có nghĩa là “ngôi nhà của những chú hổ nhảy múa”, theo truyền thuyết, nơi đây từng có một mỏm đá mà những con hổ thường đến để nhảy qua sông Mekong (tiếng Thái gọi là Mae Kok). Ngôi chùa mới được xây dựng trên nền chùa cũ vào năm 2006.

Bên ngoài, Chùa Xanh được sơn toàn bộ màu xanh nước biển ấn tượng, với hình điêu khắc, trang trí chủ đạo là Rắn Naga, voi và một số vị thần trong tín ngưỡng Ấn Độ-Thái Lan.

Bên trong Chùa là đại sảnh đường. Chính giữa đại sảnh đường là bức tượng Phật lớn. Vào đây thì du khách được chụp ảnh nhưng phải quỳ/ngồi xuống khi chụp.

Ấn tượng nhất vẫn là trần nhà. Cũng như Chùa Đôi Hoàng Gia, Chùa Xanh vẽ trần trông như ở những nhà thờ Phục Hưng bên Châu Âu vậy.


Sau khi từ đại sảnh ra, tôi tiếp tục lang thang chụp ảnh một mình, Ở đây có nhiều bức tượng rất đẹp và ấn tượng, trông như trong thần thoại Hy Lạp.



Có một vài công trình thậm chí còn đang tu sửa hoặc xây dựng.

Lang tham tham quan một lúc xong, chúng tôi tập trung ở khu lưu niệm để mua kem. Ở đây có món đặc sản là hoa đậu biếc xanh, có thể dùng làm xôi và cả kem nữa. Kem hoa đậu biếc xanh sẽ được nhuộm lên một màu xanh da trời khá bắt mắt.

Anh lái xe Che Che giúp chúng tôi chọn kem và tư vấn cho tôi mua dầu massage, mà tôi thấy nó có phần nào đó giống dầu gió. Sau khi chơi xong ở Chùa Xanh, chúng tôi lên xe đi ăn trưa ở ngay gần đó.

Chúng tôi ăn trưa ở một nhà hàng mang phong cách biệt thự Địa Trung Hải cổ, nằm giữa vườn cây tươi mát, tên là Chavit Thamada. Mặc dù đã đặt bàn trước nhưng vì đoàn đông mà chúng tôi không muốn tách bàn, nên nhà hàng đã đưa chúng tôi sang một quán cafe bên cạnh (có lẽ cùng chủ) và cho chúng tôi một phòng riêng, có điều hòa. Cảm giác như phòng VIP.

Trong phòng còn có ống khói, trang trí các món đồ cổ Châu Âu, còn ở không gian bên ngoài thì có cả một chiếc máy chụp ảnh đời đầu, theo một cách nào đó thì chính là “cụ tổ” của 2 “em” Mino-chan và Sony của tôi.

Đồ ăn trong menu rất đa dạng, mức giá từ thấp tới cao nhưng rất phải chăng. Điểm tôi đánh giá cao ở menu là có đánh sao và số quả ớt, biểu chưng cho mức độ được yêu thích và mức độ cay của từng món ăn. Có món ăn có sao, 0 ớt nghĩa là rất được yêu thích, không cay; có sao, 2 ớt là rất được yêu thích, rất cay; 0 sao, 1 ớt là được yêu thích và độ cay vừa phải. Trong menu này còn có cả một số món ăn Việt Nam (được đánh dấu sao) như “Vietnamese Grilled Pork with Rice Noodles and Cripsy Spring Roll” – “Bún chả và món cuốn”, hay “Vietnamese Fried Spring Rolls” – “nem rán”.

Tôi gọi món cơm cà-ri bò miền Bắc Thái Lan không cay, có rất nhiều bò hầm, lại còn thêm 2 miếng lạp xưởng tẩm bột rán, ăn với cơm gạo lứt và salad, mà giá chỉ có 250 baht (175.000 VNĐ). Cảm giác món này, với chất lượng món ăn và nhà hàng như này mà ăn ở Việt Nam cũng phải 200.000-300.000 VNĐ/suất.

Cả nhóm tôi gọi các món: cơm cà ri bò Bắc Thái, fish & chips, 2 suất cơm dừa, 2 suất cơm rang trộn thập cẩm, 2 suất mì tôm (có tôm), 1 suất spaghetti cá hồi. Trong đó suất spaghetti cá hồi là đắt nhất, có mức giá 700 baht (490.000 VNĐ), nhưng nhìn số cá hồi ở bát mì thì thấy giá đó cũng đúng thôi.

