[Review] Flee – Hành trình nước mắt

Là một bộ phim hoạt hình của Đan Mạch, Flee được đề cử đến 3 giải Oscar ở 3 thể loại: Phim hoạt hình xuất sắc nhất, phim tài liệu xuất sắc nhất và phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Vậy là ta có thể hình dung ra đây là một bộ phim tài liệu nước ngoài (không nói tiếng Anh) và được thực hiện dưới dạng hoạt hình. Vậy điều gì làm nên sự xuất sắc của bộ phim hoạt hình tài liệu xứ Đan Mạch này?

Flee dựa trên câu chuyện có thật của Amin (tên nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ danh tính) trong hành trình trốn chạy từ Afghanistan tới “miền đất hứa”. Chúng ta còn nhớ, vào đầu năm 2021, một sự kiện chấn động tình hình chính trị thế giới đã xảy ra: Taliban chiếm được Kabul và làm chủ Afghanistan. Trước tình hình đó, rất nhiều người đã tháo chạy khỏi Afghanistan, họ là những người ủng hộ chính phủ Afghanistan đương nhiệm, những người thân phương tây, những người ủng hộ tự do tôn giáo, ủng hộ nữ quyền và những người không theo tôn giáo của Taliban. Amin cũng là một trong số đó, nhưng tệ hơn: cậu là một người đồng tính. Trong xã hội Afghanistan trước khi Taliban nắm quyền thì người đồng tính đã là một thứ gì đó kỳ lạ, mà chính Amin bộc bạch rằng cậu không hiểu đó là gì và còn nghĩ mình bị bệnh. Sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan, Amin cùng gia đình tị nạn tại Nga, từ đây, cả gia đình cậu cùng tìm kiếm một “miền đất hứa” khác ở Phương Tây.

Flee: An animated film that depicts the Afghan refugee crisis in its true  light

Để tới được “miền đất hứa” chưa xác định đó, những người tị nạn đã phải chịu nhiều gian khổ. Họ phải sống bất hợp pháp ở Nga khi visa hết hạn, bị cảnh sát Nga truy lùng; họ phải bỏ tiền ra cho những kẻ buôn người và đi theo những kẻ buôn người để nhập cư bất hợp pháp vào các nước phương Tây.

Những người chị của Amin là những người đầu tiên trong gia đình lên đường nhập cư bất hợp pháp vào Bắc Âu. Ở chuyến đi này, họ bị nhốt vào container khóa kín, di chuyển theo đường biển vào Thụy Điển. Tình tiết này làm mình nhớ đến vụ việc từng gây chấn động: 39 người Việt nhập cư bất hợp pháp ở Anh bị chết trong container đông lạnh. Điều gì tệ hơn khi bị nhốt trong không gian kín ngột ngạt, hoàn toàn chìm trong bóng tối, bất lực khi tử thần đang dí lưỡi hái lạnh buốt lên gáy, nhưng bạn không thể bỏ chạy, kêu cứu cũng chẳng ai nghe, và những người đồng hành xung quanh đã trở thành những thi thể băng giá từ lúc nào? Đó là cái chết tuyệt vọng và kinh khủng bậc nhất mà một con người phải chịu đựng.

Tại sao con người phải mạo hiểm và chịu đựng những đớn đau đó để tìm tới “miền đất hứa” nào đó? Với những người Việt mất mạng tại Anh, mình nghĩ rằng cuộc sống tại đất nước ta không tệ tới mức phải mạo hiểm tới vậy. Có lẽ họ mong muốn đổi đời nhanh, và đã bị kẻ buôn người hứa hẹn về một tương lai tươi sáng mà không hề biết cái giá phải trả là quá đắt. Nhưng với những người tị nạn như gia đình Amin, họ không còn cách nào khác. Dù biết cái giá phải trả có đắt đến mấy, họ vẫn phải liều mạng. Ở Nga, khi visa đã hết hạn, họ chỉ là những con chuột trốn chui trốn lủi tại khu tị nạn ổ chuột, tránh thật xa khỏi tầm mắt cảnh sát, bởi nếu không có tiền hối lộ họ sẽ bị bắt và tệ hơn nữa có thể bị trả về Afghanistan.

May mắn cho hai người chị của Amin rằng họ không thiệt mạng như những người Việt ở Anh, dù bị bắt và trải qua sang chấn tâm lý nặng nề do tình trạng bị nhốt khủng khiếp, họ vẫn đến được “miền đất hứa” và làm lại cuộc đời tại đây.

