Du ký Mộc Châu 2023 (Phần 2: Vượt qua “con dốc tử thần” để ngắm hoàng hôn – Đi xe máy dưới tiết trời 5 độ)

Xem thêm:

Ngày 2: Đi chơi vòng quanh Mộc Châu – Cóng tay lái xe dưới giá lạnh 5 độ

Khoảng 6 giờ sáng, tôi tỉnh giấc, ngó ra ngoài trời vẫn còn tối. Tôi bật điện thoại lên xem nhiệt độ thì thấy báo ngoài trời đang là 4 độ C. Tôi ngủ tiếp, đến khoảng 8 giờ mới dậy, rồi hơn 8 rưỡi mới lên đường đi chơi, lúc này, nhiệt độ đã nhích lên 7 độ.

May mắn là sáng nay trời khô ráo, hửng nắng, dù vẫn còn rét buốt nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với thời tiết hôm qua. Nghe hai anh chị “hàng xóm” kể là sáng hôm qua trời mưa phùn, rét buốt, hai anh chị lấy xe ra tính đi chơi mà đi ra đường một quãng lại phải vòng về homestay… trùm chăn đi ngủ. Nếu như hôm nay trời cũng mưa rét như vậy thì quả thật là rất uổng phí, vì chúng tôi chỉ có 3 ngày, 2 đêm ở Mộc Châu thôi. Tôi thấy nhiều người đi 2 ngày, 1 đêm nhưng tôi muốn có trọn vẹn 1 ngày ở Mộc Châu để có thể khám phá được nhiều địa điểm ở mảnh đất này hơn, thay vì chỉ đi mấy địa điểm mà tour du lịch vẫn thường đi.

Buổi sáng trời lành lạnh, chúng tôi ghé vào quán phở Thái to để ăn phở bò bát đá. Lúc tôi đến đã là khoảng 9 giờ, người ở đây có vẻ dậy sớm, ăn sáng sớm nên tầm 9h thì quán đã hết gầu bò và bắp bò nên chúng tôi chỉ gọi phở bò tái chín bình thường. Phở bát đá rất nóng, giữ nhiệt lâu, quá hợp lý để ăn vào một buổi sáng giá lạnh như thế này. Tuy nhiên, bát phở ở đây hơi ít thịt, nhiều bánh phở, nước dùng cũng chưa thể được coi là ngon, nếu như so sánh với tiêu chuẩn phở Hà Nội. Nhìn chung thì phở ở đây không thể bằng “kinh đô phở” Hà Nội và Nam Định được.

Sau khi đã lót dạ, chúng tôi di chuyển tới điểm đầu tiên, đó là Hang Dơi. Hang Dơi nằm ngay trên trục đường chính, có thể dễ dàng tìm thấy nhưng lại không mấy khách du lịch giới trẻ, có lẽ là do địa điểm này không được review nhiều trên mạng xã hội. Để lên được hang dơi, chúng tôi cần phải leo bộ 240 bậc thang đá. Lúc leo lên thì cũng bình thường nhưng lên đến nơi, nhìn xuống thì thấy khá cao, có thể thấy toàn cảnh thị trấn bên dưới, nếu như không bị cây che tầm nhìn thì rất đẹp.

Theo truyền thuyết, khi xưa có một con rồng thiêng bay về biển đông, khi bay qua vùng đất núi rừng này thì thấy cảnh đẹp quá, nên đã hạ cánh, an cư tại nơi này. Con rồng chết đi, để lại 7 viên ngọc là 7 quả núi xinh đẹp, miệng rồng hướng về phía Nam, chính là cửa Hang Dơi. Hang Dơi có biệt danh là Tây Thiên đệ nhất động, là 1 trong những hang động đẹp nhất vùng Tây Bắc, hình thành cách đây 300 triệu năm. Nơi đây có những hiện vật của người Việt cổ sinh sống từ 3000-3500 năm trước, sau này là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, thờ tự của người dân tộc Thái ở Mộc Châu. Trong hang có một mạch nước ngầm và là nguồn nước ăn chủ yếu của người dân sinh sống ở Mộc Châu. Thời kháng chiến chống Pháp, nơi đây cũng được sử dụng làm căn cứ cách mạng.

Sở dĩ gọi là Hang Dơi vì trong hang có nhiều dơi (nhưng giờ đây con người đến tham quan nên dơi đã di chuyển vào sâu các hốc nhỏ, không nhìn thấy dơi ở hang chính).