Trong lúc chúng tôi ngồi ăn thì bên ngoài trời mưa. Cơn mưa rào thoáng qua như những cơn mưa rào mùa hạ ở Hà Nội. Sau khi mưa tạnh thì trời hửng nắng. Cả đoàn chúng tôi sau khi cơm no rượu say thì cũng bắt đầu “căng da bụng, trùng da mắt”, một số người tranh thủ chợp mắt giây lát trước khi lên đường tới điểm đến tiếp theo.
Mưa tạnh, chúng tôi thanh toán rồi ra ngoài. Ở ngoài sân, tôi thấy một ban thờ nhỏ ở gốc cây đa, bên dưới có cả tượng hai chú thỏ, họ làm cả ngôi nhà nhỏ và những bức tượng người mặc trang phục cổ, trông rất “tâm linh” nhưng cũng thú vị. Tôi bèn hỏi nhân viên ở quán liệu rằng du khách có thể chụp ảnh không, họ trả lời là có, vậy nên tôi đã chụp bức ảnh này.

Có lẽ đây là một ban thờ vị thần cổ xưa ở gốc cây đa giống như việc người Việt hay thờ khấn các vị thần ở cây đa hoặc các cây cổ thụ lớn, nhưng cũng có thể ban thờ này có ý nghĩa tương tự các bàn thờ Thần Tài ở Trung Quốc và Việt Nam. Việc thờ tự rất phổ biến ở các nước Đông Á, bởi vậy mới có câu “phương Đông huyền bí” được người phương Tây sử dụng để nói về sự sùng bái tín ngưỡng và những câu chuyện tâm linh dày đặc ở các nước phương Đông. Còn nhớ, khi tôi dẫn một giáo sư người Mỹ dạo chơi ở Hà Nội thời tôi còn là sinh viên, anh ấy rất lấy làm thú vị khi gặp những “góc” mà người dân cắm que hương ở gốc các cây to. Khi tôi vào Đà Nẵng, tôi cũng chú ý đến những que hương cắm khắp nơi trên đường phố. Ở Hà Nội, cũng có những góc người dân thắp hương ở đường phố nhưng thường ở các gốc cây hoặc nơi từng xảy ra tai nạn giao thông, và chỉ thỉnh thoảng mới thấy, còn ở Đà Nẵng thì đoạn đường nào, gốc cây nào, vỉa hè trước cửa nhà nào cũng thấy cắm một vài que hương. Khi tôi hỏi cô bán bánh mì, cô nói rằng người dân cắm que hương để cầu siêu cho những người bị tai nạn giao thông, cũng như cầu bình an cho người tham gia giao thông đi đường. Về mục đích thì cũng giống như người dân Hà Nội nhưng có lẽ việc cắm hương ở đường phố đã ăn sâu vào tín ngưỡng nơi đây nên có thể trông thấy ở khắp nơi trên đường phố.
Khi xe đến điểm đến tiếp theo là Nhà Đen (Black Museum, hay Baan Dum), thì trời đã hoàn toàn trong xanh và hửng nắng.

Nhà Đen, hay đúng hơn là Bảo tàng Đen, có tên nguyên bản là Baan Dum, là một bảo tàng được thành lập từ năm 1939. Bảo tàng này có màu đen làm chủ đạo, với những cụm công trình lấy cảm hứng từ những ngôi nhà của người Thái cổ, tương tự nhà rông ở Tây Nguyên. Bên trong bảo tàng trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, cổ vật… về tín ngưỡng và thế giới tâm linh huyền bí, đen tối của người Thái cổ. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều món đồ có phần ghê rợn như dương vật gắn lưỡi cưa, dụng cụ tra tấn, da cá sấu, da rắn, đầu trâu…



Tín ngưỡng phồn thực với các cơ quan sinh dục (linga, yoni) tràn ngập khắp nơi đây. Có thể thấy ở các món đồ trưng bày, tượng, và ngay cả WC ở đây cũng sử dụng biểu tượng linga, yoni để phân biệt WC nam/nữ chứ không sử dụng biểu tượng hiện đại.

