[Teaser] Vương quyền trắng – ĐÊM MÁU

“Vương quyền trắng” là tác phẩm fantasy bối cảnh Đại Việt lấy cảm hứng dựa trên lịch sử do mình đang sáng tác. Đây là tác phẩm sắp tới mình sẽ tập trung xây dựng. Do là tác phẩm fantasy lấy cảm hứng từ lịch sử, mình sẽ cố đưa vào những chi tiết đúng với lịch sử nhất trong tầm hiểu biết của mình (về lễ nghi, cung cách xưng hô, trang phục…) nhưng có thể có những biến chuyển riêng. Đồng thời, do hiểu biết có hạn, và tác phẩm là fantasy nên sẽ có nhiều khác biệt nếu so với đúng lịch sử. Đồng thời, mình có sáng tạo thêm nhiều chi tiết đậm tính fantasy (ví dụ như tượng rồng khổng lồ trước cổng Đoan Môn, cùng các quy ước để tạo thêm phần hấp dẫn).

Đoạn trích dưới đây là “Chương 1: Đêm máu” mở đầu cho tác phẩm “Vương Quyền Trắng”.

Bình minh ló rạng tại Long thành không mang đến một ngày mới tươi vui, mà chỉ làm phơi bày sự chết chóc. Dưới ánh nắng ban mai, những cột khói cao ngút bốc lên từ đống đổ nát của nhà cửa, tường thành. Thây người nằm la liệt khắp nơi. Thây vẫn còn tươi, máu còn chảy lênh láng, nào là quân lính, gia nhân, và vô số dân thường. Dù đã có sự tình gì ở nơi kinh đô của Vương quốc Đại Việt, đó cũng là một đêm ngập trong máu.

Ở chính giữa quảng trường trước cổng Đoan Môn[1], đầu rồng bằng đá đang nằm chỏng chơ trên thềm gạch đổ vỡ. Đầu rồng to bằng cả cổng thành, với đôi mắt uy nghiêm và hàm răng sắc nhọn, vốn là một phần ở bức tượng rồng ở quảng trường. Tượng rồng là biểu tượng của vương quyền nhà vua, nay đầu rồng đã rơi xuống đất, e rằng đức vua cũng đã lâm nguy. Trên quảng trường, thây người ở khắp mọi nơi, nào là lính túc vệ, nào là vệ binh trấn thủ kinh thành, rồi có cả hoạn quan, phi tần, mỹ nữ.

Giữa khung cảnh đổ nát, một đoàn quân cưỡi ngựa, giương cao lá cờ tam giác[2] màu xanh lá. Trên lá cờ bay phấp phới có gia huy hình con đại bàng tung cánh. Đây là gia huy của gia tộc nhà Mạc[3]. Họ cưỡi ngựa đi lại bình tĩnh giữa quảng trường đầy thây người, binh lính vẫn chỉnh tề áo mũ. Dẫn đầu đoàn quân là hai vị tướng mặc giáo trụ, trên vai khoác áo choàng màu xanh lá. Một kẻ già hơn, mặt nhăn, râu quai nón, độ chừng ngoài sáu mươi nhưng vóc dáng to cao, gân guốc, trên tay cầm thanh trường đao. Một kẻ trẻ, chỉ ngoài ba mươi, mặt xăm hình con rắn. Kẻ già hơn là Mạc Dũng – một chiến binh huyền thoại và là người đứng đầu gia tộc nhà Mạc. Còn kẻ trẻ hơn là con trai cả của lão, Mạc Danh.  Hai vị tướng đi qua quảng trường, Mạc Danh liếc xuống chiếc đầu rồng, cười nhếch mép:

“Xem chừng sau biến loạn đêm qua, đầu rồng đã rụng xuống.”

Mạc Dũng ghé sát vào Mạc Danh, nói thì thầm:

“Tình hình thế nào rồi?”

Mạc Danh đáp lại:

“Lê Chiếu Tông[4] đã chết.”

“Còn những kẻ khác?” – Mạc Dũng hỏi, vẫn với giọng thì thầm.

Mạc Danh nói với giọng có vẻ né tránh:

“Phần lớn đã chết rồi ạ.”

Mạc Dũng gằn giọng, vẻ không hài lòng:

“Phần lớn?”

Mạc Danh cười, xoa dịu cha:

“Chỉ còn một vài con chuột vẫn đang trốn chui trốn lủi thôi, cha. Con sẽ sớm cho người tìm và diệt bằng sạch. Đức ngài[5] không cần phải lo lắng.”

Mạc Dũng cố nén nụ cười, dù gắng gượng để không lộ ra ngoài vẫn không che giấu được vẻ phớn phở thấy rõ.

Đoàn quân mang cờ màu xanh lá có gia huy hình con đại bàng đi vào cửa chính giữa Đoan Môn, vốn là cửa mà chỉ có vua và lính ngự mới được đi vào bằng cửa ấy.

***

Chưa đầy một ngày trước, Long thành vẫn bình an như biết bao ngày khác. Đường phố nơi kinh kỳ vẫn đông đúc, tấp nập. Trước cổng Đoan Môn, tượng rồng vẫn chễm chệ, uy nghi. Quân lính hoàng tộc, túc vệ và vệ binh trấn thủ thành vẫn đi lại, canh gác nghiêm ngặt.

Ở mạn nam so với Hoàng thành có một vương phủ. Trên cổng có treo lá cờ màu vàng nghệ, có hình rùa vàng ngậm bảo kiếm. Đây là gia kỳ và gia huy của hoàng tộc nhà Lê. Xưa kia, tiên đế Lê Thái Tổ[6], tức vua Lê Lượng – thủ lĩnh nghĩa quân Lâm Sơn, đã đánh đuổi giặc Đại Ngô ở phương Bắc, giành lại độc lập cho Đại Việt. Lê Lượng lên ngôi, lấy đế hiệu là Lê Thái Tổ. Kể từ đó, gia tộc nhà Lê trở thành hoàng tộc, trị vì nước Đại Việt, đến nay là đời thứ sáu, vua Lê Chiếu Tông nắm quyền.

Kể từ sau khi Đại Việt giành lại được độc lập, Lê Lượng lên ngôi vua, quyền lực triều đình dần phân chia vào các đại gia tộc. Quyền lực cao nhất vẫn thuộc về hoàng tộc nhà Lê, nhưng kể từ ba đời vua gần đây thì hoàng tộc đã suy yếu, nhất là sau đời vua Lê Dực Tông[7] ăn chơi chác táng, người đời coi khinh gọi là “vua lợn”. Lê Dực Tông do ăn chơi, đánh tô thuế nặng nề để có tiền xây đền đài, cung điện, nên bị các đại gia tộc cùng đại thần cùng nhau phế truất, đưa cháu ruột là Lê Chiếu Tông lên thay. Lê Chiếu Tông lên làm vua nhưng khi đó còn quá nhỏ, chỉ là vua bù nhìn bị các phe phái đại thần giật dây. Đến nay, Lê Chiếu Tông dù đã trưởng thành nhưng thực quyền gần như đã chẳng còn là bao, phải dựa vào các vương trong hoàng tộc cùng những đại gia tộc trung thành để giữ ngai vàng.