Trong hang cũng có nhiều khối nhũ đá và hòn đá hình thù độc đáo, kỳ dị được tạo ra bởi nước ngầm và nước mưa bào mòn. Tuy không lung linh như Phong Nha-Kẻ Bàng nhưng Hang Dơi trông có phần hơi kinh dị, ma mị bởi những khối đá, nhũ đá trông như những hàm răng, bộ xương.

Theo lời truyền kể lại thì Hang Dơi cũng từng là nơi dạo chơi ưa thích của “công chúa thượng ngàn” – Lâm Cung Thánh Mẫu – một trong ba vị Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Có thể nói, Hang Dơi cũng là một điểm tham quan văn hóa tâm linh khi bên trong hang có rất nhiều các ban thờ Phật, Thánh mẫu…

Rời khỏi Hang Dơi, chúng tôi lên đường đi tới thung lũng mận Nà Ka. Đây là một chặng đường đi khá xa, cách chỗ chúng tôi khoảng 19 km đường đèo. Khoảng cách này tương đương với khoảng cách từ homestay chúng tôi ở Đà Lạt đi tới Bảo tàng sinh học Đà Lạt, trong chuyến đi đó, chúng tôi cũng đi đến rồi đi về trong một buổi trưa. Điểm khác biệt là đường đi thung lũng mận Nà Ka sẽ phải vượt qua vài con đèo nhỏ, so với đường đèo Tây Bắc thì không là gì nhưng khi đi đường đèo thì tôi vẫn luôn dè chừng, cảnh giác, lên số về số cẩn thận, tránh rà phanh và để ý xe cộ đi qua những khúc cua.

Khi đến thung lũng mận Nà Ka thì sẽ phải đi xuống một con dốc dài xuống dưới. Trông thì khá cao, tưởng chừng lên xuống khó nhưng thực ra lại rất dễ đi. Xuống đến nơi, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều các vườn do các chủ vườn khác nhau quản, chi phí tham quan là 30.000 VND/người.

Trước khi đi, tôi tìm hiểu về Mộc Châu và đặc biệt bị ấn tượng với hình ảnh rừng mận trắng muốt, rộng bạt ngàn. Cá nhân tôi thấy thung lũng mận Nà Ka không đẹp như tưởng tượng (không phải kiểu một khu rừng hoang sơ, rộng bạt ngàn mà kiểu vườn cây xong các chủ vườn cho vào tham quan, chụp ảnh, hái mận ăn…). Các khu vườn không rộng lắm, vào thời điểm này, hoa mận ở thung lũng cũng đã không còn bạt ngàn và trông đẹp được như trên mạng.

Hoa mận nở từ Tết nên khi chúng tôi đến thì vẫn còn nhiều hoa, nhưng hoa đang bắt đầu tàn và 1 số cây đã có quả con. Tôi không biết liệu hoa mận có còn ra vào đợt nào nữa không. Theo tôi, đi vào khoảng thời gian ngay trước Tết hoặc trong Tết là đẹp nhất. Tuy nhiên, nếu biết chọn góc chụp ảnh thì vẫn có thể có góc đẹp, trông hoang sơ hoặc có đường chân trời xa.

Khi rời khỏi thung lũng mận Nà Ka, trời đã có nắng, nhiệt độ lên được đến 12 độ và chúng tôi cảm thấy rất ấm áp. Đường trở về, chúng tôi đi qua những cung đường cũng khá là đẹp, nhưng do đang lái xe nên tôi không chụp lại.

Ở Mộc Châu, ta dễ dàng bắt gặp du khách lái xe máy đi chơi, cứ nhìn trang phục các trai xinh gái đẹp ăn mặc đẹp đẹp thì biết đó là du khách. Có nhiều người còn thuê trang phục Mông Cổ để chụp ảnh. Cá nhân tôi thì thấy rằng chụp ảnh trang phục Mông Cổ ở Sapa, Mộc Châu, Hà Giang… chẳng có gì hay ho. Bởi lẽ trang phục Mông Cổ vốn phù hợp để chụp ở những thảo nguyên ở nước Mông Cổ hay Nội mông, và chẳng liên quan gì tới văn hóa, con người, địa lý Tây Bắc Việt Nam cả. Dẫu vậy, tôi cũng phải thừa nhận là bản thân mình cũng có đôi chút sính ngoại và hơi “thiên vị” khi thích thú với các yếu tố văn hóa Nhật Bản được lồng ghép vào Đà Lạt, bản thân tôi cũng chụp bộ ảnh và quay MV tại Đà Lạt theo vibe Nhật Bản nữa. Dẫu sao thì, mỗi địa phương nên biết cách bảo tồn văn hóa của mình, thay vì cố chạy theo thị hiếu và đưa quá nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai vào bản địa, có thể sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa của chính mình.