Tín ngưỡng phồn thực đã từng tồn tại và rất phổ biến trong những xã hội nguyên thủy trên toàn thế giới. Khi đó, tình dục chưa bị coi là xấu xa, người xưa khuyến khích giao phối để sinh con, đẻ cái, duy trì nòi giống, làm mạnh thêm cho bộ lạc, bộ tộc của mình. Sau này, các tín ngưỡng khác và Nho giáo sinh ra, phát triển khiến cho xã hội trở nên khép kín với vấn đề tình dục, đã từng coi tình dục là tội lỗi, là thô bỉ, cần phải giữ cái tâm và cơ thể trong sạch. “Trinh tiết”, hay sự trinh trắng, ở các nước Á Đông đã bị thổi phồng và coi trọng một cách cường điệu, khiến người phụ nữ Châu Á bị kìm kẹp trong những gông cùm phong kiến. Mãi cho tới tận bây giờ, khi tiếp xúc với văn hóa cởi mở từ phương Tây thì các xã hội Á Đông cũng đã suy nghĩ thoáng hơn, nhưng phần nào vẫn e dè với chuyện tình dục và vẫn “kín đáo” hơn so với các xã hội phương Tây rất nhiều.
Bên cạnh tín ngưỡng phồn thực, ở đây cũng có những công trình kỳ dị, cổ quái dựa trên tín ngưỡng cổ xưa như nhà khóc, nhà có người treo cổ…


Mặc dù kinh dị là thế nhưng bảo tàng này khi đi vào ban ngày thì không quá đáng sợ, bởi đông du khách. Có chăng cũng chỉ thấy nó hơi creepy đôi chút thôi nhưng chụp ảnh lên thì vẫn rất “độc lạ Chiang Rai”. Có lẽ bởi vậy, dù mang tính tâm linh và có phần hơi creepy, Nhà Đen vẫn trở thành một địa điểm check-in hot trên mạng xã hội.

Tham quan xong Nhà Đen cũng là lúc chúng tôi lên xe để trở về Chiang Mai. Dù mới có 3 giờ chiều nhưng hành trình trở về Chiang Mai lên tới 240 km cũng là một hành trình dài, phải đến tối mới về đến nơi. Trên đường về Chiang Mai, chúng tôi ngủ trên xe, phần vì đường về dài quá, phần vì ngày hôm nay cũng đã đi lại nhiều, khá mệt. Chỉ có anh lái xe Che Che là vẫn giữ được đầu óc tỉnh táo và thể trạng khỏe mạnh để đưa chúng tôi về.
Cũng như lúc đi, chúng tôi dừng ở trạm dừng nghỉ. Vẫn là trạm dừng nghỉ lúc sáng nhưng lúc này hàng quán đã mở rồi. Tôi mua một cốc cafe ở cửa hàng Cafe Amazon để uống cho tỉnh táo. Bầu trời Chiang Mai hôm nay rất đẹp: trời cao, trong xanh với nhiều đám mây “vón cục” trông như những cục bông. Trời đẹp thật khiến cho tâm trạng trở nên dễ chịu, dù thể trạng có đang buồn ngủ, mệt mỏi thì cũng sẽ nhanh chóng tan biến hết.

Trên đường trở về, chúng tôi còn đi qua một công trình trông như những tháp Champa ở các vùng miền Trung Việt Nam (Bình Định, Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang…) hay cũng có phần giống Angkor Wat. Có lẽ đây là một công trình kiến trúc cổ của người Khmer hoặc nền văn hóa chịu ảnh hưởng nhiều từ người Khmer. Bên trong thành ở Chiang Mai cũng có một số công trình như này, nhưng tôi lại không đến. Tôi thấy có phần hơi tiếc nuối vì đã không tham quan những địa điểm này.