Trong số những đại gia tộc ở triều đình, có hai đại gia tộc lớn mạnh nhất. Một là gia tộc nhà Mạc, do tả tướng quốc Mạc Dũng lãnh đạo. Gia tộc nhà Mạc đã làm quan từ thời nhà Trần, trước cả khi Lê Lượng lên làm vua. Trong số những dòng tộc quan lại nơi kinh thành, gia tộc nhà Mạc là một trong những gia tộc lâu đời nhất, bề thế nhất, và hiện nay là gia tộc quyền lực nhất. Đối đầu với gia tộc nhà Mạc là gia tộc nhà Nguyễn Phúc. Gia tộc Nguyễn Phúc xuất thân là những người sống ở khu vực rừng núi ở Thanh Hoa. Trong cuộc khởi nghĩa Lâm Sơn do Lê Lượng lãnh đạo, gia tộc nhà Nguyễn Phúc đã tới hội quân, tham gia khởi nghĩa, là một trong những gia tộc chủ chốt. Cuộc chiến thắng lợi, Lê Lượng lên ngôi vua, gia tộc nhà Nguyễn Phúc được vua phong cho nhiều tước hiệu, đến nay trở thành một trong hai gia tộc mạnh nhất nơi kinh thành. Đứng đầu gia tộc nhà Nguyễn Phúc là Nguyễn Phúc Kim, giữ chức hữu tướng quốc, cũng là người có quyền hành tối cao ngang với Mạc Dũng, chỉ đứng sau vua.

Bên cạnh hai đại gia tộc quyền lực nhất bấy giờ ở kinh thành là Mạc và Nguyễn Phúc, trong triều đình còn một số đại gia tộc quyền uy khác có thể kể đến như gia tộc nhà Trần – vốn là công thần của cựu hoàng tộc nhà Trần từng làm vua trước đây, sau chiến thắng giặc Thát được vua ban cho dùng họ của vua. Gia tộc nhà Trần kiểm soát khu vực Hải Ấp ven biển. Gia tộc nhà Đinh – gia tộc công thần trong khởi nghĩa Lâm Sơn; cũng là họ hàng xa của cựu hoàng tộc nhà Đinh của vua Đinh Tiên Hoàng Đế – vị vua đầu tiên lập ra nước Đại Việt. Gia tộc nhà Đinh kiểm soát cố đô Hoa Lư và vùng núi Tràng An. Gia tộc nhà Phạm gốc gác Xứ Nghệ, là gia tộc có truyền thống làm quan văn, nổi tiếng hay chữ.

Mỗi gia tộc trong nhóm ngũ đại đều có bề dày lịch sử, với những truyền thống văn hóa riêng biệt, được đúc kết bởi chỉ một chữ, là tôn chỉ cho cả gia tộc. Gia tộc nhà Lê lấy chữ “quốc”, làm tôn chỉ, tức là truyền thống yêu nước, phục vụ quốc gia. Chính Lê Lượng – vị vua lập ra gia tộc nhà Lê đã đặt chữ “quốc” làm tôn chỉ cho cả gia tộc từ thời mới lãnh đạo Lâm Sơn.

Gia tộc nhà Mạc lại lấy chữ “gia”, tức là gia đình, gia tộc. Với nhà Mạc, sự đoàn kết nội tộc là quan trọng nhất. Anh em trong nhà thì luôn phải đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và không bao giờ bỏ rơi nhau trong hoạn nạn. Chính truyền thống đó đã giúp gia tộc nhà Mạc tự bảo vệ mình để tồn tại qua thời bị Đại Ngô chiếm đóng.

Gia tộc Nguyễn Phúc lựa chọn chữ “trung”, tức trung thành, làm tôn chỉ gia tộc từ khi mới tham gia phò tá Lê Lượng. Khi đó, gia tộc Nguyễn Phúc suýt bị Đại Ngô tuyệt diệt, nhờ được Lê Lượng cùng nghĩa quân Lâm Sơn đến cứu, nên mới duy trì được dòng tộc và thịnh vượng như ngày nay. Bởi vậy, gia tộc Nguyễn Phúc luôn cho rằng mình mang mối nợ ngàn đời với gia tộc nhà Lê, và chữ “trung” thể hiện tinh thần, khí chất của gia tộc, không chỉ trung thành với gia tộc nhà Lê, mà còn là sự trung thành của lính với chủ, của những người trong gia tộc với trưởng gia tộc.

Gia tộc nhà Trần thì có chữ “dũng”, được họ đặt ra khi cùng vua Trần chống giặc Thát hùng mạnh, khi đó giặc Thát đã xâm lược cả Đại Ngô và đem quân xuống phía nam hòng xâm lược Đại Việt.

Gia tộc nhà Đinh lấy chữ “nghĩa” làm tôn chỉ gia tộc. Nguyên khi xưa, vua Đinh có thể dẹp Loạn mười hai sứ quân cũng là nhờ ông là người trọng nghĩa khí, được các đồng minh tin tưởng, nên đã thu phục được không ít tướng tài, nhiều người trong đó là lãnh đạo các nghĩa quân khác. Từ đó đến nay, dù đã không còn là hoàng tộc từ lâu, nhưng gia tộc nhà Đinh vẫn lấy chữ “nghĩa” làm tôn chỉ, đối xử tốt với những gia tộc bạn bè, thân thiết với gia tộc mình.

Gia tộc nhà Phạm nổi tiếng về truyền thống học giỏi, làm quan văn, một phần lý do bởi họ lấy chữ “học” làm tôn chỉ gia tộc.

Ở mỗi gia tộc, tôn chỉ lại được ghi lại theo mỗi hình thức khác nhau. Nhà Lê từ khi lên làm hoàng tộc thì khắc ghi chữ “quốc” lên biển tấm bằng vàng. Gia tộc nhà Mạc khắc ghi chữ “gia” lên biển tấm bằng đồng, rồi sơn son thiếp vàng, trông cũng sang trọng và quyền thế không kém. Gia tộc Nguyễn Phúc mộc mạc hơn, khắc ghi chữ “trung” lên biển tấm bằng gỗ hoàng đàn, xung quanh chạm trổ nhiều chi tiết hoa văn tinh xảo. Gia tộc nhà Đinh khắc chữ “nghĩa” lên đá khối nhẵn nhụi. Gia tộc nhà Trần viết chữ “trung” lên một tấm biển lớn đan bằng sợi tre như những thúng đánh cá. Còn gia tộc nhà Phạm với truyền thống hiếu học viết chữ “học” bằng mực nho lên vải đỏ. Tất cả các tôn chỉ đều được các đại gia tộc ghim lên chính giữa tiền đường, tạo vẻ trang nghiêm và truyền thống.

