- Xem thêm: Du ký Chiang Mai – Thái Lan (Phần 1: Chợ đêm Chiang Mai)
- Du ký Chiang Mai – Thái Lan (Phần 2: Ngắm nhìn Chiang Mai từ trên cao)
- Du ký Chiang Mai – Thái Lan (Phần 3: Khám phá Chiang Rai: Chùa Trắng, Chùa Xanh, Nhà Đen)
Mặc dù sáng mai phải dậy sớm nhưng tôi cứ nằm trằn trọc mãi không ngủ được. Rõ ràng là ngày hôm nay tôi không hề uống café hay trà gì cả. Tôi cứ nằm trằn trọc trong khi mọi người đã đi vào giấc ngủ, đến khoảng gần 2 giờ sáng thì không ngủ được nữa, bèn dậy, đi ra ngoài ban công hút thuốc.
Đêm ở Chiang Mai yên tĩnh nhưng thỉnh thoảng vẫn có tiếng nẹt pô của các “dân tổ”, không khác đêm ở Việt Nam là mấy. Mặc dù mọi người thường hay nói rằng Thái Lan là một đất nước “tâm linh”, hay nói cách khác là nhiều ma, đáng sợ, nhưng tôi ngồi một mình ở ban công buổi đêm vẫn thấy bình thường, không thấy có gì khác lạ xảy ra cả. Tôi vừa nghe nhạc, vừa hút thuốc, rồi vì mất ngủ mà tâm trạng cũng dần rơi vào trạng thái “down mood”. Bài hát hợp với cảm xúc của tôi nhất lúc đó là bài “I can’t sleep” của kelz. Vì đã muộn nên tôi quyết định sẽ thức xuyên đêm, không ngủ nữa. Vì giờ mà ngủ thì mai dậy sớm sẽ mệt lắm, mà tôi cũng không cảm thấy buồn ngủ.
Tôi ngồi ở ngoài trầm ngâm một hồi lâu, cho tới khi cảm thấy ở ngoài trời có muỗi và bị muỗi đốt mới trở vào trong. Lúc đó đã khoảng 4 rưỡi, tôi lên giường, nằm nghe nhạc, định rằng không ngủ nhưng rồi mắt dần díu lại. Dù cho nhạc vẫn chạy, tôi bắt đầu rơi vào ảo giác và có lẽ khoảng 5 giờ kém thì tôi bắt đầu ngủ.

Đến 5 giờ 30, chuông báo thức ở điện thoại vang lên, tôi lơ mơ tỉnh dậy, đã đến giờ tôi đi chạy. Dù rất muốn ngủ thêm do đêm mất ngủ, tôi vẫn quyết tâm dậy chạy bộ vì hôm nay đã là ngày cuối cùng ở Chiang Mai. Nếu tôi không dậy sớm chạy bộ ở Chiang Mai như đã lên kế hoạch, sẽ rất lâu sau mới có cơ hội, hoặc cũng có thể không còn cơ hội nào khác nữa. Trong những chuyến đi gần đây, tôi đều muốn dành một buổi dậy sớm chạy bộ. Tôi đã dậy sớm ở Sapa nhưng không chạy bộ được do trời mưa nên chỉ đi bộ. Tôi đã dậy sớm chạy bộ ở Đà Lạt, và giờ tôi sẽ dậy sớm chạy bộ ở Chaing Mai. (Sau này, tôi còn dậy sớm chạy bộ ở Mộc Châu và chạy bộ buổi chiều ở Thanh Hóa)

Sáng sớm ở Chiang Mai tương đối vắng vẻ. Đường phố chỉ có đôi ba chiếc ô tô đi, không có xe máy. Dẫu vắng nhưng tôi vẫn chạy trên vỉa hè, bên cạnh con kênh. Vỉa hè khá hẹp, thỉnh thoảng vướng cây phải chạy men sát bờ kênh, khiến tôi hơi sợ nhưng chạy khéo một chút thì vẫn đủ an toàn. Đây là con kênh bao quanh thành phố, thành một hình vuông.
Cũng như các ngôi thành Đông Á, thành cổ Chiang Mai được xây dựng vuông vức, với kênh nước bao quanh tạo thành một hàng rào tự nhiên. Ở Việt Nam thì thành Huế cũng được bao bọc bởi kênh nước. Ở Hà Nội, dấu tích thành Thăng Long hiện nay không còn nhiều và rõ ràng được như thành Huế, nhưng có thể thấy dựa trên những di tích, tên gọi cũ và bản đồ thời xưa thì thành cũng được bao bọc bởi sông Tô Lịch.

