[Review] Everything Everywhere All at Once: Sự hòa quyện của triết học Đông-Tây và vấn đề về trầm cảm

Mới đây, bộ phim Everything Everywhere All at Once đã chiến thắng 7 giải Oscar, trong đó có hạng mục danh giá nhất: Best Motion Picture of the Year (Phim hay nhất năm). Mình đã xem Everything Everywhere All at Once (sau đây tạm gọi là EEAAO) từ đợt đầu năm, khi cộng đồng ở Việt Nam còn chưa dành nhiều sự chú ý. Ngay từ lúc đó, mình đã đánh giá cao bộ phim này và đến thời điểm hiện tại, mình vẫn đánh giá EEAAO là bộ phim hay thứ 2, chỉ sau Triangle of Sadness.

Vậy điều gì làm nên thành tích đáng nể của bộ phim mà mới đầu ta thấy Âu-Á lẫn lộn này? Tại sao EEAAO lại có thể vượt qua những bộ phim của các đạo diễn gạo cội Hollywood để ẵm giải Oscar danh giá nhất năm nay? Dưới đây là bài phân tích và cảm nhận của mình nhé.

Lưu ý: Bài viết dưới đây có tiết lộ nội dung phim

Trước khi xem EEAAO, mình có một tâm lý vừa mong chờ, vừa nghi ngờ. Vào thời điểm đó, chủ đề đa vũ trụ đang được Marvel khai thác khá nhiều. Là một fan DC, mình biết đến đa vũ trụ từ bộ truyện tranh Flashpoint nhưng DC đã hụt hơi trong việc đua với Marvel và Marvel đã đưa chủ đề cực kỳ thú vị này lên màn ảnh rộng trước. Thế nhưng không phải DC, không phải Marvel mà lại là một bộ phim vô danh, bỗng gây tiếng vang với chủ đề đa vũ trụ. Khi nhìn vào poster và xem qua trailer phim, mình thấy có một sự lộn nhộn, thiếu hàn lâm ở bộ phim này. Nhiều diễn viên Châu Á nhưng sống trong bối cảnh Mỹ, nói tiếng Anh và cũng có nhiều cảnh họ mặc trang phục hoặc bối cảnh theo kiểu Trung Quốc. Những khung hình với kỹ xảo mà nhìn qua có phần “rẻ tiền”, giống như những bộ phim hành động hạng B ở Hollywood.

Thế nhưng, khi xem phim, mình đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Bộ phim xoay quanh nhân vật Evelyn Wang (Michelle Yeoh thủ vai) – một người phụ nữ gốc Hoa, sống ở Mỹ, làm chủ một tiệm giặt là tồi tàn. Cô có một người chồng (cũng gốc Hoa) nhu nhược, một người cha bảo thủ và một đứa con gái lesbian đang ở độ tuổi nổi loạn. Cuộc sống của Evelyn như trong một vũng sình lầy khi mà gia đình thì rối tinh rối mù còn cửa hàng thì gặp phiền toài với các vấn đề thuế má. Thế nhưng, Evelyn bất ngờ bị lôi vào một cuộc chiến đa vũ trụ với một kẻ địch tên là “Jobu Tupaki” – chính là một bản thể của con gái của cô. Cô bé này được hình thành bởi chính thí nghiệm của Evelyn ở vũ trụ khác, qua đó tạo ra một jobu Tupaki mang sức mạnh của tất cả các phiên bản và âm mưu phá hủy đa vũ trụ.

Ở khoảng 1/3 thời lượng đầu của bộ phim, diễn biến truyện mang tính set-up, xây dựng các nhân vật và khắc họa bối cảnh mà Evelyn đang phải gánh chịu, cùng với đó là những tình huống kỳ quặc do Waymond – chồng của Evelyn, nhưng ở vũ trụ khác, đem đến cho cô. Chúng ta sẽ bắt đầu khó hiểu với việc chuyện gì đang diễn ra, tại sao Evelyn lại gặp Waymond ở vũ trụ khác, tại sao cô lại “nhảy” giữa các vũ trụ, tại sao Waymond lại làm những hành động kỳ quặc.