Trên đường về trung tâm thị trấn, chúng tôi có ghé qua đồi chè. Bản thân tôi không mấy hứng thú với đồi chè nên cũng chỉ tạt qua đây. Ở đồi chè này có nhiều người dân tộc Thái ngồi ở hai bên đường bán chè, bán thuốc, hoặc bán hoa để chụp ảnh. Đi trên đường cũng có nhiều em bé dân tộc, đeo gùi hoa sau lưng, những em bé này sẽ được du khách “mượn” làm người mẫu chụp ảnh, dĩ nhiên là sẽ phải trả một khoản phí nho nhỏ cho các em ấy. Cũng như chuyến đi Sapa, tôi không phải người ủng hộ hành động này, vì mặc dù việc này đem tới thu nhập cho các em, nhưng cũng sẽ khiến các em nhỏ vùng cao vì cái lợi trước mắt mà bỏ học, đi kiếm tiền, gây ảnh hưởng tới trình độ văn hóa, nhận thức, trình độ kiến thức và tương lai của các em sau này.

Đang lơ ngơ ở khu bên dưới đồi chè không biết gửi xe ở đâu thì tôi thấy một chiếc xe máy của người bản địa đi qua một cái cổng, leo lên đồi, trông như cổng của một cơ quan công vụ. Thấy thế, tôi cũng đi theo, và nhờ đó có thể phi lên một quả đồi, từ đây có thể trông ra đồi chè, cũng có cảnh quan khá bắt mắt.

Do đồi chè không phải địa điểm chính chúng tôi muốn tham quan nên rất nhanh chóng, chúng tôi quay về trung tâm thị trấn. Lúc này cũng đã 2 giờ chiều, chúng tôi tìm quán ăn trưa nhưng đâu biết ở Mộc Châu này, có vẻ họ ăn rất đúng giờ. Bình thường đi du lịch, tôi ăn trưa, ăn tối cũng du di theo lịch trình, nhưng ở Mộc Châu, 2 giờ chiều tìm quán ăn trưa là rất khó. Tôi có qua một quán cơm có món bê nướng nổi tiếng nhưng họ báo đã hết đồ ăn. Rồi chúng tôi đi dọc theo đường Quốc lộ 6 ở trung tâm thị trấn, tìm hàng ăn nhưng hàng nào cũng báo hết đồ. Mãi một hồi sau, chúng tôi mới tìm được 1 quán bún chả bình dân để ăn tạm. Bún chả ở đây họ không có chả băm mà chỉ có chả miếng là thịt ba chỉ nướng lên. So với bún chả Hà Nội thì dĩ nhiên không thể bằng.

Ăn trưa xong, chúng tôi về homestay nghỉ ngơi một lát. Dưới ánh nắng đầu giờ chiều, có thể trông thấy những khóm san hô và cá suôi li ti bơi lội, bên dưới dòng nước trong vắt của con suối ở homestay.

Lúc này, hai anh chị “hàng xóm” cũng trả phòng ra về. Chúng tôi chào anh chị, tôi cũng thấy đôi chút tiếc nuối vì không xin contact, bởi tôi khá là quý anh chị này, nhưng rồi ngộ ra, đó có thể là 1 phần của cái duyên, khi mà chúng ta tình cờ gặp gỡ những người bạn mới trên hành trình của mình, nói chuyện, tâm sự, rồi sau đó lướt qua cuộc đời nhau. Đây cũng là 1 trong những điều tôi thích nhất trong mỗi chuyến đi du lịch.

Nghỉ ngơi một chút, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đi tới Rừng thông Bản Áng. Rừng thông này thuộc khu du lịch Phoenix Resort Bản Áng, vé vào cửa tham quan là 80.000 VNĐ/người. Đại khái thì khu này giông giống như Flamingo Đại Lải (không cao cấp bằng).

