Du ký Châu Âu 2024 (Phần 2: Ngày đầu ở Paris, đi du thuyền sông Seine, mất 2 euro để đi vệ sinh ở Khải Hoàn Môn)

Đọc thêm:

Ngày 1: Đặt chân lên nước Pháp – Vòng quanh Paris – Mất 2 euro (gần 60.000 VND) để… đánh dấu chủ quyền ở Khải Hoàn Môn 

Máy bay bắt đầu đáp xuống sân bay Charles De Gaulle vào khoảng 6 rưỡi sáng.

Đây là sân bay lớn nhất nước Pháp, và cũng là một trong những sân bay lớn nhất Thế giới. Charles De Gaulle đồng thời là sân bay bận rộn thứ 14 Thế giới, là sân bay bận rộn thứ 2 Châu Âu (sau London Heathrow), và cũng là một trong những sân bay đẹp, hiện đại nhất Thế giới. Tiếc là chúng tôi chỉ đến Charles De Gaulle từ cảng đến (arrival), qua đó chỉ trải nghiệm được một phần rất nhỏ của sân bay này. Ấn tượng đầu tiên của tôi với sân bay Charles De Gaulle là những tấm pano quảng cáo các thương hiệu thời trang Pháp, tiêu biểu nhất là Chanel.

Từ cổng ra máy bay đi tới nơi nhập cảnh phải đi bộ khá xa, vòng vèo qua những cầu thang, hành lang dài, trong đó có một con đường thang cuốn khiến tôi ấn tượng là họ đặt những bức ảnh giới thiệu về các địa điểm ở Paris như một triển lãm nhỏ. Hai bên tường có gắn nhiều loa của hãng Bosch – một thương hiệu công nghệ có tiếng ở châu Âu, xuất xứ Đức.

Đi hết hành lang dài đó, chúng tôi đến một ngã ba, nơi mà hành khách được chia làm hai nhánh: Người Châu Âu, và người đến từ các nước khác. Chúng tôi có cuộc giao tiếp đầu tiên với người Pháp tại đây, khi chúng tôi không biết phải đi theo nhánh nào, đã hỏi một anh chàng nhân viên an ninh sân bay, anh ta hỏi hộ chiếu của chúng tôi, chúng tôi giơ ra, bảo Việt Nam thì anh ta chỉ hướng đi cho chúng tôi. Tiếp tục, chúng tôi lại đến một cổng chia làm nhiều lối vào, chúng tôi bảo Việt Nam và được an ninh chỉ dẫn cho vào một lối vào, trước đó có một hành khách Trung Quốc cũng đi vào lối này, nên tôi dự đoán đó là lối vào dành cho người Châu Á. Nhưng đến khi xếp hàng, tôi lại thấy nhiều người Tây cũng xếp hàng ở đây, nên cũng không rõ cơ sở họ chia lối vào như thế nào.

Chúng tôi đã phải xếp hàng một thời gian tương đối lâu để nhập cảnh, mà lúc này mới là đầu giờ sáng, có lẽ ban ngày sẽ còn đông đúc hơn nữa. Cũng phải, Paris là một trong những điểm đến hàng đầu Thế giới mà. Sau thời gian xếp hàng, đến chúng tôi nhập cảnh. Có các nhân viên an ninh làm thủ tục nhập cảnh sẽ kiểm tra giấy tờ và có thể đưa ra những câu hỏi cho chúng tôi. Lúc này, tôi cũng có phần lo lắng. Tôi chưa từng nhập cảnh vào Châu Âu bao giờ, nhưng khi nhập cảnh vào Malaysia, tôi đã thấy những người đi cùng cũng gặp đôi chút khó khăn. Khi đến tôi, người nhân viên an ninh phụ trách nhập cảnh kiểm tra hộ chiếu, VISA, hỏi tôi vài câu hỏi:

“Bạn đến Pháp để làm gì?” – Tôi trả lời: “Tôi đến đây để dự lễ tốt nghiệp ở Đại học Côte d’Azur.”

“Bạn ở Paris bao lâu?” – “Khoảng 2 ngày”

“Bạn ở Pháp bao lâu?” – Thú thật là tôi không nhớ rõ số ngày của lịch trình, nên lấy mốc 2 tuần ở Châu Âu, chia đôi Pháp/Ý, nghĩ là ở Pháp lâu hơn nên trả lời là 10 ngày.

“Bạn có đi đâu ngoài Pháp không?” – “Có, tôi sẽ sang Ý.”

Chỉ vài câu hỏi như vậy thôi, tôi được đóng dấu và cho qua. Tôi thở phào nhẹ nhõn, chính thức được nhập cảnh vào Châu Âu.