Amin cũng theo chân hai người chị. Hành trình gian khổ của Amin, anh trai cùng mẹ trên con tàu vượt đại dương, dưới sóng dữ, bị ngập nước và đủ thứ gian khổ khác tưởng như có kết thúc tốt đẹp, nhưng rút cục họ lại bị bắt và trả về Nga.

Tại đây, gia đình Amin cố tích góp nốt số tiền còn lại, lần này chỉ đủ để Amin ra đi thêm một lần nữa. Cậu được kẻ buôn người tạo giấy tờ giả, dặn dò phải bịa ra một quá khứ đau thương rằng gia đình mình đã chết. Trên hành trình đến sân bay, Amin có một người bạn đồng hành là một chàng trai mà theo mô tả của cậu thì cậu không biết tên, không biết tuổi nhưng có vẻ trưởng thành hơn cậu. Hai người ở bên nhau trong container, cùng nhau vượt qua sự cô đơn và nỗi sợ hãi trong hành trình di chuyển. Có lẽ đây là mối tình đầu của Amin, dù cho cậu đã phát hiện ra giới tính thực của mình từ nhỏ, khi còn ở Afghanistan.

Câu chuyện được kể lại bởi Amin trưởng thành, lúc này đã ở Đan Mạch, ở cùng với một người đàn ông yêu thương cậu. Nhưng có lẽ theo dõi bộ phim, ta sẽ thấy mối tình chóng vánh của Amin cùng chàng trai vô danh kia đẹp hơn, đáng nhớ hơn, và cũng buồn hơn nhiều. Chúng ta còn không biết liệu chàng trai kia có tình cảm với Amin không, hay anh ta chỉ con Amin như một người bạn đồng hành. Tình cảm giữa cả hai vô cùng trong sáng, Amin cũng không nói rằng cậu ta có cảm nắng anh chàng kia không, bởi những tương tác giữa hai người là vô cùng tinh tế. Họ ở bên nhau lúc cô đơn, chia sẻ hơi ấm và hy vọng với nhau. Sau khi hành trình đến sân bay kết thúc, họ đã phải chia xa, một người đến Thụy Sĩ, một người đến Đan Mạch, và rồi từ đó, họ mãi chỉ là hai đường thẳng song song không bao giờ gặp lại nhau nữa.

Là một người tị nạn đã khổ rồi, là một người tị nạn đồng tính lại còn khổ hơn nữa. Amin luôn nghĩ rằng mình bị bệnh và uống thuốc sẽ giúp cậu thành người bình thường. Nhưng Flee khác với The Imitation Game, bởi bộ phim cũng đem tới hy vọng. Gia đình Amin khi biết chuyện đã không hề ngăn cấm, dù cảm thấy lạ lùng, họ vẫn ủng hộ cậu. Khi đến Đan Mạch, bác sĩ đã giải thích với Amin rằng xu hướng tính dục của cậu là hoàn toàn tự nhiên, cậu không cần uống thuốc để trở thành bình thường. Người phỏng vấn cậu (có lẽ là đại diện cho đạo diễn Jonas Poher Rasmussen) cũng coi điều đó là hết sức bình thường. Được ủng hộ và giúp đỡ, Amin dần thành công, ổn định cuộc sống mới, nhưng những ám ảnh và sang chấn tâm lý vẫn còn mãi với cậu.

Có lẽ bởi vậy, mình hình dung cuộc nói chuyện giữa Amin với người phỏng vấn giống một buổi trị liệu tâm lý hơn là phỏng vấn. Tại đây, Amin trải lòng mình, kể ra những câu chuyện và nỗi đau thầm kín trong lòng.

Khi kể lại về việc phải bịa ra cái chết của gia đình mình, Amin đã rất đau lòng. Khi nghĩ đến chuyện đó, nói ra điều đó, dù biết rằng chỉ là 1 câu chuyện bịa đặt để được nhập cảnh, Amin vẫn không thể kìm được nước mắt. Có lẽ đây cũng là nỗi sợ của cậu trong suốt những năm tháng tị nạn, bởi vậy khi kể lại câu chuyện đó, Amin đang kể lại cơn ác mộng tồi tệ nhất cuộc đời mình thay vì một câu chuyện bịa đặt đơn thuần, và bởi vậy, cậu không thể khống chế được cảm xúc.