Ở đây có khu vui chơi cho trẻ em, có hồ nước, có con đường có hoa mai anh đào, có cầu thang kính tình yêu (nhưng nhìn rất công nghiệp). Cá nhân tôi thì không thích mấy chỗ kiểu “công nghiệp” như mấy cầu thang kính, hay vườn hoa Đà Lạt…

Điểm tôi quan tâm nhất ở Phoenix Resort Bản Áng đó là rừng thông. Ở đây có những đồi thông nho nhỏ, thực ra không đủ rộng để mà gọi là rừng. Đợt tôi đi Đà Lạt, dù ở ngay cạnh và đường về homestay cũng đi qua những rừng thông nhưng tôi lại chưa chụp ảnh nào ở rừng thông cả, nên chuyến đi này cũng nhân cơ hội để “chụp bù”.

Dưới ánh nắng ấm áp buổi chiều, rừng thông hiện ra hoang sơ và thơ mộng.

Tôi tranh thủ chụp bức ảnh chai nước hoa Tam Dao – một sản phẩm từ hãng nước hoa Dyptique của Pháp nhưng mang tên một địa danh Việt Nam, mà đâu hay đây là bức ảnh cuối cùng chụp với “em nó”, bởi đến cuối năm, tôi đã bị mất chai nước hoa này.

Chụp ảnh ở rừng thông xong, chúng tôi cũng đi bộ một vòng quanh khu resort.

Ở đây có những căn bungalow cho khách thuê để nghỉ lại. Ban đầu, khi tìm kiếm nơi ngủ nghỉ ở Mộc Châu, tôi cũng có ý định đặt tại Phoenix nhưng đã hết phòng nên không đặt nữa, nhờ đó, mới có cơ duyên để ở House by Lake.

Ở con đường bên hồ ở Phoenix cũng có những cây mai anh đào. Vào dịp Tết, mai anh đào ở Mộc Châu nở rất đẹp. Vào thời điểm này khi chúng tôi tới nơi, mai anh đào đã rụng bớt rồi, nhưng vẫn còn những cây nhiều lá, trông vẫn khá đẹp.

Rời khỏi Rừng thông Bản Áng, chúng tôi lại quay về homestay. Lý do là bởi điểm mà chúng tôi chuẩn bị đi tiếp theo là Quán café Mu Náu Ơi, nhưng chúng tôi tính sẽ đến đây để ngắm hoàng hôn, mà giờ mới lưng chừng chiều nên lại về homestay dừng chân đôi chút. Bầu trời lúc này rất đẹp: trong xanh, có gợn mây, hôm nay lại nắng đẹp nên tôi hy vọng hoàng hôn sẽ đẹp, thay vì xám xịt như hôm trước.

Khoảng 4 rưỡi chiều, chúng tôi lên đường tới quán café Mu Náu Ơi. Đường thì không xa, ngay gần chỗ chúng tôi ở, nhưng để lên được quán café này là cả một hành trình gian nan, vất vả. Quán nằm trên núi ở 1 con ngõ nhỏ ngay đường Trần Huy Liệu, đối diện với ngã ba. Ban đầu, chúng tôi cũng gặp khó khăn khi tìm quán này vì ở dưới đường lớn không có biển báo nào cả, đi theo Google thì thấy có con dốc đó, phi lên mới biết là đúng.

Tối hôm trước, tôi đã được hai anh chị “hàng xóm” kể cho về con dốc đáng sợ ở nơi này. Ban đầu, tôi vẫn muốn thử sức nên cố phi xe máy lên, nhưng vừa đi qua “điểm dừng chân” ở chặng đầu con dốc một quãng, tôi nhận ra mình không nên cố nữa, bởi cố quá thì… Tôi dừng xe lại, dắt xuống con dốc, trong lúc Hafu gọi điện thoại cho “Grab bản”. Hóa ra hai anh chị “Grab bản” nhà ở ngay đầu con dốc. Hai anh chị bảo tôi dắt xe vào, để ở đó, rồi đưa chúng tôi lên dốc. Hafu đi với chị gái, còn tôi đi với ông anh con trai. Mặc dù ngồi sau, nhưng chúng tôi thực sự được một pha hết hồn hết vía. Đường đi lên thì dốc, ngồi sau xe mà cứ như bị đổ ngược về sau, phải bám thật chặt vào áo anh “Grab bản” để không bị ngã. Đường thì vòng vèo, quanh co, một bên là núi, bên kia là vực, có đoạn còn phải tránh xe ô tô đang đi xuống nữa. Trông ảnh chụp thì có vẻ thoai thoải thế thôi chứ thực tế con đường này rất dốc, đi nguy hiểm vô cùng. Lên được đến nơi mà tôi thở phào, vì đã vượt qua 1 nửa quãng đường “tử thần”, còn chặng đường về nữa, nhưng thôi kệ, cứ chơi cái đã.