Không như tôi, chị Diệp – người đi cùng chị Nguyên chứ không phải đến để nhận bằng, bị hỏi những câu khó hơn. Ở Pháp, sự bảo trợ của các trường đại học có vị thế rất lớn nên chúng tôi được qua dễ hơn. Còn chị Diệp bị hỏi kỹ hơn về lịch trình, phải đưa cho họ xem cả vé máy bay bay đi Ý, rồi từ Ý bay về. Rất may mà chị Nguyên đã gửi toàn bộ trên nhóm, nhưng tin nhắn đã bị trôi, nếu tôi bị hỏi thì chắc sẽ bối rối, mất một thời gian lâu lâu mới tìm lại được mất.

Nhập cảnh xong, chúng tôi đi tìm đảo hành lý để lấy hành lý ký gửi. Trên đường đi, tôi nhìn thấy bên ngoài cửa sổ một tòa nhà trông như sân vận động hay nhà thi đấu gì đó có treo nhiều hình ảnh về Thế vận hội Olympic Paris 2024, nhưng thực ra đó chính là Terminal 1 của sân bay.

Mùa hè này, nước Pháp sẽ đăng cai Olympic tại Paris, thế nên họ đang tích cực quảng bá hình ảnh của sự kiện hàng đầu hành tinh này. Cũng may là chúng tôi đến Pháp vào tháng 3, chứ chỉ cần chậm 2 tháng nữa thôi là giá vé máy bay, giá thuê nhà, khách sạn… sẽ lên một tầm cao mới, chưa kể là còn bị đông đúc người hơn rất nhiều lần nữa.

Ngay sau khi lấy được hành lý ký gửi, tôi đã mở vali, lấy túi đựng máy ảnh, lôi 2 chiếc máy ảnh trong balo ra và nhét vào túi máy ảnh. Lý do tôi phải làm thế vì bay hãng Air China chỉ được mang theo đúng 1 kiện hành lý xách tay thôi. Chúng tôi đi tìm lối ra – nơi mà lái xe đã hẹn chờ chúng tôi ở đó. Do sân bay khá rộng, nên việc tìm lối ra cũng mất thời gian, chúng tôi phải tìm thang máy, đi xuống tầng 1 mới tìm được các cổng ra bên ngoài.

Bước chân ra ngoài sân bay, bầu không khí đem theo gió Châu Âu chạm vào làn da, khiến tôi thấy hơi lạnh. Ở Paris lúc này mới là gần 8 giờ sáng, nhiệt độ đang khoảng 10-11 độ C, tôi vẫn chỉ mặc 1 chiếc áo cộc và áo blazer mỏng. Chúng tôi tìm tài xế, đó là một người Việt sống ở Pháp. Anh ấy dẫn chúng tôi ra xe, nhưng do nhóm chúng tôi khá đông: 5 người, kèm những chiếc vali cỡ lớn, nên anh ấy đã gọi 1 người bạn khác đến hỗ trợ. Chúng tôi chia 2 nhóm ra đi 2 xe, tôi với Linh đi xe của người bạn hỗ trợ đó. Lúc ấy, tôi cũng hơi lấn cấn, khi nhìn và xác nhận người ở xe thứ 2 đúng là người bạn của anh tài xế kia, chúng tôi mới dám lên, dù sao mới sang một nước lạ, không nên tin người quá.

Anh lái xe chở chúng tôi cũng là người Việt. Tôi đã không biết mình đang ngồi trên một chiếc Tesla cho tới khi xuống xe, được mọi người nói mới biết.

Trên xe, chúng tôi hỏi han, trò chuyện với anh, về cuộc sống ở Pháp, và qua đó, biết được nhiều điều thú vị về đời sống ở Pháp. Ví dụ: Ở Pháp thì mỗi người tham gia giao thông có 120 điểm, vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm, trong một năm mà bị trừ hết 120 điểm thì sẽ bị tịch thu bằng lái. Những lỗi nặng như vượt đèn đỏ, không nhường người đi bộ sẽ bị trừ 60 điểm. Điều đó cho thấy việc nhường người đi bộ ở Pháp quan trọng tới mức nào.

Anh cũng kể cho chúng tôi về việc nhập cư ở Pháp thì dễ hơn các nước khác ở Châu Âu, khoảng 3-5 năm lại đi gia hạn và chủ yếu là đảm bảo các yếu tố: có việc làm, đóng thuế đầy đủ, vượt qua các bài kiểm tra tiếng Pháp là được gia hạn. Sau thời gian dài (tôi không nhớ rõ chính xác, có lẽ khoảng 10 năm hay 20 năm gì đó) gia hạn liên tiếp như thế sẽ được nhập tịch. Những thông tin này tôi cũng không nhớ chắc chắn lắm, có thể có sai sót, do giờ mới có thời gian ngồi viết lại. Anh cũng chia sẻ giá bất động sản ở nước Pháp so với Việt Nam là rẻ hơn, việc sở hữu bất động sản ở những vùng ngoại ô Paris không hề khó (so với việc mua nhà ở Việt Nam). Giá thuê homestay, khách sạn thì tùy từng thời điểm, như lúc này chúng tôi thuê thì rẻ hơn mùa hè – khi mà Olympic diễn ra. Vào thời điểm đó, giá tăng 10 lần, mà các khách sạn, homestay gần như đã được đặt hết, tính đến hiện tại. Anh cũng chia sẻ mấy câu chuyện thú vị về việc đặt mua xe VinFast mãi mà vẫn chưa nhận được xe; về việc hành chính công của Pháp cũng rất chậm chạp và rườm rà (red tape) khi mà có những khoản tiền mà anh claim để nhận lại mà mấy năm trời họ chưa hoàn trả; rằng ở Việt Nam, hành chính công chậm thì có thể “bôi trơn” chứ hành chính công ở Pháp chậm là chỉ có thể… đợi chứ không có cách nào khác.