Thế nhưng khán giả không nên nản chí, bởi những câu hỏi ấy sẽ được bộ phim dần giải đáp về sau. Đa vũ trụ của EEAAO mới đầu kỳ lạ nhưng về sau ta sẽ thấy không quá khó hiểu, thậm chí còn thú vị nữa là đằng khác. Evelyn phải “nhảy” giữa các vũ trụ để “nhập thân” vào các bản thể khác nhau ở các vũ trụ khác, qua đó có những kỹ năng cần thiết để chống lại Jobu Tupaki cùng tay sai. Qua việc “nhập thân” vào các bản thể khác nhau ở đa vũ trụ này, Evelyn đã trải nghiệm cuộc sống của mình ở nhiều vũ trụ khác nhau, mỗi vũ trụ, cô có một số phận.

Michelle Yeoh gets own multiverse in new action movie 'Everything  Everywhere All At Once' | Malay Mail

Đa vũ trụ được hình thành khi chúng ta đứng trước các sự lựa chọn, với mỗi sự lựa chọn, ta sẽ tạo ra một nhánh khác cho cuộc đời mình. Đã có những nhánh vũ trụ mà Evelyn không cưới Waymond, qua đó có cuộc sống khác. Nhưng càng trải nghiệm đa vũ trụ, Evelyn đều nhận ra mình có những nỗi khổ khác nhau, và có 2 điều mà Evelyn đã chiêm nghiệm:

Thứ nhất, cô luôn xung đột với con gái Joy (Jobu Tupaki) của mình.

Thứ hai, cô nhận ra cuộc sống mà có một người chồng khờ khạo như Waymond thật hạnh phúc.

Giá trị đầu tiên mà EEAAO mang đến, theo mình, đó là giá trị gia đình. Ẩn sau vỏ bọc hành động-siêu anh hùng-đa vũ trụ là một bộ phim chính kịch đậm chất Á Đông, khai thác những xung đột gia đình trong xã hội hiện đại. Đó là một gia đình ba thế hệ ở với nhau, có cô con gái nổi loạn nhưng đơn độc, chống lại cha mẹ và gia đình vì sự khác biệt thế hệ, trong khi cô con gái đó lại là một lesbian, không thể thoải mái bộc lộ với ông bà, cha mẹ, khi mà họ là những người phương Đông cổ hủ. Chỉ có thông qua đa vũ trụ, thông qua trải nghiệm các vũ trụ khác nhau, gặp gỡ những phiên bản khác nhau của chồng, của cha và của chính mình, cũng như làm mọi cách chống lại Tobu Tupaki mà không thành công, Evelyn mới hiểu được rằng càng chiến đấu thì càng đẩy con gái đi xa, càng khiến cho gia đình tan vỡ. Cách chiến thắng Jobu Tupaki duy nhất, đó là thấu hiểu và làm bạn với con gái mình. Như vậy, thông qua cuộc chiến đa vũ trụ, Evelyn đã nghiệm ra tầm quan trọng của gia đình, và cách duy nhất để hàn gắn gia đình, cũng như cứu cả đa vũ trụ, là tình yêu thương và cảm thông.

Đây là một nền tảng quan trọng của triết học phương Đông – xã hội luôn lấy gia đình làm gốc. Nếu như trong quá khứ, ta chứng kiến một triết học phương Đông cứng rắn, bảo thủ, trọng nam khinh nữ, áp đặt con cái phải nghe theo cha mẹ, thì ở EEAAO, vẫn là triết học phương Đông nêu bật tầm quan trọng của gia đình, nhưng lại cấp tiến hơn với thông điệp nhân văn rằng những người trong gia đình cần phải cởi mở, thấu hiểu và yêu thương nhau, thay vì giữ chặt cái tôi độc hại của bản thân mình.

Ý nghĩa về triết học phương Đông còn nằm ở triết lý cân bằng âm-dương mà ta có thể thấy mở đầu bộ phim là một sự bình yên giả tạo, chứa trong đó sự bất ổn (cực thịnh là khởi suy) và ở cuối bộ phim là một gia đình tan nát, tưởng như không thể cứu vãn, nhưng Evelyn và con gái lại làm lành được với nhau (cực suy là khởi thịnh). Sự cân bằng còn nằm ở chỗ khi Evelyn cố gắng chiến đấu thì mọi thứ đổ vỡ, chỉ khi cô chấp nhận thay đổi cách giải quyết, hạ mình xuống, yêu thương con gái hơn, thì khi đó mới giải quyết được vấn đề. Đó là triết lý cân bằng âm-dương, hoặc ta cũng có thể hiểu đơn giản là “mềm nắn, rắn buông”.