Trên quán café Mu Náu Ơi có rất đông các bạn trẻ đến đây để chụp ảnh, check-in. Sự đông đúc cùng với không gian chill chill ở đây khiến tôi nhớ đến mấy quán café như Kong, Ba Quả Đồi… ở khu đồi dã chiến – Đà Lạt.

Cũng may, khi tôi lên đến nơi thì vừa đúng hoàng hôn, chứ lên muộn hơn chút nữa thì đã bị mất khung trời tuyệt đẹp này. Ở quán này hiện chỉ bán cacao nóng, với giá là 50.000 VND/cốc nhỏ nhỏ, mặc dù giá hơi chát nhưng ở đây khách rất đông, có đồ uống ấm nóng để ngắm hoàng hôn trong một ngày lạnh giá là tốt rồi.

Tôi chụp ảnh một lát thì quay video, và rất may, tôi đã kịp quay, chụp lại mặt trời vì chỉ ngay sau khi tôi vừa bấm nút quay đôi chút thì mặt trời đã khuất bóng.

Chẳng mấy chốc, trời chập tối. Chúng tôi ở lại đến khi trời gần tối hẳn thì gọi hai anh chị “Grab bản” lên đưa xuống.

Thực ra đường xuống không xa, nếu đi bộ thì vẫn có thể đi bộ được. Tôi có thấy ở trên này có chiếc xe ô tô off-road chứ không có nhiều xe cộ. Ít ngày sau khi chúng tôi về Hà Nội, tôi có đọc tin là có chiếc ô tô bán tải đi xuống dốc này (có lẽ là du khách lên đây chơi) đã bị lật đổ và gặp tai nạn, không rõ thương vong thế nào. Khi đi xuống, con dốc có khúc cua tay áo mà ngay phía trước là vực thẳm, trông rất đáng sợ.

Lúc ấy, tôi ngồi sau, chỉ biết bám chặt tay vào xe máy, trong khi người cứ bị kéo xuống phía trước cùng xe, rất đáng sợ. Đến đoạn đầu dốc miệng vực, ông anh “Grab bản” kể rằng năm ngoái, có 2 cô gái “phượt thủ” Bắc Giang đi xuống đã phi thẳng xuống vực đó. Anh ấy kể lúc gần đến khúc cua miệng vực đó, tôi nhìn mà cảm thấy rùng mình. Con dốc nguy hiểm này tuy ngắn nhưng dốc hơn đường đi Tam Đảo và khúc cua hẹp, gấp hơn (cua tay áo). Đi phượt Tam Đảo chỉ gặp nguy hiểm khi đứt phanh còn đi xuống dốc này thì có khi phanh chưa đứt, không kịp bẻ tay lái theo khúc cua tay áo thì cũng có thể bị rơi xuống vực. So với những con dốc tôi từng đi như con dốc xuống lấy xe máy ở Sapa (dốc nhỏ chỉ đủ 1 xe máy đi), dốc Nhà Bò, dốc Kong Coffee, dốc Crop Lab, dốc Yesin… ở Đà Lạt thì chắc chắn dốc Mu Náu Ơi này là con dốc nguy hiểm và đáng sợ nhất với tôi.

Xuống đến nơi, tôi mới hoàn toàn thở phào nhẹ nhõn, cảm giác vừa qua mặt được tử thần. Tôi cùng Hafu lại tiếp tục lên đường tới Phố đi bộ Mộc Châu để ăn tối.

Trời Mộc Châu về tối trở lạnh hơn, lái xe máy mà hai tay tôi rét run. Phố đi bộ Mộc Châu nằm không xa thị trấn cho lắm, vậy mà vì giá rét mà cảm tưởng đường đi khá xa vời. Đến nơi, chúng tôi gửi xe, mua vé rồi vào bên trong. Lúc này mới đầu giờ tối nên hàng quán mới đang lục đục dọn ra, chưa có nhiều.