Ngoài ngũ đại gia tộc lớn mạnh phục vụ triều đình bên trên, còn có những gia tộc khác, tiêu biểu nhất là gia tộc người Mường họ Vũ, ở khu vực rừng núi Tây Bắc. Tuy là đại gia tộc nổi tiếng toàn Đại Việt nhưng gia tộc họ Vũ không tham gia triều chính mà tự xưng chúa, cai quản một vùng rộng lớn đất Tây Bắc, thần phục triều đình nhà Lê.

Như vậy, ở triều đình thì Mạc, Nguyễn Phúc, Trần, Đinh, Phạm được xem là ngũ đại gia tộc lúc bấy giờ, không tính hoàng tộc nhà Lê. Tuy nhiên, quyền lực và sức mạnh quân sự của gia tộc nhà Mạc và Nguyễn Phúc là vượt trội hơn hẳn, được xem là hai trụ cột triều đình.

***

Cánh cổng vương phủ mở ra, làm lay động bông hoa dại mọc trên nóc cổng. Có hai đứa trẻ bước ra từ bên trong, một đứa chừng sáu tuổi, một đứa chừng mười ba, chạy ra ngoài. Chúng vừa chạy vừa nô đùa, tới mức gia nhân phải lớn tiếng:

“Hai cậu đừng nô đùa nữa!”

Tiếng mắng đủ để khiến hai đứa nhỏ phải sợ mà ngừng nô đùa, cũng vừa đủ tôn trọng của kẻ bề dưới với bề trên, dù cho kẻ bề trên chỉ là hai đứa trẻ.

Đứa lớn hơn là Lê Lân, đứa nhỏ hơn là Lê Nghê. Cả hai là con của Lê Phụng –  em trai của vua Lê Chiếu Tông. Giờ là đầu giờ chiều, cả hai trên đường đến Quốc Tử giám đi học.

Đang mải nô đùa thì bị gia nhân quát, hai đứa trẻ khựng lại, nhìn người lớn. Lê Nghê bỗng nhìn thấy một đứa trẻ, cao hơn nó một cái đầu, đang ngồi vắt vẻo ở tường thành vương phủ. Thằng nhóc bỗng rùng mình khi nó nhận ra đứa trẻ mà nó nhìn thấy không hề có mặt, mũi. Toàn bộ khuôn mặt chỉ là một khoảng trắng vô tận. Nó dụi mắt, như không tin vào mắt mình, đến khi mở mắt ra, thì đã không còn thấy đứa trẻ vô diện đâu nữa.

Chiều hôm ấy, Nghê chẳng thể nào tập trung. Trong đầu nó vẫn nghĩ đến hình ảnh đứa trẻ vô diện, mà nó chắc chắn đã nhìn thấy, không phải là ảo giác. Đương tẩn ngẩn, thằng nhóc bị thầy giáo quất một cái vào tay. Đau điếng, nó giật mình, đầu óc trở lại thực tại.

Thầy giáo đã đứng trước mặt nó, nghiêm nghị:

“Trò Nghê, câu đầu trong Bình Ngô Đại Cáo là gì?”

Bị hỏi bất ngờ, Nghê cứng họng. Nó vừa được học câu đầu trong bài cáo lừng lẫy từ thời vua Lê Thánh Tổ đánh đuổi giặc Đại Ngô. Vốn chẳng phải đứa giỏi văn, vậy mà giờ bị hỏi bất ngờ, nó chỉ có thể ấp a ấp úng:

“Việc… việc…”

Thằng nhóc cố nặn ra trong đầu nó những gì mà nó nhớ.

“việc tốt… cốt ở…”

Thầy giáo khẽ chau mày. Nghê hiểu rằng nó đã nói sai, nhưng dù sao nó cũng không nhớ, nó nhắm mắt, cố nói hết câu:

“Việc tốt cốt ở yên tâm.”

Cả lớp cười ồ. Thằng nhóc đỏ mặt vì ngượng, trong khi thầy giáo đỏ mặt vì tức giận.

“Xòe tay ra!”

Thầy giáo quát. Nghê sợ, nhắm mắt lại, xòe tay ra trước. Thầy giáo cầm thước gỗ, phát vào tay nó cái đau điếng.

“Việc tốt này!”

“Yên tâm này!”

Hai từ sai, hai phát đánh, phát nào phát đấy đau điếng, đỏ cả tay thằng bé.

Thầy giáo đánh xong, chắp tay sau lưng, quay đi.

“Ai trong lớp có thể đọc lại câu đầu của Bình Ngô Đại Cáo?”

Cả lớp đang cười khúc khích bỗng im bặt. Lũ trẻ mà, thường không nhớ những thứ thơ văn được học, chứ đừng nói đến một bài cáo từ hàng trăm năm trước.

Nhưng giữa đám đông, một cánh tay giơ lên. Thầy giáo quay lại, nhìn thấy duy nhất một cánh tay giơ quyết đoán, trơ trọi giữa cả lớp.

“Trò Lân, mời trò.”

Lân đứng dậy. Thằng bé đọc to, rõ ràng, với giọng đầy tự tin và tự hào:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Như nước Việt ta từ trước – vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia – Phong tục Việt – Ngô cũng khác…”

Lân đang định đọc tiếp thì thầy giáo ra hiệu ngừng lại. Thầy giáo khen thằng bé hết lời. Lân ngồi xuống, đầy tự hào. Thực ra, nó đã thuộc cả bài thơ từ đầu năm học. Vốn là đứa trẻ mang ý chí của bậc vương giả, Lân không chỉ chăm đọc sách, mà còn siêng năng luyện võ. Tiên đế Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Ngô chính là thần tượng của nó. Bởi vậy, bất cứ cái gì liên quan đến Lê Thái Tổ và thời kỳ đánh đuổi giặc Ngô, thì nó đều nhớ cả.

Thầy giáo nhìn ra ngoài cửa sổ, trời đã về xế chiều, bèn cho lũ trẻ ra về. Lũ trẻ hò reo, ùa ra khỏi bậc thềm Quốc Tử giám. Quốc Tử giám là trường học hoàng gia, được xây dựng từ triều nhà Lý, khi xưa chỉ được dùng để dạy học cho con cháu trong hoàng tộc nhưng đến thời nhà Trần, Quốc Tử giám mở rộng cho cả con cái của các đại gia tộc, con cái quan lại đều có thể theo học tại đây. Đến triều nhà Lê vẫn giữ lễ đó, thành ra con cháu của cả hoàng tộc nhà Lê lẫn ngũ đại gia tộc đều học cùng những lớp học tại Quốc Tử giám. Buổi học hôm nay vắng mấy đứa trẻ nhà Mạc nhưng chẳng ai nhận ra sự vắng mặt đó.