Chạy bộ vào buổi sáng khiến tôi tựa như người bản địa. Khác với buổi tối xô bồ và bị “xâm chiếm” bởi khách du lịch (thường là khách Tây), vào buổi sáng sớm, Chiang Mai được trả lại cho những người bản địa và hoạt động thường nhật của họ. Trên đường chạy bộ, tôi gặp những ông già đi tập thể dục, gặp một anh cảnh sát vác cặp sách đi làm, gặp những cháu bé học sinh đi học, gặp các cửa hàng bán đồ ăn sáng ven đường, gặp những sư thầy nam tông đi hành khất. Trên đường đi, họ sẽ được người dân ở bên đường đem đồ ăn (cơm, xôi…) ra cho.

Lúc tôi chạy vào khu trung tâm thì đã khoảng 7 giờ sáng. Ở đây tấp nập khu chợ cóc, trông y hệt như ở Việt Nam, nhưng vắng hơn và không bị tắc đường. Người lớn đưa học sinh đi học hay mua đồ ăn sáng ở mấy khu chợ như này.

Tôi cũng bắt gặp cảnh tượng thú vị đó là hai người cầm cờ ra chắn đường để cho học sinh đi bộ sang đường. Cảnh tượng này giống như ở Nhật Bản, hay gần đây, cũng có một vài thầy cô giáo ở miền tây Việt Nam cũng ra chắn đường để cho học sinh đi qua.

Văn hóa nhường đường ở Thái Lan cũng tốt hơn hẳn ở Việt Nam. Nếu bấm đèn sang đường thì chắc chắn các xe ô tô sẽ dừng cho người đi bộ sang đường, còn có đoạn không có đèn, tôi chỉ cần đang rụt rè bên vỉa hè nơi có vạch đi bộ, xe ô tô đã dừng nhường đường cho tôi đi. Đây là điều hiếm gặp ở Việt Nam và cũng nhờ những chuyến đi Thái Lan, Hàn Quốc mà về Việt Nam, tôi đi đã chú ý nhường đường hơn cho người khác, cả những phương tiện khác nữa chứ không riêng gì người đi bộ.
Trên cung đường chạy bộ, tôi đã đi qua nhiều di tích lịch sử, văn hóa tại trung tâm Chiang Mai. Chuyến đi này, chúng tôi đã không tham quan trung tâm, bởi vậy, với nhóm chúng tôi, trung tâm Chiang Mai có gì vẫn còn là ẩn số.

Tôi chạy qua khu vực tượng ba vị vua (Three King Monument). Ở ngay đây có Trung tâm Nghệ thuật và Văn hóa Chiang Mai (Chiang Mai City Arts and Cultural Center). Nếu có thời gian, tôi cũng muốn đi tham quan nơi này, nhưng tiếc là giờ không còn thời gian nữa.
Tôi cũng chạy qua một ngôi chùa tên là Wat Duang Dee trông có phần giống Bảo tàng Nhà Đen.

Phía sau Wat Duang Dee có thể trông thấy lấp ló một phần của đền thờ Wat Chedi Luang. Đây là một đền thờ theo dạng tháp từ thế kỷ 15, với cột trụ được tin là dùng để bảo vệ thành phố.

Nghe nói ở trung tâm Chiang Mai cũng có một ngôi chùa vàng cũng nổi tiếng, hình như có tượng sáp của vị sư nào đó nữa. Nếu tôi không nhầm thì đó là chùa Wat Phra Singh nhưng tôi không được đến tham quan nên cũng không có thông tin chính xác.
Về đến cổng thành Pratu Tha Phae, tôi thấy rất nhiều chim bồ câu. Tại đây, họ đang cho chim ăn rồi đuổi chim để du khách chụp ảnh. Du khách muốn chụp ảnh với chim bay lên sẽ phải trả phí cho những người này (họ giống như nhân viên phụ trách nuôi chim bồ câu ở đây).

Tổng cộng, tôi đã chạy 5 km vòng quanh Chiang Mai, được một nửa vòng tường thành. Tôi chạy từ lúc 6 giờ đến 7 giờ thì về tới khách sạn. Lúc này, Đạt và anh Hoàng đã dậy, hai người đi ăn sáng trong khi tôi nghỉ ngơi rồi tắm rửa, sau đó dọn đồ rồi mới đi ăn sáng.
Địa điểm ăn sáng là một nhà bên cạnh khách sạn. Cũng như những chuyến đi du lịch mà có ăn sáng tại khách sạn, tôi thường ăn nhẹ, đơn giản và healthy. Sáng nay, tôi chọn ăn một quả trứng ốp với rau, nước cam và sữa chua. Như vậy là đủ cho một buổi sáng rồi.
Ăn sáng xong, chúng tôi trả phòng rồi lên xe di chuyển. Xe di chuyển ra ngoài đường và dừng cho chúng tôi chụp 1 bức ảnh với cổng thành Tha Phae
Do trưa chuyến bay mới cất cánh nên chúng tôi sẽ đến quán café The Early Owl Home chơi trước khi ra sân bay.

