Vào năm 2022-2023, trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam không đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý, với những bộ phim thị trường như Bố Già, Nhà Bà Nữ… thì ở lĩnh vực phim tài liệu, một tác phẩm chất lượng ra đời. Ban đầu, Những Đứa Trẻ Trong Sương (tựa đề quốc tế: Children of the Mist) chưa được chú ý cho lắm, nhưng kể từ khi bộ phim này lọt vào danh sách rút gọn (short list) tại giải thưởng “Best documentary” của Oscar danh giá, thì bộ phim đã nhận được sự quan tâm từ đông đảo cộng đồng. Mặc dù không lọt vào danh sách đề cử cuối cùng (nomination) nhưng việc lọt vào short list 15 phim tài liệu hay nhất, đã chứng tỏ chất lượng mà bộ phim này đem lại. Mình cũng vừa mới đi xem bộ phim này, và thật may mắn, khi phim chiếu xong có sự xuất hiện của đạo diễn Hà Lệ Diễm để giao lưu với khán giả, qua đó, giúp mình hiểu hơn về quá trình làm phim và giải đáp thắc mắc về câu chuyện đằng sau cái kết của nhân vật.
Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Những Đứa Trẻ Trong Sương được Hà Lệ Diễm – nữ đạo diễn người Tày, bắt đầu bấm máy vào năm 2017 và đóng máy vào năm 2020. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của cô bé người Mông tên là Di, ở Sapa. Mới chỉ khoảng 14, 15 tuổi, đang ở độ tuổi ăn học và hồn nhiên chơi đùa với bạn bè, Di bỗng bị “bắt” làm vợ.
Tục bắt vợ dẫn đến tảo hôn là một phong tục cổ truyền của người dân tộc Mông. Hàng ngàn năm nay, người Mông đã bắt vợ và lập gia đình, sinh con đẻ cái, lưu truyền qua bao thế hệ. Mặc dù việc tảo hôn là trái với luật pháp Việt Nam, nhưng đây lại là một phong tục của người dân tộc thiểu số, nên về cơ bản thì “phép vua thua lệ làng”, các đơn vị chức trách cũng chỉ có thể tuyên truyền, giúp đỡ chứ chẳng thể ngăn cấm được.
Ở những thước phim đầu tiên, ta thấy sự hồn nhiên, trẻ con đúng với độ tuổi của Di.

Mặc dù biết phong tục và biết mình có thể bị “bắt” trong tương lai, nhưng có lẽ vì đã quen với phong tục này nên cô bé không thấy sợ hãi, vẫn dửng dưng với nó. Cho tới khi chính cô bé lại trở thành nạn nhân của phong tục này.
Một ngày nọ, Di bị “bắt”, và bỗng nhiên, nhân vật chính không còn xuất hiện trong những khung hình nữa. Khán giả lúc này sẽ theo chân đạo diễn Hà Lệ Diễm cùng gia đình bé Di, đi tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra và phải xử trí như nào.
Về phía gia đình Di, mẹ Di không hề muốn Di bị “bắt” vì Di còn nhỏ, nhà lại chỉ có hai con gái, trong đó thì chị của Di đã lấy chồng (cũng bị “bắt”) rồi. Ở phần phỏng vấn đầu, mẹ Di thổ lộ muốn đợi Di 18 tuổi mới cho nó đi, vậy nên khi Di bị “bắt”, mẹ Di đã khóc rất nhiều, lo lắng gọi điện cho con gái, dặn dò con đừng để bị mắc bẫy.

Về phía Di, sau khi bị “bắt” thì cô bé tỏ rõ sự phản kháng, không muốn lấy chồng. Khi được về lại nhà mẹ đẻ, cô bé khóc nức nở, nhất quyết không để cho nhà trai đưa đi. Ở trường đoạn này, ta cũng được xem cảnh thầy cô, nhà trường tìm cách bảo vệ Di, đến nói chuyện với gia đình, trong khi gia đình Di dù không muốn Di đi nhưng lại buộc phải tuân theo tục lệ truyền thống, để giữ danh tiếng cho gia đình.