Một tình tiết giá trị mà mình ấn tượng nữa trong Flee, đó là khi con thuyền vượt đại dương chứa những người nhập cư trái phép gặp du thuyền khổng lồ chở những vị khách du lịch. Đây là sự tương phản rõ nét giữa hai thái cực: một bên là những người nghèo khổ, cùng đường, bị nhồi nhét dưới boong tàu như gia súc, đang cố gắng cam chịu để tìm kiếm một cuộc sống mới; bên còn lại là những người giàu có, sung túc, được hưởng cuộc sống yên bình, thành đạt đang thong dong dạo chơi, khám phá thế giới. Hai dòng người ở hai thái cực trên hành trình của mình đã bắt gặp nhau, một bên ra sức cầu cứu, còn bên kia lại thấy hiếu kỳ với cảnh tượng đó, đứng trên mạn thuyền để quay phim, chụp ảnh như những vị khách tham quan sở thú đang ghi hình lại những con thú trong chuồng. Ở khoảnh khắc đó, Amin đã cảm thấy xấu hổ. Một sự xấu hổ đầy cảm xúc khiến khán giả phải ngậm ngùi.

Flee là một bộ phim tài liệu núp bóng dưới các nhân vật giả tưởng, được thực hiện bởi hình thức hoạt hình, kết hợp với những thước phim phóng sự thực tế. Điều này khiến Flee khác biệt với những phim hoạt hình thông thường. Thực ra mình rất mong muốn Flee được thực hiện dưới dạng live action (phim người đóng), khi đó bộ phim sẽ còn nghệ thuật và xúc động hơn nhiều, và giải thưởng Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar chắc chắn trong tầm tay. Nhưng cách làm phim này có thể là một dụng ý của đạo diễn, hoặc cũng có thể bởi câu chuyện này không dễ để các hãng phim lớn đầu tư, khiến cho ekip làm phim thực hiện dưới dạng hoạt hình mới có đủ kinh phí để thực hiện.

Một điều mà mình đắn đo về Flee, đó là bộ phim dường như có nhiều ác cảm với nước Nga và người Nga, dù cho Nga là quốc gia duy nhất đồng ý cho họ tị nạn vô điều kiện lúc bấy giờ. Trong bối cảnh mà các nước phương Tây đều chĩa mũi giáo về Nga và thường nói về nước Nga, người Nga không mấy thiện cảm trên phim ảnh, liệu rằng Flee có thực sự công tâm, hay mang góc nhìn tiêu cực và hẹp hòi của người Châu Âu với một nước Nga từng là kẻ thù của họ thời chiến tranh Lạnh? Cũng có thể những trải nghiệm của Amin khi còn tị nạn ở Nga quá tệ, giống như những người phải sống ở Đông Âu khi Liên Xô sụp đổ và chuẩn bị tan rã, hay những người từng trải qua thời bao cấp, cuộc cải cách ruộng đất…, họ đã hoàn toàn bất mãn với chính quyền và khi nói về cuộc sống của họ khi đó, họ sẽ chỉ thấy đó là ác mộng. Bỏ qua những khía cạnh chính trị và coi như góc nhìn của Flee là một góc nhìn khách quan từ một người tị nạn từng sống ở Nga, ta có thể thấy sự quan liêu, tham nhũng của những sĩ quan Nga thời đó – điều mà khiến cho người tị nạn vốn đang khốn khổ lại càng khốn khổ thêm.

Flee là bộ phim kể về hành trình nhập cư bất hợp pháp, đi tìm “miền đất hứa” đầy nước mắt của gia đình Amin, nhưng là một câu chuyện kết thúc có hậu. Nhưng những người tị nạn, nhập cư bất hợp pháp trên thế giới còn nhiều gia cảnh khốn khổ hơn Amin rất nhiều. Trong cuộc đào tẩu khỏi Kabul đầu năm 2021, người ta không khỏi sốc khi chứng kiến những người bị rơi từ máy bay khi cố gắng bám vào máy bay cất cánh khỏi nước này. Cảnh tượng như trong bộ phim Adú nhưng Adú có hậu hơn còn những người này thì không. Flee cũng vậy, là một bộ phim có hậu hơn vô số những hoàn cảnh tang thương của những người tị nạn. Nhưng chỉ thế thôi cũng đủ chúng ta – những khán giả đang sống trong hòa bình, ngồi xem phim qua màn hình Macbook, hiểu hơn, cảm thông và rơi nước mắt tiếc thương cho những số phận khốn khổ ngoài xã hội. Flee đã kể một câu chuyện xúc động về hành trình của một người nhập cư bất hợp pháp, và là một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể đen tối của xã hội dưới sự tác động của chủ nghĩa độc tài, bất tự do tôn giáo và chiến tranh – một mặt khác của đồng xu đối lập với cuộc sống yên bình mà chúng ta đang được sống.

One comment

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s