Chúng tôi đi trên đường cao tốc vào trung tâm Paris thì cũng đã được trải nghiệm tắc đường. Ô tô nối đuôi nhau tắc dài từ tít xa bên ngoài, nhưng khác với ở Việt Nam, xe ở đây xếp hàng ngăn nắp chứ không lộn xộn, điền vào chỗ trống.

Mỗi 1 làn xe thì chỉ có 1 hàng xe nối đuôi nhau thôi, ở kẽ hở giữa các làn xe thì các xe motor (toàn là phân khối lớn) luồn lách đi vào, nhưng số lượng xe motor không nhiều nên họ cứ thế vượt qua mà không gây tắc đường. Người lái motor phân khối lớn ở đây cũng khác ở Việt Nam là họ đội đầy đủ mũ full face, áo bảo hộ… và thường mặc đồ tối màu, đơn giản chứ không màu mè như mấy tay lái phân khối lớn ở Việt Nam. Làn khẩn cấp thì tuyệt nhiên không có ô tô nào dám đi vào rồi. Theo lời anh lái xe Tesla chở chúng mình thì dân ở đây không phải vốn dĩ đã có ý thức tốt, nhưng ý thức sinh ra từ luật lệ, luật phạt nặng và nghiêm thì con người tự khắc có ý thức và dần dần thành thói quen trong cuộc sống.

Tôi để ý trên đường từ cao tốc vào thành phố, có rất nhiều graffiti. Nhiều tới mức tôi còn cứ nghĩ Paris là quê hương của graffiti cơ đấy.

Một điểm thú vị khi để ý trên đường phố Paris, đó là taxi ở đây, ngoại trừ Toyota là phổ biến nhất, thì có rất nhiều xe sang như Lexus, Mercedes, Audi…

Bản thân tôi cũng đang ngồi trên một con Tesla. Đó cũng là lý do mà đi taxi ở Paris là đắt đỏ, và nhờ thế, Uber đã ra đời. Tôi đã xem thử giá Uber, đi 10 km vào trung tâm Paris thì hết khoảng 15 euro (khoảng hơn 400.000 VND), nếu đi chung (share) thì khoảng 10 euro, cũng là mức cao so với chi phí di chuyển ở Việt Nam. Nếu muốn chi phí rẻ hơn, bạn nên học cách đi phương tiện giao thông công cộng, thuê xe đạp…

Khu chúng tôi ở cách trung tâm Paris khoảng 10 km về phía nam. Khu này không sầm uất, thời trang như khu trung tâm mà bình dị hơn, chủ yếu là các căn nhà dân. Homestay chúng tôi ở là của một người Việt, không rõ là chị ấy sở hữu hay thuê lại rồi làm dịch vụ homestay, nhưng tôi thấy đây đúng là một căn nhà cổ kiểu Châu Âu. Trông căn nhà như trong truyện cổ tích, với tường gạch, tầng cao và dàn hoa, cây leo ngoài tường rào.

Xe của nhóm chị Nguyên, chị Nguyệt, chị Diệp đã đến trước. Họ đang ở bên trong homestay rồi. Do chúng tôi tới sớm, căn của chúng tôi thuê vẫn đang dọn dẹp, nên chúng tôi phải để tạm vali ở nhà kho rồi lên đường đi chơi luôn. Tôi cất vali vào kho – đó là một gara nhỏ, nhiều đồ đạc linh tinh, mở vali lấy thêm áo mặc. Trước khi đi Pháp, tôi đã nghe kể những chuyện cướp giật, móc túi ở đây nên cũng đề cao cảnh giác. Tôi mua dây đeo cổ điện thoại nhưng khi lấy ra định dùng lại không thấy hợp lý, nên chỉ mang túi đeo chéo kèm túi máy ảnh thôi. Hộ chiếu, thẻ VISA, ví, điện thoại tôi sẽ để hết ở túi đeo chéo đeo trước ngực, như vậy sẽ đảo bảo an toàn, không ai lấy được.