Chúng tôi về tới khách sạn lúc 8 giờ tối, ai nấy cũng hơi say xe và mệt mỏi. Dù hơi mệt say xe vì hành trình dài như vậy, chúng tôi không ai là quá mệt, bị nôn ói cả. Có lẽ đây là đoàn có sức khỏe tốt nhất mà tôi từng đi cùng, bởi thường thì hành trình 150 km cũng đã có nhiều người say xe tới nôn ói, nhưng ngày hôm nay, chúng tôi đã đi tổng cộng hơn 500 km mà không có ai bị sao cả.
Chúng tôi trở về phòng, tắm rửa rồi chuẩn bị đi đi chợ đêm ăn tối. Lúc này, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra.
Khi trở về đến khách sạn, chị Nguyệt phát hiện ra cửa phòng mình không đóng. Trước khi đi, chị đã đóng và khóa cửa lại cẩn thận. Khi vào trong kiểm tra, chị phát hiện ra ví của mình đã biến mất. Nhóm chúng tôi hỏi chị nhớ lại xem chị có mang đi không thì chị bảo ngày hôm nay chị quên ví. Chị đến gặp quản lý khách sạn, yêu cầu check cam nhưng không hiểu vì lý do gì, camera hành lang của khách sạn ở tầng 1 (phòng của chị ở tầng này) lại bị hỏng, trong khi các tầng khác vẫn hoạt động bình thường. Sau khi tắm rửa, chúng tôi cùng xuống khu vực lễ tân để giúp chị Nguyệt. Về cơ bản thì tiền không phải vấn đề, mà các giấy tờ mới quan trọng. Chị Nguyệt còn mở công ty và quản lý nhiều tài khoản ngân hàng, cũng như các giấy tờ liên quan tới công ty, nên việc làm lại giấy tờ sẽ rất phức tạp. Chúng tôi cố gắng dùng số đông để gây sức ép lên quản lý ca và lễ tân khách sạn. Thêm một điều khó hiểu ở khách sạn này, đó là họ không có danh sách của nhân viên vệ sinh làm việc trong ca ấy. Họ cũng không muốn công an đến nên tìm cách điều đình, nhưng có lẽ vì cả hai người đều còn quá trẻ, nên họ chỉ biết lúng túng, không biết xử lý ra sao. Camera không check được, cũng không có danh sách nhân viên vệ sinh làm việc buổi sáng và chiều nay, nhân viên khách sạn thì lúng túng, chúng tôi buộc phải tìm cách liên lạc với cơ quan công an. Ở đây có đường dây nóng của công an du lịch, nên tôi và Đạt gọi cho công an. Chị Nguyên thì gọi cho chị bạn người Việt bên này – người đã giúp chúng tôi thuê khách sạn, đặt xe, mua vé các thứ cho chuyến đi này. Bên công an sau khi tiếp nhận thông tin thì đã gọi cho bên khách sạn và họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái, chúng tôi không biết họ nói những gì.
Bầu không khí lúc ấy vô cùng căng thẳng và bế tắc. Trong những chuyến đi chơi, tôi luôn sợ nhất là mất đồ. Tôi thì chưa mất đồ gì giá trị trong những chuyến đi bao giờ, nhưng ngày trước khi còn là sinh viên, tôi cùng nhóm bạn đi “lượn” quanh Hà Nội bằng xe bus và cuộc vui đã phải ngưng lại giữa chừng khi bạn tôi bị rơi mất vé tháng xe bus. Dĩ nhiên, việc đó thì dễ xử lý hơn nhiều, chỉ cần bỏ tiền đi bus về nhà và làm lại vé thôi, còn mất ví và giấy tờ ở Thái Lan là câu chuyện khác.
Một điều may mắn đó là khi chị Nguyên gọi điện cho chị bạn người Việt và chị ấy gọi cho anh lái xe Che Che, anh lái xe Che Che liền tìm lại trên xe thì đã thấy ví của chị Nguyệt. Hóa ra là ví của chị đã rơi ra trên xe, có lẽ là từ lúc sáng sớm khi chúng tôi trên đường di chuyển, vì khi đến điểm dừng nghỉ thì chị Nguyệt đã không thấy ví đâu rồi. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõn, thông báo cho hai bạn ở khách sạn, xin lỗi đã làm phiền và cảm ơn họ đã giúp đỡ (dù không giúp được gì mấy) nhưng cũng vẫn cảnh báo họ rằng việc cửa phòng bị mở, không khóa lại và hỏng camera là điều tắc trách từ phía khách sạn.
Sau khi rắc rối được xử lý xong, chúng tôi ra chợ đêm ăn tối. Chị Nguyệt sẽ bao cả nhóm bữa ăn này để ăn mừng việc tìm lại được ví.

Hôm nay là Chủ Nhật, ở khu vực phía trong thành cổ có tổ chức chợ đêm. Chợ đêm này khác với Night Bazaar hôm trước chúng tôi đi, chỉ tổ chức vào chiều và tối Chủ Nhật. Trước cổng thành cổ hôm nay náo nhiệt hơn mấy hôm trước, có những người bán hàng rong, xin tiền và cả những người ngồi trên vỉa hè bán đồ lưu niệm. Tôi đặc biệt chú ý tới một sạp hàng bán các con thú bện bằng dây thừng rất khéo léo. Có con rồng, voi, cá sấu… nhưng giá cũng khá mắc nên tôi chỉ xem chứ không mua.