Phố đi bộ Mộc Châu là không gian văn hóa, ẩm thực, giải trí mới ở Mộc Châu. Tôi biết đến nơi này khi xem một Vlog du lịch Mộc Châu trên Youtube. Tại đây có các căn nhà sàn phục dựng dựa trên văn hóa dân tộc Tây Bắc, bên trong bán trang sức, đá quý, đồ lưu niệm, cho thuê trang phục, chè, sữa, bánh sữa…. Cùng với đó là các gian hàng ẩm thực bán đồ ăn, đa số là đồ nướng như thịt xiên nướng, xúc xích, cá viên chiên, thanh cua, ngô, khoai, sắn, cơm lam…

Trong lúc chờ cho muộn hẳn rồi mới ăn tối, chúng tôi vào Bảo tàng văn hóa Tây Bắc thăm thú. Bảo tàng hơi nhỏ nhưng cũng có trưng bày những đồ vật văn hóa dân tộc Thái ở Tây Bắc như cồng chiêng, trang phục, xoong, bếp, súng kíp, sách, văn thư, đồ dùng sinh hoạt…

Giữa quảng trường là sân khấu Đêm nhạc Cao Nguyên thường biểu diễn vào tối thứ 7, Chủ Nhật.

Ở đây có cả những hoạt động thú vị như hội vật tay.

Chúng tôi đi bộ sang một góc khác, là tuyến phố Nhật Bản, tại đây có tiệm café, cho thuê trang phục, nhà hàng Nhật Bản, cùng với đó có cả các nhà hàng Hàn Quốc, Quảng Đông nữa. Đây là một không gian “fake” Nhật Bản rất đẹp và rất giống. Buổi tối, đèn lồng lên, có nhiều người mặc kimono trông cũng có nét Nhật Bản như ở Kyoto thời xưa.

Ở trên tuyến phố này, chúng tôi đi qua một hàng vịt Quảng Châu thơm phức, họ bày cả xe và quay vịt giữa đường, trông cổ cổ như trong phim Trung Quốc ngày xưa vậy. Bị thu hút bởi hình ảnh và mùi hương ấy, tôi tự nhủ lát nữa sẽ quay lại đây ăn.

Chúng tôi trở lại khu bán mấy đồ địa phương, ngồi bên chỗ người ta đang đốt củi, vừa sưởi ấm, vừa gọi mấy đồ như thịt xiên nướng, xúc xích nướng, cơm lam. Chúng tôi phải chờ cơm lam khá lâu (khoảng 1 tiếng), mà cơm lam ở đây không có vừng lạc để chấm, ăn rất nhạt.

Lúc này, chúng tôi ngồi gần lửa thì bị khói tạt vào mặt, mà di chuyển ra xa xa thì lại lạnh quá. Tôi ngồi ăn mà run cầm cập, thậm chí Hafu đeo găng tay, chạm vào đùi tôi mà tôi cũng cảm thấy lạnh nữa, như sắt chạm vào vậy. Cũng phải, nhiệt độ buổi tối lúc này đã xuống còn 6 độ thôi. Do rét quá, chúng tôi quyết định sẽ đi vào hàng vịt quay Quảng Đông để ăn, vừa ấm cái thân, vừa ấm bụng.

Bước vào quán vịt quay Quảng Đông, tôi cầm menu mà tay run cầm cập. Trong quán kín cửa, ấm áp hơn hẳn ngoài trời. Menu có nhiều món ăn đồ Hoa, chúng tôi gọi 2 bát mì vịt quay để ăn cho ấm bụng. Vịt quay nhiều thịt, béo ngậy, thơm phức còn mì và nước mì cũng chuẩn vị Quảng Đông.

Sau khi ăn xong và nghỉ ngơi đôi chút cho ấm lại người, chúng tôi ra ngoài. Tôi canh canh để chụp bức ảnh ở đây theo phong cách “dòng người vội vàng bước qua”, với tốc chỉ khoảng 1/8s. Chụp ảnh kiểu đó bị fail nhiều, khi thì chủ thể không nằm đúng vị trí mong muốn, khi thì chủ thể bị nhòe do cử động, khi thì người di chuyển qua lại phía trước không đẹp… Vì vậy, tôi đã phải mất gần 10 phút ở đây để săn được bức ảnh như ý.