Cao trào của bộ phim nằm ở phân cảnh mà Di bị nhà trai kéo đi. Lúc này, theo phong tục, bố mẹ Di không được kéo Di lại, bé Di cố gắng vùng vẫy nhưng không được, thậm chí còn khóc và cầu cứu “chị Diễm (đạo diễn phim) ơi cứu em”. Theo mình, đây là phân cảnh rất chân thực, xúc động của bộ phim. Thật may là với sự phản kháng quyết liệt, Di đã thoát được và sau đó, hai bên đã đồng ý để hủy bỏ “lễ cưới” này. Mặc dù đây là cái kết có hậu với Di, nhưng có lẽ với nhiều người, đặc biệt là các em bé vùng cao, thì không phải ai cũng may mắn như vậy, và còn rất nhiều người đang là nạn nhân của tục lệ này.

Khi xem Những Đứa Trẻ Trong Sương, mình ngay lập tức nhớ đến tác phẩm Vợ Chồng A Phủ. Đây là một tác phẩm văn học Việt Nam do nhà văn Tô Hoài sáng tác. Bỏ qua các yếu tố ủng hộ Cách mạng, Vợ Chồng A Phủ đã đứng lên bảo vệ người con gái (nhân vật Mị) bị rơi vào tục “bắt vợ” của người Mông. Sau khi bị “bắt”, Mị phải sống cuộc sống cầm tù, tủi nhục trong khi A Sử là một kẻ tồi tệ. Nếu như Vợ Chồng A Phủ chỉ là một câu chuyện giả tưởng, do một người Kinh viết ra, thì Những Đứa Trẻ Trong Sương lại là một bộ phim tài liệu, do một đạo diễn người Tày thực hiện, với sự giúp đỡ và phiên dịch của người Mông. Như vậy, Những Đứa Trẻ Trong Sương đã khắc hoạt một cách vô cùng chân thật về số phận và cảm xúc của người con gái dân tộc Mông trong tục lệ bắt vợ.
Khác với Vợ Chồng A Phủ, với nhân vật A Sử và thống lý là những nhân vật phản diện, ở Những Đứa Trẻ Trong Sương không có kẻ phản diện nào cả, chỉ có một phản diện duy nhất, đó là phong tục. Gia đình Vàng (người con trai đã “bắt” Di) và cả gia đình Di đều chỉ làm theo phong tục. Ta cũng không thể kết luận Vàng liệu có đối xử tệ với Di không, nhưng qua những cuộc nói chuyện, phỏng vấn, ta có thể thấy Vàng có tình cảm với Di, muốn đối xử tốt với Di nhưng không biết cách nào khác ngoại trừ làm theo phong tục này. Vàng chỉ là một thiếu niên trẻ tuổi, suy nghĩ còn nông cạn, khi trả lời phỏng vấn thì cậu ta nói rằng “có lẽ mình đã đi sai đường” (hối hận về hành động này), “không biết sau này thế nào nữa” (chưa có suy nghĩ gì về tương lai). Có lẽ nếu không có cái tục bắt vợ này và được dạy dỗ đúng mực, có lẽ Vàng cũng không hành động như vậy.
Khi xem phim, ta có thể thấy người Mông coi tục bắt vợ là đương nhiên, và dù họ phải chịu khổ, dù họ không đồng ý, họ cũng không dám phản đối, chống lại. Có lẽ đây chính là rào cản vô hình khiến cho người dân tộc Mông không thể phá bỏ được tục lệ này.