Con đường chợ đêm này nằm ngay trong thành cổ, họ tạo thành một tuyến phố đi bộ, bán hàng đông đúc, tấp nập vào tối Chủ Nhật. Có nhiều khu vực ẩm thực ở đây, bạn có thể tìm thấy các món ăn Thái Lan lẫn quốc tế. Tại khu chợ đêm này, chúng tôi cũng gọi đồ ở nhiều quầy rồi ra bàn ngồi ăn chung. Khu vực này nằm ngay cạnh hoàng cung (hoặc một công trình kiến trúc nào đó nằm trong tổng thể hoàng cung), vừa ăn vừa ngắm mái nhà hoàng cung.

Chúng tôi mỗi người đi chọn những đồ ăn khác nhau về bàn cùng ăn chung với nhau. Chúng tôi đã gọi những món ghẹ hấp, nước dừa, xôi xoài, bánh taco, tokoyaki… Món ghẹ hấp khá là thú vị, bao gồm nguyên một mai ghẹ nhỏ nhỏ hấp, gạch sẽ phồng lên và bọc quanh mai ghẹ, khi ăn thì vừa ngọt vừa bùi.

Tôi thì mục đích chính buổi tối hôm nay là ăn xôi xoài. Những năm gần đây, xôi xoài rồi cả cơm xoài đều đã phổ biến ở Việt Nam, nhưng đây được xem là món ăn đặc sản “must try” ở Thái Lan. Bởi vậy, đến Thái Lan, tôi nhất định phải ăn xôi xoài.

Khi chúng tôi đang ngồi ăn ở bàn chung thì có một người nước ngoài đến ngồi cùng. Tôi và Đạt hỏi chuyện cậu ta. Người bạn này đến từ Israel, đang học bên Mỹ, có vóc dáng to cao, trông thì có vẻ lớn tuổi hơn chúng tôi nhưng khi hỏi chuyện thì hóa ra cậu ta mới là sinh viên năm hai. Cậu ấy đang học ngành y, tương lai sẽ trở thành bác sĩ, và đang “gap year” để đi đây đi đó. “Gap year” đã trở thành một xu hướng phổ biến không chỉ ở các nước phương Tây mà ngày càng nhiều người trẻ ở các nước Châu Á cũng đã và đang “gap year”. Trong khoảng thời gian này, chúng ta sẽ dành thời gian cho bản thân, hoặc là đi du lịch, hoặc là thử một vài sở thích mới, hoặc tham gia hoạt động cộng đồng, xã hội hoặc cũng có thể đơn giản hơn, chỉ nghỉ ngơi ở nhà để “detox” lại tâm hồn. Gap year không xấu, gap year là khoảng thời gian để chúng ta có thể nhìn lại và định hướng lại cuộc đời, nhưng những bạn trẻ “gap year” cần tránh nhầm lẫn việc gap này với việc chỉ dành thời gian để đi chơi, để thỏa mãn và giải trí thay vì mục đích chính đó là tìm hiểu bản thân và định hình lại cuộc đời mình. Tôi cũng từng “gap” nhưng là “gap month”. Trong khoảng thời gian đó, tôi không đi du lịch đâu, nhưng đã học chụp ảnh film và viết lại nửa cuối cho cuốn tiểu thuyết “Thế giới của Lilly” mà mình vẫn còn đang dang dở.
Sau khi ăn xong, chúng tôi ra mua sắm tại chợ đêm, vì mỗi người lại muốn mua những thứ khác nhau nên chúng tôi tách nhau ra, hẹn 10h có mặt tại cổng chợ để đi massage.

Ở chợ đêm này có bán rất nhiều đồ lưu niệm, trông rất bắt mắt du khách. Đa số hình trang trí vẫn là biểu tượng con voi, cũng như những món đồ lưu niệm hình con voi.

Tôi đi dạo một vòng, mua vài đồ lưu niệm mang về làm quà. Tôi cũng gặp một hàng bán những bao diêm rất xinh, bèn mua 2 bao diêm về làm kỷ niệm vì ngày nay, diêm đã không còn được bán và sử dụng ở Việt Nam nữa.