Vừa về đến vương phủ, hai đứa trẻ đã ríu rít như cặp chim non. Chính nhờ hai đứa trẻ mà vương phủ vui hẳn lên, không như ở những phủ khác chỉ toàn ngập trong bầu không khí uy quyền lặng thinh. Vương gia Lê Phụng mặc bộ áo lụa màu cam nhạt, dang rộng vòng tay đón hai đứa con trai vào lòng.

“Hai cậu quý tử của ta, hôm nay các con đi học thế nào?” – Lê Phụng hỏi với giọng trìu mến.

Hai đứa trẻ tranh nhau kể lại chuyện đi học. Khi biết Nghê trả lời sai rằng “việc tốt cốt ở yên dân”, Lê Phụng không mắng mà cười vang, nói rằng trẻ con chưa biết cũng khó trách. Khi nghe Lân khoe đọc vanh vách được những câu cáo, Lê Phụng khen con giỏi, mai sau sẽ trở thành một đại quan triều đình.

Sau khi được khen, Lân nói:

“Cha à, hôm nay là Tết hàn thực, tối ngoài phố có hội, cha cho hai anh em con đi chơi nhé.”

Lê Phụng xoa đầu con mà nói:

“Được thôi, vậy tối nay mẹ sẽ dẫn hai đứa ra phố chơi.”

Đúng lúc đó, từ ngoài cửa có khách bước vào. Vị khách là một tướng quân khoác áo choàng trắng, bên cạnh có hai vệ sĩ đi theo.

Lê Phụng thả hai đứa trẻ xuống, bảo rằng:

“Giờ cha có chút việc. Các con chạy chơi đi. Tối nhớ ăn no rồi mới đi đấy.”

Nghê đáp lại:

“Nhưng tối ngoài phố bán bánh trôi, bánh chay, ăn no sao còn ăn được tiếp ạ?”

Lê Phụng cười:

“Cũng phải. Vậy tối các con ăn lót dạ rồi ra phố ăn thêm. Ta sẽ cho người theo hầu. Vậy nhé.”

Hai đứa trẻ khoanh tay cúi đầu chào cha, rồi chạy ùa ra vườn.

Vị tướng quân áo trắng bảo hai vệ sĩ đứng lại, rồi bước vào trong nhà.

“Kính chào Phụng vương!” – Vị tướng quân áo trắng nói.

Lê Phụng đáp lại:

“Kính chào đô úy Nguyễn Phúc Hoàng.”

Sau khi chào hỏi, cả hai cùng nhau ra vườn bàn chuyện đại sự. Cả hai đi tản bộ trong trang viên, không có lính đi theo cùng. Nhìn mặt cả hai đều có vẻ căng thẳng.

“Điều ông nói là thật sao?” Lê Phụng cất tiếng hỏi.

Nguyễn Phúc Hoàng gật đầu quả quyết:

“Chính tai mắt của cha tôi đã báo tin về, không thể sai được.”

Lê Phụng lắc đầu:

“Ta không tin Mạc Dũng dám làm chuyện tày trời đó. Dù cho giờ đây sức khỏe đức ngài thuyên giảm, không còn minh mẫn, quyền uy cũng không được như xưa, thì đức ngài vẫn đang còn đó. Lời hứa năm xưa của Lâm Sơn đâu phải trò đùa? Một khi có kẻ nào dám động đến hoàng tộc, các đại gia tộc phải cùng nhau chống lại kẻ đó. Nhà Mạc dù có quyền uy đến mấy, cũng không thể một mình chống lại các đại gia tộc, phải vậy không?”

Vị tướng quân thở dài:

“Cha tôi cũng nói như vậy. Ông cũng quả quyết rằng một khi ông còn đó, thì Mạc Dũng sẽ không dám làm gì.”

Lê Phụng gật đầu:

“Tướng quốc Nguyễn Phúc Kim quả là bậc trung thần. Lúc này đây, khi gia tộc nhà Mạc nổi lên, thì chỉ có gia tộc nhà Nguyễn Phúc mới có thể bảo vệ hoàng tộc khỏi mối nguy này. Ta hoàn toàn tin tưởng vào gia tộc các vị.”

Nguyễn Phúc Hoàng xua tay:

“Ngài nói vậy tôi nào dám nhận. Gia tộc nhà Nguyễn Phúc có được như ngày hôm nay, cũng đều nhờ khi xưa được tiên đế Lê Thánh Tổ dẫn dắt, đánh đuổi giặc Đại Ngô phương Bắc. Cũng nhờ đó, nước Đại Việt ta mới được như ngày hôm nay. Gia tộc nhà Nguyễn Phúc chúng tôi thề rằng tuyệt đối trung thành với hoàng tộc nhà Lê, dù có thế nào chăng nữa. Nhưng…”

Nguyễn Phúc Hoàng ngừng lại một lúc, rồi nói:

“Một khi nhà Mạc làm phản, nhà Nguyễn Phúc chúng tôi sẽ bảo vệ hoàng tộc nhà Lê, đồng thời hiệu triệu các đại gia tộc cùng nhau chống lại nhà Mạc. Nếu thực sự nhà Mạc làm phản, đức ông phải nhanh chóng đưa tất cả gia đình đến thủ phủ nhà Nguyễn Phúc. Chỉ có ở đó, đức ông mới an toàn. Cả các hoàng thân quốc thích khác cũng vậy. Tuy nhiên, tôi không thể nói điều đó với họ, e rằng sẽ bị cho là có mưu đồ, thêm nữa, có thể bứt dây động rừng nhà Mạc. Vậy, kính mong đức ông giúp tôi nói với các vị hoàng thân quốc thích khác, chuẩn bị sẵn sàng đề phòng chuyện xấu xảy ra.”

Lê Phụng mặt đăm chiêu, gật đầu:

“Được. Theo lời đô úy, ta sẽ báo với các anh em khác trong nhà.”

Nguyễn Phúc Hoàng khoanh tay:

“Giờ đã đến lúc tôi phải đi, xin phép đức ông.”

Lê Phụng gật đầu chào:

“Tạm biệt đô úy.”

Ngay khi Nguyễn Phúc Hoàng ra về, Lê Phụng liền cho gia nhân đi vời gọi các vương, hoàng thân quốc thích khác đến dự tiệc hàn thực. Rõ ràng đó chỉ là cái cớ để hiệu triệu các nhân vật quan trọng trong hoàng tộc nhà Lê đến phủ. Các vương, hoàng thân quốc thích đều hiểu ý, tối hôm ấy có mặt đông đủ. Lê Phụng cho gia nhân bày bánh trái, trà nước lên bàn rồi cho lui hết, chỉ còn lại các vương, hoàng thân quốc thích. Cánh cửa khép lại, bên ngoài chẳng thể nghe được những câu chuyện bên trong.