Chúng tôi ra ngoài, lên xe của anh Tuấn – người lái xe chính của chúng tôi ở Paris, để đi chơi. Lúc này, người anh lái xe Tesla đã về, anh ấy chỉ hỗ trợ anh Tuấn đón chúng tôi từ sân bay thôi, vì nhiều vali to, cồng kềnh, một xe không chở được. Xe anh Tuấn là xe 5 chỗ mở rộng, chúng tôi có 5 người, thêm tài xế là 6 người nên ngồi hơi chật. Tôi nhường các chị ngồi trên, một mình ngồi ở hàng ghế mở rộng ở cuối, để chân hơi khó, cũng không nhìn được nhiều ở cửa sổ nhưng cũng không vấn đề gì cả. Chúng tôi bắt đầu di chuyển về phía trung tâm, các chị tò mò với mọi thứ mới mẻ ở Paris, cứ hỏi anh Tuấn hoa này là hoa gì, cây kia là cây gì, ông anh chỉ cười trừ vì không biết.

Trên đường đi vào trung tâm, chúng tôi đi qua một khu vực có nhiều hoa anh đào. Đây là địa điểm cũng được ghi trong lịch trình, lẽ ra sáng mai mới đi, nhưng mai chúng tôi phải trả phòng homestay, đi ra ga gửi hành lý, rồi đến Louvre sớm nữa, nên nếu mai mới đi qua khu vực hoa anh đào này thì sẽ bị muộn.

Chúng tôi tranh thủ xuống chụp ảnh cùng hoa anh đào. Trong khi các chị tạo dáng và chụp ảnh cho nhau, tôi chụp vài bức ảnh cảnh vật, đường phố. Mọi thứ trước mắt tôi: nhà cửa, đường phố, xe cộ… – tất cả đều mới lạ và khiến tôi thích thú.

Khi đi bộ sang đường, chúng tôi đã nhận ra “quyền năng” của người đi bộ. Đa số những đoạn có vạch kẻ đường cho người đi bộ đều có đèn tín hiệu, cứ đèn xanh mà đi thì 100% xe cộ đều dừng lại, không ai dám vượt đèn đỏ, hay dừng đỗ đè lên vạch kẻ cho người đi bộ cả. Thế nhưng ở vài con đường nhỏ nhỏ vẫn có đôi chỗ sang đường cho người đi bộ không có đèn. Khi chúng tôi đi qua những đoạn này, nếu có xe đi tới, họ sẽ dừng lại nhường đường, giống như ở Hàn, Thái vậy. Nhưng nếu như ở Hàn, Thái thì việc nhường giống như là ý thức của mỗi người, có người nhường, người không, dù đa số là nhường; thì ở Pháp này giống như luật bất thành văn, 100% đều nhường cả.

Dĩ nhiên ở những chỗ không có đèn tín hiệu mà xe đi qua tấp nập, chúng tôi cũng không lao bừa xuống đường mà đợi lúc vãn xe thì mới sang. Có lúc, dòng xe thấy chúng tôi mấp mé ở vỉa hè, chưa dám bước xuống, họ đã dừng để nhường cho chúng tôi đi rồi. Như thường lệ, tôi cúi đầu cảm ơn, không biết họ có thấy kỳ cục không, vì sau này khi ở đây lâu lâu, tôi thấy người đi bộ cứ đi sang đường, các phương tiện tự động nhường, họ không có giao tiếp gì với nhau cả, người đi bộ cứ thế đi thẳng vì họ đã quá quen với điều đó.

Trên xe vào trung tâm, tôi nhìn thấy phố phường Paris. Có những khu nhà mới, cũng có những khu nhà cũ. Có nhà đẹp, có nhà xấu. Paris không phải chỗ nào cũng có những ngôi nhà đều tăm tắp, cổ kính, thời trang.

Paris cũng như bao thành phố khác, là nơi sinh sống của con người, có xấu, có đẹp. Đừng thần thánh hóa Paris, ảo mộng về Paris để rồi khi đọc những tin tức về Paris, rằng Paris có nhiều rác, thì lại chê Paris thảm hại, bảo là vỡ mộng, không nhơ trên phim ảnh…

Riêng tôi, tôi nhìn Paris như một thành phố có đầy đủ hai mặt của một đô thị: Có xấu, có đẹp; có giàu, có nghèo; có đường phố rộng rãi nhưng cũng có tắc đường; có những ngôi nhà ngăn nắp nhưng cũng có những bức tường cũ đầy graffiti… Về độ trong sạch thì bầu không khí ở Paris cũng rất trong lành vì phương tiện công cộng ở đây toàn là xe điện, người dân cũng đi nhiều xe đạp, ô tô cá nhân tuy nhiều nhưng cũng một số lượng lớn trong đó là xe điện. Đường phố có rác không? Có. Thế nhưng đường phố ở Paris không hề bẩn, thậm chí tôi còn thấy sạch sẽ hơn ở New York – qua vlog của Fahoka đi New York. Để mà so sánh độ sạch sẽ thì Paris chắc chắn không bằng Singapore, hay Tokyo (tôi chưa đi Tokyo) nhưng chắc chắn hơn những thành phố ở Việt Nam, hơn cả Seoul nữa, nên mọi người đọc tin tức không nên sớm buông lời chê bai Paris khi chưa đến đây.