Mặc dù hẹn nhau 10h nhưng phải đến 10 rưỡi, cả nhóm chúng tôi mới tập hợp lại đầy đủ tại cổng chợ được. Chúng tôi đi về tìm hàng massage. Mấy hôm trước, chúng tôi thấy dọc trên đường từ khách sạn ra chợ đêm có các tiệm massage nhưng giờ đi qua thì họ đều báo đã đóng cửa. Chúng tôi đành phải tìm trên google map xem còn hàng nào không và đã tìm được 1 hàng nhỏ ở trong ngõ. Dẫu vậy, do nhóm chúng tôi quá đông nên họ không có đủ người massage. Chúng tôi lại tách làm đôi, một số chị quyết định về khách sạn nghỉ ngơi (họ vốn đã không có ý định đi massage trước đó), còn lại tôi, Đạt, anh Hoàng và chị Nguyệt ở lại massage. Tôi, Đạt và anh Hoàng massage toàn thân còn chị Nguyệt massage chân.
Khi massage xong, người tôi hơi đau do massage “strong”, họ có các động tác massage tác động vào cổ, vai, gáy, cột sống, các bắp thịt… giúp cho người đỡ mỏi, thoải mái hơn, nhưng massage xong thì vẫn còn đau âm ỉ 1-2 ngày, đau giống như đi tập gym đau cơ vậy, tuy đau nhưng rất thoải mái.
Gần 1 giờ sáng, chúng tôi massage xong và đi bộ về khách sạn. Đường phố lúc này đã rất vắng vẻ. Đang đi thì chị Nguyệt bỗng hét lên, chúng tôi quay ra nhìn thì thấy một con trăn rất to.

Thân con trăn chắc cũng to bằng cái chân của một người trưởng thành. Con trăn đang trườn giữa đường, ngay trước mặt chúng tôi, chỉ cách nhóm chúng tôi vài mét. Vì con trăn đang bò giữa đường nên chúng tôi không đi sang được. Tôi bảo mọi người đi vòng đường khác, tốt nhất nên tránh xa nó ra. Có đoạn, con trăn còn quay đầu định tiến về phía chúng tôi. Mà lúc bấy giờ trời tối, chúng tôi cũng không nhìn rõ nó là trăn hay rắn, chỉ thấy nó đang trườn, và nó rất to, nên cũng sợ nó sẽ phóng về phía mình.
Sau đó, một chiếc xe ô tô đi qua và cán lên con trăn. Nhân lúc có xe ô tô che chắn, chúng tôi liền chạy qua. Con trăn bị ô tô cán qua nhưng vẫn không sao (hoặc nó đã bị thương), vẫn cố trườn sang đường để xuống kênh nước. Lúc này, ở bên kia đường, một thanh niên người Tây đang chuẩn bị sang đường. Chúng tôi hét lên cảnh báo cậu ta cẩn thận, có rắn nhưng cậu ta không hiểu ý chúng tôi muốn nói, vẫn chạy sang đường. Khoảnh khắc cậu ta lao một mạch về phía con trăn, chỉ kịp khựng lại cách con trăn 1 bước chân rồi vội vã rụt lại khiến chúng tôi đều đứng tim.

Chúng tôi hét lên, có lẽ tiếng hét cũng giúp cậu ta khựng lại nên may mắn không giẫm vào con trăn, không thì không biết chuyện gì xảy ra. Sau đó, cậu ta chắc rất kinh sợ, chạy ngược lại về chỗ cũ, rồi đi từ từ về phía chúng tôi, nói với chúng tôi rằng cậu ta không thấy nó ở đấy. Con trăn vẫn từ từ bò lên vỉa hè, rồi mất hút trong bụi cây ven kênh nước. Chúng tôi đều rất đỗi bất ngờ và có phần hãi hùng khi thấy một con trăn to như này bò ngay giữa đường. Hồi nhỏ, khi tôi về quê và ra cánh đồng chơi với anh chị họ, đã từng thấy rắn nhưng đều là rắn nhỏ. Việc nhìn thấy một con trăn to như này trườn bò ngay giữa đường phố hiện đại là điều kỳ lạ mà tôi chưa từng nghĩ tới. Bởi vậy, đây đã trở thành một trong những điều ấn tượng nhất với tôi xuyên suốt cả chuyến đi Thái Lan này.

Sau một ngày dài đằng đẵng, đi xa tận 500 cây số, giờ đây, tôi lên giường nghỉ ngơi, tận hưởng buổi đêm cuối cùng ở Thái Lan. Sáng mai, tôi dự định sẽ dậy sớm đi chạy, và đây sẽ là một thử thách bởi lúc này cũng đã một rưỡi sáng rồi.
Xem thêm: Du ký Chiang Mai – Thái Lan (Phần 4: Một buổi sáng bình thường của người dân Chiang Mai)