“Memento”: Triết học Ấn Độ

Memento là một bộ phim đỉnh cao của Christopher Nolan, không chỉ đặc biệt ở cách thể hiện (dựng phim) mà còn ở cách mà bộ phim khiến khán giả phải bối rối. Bộ phim được đề cử 2 Oscar: Dựng phim xuất sắc nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.

Christopher Nolan không phải một đạo diễn,biên kịch “dễ tính”, Christ là một đạo diễn, biên kịch sâu sắc. Mỗi bộ phim của ông đều có lớp lang, ẩn ý nhưng không thực sự rõ ràng. Những bộ phim nhiều tầng ý nghĩa là những bộ phim có thể khiến cho khán giả phải tranh cãi, đoán già đoán non cũng không rõ chính xác điều mình nói là điều tác giả muốn nói hay điều mình nói là mình tự suy ra từ bộ phim. Nhưng rủi thay, chẳng mấy khi các nhà biên kịch lên tiếng. Bạn sút một quả bóng ở thế khó, nó bay vào gôn theo đường vòng cung, người ta có thể nói bạn cố ý sút hình vòng cung nhưng cũng có thể bạn chỉ đơn giản là vung chân ngẫu hứng, nhưng nó đã bay theo đường vòng cung, và đó mới là thứ mọi người thấy. Hay như José Saramago – Tác giả của “Enemy” nổi tiếng hack não: “Tôi không muốn giải thích nội dung tác phẩm, tôi muốn để người xem tự cảm nhận và suy nghĩ”

 Những phân tích bên dưới đây sẽ hoàn toàn do mình tự suy diễn ra từ bộ phim Memento. Có thể bạn sẽ nghĩ nó giống như phân tích văn học hồi học sinh, nhưng chẳng có một nhà phân tích nào là đọc được suy nghĩ của tác giả. Điểm mấu chốt chúng ta không thích phân tích văn học ở trường lớp vì giáo viên áp đặt suy nghĩ, nhưng những phân tích từ báo chí, truyền thông, mạng xã hội hoàn toàn miễn phí, bạn đọc nó, bạn thích nó, bạn đồng ý với nó, hay bạn ghét nó, bạn không đồng ý với nó, đó là quyền của bạn, không có điểm số để trừ.

Đi vào chủ đề chính, sau lần thứ En-nờ xem Memento, mình bỗng chiêm nghiệm được một vài điều thú vị liên quan đến triết học Ấn Độ, cụ thể là về luân hồi.

Hầu hết chúng ta được biết đến luân hồi qua Phật giáo, và không chỉ ở Phật giáo, luân hồi còn là nền tảng chính trong triết học Ấn Độ, đi sâu vào tiềm thức của nhiều tôn giáo xuất phát từ vùng đất này. Luân hồi (trong tiếng Ấn là Samsara) có nghĩa là vòng lặp, nói đơn giản là đa kiếp, với mỗi kiếp ta sẽ sống ở một trạng thái khác nhau, có thể là người, có thể là súc vật, khi chết đi thì sang kiếp mới, cứ thế lặp đi lặp lại.

Vậy thì luân hồi liên quan gì đến Memento? Phải rồi, hãy nhớ lại xem, nhân vật Leonard bị mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn, sau mỗi lần anh ta tỉnh dậy, anh sẽ không còn nhớ gì về những gì xảy ra trước đó. Mỗi lần anh ta tỉnh dậy có một sự tương đồng với đầu thai trong luân hồi: Không nhớ gì về những thứ đã xảy ra, nhưng cuộc sống là kết quả của những gì đã xảy ra trước đó (nghiệp, trong tiếng Ấn là Karma). Leonard giống như một người tin vào luân hồi và nghiệp báo, anh luôn sống và hành động dựa theo thông tin từ những bức ảnh và ghi chép của mình từ những “giai đoạn” trước đó. Anh tin rằng một điều gì đó đã tác động tới anh, để anh ghi lại nó, và nó chắc chắn đúng, sẽ ảnh hưởng tới anh sau này.