Trên đường đi, tôi cũng thấy nhiều người vô gia cư nhưng ngại chụp, chỉ chụp lén một hai bức ảnh từ trên ô tô làm tư liệu thôi.

Tắc đường ở trung tâm Paris không thua kém gì Hà Nội cả. Khi đến đường Voie Georges Pompidou dọc theo sông Seine, tôi đã nhìn thấy tháp Eiffel – biểu tượng của Paris. Đây cũng là điểm đến đầu tiên của chúng tôi. Anh Tuấn chở chúng tôi đến một khu ở dưới chân tháp, thả chúng tôi ở đó để chúng tôi tự do đi chơi, khám phá.

Chúng tôi đi dạo ở dưới chân tháp Eiffel, bắt gặp cảnh những người bán hàng rong bắt chuyện, mời chào. Tôi đã tìm hiểu và biết được rằng mồi chài, dàn cảnh, lừa đảo, móc túi ở chân tháp Eiffel rất nhiều, nên chúng tôi đều từ chối và đi thẳng. Chúng tôi đi ra cây cầu Léna (Pont d’léna) để chụp ảnh chính diện với tháp Eiffel nhưng lại bị ngược sáng. Đã gần giữa trưa, nắng ở Paris rất gắt. Tôi quên mang mũ nên cứ phải nheo mắt, lấy tay che ánh nắng.

Cầu Léna được khánh thành từ năm 1814, từ đây nhìn xuống sông Seine có thể thấy những chiếc du thuyền tour sông Seine rất đẹp.

Mật độ xe cộ trên cầu rất đông đúc. Tôi cũng bắt gặp một vài chiếc xe cổ ở đây.

Trên cầu có hai vỉa hè rộng rãi cho người đi bộ và du khách đứng tạo dáng chụp ảnh với tháp Eiffel. Lại có người đi qua xin tôi ký vào truyền đơn gì đó nhưng tôi từ chối, tôi cũng đã nghe chuyện bị lừa ký tên, ngay sau khi ký là bị người ta đòi tiền.

Dạo chơi ở trước tháp Eiffel một lúc thì chúng tôi di chuyển ra bến thuyền để đi du thuyền sông Seine. Thú thật, tôi hoàn toàn không muốn đi du thuyền vào giữa trưa như này vì trời đang nắng gắt, tôi cũng không mang theo mũ gì cả. Nếu được, tôi thích đi du thuyền sông Seine vào hoàng hôn, không thì chí ít cũng là vào lúc chiều chiều, khi nắng đỡ gắt hơn. Nhưng vé du thuyền sông Seine sẽ thay đổi theo thời điểm nên chúng tôi quyết định đi vào buổi trưa sẽ rẻ hơn những thời điểm khác.

Trong phim Before Sunset, hai nhân vật chính Jesse và Celine cũng lên một du thuyền, từ đó đi qua những địa điểm nổi tiếng khác nhau. Tôi còn nhớ, khi Celine nhắc đến đường Henry IV (nơi du thuyền đi qua) bằng tiếng Pháp (Ăng-gi Cát-trờ) thì Jesse đã không hiểu, do tiếng Pháp và tiếng Anh đọc quá khác nhau. Qua bộ phim đầy chất thơ của Richard Linklater, tôi đã đưa du thuyền sông Seine vào hoạt động “must try” khi đến Paris. Nhưng khác với trên phim: hai nhân vật cứ thế chạy đến mua vé rồi lên thuyền, thì chúng tôi phải xếp hàng mua vé, mua xong rồi lại đứng chờ khá lâu mới có du thuyền về đến bến để lên. Ban đầu, chúng tôi tính ngồi ở tầng dưới, trong nhà vì nắng quá, nhưng tôi nhận ra du khách toàn lên tầng trên (không có mái), không có ai ngồi trong cả, nên chúng tôi cũng leo lên tầng trên. Chị Nguyên mua cho mỗi người một chiếc bánh mì xúc xích để ăn trưa. Tôi cầm chiếc bánh mì, thấy vướng víu vì khó mà lôi máy ảnh ra chụp được, nên tranh thủ lúc thuyền chưa chạy, đã ăn thật nhanh hết chiếc bánh đó.