***

Cùng thời điểm đó, ở ngoài đường phố đang diễn ra hội Tết hàn thực náo nhiệt. Đèn lồng treo dọc theo những con đường nhỏ, luồn lách bên trong Long thành. Bên dưới đường, người người đông đúc. Hai bên đường là những hàng quán, hàng bán bánh trôi, bánh chay, hàng bán tò he, rồi đủ các loại bánh trái, trang sức, đồ chơi khác. Người người diêm dúa áo váy, kẻ sang thì mặc giao lĩnh, đội nón quai thao, người dân thường thì mặc áo tứ thân, đội nón lá, ai nấy cũng đều cố mặc đẹp nhất để ra phố chơi vào những dịp này. Long thành là nơi kinh kỳ, kẻ chợ, nổi tiếng với 36 phố phường buôn bán tấp nập. Nơi đây quy tụ đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, lại là đất dưới chân thiên tử, ngày thường đã đông đúc, tấp nập, đến dịp hội hè lại càng náo nhiệt hơn. Trên đường phố huyên náo tiếng nói chuyện, hòa cùng tiếng rao vặt, cùng với tiếng nhạc dân ca quan họ ai đó hát chơi hai bên đường.

Hai anh em Lân và Nghê nắm tay mẹ đi chơi hội, đi theo sau có hai vệ sĩ cao lớn.

“Mẹ, cho con mua cái này đi!” – Nghê níu tay mẹ, chỉ vào hàng tò he, nơi có những con tò he ngộ nghĩ đầy sắc màu.

Mẹ của hai đứa, Trần Vân Nương, cúi xuống hàng tò he, rồi quay sang con hỏi:

“Con thích tò he nào? Con trâu, con ngựa, con voi, hay con rồng?”

Nghê vẫn đang ngắm nghía, chưa biết chọn con nào thì Lân đã với tay, cầm tò he con rồng cầm lên. Thấy thế, Trần Vân Nương chau mày mắng:

“Sao con tự tiện như vậy, Lân?”

Người bán hàng là một ông cụ già, đội nón lá đã rách. Cụ già nhìn thấy vị phu nhân mặc áo lụa, đeo tràng ngọc, lại có vệ sĩ đi cùng, biết là gia đình quyền quý nên chỉ cười và nói:

“Không sao đâu thưa bà.”

Trần Vân Nương cúi đầu tạ lỗi, rồi lấy tiền trong túi đưa cho cụ già.

“Nghê, chọn đi rồi chúng ta đi.”

Sau một hồi chọn lựa, cuối cùng, Nghê chọn hình con trâu. Cả gia đình lại hòa vào đám đông náo nhiệt.

Nghê đang thích thú trên tay con tò hè, không để ý đến mọi thứ xung quanh thì bỗng thằng nhóc buông tay mẹ lúc nào không hay. Vừa mới ngoảnh lên, nó đã mắc kẹt giữa đám đông, không nhận ra mẹ, anh và hai vệ sĩ là ai trong đám đông đó. Thằng nhóc ráo riết nhìn xung quanh, bất thần, nhìn thấy ở bên đường một hình bóng. Đó là đứa trẻ vô diện mà nó đã nhìn thấy lúc trưa. Dù không có mặt, đứa trẻ vô diện đứng đó như nhìn chằm chằm Nghê, khiến thằng nhóc vô cùng kinh hãi.

Đúng lúc ấy, một bàn tay đặt lên vai Nghê. Nghê giật mình quay lại, là mẹ và anh trai. Thằng nhóc chỉ trực khóc òa vì vui mừng. Nó quay lại nhìn, đứa trẻ vô diện vẫn đứng ở đó nhìn nó chằm chằm. Nghê níu tay mẹ:

“Mẹ, mẹ ơi, con sợ.” – Nó rền rỉ.

Trần Vân Nương vỗ về cậu quý tử nhỏ bé:

“Có chuyện gì vậy Nghê nhi? Cái gì khiến con sợ?”

Nghê chỉ tay về phía đứa trẻ vô diện:

“Kia kìa mẹ. Nó. Là nó.”

Trần Vân Nương nhìn theo, ngạc nhiên hỏi:

“Ai cơ?”

Nghê nói:

“Nó, mặc chiếc áo choàng rách đó. Mẹ thấy không, mặt nó trắng xóa, không có mắt mũi miệng.”

Trần Vân Nương nhìn lại một lần nữa, rồi quay xuống đứa bé:

“Làm gì có ai mặc áo choàng rách đâu?”

Nghê rùng mình. Nó quay sang cầu cứu anh nó. Lân nhìn, rồi nói:

“Anh cũng có thấy ai đâu. Ở đó chỉ có một cái cây thôi mà.”

Trần Vân Nương hỏi hai vệ sĩ, hai vệ sĩ cũng lắc đầu. Nghê cảm thấy thật quái dị khi đứa trẻ vô diện rõ ràng vẫn đứng ở kia mà không ai nhìn thấy.

Đám đông gần đó bỗng trở nên ồn ào. Có tiếng la hét phát ra. Trần Vân Nương thấy vậy, bảo vệ sĩ dắt hai đứa trẻ, cùng nhau chạy đến xem có chuyện gì. Đám đông đang vây quanh một người gia nhân bị thương, máu me đầy mình. Trần Vân Nương nhận ra đó là một gia nhân của hoàng tộc nhà Lê. Bà tiến tới, một tay giữ vết thương cho gia nhân, gặng hỏi:

“Có chuyện gì xảy ra vậy?”

Gia nhân cố nói:

“Thích… thích khách…”

Rồi vì vết thương quá nặng, người gia nhân tắt thở. Đám đông bàn tán xôn xao. Trần Vân Nương cảm thấy có điềm không lành, kéo hai đứa con ra khỏi đám đông, dặn vệ sĩ đi theo sát bảo vệ.

***

Trong vương phủ của Lê Phụng, cuộc họp của các vị vương, hoàng thân quốc thích vẫn chưa kết thúc. Họ đóng kín cửa, thắp nến bập bùng bên trong phòng. Ở ngoài, bốn tay lính cận vệ đứng canh. Tay trưởng cận vệ vương phủ là Tiểu Tuất đi qua, kiểm tra mấy tay lính canh, rồi lại đi ra ngoài. Cứ một lát, Tiểu Tuất lại đi kiểm tra một lượt. Tiểu Tuất vốn từng là túc vệ, giữ chức võ úy, nhưng vì ăn nói lỗ mãng, xúc phạm một vị quan trên nên bị đuổi. Thấy gã mạnh khỏe, giỏi võ nghệ, thật thà, Lê Phụng đã đưa về làm cận vệ trong nhà, cắt cử làm trưởng đội cận vệ. Từ đó đến nay, Tiểu Tuất chưa một chút xơ xảy, vào giai đoạn căng thẳng như này lại càng không.