Đây là một quán café rất “xanh”, với căn nhà giữa khu vườn cỏ xanh mát như một căn biệt thự, trông có phần nào đó giống căn biệt thự trong phim Parasite.

Ở đây có văn hóa tự phục vụ mà khách muốn ngồi thưởng thức café ngoài trời sẽ phải tự mang bàn, ghế ra đó, bày ra, sau khi dùng xong thì dọn gọn gàng và cất trả lại chỗ cũ. Bàn và ghế đều là loại gấp, tiện lợi trong việc tháo, lắp và di chuyển. Ban đầu tôi cũng không biết đâu nhưng chính Che Che đã hướng dẫn cho tôi. Cả nhóm chúng tôi mang ra một góc thảm cỏ ở bên ngoài, vừa thưởng thức café, vừa tận hưởng bầu không khí trong lành, tươi mát. Chúng tôi mời Che Che café và vào ngồi cùng chúng tôi luôn. Sau cả hành trình, đây là lần đầu tiên và duy nhất Che Che vào ngồi cùng và chơi cùng chúng tôi, trước đó, chúng tôi đã mời anh ấy ăn trưa cùng mình nhưng anh đều từ chối. Có lẽ bởi hôm nay là ngày cuối cùng nên Che Che cũng thoải mái hơn, không còn e ngại việc chúng tôi là khách nữa. Xuyên suốt hành trình này, bên cạnh những người bạn mà tôi vô tình gặp, thì Che Che là người bạn mà chúng tôi vô cùng quý mến. Anh ấy vừa nhiệt tình, thân thiện, vừa nói chuyện dễ thương, lại sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi mọi lúc, mọi nơi. Trong cuộc nói chuyện này, chúng tôi cũng có cơ hội hiểu Che Che hơn. Hóa ra, anh ấy có bố là người Nhật, mẹ là người Thái. Anh có thể nói một chút tiếng Nhật nhưng không biết viết. Chúng tôi dạy cho anh ấy vài câu tiếng Việt, và cũng bảo anh ấy khi nào đến Việt Nam hãy gọi chúng tôi.

Tận hưởng cái nắng nhẹ nhàng trên đồng cỏ mát rượi thật sảng khoái, khiến cho chúng tôi suýt quên mất cả thời gian. Lẽ ra thì chúng tôi sẽ rời khỏi đây, đi ăn trưa rồi mới ra sân bay, nhưng do cả nhóm đều muốn vào siêu thị mua chút đồ làm quà mang về, nên lịch trình được thay đổi là vào siêu thị Lotus rồi ra sân bay. Khác với ở Bangkok, thường sẽ vào BigC, ở Chiang Mai này thì Lotus là rộng nhất và nhiều đồ nhất.
Lại nhắc về Lotus và BigC, có hai câu chuyện tôi muốn kể liên quan tới hai thương hiệu này. BigC thì đã quá quen thuộc với người Việt Nam. Từ nhỏ, tôi đã được mẹ cho đi siêu thị BigC Thăng Long, lúc bấy giờ là siêu thị to nhất, rộng nhất, bán nhiều đồ nhất Hà Nội. Sau này, có nhiều hệ thống siêu thị khác mới mọc lên như Vincom, Aeonmall; BigC cũng mở nhiều chi nhánh hơn, thành ra vị trí độc tôn của BigC Thăng Long đã không còn, nhưng người Hà Nội vẫn nhắc về BigC Thăng Long một cách đầy hoài niệm. Khoảng năm 2013, 2014 gì đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng ồ ạt đưa tin BigC bị người Thái mua lại. Nhiều người cảm thấy tiếc nuối khi thương hiệu chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam lúc đó lại rơi vào tay người Thái. Thế nhưng họ không biết rằng thương hiệu BigC do người Thái tạo ra, BigC hoàn toàn là “made in Thailand”, rất phổ biến ở bên Thái. Khi mở BigC tại Việt Nam, sau một thời gian, công ty mẹ ở Thái Lan mới bán lại BigC Việt Nam cho công ty Việt Nam, rồi sau đó, mãi đến 2013, 2014 mới mua lại. Giống như việc Disney bán bản quyền Spider-man cho Sony rồi sau này đưa Spider-man về lại Disney vậy đó. Nên về cơ bản, BigC là một thương hiệu “made in Thailand”, đã từng thuộc sở hữu của Việt Nam và phổ biến tại Việt Nam mà thôi.
Ngược lại, Lotus là cái tên hoàn toàn xa lạ ở Việt Nam. Lotus dịch ra tiếng Việt là “sen” (hoa sen, cây sen), được xem là quốc hoa của Việt Nam. Thế nhưng mong muốn đưa sen trở thành quốc hoa đã bị ngăn cản bởi Thái Lan cũng đòi quyền lợi rằng sen là quốc hoa của Thái Lan. Việc tranh chấp này vẫn chưa đi tới hồi kết nên Việt Nam vẫn chưa có một biểu tượng quốc hoa chính thức được pháp luật quốc tế công nhận. Trong khi đó, người Thái đã nhanh nhạy đăng ký bảo hộ thương hiệu nước mắm Phú Quốc và gạo ST25 trong khi 2 món này đều là “made in Vietnam” và được Việt Nam coi là “đặc sản” của mình. Dù cho những hành vi này có phần không đúng về mặt đạo đức nhưng người Thái rất nhanh nhạy, tinh quái trong kinh doanh, họ đã đăng ký trước và theo đúng luật quốc tế. Có một điều phải khẳng định rằng người Thái Lan không chỉ làm du lịch tốt, mà họ còn rất giỏi trong làm kinh tế, thương mại. Có lẽ cũng vì vậy mà Thái Lan dẫn đầu về kinh tế trong khối các nước ASEAN nội địa và so với toàn bộ Đông Nam Á, chắc chỉ thua Singapore và cạnh tranh ngang hàng với Malaysia, Indonesia và Philippines. Việt Nam ta cần phải nhìn vào Thái Lan để học hỏi, cạnh tranh và rút ra những bài học từ người hàng xóm này, chứ không chỉ là hơn thua vài trận cầu bóng đá.