Hội chị em ngồi phía bên trên vì sợ say sóng còn tôi chạy xuống dưới ngồi cho rộng rãi. Một lát sau, một nhóm học sinh người Anh đến bao vây lấy tôi. Có lẽ đó là một lớp học đi tham quan ngoại khóa, vì nhóm học sinh nói tiếng Anh đó đều đeo thẻ, có cả các thầy cô giáo làm “bảo mẫu” kiêm “hướng dẫn viên” đi cùng nữa. Ngồi giữa một nhóm học sinh và thầy cô giáo của chúng, tôi thấy khá thú vị, như thể mình cũng là một phần trong số đó. Đám học sinh thì nô đùa, reo hò, đùa giỡn y như tôi hồi nhỏ, đi tham quan với lớp. Thầy cô của đám nhỏ thì giống như trên phim: không quát tháo mà ân cần, đi tới di tích nào là lại thuyết trình về lịch sử nơi đó cho lũ trẻ.

Có một thằng nhóc ngồi cạnh tôi, không chơi cùng lũ bạn, đội hoodie trùm kín mặt, thấy thế, ông thầy giáo của thằng nhóc tới ngồi cạnh hỏi han, bảo sao trông buồn thế các kiểu. Tôi nghĩ rằng mình cũng từng có lúc thế, giữa đám đông, ở một nơi lạ lạ, bỗng cảm thấy đôi chút “down mood” và cô đơn, nhưng không sao cả, tôi lại thích cái cảm xúc đó. Còn thằng nhỏ ngồi cạnh tôi, nó cũng ổn thôi, vì ngay sau đó, khi thuyền chạy, tôi đã thấy sự phấn khởi hằn lên nét mặt của thằng bé.

Từ sông Seine nhìn lên phố phường Paris thật tuyệt đẹp. Nét cổ kính in dấu lên từng tòa nhà, lâu đài, di tích lịch sử… Paris đẹp tới mức mà ngay đến những đứa trẻ người Anh – vốn đã quen với cảnh sắc Châu Âu, cũng phải ồ à, hò reo, chỉ trỏ. Ngồi cùng đám trẻ này rất vui, chúng bàn tán này kia, hò reo, tới chỗ nào có người cũng vẫy chào và hô lớn “bonjour!”. Có lẽ vì sự sôi nổi của lũ trẻ mà những người trên bờ, trên cầu khi chúng tôi đi qua, cũng vẫy tay và chào lại. Một bầu không khí sôi nổi, đáng nhớ.

Những luồng gió mát ở sông Seine đã át đi cái nắng nóng Paris. Chúng tôi đi một vòng, qua tháp Eiffel, qua những gầm cầu, qua những tòa nhà, qua bảo tàng Louvre, qua Nhà thờ Đức Bà Paris và nhiều công trình khác.

Quả thực, du thuyền sông Seine là cách tuyệt vời để tôi nói lời “bonjour” với Paris, bởi qua “hải trình” này, tôi được nhìn tổng quan những tòa nhà, phố phường và những công trình quan trọng của Paris.

Paris – thành phố có truyền thống lâu đời nhất nước Pháp và cũng là một trong những thành phố cổ kính, đẹp nhất Châu Âu, được xây dựng xung quanh dòng chảy của con sông Seine thơ mộng.

Nếu chúng ta để ý thì mỗi một thành phố, một nền văn minh đều được xây dựng bao quanh một dòng sông, và với Paris, thì dòng sông đó chính là sông Seine. Ước tính, ở Paris có 37 cây cầu bắc qua bờ sông Seine, và hai bên bờ sông Seine là nhiều công trình quan trọng.

Cái tên “Paris” bắt nguồn từ đâu? Thuở nhỏ, khi đọc Thần thoại Hy Lạp, tôi đã từng tưởng rằng Paris – tên thành phố của Pháp bắt nguồn từ tên nhân vật Paris thành Troy (còn gọi là Troia – Tơ-roa). Nhưng sau này, tôi mới biết đây là cái tên bắt nguồn từ bộ tộc người Gaul (Gaulois) cổ tên là Parisii. Bộ tộc Parisii đã có từ lâu, trước khi những người Gaulois giao thoa văn hóa với Hy Lạp. Trong tiếng Pháp, Paris được đọc là “Pa-ghi”, cũng khác với Paris đọc trong tiếng Hy Lạp. Có lẽ đây là một sự tình cờ giống nhau, giống như thành phố Nice của Pháp viết giống “nice” trong tiếng Anh.

Trong lịch sử, người Pháp luôn tự hào về Paris – kinh đô ánh sáng và thời kỳ hoàng kim của họ. Tuy nhiên, có một vết nhơ lịch sử với người Pháp, đó là khi họ để cho Phát xít Đức chiếm được Paris. Đến nay, bức ảnh Hitler chụp cùng tháp Eiffel vẫn là một trong những bức ảnh nổi tiếng, và bức ảnh ấy, Hitler đã chụp bên bờ sông Seine.