Theo mình đánh giá về khía cạnh chuyên môn, dưới góc độ là một người từng xem ít nhiều phim tài liệu – cả phim tài liệu Oscar lẫn Netflix, thì mặc dù Những Đứa Trẻ Trong Sương không quá hấp dẫn, chưa đủ kịch tính, đôi khi các thước phim còn hơi vụn vặt, không kết nối chặt chẽ theo cốt truyện (lý do mình sẽ giải thích phần sau), nhưng giá trị lớn nhất ở Những Đứa Trẻ Trong Sương đó chính là sự chân thật. Hà Lệ Diễm đã lên ở với người dân tộc Mông từ trước khi gặp Di, và sau đó đã dành ra hơn 3 năm để quay những thước phim tài liệu này, trước khi hoàn toàn đóng máy và tiến tới hậu kỳ.
Khi bộ phim kết thúc, trong đầu mình còn nhiều câu hỏi vấn vương, nhưng may mắn thay, trong buổi chiếu phim hôm nay lại có sự xuất hiện của đạo diễn Hà Lệ Diễm dù không hẹn trước. Chị Diễm đã giao lưu cùng khán giả và trả lời những câu hỏi cũng như thắc mắc của mình và những khán giả khác.

- Di hiện tại thế nào?
Đây là câu hỏi mà có lẽ không chỉ mình, nhiều khán giả khác cũng thắc mắc khi bộ phim khép lại. May mắn thay, sau khi hủy bỏ được “hôn lễ” ấy, Di đã không vướng phải tục “bắt vợ” một lần nữa. Theo chị Diễm trả lời thì Di sau đó đã nhận được học bổng từ trường đại học của Úc, đã gặp và cưới chồng theo đúng ý mình (dĩ nhiên là sau khi đủ 18 tuổi), và cùng mẹ mở một shop quần áo. Nhìn chung thì cuộc sống của Di đang rất tốt, cô bé cũng theo chị Diễm đi đến các buổi chiếu phim, giao lưu với khán giả (ở Hà Nội mấy ngày công chiếu qua nhưng vừa về Sapa), vậy nên có thể nói Di rất “welcome” với bộ phim và gia đình không cảm thấy phiền toái gì với việc phim được chiếu (ngược lại, có lẽ họ còn vui mừng vì Di đã có một cuộc sống mới như mơ ước)
2. Tại sao Hà Lệ Diễm lại làm bộ phim này?
Ban đầu, mình thắc mắc là nếu như có dự định làm phim về tục “bắt vợ”, làm thế nào Hà Lệ Diễm lại có thể quay trước các cảnh phim khi Di còn nhỏ? Liệu có phải chị Diễm biết rằng một ngày nào đó Di sẽ bị “bắt” nên quay trước? Hóa ra không phải. Theo chị chia sẻ, ban đầu chị đến sinh sống ở Sapa với người Mông theo dự án cộng đồng dành cho những người vùng cao. Rồi chị gặp Di, chơi thân với Di. Di muốn chị quay lại cảnh vui chơi để xem lại cho vui (trẻ con mà) nên chị quay. Thế rồi chị Diễm mới có ý định làm phim tài liệu, nhưng là một bộ phim hồn nhiên, trong sáng về độ tuổi thiếu niên. Thế nhưng chị không biết rằng việc “bắt vợ” lại đổ xuống đầu Di, và rồi sau đó, chị vẫn tiếp tục quay lại cho tới khi vụ việc kết thúc, chị mới biên tập bộ phim này. Như vậy, những diễn biến sau đó là hoàn toàn ngoài chủ đích. Bản thân chị Diễm cũng đã sống với Di và gia đình Di một thời gian dài, được xem như một phần của gia đình, nên việc quay phim tư liệu không gặp khó khăn gì.
Như mình đã nói ở trên, khi xem phim, mình thấy có những phân cảnh ở nửa đầu phim bị rời rạc, thiếu gắn kết và không có kết nối gì với cốt truyện. Hóa ra đó là bởi Hà Lệ Diễm không hề có ý định quay phim về tục “bắt vợ” ngay từ đầu, bởi vậy, những thước phim trước đó, dù đã được biên tập lại phục vụ cốt truyện về tục “bắt vợ”, vẫn thiếu kết nối. Sau khi được nghe chia sẻ từ đạo diễn thì mình thấy đây từ một điểm yếu của phim trở thành một điểm đặc sắc, khi biết được câu chuyện bên lề. Qua đó, mình càng thấy bộ phim này chân thật hơn, bởi không hề có sự sắp xếp, dàn dựng hay định hướng từ đạo diễn.