Mục đích của tôi và Đạt đến Lotus là để tìm mua bỏng ngô Garrett – một loại bỏng ngô rất ngon ở Singapore và có bán tại Thái Lan. Trước đây, đồng nghiệp chúng tôi đi Singapore và Thái Lan đã mua bỏng ngô Garrett về làm quà, vì ăn ghiền quá nên cả phòng đều thích. Dù giá có khá cao nhưng tôi và Đạt cũng tính góp chung với nhau để mua về làm quà cho anh em trong phòng.
Thế nhưng lượn một vòng Lotus, còn hỏi cả một vài người bán hàng ở đó, chúng tôi cũng không tìm thấy bỏng ngô Garrett ở đâu. Có lẽ bỏng này chỉ bán ở BigC và ở Bangkok thôi còn Chiang Mai này thì không có. Vậy là chúng tôi lại mua những thứ khác về làm quà.

Do thời gian đi tìm Garrett, mua quà và thanh toán khá lâu nên chúng tôi bị vượt quá thời gian so với dự tính ở Lotus. Chúng tôi mua hàng xong, chạy một mạch ra xe rồi di chuyển ra sân bay. Lúc này chỉ còn 1 tiếng nữa là cất cánh, chúng tôi vội vã đến khu vực check-in thì phát sinh một vấn đề.
Chuyện là chúng tôi đã mua dự phòng thêm 12kg ký gửi cho cả đoàn, tuy nhiên khi tính tổng số hành lý ký gửi, chúng tôi đã bị vượt quá, lên đến khoảng 15 kg. Chúng tôi đã tìm mọi cách san hành lý, nhưng khi về ai nấy đều mua nhiều đồ, Đạt còn mua cả 2 quả bưởi, nên không thể có cách nào san hành lý mà không bị vượt quá giới hạn cho phép. Khi hỏi nhân viên check-in thì họ bảo mua thêm cân ở khu vực service của Asian Air nên tôi và Đạt tìm khu vực service của Asian Air để mua thêm cân, nhưng khu vực này xếp hàng lâu quá. Thời gian nhích dần đến sát giờ khởi hành, chúng tôi vẫn bị mắc kẹt không thể mua thêm cân. Đây là giai đoạn mà cả nhóm cảm thấy vô cùng áp lực. May sao sau đó, một nhân viên hỗ trợ của Asian Air thấy nhóm chúng tôi bị kẹt lại khu vực check-in lâu, mà sắp hết giờ check-in nên đã hỗ trợ cho chúng tôi mua thêm cân tại chỗ. Cả nhóm đi vào cửa an ninh trước trong khi chị Nguyên ở lại đợi làm nốt thủ tục thanh toán.
Cùng lúc đó, khi vào đến cửa an ninh thì chị Nguyệt bị hãng bay gọi lại, do để mỹ phẩm gì đó trên hàng hóa ký gửi mà theo nguyên tắc thì không được. Chị lại phải ra ngoài để xử lý, chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh và vào sảnh chờ trước. Chị đã phải bỏ lại nguyên số mỹ phẩm đó. Có lẽ do thời gian quá gấp, lại bị nhùng nhằng việc san hành lý nên chị đã quên không để số mỹ phẩm này về lại hành lý xách tay.
Chúng tôi vào bên trong và sát giờ bay rồi nhưng chị Nguyên vẫn chưa vào. Chúng tôi đều ở lại đợi bên ngoài, khi nhân viên trực cửa lên máy bay bảo chúng tôi thì chúng tôi bảo vẫn còn người chưa vào trong nên phải đợi. Vì đứng ngay cạnh các nhân viên trực cửa vào nên chúng tôi cũng chủ động nhận biết hạn chót phải lên máy bay, vì đến hạn đó thì chắc chắn họ phải giục chúng tôi. Mãi đến sát giờ bay, chị Nguyên mới xong thủ tục. Dẫu sao, chúng tôi cũng may mắn vượt qua khó khăn và là những hành khách cuối cùng lên kịp chuyến bay về nước.