Sau khi đi một vòng sông Seine, chúng tôi lên bờ và di chuyển sang Khải Hoàn Môn, trong tiếng Pháp là “L’arc de triomphe de l’Étoile”, còn tiếng Anh là “Arce de Triomphe”. Đây là công trình quan trọng được Napoleon Bonaparte – vị hoàng đế lẫy lừng của Pháp xây dựng để mừng những chiến thắng của mình, đặc biệt là sau trận Austerlitz, khi Pháp đã đánh bại liên minh Nga-Áo và dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của Đế quốc La Mã Thần Thánh.

Xuống xe, tôi nhanh chóng tìm WC. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi trải nghiệm đi nhà vệ sinh mất phí ở nơi công cộng tại Châu Âu. Mỗi người tốn 2 Euro (gần 60.000 VND) để đi vệ sinh. Trước chuyến đi, tôi đã được thầy Lê kể chuyện đi vệ sinh ở Châu Âu tốn 2 Euro nên cũng không quá bất ngờ. Dĩ nhiên, nhà vệ sinh mất phí sẽ khác với các nhà vệ sinh công cộng miễn phí ven đường: Sạch sẽ hơn, có nhiều buồng riêng, mở nhạc để “lấy tiếng hát át tiếng bom rơi”, có người xịt thơm khử mùi mỗi khi khách sử dụng buồng vệ sinh xong nữa. Ở nhà vệ sinh này có một anh chàng da màu gốc Phi vừa dọn dẹp, vừa thu tiền, vừa xịt khử mùi, nói chung là luôn tay luôn chân không ngơi nghỉ. Sau đó ít lâu, tôi có dịp trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng miễn phí, tự động cũng ở Paris, và dĩ nhiên, không thể sạch sẽ, tiện nghi bằng.

Ở bên ngoài, người ta để một đoạn đường chính giữa Khải Hoàn Môn không cho xe cộ đi vào, để du khách có thể đứng chụp ảnh. Tôi thấy đây là cách “chiều khách” khá hay của chính quyền thành phố, cũng là cách tốt để quảng bá hình ảnh mà không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Chúng tôi đi dạo một vòng, từ phía góc chụp toàn cảnh, đi xuống hầm để lên phía chân Khải Hoàn Môn. Công trình này nằm chính giữa quảng trường Étoile – nơi giao nhau giữa 12 đại lộ. Nếu như Thế giới có câu nói “mọi con đường đều dẫn đến thành Rome” thì có cảm giác như ở Paris, mọi con đường đều dẫn đến Khải Hoàn Môn.

Trên đường Khải Hoàn Môn có nhiều bức điêu khắc tinh xảo, với các chủ đề về xuất quân, chiến thắng, hòa bình… nhưng tôi không có nhiều am hiểu về kiến trúc, điêu khắc nên cũng chỉ chụp lại một vài góc chứ không tìm hiểu sâu.

Rời khỏi Khải Hoàn Môn, điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Điện Invalides (Hôtel des Invalides; đọc là: Ăng-va-li-đơ). Có một lưu ý nhỏ, nếu bạn đến Pháp mà thấy những địa danh ghi “Hôtel” thì chớ nhầm đó là khách sạn. “Hôtel” ở đây ám chỉ những tòa nhà quan trọng; “Hôtel de ville” chính là “Tòa thị chính”.

Điện Invalides là nơi an nghỉ của Napoleon Bonaparte – vị hoàng đế nổi tiếng nhất của Pháp. Lúc chúng tôi đến Điện Invalides thì trời vẫn còn nắng to. Chúng tôi phải bỏ hành lý qua máy quét như sân bay, với những người lính (hoặc bảo vệ) cao to, lực lưỡng canh gác nghiêm ngặt. Ở Châu Âu thì hầu hết những bảo tàng, di tích lịch sử quan trọng đều phải quét hành lý để đảm bảo an ninh, do Châu Âu là một trong những tâm điểm mà khủng bố nhắm tới.

Được vua Louis XIV xây dựng vào cuối thế kỷ 17, Invalides ban đầu là bệnh viện dành cho các thương bệnh binh của quân đội hoàng gia (Invalides trong tiếng Pháp nghĩa là “thương binh”). Ngày nay, nơi đây trở thành một khu phức hợp: nhà thờ, bảo tàng, lăng mộ và vẫn còn khu vực giữ chức năng bệnh viện quân y.

Xe anh Tuấn chở chúng tôi tới cổng sau của Điện Invalides mà chúng tôi không biết, nên chúng tôi phải đi qua hết cả hành lang dài mới đến khu vực mua vé. Giá vé là 15 Euro/người, cũng không phải là cao nhưng thực ra Điện Invalides không phải địa điểm tôi thích thú cho lắm.

Chúng tôi đi vòng quanh, qua một khu vực bán đồ lưu niệm, rồi cứ lòng vòng tìm đường đến lăng Napoleon. Do chúng tôi vào bằng cổng sau nên việc tìm đường khó khăn, chứ thực ra lăng nằm ở ngay lối vào cổng trước.