3. Đạo diễn Hà Lệ Diễm thân thiết với Di, khi biết Di bị “bắt” thì có can thiệp vào cốt truyện không? Nếu can thiệp vào thì có thể phim sẽ mất đi kịch tính và không thành công nữa, khi đó, chị quyết định thế nào?
Trong phim, ta có thể thấy Hà Lệ Diễm thường xuyên được Di và các nhân vật khác chuyện trò. Có khi chỉ vô tình thôi, ví dụ như Vàng đi đến thì chào chị. Rồi thì đoạn cao trào, khi Di khóc và kêu “chị Diễm ơi cứu em”. Chúng ta đôi khi có cảm giác đạo diễn không tác động vào cảnh quay, không cứu Di, nhưng theo chị Diễm chia sẻ thì đã có những lúc chị buông máy quay để cố cứu Di, kéo Di lại nhưng không thành. Những đoạn ấy đều không được máy quay ghi lại lên không thể thể hiện trên phim. Còn bản thân chị Diễm thì khi đó chỉ cảm thấy hoảng, muốn cứu Di chứ không nghĩ gì cao xa hơn cho bộ phim đang thực hiện.
4. Cộng đồng người dân tộc Mông nghĩ thế nào sau khi phim công chiếu?
Sau khi bộ phim công chiếu trên thế giới, đạo diễn Hà Lệ Diễm đã nhận được nhiều liên lạc từ những người Mông đang sống và làm việc ở nước ngoài. Họ đưa ra các lời mời trợ giúp cho Di, tạo diễn đàn thảo luận về vấn đề này, đóng góp nhạc phim (bởi một ca sĩ người Mông ở Thái Lan). Theo đạo diễn thì họ đều đánh giá khá tích cực về bộ phim và đồng tình về những vấn đề mà tục lệ này mang lại. Bản thân đạo diễn Hà Lệ Diễm cũng là một người dân tộc Tày nên bộ phim không phải một sự áp đặt góc nhìn từ người Kinh lên các dân tộc thiểu số. Di cùng gia đình cũng ủng hộ bộ phim, và người dịch lời thoại cũng như cố vấn văn hóa cho bộ phim cũng là một người dân tộc Mông. Như vậy, có thể nói cộng đồng người dân tộc Mông, không phải tất cả, có sự ủng hộ phim, phản đối lại phong tục này chứ không cảm thấy tự ái, bị bôi nhọ gì cả.

Cùng với tục “bắt vợ”, bộ phim cũng đã đưa ra các vấn đề tồn tại khác trong cuộc sống người dân tộc Mông như: việc nhậu nhẹt, uống rượu quá nhiều; việc trẻ con thường nghỉ học, bỏ học sớm; việc người vùng cao có thể bị dính đến cần sa, thuốc phiện hay trồng cây anh túc…
Tổng kết lại, mình đánh giá rất cao tính chân thực mà bộ phim Những Đứa Trẻ Trong Sương đem lại, dù chưa đủ xuất sắc, kịch tính như các phim tài liệu từng thắng/đề cử Oscar hay các phim tài liệu Netflix. Nhưng hay nhất, có lẽ chính là câu chuyện “behind the scene” do đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ. Đó mới là cốt truyện chính, thể hiện tình cảm của chị với Di và những người dân tộc Mông đang bị mắc kẹt trong tục lệ “bắt vợ” này. Đôi khi câu chuyện hay nhất của một bộ phim tài liệu lại là câu chuyện cuộc đời, mà không phải lúc nào camera cũng ghi lại được.