Leonard quên hầu như mọi thứ diễn ra kể từ khi anh mắc bệnh, chỉ trừ một điều: “Vợ mình bị giết”. Nhưng liệu điều đó có phải là thực hay không? Liệu Sammy có phải là thực hay không? Dù cho Leonard có nhận ra điều ấy hay không, anh cũng chọn mục đích sống của mình là tìm kiếm kẻ giết người, như một cách để sửa chữa lỗi lầm và hoàn thiện bản thân. Sâu thẳm trong Leonard biết điều đó, nhưng Leonard bị mắc chứng mất trí nhớ, anh không chắc chắn. Nhưng dù chỉ nghĩ về khả năng ấy, dù chỉ thoáng qua ai đó nói với Leonard như điều Teddy nói, Leonard vẫn nghi ngờ và cảm thấy tội lỗi. Vì vậy ở một giả thuyết khác, trí óc đã bắt Leonard chọn cho mình một phương án: hư cấu lên câu chuyện của Sammy và việc vợ bị tấn công rồi tìm kiếm tên giết người để trả thù. Đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho người khác, trả thù, đó là cách Leonardo cho rằng có thể sửa chữa lỗi lầm, hay chí ít là đầu óc Leonardo nghĩ vậy. Việc làm của Leonard cũng tương tự như khi chúng ta gặp một chuyện kinh khủng, chúng ta lại nói rằng “Đen thôi, đỏ quên đi”, hay “Chắc là do định mệnh”, cụ thể hơn là cho rằng đó là “nghiệp” từ kiếp trước. Và rồi chúng ta chọn một cách làm nào đó để giải quyết “nghiệp”, để sửa chữa sai lầm.

Nhưng

mỗi hành động của chúng ta lại tạo ra một “nghiệp” mới. Dù là tốt hay xấu. Nó giống như việc sau mỗi lần giết một người mà Leonardo cho rằng đó là John G., Leonardo lại quên chuyện đó, và tìm kiếm một kẻ mới, gán cho hắn cái biệt danh John G. để giết.

Tồi tệ hơn nữa, điều gì sẽ xảy ra khi vào một khoảnh khắc trong cuộc đời, chúng ta bỗng trả hết nợ? Chúng ta bỗng dưng tan biến khỏi thế gian này để siêu thoát? Ngay khi đang sống? Không, lịch sử nhân loại chưa cho thấy ai tan biến như vậy cả, và chúng ta sẽ vẫn sống ở đây. Khi đó, chỉ cần ta nhúc nhích một ngón tay, hay hít thở một cái, nghiệp mới sẽ lại tạo ra. Đó cũng là cái cách Leonardo sau mỗi lần giết chết một John G. mà anh cho là hung thủ, anh chẳng nhớ gì, tiếp tục sống và lại tìm kiếm một John G. khác. Tâm trí Leonardo không muốn thừa nhận việc mình đã giết được John G. vì đó là mục đích sống của anh, giết được John G. rồi, anh sẽ không còn mục đích sống nào khác, và đó là điều mà tâm trí không muốn. Bởi vậy với Leonardo, một vòng tuần hoàn lại tiếp tục.

Dù cho bạn có tin vào luân hồi, nghiệp báo hay không nữa, thì theo như những gì tôi thấy, có vẻ như Christ không hoàn toàn tin tin vào điều đó. Cuộc sống đơn giản là cuộc sống, và nó sẽ cứ tiếp diễn. Bạn muốn hoàn thiện bản thân hay sửa chữa sai lầm, muốn trả hết nghiệp để được siêu thoát, đó là mục đích sống của bạn, nhưng nó sẽ không bao giờ dừng lại, giống như Leonardo không bao giờ ngừng tìm kiếm John G.

Cuối cùng thì, cũng như những bản thể nhỏ bé sống trong vòng luân hồi, Leonardo sẽ luôn tự hỏi một câu hỏi, đó cũng là câu thoại cuối cùng mà Christopher Nolan đặt vào phút cuối để khép lại bộ phim: “Giờ thì, tôi đang ở đâu?”

Người viết: ĐA-ĐA

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s