Gã luôn mang bên mình một cây đại đao, đi vòng quanh phủ tuần một mình. Khi đi đến gần khu vực nhà kho, linh tính thế nào khiến gã bỗng dừng lại, đứng yên như pho tượng trong bóng tối để quan sát. Từ bóng tối này, gã nhìn sang bóng tối kia, và cảm thấy trong bóng tối có một luồng sát khí lạnh toát. Gã cảm nhận được dù chỉ một cử động khe khẽ trong bóng tối. Đó có thể là một con mèo, hay một con cú, nhưng sát khí lạnh toát kia thì chắc chắn phải là con người.

Tiểu Tuất nín lặng quan sát, gã nhìn thấy đôi mắt sáng rực trong bóng tối. Khi chắc chắn rằng trong bóng tối là một kẻ ăn đêm, Tiểu Tuất quyết định âm thầm rút lui. Gã định chạy đi báo tin cho các cận vệ khác nhưng có vẻ đã không kịp. Ngay khi gã vừa quay đi, gã bỗng thấy trời tối sầm. Gã nhìn lên trời, một điều kỳ quái đang diễn ra: mặt trăng đang bị nuốt chửng và ánh trăng phát ra màu đỏ như máu.

Cùng lúc ấy, từ trong bóng tối có phi tiêu phi ra. Phi tiêu đâm xuyên qua đèn lồng, khiến tất cả đèn lồng trong vương phủ tắt phụt. Không có ánh trăng, chẳng còn đèn lồng, vương phủ giờ tối thui, lính cận vệ hoảng loạn.

Từ trong bóng tối, những kẻ ăn đêm lặng lẽ phi ra. Điều Tiểu Tuất lo lắng đã trở thành sự thật. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi, trốn chui trốn lủi trong bóng tối, chỉ chờ cơ hội để đồng loạt lao ra. Chúng là những sát thủ chuyên nghiệp, có tổ chức, có chiến thuật chứ không phải chỉ là thích khách xoàng.

“Tất cả cẩn thận, có thích khách!”

Tiểu Tuất hét lên một tiếng lớn vang vọng toàn vương phủ, rồi đánh lửa châm đuốc. Một tay gã cầm đuốc, một tay tuốt đại đao ra khỏi bao, lao vào kẻ địch. Dưới ánh đuốc nhập nhoạng, gã có thể nhìn thấy những sát thủ mặc áo giáp bó sát màu đen. Tất cả bọn chúng đều trùm kín đầu và đeo mặt nạ cú bằng sắt. Vũ khí chúng sử dụng là một cặp câu liêm. Tiểu Tuất lao vào, dùng đại đao áp đảo câu liêm. Với võ nghệ và sức mạnh của Tiểu Tuất, một chọi một với một tên sát thủ mặt nạ cú là thừa sức, nhưng chúng rất đỗi khôn ngoan, không đánh trực diện mà vờn Tiểu Tuất. Chúng vừa đánh vừa chạy, rồi sử dụng chiến thuật ba đánh một khiến Tiểu Tuất không biết nên đuổi theo ai.

Trong lúc Tiểu Tuất đang bị giữ chân, đám sát thủ ở khắp nơi trong vương phủ đã giết chết lính cận vệ một cách dễ dàng. Tiếng la hét đau đớn vang lên ở khắp nơi. Tiểu Tuất biết rằng vương phủ đang lâm nguy, và đám sát thủ chỉ đang cố giữ chân mình, bèn cầm đại đao chém đại, mở đường máu tiến về căn phòng nơi các vương đang ở. Trên đường đi, gã gặp kẻ nào chém kẻ đấy, đã có vài ba tên sát thủ trúng đao, máu văng tung tóe, kẻ chết tại chỗ, kẻ bị thương rút lui. Dẫu vậy, đám sát thủ bịt mặt vẫn đông nhung nhúc như đàn muỗi vo ve, dù có đập đến mấy cũng chẳng thể chết hết.

Khi Tiểu Tuất đến phòng nơi các vương đang làm việc, cận vệ đã bị giết sạch. Cửa phòng mở toang, bên trong tối om. Tiểu Tuất cầm đuốc, thận trọng bước vào trong. Bên trong la liệt xác chết. Những cái xác mặc áo gấm, mặt nhuốm máu, mắt mở trừng trừng. Có cả xác của một vài tên sát thủ.

Đang quan sát, Tiểu Tuất thấy có động đằng sau lưng. Một nhát kiếm bổ xuống. Nhanh như cắt, Tiểu Tuất xoay mình, dùng đại đao đỡ lại. Tiếng đao kiếm đụng nhau vang lên chát chúa.

“Đức ông?” Tiểu Tuất thốt lên.

Lê Phụng người nhuốm máu, thu kiếm lại khi nhận ra gia nhân của mình.

“Đức ông có sao không?” Tiểu Tuất hỏi.

Lê Phụng lắc đầu:

“Ta không sao. Chỉ bị thương ngoài da. Máu này không phải của ta.”

Lê Phụng nhìn một lượt các anh em ruột thịt, họ hàng, cắn răng:

“Lũ khốn, chúng đã giết hết bọn họ.”

Lê Phụng giật mình, quay lại nói với Tiểu Tuất:

“Vân Nương và hai đứa trẻ! Nguy rồi, theo ta tìm bọn họ mau!”

Rồi Lê Phụng dẫn Tiểu Tuất lao ra ngoài. Cả hai vừa lao ra ngoài thì phi tiêu từ bốn phương tám hướng bay đến như châu chấu. Tiểu Tuất vung đại đao, đỡ được phi tiêu nhưng Lê Phụng đã bị trúng. Ông gục xuống, trước lúc ngã quỵ, ông nói với Lê Phụng:

“Tìm họ trên phố… đưa ra bến thuyền…”

Nói xong, Lê Phụng ngã gục. Tiểu Tuất kìm nước mắt, chỉ biết vâng mệnh mà cầm đại đao lao ra ngoài, gặp kẻ nào chém kẻ đấy, cứ vậy lao ra cửa vương phủ để đi tìm ba mẹ con chủ nhân.

Trên phố, tình hình cũng trở nên náo loạn khi mặt trăng bị nuốt mất. Bầu trời tối om, gió nổi lên, nhân dân cho rằng điềm chẳng lành cũng hoảng hốt, kéo nhau bỏ chạy. Rồi lại đến những tiếng la ó thất thanh, tiếng gươm đao vang vọng ở các vương phủ. Từ trong hoàng thành, một ngọn lửa sáng rực bùng lên, cứ vậy thiêu đốt cả đền đài cung điện. Đám lính tráng nháo nhác, không biết có chuyện gì xảy ra, cứ chạy ngược chạy xuôi, chạy vào, chạy ra hoàng thành.