Rời khỏi quán vịt quay Quảng Đông, chúng tôi vào quán Sakura Coffee trang trí theo phong cách Nhật Bản. Ở tầng 1 có cho thuê cả trang phục Nhật Bản như kimono, yukata. Ở tầng 2 có rất nhiều bàn, rộng rãi, ấm áp, còn có chỗ trang trí cả bộ giáp và kiếm samurai nữa.

Nhìn bộ giáp và kiếm này, tôi tự nhủ đầu năm sẽ học lại kendo. Trước đây, tôi từng tập kendo nhưng phải dừng lại để học thạc sĩ quốc tế. Giờ học xong rồi, tôi lại có thời gian để quay về với kendo. Nhưng tôi đâu biết sau này, tôi còn bận bịu nhiều thứ (học ôn thi IELTS, bận công việc, giành giụm tiền đi Pháp…) nên đã một năm trôi qua, tôi vẫn chẳng thể quay lại với kendo được.

Từ trên tầng 2 quán café này, tôi cũng được xem phố đi bộ Mộc Châu phun tuyết. Họ phun tuyết vào 8 giờ tối thứ 7, Chủ Nhật. Trông “tuyết” rơi rất hợp với khung cảnh cổ phong, trông như đang ở Kyoto vào một ngày mùa đông vậy.

Rời khỏi quán café, chúng tôi cũng lên đường trở về nhà. Lúc này mới 8 rưỡi tối nhưng nhiệt độ xuống chỉ còn 5 độ. Đêm nay, Mộc Châu sẽ xuống thấp nhất còn 3 độ thôi. Đi ngoài đường tối om, vắng vẻ, dưới cái rét 5 độ, dù đã trang bị đầy đủ áo ấm, khăn quàng, găng tay, bịt tai… nhưng về đến nơi, tôi vẫn rét run, hai bàn tay như không còn cảm giác.

Thông thường lạnh như này thì chẳng ai lại đi tắm, nhưng bình nước nóng và vòi nước ở đây khá tốt. Tôi nghỉ ngơi đôi chút rồi vào tắm nước nóng, sau đó ra sấy khô người thì cảm thấy ấm áp hơn rất nhiều, như “rửa trôi” sự lạnh buốt giá mùa đông nơi đây đi vậy. Sau đó, chúng tôi lại ra ngoài đốt lửa trại cho ấm.

Chúng tôi ra ngoài một lát thì hai bạn “hàng xóm” tối qua cũng ra. Sau đó, chúng tôi còn gặp 2 bạn nữ khác mới đến, đang ở căn bungalow của anh chị “hàng xóm” mà vừa mới hôm qua còn ngồi cạnh chúng tôi. Vậy là lại trước lạ, sau quen. Chúng tôi từ những “junior” tối qua, giờ đã thăng cấp thành “senior” của “hội lửa trại”.

Ngày hôm nay, trời quang mây nên tôi cũng tranh thủ lấy tripod và máy ảnh ra để chụp sao. Tuy nhiên, ở homestay này vẫn còn nhiều ánh đèn điện gây “ô nhiễm ánh sáng” nên tôi đã không chụp được bức ảnh thiên văn ưng ý nào.

Trời về khuya, chúng tôi trở vào trong nhà. Đêm nay, nhiệt độ xuống đến 3 độ C, gần xuống đến mốc nhiệt độ đóng băng. Rất may, homestay nơi tôi ở có điều hòa 2 chiều, qua đó mới chống chọi được với giá rét 3 độ. Đó là chúng tôi có điều hòa 2 chiều ấm áp, chứ những người dân nơi đây họ chống chọi với giá rét mùa đông này như nào nhỉ? Rồi còn cả gia súc, gia cầm nữa? Dẫu sao thì đó cũng chỉ là một phần của thiên nhiên, còn nhiều nơi giá lạnh, khắc nghiệt hơn nhiều, như ở Nga có thể xuống đến -30 độ C, thật không hiểu sao họ có thể chịu nổi.

Tôi lại chìm vào giấc ngủ, để sẵn sàng sáng hôm sau 7 giờ dậy chạy bộ, dưới tiết trời 6 độ C.

Xem thêm:

  • Du ký Mộc Châu 2023 (Phần 3: Viếng thăm Quân đoàn Tây Tiến) <Coming soon>

Bình luận về bài viết này