Đây là lần đầu tiên tôi mua đồ ăn, thức uống trên máy bay. Lý do là bởi khi đi về, tôi vẫn còn thừa khá nhiều tiền bath, mà cũng không biết bao giờ mới đi tiếp, đổi lại cho người khác cũng không phải dễ dàng, nên tôi tìm cách tiêu bớt phần nào hay phần ấy ngay ở đây. Việc bán đồ ăn, nước uống, đồ lưu niệm bằng tiền bath trên máy bay Thái Lan về Việt Nam này là một hình thức dịch vụ khá hay, thúc đẩy những người còn dư tiền Thái tiêu nốt, trước khi sang Việt Nam.
Ban đầu tôi định mua một suất ăn vì cũng chưa ăn trưa, nhưng đã hết, nên mua một chai nước khoáng và 2 thanh sneaker. Dĩ nhiên, giá trên máy bay đắt hơn bình thường khá nhiều, gấp đôi, gấp ba giá mua bình thường. Tôi không nhớ sneaker là bao nhiêu nhưng chai nước minere cỡ nhỏ có giá 50 bath (35.000 VND) trong khi bình thường mua ở cửa hàng nước thì chỉ khoảng 10-15.000 VND thôi.

Tôi dự tính lên máy bay ngủ một chút nhưng chuyến bay chỉ hết có chưa đầy 1 tiếng nên tôi đã không ngủ được. Không hiểu sao tôi lại không cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi dù cho đêm qua đã bị mất ngủ, chỉ ngủ được chưa đầy 2 tiếng.
Về đến Việt Nam, khi ra khỏi sân bay Nội Bài thì điều đầu tiên khiến tôi choáng ngợp là cái oi bức của Hà Nội. Dù lúc này đang là cuối thu, lẽ ra trời phải lạnh, nhưng thời tiết hôm nay nắng nóng. Lần đầu tôi cảm thấy rõ cái oi bức đến vậy, có lẽ là do ở bên Thái thời tiết khô hanh hơn nên cảm nhận oi bức rõ ràng hơn. Nhiệt độ nắng nóng dù cũng không hơn giữa trưa ở Thái Lan là mấy nhưng cảm thấy oi, bức bí, toát mồ hôi và mệt hơn khá nhiều.
Cả nhóm chia tay nhau, đường ai nấy về. Tôi, Đạt và anh Hoàng đi xe bus Nội Bài về nhà. Khi về đến nhà, tôi cũng không cảm thấy mệt mỏi lắm, khoảng 10 giờ tối thì đi ngủ do nguyên ngày hôm qua đã bị thiếu ngủ rồi. Tôi ngủ một mạch đến sáng hôm sau đi làm. Những ngày sau đó, tôi cũng không bị “post vacation blue” do phải tất bật với việc tổ chức sự kiện cuối năm, dù mệt, nhưng đã cuốn tôi vào đó và tôi cảm thấy thích thú và hăng say khi được làm việc liên quan đến sự kiện như này.
Vậy là hành trình du lịch Chiang Mai, Thái Lan của chúng tôi đã chính thức khép lại. Tôi đã nghĩ rằng sẽ mất một khoảng thời gian lâu lâu nữa mình mới lại đi du lịch nước ngoài, mà đâu ngờ cái duyên với chuyến đi Singapore lại đến vào ngay đầu mùa hè năm sau.