Từ cổng đông của Long thành, một toán loạn binh kéo vào. Nhìn cách chúng ăn mặc thì biết là đám giặc cướp, nhưng chúng cưỡi ngựa lao vào như không hề nể sợ binh lính triều đình. Chúng đi tới đâu, giết người, đốt nhà đến đó. Máu văng tung tóe, lửa thiêu sáng rực cả Long thành.

Trần Vân Nương dắt díu hai đứa trẻ chạy. Hai vệ sĩ vừa bảo vệ chủ nhân, vừa đi theo.

“Mẹ, có chuyện gì xảy ra vậy mẹ?” Nghê sợ hãi, hỏi. Trần Vân Nương không trả lời, chỉ kéo tay hai đứa con chạy về vương phủ.

Về đến cổng vương phủ, thấy bên trong im ắng, tối om, cổng mở toang, Trần Vân Nương cảm thấy có điềm chẳng lành. Hai vệ sĩ bỗng kêu lên thất thanh. Cả hai đã bị trúng phi tiêu và ngã gục. Trên tường thành, năm tên sát thủ từ trong bóng tối nhảy xuống. Mặt nạ cú bằng sắt của chúng nghiêng nghiêng nhìn ba mẹ con với vẻ muốn ăn tươi nuốt sống. Chúng cầm đôi câu liêm, bao vây ba mẹ con Trần Vân Nương.

Lân thấy bị bao vây, liền nhặt kiếm của vệ sĩ, lao vào đám sát thủ.

“Lân!”

Trần Vân Nương hốt hoảng lao theo đứa con, nhưng đã không kịp. Tên sát thủ cầm câu liêm gạt một cái, Lân văng kiếm, ngã chỏng vó. Một tên khác bổ nhào vào xiên. Trần Vân Nương lao vào đỡ, bị câu liêm xiên xuyên qua ngực. Trần Vân Nương thốt lên đau đớn.

“Mẹ!” – Cả Lân và Nghê đồng thanh hét lên. Tên sát thủ rút câu liêm ra, máu từ ngực Trần Vân Nương bắn ra tung tóe. Nàng gục xuống.

Lân lao vào đỡ mẹ. Nghê cũng định chạy lại đỡ mẹ cùng anh, nhưng nó chợt nhận ra đứa trẻ vô diện đang đứng ngay cạnh mình. Dường như quên hết mọi thứ, quên cả đám sát thủ, cả việc mẹ bị đâm, Nghê rùng mình, quay sang đứa trẻ vô diện. Thằng nhóc cảm nhận được bầu không khí nặng nề, chết chóc đến ngạt thở đang đè nặng lên mình. Cứ như có một con ác quỷ hút máu, đang đặt tay lên vai và kề răng sát cổ, phả hơi nóng vào sau gáy. Nghê chết lặng, không nói được gì.

Bỗng đứa trẻ vô diện cất tiếng nói. Nó không có mồm, tiếng nói như vang ra từ hư vô, đi thẳng vào tiềm thức của Nghê:

“Ngươi có thể nhìn thấy ta sao?”

Nghê sợ hãi, mặt cắt không còn giọt máu.

“Hahaha.”

Tiếng cười man rợ của đứa trẻ vô diện khiến Nghê càng thêm sợ hãi.

“Thật thú vị.”

Đúng lúc đó, một tên sát thủ cầm câu liêm lao vào chém Nghê. Đứa trẻ vô diện quay mặt ra, nhìn một cái, tên sát thủ bỗng bị xé xác, như thể bị hàng ngàn con dao phay dóc thịt từ trong ra. Máu bắn ra tung tóe từ người hắn. Thịt xương vỡ vụn, tên sát thủ bỗng nát bét, chỉ còn là một đống bầy nhầy trên mặt đất. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, chỉ trong tích tắc khiến ai nấy đều kinh hoàng.

Nhân lúc tên sát thủ không chú ý, Lân với sự căm thù tột đỉnh, cầm kiếm chém tên sát thủ đã đâm mẹ mình. Một nhát chém lên, tên sát thủ nhận ra hắn vừa mất bàn tay. Nhưng chưa kịp định thần, Lân lại nhảy lên chém một phát nữa. Lần này, Lân nhắm thẳng mặt tên sát thủ. Mặt nạ cú bằng sắt đứt làm đôi, máu bắn ra tung tóe. Tên sát thủ ngã gục, giãy đành đạch. Thấy cảnh tượng kinh hoàng xảy đến với hai tên sát thủ, ba tên còn lại sợ hãi, thoái lui.

Lân buông kiếm, chạy lại ôm mẹ. Trần Vân Nương bị thương rất nặng, máu chảy đẫm áo. Nàng thở thoi thóp. Từ phía cổng thành, Tiểu Tuất chạy đến. Trông thấy cảnh tượng trước mắt, Tiểu Tuất biết rằng mình đã đến muộn. Gã quỳ xuống bên cạnh phu nhân. Trần Vân Nương nhìn Tiểu Tuất, gắng gượng để nói:

“Giúp ta… đưa lũ trẻ đến… Bạch Vân quán.”

Tiểu Tuất cắn răng gật đầu.

Lân nắm tay mẹ, nước mắt chảy ròng ròng. Người nó dính đầy máu, cả máu của tên sát thủ lẫn máu của mẹ. Trần Vân Nương nhìn con, cố với tay, xoa đầu. Nàng mỉm cười hiền dịu:

“Không sao đâu, Lân… Con phải chăm sóc thật tốt… cho em con. Nhé?”

Lân mếu máo, gật đầu lia lịa.

“Hứa với mẹ đi.”

Lân nắm chặt tay mẹ, nói:

“Con hứa, con hứa.”

Trần Vân Nương xoa đầu con trai, nói:

“Ngoan lắm.”

Rồi nàng trút hơi thở cuối cùng. Tay nàng buông thõng.

Lân đau đớn ôm mẹ vào lòng, khóc nưng nức. Chứng kiến cảnh đó, Tiểu Tuất cũng rơi nước mắt.

“Cậu hai đâu?” – Tiểu Tuất hỏi, ngỡ ngàng khi không thấy Nghê ở bên mẹ lúc lâm chung. Gã ngoảnh lên thì thấy Nghê đang đứng một mình như người mất hồn ở bãi đất trống, bên cạnh cái xác tanh bành, đỏ ngòm thịt xương lẫn lộn.

Nghê bỗng ngã gục xuống. Thấy vậy, Tiểu Tuất chạy qua xem thì thấy Nghê đang giãy giụa. Thằng nhóc trợn tròn mắt, miệng sủi bọt mép.