Triết học phương Đông được hai vị đạo diễn cài cắm dày đặc từ poster phim đến những chi tiết nhỏ trong phim, đều mang biểu tượng vòng tròn âm dương lưỡng cực:

  • Khi cùng Jobu Tupaki bước vào thế giới bánh vòng donut, chiếc bánh vòng donut màu đen còn khung cảnh xung quanh đều màu trắng. Jobu Tupaki mặc đồ màu trắng còn Evelyn mặc đồ màu đen.
  • Con mắt trên trán của Evelyn có hình tròn và 2 màu đen-trắng
  • Hình tròn xuất hiện ở: vòng quay máy giặt, bánh donut, chiếc gương, vòng khoanh của bà sở thuế

Triết học phương Đông thì rõ rồi, nhưng EEAAO còn mang đậm triết học phương Tây. Ta có thể thấy rằng Jobu Tupaki – kẻ phản diện và con gái của Evelyn, đang rơi vào chủ nghĩa hư vô. Theo chủ nghĩa hư vô, chúng ta sống trong 1 thế giới vô nghĩa, đầy rẫy những nỗi khổ, nỗi đau. Jobu Tupaki vì bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hư vô nên muốn phá hủy đa vũ trụ, đưa tất cả vào một vòng tròn phá hủy giống chiếc bánh donut. Theo bộ đôi đạo diễn giải thích thì chiếc bánh donut đại diện cho hư vô, nhưng mình thấy chi tiết này còn mang một ý nghĩa nữa.

Mình thấy chiếc bánh donut đại diện cho sự tự sát còn Jobu Tupaki có những triệu chứng của trầm cảm. Cô gái phản diện này phải chịu đựng những nỗi đau nhưng luôn thể hiện một tính cách phá phách, bất cần, không vui vẻ… Cô bé cũng thổ lộ mình bị mắc kẹt, không tìm thấy con đường (trong vũ trụ 2 hòn đá). Như vậy, mình nhận thấy một ý nghĩa quan trọng của bộ phim này là: những biến cố gia đình, mâu thuẫn với cha mẹ có thể gây ra trầm cảm. Người trầm cảm sẽ muốn phá hủy tất cả (thế giới của họ cùng những mối quan hệ của họ) và đi tới cái chết. Trong quá trình đó, họ có thể vô tình lôi kéo người thân cùng đến với cái chết, theo cách mà Jobu Tupaki đã đưa Evelyn đến trước cái bánh donut. Với người trầm cảm, chết là kết thúc cho mọi muộn phiền, đau khổ, cũng như cách mà Jobu Tupaki luôn muốn bước vào trong cái bánh donut. Một biểu tượng nữa cho cái chết-trầm cảm là những vòng tròn ở những chiếc máy giặt bao quanh cuộc sống gia đình Evelyn như những hố đen chỉ trực chờ hút họ vào trong đó.

Chúng ta nhiều khi xem nhẹ mối quan hệ gia đình và những ảnh hưởng của nó đến với cuộc sống mỗi người. Với người Châu Á, ta lại quá coi trọng điểm số, thành tích, rồi thì cơm áo gạo tiền, theo cái cách mà Evelyn hầu như chỉ lo nghĩ cho tiệm giặt là ở đầu phim. Ta đã không nhận ra rằng những vấn đề tâm lý, trầm cảm xuất phát từ bất ổn gia đình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng thế nào, cho tới khi ta nhìn thấy người thân tìm tới cái chết. EEAAO đã khéo léo lồng ghép, khai thác thông điệp đó dưới vỏ bọc một bộ phim hành động, siêu thực; và chính sự khéo léo đó đã khiến cho người xem đón nhận thông điệp một cách tự nhiên và cảm thấy thật xúc động.

Cách giải quyết vấn đề của EEAAO đó là “tình yêu chân thành” không phải quá mới, nhưng nó lại ấn tượng bởi sự kết hợp giữa nhiều vũ trụ khác nhau. Mỗi vũ trụ lại có nét hay và ý nghĩa riêng. Trong đó có cả những vũ trụ vô cùng kỳ lạ như vũ trụ người-tay-xúc-xích khi mà Evelyn và bà già ở sở thuế – vốn là một kẻ thù của Evelyn ở vũ trụ chính, lại là một cặp đôi. Họ đã bỏ qua sự khác biệt và kỳ lạ để yêu thương nhau. Đó là vũ trụ mà Evelyn không cưới Waymond, qua đó trở thành một minh tinh màn bạc, nhưng lại không hạnh phúc như mình nghĩ, cho tới khi gặp Waymond, anh ta cũng nhờ không cưới Evelyn mà trở nên thành công, thông thái khác hẳn Waymond đã cưới cô, nhưng Waymond khi đó đã nói với Evelyn một câu rất cảm động:

Anh muốn nói rằng: trong một cuộc đời khác, anh rất muốn chỉ giặt quần áo và tính thuế với em

Tuy nhiên, vũ trụ mà mình thích hơn cả là vũ trụ hai hòn đá. Đó là vũ trụ nơi không đủ điều kiện hình thành sự sống, Evelyn cùng con gái chỉ là hai hòn đá vô giác nhưng không vô tri. Họ không thể nói chuyện ra tiếng nhưng có thể nói chuyện với nhau qua suy nghĩ. Ban đầu, họ không thể dịch chuyển, vì chỉ là hai hòn đá. Đây là một thế giới lạ kỳ, bỗng yên tĩnh giữa cuộc chiến xô bồ từ đầu phim, nhưng là khoảng lặng cần thiết cho những câu thoại đầy ý nghĩa và cảm động về mối quan hệ hai mẹ con này.

Evelyn: Joy? Ta đang ở đâu?

Joy: Một vũ trụ nơi không đủ điều kiện hình thành sự sống. Thực ra mọi vũ trụ đều như thế (lời bình của mình: chủ nghĩa hư vô)

Giữa không gian tĩnh lặng nơi mà thời gian là vô nghĩa với hai hòn đá, họ mới đủ bình tĩnh nhìn ngẫm lại cuộc đời. Evelyn xin lỗi Joy vì ở thế giới con người, cô đã phá hủy cuộc sống của con gái mình, còn Joy, bỗng thấy mẹ cũng giống mình, cũng như bạn mình, là hai hòn đá, nên đã thổ lộ tâm sự rằng cô bé đã bị mắc kẹt, không thể thấy con đường. Và khi Evelyn thay đổi góc nhìn, thay đổi cách giải quyết, điều kỳ diệu đã xảy ra: bằng tình yêu thương, đá cũng có thể di chuyển, bởi đây là thế giới không có luật lệ gì, và nhờ đó hai hòn đá đã đến bên nhau.

Cùng với ý nghĩa nhân văn về gia đình, tình yêu thương và sự pha trộn giữa triết học Đông-Tây, EEAAO còn là bộ phim mang một số ý nghĩa khác:

  • Bộ phim đả kích văn hóa truyền thống bảo thủ Á Đông (cụ thể là Trung Hoa)
  • Bộ phim đả kích Giấc mơ Mỹ – American Dream không như mơ, và khi tiệm giặt là của Evelyn bị sở thuế vụ “sờ gáy” thì như ngụ ý “giấc mơ cũng bị đánh thuế” (nghịch lý là việc thắng các giải lớn ở Oscar lại giống “American dream comes true” với Ke Huy Quan và đạo diễn gốc Á của bộ phim này)
  • Bộ phim tribute và hint nhiều phim và biểu tượng điện ảnh khác như: 2001: a Space Odyssey, Ratatouille, In The Mood For Love, Jackie Chan…

Về mặt kỹ thuật thì khi xem phim, mình lại cảm nhận khác với khi xem trailer: đây không phải bộ phim hành động hạng B “rẻ tiền”, dù kỹ thuật có thô sơ, không thật như các phim Hollywood khác nhưng chính sự hoạt họa và có đôi phần “amateur” (so với công nghệ CGI và 3D của Hollywood hiện nay) đã tạo nên sự độc đáo của bộ phim.

Tổng kết lại, EEAAO là một bộ phim có vỏ bọc đa vũ trụ, hành động, siêu anh hùng nhưng là siêu anh hùng đời thực, và cũng như một chiếc bánh bao, nhân bên trong của bộ phim này mang nhiều tầng ý nghĩa, là sự pha trộn của văn hóa và triết học Đông-Tây. Ý nghĩa sâu sắc nhất của EEAAO vẫn là về hàn gắn mối quan hệ gia đình – đặc biệt là những gia đình tan vỡ hoặc có nguy cơ tan vỡ. Một điểm mình cực kỳ thích ở EEAAO là cách kể chuyện độc đáo và lồng ghép khéo léo các thông điệp, có lẽ bởi vậy, bộ phim cũng đã dành được giải thưởng Kịch bản gốc xuất sắc nhất tại Oscar năm nay theo cách hoàn toàn xứng đáng.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s