Vào trong lăng, chúng tôi đi lòng vòng, tham quan lăng mộ của nhiều nhân vật nổi tiếng, nhưng lại nhầm mộ Joseph Napoleon (anh trai Napoleon Bonaparte) là mộ của Napoleon Bonaparte.

Trong khi đó, đứng trước mộ Napoleon Bonaparte và đi mấy vòng xung quanh, chúng tôi vẫn tự hỏi đây là cái gì, trông giống giống cái quan tài.

Ở trong điện có nhiều mái vòm với kiến trúc rất đẹp.

Cùng với đó, còn có cả khu vực vinh danh những nhân vật chính khách, tướng lĩnh ở Đông Dương. Tôi bước vào đây là đi ra luôn, với người Việt Nam thì những cái tên được vinh danh ở đây chính là kẻ thù. Điều đó không hề thay đổi, dù cho tôi có học ở trường của Pháp, có sang Pháp và có yêu mến nước Pháp – nước Pháp của hiện tại, chứ không phải thực dân Pháp từng đô hộ Việt Nam. 

Ở bên ngoài Điện Invalides còn có những khu vực trưng bày pháo, xe tăng…

Chúng tôi cũng tìm tới bảo tàng Charles De Gaulle, tại đây, chị Nguyệt đã có cuộc nói chuyện với một người đàn ông da màu (gốc Phi) là nhân viên an ninh ở đây. Người đàn ông này rất thân thiện và quý mến chúng tôi. Trong suốt chuyến đi, chị Nguyệt – vốn học khoa Pháp thời đại học, nên trở thành “bộ trưởng bộ ngoại giao”, giúp chúng tôi hỏi đường, hỏi cách mua vé các thứ bằng tiếng Pháp với người bản địa, bởi không phải ai cũng nói tốt tiếng Anh, vả lại, chỉ đường, hướng dẫn bằng ngoại ngữ cũng sẽ khó hơn tiếng mẹ đẻ. Dù là người da trắng hay da màu, họ đều rất thân thiện, nhiệt tình, dễ gần, thân thiện.

Bên trong Bảo tàng Charles De Gaulle có nhiều áp-phích tuyên truyền thời Chiến tranh thế giới. Trông những tấm áp-phích vẽ tay đó, tôi có cảm tưởng như đó chính là “ông tổ” của ngành thiết kế đồ họa mà tôi đang làm việc.

Rời khỏi Điện Invalides, chúng tôi lên đường về homestay.

Trên đường về, chúng tôi ghé qua một siêu thị để mua đồ về ăn tối. Anh Tuấn dẫn chúng tôi tới một siêu thị mà bán nhiều đồ dành cho người Châu Á, nên chúng tôi có thể mua được gia vị nấu lẩu, thịt bò, nấm kim châm, rau… để nấu lẩu. Về homestay là gần hơn 19h nhưng trời vẫn sáng trưng, giống như bầu trời Hàn Quốc mà tôi từng đi năm 2019 vậy. Chúng tôi nhìn thấy trên trời chằng chịt những vệt trắng, có lẽ do máy bay tạo ra, nhưng tôi chưa từng thấy ở đâu cả nên lấy làm thích thú. Những vệt trắng chằng chịt bầu trời, như đuôi của tên lửa hành trình vậy.

Về homestay, chúng tôi thay phiên nhau tắm rửa, nấu nướng. Bữa tối hôm đó, chúng tôi ăn món lẩu tự làm, tuy đơn giản nhưng rất ngon và no bụng.

Ăn uống, dọn dẹp xong là khoảng 9 rưỡi tối. Tôi lên giường, tính xem lại ảnh đã chụp hôm nay nhưng mắt díp hết cả vào, không mở nổi nữa.

Cũng phải, giờ đã là 3 rưỡi sáng ở Việt Nam rồi. Ngày hôm nay, tôi không bị jetlag, không hề mệt mỏi hay buồn ngủ vào ban ngày. Một phần cũng nhờ khoảng thời gian tôi đi chơi (6 giờ sáng-6 giờ tối theo giờ Paris) là 12 giờ trưa-12 giờ đêm theo giờ Việt Nam. Nhưng đến tầm tối này thì đã là rạng sáng ở Việt Nam, tôi đã buồn ngủ, không thể thức thêm được nữa. Vậy là tôi đi ngủ. Đêm hôm đó, tôi đã ngủ rất ngon, giấc ngủ đầu tiên ở Châu Âu, để chuẩn bị cho sáng hôm sau, tôi sẽ đi tới địa điểm “mục tiêu số 1” của mình trong chuyến đi này: Bảo tàng Louvre.

Đọc thêm:

  • Du ký Châu Âu 2024 (Phần 3: Một mình ở Paris: Tham quan bảo tàng Louvre – Đến Cafe de Flore – Thăm Nhà thờ Đức Bà Paris – Đi bộ dọc theo bờ sông Seine)

Bình luận về bài viết này