“Cậu hai! Cậu hai!” – Tiểu Tuất hốt hoảng. “Có chuyện gì vậy?”

Lân đặt mẹ xuống đất, không quên cởi áo, lót cho mẹ gối đầu lên. Thằng bé chạy tới chỗ em, nói:

“Nghê lên cơn động kinh rồi.”

“Cái gì?” – Tiểu Tuất hỏi lại. “Động kinh?”

“Phải. Bệnh từ nhỏ của nó.” – Lân trả lời. “Chú mau giữ tay chân em nó lại mau.”

Tiểu Tuất nghe theo, giữ tay chân Nghê để thằng nhóc không co giật nữa. Lân chạy lại, lấy khăn chít trên đầu nhét vào miệng em, buộc ra đằng sau.

Có tiếng ồn ào huyên náo từ bên trong phủ. Tiểu Tuất bế thốc Nghê lên, nhặt đại đao, quay sang Lân nói:

“Cậu cả, cậu chạy theo ngay sau tôi nhé.”

Lân nhìn lại về phía mẹ:

“Còn mẹ ta?”

Tiểu Tuất nói:

“Không còn cách nào khác, chúng ta buộc phải để đức bà ở đây thôi. Nếu chúng đuổi theo chúng ta sẽ chết mất.”

Lân gạt đi nước mắt, gật đầu. Thằng bé quỳ trước mẹ, lạy ba lạy rồi đứng dậy, đi về phía Tiểu Tuất.

Ba người tháo chạy giữa cảnh loạn lạc khắp cả kinh thành. Đám giặc cướp chém giết lính tráng, người dân. Tường lán, mái nhà, tường thành cháy sáng rực. Nhớ lời vương dặn, Tiểu Tuất dẫn hai cậu chủ chạy đến bến đò. Khi chạy ngang qua quảng trường trước cổng Đoan Môn, họ chứng kiến cảnh bọn giặc cướp hò nhau, ở dưới dùng dây kéo, ở trên trèo lên lưng tượng rồng đá, ra sức bổ vào cổ để đầu rồng rụng xuống.

Tiểu Tuất cắn răng:

“Loạn. Loạn thật rồi.”

Cả ba kéo nhau chạy qua mà không ngó lại. Vừa chạy qua quảng trường thì đầu rồng sập xuống, kêu ầm một tiếng lớn như tiếng trời sập. Đám giặc cướp hò reo ăn mừng ầm ĩ.

Tiểu Tuất bế Nghê, dẫn Lân chạy đến bến thuyền. Ở đó có con đò nhỏ chờ sẵn. Họ leo xuống đò. Người lái đò quay đầu ra ngoài sông. Chưa xa bờ được bao nhiêu thì một đám lính cưỡi ngựa phi đến. Trong bóng tối, thật khó có thể nhìn rõ chúng nhưng cái cách chúng đứng đội hình đều tăm tắp, lại có cờ và cung tên thì không phải đám giặc cướp. Chúng giương cung lên, bắn về phía con đò.

“Cẩn thận!” Tiểu Tuất hét lên, đẩy Lân và Nghê nằm rạp xuống đò, còn gã cầm đại đao khua đỡ tên. Tên bắn ra như châu chấu, cắm xuyên qua mái đò, một phần lớn rơi xuống sông như người ta ném nắm cát xuống mặt nước. Người lái đò bị trúng tên, chết ngay tức khắc. Con đò cứ thế trôi dần ra xa. Khi đám lính trên bờ tạm nghỉ thay tên, Tiểu Tuất vội cầm mái chèo, đẩy con đò ra xa thật nhanh. Đám lính lại bắn tiếp đợt tên thứ hai, nhưng con thuyền đã ra xa nên chủ yếu rơi xuống nước. Tiểu Tuất đang chèo đò, không đỡ được nên bị trúng tên ngay bắp đùi. Gã nhăn mặt, cầm tên rút ra. Do mũi tên cắm vào đùi nên rút ra sẽ không bị tràn máu, nhưng gã cũng cảm thấy rất đau. Khi con đò đã ra tít ngoài sông và cảm thấy an toàn, gã mới xé áo, quấn quanh đùi và vết thương để cầm máu. Gã ngồi bệt xuống đò, thở hồng hộc.

Lân từ bên trong lán đò chui ra, hỏi:

“Chú không sao chứ?”

Tiểu Tuất lắc đầu:

“Tôi không sao. Chỉ là vết thương ngoài da thôi.”

Nói vậy chứ gã cũng chưa bị thương nặng bao giờ. Dù từng là lính túc vệ, trước đây gã chưa từng chiến đấu thực sự, chỉ là các trận thao tập hoặc ẩu đả với mấy tay lính khác. Trận chiến đêm nay như một cơn ác mộng với gã. Gã đã được luyện tập suốt bao năm nay để đương đầu với tình huống này, mà còn cảm thấy kinh hãi, huống gì lũ trẻ như Lân và Nghê. Ấy vậy mà Lân có vẻ vẫn rất bình tĩnh, Tiểu Tuất biết rằng trong thằng bé có tố chất của một chiến binh.

“Cậu hai sao rồi hả cậu cả?” – Tiểu Tuất hỏi.

Lân nhìn vào trong lán, nơi em đang nằm ngủ. Lân đáp:

“Không sao rồi. Thằng bé đang ngủ. Chắc nó mệt quá.”

Tiểu Tuất thở phào nhẹ nhõn.

Nguyệt thực đã qua, mặt trăng lại ló rạng trên bầu trời. Con thuyền xuôi dòng đi dần xa khỏi Long thành đang cháy ngùn ngụt trong đêm tối.

<Còn tiếp>

———————————————-

[1] Cửa chính Hoàng thành Thăng Long

[2] Cờ tam giác là gia kỳ của các đại gia tộc, cờ chữ nhật là quốc kỳ đất nước. Trong truyện, mỗi gia tộc sẽ có gia kỳ, gia huy, quân đội riêng.

[3] Quy ước: Để gọi các đại gia tộc sẽ gọi là “gia tộc nhà…” thay vì dùng “họ…” bởi cùng một họ nhưng có nhiều gia tộc khác nhau. Để gọi một triều đại sẽ gọi là “triều nhà…”. Ví dụ: “gia tộc nhà Mạc”, “triều nhà Lê”.

[4] Vua Lê Chiếu Tông: tên thật là Lê Hoàng (phỏng theo vua Lê Chiêu Tông)

[5] Đức Ngài, Đức Vua là danh xưng bề tôi gọi vua.

[6] Vua Lê Thái Tổ: tên thật là Lê Lượng (phỏng theo vua Lê Thái Tổ – Lê Lợi)

[7] Vua Lê Dực Tông: tên thật là Lê Tương Dực (phỏng theo vua Lê Tương Dực)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s